GPCT Học Hỏi 5 Phút Mỗi Chúa Nhật: Giáo Huấn số 5-20

print

Giáo Phận Cần Thơ

Hội Đồng Mục Vụ

— o O o —

 

HỌC HỎI 5 PHÚT MỖI CHÚA NHẬT

 (Xướng viên đọc sau Rao lịch CG)

TẬP II

HỌC HỎI PHỤNG VỤ THEO TINH THẦN

Tông Thư Desiderio Desideravi

của ĐTC Phanxicô

về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa.

 

Giáo Huấn số 5-20

NỘI DUNG

HỌC HỎI 5 PHÚT MỖI CHÚA NHẬT

TẬP I. “Học hỏi Thư chung HĐGMVN 2022.

* Giáo huấn số 1 : “Nội dung chính của Thư Chung 2022”.

* Giáo huấn số 2 : “Chủ đề Mục vụ năm 2022-2025”.

* Giáo huấn số 3 : “Chủ đề Mục vụ năm 2023: Củng cố sự hiệp thông”.

* Giáo huấn số 4 : “Không ngừng hoán cải”.

TẬP II. “Học Hỏi Phụng vụ” theo Tông thư Desiderio Desideravi” (ĐTC Phanxicô).

* Giáo huấn số 5 : “Đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa”.

* Giáo huấn số 6 : “Phụng vụ là gì ?”

* Giáo huấn số 7 : “Mục đích của Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 8 : “Ba yếu tố làm nên Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 9 : “Ai cử hành Phụng vụ ?”

* Giáo huấn số 10 : “Chúa Ki-tô hiện diện  trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 11 : “Tham dự  Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức, tích cực và hiệu quả”.

* Giáo huấn số 12  : “Dấu chỉ và biểu tượng trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 13 :

“Cử chỉ trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 14 :

“Thinh lặng trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 15 :

“Màu sắc Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 16 :

“Thừa tác vụ trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 17 :

“Thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ”.

* Giáo huấn số 18 :

“Thánh nhạc trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 19 :

“Ảnh tượng trong Phụng vụ”.

* Giáo huấn số 20 :

“Năm Phụng vụ”.

TẬP III. Học hỏi “Kinh nguyện Ki-tô Giáo” (Phần IV, Sách Giáo Lý Của HTCG).

* Giáo huấn số 21 :

“Cầu nguyện là gì ?”.

* …………………………..

 

GIÁO HUẤN SỐ 5

ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN CHÚA

H.Tại sao Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ban hành tông thư “về việc đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa” ?

T. Sau gần 60 năm Hiến Chế Phụng Vụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II được công bố, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi cho cộng đoàn Dân Chúa Tông Thư “Tôi đã mong muốn bằng một mong muốn lớn lao”, nhằm kêu gọi Dân Chúa : tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ, cảnh giác trước những nguy cơ tục hoá và chủ quan khi cử hành phụng vụ, và mong muốn cho Dân Chúa được đào tạo cách nghiêm túc, về thần học phụng vụ và nghệ thuật cử hành phụng vụ.

Giải thích

Hôm 29/6/2022, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã công bố tông thư : “Tôi đã mong muốn bằng một mong muốn lớn lao”, nhằm trình bày những suy tư về cử hành phụng vụ thánh. Ngài kêu gọi các tín hữu tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ, và đặc biệt cần lưu ý đến việc đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa.

Đáp lại ưu tư của Đức Thánh Cha, Đức Giám Mục Giáo phận, trong thư mục vụ năm 2022, mời gọi cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Cần Thơ chúng ta dành 15 Chúa Nhật, để khám phái lại những điểm cơ bản của phụng vụ, qua 5 phút học hỏi mỗi Chúa nhật : giúp cho mỗi người hiểu được sứ vụ của Hội Thánh qua việc cử hành phụng vụ, cũng như hiểu được hiệu quả thiêng liêng mà mỗi tín hữu lãnh nhận được, khi tham gia cách trọn vẹn và tích cực các buổi cử hành phụng vụ.

 

GIÁO HUẤN SỐ 6

PHỤNG VỤ LÀ GÌ ?

H. Phụng vụ là gì ?

T. Phụng vụ là việc Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô, để “ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người”.

Giải thích

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta là thành viên của Hội Thánh, là tư tế của Thiên Chúa. Hằng ngày, Hội Thánh cử hành phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, là cùng nhau đọc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Như vậy, trong phụng vụ, điều chính yếu là Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Đây chính là việc tôn vinh Thiên Chúa cách tốt đẹp nhất của Hội Thánh. Qua việc tôn vinh và chúc tụng của Hội Thánh, ơn cứu độ sẽ được ban cho toàn thế giới.

Lời cầu nguyện trong Kinh Tiền Tụng chung IV đã nói rõ điều đó : “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 7

MỤC ĐÍCH CỦA PHỤNG VỤ

H. Hội Thánh cử hành phụng vụ với mục đích gì ?

T. Để tiếp nối sứ vụ của Chúa Ki-tô, Hội Thánh cử hành phụng vụ với mục đích để tôn vinh Thiên Chúa, và thánh hoá con người.

Giải thích

Hội Thánh cử hành phụng vụ với hai mục đích :

Mục đích thứ nhất : Tôn vinh Thiên Chúa là hành động của con người đã được cứu độ, được chữa lành và được tha thứ. Hành động này được biểu lộ qua các thái độ như : Một, công bố và lắng nghe Lời Chúa trong phụng vụ. Đây là lời ca tụng và tạ ơn những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong công trình sáng tạo và cứu chuộc. Vì Lời Chúa giúp con người ca tụng Thiên Chúa cách xứng hợp. Hai, tuyên xưng đức tin tông truyền vào một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Ba, tưởng niệm mầu nhiệm Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho đến khi Chúa đến. 

Mục đích thứ hai : Thánh hoá con người qua các thái độ sau đây: Một, nhìn nhận thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa và quyết lòng ăn năn thống hối, chừa cải tội lỗi. Đây là cử chỉ đi trước để chuẩn bị cho các cử hành thánh sắp diễn ra. Hai, cầu xin Thiên Chúa trợ giúp cho những nhu cầu tâm linh và vật chất, trong đời sống con người. Ba, hướng về ngày Chúa đến trong vinh quang, là cùng đích của đời sống con người và thế giới.

 

GIÁO HUẤN SỐ 8

BA YẾU TỐ LÀM NÊN PHỤNG VỤ

 

H. Yếu tố nào giúp nhận ra phụng vụ chính thức của Hội Thánh ?

T. Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh phải hội đủ ba yếu tố sau : một là Sách Nghi Thức phụng vụ của Hội Thánh; hai là thừa tác viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành; ba là cử hành đúng nghi thức và nhân danh toàn thể Hội Thánh.

Giải thích

* Sách phụng vụ là các Sách Nghi thức được chính Hội Thánh ấn định, như Sách lễ Rô-ma, Sách các Bài đọc trong Thánh lễ, Sách Nghi thức các Bí tích và Phép lành, Sách Phụng vụ các Giờ kinh…

* Thừa tác viên hợp pháp là những người được Hội Thánh ban quyền chủ sự và cử hành, đúng nghi thức của Hội Thánh đã ấn định, như giám mục, linh mục, phó tế và thừa tác viên ngoại lệ khác.

* Thừa tác viên hợp pháp phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh, vì phụng vụ không bao giờ có tính cá nhân, cho dù thừa tác viên cử hành một mình.

 

GIÁO HUẤN SỐ 9

AI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ ?

H. Ai cử hành phụng vụ ?

T. Chính “Đức Ki-tô toàn thể” cử hành phụng vụ: Đầu là Đức Ki-tô, Thân Thể là Hội Thánh.

Giải thích

Toàn thể cộng đoàn Hội Thánh, nghĩa là Thân Thể kết hợp với Đầu là Chúa Ki-tô để cùng cử hành phụng vụ. Cho nên, hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động cá nhân, nhưng là những cử hành của mọi tín hữu đã chịu phép Rửa tội. Họ thuộc về Dân Thánh được quy tụ và tổ chức dưới quyền của Giám mục Giáo phận. Tuy nhiên, trong cử hành, tuỳ theo mỗi phận vụ theo phẩm trật bí tích, mọi người phải tham dự cách ý thức, tích cực và mang lại hiệu quả là ơn cứu độ.  

Do đó, khi cử hành phụng vụ, Hội Thánh luôn “Nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 10

CHÚA KI-TÔ HIỆN DIỆN  TRONG PHỤNG VỤ

 

H. Chúa Ki-tô hiện diện trong phụng vụ thế nào ?

T. Chúa Ki-tô hiện diện khi Hội Thánh cử hành phụng vụ qua những hình thức sau đây :

  1. Chúa hiện diện trong thừa tác viên có chức thánh, như mệnh lệnh của Người: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”;
  2. Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể qua hình thức Bánh và Rượu: “Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy”;
  3. Chúa hiện diện trong Lời Chúa khi cộng đoàn đọc Thánh Kinh. Do đó, các bài đọc đều được kết thúc bằng câu “Đó là Lời Chúa”.
  4. Chúa hiện diện trong các Bí tích. Khi thừa tác viên tha tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, là chính Người tha thứ : “Vậy cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
  5. Chúa hiện diện trong cộng đoàn hiệp nhất, khi cộng đoàn cùng nhau thưa kinh và ca hát chung với nhau, như Chúa đã hứa : “Ở đâu có hai, ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa họ”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 11

THAM DỰ  PHỤNG VỤ CÁCH TRỌN VẸN, Ý THỨC, TÍCH CỰC VÀ HIỆU QUẢ

H. Các tín hữu cần tham dự phụng vụ thế nào ?

T. Các tín hữu cần tham dự phụng vụ cách “trọn vẹn, ý thức, tích cực và mang lại hiệu quả”.

Giải thích

Mỗi buổi cử hành luôn bắt đầu và kết thúc với nghi thức phụng vụ. Do đó, chúng ta cần phải sắp xếp thời gian đến tham dự trọn vẹn buổi cử hành phụng vụ.

Hơn nữa, khi ý thức về hiệu quả của việc ca tụng tôn vinh danh Chúa trong phụng vụ : là đem lại ơn cứu độ cho chúng ta và thế giới, chúng ta phải cố gắng sao cho xứng đáng từ bên ngoài đến bên trong. 

Cụ thể, chúng ta cần đi đến nhà thờ sớm hơn giờ quy định để chuẩn bị tâm hồn, xét mình xưng tội nếu cần, cùng với cộng đoàn đọc kinh trước giờ lễ nhằm giục lòng Tin – Cậy – Mến nhiều hơn, cùng ôn hát cộng đoàn để tham gia tích cực trong buổi cử hành. Nếu được phân công giúp lễ hay đọc Sách Thánh, chúng ta cần phải chuẩn bị bài đọc và tâm hồn cách xứng hợp. Ngoài ra, chúng ta cũng tích cực cộng tác vào các phận vụ khác như: quét dọn, trang trí nhà thờ chuẩn bị nơi cử hành, cùng đối đáp trong phụng vụ… Tất cả đều nói lên sự tích cực và xứng đáng nhận được ơn cứu độ, ơn bình an của Thiên Chúa. 

 

GIÁO HUẤN SỐ 12

DẤU CHỈ VÀ BIỂU TƯỢNG

TRONG PHỤNG VỤ

H. Dấu chỉ và biểu tượng trong phụng vụ được hiểu thế nào ?

T. Các cử hành phụng vụ được cấu thành bởi các dấu chỉ và biểu tượng, vì Thiên Chúa muốn dùng dấu chỉ bên ngoài, để ban ơn thánh bên trong cho chúng ta.

Giải thích

Theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa, ý nghĩa của dấu chỉ và biểu tượng bắt nguồn từ trong công trình sáng tạo và trong nền văn hoá nhân loại, được Thánh Kinh xác định trong các biến cố của Cựu ước, và được thể hiện cách trọn vẹn trong con người và hoạt động của Chúa Ki-tô.

Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng : mọi dấu chỉ và biểu tượng của phụng vụ đều hàm chứa ba chiều kích này : Thứ nhất, trong các bí tích, những dấu chỉ nền tảng là nước, bánh và rượu, dầu, là “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người”.

Thứ hai, dấu chỉ bí tích không chỉ đơn thuần là dấu chỉ tự nhiên mà là “dấu chỉ của Giao ước. Từ các dấu chỉ tự nhiên, biểu tượng của cuộc sống, Thiên Chúa ban cho Dân Người những “dấu chỉ của Giao ước” như cắt bì, hy lễ, Lễ Vượt Qua…theo dòng lịch sử của Dân Chúa.

Thứ ba, Đức Ki-tô dùng cả những “dấu chỉ tự nhiên”, thí dụ : khi xức dầu chữa bệnh, và những dấu chỉ từ Cựu ước, thí dụ : Bữa Ăn Vượt Qua, và cả hai mang một ý nghĩa mới : chúng trở thành những dấu chỉ của Người, chính Người nói và hành động trong những dấu chỉ ấy.

Trong phụng vụ của Hội Thánh, ba chiều kích này luôn hiện diện. Nếu người tham dự muốn hiểu biết về phụng vụ, thì cần phải ý thức về ba chiều kích này, cũng như hiểu về những dấu chỉ phụng vụ được trình bày trong giáo lý và cử hành phụng vụ như thế nào. Tuy nhiên, một phương pháp sư phạm tốt nhất để hiểu các dấu chỉ là thực hành phụng vụ và từ trong thực hành, người tham dự có thể rút ra bài học cho mình. Thí dụ, Đêm Vọng Phục Sinh, khi ngọn nến phục sinh được thắp lên trong bóng tối đang bao trùm nhà thờ, mọi người cùng bước đi trong đêm tối, chính kinh nghiệm ấy dẫn tín hữu đến với Đức Ki-tô, nguồn Ánh Sáng.

 

 

 

GIÁO HUẤN SỐ 13

CỬ CHỈ TRONG PHỤNG VỤ

H. Các cử chỉ trong phụng vụ có ý nghĩa gì ?

T. Đứng, ngồi, quỳ, cúi đầu, dang tay và ghi dấu Thánh giá là những cử chỉ phụng vụ. Đó là dấu chỉ sự hiệp nhất cộng đoàn, và biểu lộ tình cảm tâm hồn của người tham dự.

Giải thích

Một người cử hành phụng vụ cách tích cực được biểu lộ ra bên ngoài, được diễn tả qua các cử chỉ của thân xác như đứng, ngồi, quỳ, phủ phục, ghi dấu thánh giá, dang tay cầu nguyện.

Đứng là trạng thái tôn trọng : đứng khi chủ sự bắt đầu buổi cử hành, đứng khi nghe công bố Tin Mừng. Đứng cũng là trạng thái biểu trưng của sự phục sinh: được giải thoát khỏi tội lỗi, không còn là nô lệ, con người tự do có thể đứng trước mặt Thiên Chúa với niềm tin tưởng. Đứng còn mang ý nghĩa cánh chung : trạng thái của người chờ đợi và đứng “thẳng, ngẩng đầu lên vì sắp được cứu chuộc.

Ngồi là trạng thái của người lắng nghe. Trong thánh lễ, ngồi để nghe Lời Chúa. Ngoài ra, ngồi trong khi nguyện gẫm hoặc chiêm ngắm trong thinh lặng…

Cúi đầu, cúi mình hay phủ phục bày tỏ tâm tình thờ lạy và tôn kính, chẳng hạn khi linh mục giơ cao Mình Thánh Chúa hoặc đến trước Thánh Thể, khi đọc tên cực trọng của Chúa Giê-su.

Quỳ gối là cử chỉ của sám hối và khiêm tốn. Thái độ này thích hợp khi nhận lãnh bí tích Giải tội, hoặc trong thời gian cầu nguyện cá nhân. Trạng thái quỳ cũng được thực hành khi tôn thờ Bí tích Thánh Thể. 

Ghi dấu Thánh Giá lên người là dấu chỉ của việc thuộc trọn về Chúa Ki-tô, tin vào cái chết và sự phục sinh của Người. Vẽ dấu thánh giá cũng là cử chỉ ban phép lành, và khai mở mọi cử hành phụng vụ “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vừa gợi nhớ lại mầu nhiệm Cứu Chuộc nhờ bởi cây thập giá của Chúa Ki-tô, và cũng vừa tuyên xưng vào một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Dang tay khi cầu nguyện với ý muốn dâng lên Thiên Chúa Cha trong sự liên kết với Chúa Ki-tô trên thập giá. Ngoài ra, giơ tay cầu nguyện còn là lời chúc tụng và ngợi khen với tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc trong lòng.

 

GIÁO HUẤN SỐ 14

THINH LẶNG TRONG PHỤNG VỤ

H. Thinh lặng có phải là thành phần của phụng vụ ?

T. Phải, thinh lặng thánh là thành phần của việc cử hành phụng vụ. Vì thế, thinh lặng cần phải được giữ vào đúng lúc trong lễ nghi phụng vụ.

Giải thích

Khi tham gia cử hành phụng vụ, mọi tín hữu được mời gọi tham gia cách trọn vẹn, ý thức, tích cực, mang lại ơn tha thứ và bình an. Do đó, việc thưa kinh và ca hát chung với nhau, cũng như cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, và dâng lên Thiên Chúa các lời cầu khẩn, cho mọi nhu cầu của Hội Thánh và con người, qua các lời cầu nguyện được chuẩn bị trong sách phụng vụ. Tuy nhiên, không vì thế mà phụng vụ thiếu đi sự thinh lặng, vì thinh lặng là thành phần của phụng vụ, và được chỉ định trong nghi thức phụng vụ. Do đó, thinh lặng trong khi cử hành phụng vụ cũng giống mọi hình thức cầu nguyện bằng lời.

Thinh lặng không phải là thái độ thụ động, trái lại, thinh lặng đúng thời điểm linh thánh giúp mỗi người có thể cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa. Do đó, cần chăm chú và thực hành thinh lặng, vào đúng những thời điểm cần phải giữ.

Tính chất của sự thinh lặng tuỳ thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Cụ thể như sau: trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện mở đầu Thánh lễ, thinh lặng giây lát để mọi người hồi tâm, hiệp lòng hiệp ý với chủ tế, dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện cho nhu cầu của Hội Thánh và cá nhân. Sau các bài đọc hoặc bài giảng, thinh lặng giây lát để mọi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe. Thinh lặng sau khi Rước lễ để mỗi người ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng.

Ngoài ra, cũng cần giữ thinh lặng ngay trước khi cử hành Thánh lễ, để chuẩn bị cử hành mầu nhiệm đức tin. Vì vậy, mỗi người nên đến nhà thờ sớm hơn, thinh lặng trước Nhà Tạm mà dọn lòng xứng đáng, để bước vào cử hành các mầu nhiệm cách sốt sắng.

 

GIÁO HUẤN SỐ 15

MÀU SẮC PHỤNG VỤ

H. Màu phẩm phục trong phụng vụ có ý nghĩa gì ?

T. Các màu sắc khác nhau trong phẩm phục của linh mục khi thì biểu lộ đặc tính của mầu nhiệm được cử hành, khi thì biểu lộ ý nghĩa đời sống Ki-tô giáo đang diễn ra trong Năm Phụng vụ.

Giải thích

Màu sắc của áo lễ dùng trong phụng vụ do Đức Giáo hoàng In-nô-xen-tê III quy định trong Giáo Hội Công Giáo Rô-ma năm 1216. Ý nghĩa các màu như sau : 

Màu trắng tượng trưng cho ánh sáng, trong trắng, tinh tuyền, thánh thiện và vui tươi. Được dùng trong các lễ trong mùa Phục sinh và Giáng sinh; cũng dùng trong các lễ kính, lễ nhớ về Chúa; trong các lễ kính, lễ nhớ Ðức Trinh nữ Maria, các Thiên thần, các Thánh nam nữ không tử đạo.

Màu đỏ tượng trưng cho máu và lửa Thánh Thần. Được dùng trong lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, trong lễ Chúa Thánh Thần và trong lễ các thánh Tử đạo.

Màu xanh biểu tượng của thiên nhiên, của công trình tạo dựng. Được dùng trong mùa Thường niên.

Màu tím tượng trưng cho sự sám hối, ăn năn và chờ đợi. Được dùng trong mùa Vọng, mùa Chay và cũng dùng trong các lễ cầu cho người tín hữu qua đời.

Màu hồng, màu pha trộn của màu trắng (niềm vui) và màu tím (sám hối). Cho nên, màu hồng chỉ được mặc hai lần một năm, vào Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng loan báo niềm vui lễ Giáng Sinh (Gaudete)  và Chúa nhật thứ tư Mùa Chay (Laetare) vui mừng, hân hoan vì sắp được cứu độ.

 

GIÁO HUẤN SỐ 16

THỪA TÁC VỤ TRONG PHỤNG VỤ

H. Phận vụ của mỗi Ki-tô hữu được sắp xếp thế nào khi cử hành phụng vụ ?

T. Cử hành phụng vụ là hành động của Chúa Ki-tô và Hội Thánh, tuỳ theo sự khác biệt của chức bậc, phận vụ của mỗi người tham dự cũng khác nhau.

Giải thích

Mỗi cử hành phụng vụ hợp pháp đều do Đức Giám mục giáo phận chủ sự trực tiếp hoặc qua các linh mục và phó tế, là những trợ tá của Giám mục, tuỳ theo phận vụ được chỉ định qua Bí tích Truyền chức thánh.

Người Ki-tô hữu giáo dân cũng tham gia và thi hành phận vụ của mình cách tích cực trong buổi cử hành phụng vụ. Cách cụ thể là mọi người hiệp nhất với nhau khi nghe Lời Chúa, khi cầu nguyện và ca hát chung, đặc biệt là khi cùng nhau dâng hy lễ và tham dự Bàn Tiệc của Chúa. Vì các tín hữu phải tham gia cách tích cực trong buổi phụng vụ, do đó, không nên từ chối khi được yêu cầu thi hành phận vụ riêng biệt nào trong việc cử hành, mà phải phục vụ dân Chúa cách vui tươi và quảng đại.

Các phận vụ trong buổi cử hành bao gồm : việc đọc Sách Thánh, giúp lễ, tham gia ca đoàn, dẫn lễ, xin tiền kết. Ngoài ra, mọi người cũng được mời gọi tham gia vào các công việc như phụ giúp phòng thánh, chăm sóc các đồ vật thánh, quét dọn nhà thờ, chưng bông hoa, sắp xếp trật tự, giữ xe… nhằm chuẩn bị và giúp cho buổi cử hành được diễn ra tốt đẹp.

 

GIÁO HUẤN SỐ 17

THỪA TÁC VỤ ĐỌC SÁCH VÀ GIÚP LỄ

H. Người Đọc sách và Giúp lễ trong Thánh lễ phải thi hành như thế nào ?

T. Thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ giữ vị trí đặc biệt trong Thánh lễ. Vì thừa tác viên đảm nhận các tác vụ này sẽ đại diện cho Thiên Chúa và Dân Thánh, công bố Lời Chúa và chuẩn bị lễ vật của cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa.

Giải thích

Phụng vụ Thánh lễ gồm hai phần chính : phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Phần phụng vụ Lời Chúa, như bàn tiệc Lời Chúa, được dọn ra cho cộng đoàn. Các bài đọc của ngày Chúa nhật và lễ trọng được trích từ các sách Cựu Ước, Thánh vịnh đáp ca, các Sách và Thư của các tông đồ trong Tân Ước. Các bài đọc được sắp xếp cho thấy sự thống nhất của hai Giao ước (Cựu ước và Tân ước) và lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại. Do đó, sau mỗi bài đọc, người đọc xướng “Đó là Lời Chúa” và cộng đoàn đáp “tạ ơn Chúa”, là một sự tôn vinh Lời Chúa mà mình vừa đón nhận bằng đức tin và lòng biết ơn. Trừ bài Tin Mừng, các bài đọc thường là do người tín hữu giáo dân công bố. Được tuyển chọn qua việc phân công của Giáo xứ, người đọc Sách Thánh thực hành chức năng ngôn sứ trong Thánh lễ. Do đó, cần phải chuẩn bị cách xứng hợp khi thực hiện tác vụ đặc biệt này. Tâm hồn trong sạch và bên ngoài chỉnh chu, qua việc chuẩn bị trước bài đọc và y phục phù hợp.

Phần phụng vụ Thánh Thể, hiện tại hoá việc Chúa Giê-su thiết lập Hy lễ và Bữa tiệc Vượt qua, Hội Thánh chuẩn bị và cử hành Thánh Thể theo các phần tương ứng với những lời và những cử chỉ của Chúa Giê-su trong Bữa Tiệc Ly. Theo phận vụ đặc biệt của mình, người giúp lễ, đại diện cộng đoàn chuẩn bị và dâng lên lễ vật tinh tuyền là bánh và rượu, linh mục đón nhận mà dâng lên Thiên Chúa. Tiếp đến, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần và lời truyền phép, bánh rượu này sẽ trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô, nuôi sống Dân Chúa. Khi thi hành tác vụ, người giúp lễ tiếp xúc trực tiếp và phục vụ Bàn Thờ là chính Đức Ki-tô, nên cần chuẩn bị tư thế cũng như tâm thế cách xứng hợp với tác vụ đặc biệt này.

 

GIÁO HUẤN SỐ 18

THÁNH NHẠC TRONG PHỤNG VỤ

H. Thánh nhạc có vai trò nào trong phụng vụ ?

T. Thánh nhạc liên kết chặt chẽ với việc cử hành phụng vụ. Lời ca được rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn phụng vụ; âm nhạc giúp cộng đoàn cầu nguyện và tham gia phụng vụ cách tích cực và sinh động.

Giải thích

Khi cử hành Thánh lễ, các tín hữu cùng nhau hát những bài Thánh Vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng, nhằm biểu lộ niềm vui trong tâm hồn, niềm hy vọng trông chờ Chúa đến và tôn vinh sự hiện diện của Người. Như vậy, ca hát là một trong những cách thế giúp cộng đoàn tín hữu tham gia, cách tích cực và sinh động trong buổi cử hành Phụng vụ.

Ý nghĩa của các bài ca trong Thánh lễ như sau : Bài ca nhập lễ có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp cộng đoàn hiệp nhất, hướng tâm hồn về mầu nhiệm Mùa Phụng Vụ hay ngày lễ, và kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên. Bài ca dâng lễ mang tâm tình vui tươi, khi cộng đoàn cùng với vị chủ tế chuẩn bị lễ vật dâng lên Thiên Chúa và hiệp với lời ca, mọi người dâng lên Chúa của lễ đời mình. Bài ca hiệp lễ diễn tả sự hiệp nhất thiêng liêng của người rước lễ, lời ca biểu lộ niềm vui trong lòng và tính cộng đoàn, khi đoàn người đang lên rước lễ.

Các bài ca truyền thống làm nên thành phần của Thánh lễ như : kinh Thương xót, kinh Vinh danh, câu đáp ca, chữ Al-lê-lu-i-a, kinh Tin kính, kinh Thánh-Thánh- Thánh, kinh lạy Chiên Thiên Chúa, và kinh Lạy Cha, mọi người cùng nhau hát mà tôn vinh Danh Chúa.

Do đó, mọi tín hữu cần phải tham gia cách tích cực, hơn nữa qua việc tham gia vào ca đoàn nếu mình có giọng hát tốt, hay cố gắng tham gia việc ôn hát cộng đoàn trước mỗi Thánh lễ mà Giáo xứ tổ chức, để góp phần làm sinh động buổi cử hành Phụng Vụ Thánh.

GIÁO HUẤN SỐ 19

ẢNH TƯỢNG TRONG PHỤNG VỤ

H. Các ảnh tượng trong phụng vụ có mục đích gì ?

T. Các ảnh tượng thánh được chưng bày trong nhà thờ, hay nhà riêng, có mục đích khơi dậy, và nuôi dưỡng đức tin vào mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô và đời sống các thánh. Hội Thánh tôn kính Chúa Giê-su Ki-tô và các thánh qua ảnh tượng của các ngài.

Giải thích

Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng việc Con Thiên Chúa làm người đã cho con người thấy được Thiên Chúa hữu hình. Cho nên, các ảnh tượng về Đức Giê-su, về Đức Mẹ và các thánh đều biểu thị Thân Thể Đức Ki-tô vinh hiển. Hội Thánh không tôn thờ các ảnh tượng, nhưng khi chiêm ngắm ảnh tượng thánh, cùng với suy niệm Lời Chúa, hát thánh ca và hoà hợp với các dấu chỉ dùng trong cử chỉ phụng vụ, mầu nhiệm Chúa Ki-tô được cử hành sẽ khắc sâu hơn trong tâm khảm của các tín hữu.

Vì vậy, theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh Công Giáo, được phép đặt ảnh tượng Chúa, Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a và các Thánh trong các nhà thờ hay nhà riêng để tín hữu tôn kính. Tuy nhiên, khi sắp xếp các ảnh tượng Chúa và các thánh trong nhà thờ phải phù hợp với nghệ thuật thánh và trang trọng. Mỗi vị thánh chỉ nên có một ảnh hay tượng- để cộng đoàn khỏi chia trí khi tham dự những nghi lễ phụng vụ.

Nếu các ảnh hoặc tượng đã làm phép bị hư hỏng, cần phải hủy bỏ, miễn sao cho giá trị tinh thần và ý nghĩa tôn giáo của các ảnh-tượng ấy không bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể đốt bỏ (nếu bằng giấy) hoặc tán nhỏ và chôn trong vườn hoặc trong các chậu hoa trong nhà. Cần tránh trường hợp các ảnh tượng được làm phép bị coi thường như vứt bỏ vào thùng rác hoặc để vào nơi không xứng hợp.       

 

GIÁO HUẤN SỐ 20

NĂM PHỤNG VỤ

H. Năm Phụng vụ là gì ?

T. Năm Phụng vụ là thời gian Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, để giúp chúng ta sống những mầu nhiệm ấy, hầu chuẩn bị chờ đón Người lại đến trong vinh quang.

Giải thích

Lịch phụng vụ của Hội Thánh triển khai mầu nhiệm Chúa Ki-tô dưới nhiều khía cạnh tuần tự theo cuộc đời tại thế của Người. Trong một năm, chu kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể và Mầu nhiệm Cứu Chuộc được tổ chức thành 5 Mùa : mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, mùa Phục Sinh và mùa Thường Niên.

Từ thời các Tông Đồ, ngày Chúa Nhật là ngày mừng Chúa Phục Sinh, và là ngày trung tâm của cả Năm Phụng vụ, vì trong “ngày của Chúa”, Hội Thánh họp nhau tưởng niệm việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại. 

Cũng trong chu kỳ một năm, khi họp mừng mầu nhiệm Chúa Ki-tô, Hội Thánh cũng mừng kính Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, với lòng yêu mến đặc biệt và kính nhớ các thánh Tông Đồ, các thánh Tử đạo, các thánh Nam Nữ của Thiên Chúa với những bậc lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ.