Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm B              

…“Các tín hữu Việt Nam đa số thuộc giới bình dân; họ giống như đoàn lũ những người nông dân Palestine năm xưa, đi theo Chúa để lắng nghe mầu nhiệm Nước Trời qua những dụ ngôn và những lời giảng đơn sơ bình dị…Những câu chuyện nhỏ nếu được áp dụng một cách khéo léo, có thể khơi gợi những tâm tình đạo đức sốt sắng và giúp dễ nhớ giáo huấn bài giảng…”

-Một giáo sư giảng thuyết

  1. SỰ TRÓI BUỘC CỦA TRUYỀN THỐNG

William Barclay, một tác giả nổi tiếng về khoa chú giải Kinh Thánh kể câu chuyện về một giáo sĩ Do Thái già trong nhà tù La Mã được chẩn đoán là bị mất nước cấp tính, có thể mau đi đến cái chết. Các cai ngục cho biết vị giáo sĩ phải được cấp nước uống ngay theo định phần của mình. Vì vậy, bác sĩ nhà tù và sĩ quan phụ trách hướng dẫn lính canh đem nước đến cho bệnh nhân, và theo dõi xem ông ta sẽ làm gì với phần nước uống của mình. Họ đã bị sốc khi thấy rằng giáo sĩ Do Thái đã sử dụng gần như hết phần nước của mình để rửa tay theo nghi lễ truyền thống trước khi cầu nguyện và dùng bữa!

* Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết những người Pharisêu đã cảm thấy ức chế như thế nào khi chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Người bỏ qua nghi thức rửa tay trước khi dùng bữa.

  1. TRUYỀN THỐNG CÚI ĐẦU

Nhiều năm trước đây, Harry Emerson Fosdick có kể về một ngôi nhà thờ ở nước Đan Mạch, nơi những người đi dự lễ thường xuyên cúi đầu trước một vết chấm mờ trên bức tường. Họ đã làm điều đó trong hơn ba thế kỷ – cúi đầu tại một điểm trong thánh đường. Không có ai biết được tại sao phải làm như vậy. Một ngày nọ khi tu bổ nhà thờ, giáo dân đã cạo lớp vôi mờ đục trên các bức tường cũ. Tại vị trí chính nơi mọi người cúi đầu, họ tìm thấy hình ảnh Đức Mẹ ẩn dưới lớp sơn trắng đục. Mọi người đã quá quen với việc cúi đầu trước hình ảnh đó, đến nỗi sau khi nó đã bị các lớp sơn che phủ trong ba thế kỷ, người ta vẫn cúi đầu. Truyền thống có một thứ sức mạnh ràng buộc kỳ lạ.

* Người Pharisêu đã thay thế giới răn của Chúa truyền thống, phong tục, và thói quen. Jaroslav Pelikan từng nói một câu ý nghĩa, “Truyền thống là đức tin sống của người chết”. Và có khi điều này cũng len lỏi vào thực hành đạo đức của chúng ta cách này hay cách khác.

  1. NGỤY TẠO

Tiến sĩ Laura Schlessinger, một nhà tâm lý học, cảm thấy bức xúc trước nền văn hóa của thuyết tương đối về đạo đức đã lan tràn trong xã hội của chúng ta. Trong cuốn sách của bà, Bạn thực hành điều đó như thế nào, tiến sĩ Laura kể về chuyện một phụ nữ trẻ sống chung chạ với người bạn trai của mình. Mẹ chồng tương lai (có thể xảy ra) của chị ấy đã nài nỉ rằng chị ta và con trai của bà nên chuyển đến gần nhà bà thì tiện hơn. Nhưng vấn đề bất ngờ là: Người phụ nữ trẻ tự nhận mình là một người Do Thái chính thống và chị ta phàn nàn rằng nếu chuyển đến gần nhà mẹ chồng tương lai, thì chị sẽ phải ở quá xa hội đường. Nghĩa là, thay vì chỉ đi bộ đến dự ngày Sabát, chị sẽ phải lái xe, điều này là vi phạm luật ngày Sabát.

Tiến sĩ Laura không thể khiến người phụ nữ trẻ hiểu được sự mâu thuẫn giữa việc tuân thủ một nguyên tắc đức tin cứng ngắc: giữ luật ngày Sabát, nhưng không quan tâm đến việc vi phạm một điều cấm khác: không được sống với người đàn ông ngoài giá thú. Không có gì lạ khi người ta tin một đàng làm một nẻo.

  1. ĐỨC KIÊN TRÌ

Nhiều thế kỷ trước tại một tu viện ở Ai Cập, một thanh niên đến và xin được nhập đan viện. Vị tu viện trưởng nói với anh ta rằng quy luật ở đây rất khắt khe về đức vâng lời; và người thanh niên hứa chấp nhận trong mọi trường hợp, ngay cả khi bị thử thách đến mức nào chăng nữa. Bất ngờ một ngày nọ đan viện trưởng cầm một cành liễu khô trên tay; rồi ông dâm nó xuống đất và bảo người tập sinh hãy tưới nước vào gốc cho đến khi nó trở thành một cây xanh tươi. Vâng lời vị đan sư, mỗi ngày anh đi bộ ba cây số đến bờ sông Nile để mang một bình nước trên vai về tưới cây khô. Một năm trôi qua anh vẫn trung thành với nhiệm vụ của mình, nhưng bắt đầu cảm thấy rất mệt mỏi và bị đảo lộn cảm xúc. Một năm nữa anh vẫn cứ tiếp tục như vậy. Rồi sang năm thứ ba, anh vẫn lê bước đến dòng sông rồi quay về, vẫn tưới cái cây khô. Thì bỗng nhiên ngày hôm đó nó bùng lên thành một cây xanh tươi.

* Chuyện cây xanh từ đó là một truyền thuyết sống động cho sự cao cả của đức vâng lời và đức tin.

  1. THẾ GIỚI CẦN PHẢI ĐỐT LỬA

William Lloyd Garrison là người chủ xướng bãi bỏ chế độ nô lệ vĩ đại nhất mà người ta từng biết. Ông xuất bản một tờ báo chống chế độ nô lệ có tên là Người giải phóng. Garrison là một người rất nóng tính, “nóng như lửa đốt”. Ông cảm thấy phẫn nộ trước những hình thức đối xử vô nhân đạo không thể tin được mà nhiều nô lệ đã phải trải qua. Ông căm ghét tình trạng nô lệ với tất cả con người của mình. Một ngày nọ, một người bạn thân nhất của ông, Samuel May, đã cố gắng trấn tĩnh ông: “Này Garrison bạn tôi, hãy cố gắng kiềm chế cơn tức giận một chút và giữ bình tĩnh hơn. Tại sao phải làm cho tất cả con người mình bốc cháy đến thế!” Garrison trả lời: “Anh May à, tôi cần phải cháy hết mình, vì xung quanh tôi còn có những núi băng cần phải được tan chảy.”

* Chà, cách duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể làm tan chảy núi băng là đốt lửa. Chúng ta hiểu được tại sao hôm nay Chúa lại nặng lời với người Pharisêu. Đó là để làm tan chảy những tảng băng phủ kín một niềm tin giả hiệu.

  1. SAI LẦM CỦA NGHI LỄ

Một môn sinh Ấn giáo từng khoe khoang về hiệu năng của những lời cầu nguyện và những chuyến hành thiền của mình. Vị đạo sư khuyên anh nên mang theo một quả mướp đắng cùng với anh trong các chuyến hành hương. Hãy ngâm nó vào mọi dòng sông linh thiêng rồi đặt ở trên mọi bàn thờ để nó được ban phước hạnh tại mọi điện thờ. Khi người đệ tử trở về, vị Guru đã cung kính cử hành một nghi lễ với trái mướp đắng. Ông cắt thành từng miếng nhỏ và phân phát cho chư tăng như một thứ lương thực của bí tích. Nếm thử nó, ông cất tiếng hỏi: “Các chư tăng không ngạc nhiên khi nhận thấy bấy nhiêu lời cầu nguyện, bấy nhiêu lễ xá giải và các cuộc hành hương rầm rộ, không hề làm giảm một chút vị đắng của quả mướp này sao?” Trước câu hỏi gợi ý sâu sắc của vị Guru, người ta dành thời gian để thảo luận về tính chính đáng của các nghi lễ và hệ thống các nghi thức. Dần dần người ta bắt đầu chuyển việc cử hành đậm mầu sắc hình thức bên ngoài để phục vụ những trẻ mồ côi và góa phụ như được Isaia nói đến trong Kinh Thánh.

  1. CÔNG NƯƠNG DIANA VÀ MẸ TÊRÊSA

Công nương Diana đã cuốn hút sự chú mục của thế giới. Khi cô kết hôn vào năm 1981, 700 triệu người đã theo dõi trên TV; và khi cô gặp cái chết bi thảm vào ngày 31 tháng 8 năm 1997, đám tang của cô đã được 2,5 tỷ người trên thế giới theo dõi trên màn ảnh nhỏ. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên, nếu vào ngày 31 tháng 8 năm 2021 sắp tới đây, các phương tiện truyền thông đã đề cập đến ngày kỷ niệm cô qua đời. Tuy nhiên truyền thông có lẽ chẳng ai nhớ đến một người khác, cũng chết cùng một tuần đó cách đây hai mươi bốn năm, một nữ tu nhỏ thành Calcutta được thế giới gọi là Mẹ Têrêsa (mất ngày 5 tháng chín). Người ta nói rằng Mẹ Têrêsa đã chọn sai tuần cho cái chết của mình, vì nó bị lu mờ trước cái chết của vị công nương trẻ đẹp. Nhưng có lẽ đó là cách nó phải như vậy. Không gì có thể phản ánh tốt hơn các giá trị của thế giới đã bị biến dạng như thế nào. Mẹ Têrêsa đã không đi cùng một tỷ phú ăn chơi khi bà từ kiếp này bước vào thiên quốc. Mẹ không được đi trên một chiếc xe hơi sang trọng đủ mọi tiện nghi. Và Mẹ đã sống và chết để phục vụ những người hèn kém nhất nhất. Mẹ đã sống và chết để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ những người đau khổ. Có lẽ không có gì sai khi các cô gái nhỏ của chúng ta khao khát lớn lên trở thành công nương. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn biết bao nhiêu, nếu tất cả chúng ta đều mong ước trở nên giống Mẹ Têrêsa hơn trong việc phục vụ tha nhân! Không có gì sai khi sống trong cảnh hào hoa và sang trọng. Thậm chí không có gì sai khi thực hiện việc rửa tay (nhất là rửa tay để tránh dịch bệnh thì càng được khuyến cáo), trừ khi nghi lễ rửa tay khiến người ta coi thường những giới luật căn bản: có đôi tay sạch nhưng tâm hồn ám muội.

  1. CHIÊN CỦA NGƯƠI ĐÂU

Vào cuối những năm 1960, một người lính Mỹ hồi hương từ Việt Nam mang theo một người vợ mà họ gặp nhau trong cuộc chiến thật ghê sợ. Họ làm nhà và xây dựng cuộc sống ở vùng nông thôn Virginia. Và họ đã cùng nhau tham dự các buổi cử hành tại nhà thờ. Tuy nhiên, anh ấy bị hội chứng căng thẳng sau cuộc chiến và uống rượu rất nhiều. Cô vợ là người châu Á, cô chịu cảnh cô đơn và gặp rất nhiều khó khăn trong việc hội nhập vào xã hội Mỹ. Thị trấn xa lánh cô; người ta hé tai nhau: “Cô ấy rất khác người!” Người ta truyền tai nhau rằng cô muốn có thai để gài bẫy người chồng và trốn khỏi Sài Gòn. Mọi người không cho con cái họ giao tiếp, hoặc đi lại với cô. Cũng không hề có ai gọi điện thoại cho cô. Rốt cuộc người phụ nữ trở nên trầm cảm nặng và cuối cùng đã giết chết con mình và chính mình. Tại lễ tang của cô, Chúa hỏi vị linh mục: “Chiên của ông ở đâu?” Vị chủ tế không trả lời. Chúa hỏi lần thứ hai: “Chiên của ngươi ở đâu?” Và vị linh mục đáp: “Thưa Chúa, con không có con chiên nào cả. Con chỉ có một bầy sói!”

* Chúng ta là gì đây? Chúng ta là đàn chiên non của Chúa Giêsu hay là những con sói vô tâm? Chiên là hoa trái của ơn sủng; còn thứ kia là của quỷ dữ và ích kỉ.

  1. SỰ THẤT BẠI

Trong tiểu thuyết The Fall của Albert Camus, nhân vật chính là một luật sư vô danh, ông kể câu chuyện của mình cho một người lạ mà ông ta gặp trong một quán bar ở Hà Lan. Luật sư giấu tên kể lại việc ông luôn tự hào mình là một người quên mình phục vụ tha nhân, một người có đức tính cao thượng và hào hiệp. Nhưng rồi vào một đêm mưa mù mịt, một điều gì đó đã xảy ra làm tan vỡ hình tượng tự tôn của ông. Tối hôm ấy, khi đi bộ về nhà qua một cây cầu, ông bước ngang qua một người phụ nữ trẻ mảnh mai gầy yếu đang dựa vào thành cầu và nhìn chằm chằm xuống dòng sông. Tâm trí anh bị khuấy động khi nhìn thấy cảnh tượng này, ông đứng do dự một lúc nhưng sau đó bước tiếp. Sau khi băng qua cây cầu, ông nghe thấy một cơ thể đập nước hoảng loạn, một tiếng kêu cứu lặp đi lặp lại nhiều lần, và sau đó là sự im lặng của đêm tối. Ông muốn làm gì đó để cứu cô, nhưng đứng bất động một lúc rồi đi về nhà.

* Luật sư vô danh trong câu chuyện của Camus nhắc nhở chúng ta về thái độ của những người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay. Họ là những chuyên gia về luật và tự hào về việc họ đã tuân thủ luật pháp một cách cẩn thận. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã kết tội họ vì thói đạo đức giả khi Người trích dẫn lời tiên tri Isaia: “Dân này phục vụ Ta bằng môi miệng nhưng lòng họ xa Ta”

  1. KHÔNG CÓ HỒN

Một người đàn ông vừa mới chết và được đưa lên Thiên đàng. Anh cảm thấy rất hạnh phúc ở trên đó, rồi anh đi lang thang nhìn ngắm hết chõ này đến chỗ kia. Một buổi sáng Chúa nhật, anh ta tình cờ gặp Chúa Giêsu. Người gọi anh đến để chỉ cho anh một cái gì đó. Người mở một cái cửa sập ở mặt sàn trên Thiên đàng, để người đàn ông có thể nhìn xuyên qua, và thậm chí có thể nhìn thấy xa tận trái đất bên dưới. Cuối cùng, Chúa Giêsu mời gọi anh tập trung chú ý vào một nhà thờ, ngôi nhà thờ của chính quê nhà của anh, nơi có đông đủ hội chúng tham dự thánh lễ. Anh quan sát một lúc, và rồi có điều gì đó làm cho anh thắc mắc. Anh nhìn thấy vị linh mục mấp máy đôi môi và lật từng trang sách lễ. Anh nhìn thấy các ca viên của ca đoàn đang cầm những bài thánh ca, và người chơi đàn organ hăng say nhịp những ngón tay trên bàn phím. Nhưng anh không hề nghe thấy một âm thanh nào cả. Đó là một sự im lặng hoàn toàn. Nghĩ rằng hệ thống âm thanh trên thiên đàng đã bị hư, anh ta quay sang hỏi Chúa Giêsu để được giải thích. Người ngạc nhiên nhìn anh ta: “Không có ai nói gì với con à? Ở đây chúng ta có một quy tắc là, nếu họ không cử hành những điều đó với tất cả tâm hồn mình, thì trên này chúng ta sẽ không nghe thấy gì hết!”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm