Đời sống cộng đoàn trong đời tu
Đời sống cộng đoàn trong đời tu.
Đời sống cộng đoàn qua dòng lịch sử linh đạo.
Ý nghĩa của đời sống cộng đoàn.
Đời sống cộng đoàn và những thách đố.
Những lợi ích của đời sống cộng đoàn.
Giúp nhau sống tốt đời sống cộng đoàn.
Đời sống cộng đoàn trong đời tu
Khi nhắc đến đời tu, ngoài ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, còn có một yếu tố khác mà chúng ta không thể nào không nói đến: đời sống cộng đoàn. Đây cũng là một vấn đề nhức nhối mà hầu như dòng tu nào cũng trải qua. Chúng ta được mời gọi để hiến dâng cho Chúa trong môi trường của một đời sống chung. Ta và một số người khác, khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá, phong tục, quê quán, nhưng lại được quy tụ với nhau nhờ tiếng gọi của Giêsu, để cùng làm nên một gia đình mới, cùng chia sẻ với nhau nhiều điều. Cứ ngỡ là nó sẽ đẹp như mơ, nhưng những ai sống trong chăn sẽ biết là nơi đó có rất nhiều rận. Vấn đề cộng đoàn luôn là một vấn đề muôn thuở. Cộng đoàn có thể giúp ta nên thánh, cũng có thể biến ta thành quỷ dữ. Cộng đoàn có thể đưa ta lên Thiên Đàng nhưng cũng có thể đày ta xuống hoả ngục. Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn về… Đời sống cộng đoàn huyền nhiệm như thế đấy.
Đâu là các yếu tố làm nên đời sống cộng đoàn theo Tin Mừng? Trước hết, đó chính là sự hiệp nhất, mà Đức Giêsu đã minh hoạ bằng hình ảnh cây nho – thân nho (x.Ga 15,1-17). Các tu sĩ không quy tụ với nhau vì có cùng một sở thích. Các dòng tu không phải là hội chơi tem, hội chơi hoa, hội nhiếp ảnh hay hội cờ tướng. Điều mời gọi, quy tụ và gắn kết các tu sĩ lại với nhau chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu là thân nho, các thành viên trong cộng đoàn là cành nho. Họ cùng bám vào Giêsu để sống, để múc lấy dinh dưỡng cho đời tu của mình. Bởi thế, có thể sẽ có nhiều người chẳng cùng sở thích với nhau, nhưng họ vẫn sống với nhau trong dòng tu và còn xem nhau như anh chị em của mình. Sự hiệp nhất này chỉ có thể là hoa trái của Thánh Thần, do Thánh Thần khơi lên và được nuôi dưỡng bằng Lời và Thánh Thể trong đức tin và ân sủng.
Đời sống cộng đoàn chính là phản ánh của sự hiệp thông Ba Ngôi: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con(Ga 17,20-23). Như Ba Ngôi là một thế nào, các thành viên trong cộng đoàn cũng là một với nhau như thế. Dĩ nhiên, họ không thể là một trên bình diện bản thể như Ba Ngôi, nhưng là một lòng , một ý, một khao khát, một lý tưởng tông đồ. Sống cộng đoàn cũng là một kiểu phản ánh bản chất con người là loài có tương quan, được mời gọi mở ra để đến với người khác, sống trong sự hiệp nhất với họ. Tất cả những điều này đến từ hình ảnh của Ba Ngôi, một cộng đoàn hoàn hảo.
Một cộng đoàn thật thụ thì không có sự phân biệt về phẩm giá, như lời Thánh Phaolo nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,28). Ai cũng là con người, là con Thiên Chúa nên phải được xem là bình đẳng với nhau. Họ có thể có sự khác nhau về tuổi tác, về trình độ, về chức vụ, về công việc, về vai vế, nhưng không bao giờ có chuyện ai đó quý giá hơn người kia. Đây gọi là sự hiệp nhất trong đa đạng. Trong cộng đoàn, mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, tuỳ theo nhiệm vụ mình được giao, nhưng phải luôn có tinh thần phục vụ lẫn nhau (x.Mt 18,1; 20,26-28). Sẽ không còn là cộng đoàn nữa nếu như sống với nhau mà mỗi người cứ lo cho đời sống riêng của mình, chẳng đoái hoài gì đến người khác. Cộng đoàn bao hàm những tương quan được dệt với nhau bằng sự phục vụ, yêu thương, nâng đỡ, bằng không, đó chỉ là một dạng của ký túc xá, nơi người ta chỉ sống gần với nhau, chứ không gắn kết với nhau.
Ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời đại nào, cứ khi con người sống chung với nhau là có những vấn đề nảy sinh giữa họ. Có khi là sự hiểu lầm. Có khi bị những thói đời ảnh hưởng. Cộng đoàn không phải là một cái gì đó cố định, khi đã tồn tại rồi thì tồn tại mãi. Nó cần được xây dựng, được vun đắp mà mỗi người phải góp một tay. Trong cộng đoàn, đôi khi cần có những góp ý, sửa dạy để giúp nhau sống tốt hơn (x.Mt 18,15-17). Việc sửa dạy cũng cần được thực hiện ở những cấp độ khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh. Khi xảy ra những xung đột, cũng cần phải có sự hoà giải và tha thứ (x.Mt 18,22). Lệnh truyền phải “tha đến bảy mươi lần bảy” làm chúng ta liên tưởng đến một con tim vô cùng rộng mở cùng với một sự kiên nhẫn không bờ bến dành cho người anh chị em của mình. Quan trọng hơn hết, nhất thiết trong cộng đoàn phải có đời sống cầu nguyện: cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung. Cộng đoàn là dấu chỉ Thiên Đàng, nơi tất cả mọi sinh linh quy tụ với nhau để ca ngợi Thiên Chúa. Cộng đoàn là nơi “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy”, nên đó là nơi có sự hiện diện của Giêsu. (x.Mt 18,20).
Nhưng cộng đoàn không phải là viện dưỡng lão hay một khu dân cư nào đó, nơi người ta chỉ sống với nhau và cũng nâng đỡ nhau khi cần thiết. Các tu sĩ cũng không tụ họp với nhau chỉ để ăn uống, vui chơi giải trí, tận hưởng cuộc sống an nhàn trong khuôn viên nhà dòng để trốn tránh sự đời. Cộng đoàn dòng tu là nơi các tu sĩ được quy tụ lại với nhau để rồi phân tán nhau vì sứ mạng (x.Mc 3,14; 6,7; x.Lc 10,1). Họ cùng chia sẻ với nhau sứ vụ theo lệnh truyền của Chúa. Sau một khoảng thời gian “đến và ở lại” với Chúa, được Chúa hướng dẫn và dạy dỗ, đến lúc nào đó, họ sẽ phải ra đi khắp nơi, tuỳ theo sứ mạng của mỗi người. Tuy sống xa nhau, và phải chăm lo công việc riêng, nhưng họ vẫn luôn quy hướng về nhau, gắn bó với nhau trong lời cầu nguyện. Sự phân tán không làm ảnh hưởng đến tính hiệp nhất. Trái lại, nó càng làm cho tình hiệp nhất được mặn nồng thêm.
Họ sống được những điều này chính là nhờ có sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh là điểm tựa (x.Lc 24,13-35; 24,31 – 35). Dù có trải qua biết bao sóng gió thăng trầm, thậm chí có khi phải ngã gục, muốn bỏ cuộc như các môn đệ Emmaus, các tu sĩ vẫn luôn tìm thấy được niềm vui và sức mạnh để đứng lên và trở về với cộng đoàn. Chính Đức Giêsu là sức mạnh của họ và sự phục sinh trong Ngài là niềm hy vọng của họ. Đây là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa cộng đoàn dòng tu với những tổ chức xã hội khác. Vì Giêsu, họ đến với nhau, và cũng vì Giêsu, họ phân tán cho sứ mạng. Nhưng cuối cùng, trong Giêsu, họ lại tìm thấy nhau.
Đời sống cộng đoàn qua dòng lịch sử linh đạo
Nhớ lại trong Tân Ước, mỗi khi kêu gọi ai, Đức Giêsu thường tháp nhập họ vào cộng đoàn, hay đúng hơn là một nhóm người. Có những lúc Ngài kêu gọi cá nhân từng người (x.Mt 8,22; 9,9; 19,21; x.Mc 2,14; 10,21; x.Lc 5,27; 9,59; 18,22; x.Ga 1,43) nhưng cũng có lúc kêu gọi vào tập thể (x.Mt 4,18-21; 10,1-38; 16,24; x.Mc 1,20; 6,7; 8,34; x.Lc 9,23). Chunh quanh Đức Giêsu, ta thấy có các nhóm môn đệ, mà lâu nay vẫn được người ta chia theo mức độ “thân thiết” với Ngài. Nhóm thứ nhất được gọi là “nhóm vòng trong”, rất gần gũi với Chúa, gồm có Phêrô, Giacobê và Gioan. Ba người này thường có mặt vào những biến cố quan trọng như lúc Chúa hiển dung (x.Mt 17,1), tại Vườn Dầu (x.Mt 26,37), tiệc ly (x.Ga 13,23-24). Nhóm thứ hai vẫn thường được gọi cách chung là “nhóm Mười Hai” (x.Mt 8,23; 20,24). Nhóm này là nhân chứng và là kiểu mẫu cho đời sống cộng đoàn. Rồi có cả “nhóm phụ nữ” (x.Lc 8,1-2; x.Lc 23,49; x.Mc 15,40-41; x.Ga 19,25). Nhóm này cũng đi theo Chúa và dùng của cải mình để giúp đỡ thầy trò. Họ cũng giữ vai trò loan báo Tin Mừng phục sinh. Ngoài ra cũng có “nhóm bảy mươi hai” (x.Lc 10,1), là nhóm các môn đệ của Chúa. Cuối cùng là đám đông theo Chúa (x.Mt 4,25; 8,1; 12,15), những người từng thọ ơn Chúa hay hâm mộ Chúa. Tất cả những nhóm này đều trải qua cơn thử thách là chính cái chết của Chúa. Có những người mất hết hy vọng (x.Lc 24,13). Có người thì lo sợ, bỏ trốn (x.Ga 20,19). Có nhóm thì tin vào Đức Giêsu phục sinh (x.Lc 24,33-35) trở thành cộng đoàn vượt qua mới (Giáo Hội).
Khi Đức Giêsu bước vào cuộc Thương Khó, các nhóm theo Ngài cũng tan tác. Nhưng sau khi Ngài phục sinh, một luồng sức mạnh mới lại thổi vào trong cộng đoàn nhỏ mười mấy người của Ngài, làm cho nó lớn mạnh thêm. Những ai buồn bã có lại được niềm vui. Những ai từ bỏ lý tưởng lại mau mắn trở về với cộng đoàn. Đặc biệt, nhờ biến cố hiện xuống, với sức mạnh mà Thánh Thần ban cho, các tông đồ lại được hiệp nhất với nhau, họ như được gia tăng thêm sức mạnh để cùng nhau làm chứng cho Đức Kitô đã chết nhưng nay đã sống lại. Chính Chúa Thánh Thần đã hiệp nhất và khai mở mùa hồng ân, ban tự do và đặc sủng cho tất cả mọi người trong cộng đoàn, không chỉ giữa các tông đồ nhưng còn có cả các tín hữu khác nữa (x.1Cv 12-14). Họ bắt đầu sống một lối sống mới, tất cả cùng một lòng một ý với nhau (x.Cv 4,32), chia sẻ với nhau những gì mình có và giúp đỡ những ai túng thiếu theo khả năng của mình (x.Cv 2,44-45). Họ cùng nhau lắng nghe Lời, cùng cầu nguyện, sống thân ái, cử hành bữa tiệc của Chúa (x.Cv 2,42). Đây là một cộng đoàn lý tưởng, là mẫu mực cho các cộng đoàn dòng tu, nhưng tự bản thân nó không phải là dòng tu.
Đời tu bắt đầu với các ẩn sĩ. Họ sống riêng lẻ, tự tu, không muốn dính dáng, đụng chạm hay chung sống với ai nên cũng chẳng có cái gọi là đời sống cộng đoàn. Dấu vết đầu tiên của đời sống chung chỉ dừng lại ở tương quan huấn luyện. Ai muốn trở thành ẩn sĩ, trước hết phải sống với một ẩn sĩ để được người đó hướng dẫn. Khi nào cảm thấy có thể tự mình tu được thì họ tách ra, không sống chung nữa. Ta thấy ví dụ về Pacom. Sau một khoảng thời gian thụ huấn với Palemon, Pacom nhận thấy việc độc tu một mình như vậy không giúp ông tăng trưởng nhân đức. Ông nghĩ đến đời sống chung và bắt đầu tự lập cộng đoàn cho mình.
Các ẩn sĩ dù sống riêng, mỗi người một xà lim nhưng lâu lâu vẫn gặp nhau trao đổi vừa để giúp nhau sinh tồn, vừa để giúp nhau trên đàng thiêng liêng. Họ họp nhau cử thành Thánh Thể, đọc kinh và ăn chung.Dần dần, nhu cầu về một nếp sống cộng đoàn có tổ chức và thường xuyên nảy sinh. Các cộng đoàn trinh nữ được coi là đi tiên phong. Có lẽ do bản chất của phụ nữ luôn muốn ở với nhau, nhưng có lẽ cũng do nhu cầu về sinh tồn, họ sống chung để bảo vệ nhau. Nhưng người ta vẫn thường cho rằng chính Pacom là người đầu tiên khởi xướng việc sống thành cộng đoàn vào thế kỷ 4 ở Ai Cập.
Pacom và đồ đệ định cư ở một ngôi làng hoang. Ông xây ở đó một ngôi nhà thờ. Vào thứ bảy hàng tuần, ông tổ chức lễ bẻ bánh cho mọi người. Chúa Nhật thì có linh mục đến dâng lễ. Khi số thầy tu tăng lên và người ta dần dần kéo đến, bắt đầu xuất hiện tường rào và phép tắt. Rồi dần dần, người ta bắt đầu quan tâm đến việc sống thành cộng đoàn vì thấy được những lợi ích của nó. Cộng đoàn của Pacom rất nhấn mạnh đến kỷ luật. Thánh Basil cũng xem cộng đoàn là thành trì để sống chung đời sống Tin Mừng trong tinh thần huynh đệ để tách khỏi thế gian. Đời sống cộng đoàn từ đó mà hình thành. Trải qua những thăng trầm khác nhau, đời sống tu chung trong một tập thể như thế này vẫn tồn tại, và chưa bao giờ người ta nghĩ đến chuyện huỷ bỏ nó.
Chúng ta có thể thấy nơi dòng lịch sử phát triển linh đạo có hai kiểu cộng đoàn chính yếu: kiểu truyền thống và kiểu tự do. Cộng đoàn theo kiểu truyền thống là kiểu cộng đoàn chú trọng rất nhiều đến các kỷ luật và phép tắt trong nhà. Họ sống tách biệt bao nhiêu có thể với thế giới bên ngoài. Trong xu thế phát triển, cộng với một số nhu cầu của Giáo hội như việc truyền giáo, hình thức cộng đoàn này sớm gặp những khó khăn. Kiểu cộng đoàn tự do có xu hướng thoáng hơn trong việc giữ luật nghiêm ngặt. Dĩ nhiên, các thành viên vẫn phải tuân giữ những quy định, nhưng nó không quá khắt khe như lúc trước. Áo dòng cũng đơn giản hoá hơn. Thậm chí, một số dòng đã không còn có tu phục riêng nữa. Đối với những dòng hoạt động tông đồ mạnh, mỗi người tự giữ giờ, cử hành phụng vụ tuỳ vào cá nhân. Yếu tố nối kết anh chị em với nhau trong cộng đoàn chính là vị bề trên. Cổng tu viện mở cửa cho tự do ra vào trong một khoảng thời gian nhất định nào đó và vì một lý do chính đáng nào đó. Các tu sĩ mở ra với thế giới hơn. Nguyên nhân cho sự ra đời của kiểu cộng đoàn này, ngoài lý do tông đồ, còn có thể là do chủ nghĩa cá nhân bừng dậy, người ta có xu hướng giải phóng con người.
Kiểu cộng đoàn truyền thống không phải không có những điều tốt đẹp của nó cũng như kiểu cộng đoàn tự do không phải không có những bất cập. Trong khi kiểu đời sống cộng đoàn tự do rất thích hợp cho các hoạt động tông đồ thì những yếu tố tích cực của kiểu cộng đoàn truyền thống vẫn còn được tuân giữ cho đến ngày nay và được xem là những yếu tố trụ cột của đời tu. Đánh mất nó, ơn gọi của người tu sĩ rất dễ bị ảnh hưởng. Cộng đoàn tông đồ tuy có những quy định nhằm hỗ trợ đắc lực cho công việc mục vụ, nhưng nếu không có đủ trưởng thành, người tu sĩ dễ bị lạc mất và quên đi căn tính tu sĩ của mình. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để dung hoà hai yếu tố: truyền thống và thích nghi với thời đại. Cần phải luôn phản tỉnh để biết được đâu là cái phải giữ, đâu là cái thay đổi cho phù hợp mà bản chất đời tu vẫn được bảo tồn. Điều này rõ ràng là một thánh đố rất lớn mà các tu sĩ, đặc biệt là những vị bề trên, phải luôn bận tâm, mở ra với Thánh Thần để được hướng dẫn.
Ý nghĩa của đời sống cộng đoàn
Bất cứ người Kitô hữu nào cũng được mời gọi sống cộng đoàn. Ngoài việc nó là bản chất của con người, đời sống cộng đoàn còn thể hiện sự hiệp thông mà Đức Giêsu đã nhiều lần mời gọi. Trong xã hội và Giáo Hội có nhiều hình thức sống cộng đoàn. Cộng đoàn Kitô giáo nói chung có hai khía cạnh chính. Thứ nhất, cộng đoàn được gọi là Kitô vì quy chiếu về Chúa Kitô, được xây dựng bởi Người và nương tựa vào Người, được linh động bởi Thánh Thần và sống giới răn tình yêu của Người. Thứ hai, cộng đoàn Kitô cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa, ca tụng Người và những việc Người đã làm trong lịch sử Israel, trong lịch sử của Chúa Giêsu và tiếp tục trong Giáo Hội nhờ Thánh Thần. Sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em luôn đi đôi với nhau, như thể đó là hai mặt của một tờ giấy.
Tuy nhiên, hình thức cộng đoàn triệt để được thể hiện trong cộng đoàn tu trì. Đây không phải là cộng đoàn gồm những sự tương hợp giữa tính tình hay tương quan tình bạn quy tụ các phần tử, như chúng ta đã nhiều lần đề cập đến, nhưng là một sự kết nối giữa những người có cùng một lý tưởng hiến thân. Cộng đoàn tu trì có tính phổ quát, theo nghĩa luôn mở rộng cho bất cứ ai được Chúa mời gọi sống như thế, theo khuôn khổ của những quy định được Giáo Hội chuẩn nhận. Cộng đoàn tu trìnhắm đến mục đích thể hiện lý tưởng Kitô giáo cách đặc biệt, bao gồm những người độc thân, muốn cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa trong một linh đạo riêng, có tổ chức riêng, sống tình huynh đệ phổ quát và cùng nhau làm việc tông đồ.
Ta có thể nói thế này, cộng đoàn tu trì là tập họp những con người được Chúa mời gọi để hiệp thông chia sẻ đời sống dâng hiến suốt cuộc đời, nơi đó, mọi tu sĩ được giúp đỡ cho việc thánh hoá cá nhân, chia sẻ và lắng nghe Lời Chúa, tìm ý Chúa. Đó cũng là nơi các tu sĩ sống đời phục vụ, liên đới và xả kỷ trong sự bình thường và giản dị của cuộc sống. Chính nơi môi trường cộng đoàn mà các tu sĩ hiện diện và đồng hành trong bước đường môn đệ, cùng chia sẻ sứ vụ. Nói cách khác, họ sống tư cách người môn đệ của mình trong môi trường cộng đoàn, vốn là nơi mà đức tin và tình yêu của họ dành do Đức Giêsu gặp nhau. Nhiều dòng đời khác nhau, do lý tưởng theo chân Chúa cách sâu xa thúc đẩy, họ giao điểm với nhau nơi cộng đoàn.
Cộng đoàn không là tập hợp nhiều người như những cá thể riêng biệt nhưng là hiệp thông các ngôi vị trong cùng một dự phóng Tin Mừng. Sự hiệp thông trong ngôi vị muốn nói đến tình thân ái, sự liên đới bền chặt như thể tuy là nhiều người nhưng họ trở thành một lòng một ý. Sự hiệp thông không phải là cào bằng, không phải là ai cũng giống như ai, một kiểu giống nhau đơn điệu như các sản phẩm được sản xuất. Mỗi người là một ngôi vị độc lập, một cá thể riêng biệt với những điểm đặc trưng riêng và bất khả thay thế. Nhưng họ không sống như một hòn đảo cô liêu. Tính cá thể đi vào trong tính tập thể nhưng không bị mất hút hay hoà tan. Tính tập thể không những không làm phương hại gì đến tính cá vị nhưng còn làm cho nó thêm đặc nét hơn. Cộng đoàn khác với một tập thể đơn thuần. Trong một tập thể đơn thuần, con người gặp nhau nhưng không ở lại với nhau. Cộng đoàn cũng khác một nhóm vốn là cái được quy tụ theo ý muốn và năng lực. Nếu mục đích thành lập không còn, nhóm cũng không tồn tại. Trong khi đó, cộng đoàn là một hoà hợp các ngôi vị. Các tương quan hình thành trong cộng đoàn không theo một mục đích ngoại tại nhưng hướng đến ngôi vị như một giá trị căn bản. Có thể nói thế này, cộng đoàn không phải là một tháp Babel, nơi người ta chỉ nói một ngôn ngữ nhưng là Lễ Ngũ Tuần, nơi Thánh Thần diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa, giúp người ta có nhiều tiếng nói mà vẫn hiểu được nhau.
Sở dĩ cộng đoàn có thể trở nên tuyệt vời như thế là vì nó không phải là sáng kiến cá nhân của ai đó, dù người đó có tài giỏi đến cỡ nào, nhưng là công trình của Thiên Chúa, xuất phát lời kêu gọi của Ngài và hành vi quy tụ của Ngài. Quả vậy, việc thành lập, duy trì và thăng tiến cộng đoàn là công trình của Thần Khí với sự cộng tác của chúng ta. Cộng đoàn sẽ mất đi ý nghĩa và sức sống của nó khi quên đi đặc tính thiêng liêng này. Nhìn đến sự phong phú của cộng đoàn, ta sẽ thấy ngay bàn tay hoạt động của Thiên Chúa. Nếu chẳng phải nhờ lý tưởng Giêsu thúc đẩy, chẳng có lý do gì ta phải chung chia cuộc sống của mình với những người ta không quen biết, phải tuân giữ các kỷ luật này nọ, phải thay đổi mình sao cho phù hợp với nếp sống chung. Nếu không nhờ ơn Thánh Thần thêm sức, ta sẽ chẳng thể nào chịu đựng được những con người rất khác biệt đối với ta, nếu không muốn nói là đối nghịch hoàn toàn, chỉ toàn mang đến cho ta những mệt mỏi. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều cộng đoàn được thành lập do nỗ lực của một vài người nào đấy, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, nó đã không còn tiếp tục tồn tại được nữa. Sống với nhau vốn dĩ đã không phải là chuyện dễ dàng, sống với người mình không thích lại càng khó khăn hơn. Sống được với nhau, với những người mình không ưa, lại có thể cùng nhau thực thi những sứ mạng, rồi dần dần trở thành anh chị em của nhau, đó chỉ có thể là công trình của Chúa.
Tiếng gọi của Thiên Chúa là một huyền nhiệm, chẳng ai có thể dùng các phương tiện hay công cụ nào đó để xác định được. Chỉ có đương sự, khi bình tâm đi vào tận sâu trong con tim mình mới có thể nghe được và xác quyết. Tuy nhiên, để được khách quan và để tránh những ảo tưởng nơi một cá nhân nào đó, đời sống cộng đoàn đóng vai trò như một bài kiểm tra, giúp thanh lọc và giúp người ta nhận ra ơn gọi thật sự của mình. Có những dòng tu đòi hỏi đời sống cộng đoàn ở mức độ cao hơn những dòng khác. Cách sống đời sống cộng đoàn nơi mỗi linh đạo cũng có những nét riêng. Không thể dùng một tiêu chuẩn nào đó để đánh giá tất cả. Nhưng người nào không thể sống cộng đoàn, chuyển đi đâu cũng có vấn đề với người khác thì chắc là cần phải coi lại đời sống tu và ơn gọi của mình, kể cả mức độ thực thi những lời khấn. Chúa không bao giờ mâu thuẫn với chính mình. Nếu Ngài đã gọi một người vào đời tu, Ngài cũng sẽ giúp người đó sống được những điều kiện mà đời tu đòi hỏi. Bởi vậy, nếu người ta luôn gặp trục trặc với một hay nhiều điều kiện của đời tu, trong đó có đời sống cộng đoàn, thì có lẽ câu trả lời cho vấn đề người đó có ơn gọi dâng hiến hay không đã trở nên quá rõ ràng.
Đời sống cộng đoàn và những thách đố
Tại sao đời sống cộng đoàn luôn có những thách đố? Đơn giản là vì nơi cộng đoàn, có nhiều người sống với nhau, nhưng lại khác nhau về bối cảnh, văn hoá, suy nghĩ, lối sống, quan điểm. Những khác biệt này ít nhiều cũng sẽ gây ra những xung khắc hay trục trặc. Con người tuy là loài có tương quan nhưng cũng là loài có chủ nghĩa cá nhân khá cao. Hai con vật ban đầu không biết nhau, nhưng sống chung với nhau trong chuồng một thời gian dài thì có thể thân thiết với nhau. Con người có khi ngược lại: càng sống với nhau lâu, họ càng trở nên xa lạ, không còn thân với nhau như trước. Trong cộng đoàn, không phải ai cũng hợp tính với mình, không phải ai cũng có cùng sở thích với mình, cùng quan điểm với mình. Người tu sĩ mang vào dòng tu toàn bộ con người yếu đuối của mình, chứ chẳng phải một con người nào khác thánh thiện hơn. Có những bất hoà giữa anh chị em với nhau. Cũng có những vấn đề đến từ hàng dọc: bề trên – bề dưới. Hay những xung đột về tư tưởng giữa các thế hệ… Tất cả làm nên những sắc màu khác nhau trong bức tranh cộng đoàn.
Khi sống trong cộng đoàn, mọi sự phải được đặt làm của chung. Sẽ chẳng còn gì là của mình nữa. Trên thực tế, ta có thể được sở hữu một vài vật dụng nào đó, nhưng trên tinh thần, nó là vật của cộng đoàn. Căng thẳng này không dễ giải quyết. Mọi cái đều có phép tắt của nó, muốn làm gì, có điều gì thì cũng phải xin phép bề trên. Nhận được điều gì là nhận cho cộng đoàn, hay nhận từ cộng đoàn. Nhiều người không chấp nhận được điều này, nên vẫn tìm cách giữ riêng cho mình. Họ thích nhận từ cộng đoàn, nhưng không thích nhận cho cộng đoàn. Họ có thể chia sẻ những điều tốt cho người mình thích, còn người mình không ưa thì chẳng thèm đoái hoài đến, hay tệ hơn, coi như họ không tồn tại.
Sống trong cộng đoàn, tu sĩ phải học cách sống vâng phục người khác, chịu sự sai phái của bề trên mà có khi người này chưa chắc có những quyết định phù hợp với ý mình. Tính tự ái nổi lên làm họ thấy khó chịu. Phải phục tùng một bề trên chẳng ra gì? Phải sống với người mà ngay cả nhìn mặt thôi mình cũng đã phát ngán? Sống trong một tập thể thì làm gì cũng phải ngó trước ngó sau, chứ không được tự ý tự tiện. Nếu không, sẽ bị người ta đánh giá. Có người còn mách lẻo với bề trên. Sống hiền từ thì bị chê là khù khờ. Sống vui vẻ thì bị nói là giả tạo. Sống kính trên nhường dưới thì bị nói là hai lòng. Sống khôn ngoan thì bị cho là mánh lới… Chẳng thể nào tránh được miệng lưỡi thế gian.
Trong đời sống cộng đoàn, cũng có thể xảy ra những trường hợp lệch lạc trong tính dục. Con người thì vẫn mãi là con người. Tiếng gầm thét của xác thịt vẫn còn đó trong thân xác họ. Những ai có thể đảm đương được sự khiết tịnh thì sống hạnh phúc thăng hoa. Người nào không thể thì sẽ tìm cách bù trừ bằng cách này hay cách khác. Đây là một vấn đề rất tế nhị, nhưng không ai dám chắc là nó không xảy ra. Dù sống chung với những người cùng giới tính, những lệch lạc vẫn tìm được kẻ hở để tấn công vào. Người tu sĩ phải biết cách xây dựng tương quan và gìn giữ nó ở mức độ trong sáng nhất. Dù biết là sẽ có những người mình thân thiết hơn những người khác nhưng không nên tỏ ra quá thân thiết đến mức dị thường với một ai. Tình thân ái phải được trải đều cho tất cả mọi người. Phải cố gắng sống sao để không chỉ hoàn thiện mình mà còn cảm hoá người khác nữa. Đây rõ ràng là một thách đố không dễ vượt qua.
Trong cộng đoàn, chắc chắn sẽ luôn có một hay một vài người nào đó làm ta khó chịu. Đó là người luôn tự hào cho rằng mình là người có kinh nghiệm sành sõi trong cuộc sống, biết nhiều chuyện, trải nghiệm nhiều. Rồi cũng có người chỉ thích nhắc nhở người khác mà ít khi nhìn lại bản thân mình, thích làm cho mình nổi bậc hơn những người khác. Có người chỉ muốn tương giao với bề trên và người ngoài, chẳng lo chu toàn bổn phận. Hay có ai đó chỉ biết lo giữ luật và xem luật như chuẩn mực tối cao, và lấy mình như một mẫu gương để người khác bắt chước. Ta cũng sẽ rất bực mình với những người khờ khạo, luôn có lối hành xử ngược đời, hay người chỉ phục vụ khi mình là chỗ nhất và được coi trọng hoặc người chỉ biết dòm nhó đến người khác mà không lo đào luyện mình… Và nhiều kiểu người khác nữa. Đây chính là sự phong phú của cộng đoàn và chính nó cũng làm nên sự phức tạp.
Phải làm sao để sống với những loại người ấy? Hay nói cách khác, làm sao để mình có thể dẹp tan được những bất hoà, những khác biệt với người anh chị em trong cộng đoàn với mình?
Trước hết, hãy xem xét một cách bình tâm và trong tinh thần cầu nguyện nguyên nhân của điều này: do người ta hay tại mình ích kỷ. Nếu người ta thật sự có lỗi sai và nhiều người trong cộng đoàn đồng ý như vậy, hãy cầu nguyện cho họ và giúp họ sửa sai. Nếu tại mình, phải lo mà sửa. Hãy nhớ rằng, nếu mình không chủ động xây dựng tương quan, chính là mình đang dần dần phá hoại nó. Vì thế, hãy cố gắng trong khả năng có thể, rồi Chúa sẽ bổ khuyết cho những điều mình không làm được.
Người ta sẽ thấy thế giới màu đen khi người ta đeo kính đen, sẽ thấy thế giới màu xanh khi đeo kính xanh. Vì thế, nếu mình có một cái nhìn khác về người anh chị em, mình cũng sẽ không còn thành kiến và khó chịu về họ nữa. Có một số cách giúp ta nhìn về họ với một cặp kính mới. Chẳng hạn, hãy tìm điểm nào nơi họ mà mình khâm phục, hãy nhớ lại những lần mình mang ơn họ, hãy nhớ những kỷ niệm giữa mình với họ, hãy nghĩ đến lợi ích của việc làm hoà và hậu quả của việc ghen ghét, và đặc biệt, hãy tìm cách bào chữa cho những sai lầm của họ hơn là hùa theo kết án họ, bởi vì bản thân mình cũng yếu đuối và cũng sẽ vấp ngã vào một lúc nào đó thôi. Sự tha thứ và hoà hợp mới làm chúng ta bình an, chứ không phải chia rẽ. Có nhiều khi ta không thích ai đó chỉ vì không thích, chứ cũng chẳng có lý do gì. Người ta cũng chẳng bận tâm đến việc mình có yêu hay ghét người ta không. Tất cả chỉ do mình tạo ra rồi mình tự gánh lấy mệt mỏi. Dù họ có thế nào, Chúa cũng vẫn chết cho họ, dù mình có ghét họ, Chúa vẫn yêu họ. Sự ghét bỏ của mình chẳng có tác dụng gì cả. Những ý thức này cần được đưa vào cầu nguyện. Nó sẽ giúp mình từ từ vượt qua những rào cản để sống tình cộng đoàn vượt trên những thành kiến.
Thực ra, phải sống trong một cộng đoàn phức tạp, ở một mức độ nào đó, cũng giúp kiểm tra mức độ trưởng thành của mình. Nó giúp tôi luyện sự kiên nhẫn và dạy ta biết cách ứng xử sao cho thích đáng và phù hợp. Nhân đức của ta cũng nhờ đó mà được cải thiện. Ai cũng khao khát sống trong một cộng đoàn đầy ắp yêu thương vì đó là nguồn an ủi rất lớn cho ta. Nếu phải sống với người luôn chống đối mình thì đó cũng là một cơ hội tốt giúp ta nhìn lại bản thân mình mà củng cố lại lối sống. Người kia chính là phản ánh mặt trái của con người mình. Ta ghét người đó, nhưng thật ra là ghét cái đang ở trong mình mà bấy lâu nay mình không nhận ra.
Cách duy nhất để sống tốt đời sống cộng đoàn là hãy sửa đổi bản thân mình cho tốt.
Những lợi ích của đời sống cộng đoàn
Khi nhắc đến đời sống cộng đoàn, ta thường mường tượng đến những khó khăn và thử thách phải trải qua, chứ ít bao giờ nghĩ đến những niềm vui và lợi ích mà nó mang lại. Cái mâu thuẫn giữa khao khát muốn hoà mình với tất cả và xu hướng thu về trong bản thân thật không dễ gì giải quyết. Kỳ thực, đời sống cộng đoàn là một sáng kiến tuyệt với của Thiên Chúa dành cho những ai muốn hiến dâng trọn vẹn cuộc sống cho Ngài. Người ngoài nhìn vào đời tu, ngoài việc ngưỡng mộ sự từ bỏ của tu sĩ, còn được cảm hoá bởi tình cảm anh-em chị-em hết sức mặn nồng và dễ thương của họ. Ngay cả khi hàm chứa những khó khăn, đời sống cộng đoàn cũng không vì thế mà trở nên điều gì đó tồi tệ. Người ta không thể tự mình lập nên cộng đoàn dòng tu theo ý thích. Đó là một sự xác chuẩn của Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội và những vị được trao quyền để chăn dẫn dân Chúa. Một hội dòng không chỉ đơn thuần là một tổ chức hay một nơi người ta quy tụ lại rồi sống chung với nhau. Nó có xương sườn là linh đạo của Đấng đáng lập, có bộ khung là trật tự cấu trúc, các thành viên làm nên thịt da và có Thánh Thần là nguồn sống. Trong đời tu, đời sống cộng đoàn thật sự mang đến cho người tu sĩ rất nhiều lợi ích.
Nó giúp con người sống bản chất của mình một cách căn nguyên nhất: bản chất tương quan và hiệp thông. Con người là một hữu thể có giới và được tạo dựng trong mối dây liên kết với người khác. Ta nhận ra mình không giống họ. Họ ở bên ngoài ta, là kẻ xa lạ với ta, giữa ta và họ có một khoảng cách, mỗi bên có ranh giới riêng của mình. Ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành họ và họ cũng như vậy đối với ta. Nhưng ta sẽ chẳng biết mình là ai, nếu không có một người khác đứng đối diện với ta. Ta cũng sẽ không có ý thức gì về mình nếu giữa thế giới này chỉ có một mình ta trơ trọi. Tạo Hóa đã ban cho mỗi con người một đặc tính “bất khả thay thế”, nhưng Ngài cũng đặt giữa con người một sợi dây tình thân để nối kết họ lại. Bất cứ khi nào sợi dây tình thân ấy được chúng ta vun đắp, dựng xây để có được sự hài hòa, con người sẽ mỗi ngày triển nở hơn và hưởng nếm hạnh phúc. Sống cộng đoàn nói chung và sống trong cộng đoàn dòng tu nói riêng chính là biểu lộ nét tuyệt diệu này của con người. Đó là lý do vì sao ta thấy kiểu tu một mình ngày xưa đã sớm bộc lộ những khuyết điểm của nó và được thay thế bằng lối tu trong một tập thể những người cùng chí hướng.
Cũng là một nét thú vị khi mình có thêm những người bạn mới để chung chia cuộc sống. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, với những tố chất, tính tình, giọng nói khác nhau. Quen biết với họ, ta thấy cuộc sống mình trở nên thật phong phú. Gia đình của ta cũng được mở ra không biên giới. Đối với một vài người, anh chị em đồng bạn tu có khi còn thân thiết hơn anh chị em ruột, vì họ đã cùng trải qua biết bao đắng cay ngọt bùi với nhau. Với những tu sĩ đã tu bốn mươi năm hay năm mươi năm trong dòng, nhà của họ có lẽ không đâu khác chính là cộng đoàn dòng tu, và những anh chị em chung quanh họ chẳng khác nào tay chân máu mủ. Các tu sĩ đã tự nguyện khước từ việc tạo lập một gia đình riêng, nhưng bù lại, Chúa đã ban cho họ một gia đình mới, tuy có chút khác biệt về bản chất, nhưng hương vị của nó cũng đậm đà và nồng ấm biết bao.
Sống trong cộng đoàn, ta sẽ có dịp gặp gỡ những người tài giỏi hơn mình, hiểu biết hơn mình và có khi là thánh thiện hơn mình nữa. Ta nghe về câu chuyện cuộc đời họ, biết được lịch sử đời tu của họ và càng cảm phục họ hơn về những gì họ đã trải qua. Ta học hỏi từ họ những điều hay điều mới, qua những kinh nghiệm thực thụ mắt thấy tai nghe. Ta cũng có thể học hỏi từ họ những cái sai hay những điều chưa tốt. Những điểm xấu ấy nơi họ chính là hình ảnh phản chiếu những góc tối nơi chính con người ta. Anh chị em dường như không còn là ai đó ở bên ngoài và tách biệt hoàn toàn với ta. Ở một góc độ nào đó, họ là một phần của ta và giúp ta thấy rõ mình hơn rất nhiều. Thế giới của ta lại tiếp tục được rộng mở và ta nhận ra rằng cuộc đời này thật huyền nhiệm. Biết bao nhiêu con người với những câu chuyện đan xen vào nhau, làm nên một bức tranh nhân gian thật sống động. Những anh chị em đang sống chung với ta cho ta thấy những góc cạnh khác nhau của bức tranh ấy. Ta thấy được sự kỳ diệu của Tạo Hoá và quyền năng vô biên của Ngài.
Đời sống cộng đoàn không chỉ là nơi chia sẻ cuộc sống mà còn là nơi các tu sĩ cùng chung chia với nhau sứ mạng. Sứ mạng đó có khi dễ dàng, nhưng cũng có lúc phải đối diện với biết bao sóng gió. Lúc đó, chẳng ai khác, chính anh chị em trong cộng đoàn là những người trực tiếp giúp đỡ mình. Họ là hiện thân của Chúa một cách hữu hình trong cuộc đời của ta. Rồi có khi đời tu của ta gặp những thách đố, khi những cô đơn trong lòng trỗi lên, những cám dỗ ập đến, chỉ có họ là người kề cận, lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia và cùng đồng hành với ta qua những lời an ủi hay những hành động cụ thể. Người ngoài có thể giúp đỡ ta cách này cách khác, nhưng chẳng ai thật sự luôn ở bên ta như anh chị em trong cộng đoàn. Dĩ nhiên, không phải ai trong cộng đoàn cũng đối xử tốt với ta và dành cho ta những điều tốt nhất, nhưng ít ra ta cũng có một vài người bạn thân trong đời tu, và họ đích thực là những thiên thần hộ mệnh của ta trong đời sống này.
Những cọ xát trong cộng đoàn cũng giúp cho mình tăng trưởng và tiến bộ hơn. Những đụng độ giúp tôi luyện mình hơn. Nếu có ai gây khó dễ cho mình, đó là cơ hội để mình lập công trước mặt Chúa. Cộng đoàn có những khó khăn chính là để giúp thanh luyện ta mỗi ngày nên khiêm nhường, hạ mình, nên thánh hơn. Một cộng đoàn lý tưởng nơi mà ai cũng yêu thương nhau hết mực hết lòng, không có chút trục trặc nào chắc chỉ có trong sách vở. Có nhiều người, khi chán nản đời sống cộng đoàn, đã đi tìm niềm an ủi ở bên ngoài. Họ thích đi làm tông đồ bên ngoài vì ở đó người ta tung hô họ, chân nhận tài năng của họ, dành cho họ nhiều sự ngưỡng mộ và lời khen, trong khi ở cộng đoàn, họ bị coi thường hay chẳng ai đoái hoài gì đến họ. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi điều tốt cho người khác, ngoại trừ anh chị em trong cộng đoàn. Họ xem đời sống cộng đoàn như hoả ngục và cố công đi tìm một thiên đường nào đó ngoài kia, như một kiểu trốn tránh thực tại. Kỳ thực, đây là một sai lầm vô cùng lớn. Khi họ ngã bệnh, người ngoài có thể đến thăm họ với chút quà, nhưng anh chị em trong cộng đoàn mới là người sẵn sàng chăm sóc họ mỗi đêm về, mớm cho họ từng miếng cháo; và khi họ về với cõi đất, người ngoài có thể thắp cho họ một nén hương, nhỏ những giọt nước mắt, nhưng anh chị em trong cộng đoàn mới thật sự cùng hiệp thông cầu nguyện với họ vào những khoảnh khắc khủng khiếp nhất của kiếp người.
Có thể nói, bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống cộng đoàn. Được cả vạn người bên ngoài yêu mến không bằng được anh chị em sống chung với mình thán phục. Thế giới ngoài kia chỉ biết được những nét đẹp, những hào nhoáng của họ, anh chị em mới là người biết họ ở mức độ chân thực nhất. Vì thế, muốn biết một tu sĩ là người như thế nào, hãy hỏi những người sống chung với họ, chứ đừng chỉ nhìn đến những gì họ nói họ làm với những người lạ bên ngoài. Đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm đen, nhưng chính nó lại giúp cho người tu sĩ, làm cho cuộc sống của mình thêm hoà điệu và hoàn mỹ, đến độ ta có thể nói rằng, không có nó, người tu sĩ sẽ trở nên héo úa và lạc lõng vô cùng.
Giúp nhau sống tốt đời sống cộng đoàn
Đời sống cộng đoàn là một phần của đời tu. Người tu sĩ nào sống tốt ba lời khấn thì cũng tự nhiên sống được đời sống cộng đoàn. Cũng tương tự, ai sống tốt đời sống cộng đoàn thì cũng giúp ích rất nhiều để người đó hoà nhập bản thân mình vào ba lời khấn tốt hơn. Những khó khăn và thách đố trong đời sống cộng đoàn mà chúng ta đã nói đến không nhằm mục đích khiến người tu sĩ cảm thấy sờn lòng, nản chí. Chúng ta chỉ cố gắng nêu lên thực tại, để có thể can đảm và thẳng thắn đối diện với nó bằng sự nỗ lực của bản thân và sức mạnh trợ giúp của Chúa, chứ không phải để trở nên sợ sệt. Quả vậy, nếu Chúa đã khởi sự điều gì thì Ngài cũng luôn đưa nó đến sự hoàn tất. Đời sống cộng đoàn là sáng kiến của Chúa, nên chắc chắn Ngài sẽ chỉ cho ta những phương thế giúp ta vượt qua được những khó khăn và sống đời sống cộng đoàn thật tốt, như một phương thế giúp ta nên thánh trong đời tu của mình. Để sống tốt đời sống cộng đoàn, dĩ nhiên không chỉ suốt ngày ngồi đó cầu nguyện xin Chúa, dù đây là điều cần thiết. Bản thân mỗi người phải nỗ lực và cộng tác hết sức mình.
Muốn cộng đoàn được ổn định, phải có những kỷ luật mà mọi người, kể cả bề trên, phải tuân thủ nó. Kỷ luật giúp bạn chế tính tự do phóng khoáng quá mức của tu sĩ, đồng thời, giúp đưa mọi thứ về trật tự cần có cho một đời sống chung. Nhưng mọi người phải sống tính kỷ luật trong sự tự nguyện, uyển chuyển chứ không coi nó như tiêu chuẩn tối cao bất khả thay thế. Phải biết kỷ luật từ bên trong con người mình, kiềm hãm những xung động trong tâm hồn mình, làm chủ những thúc đẩy xấu ra trong tâm trí. Kỷ luật bên ngoài phải là một sự trợ giúp để người tu sĩ hình thành một kỷ luật bên trong. Nhờ đó, họ mới có thể có được một nguồn nội lực thiêng liêng mà đào luyện mình cho tốt. Trong cộng đoàn, nếu ai cũng tuân thủ những quy định chung, chu toàn tốt bổn phận được giao thì mọi diễn biến cuộc sống sẽ trôi đi êm đẹp như con nước mùa thu.
Mỗi người cũng cần phải có sáng kiến để xây dựng cộng đoàn. Xem cộng đoàn như nhà mình và anh chị em như người thân của mình. Đừng chỉ biết lo cho bổn phận của mình rồi thôi, nhưng cũng nên tập quan sát để thể hiện lòng quảng đại của mình đối với mọi người. Có thể có ai đó đang cần mình giúp? Có thể có ai đó quên chưa làm việc bổn phận của mình mà mình có thể giúp được? Có thể nhặt một cọng rác, tưới một cành hoa… dù đó không phải là bổn phận của mình? Mỗi người cần có trách nhiệm với việc chung, đóng góp những tài năng, khả năng, sở trường của mình để giúp cho đời sống cộng đoàn thêm phong phú, nhưng không biến mình thành khác biệt so với những anh em khác trong cộng đoàn, hay làm cho mình quá nổi trội, lấn át người khác. Mỗi người cần phải hành động và phục vụ vì lợi ích chung của cộng đoàn hơn là lợi ích của mình. Phải có tinh thần hy sinh cho nhau, chọn việc khó cho mình, dành phần hơn cho người khác, xem người khác trọng hơn mình như lời Thánh Phaolô đã dạy.
Trong nếp sống chung, cũng cần có sự phân chia giờ giấc sao cho quân bình, ổn định. Có giờ lao động chân tay, giải trí, thể thao, giờ chơi chung, giờ chia sẻ, nơi mọi người có thể thoải mái vui cười chơi đùa với nhau. Những hoạt động này, ngoài giúp cho đời sống cộng đoàn, cũng giúp cho sức khoẻ, sự khiết tịnh và nhiều điều khác. Chính trong những thời điểm này mà anh chị em được hoà quyện cuộc sống của mình với nhau, chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn, thông tri cho nhau những điều mình biết và thể hiện sự liên đới dành cho nhau. Một tình bạn trong sáng và cởi mở cũng từ đó mà hình thành và phát triển. Quả vậy, muốn sống tốt với nhau thì phải bỏ đi những thành kiến không tốt về nhau. Đa phần thành kiến đến từ sự vô tri. Trò chuyện nhiều, chia sẻ nhiều, đặc biệt là những chia sẻ thiêng liêng sẽ giúp xua tan đi mọi hiểu lầm, nghi kỵ, đôi khi, nó cũng giúp vượt qua những rào cản vô hình mà bấy lâu nay mình đã xây dựng.
Ngoài ra, cộng đoàn cũng cần có những giờ mà mọi thành viên ngồi lại với nhau, thẳng thắn nhìn nhận những điểm tốt điểm xấu của cộng đoàn, để tìm cách phát huy hay khắc phục. Tiếng nói của mỗi người đều cần được lắng nghe và tôn trọng. Cộng đoàn phải thực tiễn, thẳng thắn nhìn nhận những yếu đuối chứ không sống trên mây. Phải biết cách khen tặng hay góp ý chân thành để giúp nhau sửa đổi trong tinh thần huynh đệ. Khi cần thì có thể đối thoại với tất cả sự tôn trọng lẫn nhau.
Người nào có thiện chí sống đời cộng đoàn thì chắc chắn sẽ luôn cố gắng tiếp cận với nhiều anh chị em mà mình chưa biết rõ hay những người mình ít có cảm tình. Đây là một hành vi rất khó thực thi, vì nó đi ngược lại với xu hướng thúc đẩy của thân xác. Nếu mình cảm thấy được mời gọi thì hãy làm. Còn không, ít ra là đừng làm gì để khiến cho tương quan vốn dĩ chưa tốt ấy trở nên tồi tệ hơn. Nhưng dù sao thì việc biết mình, biết người, chấp nhận mình và chấp nhận người, sống khiêm tốn, bỏ mình, bỏ ý riêng là điều rất cần thiết. Muốn tâm hồn bình an và có thể có tương quan tốt với người khác, cần phải bỏ đi lòng thù hận, ganh đua theo nghĩa tiêu cực. Hãy cố gắng mang lấy vui buồn của người khác làm của mình và thấy Chúa trong nhau, nhìn những khác biệt của anh em trong Chúa để có thể làm việc vượt trên thiện cảm và ác cảm. Để tránh những lệch lạc trong tương quan, cần phải học cách yêu anh chị em mình bằng một tình yêu nhưng không, nhân hậu và phổ quát. Ngoài ra, cũng phải học cách biết ơn nhau, phải biết mình cần đến nhau, biết mình là quà tặng của nhau, được Chúa gửi đến để bổ khuyết cho nhau.
Sống trong cộng đoàn, một lối hành xử tế nhị và đúng mực cũng là điều rất quan trọng. Mỗi cá nhân phải biết mở lòng, chủ động đến với người khác trước, phải biết ra khỏi mình để đến với người khác. Đừng bắt người khác làm theo ý mình, hãy chiều theo ý họ nếu điều ấy là tốt. Nếu không thể nói được những điều tốt đẹp về người khác thì cũng đừng nói hành nói xấu họ, đặc biệt là những người mình không ưa, dù có khi điều đó là đúng. Nếu cần góp ý họ điều gì, có thể góp ý cách trực tiếp hoặc thông qua bề trên hoặc ai đó mình tin tưởng. Việc nói xấu để thoả mãn cho sự nhiều chuyện và căm phẫn của mình chẳng giúp giải quyết được điều gì, mà chỉ có thể làm cho tương quan thêm tồi tệ, và làm cho cộng đoàn thêm chia rẽ. Trái lại, việc nói những điều tốt cho nhau sẽ giúp nối kết mọi người hơn. Biết cách ăn nói sao cho phải phép, kính trên nhường dưới nhưng không giả tạo. Sống trong cộng đoàn, đừng lúc nào cũng bận tâm cách thái quá đến những khác biệt. Hãy để ý nhiều hơn đến sứ mạng. Nhưng cũng đừng lấy cớ công việc mà tách ra khỏi cộng đoàn. Khi nhận biết trong cộng đoàn có ai đang chia rẽ, hãy cố gắng trong khả năng có thể trở thành sứ giả hoà bình. Đây là sứ mạng của tất cả mọi người, đặc biệt là bề trên. Đừng khó tính hay đòi hỏi quá, và quan trọng là phải biết tha thứ, cưu mang lẫn nhau mà sống.
Chúng ta đang cố gắng vạch ra những yếu tố giúp sống đời sống cộng đoàn thật tốt. Nó bao hàm một sự tu thân, mở ra và hướng thượng. Trợ lực trước hết giúp ta sống đời cộng đoàn chính là ơn Chúa, ý thức về sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa. Tiếp đến là một nỗ lực mở ra với anh chị em, nhìn thấy Chúa trong họ, để rồi cuối cùng, ta cố gắng tu sửa bản thân mình, gọt đẽo con người mình sao cho hợp với đời tu qua cách hành xử, nói năng, đối nhân xử thế. Có được ba điều này, ta sẽ thấy được điều kỳ diệu nơi đời tu. Chính kinh nghiệm của các bậc thánh nhân đã cho chúng ta thấy điều đó.
Những hình ảnh về người tu sĩ
“Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Lời nhắn nhủ này của Đức Giêsu làm nên căn tính của cái mà chúng ta thường gọi là đời dâng hiến. Quả vậy, dâng mình cho Chúa, sống trọn vẹn cho Chúa trong đời sống tu trì trước hết và trên hết không phải là ý muốn riêng tư của ai đó và càng không phải là nỗ lực đơn phương của họ. Nó xuất phát từ một lời mời gọi của Thiên Chúa, trong một sự tuyển lựa kỹ càng. Ai cũng lãnh nhận sứ mạng xây dựng Nước Chúa, nhưng có một số người được Thiên Chúa lựa ra, dạy dỗ một cách đặc biệt, để rồi sai họ ra đi, làm cho vườn nho Chúa trồng được kết trái đơm bông. Những con người này sống một đời sống khác với người khác một tí, làm những công việc cũng khác người ta một tí. Vì được kêu gọi cách đặc biệt nên đòi hỏi họ cũng phải từ bỏ nhiều hơn, dấn thân quyết liệt hơn, và trọn cuộc đời chỉ ôm ấp một ước mơ là được thuộc trọn về Chúa.
Những người sống đời dâng hiến được Thiên Chúa chọn để sống một đời sống hệt như ngọn nến nhỏ cháy sáng. Chẳng là gì to tát cả. Chỉ là một chút ánh sáng cỏn con thắp lên giữa bóng tối âm u. Người ta đi tu không phải để trở nên những con người vĩ đại hô phong hoán vũ, cầm đầu thiên hạ. Ngọn nến sáng là biểu tượng cho sự khiêm nhường, âm thầm, lặng lẽ. Chỉ cố hết sức giúp xua tan bóng tối vây quanh. Từng giây từng phút trôi qua, nó phải chịu tiêu hao đi, lụi tàn đi để ngọn lửa nhỏ được toả rạng. Chỉ là một con người nhỏ bé, người tu sĩ cố gắng cống hiến hết sức mình để phục vụ người khác, chứ không mang lấy tham vọng biến mình trở thành đấng cứu thế, có thể giải quyết được mọi chuyện lớn nhỏ dưới gầm trời. Một ngọn nến nhỏ chẳng thể nào xua tan toàn bóng đêm, nhưng nó góp phần thắp sáng lên những ngọn nến khác để cùng nhau biến bức màn đêm u tối của cuộc đời thành một màn trình diễn lung linh.
Người tu sĩ cũng được chọn để biến mình trở nên ngọn đèn chầu bên Nhà Tạm. Chẳng phải là những ánh hào quang chói chang, mà chỉ là một chút ánh sáng nhỏ lấp lánh. Miễn sao được gần Chúa, được chiêm ngắm Chúa đêm ngày, được hát ca bài chúc tụng Người… bấy nhiêu thôi cũng làm họ thoả mãn. Ngọn đèn chầu báo hiệu sự hiện diện của Thánh Thể, cũng giống như người tu sĩ là dấu chỉ cho thế gian biết về Thiên Chúa tối cao, Đấng hằng yêu thương và chăm sóc cho con người. Họ như cánh én báo hiệu mùa xuân. Bất cứ ai nhìn thấy họ, cũng hớn hở trào tràn niềm vui như thể sắp được diện kiến một điều gì đó tuyệt vời đang đến. Ngọn đèn chầu không toả sáng vì chính mình, cánh én không là dấu hiệu cho chính mình, thì người tu sĩ cũng không bao giờ lôi kéo người khác về phía mình như thể mình là cùng đích. Họ là người dọn đường cho một Đấng sẽ đến sau, tuyệt vời hơn họ và cao cả hơn họ.
Đức Giêsu đã chọn một số người riêng biệt để thực thi sứ mạng của Ngài. Những người này hệt như cánh sen vươn lên giữa bùn lầy nhơ nhuốc. Vươn lên để không bị dính bén vào những cuộc đua tranh danh vọng và tiền tài, không thể bợn nhơ của vụ lợi làm mình vấy bẩn. Giữa dòng người đông đúc đang hùa mình chạy theo những xúi bẩy trần tục, người tu sĩ bỗng thấy mình sao chẳng thèm những điều ấy. Họ cất công đi tìm một giá trị khác cao hơn, thanh thoát hơn, làm cho họ thấy được giá trị cao cả của mình hơn. Lối sống của họ, vì không giống ai nên có thể bị người ta dèm pha chế giễu, nhưng thực ra, đó là một chọn lựa vĩ đại, đẹp tựa cánh sen, mộc mạc và giản dị. Bằng chọn lựa bỏ mình, họ được cất ra khỏi đám bùn lầy, đón nắng mai tươi đẹp như dấu chỉ cho nước Thiên Đàng.
Người tu sĩ được Thầy Giêsu sai đi vào thế giới để dựng xây Nước Trời. Mà thế giới thì rộng lớn lắm, xây dựng Nước Trời biết khi nào mới xong. Người tu sĩ được mời gọi để sống như thể cánh chim tung bay thoải mái trên bầu trời sứ mạng. Giữa khoảng không bao la và nhu cầu phục vụ không bao giờ ngừng nghỉ, người tu sĩ cứ thế mà cất bước ra đi, soãi cánh bay qua những miền này thôn nọ, lấy lý tưởng dấn thân làm mục tiêu, họ chẳng bao giờ đậu neo ở một nơi nào cả. Bầu trời rộng lớn bao nhiêu, lòng của họ cũng trải ra như vậy. Điều này đòi hỏi nơi họ một sự từ bỏ rất lớn lao, bỏ những vật chất, bỏ ước muốn riêng, bỏ phán đoán cá nhân và có khi họ phải biết cách làm chủ những cảm xúc của mình. Con người nào mà chẳng có trái tim, để nhớ, để luyến lưu… Nhưng để có thể trở thành một cánh chim bay trên hành trình sứ mạng, họ chỉ biết tiến về phía trước, chứ không thể “ngoái lại đàng sau”.
Thế giới này sẽ ra sao, nếu không có đời dâng hiến hay chẳng ai muốn sống cho một cuộc sống hiến dâng? Chắc là mỗi người cứ lo cho cuộc sống của mình thôi. Rồi người ta cứ mãi mê chạy đua theo sự đưa đẩy của dòng đời. Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương và chọn những người tu sĩ để họ lao tác cho cánh đồng của Ngài. Ước gì những người được Chúa chọn luôn ý thức rõ về món quà cao quý này để luôn không ngừng phấn đấu cải thiện bản thân, sống sao cho xứng với ơn gọi cao đẹp đã lãnh nhận. Và cũng ước gì mọi tín hữu luôn hiệp ý cầu nguyện cho các tu sĩ, giúp họ chu toàn sứ mạng của mình, bởi lẽ, tu sĩ không phải là thần thánh, họ vẫn có xác có thịt, với trọn vẹn những yếu đuối của kiếp người. Hơn bao giờ hết, họ cần ơn Chúa và sự nâng đỡ của mọi người.
Một hành trình hiến dâng
Ba lời khấn và đời sống cộng đoàn được xem là những đặc nét làm nên đời tu, trong hành trình dâng hiến. Gọi là một hành trình vì nó không bao giờ dừng lại. Khoảnh khắc người ta bước chân vô khuôn viên nhà dòng hay khi tuyên khấn lần đầu, thậm chí lúc khấn cuối và bất cứ lúc nào trong đời sống vẫn mãi là một bước khởi sự. Người tu sĩ được mời gọi để bước theo Chúa, để dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, chứ không phải chỉ là một chốc một lát, hay chỉ ở một thời điểm nào đó mà thôi. Hành trình hiến dâng chẳng bao giờ có điểm dừng, chẳng bao giờ được ngừng nghỉ. Như một người đang yêu đi kiếm người mình yêu, đã tìm thấy rồi, nhưng như thể vẫn chưa đủ. Người tu sĩ đã kết ước cuộc đời mình với Giêsu, Giêsu đã vui lòng nhận lấy của lễ này, nhưng cả hai bên vẫn không ngừng tìm kiếm nhau, tìm hiểu về nhau, đi vào trong nhau, hoà quyện lấy nhau mỗi ngày một hơn nữa. Dù có tu đến bốn mươi hay năm mươi năm, mối tình huyền nhiệm này vẫn cứ còn nồng cháy như thể mới bắt đầu. Mỗi một ngày, người tu sĩ lại bắt đầu hành trình yêu của mình theo một cách thức mới, qua những dấn thân của ba lời khấn nơi môi trường cộng đoàn.
Hành trình hiến dâng xuất phát từ một lời mời gọi riêng tư. Ta vẫn hay nghe nhắc đến hình ảnh “tiếng gọi trong đêm tối” là vậy. “Đêm tối” ở đây là muốn diễn tả chốn thâm cung bí ẩn của cõi lòng, nơi cô tịch, yên ắng, chỉ có ta và Chúa đối diện. Tiếng gọi ấy là một lời tỏ tình thật dễ thương, nhưng cũng mang đầy thách đố. Tiếng gọi ấy làm đảo lộn tất cả mọi dự tính, kế hoạch. Nó buộc ta phải đánh đổi, phải từ bỏ. Đức Giêsu kêu gọi ai đó theo mình không chỉ bằng những lời lẽ, nhưng còn bằng sự cuốn hút đến mức không thể cưỡng lại được. Người được kêu gọi có thể sẽ có những bỡ ngỡ, lắng lo, sợ hãi. Nhưng rồi, họ chợt nhận ra mình không thể nào từ chối. Họ đã yêu, yêu một người mà mình chưa từng thấy bằng mắt, sờ bằng tay. Họ yêu bằng niềm tin, bởi một sự cuốn hút lạ thường nào đó. Khoảnh khắc đầu tiên khi họ nhận ra tiếng gọi này sẽ mãi mãi ghi sâu trong tim họ như một kỷ niệm nào đó mà mỗi khi sóng gió của đời tu ập đến, họ nghĩ về nó để múc lấy sức mạnh cho mình.
Người tu sĩ được gọi để trở thành người môn đệ của Chúa, người sống kề cận bên cạnh Chúa. Họ sống những điều tưởng chừng như nghịch lý của thế gian, và đôi khi là với những xu hướng bản thân mình. Cái nghịch lý đó nói lên nét đẹp của Tin Mừng, của Nước Thiên Chúa đang đến. Họ không tự biến mình trở thành khác biệt với người khác, họ không chống lại tự nhiên. Chỉ đơn giản là họ muốn minh chứng cho những giá trị Thiên Đường, nơi người ta không còn bám víu vào của cải vật chất, có thể sống trinh khiết như các Thiên Thần và dám từ bỏ ý riêng để hoàn thành sứ mạng. Họ tuyên những lời khấn không phải để ràng buộc mình, khiến mình trở nên ngột ngạt, nhưng là để có được sự tự do lớn hơn, phổ quát hơn để chuyên tâm lo việc nhà Chúa. Họ trở thành của lễ sống động dâng lên Chúa. Hành trình dâng hiến ấy, vốn dĩ chẳng có gì đảm bảo, đích thật là một cuộc liều mình. Hành trang duy nhất là một niềm tin yêu vững chắc, một niềm hy vọng vào Đấng đang âm thầm dẫn dắt mình đi.
Họ sẽ sống một cuộc đời chẳng biết đâu là bến đỗ, cứ mãi mãi tiến ra chỗ nước sâu. Nghe có vẻ bi ai nhưng thật sự là một cuộc thanh thoát. Họ soãi cánh tung bay trên bầu trời sứ mạng, ngang qua những cánh đồng lúa mênh mông, biển cả sóng lớn, núi non chập chùng, chẳng quản ngại đường xa gian khó. Họ tự do với tất cả mọi sự chung quanh và cũng tự do luôn với chính mình. Họ buông lỏng bản thân, giang đôi cánh để ngọn gió Thần Khí muốn thổi họ đến đâu thì thổi. Niềm tin vững mạnh như sắt đá nhưng tinh thần thì nhẹ tựa như bông. Đâu cũng được, gì cũng được, sao cũng được… miễn là có Chúa kề bên. Nhưng điều này không có nghĩa là họ chỉ biết sống phó thác cho số phận, sống phiêu bạc như chiếc lá bị gió cuốn trôi. Họ không phải là những người bị mất trí hay chỉ đơn giản là sống tiêu diêu không màn đến sự đời. Hai chữ sứ mạng luôn đặt ra trước mắt họ. Thao thức trước cánh cồng lúa mênh mông mà thiếu thợ gặt luôn trăn trở họ. Họ liều mình bước đi, đặt mình vào chỗ nước sâu, sống một cuộc sống không chỗ tựa đầu chính là để tan biến ra, làm bước đệm cho Nước Cha trị đến.
Dù là khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục hay sống cộng đoàn, tất cả cũng chỉ quy về một nguyên lý là mỗi ngày từ bỏ mình nhiều hơn như Đức Giêsu đã làm. Bỏ của cải vật chất, bỏ sự sở hữu một gia đình riêng, bỏ ý muốn phán đoán cá nhân, bỏ danh lợi, bỏ sự tiếng tăm, bỏ thói hư tật xấu… Càng từ bỏ nhiều, người tu sĩ càng trở nên nghèo, một cái nghèo thực sự, trở thành đối tượng được Chúa yêu thương, bao bọc và gọi là “có phúc”. Nhờ mỗi ngày từ bỏ, họ được Thiên Chúa đong đầy nhiều hơn bằng biết bao điều tuyệt vời khác. Họ hạnh phúc vì được cảm nghiệm sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho mình một cách thật rõ nét. Họ nhận ra rằng mình càng lo cho mình thì mình càng mệt mỏi, còn nếu mình dám buông ra, Chúa sẽ an bài mọi sự cho ta thật tốt đẹp. Càng khoét rỗng, họ lại thấy mình càng đầy. Một đời buông bỏ đẹp tựa như ánh nến lung linh, như cánh hoa vươn mình đón nắng mai mỗi sáng sớm.
Bất cứ người tu sĩ nào ắt hẳn cũng được đánh động bởi một mẫu gương người môn đệ tuyệt hảo là Mẹ Maria. Tất cả những gì chúng ta đã cùng tìm hiểu về hình ảnh một tu sĩ chân chính được tìm thấy nơi Mẹ. Mẹ đã sống sự khó nghèo, khiết trinh và vâng phục đến trọn vẹn, đưa những giá trị của ba lời khấn này đến đỉnh cao của nó. Mẹ chẳng bao giờ rời xa Giêsu, ngay từ lúc con thụ thai cho đến khi chịu chết trên thập giá. Mẹ hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu đầu tiên, nâng đỡ họ bằng chính niềm tin của mình. Bằng một lời xin vâng trước ý Chúa và muôn vạn lời xin vâng khác trong suốt hành trình dương gian, Mẹ đã thật sự trở thành của lễ tinh tuyền nhất dâng lên Chúa. Của lễ cuộc đời Mẹ hoà quyện với hy tế cứu độ của con năm xưa. Những đặc tính của người môn đệ: nào là bỏ mình, vác thập giá, bước theo Chúa, phục vụ mọi người, sống ứng trực, thanh thoát… tất cả đều được tìm thấy nơi Mẹ. Mẹ chính là dấu chỉ báo trước của đời tu, là hình ảnh của Thiên Đàng, là mẫu mực để mọi linh đạo phôi thai.
Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành cùng các tu sĩ, nâng đỡ họ trên mọi bước đường chông gai, để nhờ luôn theo sát gót Chúa, họ cũng được ở với Chúa trong vinh quang như hai người yêu nhau được nên một với nhau cách hoàn toàn, giống như Mẹ với Chúa vậy.
Lạy Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ