Lược Tóm Tiểu Sử Linh Mục Bác Sĩ Maurice Longet

print

Lược Tóm Tiểu Sử Linh Mục Bác Sĩ Maurice Longet

Cha sở tiên khởi Họ Đạo Cờ Đỏ

Được sự chấp thuận của Đức Hổng Y Gerlier, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon và Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, giáo phận Cần Thơ, Cha M Longet sẵn sàng làm mục vụ trong giáo phận Cần Thơ với tư cách Linh mục Bác sĩ Thừa sai. Chuẩn bị đến Họ đạo Cờ Đỏ.Được các Đấng Bản Quyền Giáo phận Cần Thơ công nhận là Cha Sở tiên khởi của Họ Đạo Cờ Đỏ mặc dù Cha chưa từng đến Họ đạo này. Cha qua đời vào Lễ Chúa Biến Hình ngày 6 tháng 8 năm 1963. Nhân dịp Lễ Giỗ của ngài chúng tôi xín đọc lại Bài Lược Tóm Tiểu Sử của ngài do Lm Carolo Hồ Bặc Xái  chuyển ngữ và tóm lược

BBT/WGPCT

 

 

Dựa trên quyển sách của A. Barucq, Un médecin et des hommes, le Dr M. Longet, Nhà Xuất bản L. Rolandez, Lyon, Pháp, 1966.

Lm Carolo Hồ Bặc Xái

Chuyển ngữ và tóm lược

Lý lịch trích ngang

Sinh ngày 19 tháng 5 năm 1913 tại Saint Etienne, Loire, nước Pháp

Học Đại học Y khoa Lyon

Tốt nghiệp Bác sĩ ngày 29 tháng 6 năm 1939

Bác sĩ ngoại trú của các bệnh viện Lyon

Bác sĩ nội trú khoa Giải phẫu của các bệnh viện Saint Etienne

Bác sĩ Hải quân Pháp trong 16 năm

Ba lần làm việc tại Việt Nam :

            1949-1951 :  Châu Đốc

            1953-1954 : Bác sĩ giải phẫu tại Bệnh viện Quân Y Huế

           1955-1958 : Bác sĩ Trưởng và Bác sĩ Giải phẩu ở Bệnh viện Cam Ranh, sau đó ở Bệnh viện Grall Saigon từ tháng 8.1956 đến tháng 5 1958.

Được nhận Bắc Đẩu Bội Tinh ngày 11 tháng 11 năm 1951

Quân hàm Thiếu Tá

Xuất ngũ : cuối năm 1958

Thụ phong Linh mục ngày 14 tháng 4 năm 1962

Được sự chấp thuận của Đức Hổng Y Gerlier, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon và Đức Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, giáo phận Cần Thơ, Cha M Longet sẵn sàng làm mục vụ trong giáo phận Cần Thơ với tư cách Linh mục Bác sĩ Thừa sai. Chuẩn bị đến Họ đạo Cờ Đỏ.

Qua đời vào Lễ Chúa Biến Hình ngày 6 tháng 8 năm 1963.

Được các Đấng Bản Quyền Giáo phận Cần Thơ công nhận là Cha Sở tiên khởi của Họ Đạo Cờ Đỏ mặc dù Cha chưa từng đến Họ đạo này.

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐỜI

Thời thơ ấu

Maurice Longet sinh ngày 19 tháng 5 năm 1913 tại Saint-Etienne thành phố Lyon nước Pháp. Tuổi thơ của cậu rất êm ả, được đánh dấu bằng những chuyến lưu ngụ tại một làng quê vùng sông Loire, ở trọ nhà một nữ tu là em gái của Cha Chánh Xứ. Chính một người cháu gái của nữ tu này đã dạy cậu học đọc học viết. Và lại có một bà nhạc sĩ già dạy cậu học đàn piano. Đến 8 tuổi, cậu về sống luôn với gia đình mình ở Saint-Etienne. Trong những năm cậu sống xa nhà, cha mẹ cậu đã sinh thêm 2 cô em gái. Cậu rất sung sướng vì có 2 người em đó nên rất nhiệt tình với vai trò anh cả, thậm chí còn nhận làm bõ đỡ đầu cho đứa em gái út.

Mẹ của Maurice Longet cho biết ngay từ bé, cậu đã rất thích biển. Trong những kỳ nghỉ hè mà được đến vùng biển, cậu bé say sưa ngắm nhìn biển cả với mặt biển mênh mông, những gợn sóng nhấp nhô và những con tàu hùng dũng sẵn sàng ra khơi… Cậu nhìn các thủy thủ và các sĩ quan hải quân bằng ánh mắt ngưỡng mộ…

Học hết tiểu học ở Saint-Etienne, Maurice Longet lên học ở trường Trung học Ampère, thành phố Lyon. Tại đây cậu may mắn gặp được Cha tuyên úy Charavay, một vị Linh mục nhiệt tình phục vụ học sinh và cũng được học sinh rất quý mến. Cha cũng khơi mầm ơn gọi đi tu cho nhiều học sinh. Một người bạn của Maurice Longet kể : “Khi đó, bạn ấy muốn đi tu Dòng Tên, còn tôi thì chọn Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Bạn ấy thường khích lệ tôi dâng mình cha Chúa… Thế rồi bạn ấy lại làm bác sĩ hải quân, còn tôi thì làm sĩ quan cơ khí trong Không quân. Tuy nhiên cuối cùng thì cả hai đều làm Linh mục !”

Sinh viên Y khoa

Năm 1931, Maurice Longet đậu bằng Tú Tài, kết thúc Trung học và chọn vào học ngành y đại học. Lý do là cậu nhận thấy làm bác sĩ cũng có phần giống như làm linh mục, tức là có nhiều cơ hội để giúp đỡ, chăm sóc và chữa trị người khác. Ý thức như vậy nên chẳng những lo thu thập kiến thức chuyên môn y khoa, cậu còn lo bồi dưỡng về y đức. Cậu tham gia Hội các sinh viên y khoa công giáo do Cha Jamin phụ trách. Mỗi sáng cậu đến nhà nguyện để giúp lễ cho cha. Trong ngày cậu cũng thường đến đấy để hồi tâm và cầu nguyện xin Chúa ban ơn quảng đại phục vụ tha nhân. Năm 1937, cậu được học bổng đi tu nghiệp và nghiên cứu tại nhiều bệnh viện nổi tiếng ở Châu Âu.

Năm 1938, Maurice Longet thi hành nghĩa vụ quân sự trong ngành Hải Quân. Ước mơ từ thời thơ ấu về biển cả nay được thực hiện. Sống trên tàu, cậu vừa chăm sóc sức khỏe cho các quân nhân vừa chuẩn bị luận văn Tiến sĩ y khoa. Ngày 29.6.1939. Maurice Longet bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ, chính thức trở thành Bác Sĩ.

Bác sĩ

Trong cương vị bác sĩ ngoại trú rồi bác sĩ nội trú và bác sĩ phẫu thuật, Maurice Longet đã phục vụ tại nhiều bệnh viện ở Lyon và Saint-Etienne. Không chỉ chăm sóc sức khỏe thể lý của các bệnh nhân, Bác sĩ Maurice Longet còn làm nhiều hơn thế : ông tìm dịp trò chuyện với mọi người, tìm hiểu hoàn cảnh của họ, không từ chối giúp đỡ bất cứ ai khi ông có thể giúp, nghĩ ra nhiều sáng kiến giúp họ vui sống. Ông còn có một mối quan tâm đặc biệt là giúp hợp thức hóa những cuộc hôn nhân rối, rửa tội những người lớn, tìm việc làm cho những người thất nghiệp, hòa giải những cặp vợ chồng bất thuận. Không chỉ giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn nhất thời, ông còn tiếp tục liên lạc thư từ với họ. Như thế, chúng ta thấy trong Maurice Longet có hình ảnh hai con người : một người bác sĩ và một người Linh mục ; mà hình ảnh người Linh mục càng ngày càng sáng tỏ hơn.

Tiếng gọi từ Việt Nam

Bác sĩ Maurice Longet còn muốn phục vụ những bệnh nhân và những người nghèo khổ ở các nước xa xôi nên ông đã tình nguyện đi Việt Nam. Ngày 29.3.1949 ông đến phục vụ tại bệnh viện Châu Đốc. Ông nhận thấy người Việt Nam đơn sơ, thông minh và có tinh thần tín ngưỡng nên rất quý mến họ. Có những người nghèo không đủ tiền trả viện phí, ông bỏ tiền túi trả dùm ; có những đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi, ông kiếm tiền nuôi chúng. Chính tướng De Lattre de Tassigny đã viết những lời ca tụng bác sĩ Maurice Longet như sau : “… Mỗi khi có người kêu gọi, ông ấy không ngại len lỏi vào cả những ngõ hẻm quanh co, đi đến tận những khu xa xôi hẻo lánh và nguy hiểm để giúp đỡ họ. Ông đến thăm cả những bệnh nhân mắc những bệnh không thuộc chuyên môn của ông vì biết rằng nguyên sự có mặt của ông thôi cũng phần nào giúp người ta được an tâm. Ông cũng không e sợ khi đến những nơi đang có bệnh dịch truyền nhiễm…” Tháng 7.1951, Bác sĩ Maurice Longet được về Pháp nghỉ phép. Một đại diện các y bác sĩ của bệnh viện Châu Đốc đã đọc một bài cám ơn rất cảm động như sau : “Kính thưa Bác Sĩ Trưởng. Sau hai năm ngài làm việc liên tục để phục vụ những bệnh nhân không phân biệt chủng tộc ở đây, hôm nay ngài giã từ Châu Đốc để trở về Pháp. Nhân dịp này, tôi thay mặt tất cả các đồng nghiệp của các phòng ban và đặc biệt là phòng giải phẫu xin bày tỏ những tình cảm kính trọng và quý mến đối với ngài là một thủ trưởng rất tốt bụng và luôn sẵn sàng tha thứ. Các bệnh nhân cũng hợp ý với chúng tôi gửi đến ngài lòng biết ơn chân thành vì những sự chăm sóc tận tình của ngài. Sự phục vụ hoàn toàn bất vụ lợi của ngài và những hy sinh từ bỏ của ngài đã khiến cho đồng bào chúng tôi hết lòng tôn kính ngài và không ngại gọi ngài là một vị “Phật sống” bằng xương bằng thịt… Hy vọng ngài sẽ trở lại Việt Nam là nơi rất cần có những người như ngài…”

Vì những thành quả to lớn đã làm, ngày 11.11.1951, Bác sĩ Maurice Longet được nhận Bắc Đẩu Bội Tinh và được phong hàm Hiệp Sĩ.

Tình cảm yêu thương của Bác Sĩ Maurice Longet đối với Việt Nam đã khiến ông coi đây lả quê hương thứ hai của mình. Ông đã trở lại Việt nam, đến bệnh viện Huế làm bác sĩ giải phẫu trong 2 năm 1953-1954 ; sau đó đến bệnh viện Cam Ranh năm 1955 làm Bác sĩ Trưởng ; và sau cùng đến Saigon làm việc ở bệnh Viện Grall từ tháng 8.1956 đến tháng 5.1958.

Ngày 5 tháng 5 năm 1958 ông trở về Pháp để thực hiện ước nguyện dâng trọn quãng đời còn lại để phục vụ những người nghèo khổ.

Làm Linh mục

Trở về Pháp, Maurice Longet làm đơn xin từ chức Bác sĩ Hải quân và được chấp thuận. Ngay sau đó ông xin vào Chủng viện để làm Linh mục.

Trước tiên ông xin vào Đại học Công Giáo Lyon để bổ túc một năm Triết học. Lúc đó ông đã 45 tuổi. Ông là người lớn tuổi nhất trong số các chủng sinh, thậm chí còn nhiều tuổi hơn một số Cha giáo. Tuy nhiên nhờ khiêm tốn nên điều đó không làm ông ngại ngùng. Nhờ cần cù học hỏi nên ông đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cách dễ dàng.

Về nơi học Thần học, ban đầu Maurice Longet hơi lưỡng lự giữa các Đại chủng viện ở Rôma và ở Pháp. Ở Rôma ông sẽ có nhiều dịp gặp được Đức Thánh Cha Piô 12 là người mà ông rất quý mến. Còn nước Pháp thì là quê hương, thân quen và gần gũi hơn. Nhờ sự tư vấn của nhiều người, trong đó đặc biệt là Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền giám mục giáo phận Cần Thơ Việt Nam, cuối cùng ông đã chọn vào Đại chủng viện của Dòng Salêsiô Don Bosco ở Loire, nước Pháp.

Sau 4 năm thần học, ngày 14 tháng 4 năm 1962, Maurice Longet được Đức Hồng Y Gerlier phong chức Linh mục tại nhà nguyện của Dòng Salêsiô ở Fontanières. Tân Linh mục tâm sự : “Tôi chỉ xin Chúa ban cho tôi 2 điều : Điều thứ nhất là xin cho tôi ngày càng sẵn sàng làm tất cả những gì mà Chúa muốn tôi làm, đừng bao giờ tự mãn với thói quen ; Điều thứ hai là ước gì những Mầu nhiệm thánh mà tôi cử hành hằng ngày được như mưa rơi xuống trên các linh hồn của tất cả những người mà tôi thương mến, để làm cho họ thánh thiện hơn”.

Vừa là Linh mục vừa là Bác sĩ nên Cha Maurice Longet không chỉ làm những việc mục vụ mà còn tiếp tục phục vụ các bệnh nhân. Với sự cho phép của Đức Giám mục giáo phận, Cha đến giúp các bệnh nhân trong các bệnh viện dân y và quân y ở Cherbourg.

Chuẩn bị việc mục vụ cho Giáo phận cần Thơ

Những năm tháng làm bác sĩ ở Việt Nam đã khiến lòng Cha gắn bó với đất nước này, và luôn muốn được trở lại nơi ấy. Thật là may mắn, năm 1960 Cha được gặp hai đức Giám mục Việt Nam ghé ngang nước Pháp, là Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Bình và Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền. Khi đó Đức Cha Bình là Giám mục chánh Giáo phận Cần Thơ, còn Đức Cha Điền là Giám mục phó. Đến năm 1962 Đức Cha Bình làm Tổng Giám mục giáo phận Saigon, và Đức Cha Điền lên làm Giám mục chánh Giáo phận Cần Thơ. Cha đã trình bày với Đức Cha Điền về ước nguyện của mình. Đức Cha Điền rất sẵn sàng đón nhận và mời cha gia nhập giáo phận Cần Thơ. Đức Hồng y Tổng Giám mục Gerlier giáo phận Lyon Pháp cũng đồng ý. Thế là Cha Maurice Longet nhập tịch hàng giáo sĩ giáo phận Cần Thơ.

Cha rất tích cực chuẩn bị tất cả những điều cần thiết cho sứ vụ mới ở giáo phận Cần Thơ :

– Cha đã thực hiện một chuyến hành hương kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức. Cha viết cho người Chị làm nữ tu : “Em làm chuyến hành hương này để xin Đức Mẹ giúp em chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ ở Việt Nam”.

– Tháng 6 năm đó, Cha gửi đến Đức Cha Điền một số tiền. Cha viết : “Món quà vật chất này là biểu hiện sự hiến thân của con cho giáo phận Cần Thơ”. Và như một lời tiên tri Cha viết thêm : “Cho dù hoàn cảnh có thay đổi thế nào đi nữa thì xin Đức Cha vẫn dùng số tiền đó để lo cho những người nghèo”.  

– Rồi cha trở về Paris thu xếp một số việc quan trọng có thể hỗ trợ cho việc mục vụ sau này của cha ở Giáo phận Cần Thơ, như : đi thăm ông Ortoli Đại sứ của Pháp ở Việt Nam ; đi gặp Bác sĩ phụ trách Hội Cứu trợ Công giáo ; cùng với Cha Dagonnet sắp xếp một chương trình trên Truyền hình nhằm giới thiệu những công việc sắp tới của Cha ở Việt Nam ; gặp các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng để xin nhân sự cộng tác trong việc mục vụ…

Suốt một tuần Cha ráo riết lo những công việc ấy. Nhưng những công việc bận rộn ấy đã làm Cha bị kiệt sức. Cha bị lên cơn đau tim và phải vào bệnh viện.

Về nhà Cha

Trong thời gian nằm bệnh viện, hàng ngày cha vẫn viết thư cho mẹ. Ngài không nói nhiều về cơn bệnh của mình mà chỉ cho mẹ biết là do mệt mỏi nhiều nên ngài phải vào bệnh viện tĩnh dưỡng một tháng. Ngài tâm sự với bà : “Điều con thấy thiếu nhất là Thánh Lễ, còn mọi sự khác chỉ là phụ”. Trong một bức thư khác gửi cho Cha Mongour dòng Salêsiô, ngài viết : “Con là bác sĩ mà bây giờ thành bệnh nhân. Con vừa thực hiện một cuộc tĩnh tâm nơi nhà của các Linh mục ở Bricquebec. Nội dung của cuộc tĩnh tâm là sống tinh thần phó thác. Đến cuối kỳ tĩnh tâm thì con bị đau tim. Như vậy, từ sự hiểu biết phó thác trên lý thuyết con đã thực sự được sống đức phó thác trong thực hành. Và như vậy là con được tiếp tục kéo dài kỳ tĩnh tâm này trong bệnh viện Cherbourg”. Những lời này biểu lộ một tâm hồn rất bình an : không chút tiếc nuối mà hoàn toàn phó mình trong tay Đấng mà Cha đã chọn làm gia nghiệp.

Ngày 27.7.1963 Cha ghi trong sổ tay : “Tôi đã lãnh ơn bí tích xức dầu bệnh nhân. Bình an, tin tưởng, phó thác”. Cha tâm sự với Cha Albéric dòng Trappe : “Chúng ta chỉ cần biết rằng mọi sự xảy đến đều do Thánh ý Chúa và đều là ân sủng. Tôi không ngừng tạ ơn Chúa nhân lành và hoàn toàn phó thác nơi Ngài, vì quả thật tất cả đều là ơn Chúa, ngay cả và nhất là những gì đi ngược lại với ý muốn và kế hoạch riêng của ta”.

Hay tin Cha Maurice Longet bệnh nặng, Đức Cha Philipphe Nguyễn Kim Điền đã sang Pháp thăm ngài. Ngày 6 tháng 8.1963 là lễ Chúa Biến Hình. Sáng hôm đó, Linh mục bác sĩ Maurice Longet, “người cha thân yêu” của biết bao người Việt Nam nghèo khổ, đã hoàn thành điều ngài đã quyết tâm trong cuộc tĩnh tâm : “Đời con thuộc về Chúa. Chúa xếp đặt như thế nào, dù cho bây giờ hay là cho tương lai, tất cả đều hoàn toàn tùy thánh ý Chúa”. Và cha đã trút hơi thở cuối cùng một cách thánh thiện.

Đức Cha Philipphe Nguyễn Kim Điền làm chủ tế trong Thánh lễ an táng. Còn chủ sự nghi thức từ biệt là Đức Cha Jourion thay mặt Đức Hồng Y Gerlier hôm đó vắng mặt vì đang ở Normandie. Trong bài giảng, Đức Cha Điền đã bày tỏ tâm tình đau đớn và tiếc thương của giáo phận Cần thơ đang háo hức đón chờ Cha Longet nhưng phải đột ngột hụt hẫng trước cái chết bất ngờ của ngài. Đức Cha đã so sánh ngài với Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu vì cả hai đều có những ước nguyện rất bao la được phục vụ Chúa và tha nhân. Cuối cùng, Đức Cha nói : “Thiên Chúa là Chủ tế tuyệt đối. Ngài có thể cho phép những dự định tông đồ của chúng ta sụp đổ như những lâu đài bằng giấy. Chúa không cần những việc chúng ta làm. Điều làm Ngài thích hơn là chúng ta hiệp thông với Thánh ý Ngài.”

Thi hài của Cha Maurice Longet được an táng tại nghĩa trang Boen-sur-Lignon chỉ vài kilô mét cách làng quê của ngài.

 

TẤM LÒNG CHA MAURICE LONGET

Qua những trang nhật ký

. Nhật ký ngày 6.2.1951, dịp Ăn Tết với các bệnh nhân phong cùi Việt Nam ở Châu Đốc

“Sáng nay, bệnh viện tổ chức ăn Tết. Các bệnh nhân phong cùi tập họp lại. Có một ông đã mất một cánh tay, học thức khá hơn những người khác nên được đại diện đọc một bài chúc Tết tôi. Bài chúc Tết ngắn nhưng chân thành. Tôi rất cảm động…”

. Nhật ký ngày 24.3.1951

Bệnh viện chúng tôi thì đầy bệnh nhân mà lại thiếu tiện nghi. Nhưng các bệnh nhân Việt Nam rất nhẫn nhục : họ không ngại nằm chung hai ba người một giường… Họ giỏi chịu đau hơn người phương Tây… Họ rất biết ơn các y bác sĩ… Khi gặp tôi họ chào bằng cách chắp tay gật đầu, có người còn cúi gập mình nữa…”

Nhật ký ngày 24.9.1951

“Tôi rời Châu đốc lúc 17 giờ hôm Thứ Sáu, lòng không tránh khỏi nỗi buồn. Tất cả nhân viên bệnh viện và rất đông bệnh nhân tập họp trước bệnh viện để đưa tiễn. Tôi thấy nhiều người khóc. Tôi phải bước nhanh để che dấu những biểu hiện cảm xúc…”

. Nhật ký ngày 12.6.1953 khi rời Saigon ra Huế

          “Tôi sắp chấm dứt công việc ở Saigon. Rất nhiều người đến thăm tôi. Có một y tá già trước kia làm việc ở Châu Đốc nay chuyển lên làm ở Saigon. Ông cho tôi biết là dân chúng ở Châu đốc rất mong tôi sẽ trở lại đó. Nhưng than ôi, vì lý do an ninh và chính trị trong hoàn cảnh chiến tranh nên tôi không thể trở lại đó nữa. Tôi rất buồn vì các bệnh nhân không được chăm sóc xứng đáng, bởi vì nhiều bác sĩ địa phương chỉ chăm sóc cho những bệnh nhân có khả năng trả tiền cho họ, mà lúc tôi rời đó ra đi thì con số những người có khả năng trả tiền như thế chỉ là từ 80 đến 100 người trên tổng số 450 bệnh nhân !”

. Nhật ký ngày 10.81953, viết trên chuyến tàu đi Huế

Trái tim tôi se thắt khi tàu rời bến. Tôi cố gắng xoa dịu nỗi buồn của cuộc chia ly này bằng cách nghĩ đến công việc sắp tới ở Huế. Tôi hy vọng hoàn cảnh và phương tiện ở Huế sẽ thuận lợi hơn để tôi có thể phục vụ tốt hơn”

. Nhật ký ngày 24.3.1956 viết tại Cam Ranh

“… Tôi buộc lòng phải từ chối một số bệnh nhân, vì lý do bệnh viện không đủ chỗ và tôi cũng không đủ thời giờ. Thật đau lòng ! Bệnh nhân ở đây (Cam Ranh) nghèo hơn và khổ hơn ở Nam Kỳ và Huế. Thứ Tư tới sẽ có một nữ tu dòng Thăm viếng đến giúp. Tôi rất mừng vì một đàng là các bệnh nhân sẽ được trợ giúp về mặt thiêng liêng, và mặt khác là các nữ tu không ngại đảm nhận một số công việc vật chất mà tôi sẽ giao bớt cho họ…”

 

Qua những dòng thư

Viết cho Cô Lê thị Huế, con thiêng liêng của ngài

. Từ Lyon, ngày 18.4.1960

“Con thân mến. Cha nhận nhiều con nuôi. Đó là những người mà cha đã dẫn dắt đến bí tích Rửa tội. Trong số đó có một em mà cha hy vọng sẽ trở thành Linh mục. Vậy Cha xin con hãy cầu nguyện cho em đó được làm linh mục. Biết đâu nó sẽ cùng làm việc chung với cha và sẽ thay thế cha khi cha qua đời…”

. Ngày 22.6.1963

“Cha báo cho con hay là Cha đã quyết định sẽ đi Việt Nam vào tháng 10. Từ đây tới đó Cha phải lo thu xếp rất nhiều việc…”

 

Viết cho Mẹ Bề Trên Dòng Kín Carmel Saigon. Ngày 20.11.1958,

“Vì tôi không có ơn gọi tu dòng và tôi là một linh mục triều, nên tôi phải xin nhập tịch vào giáo phận của một Giám mục. Hiện nay tôi nghĩ đến Đức Cha Hiền và Đức Cha Bình. Tôi đang suy xét kỹ. Xin Mẹ cầu nguyện giúp tôi để tôi có thể chọn lựa đúng…”

. Ngày 9.5.1959

“Đức Cha Bình bảo tôi cho ngài biết rõ tôi muốn làm ngành gì trong y khoa. Tôi đã trả lời ngài là tôi muốn phục vụ ở một bệnh viện vùng quê, với mục đích không chỉ chăm sóc phần xác các bệnh nhân mà còn giúp đỡ phần hồn cho họ… Theo kinh nghiệm của tôi, tôi biết ở vùng nông thôn thì người ta sống xa bệnh viện, do đó khi có một bệnh nhân nằm viện thì sẽ có nhiều thân nhân theo nuôi. Nếu có các nữ tu thăm viếng và giúp đỡ họ rồi dạy giáo lý cho họ thì đó thực là một một cơ hội rất tốt để ơn Chúa tác động.”

. Ngày 28.12.1962

“… Theo dự định thì tôi sẽ ra đi vào đầu tháng 10. Đức Cha (tức Đức Cha Điền, giáo phận Cần thơ) đang tìm cách mua một mảnh đất cách Cần Thơ khoảng 40 km gần ranh giới tỉnh Long Xuyên. Ngài đã xin viện trợ công giáo nước ngoài. Đức Cha và Sơ Marie Glossinte  Bề trên Chúa Quan Phòng cũng đã liên lạc với Cha Duchesne. Theo yêu cầu của Đức Cha, tôi vừa gửi cho Cha Duchesne một bản trình bày các dự án để được ngài  trợ giúp. Xin Mẹ Bề trên và cộng đoàn cầu nguyện cho tôi.”

. Ngày 19.4.1963

“Đức Cha Điền cho tôi hay là nhờ tiền viện trợ công giáo nước ngoài nên đã cất lên được một ngôi nhà thờ nhỏ trên miếng đất ấy (tức là Cờ Đỏ). Đức Cha Jacques (Giám mục giáo phận Long Xuyên) cũng quan tâm đến những dự án của tôi. Ngài đã bàn bạc với hai nữ y tá có quen với tôi và đang muốn đến đó làm việc với tôi. Đây là điều tôi rất sẵn sàng trong mức độ tôi có thể trợ cấp tài chánh cho cuộc sống của họ và gia đình họ.

… Trong tháng 8, Đức Cha Điền sẽ ghé nước Pháp trước khi đi dự khóa thứ hai của Công Đồng. Ngài sẽ ở với tôi vài ngày. Nếu đẹp ý Chúa thì tôi sẽ khởi hành đi Việt Nam vào đầu tháng 10, và một trong những nơi mà tôi đến thăm đầu tiên ở Saigon sẽ là Dòng Kín Carmel của Mẹ…”

 

Qua những lời chứng

. Nữ tu Guillemine, người Việt Nam, tu hội Nữ tử Bác ái

Saigon ngày 19.3.1964

“Tôi được quen biết Bác sĩ Longet trong những năm 1957-1958 khi ngài làm Bác sĩ của bệnh viện Grall, là nơi tôi làm việc trong vai trò một nữ tu học nghề y tá (…)

Tôi thường nghe người ta kể là Bác sĩ Longet hay làm phẫu thuật miễn phí cho những bệnh nhân nghèo. Ngài cũng nhận làm “bõ đỡ đầu” cho nhiều người nghèo bị thân nhân bỏ rơi, và thường đến tận nhà để thăm họ (chính bản thân tôi cũng biết một số con cái thiêng liêng của ngài. Họ rất kính trọng và yêu thương ngài).

Một hôm tôi tình cờ đi vào văn phòng của ngài trước giờ ngài thường vào đó làm việc. Tôi giật mình nhìn thấy ngài ngồi trên ghế với nét mặt u buồn. Tôi lắp bắp xin lỗi và định đi ra. Nhưng ngài bảo tôi ở lại và tâm sự rằng tháng này ngài hoàn toàn “cháy túi” vì bệnh viện đã trừ hết tiền dư của ngài để chi trả viện phí cho “những người nghèo của tôi” mà ngài đã nhận vào bệnh viện ngược với lệnh của Bác sĩ Trưởng. Trước tình thương bao la như thế của ngài đối với những người nghèo, thật tôi hết sức sững sờ !”

. Nữ tu Llobet, tu hội Nữ tử bác ái

Dalat ngày 4 tháng 5 năm 1964

“Tôi gặp ngài lần đầu ở Cam Ranh là nơi ngài điều hành một bệnh viện quân y cho các lính thủy người Pháp, Việt Nam và Cam bốt. Nhưng bên cạnh đó ngài còn cất lên một bệnh viện nữa để đón nhận thường dân. Đa số họ là dân chài rất nghèo. Điều đánh động tôi trước tiên là sự quan tâm và tình thương của ngài đối với những bệnh nhân nghèo ấy. Vì ngài không biết tiếng Việt nên ngài bảo các nữ tu nói chuyện với họ trước, tìm hiểu hoàn cảnh vật chất và tinh thần của họ rồi kể lại cho ngài biết. Rồi đến giờ ngài khám bệnh, tôi chứng kiến một cảnh tượng rất cảm động : bác sĩ Longet ngồi đó, chung quanh là cả một đám đông bệnh nhân xúm xít. Ngài cư xử với họ một cách tôn trọng và yêu thương như ngài đang nhìn thấy Chúa Kitô trong họ vậy.

Trong chuyến viếng thăm ấy tôi lại được chứng kiến một câu chuyện còn cảm động hơn : Một hôm Bác sĩ Longet tìm thấy một bé gái vừa sinh ra đã bị cha mẹ bỏ ngoài đồng không ai chăm sóc. Ngài bồng nó về đem giao cho các Nữ tu ở Nha Trang nhờ họ nuôi nấng, mỗi tháng ngài đều gửi tiền cho các nữ tu ấy. Bây giờ đứa bé ấy đã lớn thành một cô gái xinh đẹp. Chắc hẳn Chúa Cha từ trời cao nhìn xuống sẽ rất hài lòng vì đã có những người chăm lo cho những đứa con bị bỏ rơi của Người.”

 

. Nữ tu Agathe, Tu hội Nữ tử Bác ái

Saigon, ngày 5.5.1964

“… Khi Bác sĩ Longet nhìn thấy một nữ tu dẫn bệnh nhân đến thì cho dù chưa tới phiên bệnh nhân đó ngài cũng khám ngay. Ngài nói với chị nữ tu ấy : “Tôi biết Sơ còn bận nhiều việc phải làm nên tôi không muốn để Sơ phải chờ”

 

. Bà Guigou, nữ điều dưỡng đã từng làm việc với Bác sĩ Longet ở Châu Đốc

Marseille ngày 4.7.1964

“… Những người giàu và những người nghèo đều ngưỡng mộ bác sĩ Longet. Một số người lợi dụng lòng quảng đại của ngài. Ngài biết nhưng không quan tâm, ngài nói “những người ấy chỉ là một số ít thôi”

 

. Nữ tu Agathe, Tu hội Nữ tử Bác ái

Saigon ngày 23.8.1964 (Khi đó Cha Longet đã qua đời)

“… Những khi chăm sóc bệnh nhân phong cùi mà tôi cảm thấy ngại không dám nhìn thẳng mặt họ thì tôi cầu xin với Cha Longet, xin ngài từ trời trợ giúp… Sau đó tôi cảm thấy được nâng đỡ”.

 

. Nữ tu Marthe, Tu hội Nữ tử Bác ái

Trại phong Di linh, ngày 14.12.1964

“… Trong những lúc khó khăn tôi hay cầu xin Cha Longet và tôi an tâm sẽ được ngài giúp. Tôi biết ngài thích giúp người khác. Thực ra ở Việt nam tôi chỉ được gặp ngài vào năm 1957 ở bệnh viện Grall (Saigon). Ai ai cũng nói về lòng bác ái của ngài. Ngài giúp rất nhiều người. Dù có một số người lợi dụng lòng tốt của ngài nhưng ngài vẫn tìm dịp giúp đỡ tất cả mọi người.

Thỉnh thoảng ngài nhờ tôi tìm việc làm cho những người thất nghiệp, tìm chỗ nuôi dạy các trẻ mồ côi… Cha Gauthier (một linh mục thừa sai ở Phan rang) có thể kể ra rất nhiều câu chuyện về lòng bác ái của Cha Longet. Phần tôi, tôi rất sẵn lòng giúp cha (tác giả quyển sách này) thu thập những mẫu chuyện của Cha Longet để giúp ích cho các độc giả.”

 

. Đức Cha Giacôbê Nguyễn ngọc Quang, Giám Mục giáo phận Cần Thơ

Cần thơ ngày 22.2.1966

“Cộng đoàn tín hữu nhỏ bé của Cha Longet không ngừng phát triển. Cha sở hiện tại vừa cất xong một ngôi trường có thể thu nhận hơn 200 học sinh. Công cuộc đối thoại với lương dân cũng rất tốt đẹp. Rõ ràng có bàn tay Chúa đang hoạt động nơi đó, nhờ lời cầu bầu của Cha Longet, vị Cha Sở tiên khởi. Mặc dù Cha Longet chưa hề bước chân tới đó nhưng tôi vẫn luôn xem ngài là Cha Sở họ đạo đó. Tên bình dân của họ đạo là Cờ Đỏ, tên hành chánh là Thuận Trung”.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

– Trang 16 : Bác sĩ Trưởng Hải Quân Pháp

 

– Trang 65 : Bệnh viện Châu Đốc. Tháng 12 năm 1950. Các bệnh nhân phong cùi đứng trước trại.

 

– Trang 98 : Cam Ranh 1956. Bác sĩ Longet đang làm phẫu thuật.

 

– Trang 112 bis : An ủi một bà cụ già.

 

– Trang 128 bis : Lãnh chức Phụ Phó Tế ngày 6.1.1962

 

 

– Trang 144 ter : Tháng 11.1962, hình chụp chung tại Đền Thờ Thánh Phêrô với Đức Cha Điền giáo phận Cần Thơ và Đức Cha Jacques giáo phận Long Xuyên.

 

– Trang 192 bis : Linh mục đời đời.