Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 thường niên Năm C

print

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 26 Thường niên – Năm C

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Lời Chúa: (Lc 16,19-31)

19Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. 24Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” 25Ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

27Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, 28vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” 29Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. 30Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. 31Ông Ápraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.

Học hỏi:

  1.   Đọc Lc 16,19-21 và cho thấy sự tương phản trong cuộc sống ở đời này giữa ông nhà giàu và La-da-rô. Ai là người được Chúa thương hơn? Tên La-da-rô nghĩa là gì? (Eleazar, rz^u`).
  2.   Đọc Lc 16,19-21. Đâu là tội của ông nhà giàu? Xem Lc 12,19.
  3.   Đọc Lc 16,22 và cho thấy sự tương phản giữa cái chết của hai người.
  4.   Đọc Lc 16,23-31. Ở đời sau, ông nhà giàu xin cụ tổ Abraham hai điều gì?
  5.   Vực thẳm lớn ở đời sau ngăn cách ông nhà giàu và Ladarô đã bắt đầu khi nào ở đời này?
  6.   Những người Do-thái vào thời Đức Giêsu tin rằng mọi người đã chết đều phải vào âm phủ. Âm phủ (Shê-ôl, Hades) là nơi như thế nào? Đọc Thánh vịnh 87. Đọc thêm sách Giảng Viên 9,3-10.
  7.   Sự đảo ngược số phận giữa ông nhà giàu và La-da-rô có phải là một chủ đề quen thuộc của Tin Mừng Luca không? Đọc Lc 1,52-53; 6,20-25.

8. Tại sao người chết hiện về cũng không khiến người ta hoán cải? Đọc Ga 11,45-53.

CÂU HỎI SUY NIỆM : Bạn nghĩ gì về câu trả lời của cụ Abraham khi ông nhà giàu xin chút nước? Đọc Lc 16,25-26. Bạn có bị sốc không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Dụ ngôn ở Lc 16,19-21 cho thấy hai khuôn mặt với những nét tương phản. Một ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, tiệc tùng liên miên với những sơn hào hải vị. Một anh bần cùng, tên là Ladarô, nằm ở cổng của ông nhà giàu. Anh này đói quá , chẳng dám mơ được ông nhà giàu mời ăn, chỉ mong được ăn cho no những mảnh vụn đồ ăn từ trên bàn tiệc của ông này rơi xuống. Không những bị cái đói hành hạ, anh Ladarô còn bị mụn nhọt đầy mình. Điều này khiến anh có những người bạn không mời mà đến, đó là những con chó hoang đến liếm những vết ghẻ lở trên thân xác hôi hám của anh.

Vào thời Đức Giêsu, nhiều người nghĩ ông nhà giàu chính là người được Chúa thương, nên ban cho giàu có dư dật và niềm vui mỗi ngày với các bạn bè sang trọng. Anh Ladarô nghèo như người bị Thiên Chúa bỏ rơi, đói bụng, bệnh tật, không bạn bè trợ giúp. Thật ra, như ta sẽ thấy sau này, chính anh nhà nghèo mới là người được Thiên Chúa thương. Ladarô trong tiếng Do-thái có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”.

  1. Tội của ông nhà giàu trong Lc 16,19-21 đơn giản là đã không làm gì để giúp anh Ladarô túng đói đang nằm trước cổng nhà ông. Ông không chia sẻ những gì ông có và những gì dư thừa của ông. Tội của ông là để cho có một sự chênh lệch quá lớn về mức sống giữa ông và người ở cách ông có một cánh cổng. Tội của ông là tội quá hạnh phúc và hưởng thụ trong khi có người bất hạnh gần kề, cần đến sự trợ giúp của ông, nhưng ông lại làm ngơ như không thấy. Ông chính là người phú hộ bất ngờ giàu lên trong Lc 12,19. Người này định “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”. Điều người này định làm thì ông đã làm.
  2. Luca 16,22-23 cho thấy sự tương phản về số phận sau cái chết của ông nhà giàu và Ladarô. Có vẻ như hai người chết trong thời gian gần nhau. Theo quan niệm của Do-thái giáo, mọi người, sau khi chết đều phải vào Âm phủ, nơi trú ngụ của các âm hồn.Nhưng trong dụ ngôn này, anh Ladarô sau khi chết, lại được các thiên thần đưa vào lòng tổ phụ Abraham, hưởng hạnh phúc. Còn ông nhà giàu, sau khi chết, được chôn cất long trọng, thì bị đưa vào Âm phủ, nơi đây ông phải chịu cực hình. Vậy qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy, sau cái chết, mọi người không mang số phận như nhau.
  3. Nơi Âm phủ, ông nhà giàu xin tổ phụ Abraham hai điều. Trước hết ông xin tổ phụ sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, rồi nhỏ trên lưỡi của ông cho mát, vì ông bị đau đớn bởi lửa thiêu (Lc 16,24). Kế đến ông xin tổ phụ sai Ladarô đến nhà của cha ông để cảnh cáo năm anh em của ông, kẻo họ phải chịu cực hình như ông (Lc 16,27). Tổ phụ Abraham đã không thỏa mãn hai yêu cầu này của ông nhà giàu. Yêu cầu nhỏ nước vào miệng không thực hiện được, vì đó là hình phạt ông này phải chịu. Hơn nữa, có một vực thẳm ngăn cách giữa đôi bên, khiến cho Ladarô không thể qua mà giúp được. Yêu cầu thứ hai là không cần thiết. Không cần người chết hiện về để nhắc nhở, chỉ cần sống theo lời Môsê và các ngôn sứ là đủ.
  4. Luca 16,26 nói đến “một vực thẳm lớn” ngăn cách cụ Abraham với ông nhà giàu. Bên này không thể qua bên kia. Một bên là nơi Ladarô “được an ủi”, bên kia là nơi ông nhà giàu phải “chịu khốn khổ”. Vực thẳm lớn này có ở đời sau, nhưng đã bắt đầu được dựng nên từ đời này. Khi con người cố tình không chia sẻ với anh em, khép mình lại trong sự giàu có sung túc của mình, thì vực thẳm bắt đầu xuất hiện và trở nên càng lúc càng sâu hơn. Vực thẳm đời sau là nối dài của vực thẳm đời này.
  5. Người Do-thái tin sau khi chết thì mọi người đều phải vào Âm phủ (người Do-thái gọi là Shê-ôl; người Hy-lạp gọi là Hades). Âm phủ là nơi các âm hồn sống lây lất như những chiếc bóng. Ở Âm phủ không có sự sống thật sự, không có ánh sáng, không có niềm vui, không có hoạt động (Giảng viên 9,10), không ca tụng Chúa (Tv 87,12-13). Chính vì thế ai cũng muốn sống lâu trên dương gian này. Vào khoảng thế kỷ thứ II trước công nguyên, một số người Do-thái bắt đầu tin vào sự sống đời sau, tin vào sự thưởng phạt vào ngày tận thế.
  6. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy có sự đảo ngược nơi số phận của ông nhà giàu và Ladarô. Điều này được nói trong Lc 16,25: người được điều tốt ở đời này thì đời sau phải chịu khổ; ngược lại, người chịu bất hạnh ở đời này thì được an ủi ở đời sau. Chủ đề này được nói ở Lc 1,52-53; 6,20-25. Dĩ nhiên, không phải cứ giàu sang thì thế nào cũng phải khốn khổ và bị Thiên Chúa phạt. Người giàu chỉ bị phạt khi không biết sẻ chia. Xem Lc 19,1-10; 23,50-53.
  7. Đối với Đức Giêsu, hối cải đến từ việc nghe lời Sách Thánh và thực thi các lời trong đó. Hối cải không đến từ phép lạ người chết hiện về. Sau khi Ladarô được Đức Giêsu hoàn sinh từ cõi chết, các nhà lãnh đạo Do-thái giáo biết chuyện này, nhưng họ vẫn cứng lòng, không chịu hối cải. Thậm chí, họ đã quyết định giết Đức Giêsu (Ga 11,53) và giết luôn cả anh Ladarô nữa (Ga 12,10).