Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B

  1. NGƯỜI CHÚA GỬI ĐẾN

Khi Doug Meland và vợ chuyển đến một ngôi làng của người da đỏ Fulnio ở Brazil, anh được họ gọi là “người da trắng”, một thuật ngữ hàm ý khinh bỉ. Tại vì vào một thời điểm trước đó những người da trắng đã đến đây bóc lột dân làng, đốt phá nhà cửa và cướp đất đai của họ. Nhưng sau khi những nhà truyền giáo đến học được ngôn ngữ và phục vụ dân làng bằng y học, giáo dục, xây dựng và nhiều hoạt động khác, họ bắt đầu gọi Doug là “người da trắng tốt bụng”. Và khi anh Doug học sống các tập quán và hòa mình với những thổ dân, người Fulnio nói Doug là “người thổ dân da trắng”. Rồi một ngày nọ, khi Doug kỳ cọ rửa ráy bàn chân bẩn thỉu, đầy máu của một cậu bé bị thương, anh nghe thấy một người đứng ngoài nói: “Ai đã từng nghe nói về một người da trắng rửa chân cho một người da đỏ không? Chắc chắn, người này phải đến từ Chúa”. Kể từ ngày đó, bất cứ khi nào Doug bước vào một ngôi nhà của người da đỏ, thì được thông báo: “Đây là người mà Chúa đã gửi đến cho chúng ta.”

  1. MỘT BÀI HỌC Ý NGHĨA

Một cậu bé thường xuyên đi học về muộn. Cậu không nêu được lý do chính đáng cho việc về trễ, và dường như mọi lời nhắc bảo của cha mẹ cậu đều không có tác dụng. Cuối cùng, trong sự thất vọng, cha của cậu bắt cậu ngồi xuống và nói: “Lần sau nếu còn về muộn con sẽ chỉ được ăn bánh mì và nước lã cho bữa tối của mình- chứ không có gì khác. Đó hoàn toàn là điều hợp lý phải không, con trai?” Cậu bé nhìn thẳng vào mắt cha mình và gật đầu. Cậu hiểu lời cha nói. Vài ngày sau cậu vẫn về nhà muộn như những lần trước. Và tối hôm đó, khi gia đình cùng ngồi vào bàn ăn, trong đĩa của cậu chỉ có đúng một lát bánh mì và một cốc nước. Đĩa của cha và mẹ cậu thì đầy thức ăn ngon. Người cha đợi cho bầu khí căng thẳng hoàn toàn lắng xuống, sau đó ông lặng lẽ cầm đĩa của cậu đặt vào chỗ của mình, và lấy đĩa của ông đặt trước mặt cậu. Cậu bé hiểu bố mình đang làm gì: ông đã tự nhận lấy hình phạt mà cậu, là con ông, mắc phải bởi chính hành vi lỗi phạm của mình. Nhiều năm sau, cậu bé này nhớ lại sự việc và nói: “Cả đời tôi, tôi đã biết Chúa như thế nào, qua những gì cha tôi làm vào bữa tối hôm đó.”

* “Con Người đến để hiến mạng sống và cứu chuộc nhiều người”. (J. Allan Peterson trong Tạp chí Lãnh đạo; do cha Botelho trích dẫn).”

  1. CHUYẾN BAY CỦA CỦ CÀ RỐT

Cha Anthony De Mello SJ chia sẻ câu chuyện sau đây: Một bà già nọ sắp chết. Trong khi xem xét hồ sơ của bà, tòa án Thiên đàng không thể tìm thấy một hành động từ thiện nào bà đã thực hiện khi còn sống, ngoại trừ một củ cà rốt mà bà đã từng đưa cho một người ăn xin chết đói. Tuy nhiên, đó lại là sức mạnh của một hành động bác ái duy nhất, để rồi Chúa nhân từ đã truyền lệnh cho bà được lên Thiên đàng. Thiên thần mang củ cà rốt từ thiên đàng về trao cho linh hồn bà đang rời khỏi thân xác. Khoảnh khắc bà nắm lấy củ cà rốt, nó bắt đầu bay lên như được kéo bởi một sợi dây vô hình nào đó đưa bà lên trời. Rồi linh hồn một người tội lỗi xuất hiện. Anh nắm chặt vạt áo bà và cũng được nâng lên với bà; một người thứ ba nắm lấy chân người tội lỗi cũng được nhấc lên. Chẳng bao lâu sau, có một hàng dài linh hồn được đưa lên Thiên đàng nhờ củ cà rốt đó. Và thật kỳ lạ, người phụ nữ không cảm thấy sức nặng của tất cả những người đã nắm lấy bà. Thật ra vì bà đang nhìn lên Thiên đàng nên chẳng để ý đến ai. Bay cao hơn và cao hơn nữa, họ được nhấc lên cho đến khi gần chạm đến cổng Thiên đàng. Tuy nhiên khi người phụ nữ muốn ngoái lại để nhìn trái đất lần cuối, bà thấy một chuỗi dài những người phía sau mình. Bất ngờ, vô cùng phẫn nộ, bà xua tay một cách quyết liệt và hét lên: “Buông! Buông hết đi, tất cả các người! Củ cà rốt này là của tôi!” Lòng ích kỷ của bà thúc đẩy bà buông củ cà rốt, và rồi tất cả cùng rơi rụng tơi tả, thê thảm.

* Và cha De Mello kết luận: Chỉ có một nguyên nhân cho mọi tội ác trên trái đất, đó là thái độ “Cái này là của tôi!” Tin Mừng hôm nay thuật lại cách Chúa Giêsu ứng xử trước lòng ham muốn của hai môn đệ.

  1. SỰ VĨ ĐẠI ĐÍCH THỰC

Các giải Nobel được trao hàng năm trong các lãnh vực văn học, kinh tế và khoa học, kiến tạo hòa bình cùng những lãnh vực khác. Những người có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực này được tôn vinh một cách xứng đáng cho những thành tựu xuất sắc họ đã đạt được. Sự tài giỏi cũng được ghi nhận trong thế giới thể thao, âm nhạc, điện ảnh, báo chí…Tất cả chúng ta đều khao khát sự vĩ đại dưới hình thức này hay hình thức khác. Đó là ước muốn chính đáng mà Chúa nói đến trong Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên Người còn mời gọi chúng ta vươn lên mãi cho tới “tầm vóc Chúa Kitô”. Vậy chúng ta cũng cần nhìn sâu hơn vào những tấm gương vĩ đại có tính cách lâu dài bền vững, để thấy rằng Lời Chúa mời gọi chúng ta là lời chân thật. Thánh Giáo hoàng Grêgoriô Cả đã cống hiến hết tài trí và sức lực cho việc xây dựng Giáo hội. Thánh Albertô Cả, thánh Tôma Aquinô là những tượng hình khổng lồ về trí tuệ vì các ngài đã khép mình trong kỷ luật khe khắt để tìm hiểu và kiến tạo khoa học thánh. Thánh Têrêsa thành Calcutta (Mẹ Têrêsa) thật tuyệt vời vì bà sẵn sàng từ bỏ sự an toàn của đời sống tu viện để đến với những người nghèo khổ nhất trong xã hội. Mahatma Gandhi vĩ đại vì ông đã hành động vì tự do cho người dân của mình và đã chết một cách bất bạo động như một hình thức phản đối. Beethoven là một nhà soạn nhạc bậc thầy vì ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ để sáng tạo ra những nốt nhạc thần kỳ. Và còn biết bao người khác nữa!

  1. Ý NGHĨA CỦA MỘT BÀI THƠ

Thi hào Rabindranath Tagore là người đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên của châu Á (1913), là người không phải người phương Tây đầu tiên đoạt giải Nobel văn học. Ông cũng là một hiền sĩ có đóng góp vào ba bài quốc ca hùng tráng của các quốc gia Bangladesh, Ấn Độ và Sri Lanka. Ông đã viết bài thơ ngắn và đầy ý nghĩa này: Tôi ngủ và mơ thấy rằng cuộc sống là Niềm vui; sau đó khi tôi thức dậy tôi nhận ra cuộc sống chính là Phục vụ; và khi tôi làm việc – và kìa, tôi khám phá ra rằng Phục vụ lại chính là Niềm vui.

* Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng hạnh phúc thật đến từ việc phục vụ Chúa trong tha nhân, như lời cầu nguyện của thánh Phanxicô, “xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chua trong mọi người” (Kinh Hòa bình). Vậy chúng ta cần vận dụng tất cả trái tim, khối óc, đôi tay để tận tình phục vụ tha nhân.

  1. CẠNH TRANH VỚI IBM

Khi Michael Dell còn học đại học, một ngày nọ bố mẹ anh bất ngờ lái xe đến thăm anh. Họ vốn lo ngại rằng “đam mê” của Michael – thiết kế máy tính trong phòng ký túc xá – có thể khiến anh xao nhãng việc học nền tảng của mình. Cha anh yêu cầu anh phải nghiêm túc hơn với việc đại học của mình, ông thẳng thắn hỏi Michael: “Con muốn làm gì với cuộc sống của mình đây?” Và cậu sinh viên trẻ đã khiến cha mình tức giận khi trả lời: “Con muốn cạnh tranh với IBM”. Vào thời điểm đó, IBM là công ty máy tính thống trị trên toàn thế giới. Không lâu sau đó, Michael Dell bỏ học đại học và huy động vốn để bắt đầu kinh doanh máy tính của riêng mình. Đến năm 1999, mười năm sau khi Michael Dell thành lập công ty, Máy tính Dell đã vượt qua IBM để trở thành nhà bán máy tính cá nhân lớn nhất quốc gia. [John Eliot, Ph.D., Thành đạt (New York: Portfolio, 2004), trang 38-40.]

* Chúa không ngăn cản chúng ta mơ ước, Ngài chỉ sợ rằng ước mơ của chúng ta quá nhỏ bé. Đó là vấn đề của Giacôbê và Gion trong Phúc Âm hôm nay.

  1. CHUYỆN NGƯỜI THẮP ĐÈN

Câu chuyện sau đây được cho là của John Ruskin, nhà văn người Anh ở thế kỷ 18, khi ông đã về già. Một ngày nọ ông đi thăm một người bạn. Tối đến ông ra đứng nhìn từ cửa sổ về khung cảnh phía trước ngôi nhà. Lúc đó là ban đêm, ông thấy người thắp sáng đèn đường đi thắp từng cái đèn treo ở trụ đèn. Từ cửa sổ, người ta chỉ có thể nhìn thấy những ngọn đèn lần lượt được thắp sáng và ánh sáng được truyền từ đèn này sang đèn khác. Còn bản thân người thắp đèn thì không thể nhìn thấy được. Ruskin nhận xét rằng người thắp đèn ấy là một ví dụ điển hình về một Kitô hữu đích thực. Con đường anh đi được sáng rõ nhờ những ngọn đèn anh thắp sáng, và ánh sáng ấy vẫn tiếp tục cháy sáng, mặc dù bản thân anh không được ai biết đến hay nhìn nhận. (Jack Mc Ardle in And that’s the Gospel Truth; Fr. Botelho trích dẫn)

* Mở đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu nói Người là ánh sáng đã đến thế gian. Và Người mời gọi chúng ta rằng trở thành ánh sáng soi chiếu trần gian.

  1. MUHAMMAD VĨ ĐẠI

Muhammad Ali, võ sĩ quyền anh hạng nặng, từng tự coi mình là “người vĩ đại nhất hành tinh!” Có một điều gì đó rất hài hước về sự kiêu ngạo của anh ta. Nhiều lần anh từng tuyên bố: “Tôi có thể bay bổng như một con bướm: tôi đốt chích người ta như một con ong.” Câu chuyện đồn thổi về anh rằng, một lần kia khi anh đang trên một chuyến bay chuẩn bị cất cánh, người tiếp viên hàng không nói: “Thưa ông, xin ông vui lòng thắt dây an toàn cho mình được không ạ?” Muhammad Ali trả lời: “Siêu nhân không cần thắt dây an toàn!” Người tiếp viên trả lời: “Nếu ông đã là siêu nhân thì không cần phải đi máy bay làm gì.”

* Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết về hai trong số các môn đệ của Chúa Giêsu muốn trở thành siêu nhân – ngồi bên hữu bên tả Chúa trong Vương quốc. Và Chúa đã cho hai ông biết cao vọng đó cần được thực hiện như thế nào.

  1. CẢI ĐẠO HAY PHỤC VỤ

Gần đây tôi có đọc một câu chuyện kể về thánh Têrêsa thành Kolkata (Mẹ Têrêsa), đã từng bị triệu tập ra tòa với cáo buộc rằng bà đã cải đạo những đứa trẻ do bà chăm sóc sang đức tin Công giáo. Đứng trước thẩm phán, bà được hỏi điều đó có hợp pháp không. Quay sang một trong những nữ tu của mình đang ẵm một trẻ em trên tay, Mẹ Têrêsa đón lấy đứa trẻ sơ sinh. Sau đó, bà quay sang quan tòa trả lời: “Rất may mắn là tôi đã nhặt được đứa nhỏ này trong thùng rác. Tôi không biết tôn giáo của gia đình mà đứa trẻ ngây thơ này được sinh ra; tôi cũng không biết ngôn ngữ mà cha mẹ nó nói. Tất cả những gì tôi làm là dành cho nó tình yêu của tôi, thời gian của tôi, sự chăm sóc của tôi, thức ăn của tôi và điều tốt nhất mà tôi có được trong cuộc sống của tôi – đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Như vậy tôi lại không cho đứa trẻ này những gì tốt nhất mà tôi có trong cuộc đời sao?” Và kết quả là phiên tòa đã được giải tán để ủng hộ Mẹ Têrêsa. (James Valladares in Your Words, O Lord, Are Spirit, and They Are Life; Fr. Botelho trích dẫn).

  1. SỨC MẠNH TỪ TRÊN CAO

Năm 1764, James Watt đã phát minh ra động cơ hơi nước, và sức mạnh đó lần đầu tiên được sử dụng để điều khiển máy móc. Năm 1830, George Stephenson đã chế tạo đầu máy xe lửa nổi tiếng được gọi là “Tên lửa” có thể chở nặng và di chuyển nhanh hơn. Đó là động cơ đường sắt đầu tiên. Chiếc ô tô có động cơ đầu tiên được Daimler chế tạo vào năm 1891 sử dụng năng lượng xăng để chạy trên mặt đường. Năm 1903 mở ra kỷ nguyên cho các chuyến bay hàng không với động cơ chạy bằng xăng. Ngày nay, các chuyến bay vào vũ trụ đã trở nên bình thường nhờ năng lượng được sản xuất từ các nguồn khác bao gồm cả oxy lỏng. Nhưng có một sức mạnh lớn hơn tất cả những nguồn năng lực này, đó là sức mạnh của Chúa. Nguồn sức mạnh này được truyền tải cho những người sống một cuộc sống thánh thiện. Đó thực sự là những người anh hùng. Họ tạo ra những nguồn năng lượng tích cực lan tỏa đến con người, cộng đồng, xã hội…Họ sống cuộc sống vươn lên những điều ti tiện, bỉ lậu trong thế giới tục hóa này. Đó là những chiếc bình bằng đất sét, nhưng đã được tạo thành bình vàng để Chủ nhân là Chúa sử dụng. (Daniel Sunderaraj trong Manna cho Tâm hồn; do Cha Botelho trích dẫn).     

            Linh Mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm