Đừng làm cho Thiên Chúa thành xấu đi
Thiên Chúa đó là Tin mừng cho người nghèo. Bất kỳ lời giảng nào nhân danh Thiên Chúa mà không phải là Tin mừng cho người nghèo thì không phải là Phúc âm.
Trong 15 năm qua, tôi dạy một môn tên là Thần học về Thiên Chúa. Các sinh viên học môn này chủ yếu là các chủng sinh, cùng với một số giáo dân chuẩn bị nhận thừa tác vụ. Tôi luôn dạy theo giáo trình, là những mặc khải chính trong Kinh Thánh về bản tính Thiên Chúa và các hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, một vài quan điểm nổi bật từ các Giáo phụ về bản tính và hành động của Thiên Chúa, sự phát triển theo dòng lịch sử của định nghĩa giáo lý về Thiên Chúa, một vài quan niệm suy đoán về ba ngôi, trải từ thánh Âugutinô đến các thần học gia Karl Rahner (1904-1984) và Catherine Lacugna (1952-1997). Nhưng điểm nhấn mạnh chính yếu, một mô thức nhất quán của tôi, luôn là điểm này. Tôi luôn bảo các sinh viên: “Dù các em làm gì trong việc mục vụ và giảng dạy, hãy cố đừng làm cho Thiên Chúa thành xấu đi!”
Trong việc giảng dạy, rao giảng, và hoạt động mục vụ của chúng ta, không gì quan trọng bằng khái niệm chúng ta truyền tải về Thiên Chúa, Đấng bảo chứng cho tất cả những hoạt động này. Mọi bài giảng lễ, mọi bài giảng về giáo lý và bí tích và mọi việc mục vụ chúng ta làm, phản ánh Thiên Chúa đứng sau mọi việc đó. Nếu giáo huấn của chúng ta hạn hẹp và nhỏ nhen, thì chúng ta làm cho Thiên Chúa có vẻ hạn hẹp và nhỏ nhen. Nếu việc mục vụ của chúng ta thiếu thông hiểu và tình thương, thì chúng ta làm cho Thiên Chúa có vẻ thiếu thông hiểu và tình thương. Nếu chúng ta vị luật, thì chúng ta làm cho Thiên Chúa có vẻ vị luật. Nếu chúng ta bè phái, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kỳ thị chủng tộc, thì chúng ta làm cho Thiên Chúa có vẻ bè phái, dân tộc cực đoan, kỳ thị chủng tộc. Nếu chúng ta làm những việc bất chấp lương thức, thì chúng ta làm cho Thiên Chúa có vẻ bất chấp lương thức. Nói thẳng ra, khi chúng ta làm những việc xấu xí trong thừa tác vụ, thì chúng ta làm cho Thiên Chúa có vẻ xấu xí.
Trong mọi bài giảng, giáo huấn và việc mục vụ của mình, chúng ta đừng để những thứ độc đoán, hạn hẹp, vị luật, khắc nghiệt, kỳ thị chủng tộc, óc bè phái, dân tộc cực đoan, mọi thứ hẹp hòi nhỏ nhen liên kết với Thiên Chúa qua chúng ta. Bất kỳ việc gì chúng ta làm nhân danh Thiên Chúa là phản ánh Thiên Chúa.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa vô thần, chủ trương bài giáo sĩ, và hầu hết thái độ tiêu cực đối với Giáo hội và tôn giáo thời nay luôn có thể bắt nguồn từ một thần học tồi hay một việc thực hành tồi trong bản thân Giáo hội. Chủ nghĩa vô thần luôn là ký sinh sống nhờ một tôn giáo tồi. Điều này cũng đúng với thái độ tiêu cực đối với các Giáo hội thời nay. Thái độ bài Giáo hội sống nhờ tôn giáo tồi và do đó, chúng ta, những người giảng dạy, giáo huấn và mục vụ nhân danh Thiên Chúa, cần phải kiểm xét lại mình bằng những lời phê phán này.
Cũng vậy, chúng ta cần phải thành thật thừa nhận rằng mình đã làm tổn thương nghiêm trọng nhiều người bằng sự khắc nghiệt trong mục vụ vốn chẳng phản ánh được một Thiên Chúa thông hiểu, cảm thương và khôn ngoan, thay vào đó lại gợi lên một Thiên Chúa độc đoán, vị luật và không khôn ngoan cho lắm.
Tôi muốn nói ra điều này trong tinh thần cảm thông. Không dễ để phản ánh Thiên Chúa cho thỏa đáng, nhưng chúng ta phải thử, phải nỗ lực để phản ánh tốt hơn về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu là hiện thân. Những đặc nét của Thiên Chúa là gì?
Trước hết, Thiên Chúa vô tư. Thiên Chúa không ưu ái người nào, dân tộc hay chủng tộc nào. Tất cả đều có đặc ân. Thiên Chúa đó cũng nói rõ rằng không phải chỉ ai tuyên xưng Thiên Chúa và tôn giáo mới là người có đức tin, mà là cả những ai, bất chấp tôn giáo tín ngưỡng, biết thực thi ý Ngài trong cuộc sống.
Tiếp theo, Thiên Chúa thông hiểu và cảm thương đến mức độ chúng ta không thể nào chấp nhận nổi, nhất là đối với những người yếu đuối và tội lỗi. Thiên Chúa đó sẵn sàng ngồi lại với các tội nhân để ngỏ lời mời xin họ thanh tẩy đời mình. Hơn nữa, Thiên Chúa đó yêu cầu chúng ta cũng phải cảm thương như thế, yêu thương tội nhân và thánh nhân như nhau. Thiên Chúa đó không ưu ái cho người đức hạnh hơn.
Hơn nữa, Thiên Chúa đó chỉ trích những ai, dù thật tâm đến mấy, cố ngăn cản những người tội lỗi đến với Ngài. Thiên Chúa đó không bao giờ thủ thế, Ngài đã chấp nhận chịu chết còn hơn là bảo vệ cho mình, chưa hề lấy thù hận đáp trả thù hận, chết trong yêu thương và tha thứ cho những người giết Ngài.
Cuối cùng và cũng là trọng tâm, Thiên Chúa đó là Tin mừng cho người nghèo. Bất kỳ lời giảng nào nhân danh Thiên Chúa mà không phải là Tin mừng cho người nghèo thì không phải là Phúc âm.
Đây là những đặc nét của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu là hiện thân và chúng ta cần phải ghi nhớ hình ảnh Thiên Chúa như thế khi rao giảng, giáo huấn, và mục vụ, kể cả khi chúng ta cực kỳ quan tâm đến giới hạn và những yêu cầu của giáo lý chính thống.
Các vấn đề mục vụ phức tạp sẽ luôn xuất hiện và tôi không có ý nói nên giải quyết những vấn đề này theo cách tối giản hóa. Sự thật sẽ giải phóng chúng ta và như chính Chúa Giêsu đã nói, những yêu cầu của cương vị môn đệ thật khó khăn. Tuy nhiên, với tâm thức như thế, chúng ta phải luôn phản ánh lòng thương, sự nhân từ và khôn ngoan của Thiên Chúa trong mọi hoạt động mục vụ của mình. Nếu không, Thiên Chúa sẽ có vẻ độc đoán, bè phái, tàn nhẫn và là phản đề của tình yêu. Như nhà văn Marilynne Robinson nói, kitô giáo tuyệt đối không thể chịu thua sự hạn hẹp, vị luật, thiếu tình thương và thiếu lương thức.
J.B. Thái Hòa dịch
Ronald Rolheiser,