Một học trò có nhiều thầy cô – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

print

Một học trò có nhiều thầy cô

  1. THẦY SẦU RIÊNG

Mình đi dạo lang thang trong vườn Đan viện Xitô. Vườn mà mênh mông như rừng. Bỗng xuất hiện một hàng sầu riêng. Mình đếm một, hai, ba, bốn… đếm mãi mới hết. Lá sầu riêng lưa thưa không che được cái lõa lồ của trái. Kẽ nách này một chùm. Kẽ nách kia một quả. Không muốn giấu giếm, không thèm che đậy. Mình cười thầm trong bụng: “Khoe của”.

Mình thì thầm đếm. Mình im lặng ngắm. Trên màn ký ức xuất hiện biết bao kỷ niệm vui buồn về trái sầu riêng. Bất giác mình thốt lên: “Chào thầy”.

Mình vẫn coi trái sầu riêng là bậc thầy dạy mình rất nhiều về nhân tình thế thái. Trên thế giới hiện nay có bảy tỷ người, thì có lẽ 95% chẳng biết trái sầu riêng là gì. Còn lại 5% thì chia thành hai phe. Phe này ca tụng sầu riêng là “ngon tuyệt vời”. Phe kia thì chửi sầu riêng là “thối như xác chết”. Phe ca tụng thì lầm lầm lì lì cứ ngồi ăn hì hục. Vừa liếm láp vừa mút mát. Liếm mút đến trơ trụi cái hột, đến nhẵn nhụi mười đầu ngón tay. Ăn rồi vẫn tiếc hùi hụi…

Phe chửi thì ầm ĩ, mạt sát không tiếc lời. Lại còn ví von để bêu diếu: “Vàng vàng như…, nhão nhão như…, thum thủm như…”.

Mình đứng ở giữa không theo bên nào nhưng vẫn tự hỏi: “Ai đúng ai sai”. Ai cũng bảo là mình đúng và họ nói với tất cả tấm lòng thành của mình. Cuối cùng mình phải hỏi trái sầu riêng: “Sầu riêng ơi, mày thơm hay mày thối?”. Sầu riêng cố tình không trả lời. Mình hỏi cấp cao: “Chân lý ơi, sầu riêng thơm hay thối?”. Có tiếng trả lời: “Tương đối thôi”. Thì ra khả năng con người chỉ có thế. Đành phải chấp nhận nhau, tìm hiểu nhau và thông cảm với nhau thôi.

Thầy Sầu Riêng ơi, em cám ơn thầy.

  1. CÔ GIÁO MAI

Ông nhà vườn đang chuẩn bị hốt bạc. Ông trồng 1.000 cây mai. Ông chăm bẵm như cô bảo mẫu chăm sóc bé thơ. Ông bón phân. Ông tưới nước. Ông đo nhiệt độ ban ngày và ban đêm. Ông đo chiều cao của thân cây và chiều dài của cành xòe. Ông đi tới đi lui. Ông dừng chân và nhìn ngắm. Ông đặt tay lên trán và suy nghĩ… Người ta bảo ông nhà vườn phải lòng vườn mai.

Rồi bỗng dưng ông quên vườn mai. Không bón phân. Không tưới nước… Người ta tưởng ông ngã bệnh nặng… Không phải. Ông mê cờ tướng, ngồi đánh cờ suốt ngày. Người ta xì xào: “Bán đồ phi phế”, “Đánh trống bỏ dùi”; “Mê bồ nhí, thí phu nhân”. Nói mãi chán mồm, không ai thèm nhắc đến ông nhà vườn và 1.000 cây mai nữa.

Bỗng ông nhà vườn lại xuất hiện nhưng không tưới bón mà còn phá phách. Ông ngắt hết lá của 1.000 cây mai, biến rừng xanh thành vườn chết cháy. Một ngàn cây mai giống như một ngàn thằng chết đói, giơ tay khẳng khiu van xin cháo thí… Người xấu mồm bảo:

 “Thằng khùng giãy chết”; “Con điên xé váy”. Ông nhà vườn nghe biết, nhưng không thèm chấp nhất.

Thời gian trôi nhanh. Ngày đầu Xuân sầm sập đi tới. Rừng mai chết biến thành rừng hoa mai vàng bạt ngàn. Trập trùng. Rực rỡ. Xe cộ từ thành phố đổ về nườm nượp. Con buôn xỉa tiền nhanh như máy. Ông nhà vườn hốt tiền nhanh hơn nhân viên môi trường hốt rác. Láng giềng xấu mồm bây giờ há hốc miệng. Chết điếng!

Từ ngày ấy, hễ cứ thấy cây mai thì mình lại ngắm nghía và suy nghĩ, rồi buột miệng: “Chào cô”. Cây mai là hình ảnh tuyệt vời để mình suy niệm Mầu nhiệm Cứu Độ: “Từ thụ nạn đến Phục Sinh”, “Từ khổ giá đến vinh quang”.

Cây mai cũng phải trải qua lịch sử: “Từ khổ gốc đến vinh quang”. Giáo dục trẻ em cũng phải theo gương cây mai. Mọi người muốn làm nên sự nghiệp cũng phải theo gương cây mai. Linh mục, tu sĩ muốn đạt được hào quang của bậc tu trì thì cũng phải nhận cây mai là cô giáo của mình.

Chào Cô Mai.

  1. THẦY “SANH-SI-SỌP-GỪA”

Mình đi lượm rác xung quanh nhà thờ, nhác thấy một cây gừa thò đầu ra từ trong kẽ tường. Tức quá, mình túm lấy ngọn nó, kéo thật mạnh. Đứt ngọn. Mình lảo đảo muốn té… Mà gốc và rễ vẫn nằm gọn trong kẽ tường. Thế là nó thắng, mình thua. Mình đứng lặng suy nghĩ…

Sanh-Si-Sọp-Gừa giống như bốn thằng đàn ông có bà con với nhau. Lập trường của chúng nó là sống khỏe, hơn là sống đẹp. Rễ của chúng nó bủa ra xung quanh gốc cây, để lấy muối khoáng y như các loại cây khác. Chúng nó còn cho rễ bung ra khắp mọi cành, mọInhánh. Rễ thả xuống tua tủa như tóc tiên. Rễ còn ôm chặt lấy thân cây như cánh tay vạm vỡ của thằng khổng lồ. Dùng rễ để tồn tại và tồn tại oai hùng. Nhưng để phát triển thì sao? Kế hoạch của chúng nó là không ồn ào như rễ. Chúng nó rất âm thầm và khiêm tốn.

Trái của chúng nó nhỏ xíu chẳng ai để ý. Chỉ loài chim mới thấy. Chim ăn rồi ỉa. Chim ỉa trên nóc nhà, trên đỉnh ngọn tháp. Trong cứt chim có hạt của chúng nó, hạt đó không bị hủy hoại. Nó âm thầm mọc lên. Mọc trên tháp, mọc trên ống máng, mọc trong kẽ tường. Bất khuất. Người ta tức mà chẳng làm gì được nó.

Bốn anh em nhà Sanh-Si-Sọp-Gừa vừa dạy mình một bài học về truyền giáo. Bài học ấy là:

– Hiến thân mình làm thực phẩm nuôi chim.

– Khiêm tốn biến thành cứt chim để được chim gieo giống hộ trên cao.

– Sống cho trọn vẹn nghĩa là sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác bất cứ tổ chức nào, bất cứ tôn giáo nào, miễn là tổ chức ấy có ý tốt. Khiêm tốn đến tận cùng, đến độ không ai biết đến, miễn là Đức Giêsu được rao giảng. Cứ thế Tin Mừng sẽ lớn lên, tồn tại, phát triển và bất khuất. Cám ơn Thầy Sanh-Si-Sọp-Gừa.

  1. CÔ ACB

Mình gặp một vị chủ chăn cao cấp, ngài vừa cười vừa kể chuyện:

“Có một cô làm việc trong Ngân hàng ACB. Cô mới xin học đạo và theo đạo. Tân tòng mà sốt sắng hơn đạo dòng! Nghe người ta khen mà tôi chưa gặp mặt cô lần nào. Bỗng hôm ấy, trong một dịp đại hội, có một người dẫn cô ấy đến giới thiệu với tôi.

Đã biết chuyện và sẵn có thiện cảm với cô, tôi nói chuyện vui vẻ và cởi mở ngay.

– Chị trở lại đạo hồi nào?

– Thưa (ngập ngừng), con “đi tới” chứ con không “trở lại”. Con theo đạo Phật. Đạo Phật quá hay. Bây giờ con khám phá ra là đạo Chúa hay hơn. Thế là con đi tới luôn. Con không “trở lại” đạo, vì con có đi sai đi lạc đâu mà “trở lại”…

Kể xong chuyện, ngài nhắc nhở mình: “Coi chừng đấy nhá. Chúng ta có thói quen nói là người ngoại trở lại đạo. Nói vậy thì vừa sai vừa xúc phạm đấy…”.

Nghe chuyện “cô ACB trở lại đạo”, mình hồi tưởng câu chuyện của nhà thơ Charles Péguy.

Năm 39 tuổi, Charles Péguy xin học đạo. Khi học Giáo lý, anh được giáo lý viên trình bày về Hỏa Ngục. Người ta thích nói về sự khủng khiếp của Hỏa Ngục, để người nghe vì sợ Hỏa Ngục mà không dám phạm tội. Rõ thật là hay mà không hay.

Sau khi kết thúc bài Giáo lý về Hỏa Ngục, giáo lý viên phỏng vấn Charles Péguy.

– Anh có sợ Hỏa Ngục không?

– Không!

– Ơ hay. Tại sao anh không sợ Hỏa Ngục?

– Tôi có xuống đó đâu mà phải sợ nó.

– Anh này buồn cười nhỉ. Tại sao anh biết là anh không xuống Hỏa Ngục?

– Tôi biết chứ, vì Chúa không muốn cho tôi xuống Hỏa Ngục. Tôi cũng không muốn luôn.

???!!!…

Vô tình Charles Péguy đã trở thành thầy giáo của giáo lý viên. Vô tình cô ACB trở thành cô giáo của mình. Cám ơn Thầy Charles Péguy. Cám ơn Cô ACB.

  1. THẦY PHILIPPHÊ

Được Thầy tuyển chọn, Philipphê mừng quá vội chạy đi khoe với Nathanaen: “Đấng mà Môsê và các ngôn sứ nói, tớ vừa mới gặp. Đó là Đức Giêsu, con ông Giuse, người làng Nadarét”. Nghe nói đến Nadarét, Nathanaen cười muốn bể bụng: “Nadarét có gì hay đâu?”. Quả vậy, mọi Ngôn sứ, mọi nhân tài đều xuất thân từ Samari và Giuđê. Galilê quê một cục. Nadarét quê hai-ba cục. Lịch sử minh chứng điều đó. Nadarét quê mùa tới mức độ người Ả Rập cũng biết và có một câu ngạn ngữ nói về cái quê mùa ấy của Nadarét: “Thằng đàn ông nào mà ông Trời ghét nhất, thì ông ấy cho nó một con vợ Nadarét”. Thế là đời nó tàn!

Nathanaen nói đúng quá, Philípphê đành ngậm tăm. Nhưng may quá, anh ta lại nảy ra một sáng kiến: “Thì cậu cứ đến mà xem”. Philípphê dẫn Nathanaen đến gặp Đức Giêsu… Thế là xong. Nathanaen cúi đầu trước Đức Giêsu Nadarét: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Philípphê lật thế cờ từ thua đậm thành thắng lớn.

Thấy Philípphê hí hửng sung sướng, mình nghĩ ngay đến chiến thuật bất ngờ của ông ta: “Cái gì mình thấy bí thì trao cho Đức Giêsu. Hễ gặp khó khăn vượt tầm tay thì nhờ Đức Giêsu giải quyết. Tâm hồn nào cứng cỏi mình không chinh phục được, thì cứ gửi gắm cho Đức Giêsu. Thế là xong”.

Trên đường truyền giáo, mình bắt chước Philípphê và thấy kết quả đến ngay trước mắt. Tự nhiên mình cảm thấy Philípphê như một người đàn anh giàu kinh nghiệm. Bất giác mình gọi ông là “thầy giáo của mình”

  1. CÔ GIÁO PEARL BUCK

Pearl Buck là con của một cặp vợ chồng người Mỹ sang truyền giáo ở Trung Quốc. Sống và lớn lên ở đấy. Bà am tường văn hóa Trung Hoa như người Tàu và hơn người Tàu. Bà là nhà văn được giải Nobel.

Mình biết bà từ khi đọc cuốn La mère (Người Mẹ) rồi cuốn Good earth (Đất lành). Nhờ bà mình có thêm mớ kiến thức về văn hóa Đông Tây. Nhờ bà mình có được nhiều chuyện dí dỏm để trình bày Tin Mừng.

Khi đọc cuốn Những người đàn bà vĩ đại của dòng họ Kennedy, mình khám phá ra một chân trời mới: một phương pháp truyền giáo khá mới lạ.

Bà Pearl Buck là bạn thân của mẹ Tổng thống Kennedy. Bà Pearl Buck là tín đồ Tin Lành nên mặc nhiên là chống Thánh lễ Misa và chức linh mục: coi chức linh mục là phạm thánh. Bà mẹ Tổng thống Kennedy là một tín đồ Công giáo: rất nhiệt thành, rất ham đi dâng lễ.

Một lần kia bà mẹ Tổng thống Kennedy mời bà Pearl Buck đi dự lễ. Đó là điều tối kỵ đối với tín đồ Tin Lành. Bà Buck nể bạn mà đi. Nhưng trong thâm tâm thì cứ thấy lợn cợn.

Sau lần dâng lễ ấy, bà Buck thú nhận: “Thánh lễ Misa của đạo Công giáo Rôma ru tâm hồn con người vào thế giới thần linh thật”.

Thay vì chống đối và kết án, bà Pearl Buck lại khen ngợi và tôn vinh, tại sao lại có một hiệu quả ngược chiều như thế? Mình ngẫm nghĩ và thấy rằng chính Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đã chinh phục bà Pearl Buck. Từ sự kiện ấy, mình quyết tâm mời người lương đi dự lễ. Lễ cưới, lễ truyền giáo, lễ bổn mạng họ đạo… mình động viên giáo dân mời tối đa bạn lương dân đến tham dự.

Mình nhận định như sau: Ai ghét đạo mà đi lễ, thì thôi ghét.
Ai vô tâm vô tình với đạo mà đi lễ, thì có thiện cảm với đạo. Ai có thiện cảm với đạo mà đi lễ, thì sẽ xin theo đạo. Kết quả đó là do chính Đức Giêsu Thánh Thể thực hiện.

Một lần kia mình tổ chức lễ 20.11, mình gọi là ngày Nhớ ơn thầy cô. Ai trong họ đạo từ nhỏ tới lớn đã từng học với thầy cô nào, thì mời đến nhà thờ dự lễ để cha sở có điều kiện cám ơn các thầy cô chung một lần. Sau Thánh lễ các cô phát biểu: “Cha ơi, chúng con khóc hết, chịu không nổi. Cả nhà thờ cùng đứng, cùng ngồi, cùng hát, cùng im lặng. Nhất là khi các em cùng cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho thầy cô”. Các thầy thì không khóc, nhưng thành thật công nhận: “Ấn tượng quá linh mục ơi!”.

Bà Pearl Buck ơi, nhờ bà mà tôi mới nghĩ ra cách truyền giáo này. Cám ơn bà! Xin bà cho tôi gọi bà là cô giáo của tôi.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn