Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm B

  1. CÂU CHUYỆN CHIẾC HỘP

Cách đây một thời gian, một người cha đã phạt đứa con gái 7 tuổi của mình vì cô bé đã lãng phí một cuộn giấy ăn. Đang trong hoàn cảnh khó khăn, ông dễ trở nên cáu giận khi đứa trẻ lấy giấy để trang trí một chiếc hộp rồi đặt dưới gốc cây. Tuy nhiên vào sáng hôm sau, cô gái nhỏ đã mang món quà đến cho bố và nói: “Đây là cho bố, bố ạ.” Người cha cảm thấy xấu hổ vì phản ứng thái quá của mình trước đó, nhưng cơn tức giận của ông lại bùng lên khi ông thấy chiếc hộp trống rỗng. Ông hét vào mặt cô bé: “Con không biết rằng khi tặng quà cho ai đó, thì bên trong nó phải có thứ gì đó sao?” Cô bé ngước nhìn ông với đôi mắt ngấn lệ và nói: “Ôi, bố ơi, nó không trống rỗng đâu. Con đã thổi đầy những nụ hôn vào chiếc hộp đó. Tất cả là vì bố, bố ạ ”. Người cha muốn khuỵu xuống vì xúc động. Ông vòng tay ôm cô gái nhỏ của mình và xin cô tha thứ. Ông đã giữ chiếc hộp nhỏ bên giường nhiều năm. Mỗi khi cảm thấy chán nản, ông lại lấy ra và đặt vào đó một nụ hôn, và nhớ đến tình yêu mà đứa bé đã đặt trong đó.

* Chúng ta mong muốn ai cho chúng ta cái gì phải toàn tâm toàn ý. Nhưng bi kịch của cuộc đời chúng ta là luôn giữ lại một phần nào đó của chúng ta đối với Chúa. Chúa muốn chúng ta trao phó cho Ngài trọn vẹn ​(Cha Bobby).

  1. PHẪU THUẬT NỤ CƯỜI

Ở Việt Nam nhiều người đã biết đến tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile). Đó là sáng kiến của William Magee, 52 tuổi và Kathleen Magee, 51 tuổi, hai người đồng sáng lập Operation Smile. Một người là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và người kia là nhân viên dịch vụ xã hội. Op Smile bắt đầu hoạt động vào năm 1982. Kể từ đó, nó đã thực hiện phẫu thuật cho 18000 trẻ em ở 15 quốc gia để chỉnh sửa – miễn phí – những dị tật như hở hàm ếch và sẹo bỏng, đồng thời đào tạo các bác sĩ địa phương để họ nắm bắt các thủ thuật giải phẫu. William nói: “Thế giới chúng ta được thay đổi bởi cảm xúc tích cực.” Ngày 20 tháng 6 năm 1996, Conrad N. Hilton Foundation đã trao giải thưởng 1 triệu đô la cho nhóm để tiếp tục công việc. Những đồng tiền nhỏ của William và Kathleen Magee có sức mạnh và đó là sức mạnh của tình yêu.

  1. GIÁ TRỊ CỦA SỰ QUYẾT TÂM

Xưa có một người đàn ông bị liệt ở bàn chân, nhưng anh ta vẫn quyết tâm bước đi. Và thế là mỗi buổi sáng khi thức dậy, anh mau mắn ra ngoài và đi bộ. Rốt cuộc, mỗi ngày anh có thể đi đến ba bốn cây số theo cách của mình. Một ngày nọ, anh đi thăm một vùng nông thôn, và vì một lý do nào đó mà anh cảm thấy kiệt sức hơn mọi khi. Anh hy vọng có ai đó đi ngang qua và cho anh quá giang một quãng đường. Cầu được ước thấy, một người cưỡi ngựa chạy qua và nhận thấy người này bị tật và dường như đã kiệt sức. Người bạn cưỡi ngựa cảm thương và sẵn sàng cho người tàn tật mượn con ngựa của mình. “Vâng, chỉ cần bạn cẩn thận một chút, vì đây là một loại ngựa đua đặc biệt. Nó được huấn luyện hơi khác so với ngựa bình thường. Khi muốn nó chạy, bạn không nói “Phóng lên, phóng lên!” Mà nói: “Hãy ngợi khen Chúa đi!” Nhớ là nó sẽ không động đậy gì nếu bạn nói “Phóng lên!” Còn khi bạn muốn nó tăng tốc, chỉ cần lặp lại: “Hãy ngợi khen Chúa đi!” Nhưng khi muốn nó dừng lại, bạn không được nói “Whoa! Whoa!” Mà phải nói: “Amen.” Nếu bạn nhớ những điều này thì sẽ không gặp rắc rối gì cả.” Biết ơn sự hào phóng của người bạn, người tàn tật thoải mái cưỡi ngựa, phấn khởi ngồi trên yên và nói: “Hãy ngợi khen Chúa đi” thế là con ngựa lao nhanh ngay về phía trước. Lúc này khi đang cưỡi ngựa, người đàn ông cảm thấy rất thích thú vì vậy anh ta quyết định đi theo con đường tuyệt đẹp để về nhà, và tăng tốc độ cho ngựa chạy nhanh, nên anh nói “Hãy ngợi khen Chúa đi!” Khi đi đến một khúc cua, anh nhìn thấy một vách đá án lối gần cây cầu đã được tháo rời để sửa chữa. Nhanh chóng, người đàn ông cố gắng xì tốp con ngựa: “Whoa !, Whoa !, Whoa !” Nhưng con ngựa không dừng lại. Anh vô cùng hoảng hốt vì sắp lao vào bờ vực nguy hiểm, nhưng anh không thể nghĩ ra từ ngữ thích hợp. Tích tắc nữa thôi anh sẽ tan xác, nhưng đột nhiên người đàn ông nhớ lại từ thích hợp để cho dừng lại. “Amen!” Anh kêu lên, tức thì con ngựa dừng lại ngay trên bờ vực vách đá. Quá vui mừng, người đàn ông giơ hai tay lên trời và hô vang: “Hãy ngợi khen Chúa đi!”

* Các bạn ơi, có điều gì đó có thể rút ra từ câu chuyện này: quyết tâm là rất quan trọng. Cho dù đối diện bất cứ hoàn cảnh nào, một mẩu vụn của quyết tâm có thể trở thành một thành quả lớn, giống như câu chuyện đồng xu bà góa hôm nay.

  1. BỐ THÍ TRỞ THÀNH LỄ DÂNG

Mẹ Têrêsa có lần nói: “Nếu chỉ cho đi những gì bạn không cần, thì đó không phải là cho”. Bà từng kể một câu chuyện, ngày kia bà đang đi trên phố thì một người ăn xin đến gần và nói: “Này Mẹ Têrêsa, mọi người đều cho mẹ, tôi cũng muốn cho mẹ một chút gì đó. Cả ngày hôm nay, tôi chỉ nhận được mười lăm rupi (30 xu Mỹ). Tôi muốn tặng cho bà.” Mẹ Têrêsa suy nghĩ một phút: “Nếu tôi lấy ba mươi xu của anh thì tối nay anh sẽ không có gì để ăn, còn nếu tôi không lấy, tôi sẽ làm tổn thương tình cảm của anh. Vì vậy, tôi đưa tay ra và nhận tiền. Tôi chưa bao giờ thấy niềm vui trên khuôn mặt của bất kỳ ai như tôi thấy trên khuôn mặt của người ăn xin đó, bởi vì anh nghĩ rằng mình cũng có thể dành một ít tiền cho Mẹ Têrêsa.” Bà nói rằng món quà đó có ý nghĩa với bà hơn cả việc đoạt giải Nobel. Mẹ Têrêsa tiếp tục: “Đó là một sự hy sinh lớn đối với người đàn ông nghèo khổ đó, ông phải ngồi dưới nắng cả ngày mà chỉ nhận được ba mươi xu. Ba mươi xu là một số tiền quá nhỏ, tôi chẳng thể làm được gì với số tiền ấy. Nhưng khi anh ấy cho và tôi nhận, nó đã trở thành hàng chục ngàn xu vì nó đã được trao đi với rất nhiều tình yêu thương.

* Thiên Chúa không nhìn vào trị giá của vật cho, mà nhìn vào tình yêu mà nó thể hiện. (Flor McCarthy trong Phụng vụ Chúa nhật & Lễ trọng).

  1. TẶNG LẠI CHO NGƯỜI NGHÈO

Một nhân viên xã hội của nhà nước đến thăm một vùng nông thôn Miền Tây. Ông này có tiền trợ cấp từ thiện cho các nông dân nghèo. Ông thấy một góa phụ lớn tuổi làm vài mẫu ruộng nhiễm phèn. Ngôi nhà của bà vừa xiêu vẹo vừa nhỏ xíu chất đầy đồ đạc tạp nham; các cửa sổ thì bung ra chẳng có cánh để khép. Dường như không có lương thực trong nhà. Ông tự hỏi làm thế nào bà có thể sống được. Ông hỏi bà: “Bà sẽ làm gì nếu nhà nước cấp cho bà năm chục triệu đồng?” Câu trả lời của bà là: “Tôi sẽ tặng lại cho người nghèo.” Người Công giáo chúng ta có chia sẻ thu nhập của mình cho Giáo hội và cho các tổ chức từ thiện không? Một cuộc thăm dò của viện Gallup đã đưa ra câu trả lời bất ngờ. Trong những năm gần đây, người Công giáo Mỹ đã dành 1,3% thu nhập của mình để giúp giáo xứ và các tổ chức từ thiện. Nhưng những người Tin lành đóng góp 2,4% và người Do Thái là 3,8%. Nhiều người Công giáo tỏ ra hào phóng với những người bồi bàn hơn là với Chúa. Họ cho đến 20% mỗi hóa đơn tính tiền. Người nào đó đã nhắc lại lời khuyên của nhà văn Rousseau: “Khi một người trở về cát bụi, họ chỉ mang theo những gì đã cho đi.” (Cha James Gilhooley).

  1. CHẾT VÌ LẠNH

Tiến sĩ Thomas Lane Butts kể câu chuyện về sáu người chết cóng xung quanh một đống lửa trại trong một đêm lạnh giá. Mỗi người đều có một khúc củi mà họ có thể đặt vào cho đống lửa sưởi ấm. Nhưng vì những định kiến bản thân, mỗi người từ chối bỏ vào những gì họ có. Một người phụ nữ không cho củi vì có một người Mỹ gốc Phi ở trong vòng tròn. Một người đàn ông vô gia cư cũng không cho củi vì có một người giàu ở đó. Người giàu không cho củi bởi vì sự đóng góp của anh ta sẽ sưởi ấm một tên rõ ràng là không có chí tiến thủ và lười biếng. Một người khác nữa sẽ không cho củi vì anh nhận ra một kẻ không cùng đức tin tôn giáo của anh. Còn một người đàn ông Mỹ gốc Phi đã giữ lại khúc củi của mình như một cách để chống lại người da trắng vì tất cả những gì họ đã làm với anh và chủng tộc của anh. Và ngọn lửa đã tắt ngúm khi mỗi người giữ lại phần nhiên liệu của mình, tất cả đều có những lý do chính đáng đối với họ. Câu chuyện này ban đầu được kể trong một bài thơ kết thúc bằng những dòng chữ bi thảm: “Sáu khúc củi được giữ chặt trong bàn tay nhất định không chịu mở ra, là bằng chứng cho thấy tội của con người. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài; họ chết vì giá lạnh bên trong.” (Cha Siegfried S. Johnson)

* Những con người giàu có trong câu chuyện này đều có một tấm lòng lạnh giá, khác với tâm hồn bừng cháy của bà góa trong Tin Mừng.

  1. NGHỊCH LÍ THỜI ĐẠI

Nghịch lý của Thời đại chúng ta là: chúng ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng lại luôn thiếu thốn; chúng ta mua sắm nhiều hơn, nhưng tận hưởng ít hơn. Chúng ta có những ngôi nhà lớn nhưng gia đình nhỏ lại; nhiều tiện ích hơn, nhưng lại ít thời gian hơn; nhiều thuốc men hơn, nhưng sức khỏe kém hơn. Chúng ta đọc quá ít, xem TV quá nhiều và hiếm khi cầu nguyện. Chúng ta tích trữ nhiều của cải, nhưng giá trị con người lại thu giảm. Đây là thời của những con người cao to, nhưng tính cách lại thấp bé; lợi nhuận gia tăng, nhưng các mối quan hệ lại hời hợt. Đây là thời cả hai người đều có thu nhập, nhưng ly hôn nhiều hơn; thời của những ngôi nhà đẹp hơn, nhưng gia đình dễ tan vỡ hơn. Chúng ta đổ xô đi học cách kiếm nhiều tiền, nhưng không học cách để sống; chúng ta tìm mọi cách tăng thêm tuổi thọ, nhưng không tăng thêm sự sống; chúng ta muốn làm sạch không khí nhưng lại để ô nhiễm tâm hồn.

  1. MỞ RỘNG TẦM NHÌN

Hãy mở rộng tầm nhìn để gia tăng khả năng cho đi của mình. John Maxwell cho chúng ta biết rằng trong Thế chiến II, những chiếc dù được may bằng máy khâu và đóng gói bằng tay. Đó là một quá trình nhàm chán vì phải lặp đi lặp lại công việc một cách máy móc. Những người công nhân cúi mình trên những chiếc máy khâu và may 8 tiếng một ngày, tạo ra một tấm vải dài như vô tận, tất cả đều giống nhau và màu sắc buồn thảm. Họ phải gấp gọn, đóng gói và xếp những chiếc dù theo quy cách nhất định. Làm thế nào họ có thể duy trì sự tập trung cần thiết với cách lao động nhàm chán như vậy? Mỗi buổi sáng, họ gặp nhau trong một nhóm đông và được hỏi: “Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu chiếc dù mà tôi đang đóng gói hôm nay, ngày mai được buộc vào lưng con trai tôi, chồng tôi, cha tôi, anh trai tôi?”

 * Với câu hỏi này mỗi công nhân đã làm việc một cách cẩn thận và không ca thán, bởi vì ai đó đã giúp họ kết nối những công việc tầm thường của họ vào bức tranh lớn hơn, với sứ mệnh cứu mạng lớn hơn. Thật vậy, người ta sẽ dễ dàng bỏ mất bức tranh toàn cảnh về sứ mệnh của Giáo hội qua những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Chúng ta cần phải thường xuyên được nhắc nhở để kết nối những gì chúng ta đang làm với tầm nhìn lớn hơn, với sứ mệnh lớn hơn của Giáo hội. Hãy mở rộng tầm nhìn để gia tăng khả năng cho đi của mình.

  1. MỘT CÁCH CHỮA BỆNH HIỆU QUẢ

Tiến sĩ Karl Menninger, nhà tâm thần học nổi tiếng, đã từng thuyết trình về sức khỏe tâm thần và sau đó trả lời các câu hỏi của khán thính giả. Một người đàn ông hỏi: “Ngài sẽ khuyên một bệnh nhân làm gì, nếu người đó cảm thấy suy nhược thần kinh?” Hầu hết mọi người chờ đợi bác sĩ trả lời: “Đi tư vấn ý kiến ​​bác sĩ tâm thần.” Nhưng trước sự ngạc nhiên của họ, ông đã trả lời: “Hãy khóa nhà lại, đi ra ngoài đường đông đúc, tìm ai đó đang thiếu thốn và làm điều gì đó để giúp họ.”

* Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu. (Cha Benitez).

  1. MÓN QUÀ TUYỆT VỜI

Đi dọc một con phố ở Nga trong thời kỳ đói kém, đại văn hào Leo Tolstoy gặp một người ăn xin. Tolstoy lục trong túi áo để tìm thứ gì đó có thể cho người nghèo khó này. Nhưng không còn gì bởi vì trước đó ông đã cho hết tiền của mình. Với lòng thương cảm, ông đưa tay ra, kéo người ăn xin vào lòng, ôm lấy anh rồi hôn lên đôi má hoắm sâu của anh và nói: “Bạn ơi, bạn đừng giận tôi, tôi không có gì để cho bạn đâu.” Mặt người ăn xin sáng lên; nước mắt trào ra, anh nói: “Nhưng anh đã ôm tôi và hôn tôi. Anh đã gọi tôi là người anh em- anh đã cho tôi chính bản thân anh- đó là một món quà tuyệt vời, lớn hơn tất cả”. (Cha Benitez)

            Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm