Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Phục sinh

print

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Phục sinh

 
 
Gioan 20,1-9
1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?.
3Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải chổi dậy từ cõi chết. 10Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.
 
Học hỏi:
1. Maria Mácđa-a là người ở vùng nào? Bà ra mộ rất sớm để làm gì? Làm sao ta biết được bà có lòng qúy‎ mến đặc biệt với Đức Giêsu? Đọc Gioan 19,25 và 20,2.
2. Đọc Luca 8,1-3; 23,49. 55; 24,1-11. 22-24. Bạn nghĩ gì về các phụ nữ vùng Galilê đã đi theo Đức Giêsu? Họ là những người thế nào?
3. Bà Maria có vào trong mộ không? Khi thấy tảng đá che mộ bị đem đi khỏi mộ, bà đã đoán chuyện gì xảy ra và đã làm gì? 
4. “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” là ai? Đọc Gioan 13,23; 19,26-27; 20,8; 21,7. 20. 24.
5. Người môn đệ này đã nhìn thấy gì trong mộ? Tuy đến trước, tại sao ông không vào mộ?
6. Simon Phêrô, người đến sau, đã nhìn thấy gì trong mộ? Gioan 20,6-7 có khác với Luca 24,12 không?
7. Ông Phêrô đã nghĩ gì khi vào mộ và thấy như vậy? Nếu bạn nhìn thấy những gì ông Phêrô đã thấy trong mộ, bạn có nghĩ là người ta đã trộm xác Đức Giêsu không? 
8. “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” vào mộ sau Phêrô. Ông đã thấy và đã tin (câu 8). Nhưng theo bạn, ông đã tin gì? Ông có tin rằng Chúa phục sinh như bà Maria Mácđala ở Ga 20,18 hay như các môn đệ ở Ga 20,25 không? Đọc Gioan 14,28-29.
9. Đọc Ga 20,9. Khi nào hai ông mới hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết?  Đọc Ga 2,17. 22.
 
HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B                           Mc 16,1-8
  1. Đọc Mc 16,1-2. Cho biết tên của ba phụ nữ đi mua hương liệu. Họ mua vào lúc nào? Họ đi ra mộ vào lúc nào, để làm gì?
  2. Đọc Mc 15,45-46. Ông Giô-xếp có dùng hương liệu khi táng xác Chúa không? Đọc Mc 16,1. Ba phụ nữ mua hương liệu để làm gì? Hương liệu có công dụng gì?
  3. Đọc Mc 16,3. Các bà có biết cửa mộ của Đức Giêsu được lấp bởi một tảng đá không? Đọc Mc 15,46-47. Bạn biết gì về cách mai táng của người Do-thái?
  4. Đọc Mc 16,3-4. Hãy cho biết cảm tưởng của các bà khi thấy tảng đã lớn che cửa mộ bị lăn ra? Khi ra thăm mộ, các bà có mong gặp được Chúa phục sinh không?
  5. Đọc Mc 16,5. Người thanh niên mặc áo trắng là ai? Đọc Mt 28,2-3; Lc 24,4; Ga 20,12. Các bà hoảng sợ, điều đó có lạ không? Đọc Lc 1,12.29-30; 2,9-10.
  6. Đọc Mc 16,6. Đây là lời mặc khải của vị thiên thần. Theo bạn, câu này quan trọng ở những điểm nào?
  7. Đọc Mc 16,7. Bạn nghĩ gì về cái hẹn này của Đấng phục sinh với các môn đệ? Đọc Mc 14,28.
  8. Đọc Mc 16,8. Câu kết này có làm bạn chưng hửng không? Khi thấy phản ứng của các bà như vậy, bạn thường đặt những câu hỏi nào?
GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về việc các phụ nữ ra thăm mộ Chúa lúc sáng sớm, đem theo dầu thơm? Các phụ nữ là những người đầu tiên nghe thiên thần loan báo Tin Mừng Chúa phục sinh. Họ cũng là những người được yêu cầu đi báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ. Bạn thấy phụ nữ có thể đảm nhận thêm việc gì trong giáo xứ của bạn?
 
PHẦN TRẢ LỜI              
  1. Sau khi Đức Giêsu bị bắt ở vườn Ghếtsêmani, tất cả các môn đệ đều bỏ Thầy mà chạy trốn (Mc 14,50), chỉ trừ Phêrô. Ông theo Thầy từ xa và vào dinh thượng tế, ở đó ông đã chối Thầy ba lần (Mc 14,54.66-72). Khi Đức Giêsu chết trên thập giá, Tin Mừng Máccô nói đến sự hiện diện của một nhóm phụ nữ. Họ nhìn Ngài từ xa (Mc 15,40). Đây là nhóm các bà “đã đi theo và phục vụ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê”. Họ đã “cùng với Người lên Giêrusalem” trong dịp lễ Vượt Qua này (Mc 15,41). Trong số đó có ba phụ nữ được kể tên rõ ràng, đó là bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ của hai ông Giacôbê và Giôxết, và bà Salômê (Mc 15,40.47; 16,1). Họ là những người đã chứng kiến Đức Giêsu chịu đóng đinh (Mc 15,40), và được mai táng (Mc 15,47). Họ sẽ là những người ra thăm mộ trước tiên khi ngày sabát kết thúc (Mc 16,1-2). Họ đi mua hương liệu vào khoảng 6 giờ chiều thứ bảy. Họ ra mộ vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, nghĩa là sáng chúa nhật. Họ ra mộ để tỏ lòng tôn kính mến yêu vị Thầy đã khuất, đồng thời để xức xác Thầy.
  2. Theo Mc 15,45-46, một thành viên có thế giá của Thượng Hội đồng là ông Giôxếp thành Arimathê, đã hạ xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá, bọc xác Ngài bằng một tấm vải gai do ông mua, rồi đưa xác Ngài vào mộ đục trong đá. Sau cùng ông lấy phiến đá lấp cửa mộ. Có vẻ đây là một cuộc chôn táng vội vã, vì không thấy nói đến việc ông dùng hương liệu để xức xác Đức Giêsu. Vào chiều ngày sabát, ba phụ nữ đã mua hương liệu để xức xác Đức Giêsu, vì lòng quý trọng với Thầy. Hương liệu là hỗn hợp dầu thơm quý giá làm từ nhiều loại nhựa cây khác nhau. Người ta xức trên xác chết những hương liệu này trước khi quấn lại bằng băng vải. Hương liệu không có mục đích để ướp xác cho khỏi bị phân hủy theo kiểu người Ai-cập, nhưng chỉ để làm bớt mùi của xác chết phòng khi phải cải táng sau này.
  3. Các bà đã chứng kiến việc chôn táng Đức Giêsu trong mộ và biết cửa mộ được lấp bằng một tảng đá lớn (Mc 15,46-47). Chính vì thế khi ra thăm mộ, điều làm các bà bận tâm là ai sẽ giúp họ lăn tảng đá ấy ra (Mc 16,3). Người Do-thái mai táng người chết trong hang đá, hay trong ngôi mộ đục vào núi đá vôi. Họ tắm rửa thi hài, xức bằng hương liệu (Mc 16,1; Ga 12,7; 19,39), sau đó quấn thi hài bằng những băng vải (Ga 11,44; 20,5). Khi thân xác đã rã tan, người ta bỏ xương người chết vào hộp hài cốt.
  4. Chắc các bà sửng sốt, vì thấy tảng đá to che cửa mộ bị lăn sang một bên (Mc 16,3-4). Hẳn phải một người có sức mạnh mới lăn được, nhưng các bà không biết là ai. Người đó lăn với mục đích gì, các bà cũng không rõ. Các bà chỉ sợ thân xác của Thầy mình bị xâm phạm, chứ các bà không nghĩ đến chuyện Thầy được phục sinh.
  5. Khi vào mộ, các bà thấy một người  thanh niên mặc áo trắng ngồi bên phải. Sự xuất hiện bất ngờ của người này trong ngôi mộ làm các bà hoảng hồn. Khi nhận ra đây là một thiên thần, chắc các bà còn sợ hơn. Trước đây ông Dacaria, Đức Mẹ và các mục đồng cũng đã sợ như vậy khi gặp thiên thần (Lc 1,12-13; 1,30; 2,9).
  6. Mác-cô 16,6 là một lời mặc khải quan trọng từ Thiên Chúa do thiên thần loan báo. Thiên thần báo cho các bà biết Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh, nay đã trỗi dậy, nghĩa là được Thiên Chúa phục sinh. Thân xác của Ngài không còn nằm trong ngôi mộ này nữa. Thiên thần mời các bà nhìn vào chỗ đã đặt xác Ngài trước đây. Bây giờ chỉ là chỗ trống. Như thế thiên thần vừa loan báo tin mừng phục sinh, vừa chứng minh cho các bà thấy Đức Giêsu đã sống lại thật: nơi Ngài nằm, không còn xác Ngài ở đó nữa. Ngôi mộ bây giờ là ngôi mộ trống.
  7. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã hứa sẽ đi đến Galilê trước các ông (Mc 14,28). Bây giờ, Ngài đang thực hiện lời hứa ấy (Mc 16,7). Thầy Giêsu phục sinh muốn hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê, nơi đầu tiên Thầy trò gặp nhau với nhiều kỷ niệm. Thầy muốn gặp họ dù cách đây mấy ngày, Phêrô đã chối Thầy (Mc 14,66-72) và các môn đệ khác đã bỏ trốn (Mc 14,50). Điều đặc biệt ở đây là vai trò của các phụ nữ. Đấng phục sinh, qua miệng vị thiên thần, đã yêu cầu các bà đi nhắc lại cho các môn đệ và ông Phêrô về cái hẹn quan trọng ấy. Đấng phục sinh đang chờ họ ở Galilê.
  8. Các bà đã ra mộ và gặp nhiều chuyện kinh khủng (tảng đá tự nhiên lăn ra, người thanh niên áo trắng, xác Thầy không còn nữa). Nếu họ kinh hãi khi chứng kiến những chuyện đó, thì cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu Tin Mừng Mác-cô kết thúc ở câu Mc 16,8 thì chúng ta sẽ cảm thấy chưng hửng, vì có nhiều câu hỏi được đặt ra: Khi nào các bà mới hết sợ? Khi hết sợ, các bà có đi báo cho các môn đệ về cái hẹn với Đức Giêsu ở Galilê không?