Gặp gỡ 26 – Điều răn thứ bảy & thứ mười
Chúa Giê-su dạy ta : “Chớ lấy của người, chớ tham của người”
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Sách Tô-bi-a (Tb 2, 1- 14) thuật rằng: thời vương quốc Ít-ra-el, có một gia đình nổi tiếng đạo đức, là gia đình ông Tô-bít, vợ là An-na và con là Tô-bi-a.
Một hôm, bà An-na đem tấm vải đã dệt xong đi giao, bà chủ trả tiền công và còn thưởng thêm một con dê con về làm thịt. Vừa dẫn vào nhà, dê con đã kêu be be. Ông Tô-bít hỏi : “Ở đâu ra vậy bà? Bà đem trả ngay cho người ta đi, chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp!”. Bà An-na trả lời : “Đó là quà chủ thưởng cho tôi”…Nhưng ông cứ một mực bắt bà đem trả lại. Bà An-na bực mình, nhưng cũng cố gắng giải thích, hồi lâu ông mới chịu tin. Ông Tô-bít đã nêu cao sự ý thức về công bằng, mà Thánh Phao-lô đã cặn kẽ nhắc nhở các tín hữu Rô-ma :
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Rm 13, 8-10) :
Trích thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma :
“Anh em nợ ai cái gì, thì phải trả cho người ta cái đó : nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế… Thật thế, các Điều răn như :…không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các Điều răn khác, đều tóm lại trong lời này : Con phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại…”.
Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
Lời Chúa nhắc nhở chúng ta về Điều Răn thứ bảy & thứ mười, dạy chúng ta về :
A/ Quyền chung hưởng của cải và quyền tư hữu :
(1) Quyền chung hưởng của cải :
Từ khởi thuỷ, Thiên Chúa trao địa cầu và các tài nguyên cho nhân loại chung sức quản lý, chăm sóc, chế ngự bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của địa cầu, như vậy của cải trần gian được dành cho toàn thể nhân loại chung hưởng.
(2) Quyền tư hữu :
Tuy nhiên, vì mỗi con người có tự do và nhân phẩm, có những nhu cầu cũng như trách nhiệm riêng, nên họ cũng có quyền tư hữu :
. Là quyền có riêng cho mình của cải do mình làm ra, hoặc do đã nhận được cách chính đáng.
. Là quyền chính đáng, phải được tôn trọng và phải gắn liền với tình liên đới giữa con người với nhau : Quyền tư hữu không loại bỏ quyền chung hưởng của cải, vì sở hữu chính đáng không chỉ là lo cho riêng mình, mà phải ‘quản lý’ của cải mình có sao cho sinh ích lợi cho những người khác. Vd. Ruộng đất, công ty, công nghệ, nghệ thuật, văn hoá, những phát minh… phải nhằm phục vụ mọi người.
B/ Bổn phận tôn trọng con người và tài sản :
Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng phẩm giá con người đòi ta phải sống tiết độ (biết tiết chế lòng ham muốn của cải quá đáng = “Chớ tham của người”), công bằng (biết tôn trọng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người khác) và có tình liên đới với người khác cũng như với các tạo vật Chúa dựng nên, vì vậy ta phải :
1. Tôn trọng tài sản của người khác :
a. Cấm lấy và giữ của người khác bất công :
Cấm những tội phạm Điều Răn thứ bảy :
(1) Tội chiếm đoạt :
Trộm cướp, mượn không trả, giữ lại của rơi, buôn bán gian lận (mua rẻ bán mắc), trả công không tương xứng, lợi dụng sự không biết hoặc tình trạng ngặt nghèo của người khác để bắt chẹt họ (vd. Cho vay nặng lãi, cho lãnh công trước quá thấp…).
(2) Tội gây thiệt hại :
Phá hoại tài sản, đầu cơ, làm biến động giá cả để trục lợi, hối lộ, lấy của chung làm của riêng, làm ăn thiếu trách nhiệm, lậu thuế, giả mạo chi phiếu và hoá đơn…
(3) Tội chơi các trò đỏ đen :
Cá cược, cờ bạc, đá gà (ăn tiền…), là những trò không thể chấp nhận khi chúng cướp đi những cái cần thiết để nuôi sống bản thân và người khác. Hơn nữa, cờ bạc sẽ dễ biến kẻ ham mê thành nô lệ, rất dễ gian lận, làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội khác (Vd. Trộm cắp, băng nhóm thanh toán lẫn nhau…).
(4) Tội nô lệ hoá con người :
Là dùng quyền lực, tiền bạc … để mua bán, trao đổi, kinh doanh kiếm lợi trên thân xác con người, biến con họ thành vật dụng. Vd. chế độ nô lệ, mại dâm, mua bán cơ phận con người, lao động trẻ vị thành niên…
(5) Tội vi phạm hợp đồng (thất hứa) :
Trong những hợp đồng kinh tế, khi vi phạm, sẽ kéo theo những thiệt hại cho xã hội và đời sống của người lao động. Vì vậy, các hợp đồng phải tuân theo sự công bằng giao hoán, nghĩa là tôn trọng đúng mức quyền lợi giữa các cá nhân và các tổ chức.
b. Buộc đền trả :
Những người vi phạm (và cả những người tham gia, vd. Người ra lệnh; tàng trữ mua bán của gian; hưởng dùng của gian khi đã biết…) phải hoàn trả lại tài sản đã chiếm đoạt, và bồi thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra.
2. Tôn trọng sự toàn vẹn của các thụ tạo :
a. Đối với môi trường, thiên nhiên :
Phải tôn trọng môi trường, sử dụng đúng đắn cỏ cây và vật chất vô tri vô giác vì ích lợi toàn diện và bền vững của con người. Phá rừng, phí phạm tài nguyên thiên nhiên, xả rác và chất thải công nghiệp chưa xử lý (nước, chất thải rắn …) là vi phạm Điều Răn thứ bảy.
b. Đối với thú vật :
. Loài vật được Thiên Chúa tạo dựng và ân cần chăm sóc (x. Mc 6, 2), chúng góp phần ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa, nên ta phải thương chúng.
. Có thể mổ giết thú vật khi có nhu cầu chính đáng về lương thực, đồ dùng, thuốc chữa bệnh, những cuộc thí nghiệm để phục vụ con người.
. Cấm hành hạ, giết hại thú vật cách vô ích. Nhưng cũng không được quá phí tổn cho việc chăm sóc thú cưng, vì phải luôn dành ưu tiên cho việc làm giảm bớt những cảnh đói nghèo của con người, mà “người nghèo thì không bao giờ vắng bóng trên đất nước của anh em” (Đnl 15, 11).
3. Cấm những ham muốn bất chính :
(1) Không được tham lam :
- Điều Răn thứ bảy, thứ mười không cấm ước mong có được của cải bằng những phương thế chính đáng (vd. nhờ lao động, mua bán sòng phẳng).
- Nhưng cấm ta ham muốn chiếm hữu thái quá của cải vì ham mê của cải hoặc thế lực do của cải đem lại; cấm muốn làm điều bất công hại đến tài sản người khác…vì “người thích tiền bạc, có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ” (Gv 5, 9), vì tham lam khiến lòng ta ra mù tối, phán đoán lệch lạc, phai lạt tình yêu, dễ ganh tị, sa ngã…
(2) Không được ganh tị :
Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu : người ganh tị buồn bực khi thấy người khác giàu có hơn mình, đâm ra hiềm khích (nói xấu, vu khống), rồi muốn làm giàu bằng cả những phương thế bất chính (mua rẻ bán đắt, đầu cơ tích trữ…). Có thể phạm tội trọng khi muốn cho những ai sang giàu, thành đạt hơn mình gặp hoạn nạn nặng nề.
4. Sống tinh thần nghèo khó, nghĩa là :
(1) Biết từ bỏ mọi sự vì Chúa Ki-tô và vì Tin Mừng. Người đề cao gương bà góa dâng cho Chúa tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Muốn vào Nước Trời, không được ham mê của cải, chính Chúa đã nói: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19, 23).
(2) Biết điều khiển tâm tình cho đúng đắn, để việc sử dụng của cải và sự quyến luyến giàu sang không cản trở ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự[1].
(3) Biết phó thác vào sự Quan Phòng của Cha trên trời để được giải thoát khỏi những âu lo quá đáng về ngày mai (Mt 6, 25-34).
5. Bổn phận yêu thương người nghèo :
(1) Vì sao phải yêu thương người nghèo ?
a. Vì đó là ý Thiên Chúa muốn :
- Thiên Chúa phán : “Ta truyền cho con: phải mở rộng bàn tay cho người anh em nghèo đói, cùng khổ đang sống trên đất nước của con” (Đnl 15, 11).
- Chúa Giê-su luôn thương xót, và dạy ta yêu thương người nghèo : “Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì con đừng ngoảnh mặt đi”. Người đã xác định đây là tiêu chuẩn cho việc phán xét ngày sau hết “Xưa Ta đói, các con đã cho ăn…” [2].
b.Vì đó là ý Hội Thánh dạy :
Hội Thánh: luôn thương người nghèo : với học thuyết xã hội đề cao nhân phẩm, công bằng, huynh đệ… có những tổ chức bác ái (vd. Ca-ri-tas, Mi-se-re-or…), những công việc từ thiện khắp trên thế giới…
(2) Làm thế nào để giúp đỡ người nghèo ?
a. Cần ý thức, quan tâm tới người nghèo : không được ham muốn giàu sang quá độ………………” cũng như không được sử dụng của cải quá ích kỷ; phải biết chia sẻ cho người nghèo dưới nhiều hình thức, như khi họ : túng ngặt tiền của, chịu đối xử bất công, bị đàn áp, bệnh tật thể xác và tinh thần, nghèo đói về văn hóa, về tôn giáo, cuối cùng là cái chết…
b. Cần chia sẻ cụ thể :
. Về tinh thần : tôn trọng, dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ, tha thứ, thông cảm, chịu đựng….(x. Thương linh hồn bảy mối).
. Về vật chất : bố thí, cho kẻ đói ăn, lo cho kẻ vô gia cư có nơi tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết…(x. Thương xác bảy mối).
IV. NÓI VỚI CHÚA
Đọc kinh Thương Người Có 14 Mối (Trang 159).
V. NHỚ LỜI CHÚA
1. H. Điều Răn thứ bảy dạy chúng ta sự gì ? (c. 552)
T. Điều Răn thứ bảy dạy chúng ta sống công bằng :
– Một là tôn trọng của cải người khác, vì mỗi người được quyền có của cải riêng, để bảo đảm nhân phẩm và nhu cầu cuộc sống, gọi là quyền tư hữu;
– Hai là dùng của cải trong tinh thần liên đới, chia sẻ, vì tài nguyên trong vũ trụ được Thiên Chúa ban chung cho mọi người;
– Ba là tôn trọng tính toàn vẹn của công trình tạo dựng.
2. H. Điều Răn thứ bảy cấm những điều gì ? (c. 555)
T. Điều Răn thứ bảy cấm trộm cắp, trả lương không công bằng, đầu cơ tích trữ, giả mạo chi phiếu hay hóa đơn, gian lận, trốn thuế, cho vay nặng lãi, tham nhũng, lạm dụng hoặc lãng phí của công, cố ý phá hoại tài sản của công và làm không tốt công việc bổn phận.
3. H. Điều Răn thứ mười dạy chúng ta sự gì ? (c. 581)
T. Điều Răn thứ mười dạy chúng ta phải tôn trọng tài sản của người khác, không ganh tị, tham lam và ham muốn của cải cách bất chính.
VI. SỐNG LỜI CHÚA
– Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Tôi thuộc kinh“Thương người có 14 mối”, trang 159.
—
[1] x. Hiến chế về Giáo hội: “Ánh sáng muôn dân”, s. 42.
[2] x. Mc 12, 41-44; Mt 5, 42; Mt 25, 31-36.