Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 9

print

 

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 9

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Mc 12,1-12

A. Hạt giống…

Đây là một ẩn dụ. mà Chúa Giêsu dùng để ám chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo do thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa ; vườn nho là dân Israel ; các tá điền là các lãnh tụ ấy ; tôi tớ được sai đi thu hoa lợi là các ngôn sứ ; người con của ông chủ là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã giao dân Israel cho các lãnh tụ do thái chăm sóc, nhưng họ không chu toàn trách nhiệm. Các ngôn sứ nhiều lần được sai đến nhắc nhở họ, họ đã không nghe mà còn bách hại các vị ấy. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến, họ cũng không nghe và còn giết chết Người Con ấy. Bởi vậy Thiên Chúa sẽ truất quyền họ, Ngài sẽ ban Nước Trời cho một dân khác là Giáo Hội. Phần Chúa Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo Hội.

B…. nẩy mầm.

  1. Áp dụng dụ ngôn này vào bản thân : vườn nho mà Chúa giao cho tôi là những khả năng và phương tiện Ngài ban. Lẽ ra tôi phải dùng chúng để phục vụ người khác. Nhưng tôi có khuynh hướng muốn giữ chúng làm của riêng cho mình. Tôi dùng chúng một cách ích kỷ, không phục vụ ai cả. Hãy coi chừng Chúa sẽ lấy lại vườn nho mà trao cho kẻ khác.
  2. Cặp vợ chồng nghèo nọ trúng số độc đắc. Bà con thân thuộc kéo đến nhận họ hàng, xin xỏ, vay mượn. Cuộc sống gia đình luôn bị xáo trộn. Ông chồng bàn với vợ dọn đi chỗ khác, đổi tên đổi họ không cho ai biết. Nhưng người vợ nói dù đã đổi tên đổi họ nhưng nếu người ta biết mình có tiền thì người ta vẫn tìm tới quấy rầy. Người chồng bảo hãy giấu luôn số tiền và sống đạm bạc y như những người nghèo thực thụ. Hai người nhất trí làm y như vậy. Họ đến một nơi khác, cất một túp lều tranh nghèo nàn, chôn dấu số tiền, sống đạm bạc. Dần dần họ quên luôn rằng mình có số tiền đó. Khi chết họ quên cả trối lại cho con cái số tiền ấy. Thành ra trúng số mà cũng như không.

Nhận lãnh là để trao ban. Có là để chia sẻ. Không trao ban, không chia xẻ thì ơn Chúa ban cũng giống như nén bạc bị đem chôn xuống đất. Nó không đem lại niềm vui mà chỉ gây nên lo lắng buồn phiền.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ rằng “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Xin cho con hưởng được niềm vui khi trao ban và tiêu hao bản thân con mỗi ngày. (Chờ đợi Chúa)

  1. “Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào dậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp” (Mc 12,1-2)

Tôi là ai ? Tôi có cái gì ?

Tôi là một con người. Tôi có một thể xác, một tâm hồn. Tôi có lý trí, có tình cảm. Tôi có tình yêu. Và quan trọng hơn cả, là tôi được sống.

Thiên Chúa đã tạo nên hình hài này, trang bị cho nó những điều ấy, rồi Ngài trao nó cho tôi.

Vậy, tôi phải làm gì đây ?

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa. Xin hãy dùng con như ý Chúa muốn để sinh cho hoa lợi cho Ngài. (Hosanna)

 

Thứ Ba :

Mc 12,13-17

A. Hạt giống…

  1. Cuộc chất vấn về vấn đề nộp thuế này không nhằm mục đích tìm hiểu mà chỉ nhằm gài bẫy hại Chúa Giêsu.
  2. Chúa Giêsu trả lời vừa khéo, vừa rõ : “Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Nghĩa là mỗi người hãy chu toàn bổn phận đối với những người cầm quyền và đối với Thiên Chúa.
  3. Đặc biệt, Chúa Giêsu còn nhắc những đối thủ của Ngài : do ý đồ gài bẫy hại Ngài, họ chỉ quan tâm đến những ý đồ chính trị. Họ hãy nhớ còn những bổn phận khác quan trọng hơn mà họ phải chu toàn, đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Những người biệt phái và đảng Hêrôđê đã dùng những lời lẽ rất tốt đẹp như những tấm lá che trên cái hố mà họ đã đặt sẵn chiếc bẫy ở dưới. Tôi liên tưởng tới những lời nói đầu môi chót lưỡi, những lời khen ngợi không thành thực, những câu nói gài bẫy hại người. Sống với những người như thế thật là nguy hiểm. Nếu tôi mà là như thế thì cũng thật nguy hiểm cho những người sống chung với tôi.
  2. “Hãy đưa cho Ta xem đồng tiền…. Hình và ký hiệu này là của ai ?…” : Chúa Giêsu dạy tôi chớ bộp chộp phản ứng hay phán đoán. Hãy xem xét kỹ vấn đề dựa trên những sự kiện, những dấu chỉ, và hãy phân biệt rõ những lãnh vực, cái nào là của Xêda cái nào là của Thiên Chúa.
  3. Trong cuộc sống của tôi, những gì là “của Xêda” (nghĩa là thuộc về vật chất, thế gian) và những gì là “của Thiên Chúa”. Tôi đã trả cho mỗi bên như thế nào ? Có trả đủ không ?
  4. Một người kia rất nghèo. Chúa thương ban cho anh 10 trái táo : 3 trái để anh ăn, 3 trái để anh bán đi lấy tiền cất một túp lều che nắng che mưa, 3 trái để anh bán đi lấy tiền mua quần áo mặc, và trái thứ 10 để anh làm lễ vật dâng lên Chúa biểu lộ lòng biết ơn.

Anh cầm 10 trái táo Chúa ban, ăn 3 trái, bán 3 trái lấy tiền cất lều, bán 3 trái lấy tiền mua quần áo. Còn lại trái thứ 10, anh thấy hình nó to và ngon những trái trước. Anh thèm quá. Nhưng anh nhớ Chúa bảo anh dâng nó cho Ngài để tỏ lòng biết ơn. Tuy nhiên anh tự lý luận rằng Chúa có tất cả mọi trái táo trên thế gian này, cần gì một trái táo nhỏ bé của anh. Thế là anh ăn nốt (First Baptist Reminder).

Thứ Tư :

Mc 12,18-27

A. Hạt giống…

  1. Những đối thủ mà hôm nay Chúa Giêsu phải gặp là những người Sađóc, giới tư tế. Vì họ không tin có việc kẻ chết sống lại nên họ đặt ra một câu chuyện (một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ “thế huynh”) để cho thấy sống lại là một sự lố bịch.
  2. Trả lời họ, Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào :

– không giống cuộc sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nòi giống và bởi thế không cần có vợ có chồng.

– cuộc sống ấy “giống như các thiên thần” : nghĩa là không quan tâm đến gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Những người phái Sađóc tuy là tư tế nhưng không quan tâm tới những việc đạo đức cho bằng tới những đặc quyền đặc lợi của họ. Để bảo vệ những quyền lợi ấy, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ chế độ nào đang cầm quyền, cho dù đó là chính quyền đế quốc Rôma đang xâm lược đất nước họ.

Họ không tin sự sống lại và không tin đời sau là phải, bởi vì ai càng coi trọng đời này và những giá trị đời này thì càng coi nhẹ đời sau và các giá trị đời sau. Càng thiên về xác thịt thì càng yếu về tinh thần.

  1. Cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “như các thiên thần” nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Xin Chúa giúp con ngày càng bớt sống cho vật chất thế gian, để thêm phần sống vì Chúa và cho Chúa.
  2. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khoẻ và mọi thứ của cải trên thế gian. Sống thật chính là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc trong cuộc sống tại thế.
  3. “Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mc 12,25)

Lời Chúa hôm nay như choáng ngợp lòng con.

Con cảm thấy lòng mình mở ra cho vô hạn và bước đi trên con đường thênh thang, con đường một chiều dẫn đến sự sống, sự sống tràn đầy và mãi mãi.

Từ đó, con cảm nhận rằng : Con bất toàn nhưng đường đời là nhịp nối đưa con đến hoàn thiện. Những cố gắng hôm nay sẽ theo con trên đường đến đích. Những mơ ước nhỏ bé là mầm sống cho những dự phóng lớn lao. Những gặp gỡ yêu thương sẽ có ngày tái ngộ.

Lạy Chúa, xin cho niềm hy vọng ấy chiếu sáng cuộc đời con. (Hosanna)

 

Thứ Năm :

Mc 12,28b-34

A. Hạt giống…

  1. Đến lượt các luật sĩ tấn công Chúa Giêsu : “Trong các giới răn, giới răn nào trọng nhất ?”. Đối với họ, đây là một câu hỏi hóc búa, vì Cựu Ước ghi rất nhiều giới luật nhưng không cho biết giới luật nào trọng hơn giới luật nào. Nguyên việc thuộc hết các giới luật đã là một chuyện rất khó, huống chi đánh giá và so sánh các luật đó.
  2. Nhưng Chúa Giêsu trả lời rất gọn gàng và rõ ràng : 2 giới luật trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình.

B…. nẩy mầm.

  1. Về giới răn thứ nhất, tôi thuộc lòng, nhưng tôi chưa giữ đúng. Tôi phải xét mình lại dựa trên từng chữ những lời Chúa nói : “Hãy yêu mến Thiên Chúa… hết lòng… hết linh hồn… hết trí khôn… và hết sức lực…”.
  2. Và về giới răn thứ hai cũng thế : “Hãy yêu mến tha nhân… như chính mình…”.
  3. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30)

Khi sinh thời, thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857) là một giáo dân đạo đức, có lòng bác ái, kính sợ Thiên Chúa và là một vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm trông coi mọi việc trong đền vua.

Trong triều, những vị quan bị ngài ngăn cản làm điều bất chính, đã tố cáo ngài với vua Tư Đức về tội theo đạo Gia-Tô. Vì thế, ngài  đã bị đày ải, đòn vọt đớn đau vì đức tin.

Có những vị quan quý mến đức độ của ngài, khuyên ngài giả vờ chối đạo rồi tiếp tục sống đạo ; nhưng Hồ Đình Hy cương quyết từ chối. Ngài đã đổ máu đào chết vì Chúa tại An Hoà, Huế.

Chúa ơi, nhiều lần con đã tôn thờ sự sống trần gian hơn là tôn thờ một Chúa, Chúa của con. Xin cho con biết yêu mến và làm chứng cho Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của con. (Hosanna)

 

Thứ Sáu :

Mc 12,35-37

A. Hạt giống…

Bây giờ đến lượt Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ.

Họ nói Đấng Messia là con vua Đavít. Thế tại sao Đavít lại gọi Đấng Messia bằng Chúa (trong Tv 110) ?

Như thế chứng tỏ rằng Đấng Messia chỉ là con của vua Đavít về phần xác. Còn về phần thiêng liêng thì Ngài là Con Thiên Chúa và là Chúa của cả Đavít.

B…. nẩy mầm.

  1. “Con của Vua Đavít” cũng là một tước hiệu gọi Đấng Messia. Tuy nhiên Chúa Giêsu không thích xưng mình bằng tước hiệu này, vì nó dễ gọi lên trong đầu óc người ta một quan niệm lệch lạc về một Đấng Messia cao sang uy quyền. Ngài thích xưng mình là Con Người hơn. Sở dĩ hôm nay Ngài dùng tước hiệu “Con vua Đavít” là chỉ vì Ngài muốn mở trí cho các luật sĩ hiểu Ngài là ai thôi.

Chúa Giêsu dạy tôi bài học khiêm tốn. Tôi có nhiều tư cách, nhiều “tước hiệu”, thí dụ người ta có thể gọi tôi bằng em, bằng anh, bằng chú, bằng thầy v.v. Nhưng tôi thích được gọi bằng những “tước hiệu” “nặng ký” hơn.

  1. “Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng thì do đâu Đấng Kitô lại là con vua ấy được ?” (Mc 12,37)

Nằm nghỉ dưới bóng cây táo, chợt cơn gió thoảng đung đưa làm rơi quả táo chính đỏ. Newton tự hỏi : “Ồ, sao quả táo không bay lên mà lại rơi xuống ?” Khám phá thú vị này đã là tiền đề cho những suy nghĩ về định luật trọng lực của Newton.

Đức Giêsu cũng làm đám đông thích thú khi mở ra cho họ khám phá một điều tưởng chừng rất quen thuộc. Đức Kitô không chỉ thuộc dòng dõi Đavít, nhưng ngài còn là Thiên Chúa của Đavít nữa.

Lối đặt vấn đề của Chúa Giêsu thật hấp dẫn và đầy thuyết phục. Ngài làm tôi nhạc nhiên và thúc đẩy tôi phải khám phá. Một lần nữa, tôi thốt lên : “Đức Giêsu, Ngài là ai ?”

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận Ngài là Chúa của con. Con đã nghe biết nhiều về Ngài. Xin cho con đừng dừng lại ở những giáo thuyết, nhưng mỗi ngày biết khám phá ra khuôn mặt Đức kitô luôn sống động, mới lạ qua Lời Ngài và trong cuộc sống. (Hosanna)

 

Thứ Bảy :

Mc 12,38-44

A. Hạt giống…

Có hai hình ảnh rất đối chọi nhau trong đoạn Tin Mừng này :

– Hình ảnh của các luật sĩ : rất cao sang, vinh dự với áo thụng, chức quyền, được người ta bái chào, được ngồi những chỗ nhất. Thế nhưng đó chỉ là cái vỏ, che đậy bên trong là một tâm hồn kiêu căng, tham lam, ức hiếp kẻ yếu đuối.

– Hình ảnh một bà goá : nghèo tiền nhưng rất giàu lòng. Chúa Giêsu coi đây là hình ảnh đẹp nên “gọi các môn đệ đến” chỉ cho họ thấy và bảo họ noi gương.

B…. nẩy mầm.

  1. Được vinh dự, được ngợi khen, được tôn trọng, được coi là đạo đức… Ai mà không muốn được những thứ đó. Tôi cũng thế thôi. Nhưng Chúa bảo tôi “hãy coi chừng” : coi chừng đừng chỉ lo tô vẻ bề ngoài, coi chừng kẻo bề trong tương phản với bề ngoài ấy. Điều quan trọng hơn là phải bồi dưỡng bề trong trước.
  2. Bà goá này làm tôi giật mình. Tôi chỉ bố thí khi tôi có tiền dư. Còn khi không dư thì thật vô phúc cho ai tới xin tôi lúc đó. Chẳng những tôi không cho, mà còn nói nặng nói nhẹ người ta nữa.
  3. Bà lại nhắc tôi bổn phận đóng góp cho Giáo Hội : Tôi đã hưởng nhờ của Giáo Hội biết bao nhiêu thứ, thế nhưng tôi có ý thức góp một phần nào về tinh thần hoặc vật chất cho Giáo Hội không ?
  4. Chúa Giêsu dạy một điều rất lạ mà rất hay : có khi nhiều mà là ít, như số tiền dư thừa mà những người giàu có bỏ ra ; có khi ít mà là nhiều, như một phần tư xu của bà goá nghèo. Nhiều không phải ở của bỏ ra mà là ở tấm lòng và sự hy sinh.
  5. “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng” (Mc 12,38)

Chuyện kể rằng : một người được mời đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi, không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về khoác bộ áo đẹp có đính kim cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo rượu thơm lúc này được bày ra trước mắt ông và ông ngồi chỗ nhất.

Ông liền đứng lên, cởi áo khoác lên ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái  áo và nói : “Mày ăn uống đi, người ta mời mày đó !” Mọi người hết sức ngạc nhiên, nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói với mọi người rằng giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên ngoài nhưng đó là tấm lòng bên trong ; không ở những cái mình có nhưng ở cái mình là. Vậy tôi là ai ?

Lời Chúa hôm nay đối với tôi không chỉ là cảnh giác nhưng còn là lời tra vấn.

Lạy Chúa, xin giúp con biết con ; xin giúp con biết nhìn nhận phẩm giá của những người quanh con. Nhờ đó, con yêu thương nhiều hơn. (Hosanna)