Lịch Sử GP Long Xuyên (Kỷ niệm 60 năm thành lập 1960-2020): Bài 1-3

print

Lịch sử giáo phận Long Xuyên

Nguồn: GP Long Xuyên

Lời mở đầu

Nhân dịp mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận Long Xuyên (1960-2020), chúng ta cùng nhau nghiên cứu và học hỏi về lịch sử giáo phận để thấy những bước tiến, những khó khăn, những nỗ lực, những hy sinh của các bậc cha ông trong việc sống đạo và truyền đạo. Thấy, biết, hiều, và rồi sẽ sống theo gương cha ông, để đức tin ngày một toả sáng trên vùng đất Cửu Long, nơi giáo phận đã được khai sinh, lớn lên và phát triển.

 Sau đây là loạt bài lịch sử giáo phận Long Xuyên, bao gồm những tài liệu xưa và nay, những bài viết về lịch sử và hoạt động tông đồ của giáo phận, v.v.

Vì thời gian, tài liệu và tra cứu có hạn, xin lượng thứ những sai sót và xin giúp đính chính.

                                                           Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

ĐỊA PHẬN LONG XUYÊN[1] 1962.

Phần I (Bài 1)

Phần II (Bài 2)

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN MƯỜI HAI TUỔI[1]

Phần I (Bài 3)

ĐỊA PHẬN LONG XUYÊN[1] 1962

Phần I

LỜI CHỦ CHĂN

Trong niên lịch Địa phận 1962, lời của Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đã nói lên tất cả lòng tin mộ đạo của giáo hữu Long Xuyên cũng như đã bộc lộ những lo lắng của hàng Giáo sĩ trước tình trạng hiện nay của Địa phận.

Ngài nói: “Than ôi! Địa phận Long Xuyên còn đến 47 họ nhánh xa xôi côi cút không linh mục, mà trong hoàn cảnh hiện tại, thỉnh thoảng mới được một lễ Misa (thánh lễ). Thương lắm, Chúa nhật, tựu nhau dưới mái nhà thờ không Chúa, không cha, đọc hết kinh ngày Chúa nhật đến lượt kinh xem lễ thiêng liêng theo kinh chiêm lễ. Khi tới đoạn dâng Máu Thánh Chúa, thì một cái chuông nhỏ rung lên. Mọi người cúi đầu thờ lạy cung kính, hướng lòng về một nhà thờ nào mình quen biết có diễm phúc được lễ Misa thật sự…

“Cảnh cô quạnh thiếu thốn ấy, chủ chăn hèn mọn Địa phận Long Xuyên Chúa nhật nào cũng nhớ đến mà đau lòng, và ước gì ở được nhiều nơi một lúc để sống giữa anh chị em, ban cho hết mọi phép bí tích, mọi ơn lành mà quyền Giám mục có thể ban được! Ước gì chóng thêm số linh mục để cho mỗi họ ít là một cha”.

ĐÂY LONG XUYÊN

Với hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Với những thắng cảnh còn mang nặng dấu lịch sử dân tộc: Hà Tiên, Phú Quốc, Núi Sập, Núi Sam, Gò Óc Eo, Hòn Tre…

Với những nỗ lực mở mang ở các khu dinh điền Cái Sắn, U Minh, Đất Đỏ.

Với một khung cảnh Phật Giáo Hoà Hảo ngày nay còn ảnh hưởng lớn trong dân chúng.

Với dân chúng gồm người Nam, người Bắc, người Khmer, người Chăm với những phong tục khác biệt nhau.

Nhưng với những nỗ lực hy sinh để xây dựng và kiến thiết cho ngày mai, một ngày mai mà chúng ta tin tưởng đầy hứa hẹn.

ĐÂY HẬU GIANG

Đây Hậu Giang! Đây Hậu Giang!

Nhánh sông gắn bó Cửu Long Giang

Phù sa cuộn chảy trong dòng nước

Khói sóng hoà hơi trở xóm làng.

Nói đến miền Hậu Giang là trí óc chúng ta nghĩ ngay đến những cảnh sông nước mênh mông, những kinh rạch chằng chịt, với nước đục ngầu tải từ 400 đến 1.200 triệu thước khối phù sa mỗi năm, bồi đắp non sông đất Việt.

Nói đến miền Hậu Giang là nói đến những vùng bùn lầy, toàn một thứ rừng nước, rừng bần, vẹt, đước, – những thứ cây tự nhiên mọc ở chỗ đồng chua nước mặn, – mỗi ngày tuỳ theo tuần trăng được nước thuỷ triều dâng lên làm ngập che giấu cảnh hoang tàn.

Nơi đây ôm ấp bao bí mật, bao lo sợ, bao khó khăn, bao tranh đấu, bao đau khổ. Đối với những người ở xa, Hậu Giang gợi lại những tên rùng rợn: Cà Mau, Tháp Mười, Cái Sắn, U Minh, Tri Tôn, Tịnh Biên và khơi lại những kỷ niệm thời loạn lạc…

Nhưng miền Hậu Giang kia mang cả một niềm hy vọng ấm no, không phải chỉ cho dân tại chỗ mà còn cho cả miền Nam Việt Nam nữa, vì Hậu Giang cũng còn là cánh đồng bao la những ruộng là ruộng.

Địa lý An Giang và Kiên Giang

An Giang (hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ):

Diện tích: 3.832 csv (cây số vuông, tức là km2)

Dân số (1960) 811.431

Việt Nam: 761.397

Việt-Miên: 47.657

Chăm-Mã Lai: 2.206

Hoa kiều: 97 (chưa nhập Việt tịch)

Miên: 63 (chưa nhập Việt tịch)

Kinh tế:

Lúa: 310.020 mẫu tây

Bắp: 2.444 mẫu

Đậu xanh: 2.170 mẫu

Đậu nành: 100 mẫu

Mía: 900 mẫu

Dừa: 200 mẫu

Thuốc lá: 1.030 mẫu

Cây ăn trái: 1.200 mẫu

Bố: 600 mẫu

Tỉnh An Giang còn có hầm đá Núi Sập và Núi Sam.

An Giang cũng là tỉnh có rất nhiều bò: năm 1960, có đến 137.800 con bò.

(Tài liệu theo Địa phương Tạp chí An Giang, xuất bản đầu năm 1961, trang 26).

Kiên Giang (hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên):

Diện tích: 6.828 csv

Dân số (1960): 403.325

Việt Nam: 332.101

Việt-Miên: 67.068

Việt Hoa: 2.867

Hoa kiều: 1.281

Và một ít người ngoại quốc khác.

Kinh tế:

Lúa: 229.000 mẫu

Khoai lang: 1.500 mẫu

Thơm (dứa): 2.215 mẫu

Mía: 800 mẫu

Dừa: 2.500 mẫu

Tại Rạch Giá, có hầm đá vôi và tại Hà Tiên, có nhà máy xi măng đang được kiến thiết.

Ở tại Hà Tiên, còn có sản phẩm địa phương rất nổi tiếng là đồi mồi.

(Tài liệu một phần theo báo Tự Do 14-7-1962, một phần của toà tỉnh Kiên Giang).

Miền Hậu Giang nằm gọn trong một vùng lớn ăn từ hữu ngạn sông Hậu Giang (Sông Cái, sông Sau, sông Ba Thắc) đến duyên hải Nam Hải và vịnh Thái Lan, gồm cách riêng 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, An Xuyên và Ba Xuyên.

Địa phận Long Xuyên gồm 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang cùng với một số đảo, cách riêng Phú Quốc. Cả Địa phận rộng 10.158 cây số vuông (theo niên lịch Địa phận Long Xuyên 1962, trang 276. Theo nhật báo Tự Do, tháng 7-1972: 10.660 csv. Theo Phan Phát Huồn “Việt Nam Giáo sử II trang 37: 11.137 csv) Dân số là 1.214.756 kể cả 93.777 người Công giáo.

Tỉnh An Giang (Long Xuyên và Châu Đốc cũ) về phía đông bắc giáp Kiến Phong; đông giáp Vĩnh Long; đông nam giáp Ba Xuyên (Bạc Liêu); nam tây giáp Kiên Giang; tây bắc giáp Cao Miên. Diện tích 3.832 csv.

Tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá và Hà Tiên) về phía bắc và đông bắc giáp Cao Miên và An Giang; phía đông giáp An Giang và Phong Dinh; phía Nam giáp An Xuyên và Ba Xuyên; phía tây giáp vịnh Thái Lan.

Tỉnh gồm 2 miền riêng biệt: một miền lục địa rộng 6.237 csv và đảo Phú Quốc, rộng chừng 600 csv.

Dân cư trong hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đa số sinh sống bằng nông nghiệp. Những đồng ruộng phì nhiêu nhất là ở vùng Rạch Giá đã là nơi tiếp đón từng vạn đồng bào Bắc Việt.

Cảnh đẹp Hậu Giang

Hai tỉnh An Giang và Kiên Giang là những nơi đã ghi lại nhiều trang sử Việt Nam và lúc này còn đóng một vai trọng yếu.

Viếng thăm An Giang, du khách có thể đi thăm đền thờ Thống Chế Thoại Ngọc Hầu ở chân núi Sập và mồ của ông tại Vĩnh Tế (núi Sam). Ông là người đã theo vua Gia Long, đánh đông dẹp bắc. Trước kia ông làm Khâm sai Thống binh Chưởng cơ ở Hà Nội, trấn thủ Lạng Sơn, trấn thủ Định Tường, Thống chế và sau cùng, năm 1819 được cử làm trấn thủ Vĩnh Thanh (Châu Đốc, Long Xuyên, Vĩnh Long). Ông đã đào kinh dài 72 cây số; rộng 20 thước nối Châu Đốc – Hà Tiên. Công việc vĩ đại này, qua những vùng chướng khí, đầy thú dữ như cọp và cá sấu đã làm cho dân phu bị ốm đau chết chóc. Có lần phải huy động đến 30 ngàn người làm việc.

Tại núi Sam (gọi là núi Sam vì giống hình con Sam nằm) có miếu Bà Chúa Xứ, xây cất từ năm 1825. Mỗi năm dân chúng tuôn đến đông đảo làm lễ vía Bà ngày 24, 25 và 26 tháng 4 ÂL.

Cũng tại núi Sam, còn có một ngôi chùa lộng lẫy gọi là Tây An Tự hay chùa Phật Thầy, do Đức Thầy Tây An sáng lập.

Tại quận núi Sập (Long Xuyên), ở gò Óc Eo, nhà khảo cổ Malieret năm 1944 đã tìm ra một thành phố chôn vùi dưới đất. Nơi đây, người ta đã đem ra ánh sáng nhiều bia khắc chữ Phạn, các tượng thần Bà La Môn, Phật, nhiều sọ người và dụng cụ. Người ta còn tìm thấy những đồng tiền vàng có chạm hình hoàng đế La-mã Antonin le Pieux có ghi niên triều thứ 5, tức là 152 sau Chúa Giáng Sinh. Các đồ cổ quý giá này hiện nay được trình bày tại bảo tàng viện Sàigòn.

Giữa đồng bằng mênh mông, du khách quen với chân trời bao la sẽ không khỏi ngạc nhiên nhìn thấy ở xa một cảnh đồi núi. Đó là dãy Thất Sơn với đỉnh núi Cấm cao 716 thước. Mùa nước lớn, vùng Thất Sơn (Bảy Núi) nổi lên giữa biển lúa sạ như những cù lao.

“Bảy núi mây liền chim nhíp cánh

Ba dòng nước chảy cá vênh râu”.

Qua tỉnh Kiên Giang

Du khách còn được sung sướng viếng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hà Tiên với hang động, hòn Phụ Tử, hòn Chông, Phú Quốc, Châu Nham…

Ở vùng Hà Tiên, người Trung Hoa là những người đến lập nghiệp đầu tiên. Ông Mạc Cửu được Hiền Vương cho đến khai thác Hà Tiên và phong làm Khâm sai Tổng binh.

Lúc ông chết, con ông là Mạc Thiên Tích được Nguyễn Vương phong làm Tổng binh Đại Đô đốc giữ trấn Hà Tiên. Chính ông đã lập những huyện Long Xuyên, Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bắc Liêu – Bà Xàu). Ông đã làm 10 bài thơ ca tụng cảnh đẹp Hà Tiên mà đây là bài Tổng Vịnh:

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,

Non non, nước nước, gẫm nên xinh.

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy

Nam Phố, Lũ Khê một mạch xanh

Tiểu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi

Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh

Bình Sơn, Thạch Động là rường cột

Sừng sững muôn năm cũng để dành.

Đọc đến lịch sử Việt Nam, chúng ta cũng nhớ rằng trong thời loạn lạc, Nguyễn Ánh đã trốn ở các vùng hòn Tre, hòn Rái, hòn Chông, Phú Quốc. Năm Ất Tỵ (1785) Chúa kéo binh vào U Minh, xây thành đắp luỹ ở Cạnh Đền, Rọ Ghe, Cái Bát để chống Tây Sơn. Sau 24 năm trốn tránh và tranh đấu, Nguyễn Ánh mới thành công xưng Vương Gia Long, năm Nhâm Tuất (1802).

Ở vùng này cũng xảy ra những trận khốc liệt năm 1862-1867 khi anh hùng Nguyễn Trung Trực chiêu mộ quân sĩ ở hòn Chông để chống Pháp. Sau mấy năm cầm cự, vì thế yếu, ông phải nộp mình để khỏi luỵ đến dân. Ông bị xử tử tại chợ Rạch Giá ngày 27-10-1868.

Những nơi hiểm trở này không lạ gì đã là những nơi có những trang sử rùng rợn, tranh đấu và anh hùng, ngày xưa trong cuộc chinh chiến với Xiêm La và Cao Miên, mới đây với quân đội Pháp và cho cả đến ngày nay nữa.

[1] Trích báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số tháng 9 năm 1962; đã được chỉnh sửa một vài chỗ cho thích hợp.

ĐỊA PHẬN LONG XUYÊN[1]

1962

Phần II

ĐẠO GIÁO

Ngoài 93.777 người Công giáo, còn số nhiều tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi Giáo và nhất là Phật Giáo Hoà Hảo.

Tại tỉnh Kiên Giang, những người Việt gốc Khmer đa số theo Phật giáo. Trong toàn tỉnh, có đến 44 chùa Phật giáo, cách riêng hai ngôi chùa lớn là Tam Bảo Tự và Thập Phương tự.

Đạo Tin Lành cũng có một số tín đồ lối 5.000 người thuộc 3 chi hội Rạch Giá, Kiến Tân và Kiến Bình.

Tín đồ Cao Đài thuộc nhiều phái, cách riêng phái Tây Ninh, Đạo truyền bá trong tỉnh từ Cù Lao Tây đã 25 năm nhưng không đáng kể là bao.

Ở tại Châu Phú, An Giang, 1.876 người thuộc dân Chăm và Mã Lai, mang tên là “Chăm Châu Giang” thờ Muhammad ông tổ Hồi Giáo. Họ có nhà giảng hình tròn và mỗi ngày lạy trời 5 buổi (5g30; 14g; 16g30; 19g30; 20g). Mỗi năm họ thường gởi phái đoàn hành hương Mecca. Họ theo những thói tục riêng, đọc sách tiếng Ả-rập. Tại Châu Giang, họ có 2 ngôi chùa lớn đẹp và kiến trúc tân kỳ.

Nhưng ở vùng này, Phật Giáo Hoà Hảo là tôn giáo hùng mạnh nhất, cách riêng ở tỉnh An Giang. Phật Giáo Hoà Hảo, tuy được Đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập, nhưng cũng đã tách ra nhiều phái.

Đi qua các nơi, chúng ta có thể nhận xét được tinh thần của họ vẫn còn hùng mạnh. Những ngôi chùa, những lá cờ nâu duy nhất, cuộc kiệu trên sông đều nhắc cho chúng ta biết rằng, ở nơi đây, người Phật Giáo Hoà Hảo chiếm 80% dân số.

ĐOÀN CHIÊN NHỎ

Lịch sử ghi lại: Dưới đời Mạc Thiên Tích làm Tổng binh Đại Đô đốc (1735-1780) giữ trấn Hà Tiên, ông có xây đắp thành vuông đặt tên là Phương Thành ở Kiên Giang. Hà Tiên dưới sự cai trị của ông đã trở nên phồn thịnh và được gọi là Tiểu Quảng Châu. Tàu ngoại quốc vào được hải cảng và các “cố đạo” đã xuống bờ để khởi sự cuộc truyền bá Phúc Âm.

Dưới đời Minh Mạng, người Công giáo đã đến tị nạn ở Cái Đôi, Cù Lao Giêng (1778), Bò Ót (1779). Vùng Năng Gù cũng đã trở nên phồn thịnh nhờ sự khai thác của nhóm người Công giáo mới đến. Tại An Giang, Á Thánh Lê Văn Phụng đã hy sinh tính mạng để nêu gương trung kiên với đức tin.

Qua những năm chiến tranh 1945-1954, người Công giáo Địa phận Long Xuyên cũng phải can đảm lắm mới giữ vững được lòng trung thành với Giáo Hội, vì xung quanh họ bao nhiêu khó khăn bao bọc.

Tại An Giang, đạo Công giáo chỉ có 6% đang khi đạo Phật Giáo Hoà Hảo chiếm đến 80% dân số. Đạo Cao Đài có 3% và các đạo khác, kể cả Phật giáo chỉ có 11%.

Tại Kiên Giang, ngoài những số người Công giáo đã có tại chỗ, đồng bào Công giáo trong các khu dinh điền Cái Sắn, lên đến 47.000 người.

Trong toàn địa phận, có 67 nhà thờ

Phần nhiều là những ngôi thánh đường nhỏ, trừ ra một ít nhà thờ ở các họ lớn như Cù Lao Giêng, Bò Ót, Năng Gù. Ngôi nhà thờ Chánh Toà hiện nay là một nhà thờ nhỏ chỉ đủ chỗ cho chừng 300 người. Nhà thờ Chánh Toà tương lai với chiếc nền vừa nhô lên khỏi đất ở ngay ngã đường vào châu thành đã tốn 1.600.000đ mà hơn một năm nay vẫn còn là nơi cỏ mọc um tùm với những cọng sắt cong queo như đang đợi chờ những tấm lòng hảo tâm muốn giúp cho địa phận Long Xuyên mau có một nhà thờ Chánh Toà xứng đáng. Nhà thờ Cái Vòm, ở một nơi đông dân nhưng cũng vì nạn thiếu tiền mà phải bỏ dở để chờ đợi…

Số linh mục hiện nay là 102

Trong số ấy, có 22 linh mục người địa phương, còn lại là các linh mục di cư thuộc 11 địa phận khác như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hoá…

Hiện nay công cuộc lớn lao nhất mà Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ quan tâm đến là do cho địa phận có một Tiểu chủng viện để kịp thời dọn cho địa phận những linh mục tương lai. Tiểu chủng viện đã được thành lập ở Châu Đốc trong một ngôi nhà mua lại, có thể dung nạp 200 chủng sinh. Giáo quyền địa phận đang dự tính xây một chủng viện mới tại chính châu thành Long Xuyên.

Các Linh mục – ngoài các vị đã già yếu và một số khác hiện đang du học ngoại quốc, hay phụ trách Chủng viện, – không đủ để coi sóc các họ, như lời Đức cha đã nói trên kia. Nhìn lên bản đồ tình hình địa phận treo tại Toà Giám Mục, chúng tôi thấy rất nhiều quận không có nhà thờ như Kiên Lương, Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn hay có nhà thờ mà không có cha như ở quận Kiến An. Các linh mục phải coi những xứ lớn. Cha Sở Hoà Hưng một mình lo cho 2.812 bổn đạo, Cha Sở và cha phó Năng Gù phải coi đến 5.700 bổn đạo.

Một nỗi lo lắng không nhỏ của hàng giáo sĩ địa phận Long Xuyên là việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên nam nữ.

Về ngành trung học, tỉnh An Giang có hai trung học công lập với 3.942 học sinh; 5 trung học bán công lập với 2.723 học sinh, và 8 trường tư thục với 1.051 học sinh.

Về ngành tiểu học, số trường trong toàn tỉnh là 372 trường: 236 trường công lập, 3 trường bán công, 119 tư thục, 14 trường của Hoa kiều. Số học sinh là 85.848.

Nếu chúng ta không quên rằng việc di chuyển trong các vùng này rất khó khăn, thường bằng thuyền hay ca-nô, – nhất là trong các tháng mưa, chúng ta sẽ hiểu được tất cả những sự khó khăn, nhọc mệt của các linh mục phải di chuyển từ họ này sang họ khác để làm lễ các ngày Chúa nhật và ban các phép bí tích chứ chưa nói đến việc truyền giáo.

Các dòng tu trong địa phận cũng rất ít. Ngoài một tu viện của dòng Phanxicô vừa thành lập tại Cù Lao Giêng, Địa phận Long Xuyên từ năm 1876 đã được các chị em dòng Chúa Quan Phòng giúp đỡ trong rất nhiều công cuộc như giáo dục các trẻ em, thi hành bác ái trong các cô nhi viện, nhà dục anh, bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà dưỡng lão, phòng phát thuốc. Hiện nay dòng chị em Chúa Quan Phòng có thể gọi được là một trong những dòng tu thịnh vượng nhất trong nước, với hơn 400 nữ tu và 70 tập sinh.

Giáo dục

Trong tỉnh Kiên Giang, năm 1958 có 5 trường trung học với trên 1.000 học sinh và 90 trường tiểu học.

Sự hiện diện của Công giáo trong ngành giáo dục còn rất ít oi. Phần nhiều mỗi địa sở đều có trường sơ học, do các chị dòng Chúa Quan Phòng phụ trách, nhưng về ngành tiểu học và trung học, sự thiếu sót rất là rõ rệt. Trong cả địa phận chỉ có 2 trường trung học Công giáo. Cha Sở Long Xuyên đang dự định xây cất một trường trung học lớn tại Châu Thành Long Xuyên nhưng công cuộc còn chưa hoàn thành.

Đời sống Công giáo trong địa phận có thể nói được là hùng mạnh nhất ở các họ cũ như Bò Ót, Năng Gù, Cù Lao Giêng, Châu Đốc… và ở vùng dinh điền Cái Sắn.

Họ Cù Lao Giêng

Đã có từ năm 1778, khi người Công giáo trốn cơn bách hại dưới đời Minh Mạng di cư đến đây. Ngày trước chủng viện cũng ở nơi đây. Ngày nay chỉ còn nhà dòng các cha Phanxicô thành lập nơi chủng viện đã bị tàn phá năm 1954. Ở đây cũng có nhà dòng của các bà Chúa Quan Phòng, cô nhi viện và dưỡng lão.

Họ Bò Ót

Cũng được thành lập trong một trường hợp tương tự như ở Cù Lao Giêng, vào năm 1779. Trong nhà xứ Bò Ót, chúng ta thấy được bản danh sách của 19 cha bổn sở, kể từ cha Daumont (1883-1888). Họ Bò Ót vẫn có tiếng là một họ đạo đức và qua thời kỳ đen tối đã nêu cao gương trung thành trong đức tin.

Họ Năng Gù

Trên đường Long Xuyên-Châu Đốc, chúng ta còn gặp một họ lớn khác: Họ Năng Gù. Tiếng Năng Gù gốc ngữ Cao Miên là Neng-Cù có nghĩa là sừng bò. Hiện nay họ Năng Gù thuộc xã Bình Thuỷ, dân số là 14.500 người. Trong 4 ấp của xã Bình Thuỷ, hai ấp Bình Hoà và Bình Phú toàn lương, ấp Bình Quới có vài chục gia đình Công giáo, và ấp Bình An hoàn toàn Công giáo.

Các bổn đạo đầu tiên của Năng Gù gốc ở Cái Mơn và Cao Lãnh. Năm bảy gia đình trốn bách hại đến đây sống bằng nghề chài lưới. Buổi đầu họ năng được cha Giacôbê đến thăm. Chỉ đến năm 1.870, cha Joseph Valour (cha Cửu) và cha Joli (cha Lý) mới đến lập họ và xây nhà thờ. Ngôi nhà thờ hiện nay là thánh đường lớn nhất trong địa phận Long Xuyên, kiến trúc Gôtíc do cha Adolf Unterleidner và Louis Collot xây và được Đức cha Jean Claude Boucher, Giám mục địa phận Nam Vang khánh thành ngày 18-2-1920[2], dâng kính thánh Giuse. Cha Collot đã làm Cha Sở ở đây trong 40 năm. Chính Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện cũng làm Cha Sở ở đây.

Tại chính Long Xuyên, số bổn đạo cũng chỉ trên dưới 3.000 người. Nhưng thành phố nhộn nhịp đầy nhựa sống này lúc này và nhất là trong tương lai sẽ là trung tâm của địa phận.

Cái Sắn

Nói đến những trung tâm đời sống công giáo của địa phận Long Xuyên mà không nói đến các khu dinh điền thì thật là thiếu sót.

Tên các địa điểm dinh điền không còn lạ đối với chúng ta nữa: Cái Sắn I, Cái Sắn II, U Minh, Cây Dừa, Đất Đỏ.

Dinh điền Cái Sắn I được chính thức thành lập ngày 21-1-1956, rộng 26.000 mẫu tây và là nơi định cư cho 9.800 gia đình gồm 45.302 người Bắc, đa số là Công giáo (kể tháng 7-1956).

Dinh điền Cái Sắn II chính thức thành lập ngày 1-6-1957, rộng 4.000 mẫu tây, có 2.500 gia đình, đa số là người Công giáo Bùi Chu và Nam Định.

Tại U Minh Thượng, khu khai khẩn rộng 1.300 mẫu tây gồm 2 khu: Khu A được 194 gia đình Công giáo gốc Trà Vinh và Vĩnh Long; khu B được 294 gia đình đa số là kiều bào từ Cao Miên về nước.

Tại Phú Quốc, dinh điền Cây Dừa được 900 mẫu tây. 92% số người định cư là Công giáo. Vùng Đất Đỏ, 2.500 mẫu tây, có 258 người, đa số Công giáo quê quán ở Nghệ An.

Thấy những con số ấy, chúng ta nhận xét ngay được rằng người Công giáo di cư đã chiếm gần 2/3 tổng số giáo dân địa phận Long Xuyên. Công việc lập nghiệp ở một vùng bùn lầy không có phương tiện giao thông gì khác ngoài ra thuyền và ca-nô cũng đủ cho chúng ta thấy rằng việc mở mang đang còn đòi hỏi nhiều công, nhiều thì giờ, nhiều của, và rất nhiều hy sinh lao nhọc.

NIỀM TIN Ở NGÀY MAI

Ở một nơi xa xôi, thiếu phương tiện, giữa một dân chúng với cố tục cách biệt như Khmer, Chăm Châu Giang, hay với niềm tin khác biệt như Phật giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Hồi giáo, Tin Lành, địa phận Long Xuyên phải xây dựng kiến thiết từ vật chất đến tinh thần.

Nhưng, với số giáo dân đông đảo; 93.777, với 102 linh mục tận tuỵ với công việc tông đồ đòi hỏi nhiều hy sinh anh hùng, với 61 đại chủng sinh và 198 tiểu chủng sinh, với một dòng nữ các bà Chúa Quan Phòng đã có công lớn với địa phận từ lâu năm và vẫn tiếp tục thâu lượm nhiều kết quả mỹ quan trong việc giáo dục trẻ con và từ thiện, địa phận Long Xuyên, như cánh đồng phù sa miền Hậu Giang, đang chờ đón mùa gặt tương lai phong phú để “Chúa Kitô ở trong anh em – Christus in Vobis” như khẩu hiệu của Vị Chủ Chăn tiên khởi.

Sàigòn, 2-8-1962, Nguyễn Tự Do CSsR.

—-

[1] Trích báo “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số tháng 9 năm 1962; đã được chỉnh sửa một vài chỗ cho thích hợp.

[2] Theo dòng chữ ghi trên mặt tiền nhà thờ Năng Gù thì ngày khánh thành là 08 tháng 02 năm 1920.

GIÁO PHẬN LONG XUYÊN MƯỜI HAI TUỔI[1]

   chuẩn ấn

   Long Xuyên ngày 1-8-1973

   + Micae NGUYỄN KHẮC NGỮ

    Giám Mục Long Xuyên

Phần I

Phi lộ

Nói đến cái tuổi mười hai, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến các thiếu nhi, lứa tuổi chịu lễ bao đồng, xin đi chủng viện, cũng như chịu phép thêm sức, tâm hồn tràn ngập ơn Chúa, lòng trí ngây thơ, đầy thiện chí và dễ thương thay.

Nhưng giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi có khác điều này là đã vất vả khổ cực mười hai năm để kiến thiết và ngày nay đã tạm được coi là thành hình, với các cơ sở cần thiết như các trường trung tiểu học, các tiểu chủng viện, đại chủng viện, và nhà thờ chính toà; như các tổ chức giáo phủ, mục vụ và truyền giáo; như các tổ chức giáo dân, hội đồng giáo xứ và các hội đoàn công giáo tiến hành…

Nghĩa là một giáo phận đã tạm đủ các phương tiện để tiến tới một giáo hội địa phương trưởng thành và hoàn bị.

Mấy dòng sau đây cống hiến cho độc giả những nét chính trên con đường kiến thiết giáo phận, với mục đích cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria đã luôn luôn che chở, giữ gìn và hướng dẫn các người làm việc, cũng như để ghi ơn các vị ân nhân đã giúp lời cầu nguyện và giúp công giúp của trong việc kiến thiết giáo phận cho đến ngày nay.

Chúng tôi hết lòng cảm tạ Thiên Chúa và chân thành ghi ơn mọi người.

                                             + Micae NGUYỄN KHẮC NGỮ

                                             Giám Mục địa phận Long Xuyên

  1. CẢNH VẬT

A- Địa dư

1/ Vị trí – Do sắc lệnh tông toà Christi Mandata đề ngày 24.11.1960, Toà Thánh thiết lập giáo phận Long Xuyên, gồm hai tỉnh An Giang và Kiên Giang lúc bấy giờ, nay là các tỉnh Châu Đốc, An Giang, Kiên Giang và một phần tỉnh Chương Thiện và An Xuyên.

Giáo phận Long Xuyên ở về phía tây nam Nam phần Việt Nam: đông giáp tỉnh Kiến Phong và Vĩnh Long, tây là vịnh Thái Lan, bắc giáp biên thuỳ Campuchia, nam giáp tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện và An Xuyên.

2/ Khí hậu – Quanh năm khí hậu trung bình là 27 độ (từ 20 đến 35 độ). Tháng mát nhất là chạp, giêng; tháng nóng nhất là tư, năm. Nhưng nhờ có nhiều sông ngòi và biển, khí hậu khá mát mẻ.

3/ Gió mùa – Xứ này ở trong chế độ gió mùa. Hằng năm từ tháng 5 đến tháng 10 gió tây nam đem mưa vào đất liền; mưa nhiều nhất là tháng 7, 8, 9. Còn từ tháng 10 đến tháng 4 gió đông bắc thường là khô ráo. Giữa mùa khô và mùa mưa, mực nước cách nhau từ 3 thước (LX) đến 7 thước (TC).

4/ Địa hình – Diện tích giáo phận Long Xuyên rộng chừng 10.158 cây số vuông, gồm đủ mọi hình thể: ruộng đồng bát ngát, rừng núi âm u, sình lầy nước đọng, núi đá đất từng dãy dài, hoặc cô lập giữa đồng bằng; sông ngòi, kênh lạch chi chít như mắc cửi; ngoài khơi lổm chổm những hòn đảo, lớn như Phú Quốc, rộng 665 cây số vuông, nhỏ như hòn Rái, hòn Tre…, rộng từ 2 đến hơn 10 cây số vuông… Có thể nói rằng: giáo phận Long Xuyên thu nạp tất cả các cảnh vật của đất nước Việt Nam: của miền Thượng du và Trung châu Bắc Việt, kể cả vịnh Hạ Long; của miền Cao nguyên và miền duyên hải Trung Việt và Nam Việt.

5/ Địa chất – Phần lớn đất đai do phù sa của sông Hậu giang phủ trùm lên. Nhưng trên lục địa cũng như trên các hòn đảo giữa vịnh Thái Lan, có những đồi núi chứa đựng đá cát (granit), đất sét (argile) có chất sắt màu đỏ rất mềm dẻo khi còn ở trong đất, nhưng đem phơi khô dần dần cứng rắn, người ta thường dùng làm nồi niêu ở vùng Sóc Sơn; có đá huyền vũ thạch (basalte) do hoả diệm sơn thời kỳ thứ ba chuyển động tạo thành. Miền U Minh, quận Kiên An và Hiếu Lễ, lại có than bùn (tourbe) nay chưa khai thác được; có dầu lửa ở đảo Panjang, có chất uranium ở vùng Thất Sơn…

6/ Thảo mộc – Ngoài lúa là sản phẩm chính, còn có các thứ cây ăn trái, như xoài, mít, ổi, chuối… các thứ gỗ nhiều nhất là cây tràm (melaleuca leucadendron), cây dầu (dipterocarpus), vên vên (annisoptera cochinchinensis), bằng lăng (lagerstoenia), kiền kiền (hopea), cây sát (mangrove)…

7/ Cầm thú – Gia súc có trâu, bò, heo, gà, vịt, ngỗng…, ngoài đồng có trăn, rùa, rắn, chồn…; trên núi có mãng, heo rừng, nai, thỏ, khỉ…; chim trời thì có cò, quạ, le le, gà nước…; dưới biển, sông ngòi, có tôm cá đủ thứ.

B- Danh lam thắng cảnh

Một nhà văn đã viết: “Châu Đốc, Long Xuyên, nơi dân giàu của lắm, nơi núi sông hùng vĩ,” du khách sẽ ngạc nhiên khi dừng chân trước bến phà Châu Phú, nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, rồi nghĩ câu: “Tiền tam giang, hậu thất lãnh” mà các danh nhân đời trước đã đặt cho. Ba chi nhánh của con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên, cũng như dãy núi Thất Sơn cao ngất ngưởng đã tạo cho người dân ở đây chí khí anh hùng hào kiệt:

Trước ba sông, thêm rạng chí tang bồng,

Sau bảy núi, dâng cao lòng anh kiệt.

Đặc biệt nên chú trọng đến những núi non này:

1/ Vùng Châu Đốc

  1. a) Núi Sam, từ tỉnh lỵ Châu Đốc đi về phía tây nam 5 cây số, hòn núi hình như con sam phủ phục, cao 237 thước, nơi “sơn kỳ thuỷ tú”, có nhiều danh lam thắng cảnh thu hút du khách thập phương, như Tây An tự, lăng Đức Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ: hằng năm có hội từ ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch, thiện nam tín nữ và du khách thập phương trẩy hội như nước lũ!
  1. b) Dãy Thất Sơn có núi Dài hay Ngoạ Long Sơn, có hai ngọn: ngọn Dop Chapia cao 580 thước, ngọn Ok Gium cao 510 thước, với nhiều hang điện như hang dơi, điện dứa, điện vồ cờ, điệm cơm khô, điện cây xoài, điện ô sen, điện năm căn, điện ve chai, điện ông Hổ, điện trời gầm, điện Thầy Huế…
  1. c) Núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn, cao 716 thước. Thật là nơi thiêng liêng huyền bí nhất, có nhiều hang điện như điện Ông Bướm, điện Bồ Hong, điện rau cần… Có nhiều danh mộc như giáng hương, cây sao, cây dầu, cây quýnh. Có rất nhiều cây làm vị thuốc nam.
  1. d) Núi Cô Tô hay Phụng Hoàng Sơn, cao 614 thước, cũng có nhiều hang điện, như điện chùa hang, điện năm căn, hang cấp nhất… Có nai, nang, heo rừng…

2/ Vùng An Giang

Quận Huệ Đức, có phong cảnh rất ngoạn mục: giữa một đồng bằng bát ngát, mọc lên sừng sững những ngọn núi nguy nga, cỏ cây xanh tốt, như Ba Thê, núi Sập, núi Tượng, núi Chóc…

  1. a) Núi Sập cao 110 thước, hiện giờ cùng với núi Sam Châu Đốc, là hai vựa đá cho miền Hậu Giang và nuôi sống bao nhiêu người “đập đá”!
  1. b) Núi Ba Thê, có ba ngọn, cao 220 thước, có nhiều hang và chứa rất đẹp. Đứng trên núi đó, có thể quan sát tất cả vùng đất Châu Đốc, An Giang và Kiên Giang.
  1. c) Núi Tượng cao 64 thước, trên đỉnh có một hòn đá lớn, đứng từ nhà thờ công giáo nhìn lên, chẳng khác nào một con voi lớn, quay đầu về phía Châu Đốc. Đời cố Tổng Thống Diệm đã muốn biến nơi này thành nơi du lịch, nên cho đào kinh chung quanh quả núi, biến nó thành một non bộ thiên nhiên.
  1. d) Núi Chóc, chỉ cao chừng 21 thước, nhưng có điều kỳ lạ, là hình đá trên đỉnh núi, giống như hình Đức Mẹ ban ơn, quay mặt về phía Rạch Giá.

đ) Gò Óc Eo ở giữa Ba Thê và núi Chóc. Người ta cho là một cửa bể thời danh hay là thị trấn của nước Phù Nam xưa. Người ta mới khám phá được từ năm 1944 do nhà cổ học Pháp Malleret. Trong các vật tìm thấy, có huy chương mang niên hiệu 152 và tên vua Antonin le Pieux, hoàng đế Lamã, cai trị từ năm 138 đến 161. Ngày nay thành phố Óc Eo đã bị chôn vùi dưới lớp đất phù sa, chỉ còn nom thấy như một cái gò nhỏ. Các tang vật tìm thấy ở đây hiện được trưng bày ở bảo cổ viện Sàigòn, tất cả là 622 món.

3/ Vùng Kiên Giang, phong cảnh càng diễm lệ

  1. a) Hà Tiên, nơi sơn thuỷ, lâm tuyền, có biển hồ, mà tục truyền là đêm trăng quần tiên thường xuống nhảy múa tung tăng. Có Hòn Dữ, là pháo đài thiên nhiên, canh phòng hải cảng. Có hòn Hải Đăng như chiếc phao nổi lềnh bềnh, thời bình thì mở cửa biển, khi có nguy thì đóng lại, chiến thuyền quân địch không vào được. Có Mũi Nai, nơi bãi tắm mát và có thể đứng nhìn thấy hòn Phú Quốc ngoài khơi xa xăm, cho đến tận nước Campuchia.
  1. b) Cách biên thuỳ Campuchia-Việt Nam chừng 2 cây số, là Thạch Động, một cái nút bịt lỗ hoả diệm sơn ngày xưa, bên ngoài trông như chiếc mũ lông của người kỵ mã nước Anh, bên trong trống rỗng thành một cái hang to, có lỗ thông lên trời, có hang luồn xuống âm phủ. Tục truyền là ngày xưa Thạch Sanh bị giam tại đó.
  1. c) Núi Châu Nham (Đá Dựng) cũng gồm chất phún trạch loại xanh, hình vuông đỉnh bằng, bên trong có nhiều hang, gió thổi mát mẻ, có giếng tiên, có đàn 5 dây, du khách vỗ ngực nghe tiếng vang như trống. Tục truyền rằng: khi Thạch Sanh bị giam trong hang này, chàng đã mượn đàn 5 dây để tiêu sầu, tiếng vang đến cung điện, làm công chúa nhớ lại ân nhân, và tìm phương cứu thoát.
  1. d) Lăng miếu họ Mạc ở trên cái đồi cao, gọi là Bình Sơn, cây cỏ um tùm, mát mẻ, cũng không kém lăng tẩm ngoài Huế.
  1. đ) Bỏ Hà Tiên, đi vào địa hạt quận Kiên Lương, gặp Bãi Ớt, một thắng cảnh, một bãi tắm không kém Bãi Dâu ở Vũng Tàu.
  1. e) Rồi qua Ba Hòn đến Hòn Chông nơi có nhiều núi đá nhọn và có nhiều di tích lịch sử: có hang tiền vua Gia Long; có bãi hòn Trẹm, cát vàng và sạch; có chùa Hang, nơi hoàng tử Thái Lan tị nạn thế kỷ 18, sau đã cúng cho chùa ba pho tượng Phật theo mỹ thuật Thái Lan. Chùa hang có cửa ra biển, trước mặt là hai hòn Phụ, Tử, đứng trơ gan cùng phong ba tuế nguyệt.
  1. g) Bỏ Hòn Chông vượt 70 cây số đường hẹp, qua lò xi măng, quận Kiên Lương, quận Kiên Sơn, tới Rạch Giá, một hải cảng bán buôn sầm uất, tấp nập thuyền bè xe cộ. Thành phố đang được mở rộng và biến thành thị xã. Buổi chiều, đứng trên sân vận động của thành phố nhìn ra biển, thật là ngoạn mục: lổm chổm những hòn đá đủ hình, con rái, con rùa; loáng thoáng những con thuyền đánh cá ra khơi.
  1. h) Từ Rạch Giá ra Phú Quốc, theo đường chim bay cũng mất hơn 100 cây số, có thể đi bằng tàu thuỷ hay bằng máy bay. Phú Quốc thật là một hòn đảo đẹp, với những bến như Dương Đông, có Dinh Cậu, Cửa Cạn, có dinh Bà Chúa, Cây Dừa (An Thới), có miếu Cô Sáu, có giếng ngự (vua Gia Long), có mũi Ông Đôi, có bãi Kem, có lẽ là bãi tắm đẹp nhất ở Việt Nam. Trên đảo, có các thứ gỗ quý, có cây dừa, hồ tiêu. Dưới biển có đủ thứ cá, như cá mực, cá cơm… Cá cơm dùng làm nước mắm ngon nhất, gọi là nước mắm Phú Quốc.

Cho được đánh cá mực, phải có đèn măng xông thật sáng, để rử chúng, giữ chúng, rồi vớt chúng lên ghe. Cho nên mùa cá mực, nếu đứng ở nhà xứ Dương Đông nhìn ra biển ban đêm, thì có cảm tưởng như chiêm ngưỡng một cuộc rước đèn từ Cửa Cạn đến Cây Dừa, trên thuỷ lộ dài 30 cây số!

C- Nhân sinh

1/ Dân số – Toàn giáo phận Long Xuyên có chừng 1.558.000 người, gồm có Việt Nam, Việt gốc Khmer, Việt gốc Hoa, Malai và Chàm…

2/ Ngôn ngữ – trong khi giao tiếp hằng ngày với người Việt Nam, thì ai nấy cũng nói được tiếng Việt, ít là qua loa vậy; còn trong đời tư thì chỉ người Việt Nam nói hoàn toàn tiếng Việt, còn người Việt gốc Khmer nhiều khi chỉ nói tiếng Khmer với nhau, người Malai, Chàm và Việt gốc Hoa cũng vậy.

3/ Tôn giáo – Về tôn giáo, thì có thể nói được là dân chúng trong giáo phận Long Xuyên sùng đạo nhất. Vì ai có thể đếm được chùa chiền, am tự trong giáo phận, nhất là ở vùng Thất Sơn và Hà Tiên?

Lại hai tôn giáo lớn ở Việt Nam đều phát xuất trong giáo phận: Đức Huỳnh Phú Sổ vị sáng lập đạo Phật giáo Hoà Hảo đã được “đãi ngộ” năm 1939 trong khi thăm viếng các chùa chiền ở miền Thất Sơn. Ông Phủ Ngôi Minh Chiêu, một vị sáng lập đạo Cao Đài, đã được “đãi ngộ” trước Dinh Cậu ở Dương Đông (Phú Quốc), nơi đây hãy còn một đền thờ danh tiếng của đạo Ngài.

Còn các đạo khác, cũng rất thịnh hành, như Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông, Hồi Giáo, Tin Lành, Bahai, Hiếu Nghĩa…

Số tín đồ công giáo được chừng 100 ngàn người, nghĩa là được 6 phần trăm.

4/ Văn hoá – Từ mấy năm gần đây, chính quyền cũng như các tư nhân đoàn thể thi đua mở thêm trường học, lại từ 3 năm nay được thêm một đại học ở An Giang, đại học Hoà Hảo do nghị sĩ Lê Phước Sang, một tín đồ Hoà Hảo đã sáng lập.

Các tôn giáo cùng thi đua nhau về ngành văn hoá.

Riêng về phía Công giáo, có 66 trường sở tiểu học, 20 trường trung học, với tổng số học sinh là 19.237 người. Ngoài ra còn có một viện giáo lý với 55 giáo sinh, 2 tiểu chủng viện với 500 tiểu chủng sinh, và một đại chủng viện mới mở, với 105 đại chủng sinh. Ấy là không kể những lớp dạy lẻ tẻ, ở các địa điểm truyền giáo khác.

5/ Thương mại và giao thông – Cứ đứng ở bến đò Vàm Cống (Mỹ Thới), thì biết mỗi ngày hằng trăm ngàn xe đò chật ních những người, xe hàng đầy ặc đủ thứ tài nguyên, từ miền Châu Đốc, Long Xuyên; cũng như từ Hà Tiên, Rạch Giá cuồn cuộn kéo về Sàigòn; hoặc đứng ở con sông trước chợ Long Xuyên, hay trước cửa bể Rạch Giá hoặc Dương Đông thì luôn luôn có ghe đò vào ra tấp nập, không kể trên những con kinh chi chít luôn luôn có đò ghe qua lại, cũng như các chợ búa nhộn nhịp khắp nơi, thêm vào đó có hai đường hàng không từ Sàigòn-Long Xuyên, và Sàigòn-Rạch Giá-Phú Quốc, bấy nhiêu đủ cho chúng ta có một cái quan niệm thương mại và giao thông đến mức độ nào trong giáo phận Long Xuyên.

D- Danh nhân

Ở đây chúng tôi chỉ có thể nêu ra mấy vị lừng danh nhất trong giáo phận.

  1. a) Trong Tỉnh AN GIANG và CHÂU ĐỐC, nên chú trọng đến Đức THOẠI NGỌC HẦU (+1829), một vị công thần khai quốc đời nhà Nguyễn, đã đánh đông dẹp bắc lừng danh, đã khai con sông từ Long Xuyên tới Rạch Giá (1818) dài 70 cây số, đã được cải tên là Thoại Hà, cũng như Núi Sập trên bờ sông cải tên là Thoại Sơn. Ngài cũng đã khai con kênh Vĩnh Tế (1819) dài 72 cây số, nối liền sông Cửu Long ở Châu Đốc với sông Hà Tiên, ăn sát ranh giới Campuchia-Việt Nam. Ngài có đền thờ ở Núi Sam, có bia ở Núi Sập.

Hai con kênh này chẳng những làm nhẹ sức nước sông Cửu Long, mà còn làm cho bao nhiêu đồng bào có nước ngọt để dùng, cho ruộng vườn được thêm màu mỡ, cho sự giao thông được tiện lợi hơn.

  1. b) Trong tỉnh KIÊN GIANG, nơi chấm dứt cuộc Nam tiến của dân Việt, có nhiều danh nhân đáng ta ghi nhớ:

1/ÔNG MẠC CỬU và họ hàng, người gốc Trung hoa, không muốn phục vua Khang-Hi nhà Thanh, đã trốn sang miền này, giúp Chúa Nguyễn, Hiền Vương (1674) khai khẩn đất hoang và lập nên các quận Hà Tiên, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau. Ông đã biến Hà Tiên thành một hải cảng hưng thịnh, nơi đã buôn bán với người ngoại quốc và đã tiếp nhận các nhà truyền giáo đầu tiên tới miền này.

2/ VUA GIA LONG (+1820). Con ông Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích (+1780) rất trung thành với Nam triều, đã tận tuỵ với vua Gia Long trên bước đường lưu lạc. Cả miền Kiên Giang còn ghi vết tích nhà vua: Hòn Rái, Hòn Tre, Hòn Chông, với hang tiền, Phú Quốc với giếng ngự, mồ Cậu, U Minh là nơi vua lập chiến khu chống lại Tây Sơn.

3/ ÔNG NGUYỄN TRUNG TRỰC (+1868), một anh hùng ái quốc thời danh, đời Pháp thuộc. Nhiều phen ông đã làm cho quân đội Pháp điêu đứng. Ông đã rong duổi vùng Kiên Giang: Hà Tiên, Hòn Chông, Núi Trầu, Phú Quốc. Ông là người chí trung chí hiếu. Quân Pháp không làm sao bắt được ông, họ bắt mẹ ông làm con tin. Ông phải ra hàng để cứu mẹ và cứu quân. Sau cùng ông bị quân đội Pháp xử tử tại Rạch Giá, ngày 27-10-1868.

[1] Trích cuốn “Giáo phận Long Xuyên mười hai tuổi”, do Toà giám mục Long Xuyên xuất bản ngày 30/7/1973, tại Long Xuyên và được chuẩn ấn bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục giáo phận Long Xuyên.