Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 & 12

print

Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 & 12

 

Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 – Đón nhận tính dễ bị tổn thương.

Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 12 – Sự hiện diện trong cầu nguyện.

 

 

Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 – Đón nhận tính dễ bị tổn thương

 

ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 11 – ĐÓN NHẬN TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,25-27).

Nền tảng Thánh Kinh

Như chúng ta đã thảo luận trước đó, Đức Maria trải nghiệm tính dễ bị tổn thương ở dưới chân thập giá, khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho môn đệ Ngài thương mến (x. Ga 19,25-29). Từ điển Oxford định nghĩa “sự dễ bị tổn thương’ như là ‘bị đặt vào nơi có khả năng bị tấn công hoặc bị làm hại, về mặt thể lý hoặc cảm xúc”. Một người dễ bị tổn thương là ‘người cần sự chăm sóc, sự hỗ trợ, hoặc sự bảo vệ đặc biệt vì những nguyên do như: tuổi tác, tàn tật, hoặc có nguy cơ bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi’. Đức Maria trở thành người dễ bị tổn thương, bởi vì Mẹ sẽ lệ thuộc vào lòng xót thương của người môn đệ yêu dấu. Lệ thuộc vào lòng xót thương của người khác là một nỗi đau lớn.

Ý nghĩa hiệp hành

Cẩm nang và Tài liệu Chuẩn bị đặt trước chúng ta những người dễ bị tổn thương như là những người bị lạm dụng về mặt kinh tế, tình dục, và quản trị[1]. Cẩm nang đặt tình trạng những người dễ bị tổn thương trong bối cảnh của sứ mạng: “Trong Giáo hội, bối cảnh cũng được đánh dấu bằng những đau khổ mà các trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương phải chịu “vì bị lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, và lạm dụng lương tâm do một số đáng kể các giáo sĩ và người thánh hiến gây ra”[2].

Đức Thánh Cha “mời gọi tất cả chúng ta cùng tham gia tiến trình hiệp hành, dù là người dễ bị tổn thương hoặc người bị gạt ra bên lề xã hội”[3].

Đón nhận tính dễ bị tổn thương trong tiến trình Hiệp hành” là chủ đề chính của Đại hội lần thứ 22 của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Thượng cấp Dòng nữ (USIG), tổ chức từ ngày 2-6/5/2022, tại Rôma. Chủ đề này được USIG chọn, khi đối diện với tình trạng dễ bị tổn thương mà nhân loại đang trải qua do đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ucraine, v.v… Đó là một tấm gương tốt cho toàn thể Giáo hội thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến những người dễ bị tổn thương trong hành trình hiệp hành của chúng ta.

Đón nhận tính dễ bị tổn thương không phải chỉ thể hiện sự bao dung đối với nó mà còn có nghĩa chấp nhận nó và để nó biến đổi cuộc sống của chúng ta. Điều đó củng cố niềm tin và hy vọng của chúng ta vào Chúa. Điều đó cũng mở ra những con đường để xây đắp những tương quan mới của yêu thương và bác ái. Như thế, đón nhận tính dễ bị tổn thương làm chúng ta trưởng thành hơn trong tương quan với chính mình, với Chúa và với tha nhân.

Sau đây là một vài đoạn Thánh Kinh để suy tư, có thể giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với những người dễ bị tổn thương:

Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho kẻ mồ côi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17).

 “Người tử tế sẽ được chúc phúc, vì đã đem cơm bánh cho người nghèo” (Cn 22,9).

Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ.” (Cn 31,8-9).

Ngài giải thoát bần dân kêu khổ, và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo Người ra tay cứu độ, giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ Người đều coi là quý” (Tv 72, 12-14).

Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù các ngươi đến hỏi thăm” (Mt 25,35-36).

Kulandaisamy và Y. Karunanidhi

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (17.08.2024)

[1] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồngCẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần 1.1. và Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 6.

[2] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồngCẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần 1.1.

[3] Ibid., phần 2.1.

 

Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 12 – Sự hiện diện trong cầu nguyện

ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: BÀI 12 – SỰ HIỆN DIỆN TRONG CẦU NGUYỆN

Bối cảnh phụng vụ của bản văn

Trong đoạn văn này (Cv 1,13-14), thánh Luca mô tả cuộc sống của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi là cộng đoàn kiên trì cầu nguyện. Hai câu này được xem như là “câu tóm lược” hoặc là “kết thúc phần Nhập đề của thánh Luca”, để chuẩn bị cho các sự kiện tiếp theo của cuốn sách này. Những câu này tập trung vào sự việc khi các môn đệ trở lại Giêrusalem, nơi cộng đoàn đầu tiên của những người tin vào Đức Kitô Phục sinh được thành lập. Điều quan trọng cần lưu ý là sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, các anh em Người và các phụ nữ, đã được Thánh Luca đề cập đến, điều đó đánh dấu vai trò quan trọng của họ trong đời sống Giáo hội sơ khai.

Điểm quan trọng được ghi lại là Đức Maria được hiện diện trong bối cảnh phụng vụ. Kiểu nói “đồng tâm nhất trí” ám chỉ mối dây yêu thương giữa các Kitô hữu, chính mối dây này đã hợp nhất họ thành một gia đình. Cộng đoàn đang chờ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Biến cố Hiện Xuống đánh dấu sự khai sinh của Giáo hội mới – một Giáo hội được củng cố vững chắc nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần trong hành trình truyền giáo. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đã tích cực tham dự vào đời sống Giáo hội, qua sự hiện diện trong cầu nguyện của Mẹ. Tình yêu và sự quan tâm từ mẫu của Mẹ dành cho các thành viên của Giáo hội được thể hiện rõ ràng trong bản văn này.

Hãy bén rễ sâu trong biến cố tại Nhà Tiệc Ly

Sách Công vụ Tông đồ cung cấp cho chúng ta một mô hình Giáo hội mà chúng ta được mời gọi bắt chước trong hành trình hiệp hành. Hiệp hành là hành trình đức tin được đồng hành bởi “tinh thần giáo hội”. Không ai bị loại trừ, bao gồm cả phụ nữ. Sự bao gồm là một khía cạnh quan trọng của tiến trình Hiệp hành. Tính hiệp hành của Giáo hội phải bén rễ sâu vào biến cố tại nhà tiệc ly, nơi các Tông đồ cùng với Đức Maria và những người khác đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần và sứ mạng phổ quát để công bố Đức Kitô Phục sinh cho tất cả mọi người (x. Cv 2,1-40). Chính trong cầu nguyện mà Giáo hội hiệp hành được Chúa Thánh Thần soi sáng để hiểu được sứ mạng mà Chúa đang mời gọi.

Tương quan của Giáo hội hiệp hành với Chúa Thánh Thần

Trong tiến trình hiệp hành của chúng ta, Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời để chúng ta lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Vào lúc Truyền Tin, Đức Maria đã được Chúa Thánh Thần bao phủ như “đám mây bao phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34). Chính bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (Lc 1, 28) mà Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trong cung lòng. Trong những biến cố khác, Mẹ cũng được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: thăm viếng bà Elisabeth, công bố lời Kinh Magnificat, dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, v.v…. Đỉnh điểm của những biến cố này là Lễ Ngũ Tuần, nơi Đức Maria chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mẹ cũng là người biết và nhận ra Chúa Thánh Thần, vì thế, một cách nào đó, Mẹ chính là tiêu chuẩn cho sự phân định và Mẹ chắc chắn ở đó để hướng dẫn các môn đệ.

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, là thành viên đầu tiên của Giáo hội, bởi vì Mẹ là người đầu tiên tin vào Chúa Giêsu và trở thành môn đệ của Người. Mẹ là người đầu tiên được nghe loan báo Tin mừng và cũng là nhà loan báo Tin mừng đầu tiên. Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta rằng Giáo hội xem Đức Maria là “người Mẹ rất dấu yêu”, là “chi thể trổi vượt” và là “khuôn mẫu và hình ảnh mang tính tiên tri” của Giáo hội[1].

Nữ vương các tông đồ

Nguồn gốc Thánh Kinh cho tước hiệu “Nữ vương các tông đồ” được tìm thấy trong Cv 1,13-14, đoạn văn cho thấy Đức Maria ở giữa các tông đồ. Truyền thống Giáo hội mừng lễ Đức Maria, Nữ vương các tông Đồ vào ngày thứ Bảy đầu tiên, sau lễ Chúa Thăng Thiên. Sự hiện diện của Mẹ ở giữa các tông đồ ghi dấu tình mẫu tử và sự hướng dẫn của Mẹ dành cho các tông đồ. Đức Maria là một mẫu mực và gương mẫu cho các tông đồ trong việc loan báo Tin mừng. Mẹ là nhà loan báo Tin mừng đầu tiên bởi chính Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến thế giới này. Đức Maria cũng truyền cảm hứng cho Giáo hội hiệp hành loan báo Tin mừng.

Gương mẫu cho cuộc lữ hành đức tin của chúng ta

Sự hiện diện trong cầu nguyện của Đức Maria ở Nhà Tiệc Ly là một diễn tả đức tin của Mẹ. Mẹ là mẫu gương đức tin cho Giáo hội sơ khai, bởi vì hành trình đức tin của Mẹ vốn đã được bắt đầu từ giây phút Truyền tin và được tỏ lộ trong biến cố Hiện xuống.

Về hành trình đức tin của Đức Maria và của Giáo hội, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Giáo hội như một người lữ hành nơi đất khách quê người, tiến bước giữa những bách hại của thế gian và sự an ủi của Thiên Chúa”, loan báo Thập giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (x.1 Cr 11,26)… Trong cuộc hành trình hay cuộc lữ hành này của Giáo hội qua không gian và thời gian, và qua cả lịch sử của các linh hồn, thật là đúng khi Đức Mẹ Maria hiện diện như một người “được chúc phúc vì đã tin”, như một người được bước trước trong cuộc lữ hành đức tin, và thông phần vào mầu nhiệm Chúa Kitô hơn bất cứ một thụ tạo nào khác. Công đồng còn dạy rằng: “Đức Maria đã tham dự sâu xa vào lịch sử cứu độ và một cách nào đó, quy tụ và phản chiếu nơi mình những chân lý trọng yếu của đức tin”. Ở giữa toàn thể mọi tín hữu, Đức Mẹ như tấm gương phản chiếu một cách sâu xa và trong suốt “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv.2,11)”[2].

Đức Trinh nữ Maria, Người nữ cầu nguyện

Đức Maria là một mẫu gương cho đời sống cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta được truyền cảm hứng nhờ sự hiện diện trong cầu nguyện của Mẹ ở giữa các tông đồ. Mẹ là người nữ của cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật điểm này nơi Mẹ: “Đức Maria đồng hành trong toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu bằng lời cầu nguyện, cho đến khi Người chết và phục sinh; và cuối cùng, Mẹ vẫn tiếp tục và đồng hành với những bước đầu tiên của Giáo hội sơ khai (x. Cv 1,14). Đức Maria cầu nguyện cùng các tông đồ là những người đã chứng kiến khổ hình thập giá. Mẹ cầu nguyện với thánh Phêrô, người đã bị khuất phục trước sợ hãi và khóc lóc ăn năn. Đức Maria ở đó với các môn đệ, giữa những người nam nữ được chính con của Mẹ kêu gọi để thành lập cộng đoàn của Người. Đức Maria không hành động như một linh mục ở giữa họ, không! Mẹ chính là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ đã cầu nguyện với họ trong cộng đoàn như một thành viên của cộng đoàn. Mẹ cầu nguyện với họ và cho họ. Và, một lần nữa, lời cầu nguyện của Mẹ báo trước tương lai sắp được hoàn thành: nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo hội. Khi cầu nguyện với Giáo hội sơ khai, Mẹ trở thành Mẹ của Giáo hội, đồng hành với các môn đệ trong những bước đầu tiên của Giáo hội bằng việc cầu nguyện và bằng việc chờ đợi Chúa Thánh Thần. Trong thinh lặng, luôn luôn trong thinh lặng! Lời cầu nguyện của Đức Maria thì thầm lặng.

Tin Mừng thuật lại cho chúng ta chỉ một lời cầu nguyện của Mẹ Maria: tại Cana, khi Mẹ cầu xin con mình, cho những người đáng thương sắp phải bị mang tiếng xấu tại bữa tiệc. Chúng ta hãy hình dung: việc có một bữa tiệc cưới và kết thúc bữa tiệc đó với sữa vì rượu đã hết! Thật là việc đáng xấu hổ. Và Mẹ cầu nguyện và yêu cầu con mình giải quyết vấn đề đó. Tự bản chất, sự hiện diện của Đức Maria là lời cầu nguyện, và sự hiện diện của Mẹ giữa các môn đệ tại Nhà Tiệc ly, và trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần, cũng là lời cầu nguyện. Vì vậy, Đức Maria đã sinh ra Giáo Hội, Mẹ là Mẹ của Giáo Hội”[3].

Đức Maria đang bước đi với chúng ta trong tiến trình hiệp hành

Đức Maria là Mẹ của Giáo hội và Mẹ đang bước đi với chúng ta trong hành trình đức tin. Hai đoạn Thánh Kinh giữ vai trò nền tảng cho tước hiệu “Mẹ Giáo hội” của Đức Maria: Chúa Giêsu đã trao phó môn đệ Gioan cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ Ngài (Ga 19,25-27) và vai trò tích cực của Đức Maria trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (Cv 1,14). Trở thành Mẹ của Đức Kitô, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo hội, là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vì Mẹ đã liên kết với các tông đồ trong cầu nguyện, sự hiện diện thiêng liêng của Mẹ vẫn tiếp tục trong Giáo hội ngày nay. Mẹ yêu thương và dưỡng nuôi Giáo hội. Sự hiện diện của Mẹ không đơn giản chỉ là vấn đề của niềm tin, nhưng còn là một thực tế không thể chối bỏ được. Đức Maria chăm sóc chúng ta như Mẹ đã chăm sóc Chúa Giêsu, người con duy nhất của Mẹ. Những lời chuyển cầu không ngừng của Mẹ với Con Mẹ cho chúng ta, những người con cái yêu dấu của Mẹ, chính là nguồn ân sủng dồi dào để chúng ta sống trọn ơn gọi Kitô hữu của mình. Với tình mẫu tử, Mẹ đang bước đi với chúng ta trong tiến trình hiệp hành.

Một số câu hỏi để suy tư cá nhân và suy tư nhóm

Chúng ta hãy kết thúc suy tư về chủ đề này với một vài câu hỏi trích từ tài liệu “Những nguồn Thánh Kinh cho Tính hiệp hành”, được soạn thảo bởi Tiểu ban Thánh Kinh thuộc Ủy ban Linh đạo của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục:

  1. Trong tiến trình hiệp hành, ta/chúng ta đã có những nỗ lực nào để trở nên giống Giáo hội sơ khai vốn sống “đồng tâm nhất trí”và chuyên cần cầu nguyện?
  2. Ta/chúng ta có thực sự cảm nhận được sự hiện diện của Đức Maria trong Giáo hội không? Và những giá trị trân quý nào mà ta/chúng ta học được từ nơi Mẹ cho tiến trình hiệp hành của ta/chúng ta?
  3. Thượng Hội đồng kỳ này mời gọi chúng ta cùng hiệp thông, tham gia và sứ vụ, vậy ta/chúng ta có trình bày Đức Maria như “Mẹ của sự hiệp nhất” và nhờ đó mà vượt qua những chia rẽ trong Giáo hội để kiến tạo sự hiệp thông nơi mọi người đã lãnh nhận phép Rửa trong viễn cảnh đại kết không?
  4. Làm thế nào để linh đạo Đức Maria giúp ta/chúng ta sống tư cách người môn đệ Đức Kitô trong việc lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần?[4]

KẾT LUẬN

Trở thành một Giáo hội hiệp hành nghĩa là sống đức tin Kitô giáo trong ánh sáng Lời Chúa và bước đi cùng nhau trên con đường mà Đức Maria đã đi qua với tư cách là người môn đệ đầu tiên của Đức Kitô. Mẹ là một mẫu gương cho Giáo hội và luôn đồng hành cùng chúng ta trên hành trình đức tin với tư cách là Mẹ của chúng ta. Đức Maria “hiện diện trong mầu nhiệm Giáo hội như một gương mẫu. Nhưng mầu nhiệm Giáo hội cũng hệ tại ở việc sản sinh nhân loại vào đời sống mới và bất diệt; đây là chức năng làm mẹ của Đức Maria trong Chúa Thánh Thần. Và ở chức năng này, Đức Mẹ Maria không chỉ là gương mẫu và hình ảnh của Giáo hội, mà Mẹ còn hơn thế nữa. Vì “với tình yêu từ mẫu”, Mẹ đã cộng tác để sinh hạ và nuôi dưỡng những con cái của Mẹ Giáo hội. Chức năng làm mẹ của Giáo hội được hoàn thành không chỉ theo gương mẫu và hình ảnh Mẹ Thiên Chúa, mà còn nhờ sự “cộng tác” của Mẹ nữa. Giáo hội kín múc dư dật trong sự cộng tác này, nghĩa là trong sự trung gian từ mẫu vốn là một đặc điểm của Đức Maria, sự trung gian trong mức độ Mẹ đã cộng tác trong việc tái sinh và nuôi dưỡng các con cái của Giáo hội trên trần gian, với tư cách là Mẹ của Người Con mà Chúa Cha “đã đặt làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc[5].

Việc suy gẫm những đoạn Thánh Kinh về Đức Maria trong Tân Ước giúp soi sáng tâm trí để hiểu đầy đủ vai trò của Mẹ trong nhiệm cục cứu độ và trong đời sống của Giáo hội. Một số tham chiếu đến giáo huấn của một số giáo hoàng và tài liệu của Giáo hội giúp chúng ta đi sâu vào đời sống mẫu mực của Đức Maria và tình mẫu tử thần linh của Mẹ vẫn tiếp tục hướng dẫn chúng ta trong hành trình hiệp hành.

Đức Maria là hình ảnh sống động của Giáo hội hiệp hành. Đó chính là lý do tại sao chúng ta xem Đức Maria và Giáo hội đều là Mẹ. Khi chúng ta đọc kỹ và suy niệm những đoạn Thánh Kinh về Đức Maria trong Tân ước, chúng ta đã học được những đặc tính sau đây của Đức Maria như là nguyên lý hướng dẫn cho hành trình hiệp hành của chúng ta: Sự thánh thiện, sự mẫu mực của đời sống đức tin, sự vâng phục ý Chúa, sự ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần, đời sống cầu nguyện, sự thinh lặng chiêm niệm, tình yêu tha nhân, việc sống hoàn hảo tư cách người môn đệ và sự trung gian từ mẫu. Chúng ta hãy tôn kính Đức Maria như là hình ảnh của Giáo hội hiệp hành và nài xin sự hướng dẫn từ mẫu của Mẹ.

Bước theo dấu chân Đức Maria, chúng ta hãy cùng nhau “gieo mầm ước mơ, viết ra những lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy sinh, truyền cảm hứng cho niềm tin, hàn gắn các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh của hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra phương cách tươi mới giúp soi sáng trí khôn, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay của chúng ta”[6].

Chúng ta đúc kết những suy tư về Đức Maria liên quan đến tính Hiệp hành bằng những lời tốt đẹp của Thánh Bernard thành Clairvaux (1090 – 1153):

Trong lúc nguy hiểm, đau khổ hay nghi nan, hãy nghĩ đến Đức Maria và kêu cầu Mẹ. Ước gì thánh danh của Đức Maria không bao giờ xa rời môi miệng và cõi lòng bạn. Và để hưởng được thành quả từ lời cầu nguyện của Mẹ, đừng bao giờ quên gương sống của Mẹ. Theo bước chân Đức Maria, bạn sẽ không bao giờ bị chìm trong thất vọng. Chiêm ngắm Đức Maria, bạn sẽ không bao giờ sai lầm. Với sự trợ giúp của Đức Maria, bạn sẽ không vấp ngã. Dưới sự bảo vệ của Mẹ, bạn sẽ không bao giờ sợ hãi. Dưới sự dẫn dắt của Mẹ, bạn sẽ không bao giờ mệt mỏi. Và với sự giúp đỡ của Mẹ, bạn sẽ đạt được cùng đích Thiên Đàng[7].

LỜI KẾT

Sr. Nathalie Becquart, xmcj

Phó Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục

Trong cuốn sách mang tính thiêng liêng, giáo dục và rất sâu sắc này, D. Kulandaisamy và Y. Karunanidhi giúp chúng ta suy tư về Đức Maria, hình ảnh của Giáo hội Hiệp hành. Và cùng với Thượng Hội đồng năm 2021 – “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” – chúng ta đã bước vào một tiến trình hiệp hành, cả hai đều đề nghị với chúng ta việc chiêm ngắm Đức Maria như là một hình ảnh truyền cảm hứng để hướng dẫn chúng ta bước vào con đường hoán cải để trở thành một Giáo hội hiệp hành.

“Đức Maria, bức icon”. Như đã trình bày cho chúng ta trong Kinh Thánh, mối tương quan của chúng ta với Đức Maria có thể được giải thích – và vì thế cũng được cảm nghiệm – như là mối tương quan giữa một người chiêm ngắm một bức icon với chính hình ảnh mà bức Icon đó đang thể hiện. Vậy bức icon là gì? Chúng ta đang tìm ai trong bức icon mà chúng ta chiêm ngắm? Và tại sao nó lại quan trọng đối với Giáo hội?

“Icon” là một từ xuất phát từ động từ Hy lạp có nghĩa là “giống như”, và nó là một cách diễn tả rất cổ xưa của đức tin Kitô giáo, đặc biệt tại các Giáo hội Đông Phương: đó là một chiếc bàn gỗ, trên đó chúng ta thấy những hình ảnh “được viết” về Đức Kitô, Đức Maria và các Thánh. Mỗi icon là một “dấu biểu hiện” của mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúng là những hình ảnh để chúng ta đọc và biết về Thiên Chúa. Icon là một cách đọc Lời Chúa với con mắt thể lý, để nhờ đó cũng nhận thấy Lời Chúa bằng con mắt của tâm hồn.

Chiêm ngắm hình ảnh Đức Kitô, Đức Maria hoặc các Thánh “được viết” trên một icon nghĩa là bắt đầu bước trên con đường dẫn dắt chúng ta đến việc dần dần bắt chước và sống theo mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm, để trở nên thánh theo cùng sự thánh thiện của những vị thánh mà chúng ta tôn kính. Qua một icon, mầu nhiệm được mô tả trong icon “được in đậm trong tâm hồn, và sau đó được thể hiện trong đời sống mới” (x. Thánh Gioan Damascene). Theo nghĩa này, khi chúng ta chiêm ngắm một icon với con mắt thể lý và con mắt tâm hồn, thì chúng ta tiến một bước hướng về đích mà tất cả chúng ta đều được mời gọi, đó là chính Thiên Chúa và sự thánh thiện của Ngài.

Như vậy, “Đức Maria là một icon của Giáo hội hiệp hành”, điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là: Được chiêm ngắm bởi Giáo hội, hình ảnh Đức Maria chứa đựng và biểu lộ cách chúng ta có thể thực hiện cuộc hành trình cùng nhau, và cách chúng ta sống tinh thần “hiệp hành”. Chứng kiến hành trình của chính Đức Maria, nhìn thấy Mẹ chăm chú lắng nghe Lời Chúa, có tác dụng đánh thức và dưỡng nuôi hành trình cùng nhau của chúng ta trong tư cách là một Giáo hội. Đó là lý do tại sao, trong thời đại chúng ta, khi Giáo Hội đón nhận lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở nên hoàn toàn hiệp hành, Đức Maria là một ngọn hải đăng và là một điểm quy chiếu, một người bạn đồng hành mở ra con đường và khuyến khích chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Chúa.

Cái nhìn của chúng ta hãy dừng lại nơi Đức Maria, một thiếu nữ trẻ sống ở vùng ngoại vi của thế giới đương thời. Có một sức mạnh trong việc Thiên Chúa ‘đi ra’ khỏi vùng nội vi của Đền Thờ để đến gặp Đức Maria ở vùng ngoại vi. Cũng chính Chúa, Đấng tự do di chuyển như gió, làm cho vùng ngoại vi trở thành trung tâm của vũ trụ.

Và ai sẵn sàng mở lòng gặp gỡ Chúa ở chính nơi đó, bên lề lịch sử? Đó là một người nữ, người mà khi phải đối mặt với những điều bất ngờ, những điều mới mẻ và kinh ngạc của Chúa, Đấng can dự vào cuộc sống của cô và làm cho cuộc sống đó đảo lộn, thì đã có sự táo bạo và tin tưởng đón nhận Ngài. Giống như những ngôn sứ xưa, Đức Maria đón nhận Lời Chúa vào mình và vào chính cuộc sống của mình. Và chính Lời này đã biến Mẹ trở nên Đền thờ, nơi cực Thánh, nơi Thiên Chúa cư ngụ và hiện diện trong trần gian này.

Đức Maria là một người nữ đã tin rằng những gì không thể sẽ trở thành có thể. Mẹ là một người nữ đã tin vào Chúa, Đấng luôn yêu thương những điều bé nhỏ nhất trong cuộc đời Mẹ. Đức Maria lắng nghe Lời Chúa một cách sâu sắc (đây là ý nghĩa của hạn từ “Vâng phục” [obey]: ob-audire) đến độ để cho Lời mặc lấy xác phàm trong lòng Mẹ, để cho Lời trở thành tất cả của Mẹ. Trong bàn tay của Thiên Chúa tự do và giải thoát, mọi sự đều trở thành có thể và đạt được. Niềm vui được giải thoát, mọi rào cản được phá đổ, và khát vọng chia sẻ những hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận thì được nảy sinh.

Như là thần tượng của chúng ta, Đức Maria khuyến khích chúng ta đừng ép buộc Chúa ở trong khu vực tiện nghi của chúng ta, nhưng xác tín rằng Ngài muốn dẫn chúng ta vượt qua: vì đối với Ngài không nơi nào là xa xôi hay bị lãng quên. Đức Maria truyền cảm hứng cho chúng ta để tin rằng không ai là quá trẻ, quá già, quá hạn chế hoặc quá tội lỗi để giới hạn quyền năng của Chúa. Đức Maria dạy chúng ta đừng sợ hãi để dành chỗ cho Chúa, để lắng nghe Lời Ngài một cách sâu sắc, và để tin tưởng hết mình vào sự hiện diện của Ngài.

Tóm lại, nói rằng Đức Maria là hình ảnh của một Giáo hội hiệp hành nghĩa là Đức Maria hiện thân của những thái độ thiêng liêng có thể biến đổi chúng ta thành môn đệ hiệp hành đích thực: vâng nghe Lời Chúa, tin tưởng vào hoạt động giải thoát và trao ban sự sống của Lời Chúa; phó dâng mình cho kế hoạch của Chúa; lắng nghe những nhu cầu của tha nhân, không chỉ giúp đỡ vật chất nhưng còn chia sẻ với họ niềm vui của Tin mừng; học cách chờ đợi trong kiên nhẫn để Chúa cho hoa trái trong vườn của Ngài được chín. Đây là những tâm tình tốt đẹp nội tâm dạy chúng ta cách giải phóng bản thân khỏi những sợ hãi từ những điều mới mẻ và chưa biết, và cách để gặp gỡ những người khác biệt với chúng ta và lắng nghe nhau (x. Fratelli Tutti, 41 và 48).

Bây giờ là thời gian ân sủng, nơi đó chúng ta được mời gọi khám phá những điều Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta, đang đòi hỏi chúng ta và đang ban cho chúng ta. Đức Maria đồng hành với Giáo hội suốt mọi chặng đường, như một người mẹ đồng hành với các con của mình, để dạy chúng rằng không ai đến với Chúa một mình. Lời mời gọi của Chúa dành cho chúng ta là hãy chiêm ngắm Đức Maria trong Kinh Thánh để học từ nơi Mẹ nghệ thuật bước đi cùng nhau.

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (24.08.2024)

[1] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 53 và 65

[2] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 25.

[3] Đức Phanxicô, Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 18.11.2020 – Cầu nguyện như Mẹ Maria: Chúa muốn gì, khi nào và cách nào

[4] Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu Biblical Resources for Synodality (Các nguồn Kinh thánh về tính hiệp hành), trang 58.

[5] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Chuộc, số 44.

[6] Đức Phanxicô, Diễn văn khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ, ngày 03.10.2018.

[7] Thánh Bernard, Sermo super missus est II, 17.