Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

print

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

dongten.net

Các bạn thân mến!

Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong đời sống con người. Người ta có thể chia tôn giáo thành tôn giáo tự nhiên, tôn giáo mặc khải, tôn giáo bản địa, tôn giáo của lề luật, tôn giáo độc thần, tôn giáo đa thần. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là đâu là kinh nghiệm đích thực về tôn giáo. Kinh nghiệm đích thực về tôn giáo hệ tại ở kinh nghiệm của việc gắn bó với Lời.

Lời có rất nhiều ý nghĩa. Lời có thể là lý trí, là giáo huấn, là Ngôi Vị, là tiếng nói phát ra từ lòng người. Lời mà chúng ta muốn nói đến mang 3 khía cạnh.

Thứ nhất, “Lời của Đấng tạo thành ngươi”

Đây là Lời của Thiên Chúa, Lời của Đấng sáng tạo, Lời của Đấng cứu chuộc, lời của Đấng cứu độ. Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời. Thiên Chúa phán: “Hãy có…” Và muôn vật tồn tại. Lời này là Lời của Thiên Chúa và đồng nhất với Thiên Chúa.

Lời Chúa còn là Ngôi Vị, là chính Đức Giê-su Ki-tô. Lời này có tương quan với Cha và Thánh Thần. Nhờ Ngôi Lời này mà muôn vật được tạo thành. Thánh sử Gioan viết: “ 1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Lời này là Lời từ trên đi xuống, Lời cư ngụ sâu thẳm trong tâm hồn con người. Lời này hiện diện nơi “bề sâu của thực tại.” “Thiên Chúa sâu thẳm hơn chỗ sâu thẳm của lòng người.” Điều mà bạn và tôi được mời gọi là nhận thức đúng đắn về Lời, yêu mến Lời, gắn bó với Lời và sống theo Lời.

Đây cũng chính là Lời mà Mô-sê mời gọi con cái Israel hãy tuân giữ và là điều kiện để họ trở thành một dân tộc vĩ đại và khôn ngoan. “1 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em.” Kinh nghiệm về việc sống với Lời, gắn bó với Lời là kinh nghiệm về tình yêu và kinh nghiệm mở ra với một Ngôi Vị là chính Đức Giê-su Ki-tô. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI trong Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu có viết: “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát.” Nói cách khác kinh nghiệm về tôn giáo không phải là kinh nghiệm về việc tuân giữ lề luật hay những yếu tố đạo đức nhưng là kinh nghiệm có tính siêu việt với một Đấng biến đổi toàn thể con người trong tôi và thế giới bên ngoài.

Thứ hai, Lời bị biến dạng

Như đã nói ở trên kinh nghiệm tôn giáo không chỉ hệ tại ở việc tuân giữ lề luật hay những đòi hỏi luân lý nhưng là kinh nghiệm gặp gỡ với một Ngôi Vị có khả năng thay đổi toàn thể thế giới trong tôi và bên ngoài tôi. Bạn biết được điều đó do Thiên Chúa mặc khải. Việc Thiên Chúa mặc khải là một chuyện nhưng việc con người đón nhận mặc khải, đón nhận Lời ra sao lại là chuyện khác. Tin Mừng hôn nay cho bạn thấy những cặp phạm trù trái ngược: truyền thống và phi truyền thống, sạch và dơ, thứ yếu và thiết yếu, hình thức và nội dung, hiện tượng bên ngoài và bản chất bên trong, công chính và giả hình, lề luật phàm nhân và ý muốn của Thiên Chúa. Những điều này buộc bạn và tôi phải lựa chọn. Tôi chọn điều gì? Và điều mà tôi chọn xuất phát từ đâu và dẫn tôi đến đâu?

Những người Pha-ri-sêu đã giải thích sai lề luật. Họ dùng lề luật để đánh giá kinh nghiệm về tôn giáo. Nói cách khác tôn giáo hệ tại ở việc tuân giữ lề luật hơn là việc gặp gỡ với Thiên Chúa. Lề luật phục vụ cho con người thế nhưng những người Pha-ri-sêu lại dùng lề luật để cản trở con người đến với Thiên Chúa. Họ nhân danh truyền thống để giữ lề luật mà quên mất yếu tố nội tâm và chiều sâu bên trong. Họ chú ý đến yếu tố “môi miệng” mà quên yếu tố “tấm lòng.” Việc hiểu sai lề luật và ý nghĩa tôn giáo có thể dẫn đến những thực hành sai trái. Điều này bắt nguồn từ nhận thức sai lầm của con người về Thiên Chúa. 

Lời Chúa trong thực tế bị bóp méo khi tôi có nhận thức sai lầm về Thiên Chúa. Con người bắt Thiên Chúa phục vụ cho mình. Lời Chúa phục vụ cho lợi ích, đảng phái, hệ tư tưởng hơn là định hướng và hướng dẫn đời sống con người. Như thế, thay vì để cho Lời Chúa hướng dẫn, con người bắt Lời Chúa và uốn nắn Lời Chúa theo tư lợi và nhận thức sai lầm của mình. Họ dùng Lời Chúa để hợp lý hóa cho mục đích và những toan tính riêng. Đây là những người biến Lời Chúa thành nô lệ cho mình chứ không phải mình làm theo sự hướng dẫn của Lời Chúa.

Thứ ba, Lời xuất phát từ bên trong

Khi nhìn vào nội tâm con người, bạn thấy có hai chuyển động. Một chuyển động mời gọi bạn hướng về phía trên cao, hướng về những thực tại trên trời và Thiên Chúa. Nhưng đồng thời nơi tâm hồn của bạn, bạn cũng thấy có những chuyển động kéo bạn xuống thấp, kéo các bạn xa rời Thiên Chúa và anh chị em mình. Cõi lòng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa nhưng cũng nơi lòng người bạn thấy xuất hiện những yếu tố mà bạn gọi là nguồn gốc của sự dữ. Cũng chính nơi lòng người, bạn thấy xuất hiện những toan tính, nhỏ nhen ích kỷ, ghen tuông, giận hờn, hận thù…vv “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”

Chúa Giê-su khẳng định không có điều gì xuất phát từ bên ngoài làm cho con người ra ô uế nhưng những cái từ bên trong con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế. Trong khi những người Pha-ri-sêu chỉ chú ý đến yếu tố bề ngoài, môi miệng thì Chúa Giê-su lại nhất mạnh đến yếu tố bên trong, đến yếu tố lòng người. Muốn thay đổi con người, bạn cần phải thay đổi từ bên trong. Muốn thay đổi từ bên trong, bạn phải thay đổi từ trái tim. Muốn thay đổi trái tim, bạn phải thay đổi cuộc gặp với Lời. Muốn trở nên thanh sạch, bạn phải thanh tẩy tâm hồn, sống đúng với bản chất của mình, sống theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, Lề Luật của Thiên Chúa, Chân Lý được gieo vào lòng người. Đó là quý trọng lề luật mến yêu nhân nghĩa, sống theo Luật Chúa, và yêu mến Thiên Chúa và tha nhân bằng chính trái tim và tâm hồn của mình. 

Như thế kinh nghiệm tôn giáo không phải là kinh nghiệm dừng lại ở việc tuân giữ những quy luật và những đòi hỏi về mặt luân lý nhưng là kinh nghiệm gặp gỡ đích thực về Lời. Lời đó vẫn hiện diện bên ngoài bạn, bên trong bạn và bên trên bạn. Lời mà từ đó muôn vật hiện hữu và đồng thời cũng là nơi mà muốn vật hướng về.