Lá thư ngỏ gửi ông Giaia – Lm Piô Ngô Phúc Hậu

print

Lá thư ngỏ gửi ông Giaia

Ông Gia-ia kính mến!

Hôm ấy Thầy tôi vừa về tới nhà anh Simon, thì bà con kéo nhau đến. Dập dìu. Tíu tít. Bỗng tôi thấy ông từ xa, vội vã đi tới. Đi như bơi. Đi như bay. Nhìn khăn áo xênh xang của ông, tôi biết ngay ông là ai rồi. Ông là thủ lãnh Hội Đường. Ông đến để theo dõi, để bắt bẻ Thầy tôi. Thấy mặt ông là tôi ghét rồi.

Nhưng không… Tôi thấy ông phủ phục dưới chân Thầy tôi. Tôi chạy vội tới. Ông nghẹn ngào, ông nhệu nhạo:

– Con gái tôi sắp chết rồi. Xin Thầy thương đến cứu nó.

– Mời ông đứng dậy. Chúng ta cùng đi.

Ông Gia-ia ơi, từ giờ phút này, tôi không còn có thành kiến về ông nữa. Tôi thương mến ông quá chừng. Tôi lẽo đẽo đi theo Thầy. Tôi ghi khắc từng thái độ, từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông.

1. Ông rảo bước bên cạnh Thầy tôi. Hai chân bước thoăn thoắt, nhưng hai bàn tay vẫn đan nhau và cúi đầu mà đi. Có vẻ kính trọng, lắng nghe và suy nghĩ. Dân chúng xô lấn dẫm đạp lên nhau. Ônglấy vai đẩy quần chúng ra để bảo vệ Thầy. Nhưng nhiều lần tôi thấy ông cố tình lợi dụng sức xô lấn của quần chúng, để chạm mạnh vào cánh tay của Thầy tôi một cái. Dễ mến quá, mà cũng đáng kính quá! “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

2. Tôi thấy ông đang đi, bỗng đứng khựng lại, dang tay, trợn mắt:

– Cái gì đấy mày?

– Thưa ông, Bé chết rồi. Đừng phiền Thầy nữa.


Ông lấy hai bàn tay bưng lấy mặt, hự lên một tiếng. Tuyệt vọng! Thầy tôi ôm lấy vai ông, an ủi,vỗ về:


– Không sao đâu ông ạ. Cứ tin là được.


– Hu… hu… Xin Thầy thương cứu con tôi với.

Ông ơi, tôi chưa bao giờ thấy một người đàn ông mà khóc hù hụ như thế. Ông bị sốc. Đang hy vọng tràn trề, thì tuyệt vọng. Nếu Bé còn thoi thóp, thì còn hy vọng. Bây giờ nó đã tắt thở, Thầy cũng phải bó tay.

Thầy tôi nhìn thẳng vào mặt ông. Ánh mắt đầy quyền lực. Ánh mắt đầy tình thương. Tôi thấy ông ngước mắt nhìn Thầy tôi. Thầy tôi khẽ mỉm cười. Ông vui vẻ nắm lấy tay Thầy tôi và dìu nhau đi. Quần chúng ngơ ngác một lúc, rồi lại ồn ào và xô đẩy nhau đi, y như một dòng thác

3.Nhà ông kia rồi. Đàn ông thì lố nhố, chạy tới chạy lui, dựng cái lều, buộc sợi dây, khiêng cái bàn… Đàn bà thì xõa tóc, bò lê bò càng, vừa than vừa khóc. Người khóc thì gào lên, xé áo, giật tóc. Người than thì vừa gật gù, vừa kể lể nỉ non, có vần có điệu.

Vừa về tới sân, ông lao ngay vào chỗ Bé nằm. Ông làm gì trong đó, thì tôi không biết. Tôi đứng với Thầy ở ngoài sân. Dân chúng chỉ biết nhìn, chả biết phải làm gì. Thầy tôi đứng thẳng băng, giơ tay vỗ bốp bốp, làm hiệu cho mọi người im lặng, để lắng tai nghe: “Bà con ơi, đừng khóc nữa. Bé có chết đâu. Nó ngủ đấy mà”. Giọng Thầy có chút khôi hài.

Thế là đám tang biến thành đám biểu tình. Đàn bà đang than khóc thảm thiết, bỗng chùi khô nước mắt, đổi giọng, để chửi tơi bời hoa lá.

– Nó chết mà bảo là nó ngủ. Vô duyên!

– Ông tưởng chúng tôi ngu cả hay sao mà không biết thế nào là ngủ, thế nào là chết.

– Đùa không phải chỗ. Chết mà bảo là ngủ.

– Người lớn mà ăn nói như trẻ con.


– Dân Nadarét nó vậy đấy.

Đàn bà thì đua nhau chửi. Đàn ông thì đứng nhìn, khều nhau, tủm tỉm cười. Vô tư. Thầy tôi thì đứng thẳng, khoanh tay, nhìn các bà nổi tam bành, không buồn, không giận. Dường như có chút hóm hỉnh. Bỗng Ngài lập nghiêm, tuyên bố chắc nịch: “Xin bà con đứng hết ở ngoài sân, không ai được vào trong nhà”. Nói xong Ngài làm hiệu bảo Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng Ngài đi vào chỗ Bé đang nằm chết. Hai vợ chồng ông thì đã ở trong ấy rồi.

Tôi chạy vội đến ô cửa sổ để nhìn trộm. Tôi thấy Bé nằm trên giường, da mặt xám ngoét. Vợ ông gục mặt trên ngực Bé, khóc nức nở. Ông đứng phía bên kia, hai tay bịt mặt, đứng lặng như một pho tượng. Thầy tôi dang tay, ngước mắt nhìn lên. Y như xuất thần. Im lặng bao trùm, mọi người nín thở chờ đợi. Lâu lắm, lâu lắm. Bỗng Thầy tôi bước ba bước tới chỗ ông đứng. Vẫn im lặng. Thầy tôi im lặng nhìn Bé. Mọi người im lặng nhìn Thầy tôi. Trên khung cửa sổ chỉ còn có những cặp mắt không chớp, nhìn lom lom.

Bỗng Thầy tôi cúi xuống, cầm lấy bàn tay chết của Bé, mỉm cười gọi:

– “Talitha Koum! Bé ơi! Dậy đi, con”

Bé ngồi phắt dậy, nhảy xuống nền đất, chạy lại ôm lấy Thầy tôi. Ông chạy lại ôm cả Thầy tôi lẫn con của ông. Vợ ông cũng chạy lại ôm lấy Bé. Dân chúng ở ngoài sân chạy vào, thi nhau xoa đầu Bé. Một cơn mừng điên bùng vỡ

Khi cơn mừng điên dịu xuống, Thầy tôi bảo vợ chồng ông: “Bé đói. Cho Bé ăn đi”. Vợ ông đưa bé vào nhà bếp. Còn ông thì đứng chết trân, chẳng biết nói gì, chỉ biết khóc. Khóc vì biết ơn. Khóc vì yêu mến. Khóc vì mừng quá. Bỗng ông quỳ xuống, ôm chân Thầy tôi và thốt lên: “Thầy”. Thế là từ giây phút này, chúng ta có chung một Thầy. Chúng ta là anh em.

4. Mọi người đều mừng, mừng như điên. Nhưng dường như Thầy có một nỗi lo. Thầy nói to cho mọi người đều được nghe: “Đừng cho ai biết chuyện này nhá”. Ai nấy đều trợn mắt hỏi nhau. Chẳng ai hiểu tại sao. Dường như ông cũng chẳng hiểu gì. Mặt ông nghệt ra. Thấy mà tội nghiệp…

Ông Giaia thân mến!

Thầy chúng ta không còn ở đó nữa. Niềm vui điên đã lắng đọng. Nhưng dư âm vẫn còn phảng phất về lâu về dài. Gia đình ông hạnh phúc hơn xưa nhiều. Vợ chồng ông cứ xoắn lấy hình ảnh của Thầy. Cháu Bé của ông cứ nhắc đến Thầy hằng ngày, hằng đêm. Hình ảnh của Thầy, ánh mắt của Thầy, giọng nói của Thầy lúc nào cũng đầy ắp trong ký ức của ông. Một kỷ niệm không phai mờ. Một hồng ân không bao giờ quên.

*****

Ông Giaia ơi, chuyện về gia đình của ông đến đây là tạm ngưng. Bây giờ tôi muốn cùng ông trở về những kỷ niệm quá khứ, để nhìn ngắm Thầy kỹ hơn, để yêu Thầy nhiều hơn.

1. Khi ông tuyệt vọng vì nghe tin con ông đã chết, tôi thấy Thầy bị xúc động. Ngài ôm vai ông, vỗ về như một người mẹ. Ánh mắt của Người, giọng nói của Người như thấm vào tim, như ngấm vào ruột gan. Tôi không ngờ: Thầy là đàn ông mà cũng nhạy cảm như phụ nữ; Thầy là nam nhi mà cũng hiền từ như một người mẹ. Cao to như thế, uy nghi như thế, vậy mà cũng dịu dàng, cũng ngọt ngào đáo để. Đáng kính là thế. Dễ thương là vậy. Nếu tôi là Thầy thì tôi chẳng vỗ vai ông, chẳng an ủi ông đâu. Kệ. Đàn ông cứng rắn, vỗ về làm chi. Nhưng may quá, Thầy không phải là tôi, Thầy là quả tim, nên ông được trìu mến, được cảm nghiệm Thiên Chúa là tình yêu.

2. Anh nghĩ gì về đám phụ nữ đến khóc thương con anh hôm ấy? Đang khóc như thế, mà bỗng dưng quên bẵng. Quên khóc để chửi. Y như khóc mướn. Y như khóc giả. Buồn cười thật!

Anh nghĩ gì về Thầy? Thầy lỡ lời, nên bị đàn bà chửi? Hay là Thầy cố tình nói ngang, để cho đàn bà chửi? Tôi nghĩ rằng lúc đó anh chẳng quan tâm gì đến việc này. Con tim của anh đang tê dại về cái chết của con Bé, thì còn lòng dạ nào, để đánh giá thái độ của Thầy và của đám đàn bà ấy. Nhưng tôi thì theo dõi và nắm bắt mọi chi tiết.

Thấy đàn bà thi nhau chửi, tôi chỉ cười thầm trong bụng, vì tôi thấy Thầy rất bình tĩnh. Thầy tủm tỉm cười, hấp háy cặp mắt, tiên báo một chiến thắng dòn dã… Đúng thế thật. Khi Bé ngồi dậy thì mọi người chen nhau vào trong nhà để chứng kiến phép lạ. Còn đám đàn bà thì trốn hết xuống bếp, vừa cười vừa nói chí chóe:

– Tao lỡ mồm chửi ông ấy. Bậy quá! Tao xấu hổ muốn chết.

– Đứa nào già mồm nhất, thì phải thay mặt chị em mà đi xin lỗi ông ấy.

– Ừ, phải đấy. Ông ấy không giận đâu.

– Tao sẽ xin làm đệ tử của ông ấy, để đền tội.

– Phải rồi, nhờ chị Mácđala nói giùm cho.


Anh thấy Thầy cao tay chưa. Làm bộ dại để cho đàn bà chửi. Chửi hai phút rồi yêu suốt đời. Khôn ơi là khôn. Mấy bà phụ nữ ấy sau này đi truyền giáo, thì mạnh miệng hơn ai hết.

3. Khi con bé của anh sống lại, ai nấy đều mừng. Mừng quá mà quên rằng nó đang đói. Chỉ có một mình Thầy nghĩ ra điều đó và bảo vợ chồng anh lấy cơm cho nó ăn.

Thầy là mẫu người rất lạ: chuyện lớn không bỏ, chuyện nhỏ không quên. Cho Bé sống lại là việc lớn. Lo cho Bé ăn là chuyện nhỏ. Cái nào Thầy cũng chu toàn. Tôi nghiệm ra rằng Thầy là một người đàn ông hoàn hảo nhất, cộng với một người đàn bà chu đáo nhất. Trên đời chỉ có một người như thế thôi. Xin anh cùng tôi chắp tay xá Thầy một ngàn cái.

4. Thầy căn dặn rất kỹ: “Đừng cho ai biết việc này”. Tại sao kỳ vậy? Việc này quá lớn, ai cũng biết cả rồi. Vậy tại sao Thầy lại không cho nói? Tôi hiểu tâm và ý của Thầy. Ý Thầy muốn nói là đừng đề cao Thầy, kẻo làm xấu mặt các ông Pharisêu và kinh sư. Uy tín của Thầy lên, thì uy quyền của họ xuống. Thế là họ gây khó, để trả thù. Kết quả là việc loan báo Tin Mừng bị ngưng trệ.

Thầy không nghĩ đến bản thân, chỉ lo cho Tin Mừng. Dân chúng yêu Thầy, nhưng yêu sai, làm khổ cả Thầy lẫn Tin Mừng.