Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái: Luca Chương 14

print

BÀI 63: CHỌN CHỖ NGỒI (14,1-24)

I- GIẢI THÍCH

c 1 Đây là hoàn cảnh tạo dịp cho Đức Giêsu phát biểu ý kiến của Ngài.

     – “Một người biệt phái mời Ngài tới nhà dùng bữa”: Lc tường thuật lại những lần Đức Giêsu được các người biệt phái mời ăn (7,36  11,37  14,1). Cũng Lc ghi nhận những người biệt phái báo cho Đức Giêsu hay Hêrôđê mưu hại Ngài (13,31-33). Như vậy, trong Lc thái độ của biệt phái với Đức Giêsu không phải chỉ là tiêu cực, và Đức Giêsu cũng sẵn sàng mang ơn cứu độ đến cho họ.

     – Người biệt phái này là một kỳ lão, nghĩa là một trong những thủ lãnh của các biệt phái.

     – Bữa ăn này là bữa ăn Sabbat (qua câu 8, Đức Giêsu chuyển sang bữa tiệc cưới).

c 2-6 Đang bữa ăn, Đức Giêsu làm một phép lạ chữa bệnh. Phép lạ này cũng tương tự phép lạ chữa một phụ nữ còng lưng (xem bài 60: Lc 13,10-17): diễn ra trong một ngày sabbat, trước cặp mắt dò xét của những người pharisêu. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: Khi Đức Giêsu chữa người đàn bà còng lưng, người quản lý hội đường đã kịch liệt phản đối (13,14); còn ở đây các người biệt phái biết không đủ lý do để phản đối Đức Giêsu nên họ im lặng (c 4); và khi Đức Giêsu chất vấn họ rằng ngày sabbat có nên cứu người hay không thì họ ‘không thể đáp lại’ (c 6)

c 7 Sau khi chữa bệnh, Đức Giêsu chuyển đề tài. Ngài đưa ra một lời khuyên cho những kẻ được mời dự tiệc, và một lời khuyên khác cho chính người chủ tiệc.

     a/ Nói với những kẻ được mời, Đức Giêsu bàn về thói quen dành chỗ nhất.

     – Chỗ nhất là chỗ danh dự trong phòng tiệc, chỗ gần chủ nhất.

     – Đức Giêsu nhận thấy những kẻ được mời cứ tìm chỗ nhất: chú ý động từ ‘tìm’ ở thì imparfait (ils choisissaient) cho thấy đó là một khuynh hướng dành chỗ nhất trong phòng tiệc (20,46; Mt 23,6; Mc 12,38), trong Hội đường (11,43  20,46; Mt 23,6; Mc 12,38), thích được chào ở những nơi công cộng (12,46 và ss)

c 8 Đức Giêsu khéo nói để không đụng chạm trực tiếp tới người biệt phái đã mời Ngài.

     – Ngài không nói tới người biệt phái đã mở tiệc mời khách, mà bói “khi kẻ nào mời anh…”

     – Ngài không nói tới bữa ăn lúc đó, mà nói ‘tiệc cưới’.

c 9 Rất đúng với thực tế: những người quan trọng hay đến vào phút chót.

     – Lời dạy này cũng giống những lời dạy của nhiều bậc khôn ngoan khác:

     * Các sách Khôn ngoan của Cựu Ước: “Đừng ngồi vào chỗ của người lớn, vì thà người ta bảo bạn ‘hãy lên đây’ còn hơn là bạn bị bảo hãy dời xuống” (Cn 25,6-7; Si 7,4  13,9-10)

     * Sách của giới Lêvi: “Hãy tự tụt xuống hai ba cấp cách chỗ của ngươi, thà người ta bảo ngươi ‘hãy lên đây’ còn hơn là ‘hãy dời xuống dưới’” (Lv 1.5)

c 11 “Ai tự tôn sẽ bị hạ xuống, ai tự hạ sẽ được nâng lên”: nên chú ý hai điểm về văn phạm:

     a/ Thể thụ động cho thấy tác nhân là Thiên Chúa.

     b/ Thì tương lai ám chỉ tới lúc phán xét cuối cùng, khi đó sẽ có sự đảo ngược hoàn cảnh (xem bài Magnificat)

     – Lời dạy về cách cư xử khôn khéo trong phòng tiệc ngầm đưa đến lời dạy về thái độ để được vào Nước Trời, tức là phải tự hạ và sống như trẻ thơ (Mt 18,4; Lc 17,10  18,10-14)

     * Bài học mà Đức Giêsu đưa ra cho những kẻ được mời là về danh dự:

     – Danh dự của mình không phải do mình tự tìm kiếm (Anh đừng ngồi vào chỗ nhất)

     – Mà do người khác khách quan nhìn nhận nơi mình (Người đã mời anh đến nói: xin mời ông bạn lên trên)

     – Nhất là do chính Thiên Chúa ban cho mình (Động từ ‘tôn lên’ và ‘hạ xuống’ ở thể thụ động thần thiêng)

c 12 – Sau đó Đức Giêsu lạo đưa thêm một lời dạy khác cho chính kẻ đã mời Ngài:

     – “Đứng mời anh em, bạn hữu, họ hàng hay những người láng giềng giàu có”. Không phải Đức Giêsu cấm mời những hạng này, đây chỉ là một kiểu nói mạnh có nghĩa là ‘đứng chỉ mời’ những hạng ấy.

     – Ở đây không còn là bữa tiệc nữa mà là bữa ăn thường ban trưa hoặc ban tối.

     – Mời người chia sẻ bữa ăn là biểu lộ tình thương quảng đại và vô vị lợi. Cho nên không được tính toán để chỉ mời những kẻ có khả năng đáp lại.

c 13 “Hãy mời những người nghèo, người què, người cà thọt và người đui”: ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ ‘người nghèo’. Đức Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ (2Sm 5,8 theo bản LXX; Lv 21,18).

c 14 “Họ không có gì đáp lễ”: người đới thường cư xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Đức Giêsu khuyên hãy mời những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (*Ông sẽ được đáp lễ: thể thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động)

     – “Tới khi kẻ lành sống lại”: khôn phải Lc phủ nhận việc kẻ dữ sống lại, vì ở những chỗ khác Lc cũng có nói tới việc đó (Lc 20,35; Cv 24,15). Sở dĩ ở đây chỉ nói tới kẻ lành vì chỉ có kẻ lành mới sẽ được thưởng công sau này (xem vế kế tiếp).

II- KẾT LUẬN

            Người biệt phái có hai thói xấu là háo danh và tham lam, vụ lợi (Lc 20,46-47), do đó Đức Giêsu dạy hai đức tính ngược lại là khiêm tốn và bác ái vô vụ lợi. Dó cũng là hai đức tính cần thiết cho mọi người để được vào dự tiệc Nước Trời.

 

BÀI 64: KHÁCH ĐƯỢC MỜI XIN KIẾU (14,15-24)

I- GIẢI THÍCH

c 15 Ở câu 14 chuyện trước, Đức Giêsu vừa nói đến việc người lành được sống lại. Điều này khiến một người đồng bàn dự tiệc với Đức Giêsu liên tưởng đến hạnh phúc Nước Thiên Chúa nên mới thốt lên “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh về hạnh phúc Thiên Chúa ban (Is 25,6  55,1-3; Xh 24,11; Kh 19), cho nên ‘được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa’ có nghĩa là được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa.

c 16 Đức Giêsu dùng một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó rằng được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Nhưng Ngài đặt vấn đề: thực ra anh có sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy hay không?

c 17 Theo phong tục phương Đông, khách được mời từ trước. Khi đến giờ thì đến dự. Những người trong dụ ngôn này dù tới giờ cũng chưa đến dự nên tôi tớ của ông chủ phải đi nhắc.

 c 18-20 Thực ra khách mời rất đông nhưng Lc có thói quen chỉ liệt kê ba người thôi. Điểm đáng chú ý là cả ba đèu ‘nhất loạt’ xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi ‘cho tôi xin kiếu’, người thứ ba chẳng buồn nói một lời lịch sự. Nghĩa là tất cả mọi người đều không tha thiết với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Hai người đầu coi hạnh phúc ấy nhẹ hơn tiền của (đất, bò). Người thứ ba coi trọng hạnh phúc hôn nhân hơn. Điều này không có gì xấu (Đnl 24,5), nhưng không hợp với sứ mạng làm môn đệ Đức Giêsu (14,26).

c 21-24 Vì loạt người được mời lần đầu đã từ chối dự tiệc, ông chủ mời loạt người khác. Đó là những người ‘nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt’. Thực ra tất cả đều là ‘nghèo khó’những cũng theo thói quen, Lc diễn tả ra thành 3 hạng người. Cũng chính là những người đã được Lc nói đến ở 14,13. Họ tượng trưng cho lương dân. Phải hiểu chữ ‘ép’ cho đúng không phải là cưỡng bức mà là mời một cách khẩn khoản.

     – “Những khách được mời trước kia, không ai được dự tiệc của tôi”: Trong khi Mt 8,12 đe dọa loại bỏ toàn thể dân Do thái thì Lc chỉ đe dọa những người Do thái nào đã không tin nhận Đức Giêsu thôi.

II- Ý NGHĨA

            1/ Dân Do thái dù được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời những đã từ chối. Thế những sự từ chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa, một dân mới đã được mời vào thế chỗ cho dân Do thái.

            2/ Dụ ngôn này còn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa muốn mời tất cả mọi người vào Nước Ngài. Việc ai đang ở trong Nước Thiên Chúa không phải do công lao người đó, mà là do lòng tốt Thiên Chúa đã mời họ. Còn người nào không được ở trong Nước đó thì không phải là do Thiên Chúa, những do chính họ đã từ chối.

 

BÀI 65: TỪ BỎ ĐỂ THEO ĐỨC GIÊSU (14,25-35)

            Đến đây Lc đổi cảnh: những đối thủ thích bắt bẻ Đức Giêsu tạm thời vắng mặt, thay vào là một ‘đám đông người đi đường với Đức Giêsu’. Đức Giêsu nói với họ về điều kiện thiết yếu nhất để làm môn đệ Ngài: từ bỏ.

I- GIẢI THÍCH

c 25 “Có rất nhiều người đi đường với Đức Giêsu”: họ đang cùng với Đức Giêsu’tiến lên Giêrusalem’. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Đức Giêsu nói những lời tiếp theo.

c 26 “Ai theo Ta mà không ghét cha mẹ…”: ngôn ngữ Do thái diễn tả sự so sánh bằng hai cách dùng hai từ đối nghịch đặt cạnh nhau. Vậy ‘ghét’ chỉ có nghĩa là không thương bằng. Đức Giêsu đòi hỏi kẻ theo Ngài phải yêu mến Ngài trên tất cả mọi sự khác.

     – Cũng theo cách đó, Cựu Ước nói Thiên Chúa ‘thương Giacob và ghét Esau’ (Mlk 1,2-3, xem thêm St 29,31.33; Đnl 15,21-22; Ti 14,16).

     – So sánh với Mt 10,37 ta thấy Lc thêm vào một số túc từ của động từ ‘ghét’: vợ, anh chị em và ngay cả mạng sống… đòi hỏi trong Lc triệt để hơn.

     * Tóm ý các câu 25-27: Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu (‘đi theo’ Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, an hem và cả mạng sống mình nữa.

     Sau đó Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn:

c 28-30 Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không.

c 31-32 Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không.

     Câu chuyện của hai dụ ngôn này cũng dễ hiểu. Nhưng xem ra không có gì liên quan tới lời khuyên từ bỏ ở phần trên.

c 33 cho thấy mối liên quan đó: theo Đức Giêsu thì phải chấp nhận từ bỏ tất cả. Vậy trước khi theo phải tính toán cho kỹ.

II- KHÓ KHĂN

            Như đã nói, hai dụ ngôn tự chúng thì dễ hiểu, nhưng khó khăn là ở chỗ chúng áp dụng cho ai: cho mọi người tín hữu theo Đức Giêsu? hay riêng cho các ‘môn đệ’ theo nghĩa hẹp?

            – Lập trường 1: áp dụng cho mọi tín hữu:

            Làm người tín hữu thì phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Do đó có thể có những hoàn cảnh khiến họ vì phải trung thành với Chúa nên phải từ bỏ những gì thân thiết nhất. Do đó phải suy nghĩ kỹ trước khi dấn thân.

            – Lập trường 2: chỉ áp dụng cho người môn đệ theo nghĩa hẹp:

            Tức là những người đi tu. Đi tu là từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và có thể bỏ mạng sống nữa. Do đó phải suy tính kỹ.

            *Xem cours của Nil Guillemette trang 235-7, tác giả theo lập trường hai. Tuy nhiên, theo thiển ý, chúng ta có thể đồng ý với cả hai lập trường.