Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B

  1. SỬA SAI BẢN THÂN

Có một câu chuyện về một người mẹ bận tâm về cô con gái của mình nghiện đồ ngọt. Một ngày nọ, bà đến gặp ông Gandhi, trình bày vấn đề cho ông hiểu và hỏi liệu ông có thể khuyên bảo cô gái trẻ đôi điều hay không. Ông Gandhi trả lời: “Hãy đưa con gái của bà đến với tôi trong ba tuần nữa để tôi nói chuyện với cô ấy.” Sau đúng ba tuần, người mẹ đưa con gái đến với ông. Ông mời cô gái trẻ ngồi một bên, nói với cô về tác hại của việc ăn đồ ngọt quá mức và khuyên cô từ bỏ thói quen xấu của mình. Người mẹ cảm ơn Gandhi về lời khuyên này nhưng sau đó hỏi ông: “Tại sao ba tuần trước ông lại không nói chuyện với cháu?” Ông Gandhi trả lời: “Bởi vì ba tuần trước, tôi cũng vẫn còn nghiện đồ ngọt.”

* Chúng ta phải sống chính điều chúng ta truyền giảng. Sự toàn vẹn của đời sống và luân lí cá nhân sẽ là sức mạnh thực sự đằng sau lời nói của chúng ta.

  1. LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG

Trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, Tổng thống Lincoln có một người thanh niên trẻ tận tâm làm thư ký cho ông. Vào thời đại chưa có máy móc văn phòng, một người như vậy thực sự đem lại rất nhiều hiệu năng cho công việc. Tuy nhiên người thanh niên đặc biệt này lại không hài lòng về điều đó. Anh ta muốn thoát khỏi công việc bàn giấy để lao ra chiến trường. Anh muốn ra đi làm những điều tuyệt vời hơn cho đất nước của mình. Ngay cả phải chết cho quê hương thì anh cũng sẵn sàng. Vì vậy, anh ta liên tục phàn nàn với Lincoln về công việc đáng lẽ dành cho phụ nữ mà anh ta phải đảm nhận, trong khi anh có thể mặc quân phục, mang súng ra đối đầu với quân thù. Một ngày nọ, sau khi nghe những lời ca cẩm thông thường, Lincoln nhìn chằm chằm vào anh ta, xoa xoa bộ râu của mình và nói một cách đầy triết lý: “Anh bạn trẻ à, như tôi thấy, bạn khá sẵn sàng chết cho quê hương của mình, nhưng bạn chưa sẵn sàng để sống cho nó.”

* Tử đạo là một từ ngữ Hy Lạp chỉ các nhân chứng. Họ lấy chính đời sống của mình làm chứng cho những điều họ tin nhận.

  1. HÃY CHO TÔI MƯỢN TAY

Trong thời kì chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), một ngôi làng nhỏ nọ cũng là một giáo xứ đã bị pháo kích dữ dội. Khi khói lửa chiến tranh qua đi, mọi sự, ngay cả nhà thờ nhà xứ cũng bị đổ nát, hoang tàn. Cha xứ đã tìm đến sự giúp đỡ của một nhóm công binh để khôi phục bệ tượng Chúa Kitô Vua đã bị gãy đổ. Vì một bàn tay của bức tượng đã mất, những người lính lên kế hoạch tạo hình hai bàn tay mới. Tuy nhiên, cha xứ đã đưa ra một gợi ý rất có ý nghĩa: “Chúng ta hãy để nguyên bức tượng và viết lên mặt trước của bệ dòng chữ: “Bạn ơi, hãy cho tôi mượn tay”.

* Chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu sử dụng chúng ta như đôi tay nối dài của Người để đem lại an lành cho thế giới.

  1. ĐIỀU THỰC SỰ QUAN TRỌNG

Vài năm trước tại Thế vận hội đặc biệt Seattle, chín thí sinh, tất cả đều bị thiểu năng về thể chất hoặc tinh thần, đã tập hợp tại điểm xuất phát cho đường đua 100 yard. Khi tiếng súng khai cuộc vang lên, tất cả đều bắt đầu chạy với sự thích thú và tin rằng mình sẽ về đích và giành chiến thắng. Tất cả, ngoại trừ một cậu bé mới chạy đã bị vấp trên đường băng, ngã nhào vài lần rồi bắt đầu khóc. Tám người còn lại nghe thấy tiếng khóc của cậu, chúng chạy chậm lại và tạm dừng. Sau đó tất cả quay lại và đi đến chỗ cậu bé. Một cô gái mắc hội chứng Down đã cúi xuống và hôn cậu và nói: “Cậu đừng buồn!” Sau đó cả chín cánh tay liên kết với nhau và cùng nhau bước về đích. Tất cả mọi người trong sân vận động đều đứng bật dậy, và tiếng hoan hô đã kéo dài trong mười phút.

  1. CHÚNG TA PHẢI SỐNG NHƯ VẬY

Thánh Phanxicô Assisi đã ghi nhận những lời chỉ dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên của họ một cách đúng mực. Ngài nói với các anh em tu sĩ dòng Phanxicô của mình: “Chúng ta phải sống giáo huấn đó”. Đây là điều mà ngài đã đặt làm quy tắc tối ưu cho dòng của mình. Thời gian sau có những quy tắc khác uyển chuyển hơn sau khi thánh Phanxicô qua đời, nhưng giáo huấn Chúa dạy vẫn là quy tắc tối thượng của các tu sĩ Phanxicô. Và họ hiểu theo nghĩa đen: “Không mang gì theo trên hành trình của mình trừ một cây gậy; không cất giữ bánh, không mang túi, không có tiền giắt lưng; nhưng được đi dép và chỉ có một chiếc áo khoác”. Thật ngẫu nhiên, chiếc áo choàng mà các tu sĩ dòng Phanxicô mặc ngày nay, chiếc áo màu nâu đó vẫn là chiếc áo choàng họ đã mặc vào thế kỷ 13. Đó là chiếc áo của người nông dân, và họ đồng nhất với người nghèo, với người ở tầng mức thấp của xã hội, không chỉ về cách ăn mặc, mà còn là sự nghèo khó. Các ngài khấn giữ đức khó nghèo tuyệt đối: họ không có gì, thậm chí không có chiếc áo choàng bên ngoài. Vì vậy, khi nhìn thấy ai đó có ít hơn những gì họ có, họ phải chia sẻ những gì họ có. Các ngài luôn lao động và xin bố thí để kiếm tiền nuôi sống hàng ngày. Họ được gọi là những “khất sĩ”, nghĩa là họ ăn xin để kiếm sống.

* Sống nghèo khó là một lời mời gọi theo Tin Mừng. Thánh Phaolô đã tự nuôi sống bản thân và không giữ lại cho mình thứ gì. Trong cộng đoàn Giêrusalem, giáo hội nguyên thủy, các thành viên đã bán tất cả tài sản riêng để giup mọi người trong cộng đoàn. Điều quan trọng đối với chúng ta có lẽ là quản lí tốt các tài sản Chúa ban.

  1. SAO KHÔNG NÓI

Một cậu bé bị mù từ khi mới sinh vừa được phẫu thuật. Quy trình giải phẫu mang lại khả năng thị giác cho cậu bé chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Khi cha mẹ của cậu bé chờ đợi bác sĩ gỡ bỏ các miếng dán che mắt cậu bé kể từ khi phẫu thuật, họ phân vân tự hỏi không biết cậu bé sẽ cảm nhận  thế nào khi lần đầu tiếp xúc với ánh sáng. Cậu chớp mắt rồi dụi mắt mấy lần, thích nghi ngay với cảnh sắc sống động và màu sắc đa dạng xung quanh, cậu bé bắt đầu thu nhận tất cả vào tầm mắt. Đầy hào hứng, cậu nói với bố mẹ: “Tại sao bố mẹ không nói với con rằng thế giới đẹp như vậy?” 

* Truyền giáo chính là giúp người ta mở rộng tầm mắt và nhìn thế giới như họ chưa từng thấy trước đây. Truyền giáo là việc đưa con người vào một lối sống mới, một cách liên hệ mới, và một cách nhận thức mới về ý nghĩa của cuộc sống.

  1. CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG

Có hai con sông ở châu Âu được đặt tên là Roan và Arf. Roan là một con sông đẹp, nước trong lành, với dòng chảy trong xanh đổ xuống từ những ngọn núi phủ đầy tuyết. Sông Arf là ​​một con sông ngầu đục, ô nhiễm, uốn khúc như một con rắn màu nâu chảy qua vùng nông thôn sâu trũng. Qua nhiều dặm hai con sông cứ chảy cạnh nhau. Cho dù có hợp lại, chúng vẫn là hai dòng sông cách biệt, không hòa trộn với nhau được. Roan vẫn là con sông hiền hòa, trong trẻo; còn Arf thì dơ bẩn, rác rến. Hai con sông cứ còn chảy cạnh nhau nhiều dặm sông nữa; nhưng cuối cùng con sông Arf hôi hám đã nuốt trửng người em Roan của mình và cả hai trở thành ô nhiễm nặng.

* Đó là chuyện xảy ra trong thế giới thực. Còn chúng ta trái tim thuần khiết và yêu thương không thể tăng triển nếu không được chăm bón trên thửa đất tốt. Sứ mệnh của chúng ta, các Kitô hữu là thanh lọc thế giời này bằng đời sống luân lí vững chắc và những hành động yêu thương thiết thực.

  1. SỨ ĐIỆP KHÔNG ĐƯỢC GỬI ĐẾN

George Sweeting, trong cuốn sách Làm chứng cho sự vô tội, kể cho chúng ta về John Currier, người vào năm 1949 bị kết tội giết người và bị kết án tù chung thân. Sau đó, anh ta được giảm án và được chuyển đến đến làm việc tại một nông trang gần Nashville, Tennessee. Năm 1968, bản án của Currier kết thúc, và một quyết định tha bổng được gửi đến cho anh ta. Nhưng John không bao giờ nhìn thấy văn bản này, cũng như không được cho biết bất cứ điều gì về nó. Anh vẫn cứ tiếp tục cuộc sống ở trang trại với bao khó khăn và một tương lai mù mịt. John vẫn tiếp tục làm những gì anh ta được truyền lệnh ngay cả sau khi người nông dân mà anh cùng làm việc đã chết. Mười năm đã trôi qua. Thế rồi, ngày nọ một sĩ quan nhà tù của tiểu bang bất ngờ biết về hoàn cảnh của Currier, vội tìm đến Currier và nói với anh ta rằng bản án của anh ta đã mãn hạn. Bây giờ anh ta là một người tự do. Sweeting đã kết thúc câu chuyện đó bằng cách hỏi: “Liệu bạn có quan tâm không nếu ai đó gửi cho bạn một tin quan trọng – quan trọng nhất trong cuộc đời bạn – nhưng năm này qua năm khác, tin vui cấp bách đó lại không bao giờ được chuyển đến bạn?”

* Chúng ta, những người đã được nghe Tin Mừng và cảm nghiệm được ơn giải thoát của Chúa Kitô, có trách nhiệm khẩn thiết rao truyền Tin Mừng cho những người khác vẫn còn bị nô lệ tội lỗi.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

print