Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 5 Thường Niên, Năm B

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 5 Thường Niên, Năm B 

1. HÃY NGỪNG TRÁCH CỨ NGƯỜI KHÁC

Có một giai thoại xưa và vui vui như thế này: Một người đàn ông lớn tuổi khá ốm yếu nói với vợ: “Em biết không, Sarah, em luôn ở bên anh – cả khi vui và lúc buồn. Giống như lần anh mất việc – em cũng ở ngay bên cạnh anh. Và khi chiến tranh xảy ra, anh phải nhập ngũ – em đã trở thành y tá để có thể ở bên anh. Sau đó, anh bị thương và em cũng ở đó, Sarah, ngay bên cạnh anh. Rồi cuộc suy thoái ập đến, và chúng ta không có gì cả – nhưng em vẫn ở với anh. Và bây giờ anh đang ở đây, ốm yếu như một con chó già, và cũng như mọi khi, em vẫn đang ở bên cạnh anh. Em biết không, Sarah – em thật là một đứa xúi quẩy! Em luôn mang đến cho anh những điều xui xẻo!” Chúng ta có thể bị cám dỗ tìm kiếm ai đó để đổ lỗi cho tất cả những điều trục trặc xảy ra trong cuộc sống. Rất thường, chúng ta đổ lỗi cho chính những người giúp đỡ chúng ta.

* Không trách cứ ai như ông Gióp, Chúa Giêsu đã dành hết thời giờ để xoa dịu các nỗi đau khổ của mọi người dân bằng giảng dạy và chữa lành, hơn là cân nhắc các giải pháp phổ quát cho vấn nạn đau khổ.

2. KINH NGHIỆM ĐƯỢC ƠN CHỮA LÀNH

 Có lẽ chúng ta đều có nghe nói hoặc đã đến Lộ Đức, một trung tâm hành hương Đức Mẹ ở miền nam nước Pháp được xây dựng tại nơi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với một cô gái trẻ, thánh Bernadette Soubirous, vào năm 1858. Những người hành hương ngày nay tiếp tục đổ về đây với hy vọng được chữa khỏi các căn bệnh. Qua nhiều thập kỷ, hàng ngàn người đã bỏ lại nạng và xe lăn làm nhân chứng thầm lặng cho quyền năng chữa lành của Chúa đã giúp họ được khỏe lại. Tuy nhiên, điều này không có gì là mới. Các địa điểm có phép lạ hiện ra và chữa lành kỳ diệu từ Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha), Guadalupe (Mexico) và Medjugorje (Nam Tư), cho đến các điểm hành hương trên đất nước chúng ta, đã thu hút khách hành hương từ nhiều quốc gia qua các thời đại. Những người có lòng sùng kính này đã tìm đến những đền thánh, những hang đá và ngọn núi linh thiêng với hy vọng tìm được ơn chữa lành và sức mạnh.

* Chữa lành là một yếu tố thiết yếu của sứ điệp Tin Mừng. Chắc chắn rằng Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn thực hiện việc chữa lành qua những phương thế khác nhau để thể hiện quyền năng cứu thế và đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

3. CÁI CHẾT ĐEN

Cái chết đen (Black Death), trận dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người, đã tàn phá châu Âu từ năm 1347-1351. Người ta cho rằng có tới 25 triệu người (một phần ba dân số châu Âu vào thời điểm đó) đã thiệt mạng trong thời gian ngắn này. Hàng nghìn người chết mỗi tuần. Bệnh dịch này đã giết chết toàn bộ gia đình cùng một lúc và phá hủy ít nhất 1.000 ngôi làng. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, cả gia đình sẽ chết. Cha mẹ bỏ rơi con cái của họ, và những đứa trẻ không cha mẹ lang thang trên khắp các đường phố để tìm kiếm thức ăn. Boccaccio đã nói điều đó hay nhất: “…cha mẹ bỏ rơi con mình, anh bỏ rơi em, chú bác bỏ rơi các cháu, chị bỏ rơi em trai, vợ bỏ chồng…” Nếu người ta chưa chết, họ bỏ chạy để cố gắng tự cứu mình trong vô vọng. Nạn nhân mê sảng vì đau đớn và thường mất tỉnh táo. Cuộc sống hoàn toàn hỗn loạn. Cái chết đen đánh vào người châu Âu mà không có dấu hiệu báo trước. Không có gì lạ khi mọi người chạy đến với Chúa để tìm câu trả lời chứ không đến bác sĩ. Họ không biết cái chết đột ngột tàn nhẫn này bắt nguồn từ đâu. Biết đâu dịch bệnh hiện nay đã tái hiện thảm trạng này.

* Tại sao con người phải đau khổ, mắc bệnh và phải chết là những vấn nạn muôn thuở cho con người mọi thời đại. Bài đọc thứ nhất kể câu chuyện ông Gióp đi tìm câu trả lời trong vô vọng; còn Tin Mừng cho thấy chữa bệnh là một trong những sứ vụ chính của Chúa Giêsu.

4. TÌNH THƯƠNG CHỮA LÀNH

Cách đây vài năm, ở Thụy Điển, một nữ y tá làm việc trong bệnh viện chính phủ được giao cho một bệnh nhân phụ nữ lớn tuổi. Bệnh nhân này là một trường hợp khó khăn. Bà ta không nói một lời nào trong ba năm. Các y tá khác không thích bà và cố gắng tránh xa bà hết mức có thể. Đúng ra họ chủ ý phớt lờ bà. Nhưng một cô y tá mới quyết định thử đối xử bằng “tình yêu vô điều kiện”. Bệnh nhân phụ nữ lớn tuổi đó bỗng thay đổi, bà đung đưa cả ngày trên ghế đu. Một ngày nọ, cô y tá kéo một chiếc đến bên cạnh người phụ nữ và vừa đưa theo bà vừa nói chuyện thân mật. Thỉnh thoảng, y tá lại đưa tay chạm nhẹ và vỗ về bàn tay người phụ nữ lớn tuổi. Chỉ sau một vài ngày kể từ đó, bệnh nhân đột nhiên mở mắt và quay lại và nói với y tá: “Cô thật tốt bụng.” Ngày hôm sau nữa, bà ấy nói chuyện nhiều hơn và hai tuần sau, người phụ nữ đã đủ khỏe để xuất viện và về nhà! Tất nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng xảy ra như vậy, nhưng các nghiên cứu có được cho thấy tình yêu có khả năng chữa lành.

* Tin Mừng hôm nay mô tả cách Chúa Giêsu thể hiện tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa qua sứ vụ giảng dạy và chữa lành.

5. BẠN MUỐN GÌ CHO GIÁNG SINH?

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã sắp xếp các ưu tiên của mình theo thứ tự bằng cách bắt đầu mỗi ngày trong lời cầu nguyện. Gorman Williams đã dành phần lớn cuộc đời của mình hoạt động như một nhà truyền giáo ở Ấn Độ. Năm 1945, ông mua vé cho một kỳ nghỉ đã được mong đợi từ lâu trở về Mỹ. Nhưng vài ngày trước khi lên đường, ông nghe nói về một số người Do Thái đã thoát khỏi cuộc tàn sát của Đức Quốc xã. Họ đã đi bằng thuyền đến Ấn Độ để tìm nơi ẩn náu. Vì đó là thời điểm chiến tranh toàn cầu, chính phủ Ấn Độ đã từ chối yêu cầu nhập cư của họ. Họ được cấp phép ở lại một thời gian ngắn trong gác xép của các tòa nhà gần bến tàu. Điều kiện sống của họ rất tồi tệ. Nhưng vẫn còn tốt hơn là bị đưa vào trại tập trung ở Đức. Đó là đêm Giáng sinh khi Gorman Williams nghe biết về hoàn cảnh của những người Do Thái này. Ngay lập tức ông đi đến bến tàu, bước vào tòa nhà đầu tiên và nói to: “Chúc mừng Giáng sinh! Bạn muốn gì cho Giáng sinh?” Câu trả  lời rất chậm: “Chúng tôi là người Do Thái”, ai đó nói. Williams đáp: “Tôi biết, nhưng bạn muốn gì cho lễ Giáng sinh?” Những người Do Thái mệt mỏi, lo sợ cho cuộc sống của họ, trả lời: “Chúng tôi muốn một số bánh ngọt của Đức.” Ngay sau đó, Gorman Williams đã bỏ lại kế hoạch trở về Mỹ và mua nhiều bánh ngọt Đức hơn bất kỳ ai từng thấy. Ông mang nó trong những chiếc giỏ lớn. Sau đó, ông kể câu chuyện này cho một nhóm sinh viên. Một chàng trẻ tuổi có tính hay phê phán đã trách ông. Anh ta nói: “Ông không nên làm điều đó, họ có phải là Kitô hữu đâu, họ là Do Thái giáo!” Nhà truyền giáo lặng lẽ trả lời: “Đúng rồi, họ không phải là Kitô hữu; nhưng tôi là một Kitô hữu!”

* Gorman Williams đã đặt bổn phận ưu tiên của mình là Kitô hữu.

6. TỔ CHỨC TỐT NHƯNG HIỆU QUẢ KÉM

Một người lính Đức bị thương. Anh được nghỉ phép hai tuần và được lệnh đưa đến bệnh viện quân y ở quê nhà để điều trị. Khi đến tòa nhà to lớn và bề thế, anh nhìn thấy hai cánh cửa, một cánh có ghi “Dành cho người bị thương nhẹ” và cánh cửa còn lại là “Dành cho người bị thương nặng”. Anh bước vào qua cánh cửa đầu tiên và thấy mình đang đi xuống một hành lang dài. Ở cuối hành lang là hai cánh cửa nữa, một cánh cửa được đánh dấu “Dành cho sĩ quan bị thương” và cánh cửa còn lại “Dành cho những người nhập ngũ bị thương”. Anh ta bước vào hành lang sau và thấy mình đang đi xuống một hành lang dài khác. Cuối cánh cửa là hai cánh cửa nữa, một cánh cửa được đánh dấu là “Dành cho đảng viên” và cánh cửa còn lại là “Dành cho những người không phải là đảng viên”. Anh ta bước vào cánh cửa thứ hai, và khi anh ta mở ra, anh ta thấy mình đang ở ngoài đường. Khi người lính trở về nhà sau khi được băng bó vết thương ở một bệnh viện tư, mẹ anh đã hỏi anh: “Ở bệnh viện, con được chữa trị như thế nào?” Anh ta trả lời: “Chà, thưa mẹ, nói thật, những người ở đó không làm gì cho tôi cả! Nhưng mẹ thấy tổ chức của họ quá to lớn đồ sộ!”

* Nhận xét của người lính có thể nói đến tình trạng Giáo hội của chúng ta: được tổ chức tốt nhưng thành tựu rất ít. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu và các môn đệ dường như không có tổ chức gì cả, nhưng đã hoạt động vô cùng hiệu quả.

7. ĐỪNG QUÊN MỤC TIÊU CHÍNH

Charles R. Swindoll, trong cuốn sách Dropping Your Guard, kể về Chuyến bay 401 khởi hành từ thành phố New York đến Miami với rất nhiều hành khách trong kỳ nghỉ. Khi chiếc máy bay khổng lồ đến gần sân bay Miami để hạ cánh, đèn báo cho biết việc triển khai thiết bị hạ cánh an toàn không bật sáng. Máy bay bay theo một vòng tròn mở rộng, lượn vòng qua các đầm lầy ở Everglades trong khi phi hành đoàn ở buồng lái kiểm tra lỗi ánh sáng. Câu hỏi của họ là: bộ phận điều khiển hạ cánh không được triển khai hay chỉ là bóng đèn bị lỗi? Để bắt đầu, kỹ sư thử bóng đèn. Anh ấy đã cố gắng gỡ bỏ, nhưng nó không nhúc nhích. Một thành viên khác của phi hành đoàn đến tiếp và cố gắng giúp đỡ… rồi sau đó một người khác nữa lại đến. Bạn có tin được điều đó không? Mọi con mắt đều đổ dồn vào chiếc bóng đèn nhỏ mà không ai để ý rằng máy bay đang giảm độ cao. Trong khi các phi công dày dạn kinh nghiệm lúi húi vào một cái bóng đèn 75 xu, thì toàn bộ máy bay mất thăng bằng và chúi xuống đất. Cuối cùng, nó rơi ngay xuống một đầm lầy. Nhiều người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc đó.  Phi hành đoàn đã quên mất điều cơ bản nhất của tất cả các quy tắc về máy bay: “Đừng quên lái máy bay!”

* Điều tương tự cũng có thể xảy ra với Giáo hội hôm nay. Giáo hội có thể có rất nhiều hoạt động, chương trình, dự án, nhiều cuộc họp, nhiều ủy ban…đến nỗi có thể quên mất mục tiêu chính của mình.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

print