Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B

Mc 14,12-16. 22-26

12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “ 13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. 14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? 15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta”. 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói, và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. 23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu.

 

CÂU HỎI

1. Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể khi nào, ở đâu, và trong khung cảnh nào?

2. Có gì giống nhau giữa việc Đức Giêsu chuẩn bị trước khi vào thành Giêrusalem (Mc 11,1-6) và chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua ở đây (Mc 14,13-16)?

3. Các môn đệ phải làm gì để chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua này?

4. Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu có khi nào nhớ đến Thiên Chúa Cha không?

5. Đức Giêsu trao tấm bánh cho các môn đệ và nói Đây là Mình Thầy, rồi trao chén rượu và nói Đây là Máu Thầy. Theo bạn, lúc đó bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, hay bánh và rượu chỉ tượng trưng cho Mình và Máu Chúa thôi? Đọc 1 Côrintô 11,26-32.

6. Tại sao Đức Giêsu trao cho môn đệ Mình và Máu của mình? Đọc Mt 16,17 và Ga 6,56.

7. Đọc Mc 14,22-25. Tìm trong đoạn này những chỗ Đức Giêsu nói về cái chết sắp đến của Ngài.

8. Đọc Xuất hành 24,4-8. Máu Giao Ước ở đây có khác với Máu Giao Ước trong Mc 14,24 không? Đây có phải là Giao Ước mới không? Đọc Lc 22,20; 1 Cr 11,25 và Giêrêmia 31,31-34.

 

GỢI Ý SUY NIỆM:

Bạn có thấy Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích quan trọng cho đời sống của bạn không? Bí Tích này thường đem lại cho bạn những ơn nào?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua (Mc 14,12.16), vào buổi chiều tối (Mc 14,17), tại một căn phòng rộng rãi trên lầu (Mc 14,15) nằm trong thành Giêrusalem (Mc 14,13).

2. Có điểm chung giữa hai đoạn văn trên. Trong Mc 11,1-6, Đức Giêsu chuẩn bị cho mình một con lừa để vào thành Giêrusalem. Ngài biết trước chuyện có con lừa con bị cột ở ngôi làng trước mặt, chuyện chủ của nó sẽ nói gì khi các môn đệ định dắt nó về cho Thầy mình. Còn trong Mc14,13-16, Đức Giêsu chuẩn bị cho mình và môn đệ một phòng để ăn lễ Vượt Qua. Ngài biết trước chuyện hai môn đệ sẽ gặp một người đàn ông đội vò nước, ông này dẫn họ đến nhà một ông khác có căn phòng sẵn sàng để Thầy trò ăn lễ Vượt Qua. Như thế trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều biết trước một cách chi tiết những gì sắp xảy ra.

3. Đề chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ cần mua một con chiên, đem nó đi sát tế ở Đền thờ, rồi nướng mà ăn. Các ông cũng cần có bánh không men, rượu nho, rau đắng, và nước chấm làm từ trái cây.

4. Trong bài Phúc âm này, ta thấy Đức Giêsu “dâng lời chúc tụng” lên Thiên Chúa Cha trước khi trao bánh cho môn đệ (c. 22). Ngài cũng “dâng lời tạ ơn” lên Cha trước khi trao chén rượu cho các ông (c. 23).

5. Đức Giêsu trao cho môn đệ bánh và rượu, nhưng Ngài lại nói với họ: “Đây là Mình Thầy”, “Đây là Máu Thầy.” Theo đức tin của chúng ta, bánh đã trở nên Mình Chúa Giêsu, và rượu trở nên Máu Chúa Giêsu, dù bề ngoài chẳng có gì thay đổi. Ăn bánh và uống rượu đã được truyền phép, là đón nhận chính Mình và Máu Chúa. Thánh Phaolô đã nhắc nhở dân Côrintô phải xét mình cẩn thận trước khi lãnh nhận Bí tích cao cả này (1 Cr 11,26-32).

6. Đối với người Do Thái, con người gồm hai yếu tố quan trọng đó là “thịt” và “máu.” Đức Giêsu muốn trao trọn vẹn con người của Ngài cho ta, nên Ngài đã trao cả hai yếu tố trên đây. Phúc âm Gioan dùng từ “thịt” và “máu” nhiều lần (Ga 6,52-56). Còn các Phúc âm khác đã thay từ “thịt” bằng từ “Mình.” Khi rước Mình và Máu Chúa, chúng ta được kết hiệp và nên một với Chúa Giêsu phục sinh.

7. Đức Giêsu đã đề cập đến cái chết của mình khi Ngài nói: “máu Thầy sẽ bị đổ ra vì muôn người” (c. 24), và “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa” (c. 25).

8. Máu Giao Ước ở Xuất hành 24,4-8 là máu bò, còn Máu Giao Ước ở Mc 14,24 là Máu của chính Đức Giêsu. Trong Lc 22,20 và 1 Cr 11,25 , Giao Ước trong Máu Đức Giêsu được gọi là Giao Ước Mới. Như thế lời tiên báo của ngôn sứ Giêrêmia về Giao Ước Mới (31,31-34) đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu.

print