Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 6 Phục Sinh

Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 6 Phục Sinh

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Ga 15,26–16,4

A. Hạt giống…

Đề tài giáo lý thứ 13 : Về Chúa Thánh Thần

Do thái giáo coi Đức Giêsu là một kẻ lộng ngôn phạm thượng và các kitô hữu là những người phản bội Do thái giáo. Do đó họ giết Chúa Giêsu bắt bớ các kitô hữu. Chúa Giêsu đã báo trước điều đó cho các môn đệ biết : “Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa”

Nhưng đồng thời Chúa Giêsu trấn an họ : Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến.

– Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ : Ngài sẽ che chở và bênh vực các môn đệ trong cơn bắt bớ

– Ngài là Thần chân lý : Ngài sẽ soi sáng giúp các môn đệ vạch cho những người do thái biết Chúa Giêsu là Đấng làm theo đúng ý Chúa Cha.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Đấng phù trợ” là dịch từ chữ hy lạp Parakletos, chỉ một nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều : đối với người bị cáo thì người này bớt sợ và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời cho khéo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với các quan tòa thì sự hiện diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.

Thánh Kinh dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt khỏi khung cảnh tòa án, áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Thí dụ ngôn sứ Đanien là Parakletos của Bà Susanna khi bà bị 2 ông già dê âm mưu kết án oan ; Chúa Giêsu là Parakletos của người phụ nữ ngoại tình khi chị bị lôi ra xử án ném đá vì phạm tội ngoại tình.

Còn trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ.  Thế gian sẽ thù ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh, để :

– hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn

– an ủi họ trong những lúc thua buồn

– che chở họ trong những khi nguy hiểm

– vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ

– dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ

– đích thân bênh vực họ.

Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai Parakletos một cách hữu hiệu thế nào đối với các tông đồ khi các ngài sống và hoạt động giữa thế gian.

Bài Tin Mừng này nhắc cho chúng ta nhớ đến một Đấng Parakletos mà chúng ta vẫn hằng có sát bên cạnh mình thế mà chúng ta thường quên, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta quên Ngài đến nỗi nhiều khi chúng ta đọc hay hát kinh Chúa Thánh Thần mà vẫn không nghĩ tới Ngài. Và bởi vì quên Ngài, không nghĩ tới Ngài nên chúng ta thường bị rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn chán, lo âu, sợ sệt, ngã lòng…

  1. “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”

Sau những năm làm đầy tớ cho một gia đình quí tộc, Sophie Berdanska phải thất nghiệp, đói rách, lang thang. Nàng được một gia đình Do thái thuê về chăm sóc cho mấy đứa con nhỏ của họ. Nhưng ngay hôm đầu tiên, khi biết nàng là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là “nàng không được giảng đạo” cho con cái ông. Nàng nhận lời và bắt đầu công việc của mình bằng hết khả năng. Có điều trên cổ nàng luôn đeo một chiếc huy chương của cha nàng để lại, bên trong có nhét một mảnh giấy nhỏ, mà nàng nhất định không cho ai coi. rồi đến khi lũ trẻ lâm bệnh, nàng ra sức chăm sóc, phục vụ. Lúc  chúng được lành bệnh thì cũng là lúc nàng ngã bệnh và từ trần. Giờ đây người ta có thể đọc được mảnh giấy nhỏ trong tấm huy chương : “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo trước mắt họ như một chứng từ hùng hồn nhất”. Bàng hoàng rồi cảm phục, gia đình người chủ Do thái xin nhận bí tích thánh tẩy.

Lạy Chúa,  xin giúp sức cho con can đảm sống đạo trước mặt mọi người  như một chứng từ hùng hồn. (Epphata) 

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Ba :

Ga 16,5-11

A. Hạt giống…

Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần : Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian.

Vì là Thần Chân lý, Chúa Thánh Thần sẽ tố cáo thề gian về tất cả những sự sai lầm của nó :

– “Về tội lỗi” : Thế gian tội lỗi vì đã không tin vào Chúa Giêsu.

– “Về sự công chính” : người do thái coi Chúa Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng Công chính của Thiên Chúa.

– “Về án phạt” : Thượng Hội đồng do thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người do thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh án xử đó là bất công.

 

B…. nẩy mầm.

  1. – Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần là Perakletos của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết tiếp một vai trò nữa của Chúa Thánh Thần : Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm”, nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho thấy 3 thứ sai lầm :

– Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi” : đối với người do thái xưa, đó là tội đã không tin Chúa Giêsu ; còn đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Mỗi người đều có tội, có nhiều tội. Nhưng lắm khi tự mình không thấy tội mình, do đó cần phải có người vạch cho ta thấy, người đó là Chúa Thánh Thần.

– Sai lầm thứ 2 là “về sự công chính” : đối với người do thái, ho đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, đây là thứ sai lầm khi nhận định về Chúa. Rất nhiều khi chúng ta nhận định sai về Chúa : bóp méo hình ảnh Thiên Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Td kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng ; kẻ khắt khe hay lên án người khác thì bám vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi ; kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi : Yêu nhau thì có tội gì đâu v.v.

– Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử” : ngày xưa Thượng Hội đồng do thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người do thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là thứ sai lầm do dựa vào dư luận. Chúng ta ngày nay nhiều khi cũng dựa vào dư luận để có thành kiến không đúng về người khác.

  1. Một nguyên tắc triết lý rất cơ bản là “Errare humanum est”, nghĩa là đã là người thì thế nào cũng có sai lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai lầm ấy.

Trong bài hát về Chúa Thánh Thần, có câu : “Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài… Ngài ơi xin Ngài hãy đến chiếu sáng tối tăm u mê sai lầm Ngài ơi xin Ngài mau đến hiển linh Ngài ơi”. Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng những sai lầm của mình.

  1. Chú bé bị mù tử bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ chú dẫn chú ra đường và mở màn che, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên : “Mẹ ơi, sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp thế !”Bà mẹ bật khóc nói : “Con ạ, mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được !”

Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa. (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Tư :

Ga 16,12-15

A. Hạt giống…

Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần : Chúa Thánh Thần là Thầy dạy kitô hữu.  Ngài sẽ dạy kitô hữu biết sự thật, sự thật toàn vẹn

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con nhưng bây giờ chúng con không chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn chúng con tới sự thật toàn vẹn”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần : Sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật toàn vẹn :

– Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình : mình xấu mà mình nghĩ mình tốt, mình sai mà mình nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, như lời Chúa nói “Sựï thật sẽ giải thoát chúng con”. Bởi thế mỗi người chúng ta đều cần biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần : thỉnh thoảng chúng ta nên xét mình thành thật trong ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ con người mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.

  1. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ là sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu : một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.
  2. “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”

“Giê-su, ông là ai ?”. Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Iscariot trong tác phẩm “Giê-su, ông là ai ?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Mêssia của dân Israel. Khi Đức Giê su đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người ; lúc đó, Đức Giê su biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền thì lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy, Đức Giê su lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Iscariot làm thủ lãnh.

Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng họ lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và Giáo lý Ngài truyền dạy.

“Giê-su, Ngài là ai ?” là câu hỏi của các môn đệ và người đương thời.” Giê-su, Ngài là ai ?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.

Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần, các muôn đệ mới hiểu và tin vào lời Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có thần khí của Ngài hướng dẫn Nguyện xin Thánh Thần Chúa toả trên chúng con. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Năm :

Ga 16,16-20

A. Hạt giống…

Đề tài giáo lý thứ 14 : Về những buồn vui của đời kitô hữu :

Chúa Giêsu nói tới lúc Ngài ra đi : “Một ít nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa chúng con sẽ thấy Thầy”

Ngài cũng nói tâm trạng các môn đệ sau khi Ngài ra đi : “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Chúng con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn chúng con sẽ biến thành niềm vui” : Chỉ khi nào ở trên trời thì chúng ta mới có thể hoàn toàn vui thôi, còn bao lâu còn ở trần gian thì vui buồn lẫn lộn. Và những vui buồn ở đời nay có những tính chất khác nhau và những hậu quả khác nhau.

– có nhiều cái vui không trọn vẹn, như lời một bản thánh ca lấy ý từ sách Giảng viên : “Hoa nào không phai tàn, trăng nào không khuyết, ngày nào mà không có đêm, yến tiệc nào không có lúc tàn ?”

– có những niềm vui chẳng mấy chốc lại biến thành nỗi buồn. Đó là những thứ vui tội lỗi. Thí dụ cái vui của thằng con hoang đàng trong sách Tin Mừng : Khi nó đang ngụp lặn trong những cuộc trụy lạc thì nó vui, khi nó còn tiền thì nó vui, nhưng sau khi cuộc trụy lạc đã tàn và khi tiền hết, nó rơi vào một sự trống rỗng, một nỗi buồn mênh mông.

– có những cái buồn cứ càng ngày càng buồn thêm, không dứt. Đó là cái buồn do hậu quả của một việc làm sai quấy. Thí dụ như cái buồn của Giuđa vì đã phản bội, đã bán đứng Thầy mình. Giuđa buồn đến nỗi phải đi thắt cổ chết. Hay như nỗi buồn của những người ở trong hỏa ngục : họ phải buồn muôn đời muôn kiếp vì họ biết rằng họ đã mất Chúa muôn kiếp muôn đời.

– Nhưng điều đáng chú ý hơn cả trong bài Tin Mừng này, là Chúa Giêsu nói đến thứ buồn sẽ biến thành niềm vui. “Ít lâu nữa chúng con sẽ không trông thấy Thầy”. Đó là cái buồn vì không được thấy Chúa. Ngày xưa các môn đệ suốt ba năm được ở gần bên Chúa, thế rồi Chúa ra đi về với Chúa Cha, các ông không thấy Chúa nữa nên các ông buồn. Còn đối với chúng ta, đó là cái buồn sám hối : khi chúng ta phạm tội mà còn biết sám hối thì chúng ta buồn bởi vì biết rằng tội làm mình mất Chúa, làm mình xa Chúa. “Nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy… Chúng con sẽ buồn nhưng nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui” : Trong trường hợp các môn đệ, nỗi buồn xa Chúa đã biến thành niềm vui khi các ông gặp lại Chúa phục sinh. Còn đôùi với chúng ta, nỗi buồn sám hối sau khi chúng ta phạm tội sẽ biến thành niềm vui được tha thứ. Như phần sau của chuyện đứa con hoang đàng lúc nó trở về : cha nó vui mừng vì, như ông nói, “con ta đã mất nay lại tìm thấy, đã chết nay sống lại” ; chính nó vui mừng vì được cha tha thứ, được Cha cho trở lại mái ấm gia đình, trả lại cho nó thân phận làm con, cho nó đeo nhẫn, mang giày, mặc áo tốt.

Không phải cái vui nào ta cũng nên tìm kiếm, và không phải cái buồn nào ta cũng tránh xa :

. Đối với những thứ vui chóng tàn, chúng ta đừng quá bám víu vào, để khi nó tàn thì chúng ta không bị thất vọng.

. Đối với những thứ vui mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành nỗi buồn, ta cũng đừng nên mất công tìm kiếm.

. Có những việc làm sẽ để lại hậu quả là một nỗi buồn dai dẳng, chúng ta đừng bao giờ làm.

. Nhưng chúng ta hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn đề sám hối ăn năn, buồn để quay gót trở về với Chúa. Có thể nói đây là nỗi buồn thánh vì nỗi buồn này sẽ biến thành niềm vui.

  1. “Anh em sẽ lo buồn. nhưng nỗi buồn anh em sẽ trở thành niềm vui”

Đã hơn 3 tháng rồi mà những đứa trẻ của tôi vẫn không tiếp thu gì ; chúng chỉ biết được mỗi chữ “o” và chữ “e”. Nhưng làm sao trách được khi cả ngày chúng phải lao vào những đống rác để nhặt từng  bao nilon, những mảnh nhựa hay chai lọ bể ; chúng đâu còn giờ để nghĩ đến bài học nữa.

Tôi nản quá và muốn bỏ dạy, cứ theo đà này thì tốn mất vài ba năm chúng mới biết đọc chữ. Tôi lại phí sức đổ thời gian vào một việc mà tôi không làm được. Tôi xuôi tay, và không biết cách giải quyết.

Tôi không thể nghỉ được, những đôi mắt háo hức đang chờ đợi  tôi, những bàn tay đen đứa đang níu áo tôi. Chúng thương tôi và cần nơi tôi một Tình Yêu, cái mà chúng thiếu thốn nhất.

Lạy Chúa, Giê-su Phục Sinh xin ở lại trong con để niềm vui Phục Sinh của Ngài làm động lực giúp con chu toàn nhiệm vụ của mình, hăng hái tiếp tục con đường đã chọn. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Sáu :

Ga 16,20-23a

A. Hạt giống…

Tiếp bài giáo lý về những vui buồn đời kitô hữu : “Bây giờ các con buồn phiền. Nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, vá lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Đây là một kinh nghiệm cụ thể về việc cưu mang sinh sản. Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm cưu mang và sinh sản ấy.

Mỗi người hãy cưu mang và sinh sản chính bản thân mình. Như ngày xưa Chúa đã bảo ông Nicôđêmô thế nào thì hôm nay Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta như thế : mỗi người chúng ta cần phải sinh lại thành một con người mới. Mà muốn sinh ra một con người mới trong chính bản thân mình thì trước đó chúng ta phải cưu mang đau đớn, cũng giống như những cơn đau của một bà mẹ đang chuyển bụng. Nhưng rồi sau cùng cũng như người mẹ đó vui mừng vì đã sinh ra một con người cho cuộc đời, chúng ta cũng sẽ vui mừng vì mình đã sinh mình trở thành một con người mới.

  1. “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em không ai lầy mất được”

Vì ghen tức, Lenny trong bộ phim “Trở lại Eden” định bắn chị là Stephany trong bữa tiệc Stephany mừng thắng cược, nhưng đã bị Jack, chồng của cô ta, cản lại. Trong cuộc giằng co với Jack, cô đã bắn trúng chồng mình. Stephany giành lại khẩu súng trong tay Jenny thì bị vu cáo là thủ phạm. Stephany vào tù, không một chứng cớ để biện minh. Hết sức đau khổ, nhưng bà vững tin vào chân lý.

Thế giới hôn nay vẫn còn biết bao “Jenny” khác ngang nhiên hãm hại người lành, đùa cợt trên nỗi đau của kẻ khác. Liệu người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, có vững một niềm tin và kiên trì trong cuộc chiến vì chính nghĩa cho tới khi toàn thắng không ?

Xin Đấng Phục Sinh ban cho con sức sống dồi dào của Ngài, để con có thể chạy hết đoạn đường  mà vẫn giữ vững niềm tin” (2 Tm 47). (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Bảy :

Ga 16,23b-28

A. Hạt giống…

Tiếp bài giáo lý về việc Chúa trở lại : “Hãy xin thì sẽ được… Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy”, vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp : “Ngày ấy… chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho chúng con nhân danh Thầy”. Nhưng “ngày ấy” là ngày nào ?

Trước đoạn Tin Mừng hôm nay 6 câu, tức là thuộc đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu có nói : “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy” (16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ hết sức gắn bó, đến nổi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.

Và chính vì Thầy trò liên hệ thân thiết với nhau như thế nên mới có hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài cũng ban cho chúng con hết”. Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở chương trước chương này, trong dụ ngôn cây nho “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con thì chúng con muốn gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhậm lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhậm lời chúng ta.

Từ đó tôi hiểu rằng điều tốt đẹp nhất mà tôi sẽ được trong “ngày ấy” không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì Chúa Giêsu muốn, và xin những gì Chúa Giêsu xin.

  1. Cầu nguyện là đứng về phía Chúa : Khi cuộc Nam Bắc phân tranh bùng nổ tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1860, một vị giáo sĩ nọ đã đến gặp Tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu : “Thưa Tổng thống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong cuộc chiến này”. Nghe thế, Tổng thống Abraham Lincoln vặn lại : “Tôi không mấy quan tâm về điều đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía những người công chính. Tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ luôn đứng về phía Chúa” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”

“Cha ơi ! làm sao con có thể sống được khi đó là người thân duy nhất của con, chồng con đã phản bội con và giờ đây đứa con duy nhất cũng sắp bỏ con rồi !” Lẫn trong những giọt nước mắt, người thiếu phụ thổn thức tâm sự cùng Cha xứ như thế, khi đứa con của bà đang cận kề cái chết.

Với lòng tin tưởng, cha quay sang hỏi người thiếu phụ : “Con có thể làm gì nếu như con muốn cho nó lành bệnh”. Bà vội trả lời : “Thưa cha, con có thể hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống của con, miễn sao con trai của con khỏi bệnh”.

– “Cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa chính là phương thuốc thần diệu nhất. Hãy về và cầu nguyện, Chúa sẽ nhận lời cầu xin tha thiết của con”.

Người thiếu phụ trở về và thành khẩn van xin Chúa. Như một phép lạ, cậu con trai dần dần bình phục trước sự vui mừng khôn tả của bà.

Tôi tin rằng Chúa luôn đáp lại lời tôi cầu nguyên Dù Ngài đáp lại “Yes” hay “No”, tôi vẫn tin rằng tất cả chỉ vì Ngài thương tôi, muốn tôi được hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cho con biết lấy cầu nguyện là phương châm sống cho cuộc đời con. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

 

print