ĐỨC TRINH NỮ GIỮA ĐÁY TRƯA
- Dẫn Nhập.
Tháng năm đã về, không một Kitô hữu Việt Nam nào không phấn khởi vui mừng vì vốn đã có truyền thống yêu mến Mẹ Maria cách đặc biệt. Việc lần chuỗi Mân côi là việc làm đẹp lòng Đức Mẹ nhất vì chính Đức Mẹ trong nhiều lần hiện ra, như với Thánh Đôminicô, với Thánh Bênađêta ở Lộ Đức, với ba Thánh trẻ ở Fatima… lần nào Đức Mẹ cũng dạy lần chuỗi Mân côi, vì là cách cầu nguyện mà các Đức giáo hoàng gần đây coi là thích hợp nhất để sống Phúc âm.
Tuy nhiên Kitô hữu Việt Nam từ lâu đã sáng nghĩ một cách bày tỏ tâm tình để ca tụng tôn kính Mẹ Đồng trinh rất độc đáo, theo văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là dâng hoa muôn sắc muôn hương, kết hợp với nghệ thuật múa dân gian rất khoan thai dịu dàng. Trước năm 1945 quãng 10 tuổi tôi đã được ngắm các thiếu nữ tuổi trăng tròn hát dâng hoa ở giáo xứ của tôi là Nam định. Nhưng từ năm 1946 được vào Tiểu chủng viện Hà nội, bẵng đi khoảng 50 năm không có dịp nào; mãi đến năm 1995 về giáo xứ Trung hải, giáo dân gốc giáo phận Hải phòng, mới có dịp ngắm lại. Trong các bài hát dâng hoa, tôi để ý đặc biệt đến câu điệp khúc trong bài Như dạ lý mùa xuân, của tác giả Ngọc Kôn:
Như huệ thắm vườn thiêng
Mẹ kiều diễm như huệ non núi Sion
Con say sưa tìm đến bên Mẹ
Không xin gì cũng chẳng dâng gì,
Chỉ cần nhìn ngắm Mẹ.
Câu này trích dịch từ bài thơ “Đức Trinh Nữ giữa đáy trưa” (La Vierge à midi) của Paul Claudel.
- Bài thơ của thi sĩ Paul Claudel.
Ông sinh ra năm 1868 trong gia đình công giáo Pháp, nhưng lớn lên trở thành người duy vật vô thần. Đến 18 tuổi ông trở lại đạo công giáo vào dịp Noel 1986. Ông sáng tác bài thơ này vào những năm đầu của thế chiến thứ nhất (1914 – 1918). Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng cho biết: “trong số các bài thơ hay nhất thế giới ca tụng Mẹ Maria phải kể đến bài thơ “Đức Trinh Nữ giữa đáy trưa” (La Vierge à midi). Bài thơ này ảnh hưởng đến nhiều thi sĩ công giáo Việt Nam. Tôi nghe đâu đó qua thi phẩm Ave Maria của thi sĩ Hàn Mạc Tử: “bởi chưng thơ đầy ứ”, “rưng rưng hai hàng lệ”. Còn các thi sĩ ngoài công giáo thì sao? Năm 1983 tôi có gặp thi sĩ Xuân Diệu vào một buổi trưa tháng năm, tháng Đức Mẹ, trên đồi Bửu Châu, nhà thờ Trà Kiệu. Sau khi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và về thành Sinhapura, tôi thủ sẵn cuốn sổ tay và tha thiết xin một bút tích, một câu thơ nào đó mà thi sĩ yêu quý. Hai chúng tôi ngồi xuống bậc cấp, nhìn ra phía Cù lao Chàm xa xa. Tôi im lặng hồi hộp chờ đợi. Thấy thi sĩ viết hơi lâu, tôi càng mừng. Chắc cũng là những câu xã giao nào đó như tôi thường nhận. Hồi lâu, thi sĩ quay sang hỏi: Nơi này gọi là gì? – Thưa đồi Bửu Châu! Thi sĩ viết tiếp rồi gấp lại và trao cho tôi. Tôi không dám mở ra và chúng tôi cùng đi xuống ngọn đồi. Khi về đến nhà, mở sổ ra, sửng sốt vì những dòng chữ đều đặn và nhất là nội dung của bài thơ, trích từ bài Việt muôn đời:
Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ
Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng,
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió
Mẹ là trời, con là hạt sương rung.
Phải chăng ông nhớ về bài thơ của Paul Claudel: Đức trinh Nữ vào đúng ngọ… Ông viết hoa các chữ Mẹ… và cũng có con sáo, nhưng đây là sáo diều: Con là sáo Mẹ là ngàn vạn gió.” (Trích bài của Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng, về La Vierge à midi, trong Google). Trên đây là một chi tiết rất thích thú giúp ta hiểu đầu đề bài thơ.
- Đầu đề bài thơ.
Paul Claudel đặt đầu đề bài thơ là: La Vierge à midi, Lm Thăng dịch là Đúng Ngọ, Lm Xuân Li Băng dịch là Trời Đúng Ngọ, chị Xuân Lan dịch là Buổi Trưa Bên Mẹ. Còn thi sĩ Xuân Diệu dịch là Giữa đáy trưa. Có lẽ không chữ nào chính xác và sống động hơn hình ảnh này của cố thi sĩ Xuân Diệu. Tôi cho rằng dịch như thế là tuyệt, đạt lý thấu tình. Bởi vì đáy là phần sâu nhất trong lòng một vật chứa đựng, người ta hay nói đáy lòng, tận đáy con tim. Đáy trưa là trời trưa trọn vẹn nhất, là thời gian và không gian vừa chói chang vừa nóng hực. Bối cảnh Đáy trưa này thật tương ứng với sự cảm phục yêu mến tận đáy lòng của thi sĩ đối với Mẹ đồng trinh. Quả thật, giữa đáy trưa, thi sĩ nhìn ngắm Mẹ để giãi bày tận đáy lòng tất cả tâm tư và tình yêu đầy ứ của một đứa con cho Mẹ mình.
- Tâm tư và tình yêu của một đứa con.
Để bạn đọc thưởng thức bài thơ, tôi cố gắng hết sức theo sát nguyên văn bài thơ để có thể lột hết ý trong bài thơ bằng văn xuôi Việt Nam.
Đức Trinh nữ giữa đáy trưa
Giữa đáy trưa. Con thấy nhà thờ mở. Phải vào.
Lạy Mẹ Chúa Giêsu Kitô, con không đến cầu nguyện.
Con không có gì để dâng, và không có gì để xin.
Lạy Mẹ, con chỉ đến để nhìn ngắm Mẹ thôi.
Nhìn ngắm Mẹ, khóc lên vì hạnh phúc, biết rằng
Con là con của Mẹ và Mẹ đang ở đây
Chỉ một lát thôi đang khi tất cả ngừng trôi,
Giữa đáy trưa,
Ở với Mẹ, Maria ơi, trong nơi Mẹ đang ở.
Chẳng nói gì, nhìn ngắm dung nhan mẹ,
Để cho con tim hát lên bằng ngôn ngữ riêng của nó,
Chẳng nói gì, nhưng chỉ hát bởi con tim đầy ứ,
Như con sáo theo ý nghĩ hót những khúc hót đột biến.
Bởi vì Mẹ kiều diễm, bởi vì Mẹ vô nhiễm nguyên tội,
Là phụ nữ kết cục được phục hồi trong ơn thánh,
Là thọ tạo trong vinh dự trước hết
và trong triển nở sau hết,
Đấng tuyền vẹn khôn tả nên lời
bởi vì là Mẹ Chúa Giêsu Kitô,
Người là chân lý trong vòng tay Mẹ,
là hy vọng duy nhất và là hoa quả duy nhất.
Bởi vì Mẹ là phụ nữ, là Êđen âu yếm xưa bị quên lãng,
Nhìn Mẹ thấy con tim bỗng trào ra những giọt lệ đầy ứ.
Bởi vì trời giữa đáy trưa, bởi vì chúng con đang trong ngày hôm nay.
Bởi vì Mẹ ở đây mãi mãi,
Chỉ vì Mẹ là Maria,
Chỉ vì Mẹ tồn tại
Lạy Mẹ Chúa Giêsu Kitô, cám ơn Mẹ!
- Khổ thơ tuyệt cú.
Khổ thơ tôi tâm đắc hơn cả là bốn câu đầu tiên, đọc lên thấy toát ra từ lời thơ đến tâm tư những nét đơn giản, hồn nhiên, nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng. Thi sĩ say sưa tìm đến bên Mẹ không xin gì cũng chẳng dâng gì chỉ cần nhìn ngắm Mẹ. Nhìn ngắm theo Sách Giáo lý Công giáo là cầu nguyện chiêm niệm, một hình thức đơn giản nhất của mầu nhiệm cầu nguyện, một ân huệ Chúa ban, một nhịp mạnh tuyệt vời của cầu nguyện, một nhìn ngắm đức tin, một hiệp thông tình yêu thầm lặng (xem sách GLCG 2713 – 2719).
Chính trong sách đó có nhắc đến chuyện kể: khi cha thánh Vianney thấy người bổn đạo nông dân của xứ Ars ở lâu trước bàn thờ, cha hỏi ông đang làm gì? Ông thưa: “Chúa nhìn con và con nhìn Chúa. Thế là đủ rồi.” (SGLCG 2715). Một tác giả viết về cha thánh Vianney có nhận xét rằng: “một nhà thần học uyên thâm cũng chẳng thể nghĩ ra một công thức đơn giản, chính xác, hoàn thiện như thế, để nói về sự đối thoại giữa một linh hồn với Chúa.” (Henri Ghédon).
- Để kết.
Chúng ta đã quen và có nhiều dịp cầu xin lòng thương xót Chúa, cầu xin lòng thương xót và cảm thương của Đức Mẹ. Ước mong trong tháng Đức Mẹ này, chúng ta cũng dành thời giờ đặc biệt để đến với Mẹ.
Không dâng gì cũng chẳng xin gì,
Chỉ cần chiêm ngắm Mẹ.
Vì Mẹ kiều diễm, vì Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Mẹ là phụ nữ phát xuất từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa phục hồi tinh tuyền nguyên vẹn, để làm Mẹ Chúa Giêsu Kitô là hy vọng duy nhất và là quả phúc duy nhất cứu rỗi chúng ta. Và rồi như con sáo hót lên những khúc hót hồn nhiên theo ngẫu hứng ca tụng và yêu mến Mẹ Đồng trinh.
Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng Linh mục Cần thơ 2016