Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm B

  1. BỎ CUỘC HAY TIẾP TỤC

Một ngày nọ ở Port Huron, Michigan, một cậu bé bị nặng tai đi học về cầm một mẩu giấy nhắn tin của giáo viên. Cậu đưa nó cho mẹ, bà mở ra và từ từ đọc. Ghi chú cho biết rằng con trai bà quá tối dạ không thể tiếp tục học, cậu luôn đội sổ trong lớp. Sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người nếu cậu ta được rút khỏi trường học. Khi mẹ cậu bé đọc xong thư nhắn, bà cảm thấy rất điều gì đó rất kinh khủng nhưng bà bị thách thức. Bà nói với chính mình: “Con trai tôi, Tom, không quá ngu dại như vậy đâu, tôi sẽ tự tay dạy nó.” Nhiều thập kỷ sau đó khi Tom qua đời, vào ngày 18 tháng 10 năm 1931, cả nước Mỹ đã tôn vinh anh một cách hết sức đặc biệt. Đúng 9h.59 tối giờ chuẩn miền Đông, mọi nhà ở Hoa Kỳ đều tắt đèn trong một phút, như một lời tri ân gửi đến người đã phát minh ra ánh sáng đèn điện. Thomas Edison không chỉ phát minh ra bóng đèn điện mà còn cả máy chiếu phim và máy ghi âm. Khi ông qua đời, nhà phát minh vĩ đại “quá lười học” khi còn là một cậu bé đã có hơn một nghìn bằng sáng chế để ghi công, nhờ người mẹ của ông không bao giờ bỏ cuộc.

* Chúa đã cho tiên tri Êlia đang tuyệt vọng bánh ăn, nhưng không phải để ông ngủ lại mà tiếp tục hành trình lên núi Khôrép.

  1. BÁNH HÀNG NGÀY MIỄN PHÍ

Có một gia đình người Ý đã rơi vào thời kỳ khó khăn khi công việc kinh doanh của họ thất bại, và họ mất tất cả tài sản. Những người hàng xóm đã chia sẻ khó khăn này, họ làm việc chăm chỉ để gây quỹ tương trợ, và sau một thời gian họ đã kiếm được đủ tiền giúp gia đình này một chuyến đi đến Mỹ, nơi họ tin rằng họ có thể xây dựng lại đời sống của mình. Gia đình này chưa bao giờ xa nhà, vì vậy họ không biết chuẩn bị như thế nào cho một chuyến đi biển dài ngày bằng tàu từ Cobh đến New York. Họ mua bánh mì và pho mát và đóng gói chung với vài hộp bánh mì sandwich. Họ ở riêng trong một cabin duy nhất trên tàu mà không muốn trộn lẫn với những người khác vì sợ thấy mình xấu hổ hoặc lạc lõng. Vào ngày thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm, họ ăn bánh mì kẹp. Nhưng sau đó bánh mì bắt đầu hôi và có mùi thiu mốc. Đến giờ thì tất cả đều đang rơi vào trong tình trạng tồi tệ. Họ cảm thấy bị nhuốm  bệnh, đói bụng và chán nản vô cùng. Chỉ còn một hoặc hai ngày nữa tàu sẽ đến New York, cậu con út xin bố cho vài xu để có thể lên boong tàu mua một ít đồ ngọt. Người cha cho cậu ít tiền và cậu đi lên. Một hai giờ sau cậu vẫn không trở lại với gia đình, người cha buộc phải lên boong để tìm kiếm. Khi bước lên boong tàu, ông rất ngạc nhiên thấy những dãy bàn dài được bao quanh bởi những người đang ăn tối đẹp đẽ và vui tươi. Ở giữa họ là con trai ông, trước mặt là một đĩa thịt gà tây, giăm bông, khoai tây và rau, cùng với một cốc Côca lớn. Người cha đến phía sau và nói nhỏ với con: “Tại sao con lại làm điều này? Con biết, đúng là chúng ta không thể mua được bữa ăn như thế này”. Đôi mắt của cậu bé sáng lên khi cậu trả lời: “Bố ơi, lẽ ra chúng ta có thể ăn món này hàng ngày. Tất cả điều này đã được bao gồm trong vé tàu rồi!”

* Câu chuyện này có thể làm chúng ta nhớ tới lời mời gọi của tiên tri Isaia: “Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng, không phải trả đồng nào…” (Is 55,1-3).

  1. SÂU BƯỚM DIỄU HÀNH

Chúng ta có thể đã đọc câu chuyện của Jean Henri Fabre, nhà côn trùng học nổi tiếng người Pháp, về những chú sâu bướm diễu hành của ông. Một ngày nọ, ông nhìn thấy một đám sinh vật thú vị này khi đang đi dạo trong rừng. Chúng đang diễu hành thành một hàng dài không gián đoạn từ trước ra sau, từ sau ra trước. Ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông xếp những con sâu này thành một vòng tròn hoàn chỉnh? Chúng có phá vỡ vòng kết nối này hay không? Vì vậy, Fabre đã bắt đủ số lượng sâu bướm để xếp kín bờ vành của một bình cắm hoa. Ông nối kết mũi của con này với phần sau của con kia, rồi bắt đầu cho chúng đi trong vòng tròn khép kín. Trong nhiều ngày, chúng xoay quanh như một chiếc vòng đu quay vĩnh cửu. Mặc dù thức ăn ở sát bên và có thể tiếp cận ngay được, nhưng những con sâu bướm này đã chết đói trong một cuộc diễu hành bất tận đến hư không.

* Đó dường như là câu chuyện của nhiều người hôm nay. Họ làm việc và làm việc…không ngừng nghỉ, nhưng không dẫn đến đâu. Chúng ta cần dừng lại một chút và ngồi xuống trước sự hiện diện của Chúa Giêsu và đón nhận Người làm Bánh cho đời sống thiêng liêng của mình. Để từ đó có thể nhận ra mục tiêu và hướng đi cuối cùng cho cuộc hành trình cuộc đời mình.

  1. CHÚNG TÔI BÁN BÁNH MÌ

Nhà thần học người Đức Helmut Thielicke kể về một người đàn ông đang đói bụng đi ngang qua một cửa hàng có treo tấm biển trên cửa sổ: “Chúng tôi bán bánh mì.” Ông ta bước vào cửa hàng, đặt một ít tiền lên quầy và nói: “Tôi muốn mua một ít bánh mì.” Những người phụ nữ đứng sau quầy trả lời: “Chúng tôi không bán bánh mì.” Người đàn ông đang đói bối rối nói: “Tấm biển trên cửa sổ ghi bạn có bán bánh mà!” Người phụ nữ giải thích: “Ở đây chúng tôi bán biển báo, giống như biển báo treo trên cửa sổ có ghi hàng chữ ‘Chúng tôi bán bánh mì’!”

* Nhưng, như thần học gia Thielicke kết luận, một người đàn ông đang đói không thể ăn tấm biển báo. Cuộc sống đôi khi cũng đánh lừa chúng ta như thế. Không phải lúc nào người ta cũng tìm thấy bánh ở nơi có vẻ như vậy. Giống như đám đông hôm nay vẫn lao đao đi tìm thứ gì khác, hoặc như người đàn ông đói tìm nhầm cửa hàng, chúng ta thường bỏ lỡ thời điểm Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống trường cửu trong Chúa Giêsu.

  1. KHAO KHÁT CUỘC SỐNG VĨNH HẰNG

Không lâu sau khi Columbus khám phá ra châu Mỹ (1492), ở Tây Ban Nha đã có tin đồn lan truyền rằng Tân Thế giới có chứa một nguồn suối làm cho người ta trẻ mãi. Một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha thế kỷ XVI Juan Ponce de Leon, thống đốc đầu tiên của Puerto Rico nghe được điều đó, đã tức tốc đóng một con tàu lớn và lên đường đến châu Mỹ để tìm kiếm nguồn nước huyền thoại này nhưng ông không bao giờ tìm thấy nó.

Cocoon là một bộ phim khoa học viễn tưởng của Mỹ năm 1985 do đạo diễn Ron Howard thực hiện, kể về một nhóm người già được trẻ hóa bởi người ngoài hành tinh. Trong phim Cocoon, một nhóm người cao tuổi nọ đã trải nghiệm việc quay trở lại thời trẻ khi họ tắm trong bể bơi được người từ hành tinh khác sử dụng. Trải nghiệm thú vị này đã khiến họ mau mắn chấp nhận lời mời của người ngoài hành tinh này để cùng họ đến sống tại thiên thể mới. Những người già được hứa hẹn rằng khi họ đến được hành tinh khác họ sẽ sống mãi mãi.

* Ước mong được sống mãi là khao khát thẳm sâu của con người, mà chỉ có Chúa mới có thể trao ban cho họ.

  1. BÁNH MÌ NHÂN CHUỐI

Trong thời gian Chiến dịch Bão táp Sa mạc, Al và Barbara Davis, một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu ở Virginia, đọc báo thấy rằng những người lính trên chiến trường không nhận đủ khoáng chất kali và protein. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách ăn chuối, một nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Tuy nhiên vận chuyển chuối đến Iraq sẽ bị hư thối trước khi nó kịp đến tay những người lính. Vì vậy, Al và Barbara nảy ra ý tưởng: tại sao không làm bánh mì nhân chuối và gửi cho những người lính ở nước ngoài? Sau đó hoạt động làm bánh mì của họ đã trở thành một công việc hàng ngày: họ làm 100 ổ bánh mì nhân chuối mỗi sáng và gửi qua đường bưu điện cho những người lính ở Trung Đông. Kể từ năm 1991 lần đầu tiên bắt đầu dây chuyền nướng bánh công nghiệp, Al và Barbara Davis đã làm và gửi hơn 35.000 ổ bánh mì nhân chuối qua đường bưu điện cho quân đội Hoa Kỳ ở Iraq.

 * Tôi nghĩ đến Al và Barbara khi đọc những lời này của Chúa Giêsu: “Đây là Bánh từ Trời xuống…” Khi máy bay hạ cánh xuống Trung Đông mang theo bánh mì nhân chuối của Al and Barbara, hẳn nó cũng giống như manna từ trời cho những người lính ở đó.

  1. ĐỂ LÀM GÌ

Đêm sau khi giành được đai quyền anh hạng nặng từ tay Jess Willard, nhà vô địch mới Jack Dempsey thức dậy trong phòng khách sạn của mình. Bây giờ đã là hai giờ sáng. Hào quang của chiến thắng rực rỡ và số tiền thưởng lớn làm cho anh không ngủ được. Đột nhiên anh cảm thấy trong lòng trống rỗng khủng khiếp. Ngay lúc đó anh ấy nói: “Thành công không giống như tôi nghĩ. Tôi đã giành chức vô địch thật vinh dự. Nhưng để làm gì?”

* Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu cho chúng ta lời cảnh báo này trong Tin Mừng hôm nay: “Đừng làm việc vì thức ăn mau hư nát, nhưng hãy làm việc vì lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời.”

  1. CÂU CHUYỆN UỐNG TRÀ
  2. E. Lawrence là bạn thân của nhà thơ Thomas Hardy. Khi Lawrence phục vụ như một phi công trong lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, ông đã từng đến thăm gia đình Hardy trong bộ quân phục của mình. Một ngày nọ, chuyến thăm của ông trùng với chuyến thăm của nữ thị trưởng thành phố Dorchester. Bà này tỏ ra rất khó chịu và nói bằng tiếng Pháp rằng trong đời bà chưa bao giờ phải ngồi uống trà với một người làm công việc lái máy bay bình thường. Mọi người ngồi ở đó đều bị sốc. Đó là một sự xúc phạm lớn đối với Lawrence. Nhưng Lawrence đã trả lời rất lịch sự, bằng tiếng Pháp: “Tôi xin bà thứ lỗi, nhưng tôi có thể làm thông dịch viên được không, vì bà Hardy nhà đây không biết tiếng Pháp?”

* Người phụ nữ hợm hĩnh đã phạm phải một sai lầm đáng tiếc, bởi vì bà đã đánh giá con người bằng hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đọc được suy nghĩ của những thính giả của Người, những kẻ xét đoán Người theo tiêu chuẩn thế gian; và cảnh báo họ rằng không ai có thể đến với Người trừ khi họ được Chúa Cha lôi kéo.

  1. MẶC XÁC PHÀM

Bên cạnh Kinh Thánh, cuốn sách yêu thích của tôi là tiểu thuyết đoạt giải thưởng của Harper Lee, Giết con chim nhại. Tôi thích cả cuốn sách lẫn bộ phim. Nhân vật chính, người kể câu chuyện, là một cô bé tên là Jean Louise Finch, được gọi là Scout. Cha cô bé, Atticus Finch, là luật sư của thị trấn và là người sống theo nguyên tắc và có cuộc sống hoàn chỉnh. Tôi luôn ao ước lớn lên và trở thành một người như Atticus Finch. Một ngày nọ, Scout về nhà sau giờ học và kể với cha về một số vấn đề mà cô gặp phải với giáo viên và một số học sinh trong trường. Để giúp cô bé hòa đồng hơn với mọi người, Atticus đã cho cô bé lời khuyên này: “Trước hết, Scout, nếu con có thể học được một định luật đơn giản, con sẽ hòa đồng hơn nhiều với đủ loại người. Con sẽ không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi con xem xét mọi thứ theo quan điểm của người đó…cho đến khi con chui vào da người đó và đi lại trong đó.”

* Đó chính xác là những gì Chúa Giêsu đã làm. Mặc xác phàm, Chúa Giêsu đã trải qua tất cả như chúng ta. Người đau khổ như chúng ta đau khổ. Người thậm chí còn trải qua cả cái chết. Quả thật, Chúa Giêsu đã chui vào da chúng ta và đi lại trong đó. (Billy D. Strayhorn, Beyond Skin Deep).

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm