Gặp gỡ 17 – Chúa Giê-Su lập bí tích Xức dầu Bệnh nhân

print

 

 

Gặp gỡ 17 – Chúa Giê-Su lập bí tích Xức dầu Bệnh nhân

 

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Trong ba năm giảng đạo, Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, như Phúc âm Lu-ca và Mác-cô ghi nhận :

“Khi mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ” (Lc 4, 40; x. Mc 1, 32).

Ngay cả đến sau khi đã từ cõi chết phục sinh, trong lệnh truyền loan báo Tin Mừng, khi nói đến “những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin”, Người cũng nói : “Nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16, 17-18).

Việc Chúa Giê-su rất coi trọng công tác chữa lành các bệnh nhân cho thấy nguồn gốc, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chữa lành, mà bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân đem lại, như Lời Chúa sau đây ghi nhận :

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Gcb 5, 14-15) :

Lời Chúa trong thư Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ :

“Ai trong anh em đau yếu ư ? Hãy mời các linh mục Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha”.    Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

Lời Chúa cho thấy : ngay từ ban đầu, Hội Thánh đã thực hành bí tích Xức Dầu vì đã ý thức những ý nghĩa và hiệu quả của bí tích này.

1/ Nguồn gốc, ý nghĩa bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân :

Bệnh tật là những thử thách nặng nề cho đời sống con người, có thể làm cho con người xao xuyến đến độ thất vọng ! Nhưng Thánh Kinh lại cho ta thấy những giá trị tích cực của bệnh tật :

  • Ngôn Sứ I-sa-i-a tin rằng : đau khổ, bệnh tật cũng có giá trị chuộc tội cho người khác (x. Is. 53, 11).
  • Với Chúa Giê-su thì những người bệnh tật được Chúa thương mến, chữa lành. Người không ngần ngại đồng hóa mình với họ khi Người nói : “Ta đau yếu, các con đã chăm nom…” (Mt 25, 36).

. Người tình nguyện “mang lấy những tật nguyền của ta và gánh lấy những bệnh hoạn của chúng ta” (x. Mt 8, 7), và trên thập giá, Người đem lại ý nghĩa mới cho đau khổ bệnh tật : giúp ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn của Người để được cứu độ.

. Người coi việc chữa lành các bệnh nhân là dấu chỉ Nước Trời đang đến, dấu chỉ cho việc chữa lành tận căn, đó là chữa con người khỏi căn bệnh tác hại hơn hết, là tội lỗi. Vì vậy, Người truyền cho các Tông đồ : “Hãy chữa lành người đau yếu…” (Mt 10, 8).

  • Chính từ lệnh truyền này, Hội Thánh thực hiện việc chăm sóc, cầu nguyện cho bệnh nhân. Hội Thánh cũng tuyên xưng rằng: bí tích Xức Dầu được Chúa Ki-tô thiết lập; được thánh Mác-cô nhắc đến (Mc 6, 13), được thánh Gia-cô-bê ra chỉ thị và công bố (Gcb 5, 14).

2/ Hiệu quả bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân :

  • Ơn sức mạnh, bình an và can đảm, để bệnh nhân cũng như người già yếu : tin cậy, phó thác vào Thiên Chúa, hầu lướt thắng cơn cám dỗ ngã lòng và sợ hãi trước cái chết.
  • “Bệnh nhân đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” nếu họ chưa thể nhận được ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa.
  • Giúp bệnh nhân biết kết hiệp với Đức Ki-tô : nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khổ nạn, được tham dự vào công trình cứu độ của Người, góp phần thánh hóa Hội thánh, mưu ích cho mọi người.
  • Nếu Chúa muốn, thể xác bệnh nhân cũng được chữa lành, sức khỏe được hồi phục.
  • Chuẩn bị cho bệnh nhân vượt qua từ cõi đời tạm này về cõi sống đời đời. Vì vậy, bí tích này thường đi kèm với việc rước Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng.

3/ Cử hành và lãnh nhận :

a/ Thừa tác viên cử hành : “Hãy mời các kỳ mục Hội Thánh đến”, nên chỉ Giám Mục, Linh Mục mới có quyền ban bí tích này.

b/ Nghi thức cử hành :

+ Đây là một cử hành phụng vụ, cần có cộng đoàn tham dự, tốt nhất là nên cử hành trong Thánh Lễ.

+ Gồm các nghi thức : Sám hối (bệnh nhân xưng tội), phụng vụ Lời Chúa, phần chính yếu là : Chủ sự đặt tay cầu nguyện cho bệnh nhân, rồi xức dầu trên trán và trên lòng hai bàn tay, đọc lời xức dầu…

“Nhờ việc xức dầu thánh này…”

+ Sau đó bệnh nhân rước Thánh Thể. Như vậy, ba bí tích Thống Hối, Xức Dầu và Thánh Thể làm thành “các bí tích chuẩn bị về quê trời”, cũng gọi là “các bí tích hoàn tất cuộc lữ hành trần thế”.

c/ Người lãnh :

+ Bí tích này không chỉ dành cho người hấp hối, nhưng dành cho những tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì cơn bệnh hay già yếu.

+ Trong cùng một cơn bệnh, có thể lãnh Xức Dầu nhiều lần: cứ mỗi lần bệnh trở nặng,  người sắp giải phẫu nặng, hoặc các cụ già lão khi thấy sức lực suy yếu…

4/ Thái độ Ki-tô-hữu phải có trước bệnh tật, đau khổ :

  • Bản thân chúng ta phải biết vâng thánh ý Chúa khi gặp bệnh tật; biết kết hiệp những đau khổ với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô; quý trọng và lo liệu để lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân đúng lúc.
  • Đối với người khác : trong tình hiệp thông bác ái, ta cần thăm viếng, giúp đỡ bệnh nhân, nhắc nhở họ biết có thái độ tin, cậy, mến trước bệnh tật và cái chết, biết vui lòng chịu đau khổ để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô. Cần lo cho họ lãnh các bí tích sau hết.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Lạy Chúa Giê-su, Chúa hằng ban ơn nâng đỡ chúng con cả lúc khoẻ mạnh cũng như lúc đau yếu. Xin Chúa giúp chúng con cũng biết nâng đỡ những người bệnh tật, già yếu bằng những lời cầu nguyện và những việc chăm sóc cụ thể hằng ngày. Amen.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1/ H. Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân là gì ?

T. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, phần hồn phần xác.

2/ H. Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban những ơn nào ?

T. Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân ban những ơn này :

  • Một là kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, để sinh ơn ích cho chính họ và cho Hội Thánh.
  • Hai là ban niềm an ủi và lòng can đảm, để họ biết chịu đựng những đau đớn của bệnh tật hoặc tuổi già, theo tinh thần Ki-tô giáo.
  • Ba là tha thứ các tội lỗi nếu chưa xưng tội được.
  • Bốn là phục hồi sức khỏe phần xác nếu điều này giúp ích cho ơn cứu độ thiêng liêng.
  • Năm là chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời.

3/ H. Người coi sóc bệnh  nhân có các bổn phận nào ?

T. Người coi sóc bệnh nhân phải lấy lòng bác ái săn sóc phần xác, lấy đức tin an ủi, khuyên bảo bệnh nhân vui lòng chịu đau đớn để kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, và khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, phải báo tin cho Cha sở, và giúp bệnh nân dọn mình lãnh nhận các bí tích.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Trong tuần này, tôi đi thăm một bệnh nhân gần nhà và cầu nguyện cho họ.