Hạt Giống Nảy Mầm Lễ Suy Tôn Thánh Giá & Đức Mẹ Sầu Bi

print

Hạt Giống Nảy Mầm Lễ Suy Tôn Thánh Giá & Đức Mẹ Sầu Bi

Ngày 14/9 

SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA.

Ngày 15/9.

BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC MẸ.

 

Ngày 14/9

SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA

Ga 3,13-17

* Lịch Sử

Lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay bắt nguồn từ Giêrusalem.

Ngày 3/9/335 người ta long trọng cung hiến đại thánh đường Anastasis do hoàng đế Constantin ra lệnh cho xây trên mồ của Chúa Giêsu. Ngày 13/9 cũng là ngày kỷ niệm tìm được Thánh Giá thật. Ngày 14/9, một ngày sau, cuộc thánh hiến thánh đường mới để cho dân chúng lần đầu tiên đến tôn thờ, kính viếng.

Sau này, người ta liên kết thánh lễ này với việc hoàng đế Heraclius chiếm lại được thánh giá thật vào năm 628 ; trong một trận chiến, người Ba Tư theo Hồi Giáo đã chiến thắng và lấy đi cây Thánh Giá này. Heraclius phải chiến đấu cật lực để đem Thánh Giá trả về chỗ cũ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng nói đến con rắn đồng thời sa mạc. Con rắn đồng ấy là hình ảnh tiên trưng cho chính Chúa Giêsu là Đấng sẽ được treo lên Thập giá. Ai tin vào Ngài và ngước nhìn lên Ngài thì sẽ được cứu độ.

Ý tưởng chính của Lời Chúa hôm nay là : tội lỗi của con người – lòng nhân từ của Thiên Chúa – Thiên Chúa dùng những phương tiện (mà cao quý nhất là chính Chúa Giêsu) để tha thứ và cứu độ loài người.

B. Nảy mầm.

  1. Chúa Giêsu mời Nicôđêmô và chúng ta nhìn lên Thánh giá. Nhìn lên Thánh giá, chúng ta sẽ thấy gì ? Thấy tội lỗi của chúng ta ; thấy tình thương tha thứ bao la của Thiên Chúa ; và nếu cái nhìn của chúng ta thấm đượm lòng sám hối, tin tưởng và mến yêu thì chúng ta sẽ được ơn cứu độ.
  2. Hình con rắn đồng đã được loài người dùng làm biểu tượng cho ngành Dược. Ngày xưa trong sa mạc, con rắn đồng đã cứu dân Israel khỏi chết thì ngày nay các dược phẩm cũng cứu loài người khỏi nhiều thứ bệnh tật. Nhưng con rắn đồng ngày xưa và những dược phẩm ngày nay cũng chỉ là một chút bóng mờ của chính Chúa Giêsu trên thập giá. Chính Chúa Giêsu trên thập giá mới là linh dược chữa trị mọi thứ bệnh tật và cái chết của linh hồn. Khi ta bệnh, ta tìm thuốc uống. Khi linh hồn ta bệnh, ta có tìm đến thập giá Chúa Giêsu không ?
  3. Kỹ sư Frank Denton được giao nhiệm vụ thiết kế những bộ y phục đặc biệt cho những nhà phi hành vũ trụ. Một trong những phần quan trọng nhất của mỗi bộ y phục này là một ống dây cung cấp dưỡng khí cho các nhà phi hành. Khi thiết kế xong ông đặt tên cho 2 bộ y phục của 2 phi hành gia ấy, một là J 3.16 và bộ kia là J 3,17. Đó chính là 2 câu trong bài Tin Mừng hôm nay : Ga 3,16 là “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Còn Ga 3,17 là “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Ý của nhà thiết kế này là cầu mong cho cuộc du hành vũ trụ của các phi hành gia được an toàn nhờ sự che chở của Chúa : cũng như những bộ y phục đặc biệt cung cấp dưỡng khí rất cần thiết để giúp các nhà phi hành có thể đi từ vệ tinh mẹ đến vệ tinh con thế nào, thì Chúa Giêsu cũng rất quan trọng và cần thiết để giúp mỗi người chúng ta đi từ đất lên đến trời (Kể theo Mark Link, Sunday homilies, Year B).
  4. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Đã nhiều lần con ngước nhìn Thập giá, để rồi thấy hiện diện một Tình yêu. Nhưng tận sâu thẳm tâm hồn, vẫn chẳng cảm nhận Tình yêu ấy dành cho con, vì chưa nhận ra tình yêu ấy chính là bao giọt mồ hôi của cha, sự dịu hiền chăm sóc của mẹ, mối quan tâm của thầy của bạn, và tình thương của bao người xung quanh.

Lạy Chúa là Đấng yêu thương, xin cho con biết mỗi nghĩa cử yêu thương con làm đều có giá trị thánh hóa con và mọi người, để tiếp tục qua con, mọi người nhận ra Tình yêu Chúa (Hosanna).

 

Ngày 15/9

BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC MẸ

Ga 19,25-27

* Lịch Sử

Việc kính nhớ các sự đau khổ của Đức Bà hôm nay liên kết chặt chẽ với ngày lễ Suy tôn Thánh Giá ngày hôm qua, đây cũng là một điều dễ hiểu ; y như thánh lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày xưa vào thứ sáu trước Lễ Lá, hai cuộc đau khổ phải được nối kết với nhau cách chặt chẽ ; cũng như cuộc đau khổ của chúng ta được nối kết với đau thương của Chúa Giêsu.

Thánh lễ “Bảy sự Thương Khó Đức Bà” được hình thành vào thời Trung Cổ. Ở nước Đức, người ta đã mừng thánh lễ này tuỳ từng nơi vào thế kỷ 15, như giáo phận Cologne, giáo phận Erfurt… Năm 1667 dòng Serviten bắt đầu phổ biến thánh lễ này. Mãi đến năm 1814 Đức Thánh Cha Piô VII mới cho phép toàn thế giới mừng kính.

Bảy sự thương khó Đức Bà được liệt kê theo bản văn phụng vụ như sau :

  1. Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2,34-35) ;
  2. Trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15) ;
  3. Ba ngày đi tìm Chúa trong Đền thờ (Lc 2,41-52)
  4. Con đường lên Golgotha ;
  5. Cuộc đóng đinh ;
  6. Hạ xác Chúa xuống ;
  7. Chôn xác Chúa trong mồ. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Thánh Gioan mô tả Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá :

– Người không rũ rượi như những người mẹ khác khi thấy con mình đang chết đau đớn. Nhưng người “đứng”, một tư thế rất kiên vững. Thế “đứng” của Đức Mẹ đã là đề tài cho bao người chiêm ngưỡng và suy gẫm : Stabat Mater dolorosa !

– Trong giờ phút đau khổ tột cùng này, không ai nâng đỡ an ủi Mẹ, trái lại Mẹ còn lãnh thêm nhiệm vụ : “Thưa Bà, đây là con Bà”.

B. Nảy mầm.

  1. Đức Mẹ dưới chân Thập giá được gọi là Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc, vì những đau khổ của Mẹ do kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người.
  2. Có thứ đau khổ khiến người ta nhìn mà sợ

Có thứ đau khổ làm cho người ta tội nghiệp

Có thứ đau khổ làm cho người ta ngưỡng mộ

Có thứ đau khổ đáng cho người ta kính trọng.

Hôm nay chúng ta nhìn những đau khổ của Đức Mẹ Maria, không phải để sợ, để tội nghiệp mà để ngưỡng mộ, hơn nữa để tôn kính, vì đó là những đau khổ sinh ơn cứu độ cho người khác trong đó có chính chúng ta nữa.

  1. Vài ý tưởng về sự đau khổ :

– Sung sướng kéo tâm hồn xuống đất, khổ đau nâng tâm hồn lên trời (Nino Salvaneshi)

– Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta ; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta ; nhưng Ngài hô lớn trong những cơn đau của chúng ta (C.S. Lewis).

  1. “Kể từ giờ ấy, người môn đệ rước Người về nhà mình”. Lạy Mẹ Maria, người môn đệ ấy là chính con. Kể từ hôm nay, con muốn rước Mẹ về ngôi nhà của lòng con và của cuộc đời con, để Mẹ cùng sống với con trong những lúc vui cũng như những lúc buồn, nhất là những lúc buồn ; những khi sung sướng và nhất là những khi đau khổ, để Mẹ dạy con biết cách chịu đau khổ thế nào để những khổ đau ấy trở thành nguồn ơn cứu độ cho con và cho anh chị em con.