Lý tưởng trong việc giáo dục
Tìm hiểu những thành bại trong việc giáo dục không phải chỉ là ghi nhận kết quả, mà còn phải nhận diện những nguyên nhân. Đem nhiều kinh nghiệm ra so sánh và phân tách, người ta thấy rằng: thành công hay thất bại của việc giáo dục tùy thuộc phần lớn ở nguyên nhân tâm lý: đó là lý tưởng. Giáo dục có lý tưởng hay không có lý tưởng, tính cách của lý tưởng, sự hấp dẫn của lý tưởng, sự hăng say đối với lý tưởng… tất cả những khía cạnh đó, nếu không phải là yếu tố cấu thành thì cũng là những yếu tố ảnh hưởng của kết quả giáo dục.
Lý tưởng là một danh từ quen thuộc. Theo nghĩa rộng, lý tưởng được hiểu như tốt đẹp, như vừa ý, hoàn toàn. Một người bạn lý tưởng, có nghĩa là một người bạn hoàn toàn. Một buổi chiều lý tưởng là một buổi chiều tốt đẹp vừa ý.
Theo nghĩa hẹp, lý tưởng là một ý tưởng hay một hình ảnh trong trí khôn được chọn làm mẫu để rập theo, hay làm đích để đạt tới. Là lý tưởng hay hình ảnh, nên lý tưởng thuộc phạm vi tinh thần, nằm trong thế giới nội tâm. Là mẫu được chọn, nên lý tưởng đúc kết những nét hoàn bị nhất chọn lọc bởi kinh nghiệm, suy tư, hợp với khát vọng. Là đích để đạt tới, nên lý tưởng là một tiếng mời gọi đi lên.
Như thế, tất nhiên lý tưởng phải có tính cách siêu việt. Nhưng không vì thế mà nó chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng là tưởng sai, không đúng sự thực. Còn lý tưởng thì xây dựng bằng những sự có thực. Lý tưởng siêu vượt ở chỗ nó gồm toàn những gì cao đẹp, những đặc điểm hoàn toàn, vượt trên những mức độ tầm thường. Do đó lý tưởng xứng đáng chỉ được hiểu về những gì hoàn bị.
Lý tưởng có thể chỉ là một ý tưởng bao quát, thí dụ: đạo đức, thông thái, anh hùng. Có khi được xác định trong một vài chi tiết như bác ái, chuyên triết học, diệt xâm lăng. Cũng có khi lý tưởng được đặt vào một hình ảnh của một nhân vật mẫu hay được xây dựng do tưởng tượng sáng tạo. Dù dưới hình thức nào, lý tưởng bao giờ cũng là cái nhìn cao đẹp hấp dẫn. Nó là đối tượng muốn tìm, là mẫu người muốn bắt chước, là mục tiêu muốn đạt tới.
Thực vậy, con người sinh ra là người, nhưng chưa làm người. Muốn nên người thì phải học làm người. Làm người cũng giống như làm một ngôi nhà, vẽ một chân dung. Cần phải có một hoạ đồ, một kiểu mẫu, để nhìn vào đó mà xây dựng. Chọn một lý tưởng làm mẫu cho nếp sống tức là tìm cho đời mình một hướng đi, một ý nghĩa. Đã hẳn, không có lý tưởng, người ta vẫn sống. Nhưng giá trị con người không phải chỉ là sống suông, mà là sống xứng nhân tính với tất cả những gì cao đẹp của nó.
Nhân tính đã có nơi mỗi người từ lúc mới nhập cuộc sống, nhưng lúc đó chỉ là mầm non. Con trẻ sơ sinh mới chỉ là hy vọng. Nó mang nhiều khả năng phong phú, nhưng những khả năng này thường đa diện đa năng. Óc thông minh có thể khám phá điều hữu ích, mà cũng có thể tạo ra điều tai hại. Can đảm có thể làm nên anh hùng, mà cũng có thể làm nên tướng cướp. Chính vì những khả năng nơi con trẻ còn trong tình trạng vô định mênh mông, nên mới cần phải giúp chúng định hướng về mục tiêu lợi ích tối đa. Mục tiêu định hướng đó chính là lý tưởng.
Mục tiêu định hướng là điều quan trọng cho mọi cuộc hành trình. Đi đàng mà không biết đi về đâu là đi vơ vẩn. Đi vơ vẩn trên đường đôi khi còn có một chút ý nghĩa, chứ đi vơ vẩn trên cuộc đời thì thực là bi đát. Đời sống là một hành trình dài. Mỗi người đều có trách nhiệm về cuộc hành trình đó. Nếu không tìm mục tiêu hay chọn sai mục tiêu thì hậu quả trách nhiệm chắc sẽ không phải nhỏ. Vai trò của mục tiêu cũng chính là vai trò của lý tưởng.
Nói theo lý thì ai ai cũng đều có thể có lý tưởng. Vì đã là người, thì đều hướng về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Nhưng những tuyệt đối đó chỉ là tư tưởng trừu tượng. Chứ trước mắt đâu có gì gặp được là tuyệt đối. Do đó mới có những trường hợp đi tìm tuyệt đối ở những cái rất mực tương đối, có khi ở cả những cái phản ngược lại đạo đức và chân lý. Nhưng trường hợp đó thường gọi là những mẫu đời không lý tưởng, những cuộc sống chạy theo bóng dáng lý tưởng. Số đó không phải ít. Chính vì thế mà một nền giáo dục toàn diện, không thể không quan tâm đến vấn đề gây lý tưởng.
Lý do rất dễ hiểu, là vì hành động phát sinh từ ham muốn. Ham muốn phát sinh từ ý tưởng. Nên một đường lối giáo dục có lý tưởng phải khởi đầu bằng việc gây ý thức về lý tưởng.
Việc gây ý thức này không phải chỉ có tính cách làm giàu kiến thức, mà còn có mục đích đun đẩy người thụ huấn tới việc thực hiện ý thức đó. Có thể nói, việc gây ý thức về lý tưởng nhằm mục đích thực tiễn hơn mục đích lý tưởng, nhằm mục đích thực tiễn hơn mục đích lý thuyết. Chính vì thế, nên lý tưởng phải được kêu gọi bằng những ý thức giàu động lực.
Đó là một vấn đề liên hệ đến tư tưởng thì tất nhiên không thể tránh được trừu tượng. Trừu tượng không phải là không hấp dẫn. Nhưng đối với những bộ óc còn non yếu, thì lý tưởng động lực cần phải đặt vào những hình thức rõ rệt, thiết thực và cụ thể.
Muốn rõ thì phải xác định. Xác định thì phải tách biệt. Thí dụ: Tôi nhìn rõ chữ này, tức là tôi nhận diện các nét của nó trong một tổng hợp và phân tích, đồng thời phân biệt được nó với những chữ chung quanh. Cũng vậy, nếu tôi chọn bác ái làm lý tưởng đời tôi, thì tôi cần phải hiểu rõ thế nào là bác ái với những điều kiện và tương quan của nó, đồng thời phải biết phân biệt bác ái thực với những hình thức bác ái giả tạo thấy nhan nhản khắp nơi. Lý tưởng càng rõ càng dễ thực hiện.
Thêm vào tính cách rõ ràng, ý tưởng cũng cần phải thiết thực. Gọi là thiết thực những gì có thể thực hiện được và có tính cách thỏa mãn chính đáng chủ thể cũng như nhu cầu ngoại cảnh. Nếu tôi muốn làm tổng thống và theo đuổi ý muốn đó như một lý tưởng tha thiết đời mình thì chắc chắn lý tưởng đó không có chút gì là thiết thực. Vì sự tôi làm tổng thống là việc chẳng cần, chẳng được và cũng chẳng nên.
Nếu lý tưởng được cụ thể hóa trong một nhân vật, thì càng có tính cách sống động và hấp dẫn hơn. Nói về tinh thần bất khuất của dân tộc, có khi không gây xúc động được ai, nhưng khi thấy trò Ơn bị ngã gục, thì hàng ngàn người đã nhìn vào hình ảnh đó như một tấm gương lý tưởng. Họ thấy như lý tưởng vừa xa vừa gần, vừa sống động vừa linh thiêng, tuy cao vượt nhưng cũng không quá tầm của họ. Tính cách cụ thể của lý tưởng là một động lực rất hấp dẫn. Và nó sẽ hấp dẫn một cách lạ lùng đối với học trò nếu lý tưởng lại được cụ thể hóa nơi chính nhà giáo của chúng. Tấm gương của nhà giáo là một cách gợi ý thức nhiều động lực không gì bằng. Nó có thể thay thế tất cả, nhưng không gì thay thế được nó.
Gây ý thức về lý tưởng mới chỉ là khởi đầu. Làm sao đạt được lý tưởng đã ý thức lại là vấn đề khác. Cho tới đây tất cả còn nằm trong lý thuyết. Tuy nhiên, nếu lý thuyết chỉ huy hành động, thì sự giải quyết một vấn đề trên lý thuyết cũng là một điều cần thiết vậy.