Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 3 Phục Sinh

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 3 Phục Sinh

  1. CHUYỆN BÁC SĨ PASTEUR

Trong một chuyến tàu chạy về Paris có hai người đàn ông ngồi đối diện nhau trong một toa hành khách. Một người là nghiên cứu sinh y khoa, anh đang cảm thấy buồn chán vì hành trình dài; người kia là một ông già thì lim dim mắt đọc kinh Mân Côi. Anh sinh viên trẻ bắt đầu chế giễu ông lão vì niềm tin mê tín của ông. Đoạn anh tiếp tục kể về những điều kỳ diệu của nền y khoa hiện đại. Ông lão chỉ gật đầu, mỉm cười và tiếp tục lời cầu nguyện của mình bất chấp những lời bình phẩm thầm lặng của người khách trẻ. Khi họ đến nhà ga Paris, ông già hỏi cậu ta đi đâu. Chàng trai tự hào cho biết anh sẽ tham dự buổi thuyết trình của một nhà khoa học nổi tiếng thế giới là Louis Pasteur. Ông lão lấy trong túi ra một tấm cạc vidít (carte de visite), đưa cho người thanh niên và từ biệt. Tấm thẻ ghi: “Dr. Louis Pasteur, Viện sĩ Hàn Lâm viện Khoa học Paris!”

* Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

  1. LÒNG TRUNG THÀNH QUA ĐÔI BÀN TAY

Đại văn hào Tolstoy đã kể một câu chuyện về Sa hoàng và Hoàng hậu Nga, những người muốn tôn vinh các thành viên trong triều đình của họ bằng một bữa tiệc. Họ gửi giấy mời và yêu cầu khách đến dự tiệc mang theo giấy mời. Khi bước vào bàn tiệc, các vị khách ngạc nhiên nhận thấy rằng các tiếp viên không hề nhìn vào giấy mời của họ. Thay vào đó, họ kiểm tra bàn tay của khách. Các vị khách thắc mắc về điều này, nhưng họ cũng tò mò muốn biết xem ai sẽ được Sa hoàng và Hoàng hậu mời làm khách danh dự trong bữa tiệc. Họ ngạc nhiên khi thấy rằng chính người phụ nữ già đã làm công việc lau dọn cung điện hoàng gia trong nhiều năm được chọn hôm đó. Các tiếp viên, sau khi kiểm tra tay bà, tuyên bố: “Bà có đủ tư cách thích hợp để trở thành khách mời danh dự hôm nay. Chúng tôi có thể chứng nhận tình yêu và lòng trung thành của bà qua đôi tay chai sạn này.”

* Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ không tin Chúa sống lại: “Hãy xem tay và chân Thầy…” để xóa bỏ nghi ngờ mê tín rằng Người là ma.

  1. BỘ SƯU TẬP VĨ CẦM

Đó là câu chuyện về ông Luiqi Tarisio, người cách đây mấy năm được tìm thấy đã chết đơn độc trong một căn phòng mà hầu như không có bất kỳ sinh vật nào, ngoại trừ sự có mặt của 246 cây vĩ cầm hết sức quý giá. Ông ta đã thực hiện bộ sưu tập những cây đàn này suốt cuộc đời của mình. Tất cả chúng đều được cất trên gác mái. Một số cây vĩ cầm giá trị nhất thì được cất trong ngăn dưới cùng của một phòng nhỏ ọp ẹp cũ kỹ. Tuy nhiên cây đàn huyền thoại trong bộ sưu tập này có tên là Stradivarius. Khi nó ngân lên âm thanh kỳ ảo cuối cùng thì đã cách đó 147 năm rồi! Một số người lên tiếng phê phán  rằng với niềm say mê đến tôn sùng đối với đàn vĩ cầm, Tarisio đã lấy đi khỏi thế giới âm nhạc những dòng âm thanh tinh xảo nhất.

* Có nhiều Kitô hữu hôm nay giống như ông Tarisio? Đừng chôn vùi Tin Mừng phục sinh của Chúa Kitô dưới đáy của một văn phòng cũ ọp ẹp. Hãy để mọi người nghe âm thanh tuyệt vời của Tin Mừng: “Người đã sống lại thật, Alleluia!”

  1. CHÚNG TÔI SẼ CHO BẠN SỐNG LẠI

Vị pháp sư của một ngôi làng nhỏ theo đạo Hindu thuộc một bộ lạc ở Ấn Độ, đã được một số nhà truyền giáo thuyết phục theo đạo. Ông ta lắng nghe một lúc rồi nói với họ: “Thưa quý ông, hãy nghe tôi đây, tôi có một đề xuất thế này: ở đây tôi có một ly thuốc độc mà tôi dùng để diệt chuột. Nếu các ông uống chất độc này mà vẫn sống như Chúa Giêsu của các ông đã hứa, tôi sẽ gia nhập tôn giáo của quý ông, và không chỉ bản thân tôi, mà toàn bộ ngôi làng Hindu của tôi nữa. Nhưng nếu các ông không uống thuốc độc, thì tôi chỉ có thể kết luận rằng các ông là những người truyền đạo giả dối, bởi vì các ông không tin Chúa của các ông sẽ không để các ông bị chết.” Chuyện này làm cho những truyền giáo hết sức bất ngờ, lúng túng và bối rối. Họ trao đổi với nhau: “Chúng ta phải làm gì bây giờ?” Cuối cùng, họ đã đi đến một quyết định đối phó. Họ quay sang vị pháp sư Hindu nói: “Đây là kế hoạch của chúng tôi. Ông cứ uống thuốc độc đi, chúng tôi sẽ khiến ông sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Giêsu!”

– Quả thật tin và sống mầu nhiệm Phục sinh là một thách đố lớn đối với Kitô hữu.

  1. CHUYỆN BÁN CÁ

Để bán cá một ngư dân đã sơn một tấm bảng ghi: “Ở đây bán cá tươi”. Một đối thủ muốn “guậy phá” công việc buôn bán của anh, nói: “Ông không bán cá ươn, phải không? Vậy tại sao lại viết ‘tươi’ làm gì?” Ngư dân nghĩ vậy có lý bèn viết một tấm bảng mới với dòng chữ: “Ở đây bán cá”. Một lần nữa, đối thủ của anh ta lại đề nghị: “Rõ ràng là ông đang bán cá ở đây, chứ có phải ở đâu khác!” Gật đầu đồng ý, ngư dân quay trở lại với một tấm biển mới: “Bán cá!” Bây giờ, đối thủ xuất hiện lần thứ ba và nói: “Bất kỳ ai tinh mắt sẽ thấy rằng ông đang bán cá chứ đâu có bán thịt! Bỏ từ ‘cá’ đi!” Người ngư dân cả tin bối rối đến mức muốn làm một tấm biển khác mà quên mất rằng mình đang thật sự bán cá!

 * Nếu có điều gì đó mà người ta thực sự tin tưởng vượt khỏi sự nghi ngờ, thì chắc chắn họ phải bám chắc vào sự thật đó ngay cả khi có những lời khuyên, đề xuất và thậm chí là đe dọa muốn thay đổi niềm tin của họ. Đó là đức tin của các tông đồ khi họ đã xác tín mầu nhiệm Chúa sống lại. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy hành trình đức tin của họ từ nghi ngờ, sợ hãi đến xác tín.

  1. SỐNG SỨ ĐIỆP PHỤC SINH

Đó là Chúa Nhật đầu tiên của một linh mục đến nhận một giáo xứ mới. Trong thánh lễ nhận xứ, giáo dân chăm chú từng chút một để đưa ra nhận xét ban đầu về cha xứ mới của họ. Bài giảng của ngài thật xuất sắc! Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, hào hứng, tin tưởng. Chúa nhật sau đó, giáo dân tăng lên đáng kể, có lẽ là do tin tốt đã lan ra trong giáo xứ. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của những người đã dự lễ Chúa nhật trước, vị linh mục lại giảng bài giảng giống hệt như lần trước. Họ bênh vực cho ngài nghĩ rằng sáng nay có rất nhiều người mới đến, nên cần phải nghe lại bài giảng có nhiều ý nghĩa thâm sâu. Mọi việc có vẻ vẫn tốt đẹp cho đến Chúa nhật tuần sau, Chúa nhật tiếp theo, và quả thật, cả Chúa nhật tuần sau nữa, bài giảng cũng giống hệt như vậy! Đến lúc này, một nhóm giáo dân quyết định gặp cha xứ với những lời lẽ khiêm tốn hết mức có thể, để thưa với ngài về chuyện bài giảng. Họ đã sử dụng ngôn từ ngoại giao cực kỳ tốt: “Đó là một bài giảng rất hay, thưa cha.” “Ồ, cảm ơn ông bà rất nhiều. Tôi rất vui vì cộng đoàn nhận thấy nó hữu ích.” “Nhưng thưa cha, chúng con chỉ tự hỏi tại sao cha đã giảng cùng một bài giảng trong suốt năm Chúa nhật vừa qua?” Vị linh mục trả lời: “Ồ, vâng, tôi có biết điều đó”, “Vậy thưa cha, dù không muốn làm cha khó chịu, chúng con cũng muốn có câu trả lời cho những người đã nhờ chúng con đến đây, cha có bài giảng nào khác không ạ?” Cha xứ trả lời: “Ồ, tất nhiên, tôi có rất nhiều bài giảng khác chứ!” “Vậy khi nào thì có bài giảng mới, thưa cha?” “Tôi hứa với quý ông bà rằng tôi sẽ chuyển sang bài giảng tiếp theo- ngay khi tôi thấy cộng đoàn thực hiện điều gì đó về bài giảng đầu tiên của tôi!”

* Sứ điệp Phục sinh là để sống chứ không phải để nghe suông. Ơn phục sinh chỉ xảy ra khi chúng ta sống thực sứ điệp này trong đời sống hằng ngày.

  1. NHÀ THẦN HỌC BỐN CHÂN

Người đàn ông gầy yếu nắm chặt lấy tay bác sĩ nói: “Tôi sợ chết lắm. Xin bác sĩ cho tôi biết, điều gì đang chờ đợi tôi sau khi tôi chết? Ở bên kia sẽ như thế nào?” Bác sĩ trả lời: “Thật sự tôi cũng không biết.” Người sắp chết lẩm bẩm: “Ông mà lại không biết!”. Không trả lời thêm, bác sĩ mở cửa bước ra ngoài hành lang. Một con chó lao tới, nhảy chồm tới chỗ ông đang đứng và biểu hiện tất cả niềm vui khi nó được gặp lại chủ. Ngay lúc đó, bác sĩ quay lại người bệnh và nói: “Ông có thấy con chó cư xử thế nào không? Nó chưa bao giờ ở trong căn phòng này trước đó và cũng không hề biết những người ở đây. Nó chỉ biết chủ của mình đang ở phía bên kia cánh cửa, và vì vậy nó vui mừng nhảy bổ vào ngay khi cánh cửa mở ra. Bây giờ hãy xem: tôi cũng không biết chính xác điều gì đang chờ đợi chúng ta sau cái chết, nhưng khá đủ để tôi biết rằng chủ nhân của tôi là Chúa Phục Sinh đang ở phía bên kia. Vì vậy, một ngày nào đó, khi cánh cửa mở ra, tôi sẽ bước vào với niềm vui sướng tột độ.”

  1. LỜI NÓI CỦA ĐÔI BÀN TAY

Một anh thanh niên rất yêu quý cha mình, vốn là người phải đi làm thuê suốt cả đời. Khi cha anh qua đời anh rất đau buồn. Anh lặng lẽ đứng nhìn chiếc quan tài nơi đặt thi hài cha anh, và anh đặc biệt bị thu hút bởi đôi bàn tay của cha mình. Ngay cả những điều thầm kín nhất của người quá cố cũng được tỏ lộ qua đôi bàn tay này. Sau này anh nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên đôi bàn tay gầy guộc tuyệt vời ấy. Nó cho tôi thấy tất cả câu chuyện về cuộc đời của một người miền quê bằng ngôn ngữ hùng hồn của những nếp nhăn, những đường gân, vết sẹo cũ và mới. Đôi bàn tay của cha tôi luôn mang một vài vết xước hoặc vết cắt mới như một thứ để tô điểm, đó là kết quả mới nhất của việc chỉnh sửa lại một đoạn dây điện, một cái ống nước rỉ sét, một chậu cảnh bị nứt… Trong cái chết, nó đã không gian dối dù chỉ một chi tiết nhỏ lẻ và cá biệt. Không phải chỉ để cho con trai biết mọi thứ về cha mình, nhưng qua đôi bàn tay ấy, tôi lưu giữ trong ký ức của mình bằng chứng về bổn phận ông đã dành cho tôi, những giọt mồ hôi ông đã cống hiến, lòng trung thực mà ông đã sống. Và bằng cách nhìn vào đôi bàn tay đó, người ta có thể đọc được chính tâm hồn của ông già!”

* Không phải không có lý do khi Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem tay và cạnh sườn của Người: “Hãy xem tay và chân Thầy…”

  1. ĂN TRƯA VỚI CHÚA GIÊSU

Xưa có một cậu bé luôn muốn gặp Chúa Giêsu. Một ngày nọ, cậu đi bộ về nhà từ một lớp học ngày Chúa nhật. Khi đi qua công viên, cậu để ý thấy một bà già đang ngồi trên ghế đá. Trông bà có vẻ cô đơn và đói ăn, vì vậy cậu ngồi xuống và đưa cho bà một phần thanh sô cô la mà cậu đã để dành. Bà đón nhận với một nụ cười niềm nở. Cậu đưa thêm cho bà nhiều kẹo, và bà cũng trao lại cho cậu một chai nước ngọt. Họ ngồi với nhau rất thân tình, ăn uống và cười nói với nhau rất tự nhiên. Khi cậu bé đứng dậy để đi về, cậu vươn người qua người phụ nữ và ôm bà thật chặt. Cậu mỉm cười bước về nhà. Mẹ cậu nhận thấy nụ cười tươi và niềm hạnh phúc trên gương mặt con thì hỏi: “Hôm nay con đã làm gì mà vui thế?” Cậu nói: “Con đã ăn trưa với Chúa Giêsu. Và bà ấy trao cho con một nụ cười tuyệt vời!” Còn bà cụ trở về căn hộ nhỏ ở chung với chị gái cũng cứ tủm tỉm cười một mình. Chị bà gặng hỏi tại sao bà lại hạnh phúc như thế. Bà trả lời: “Em vừa ăn trưa với Chúa Giêsu. Và người ấy trẻ hơn rất nhiều so với em mong đợi”.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm