Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 21 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 21 Thường Niên

 Chúa Nhật 21 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 21 Thường niên.

Thứ Ba tuần 21 Thường niên.

Thứ Tư tuần 21 Thường niên.

Thứ Năm tuần 21 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 21 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 21 Thường niên.

 

TRÊN TẢNG ĐÁ NÀY

Chúa Nhật 21 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 16, 13-20

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.

Suy niệm

Trong cộng đoàn Hội Thánh,

Simon là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.

Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,

và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.

Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.

Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).

Ðức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),

và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).

Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.

Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.

Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,

Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,

và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.

Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,

tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.

Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.

Phêrô được tuyên bố là người có phúc,

vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.

Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.

“Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.

Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,

ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:

“Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,

Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,

sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.

Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,

đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.

Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.

Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.

dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.

Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),

nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.

Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),

nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.

Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,

quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,

thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.

Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.

Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,

mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,

những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.

Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,

khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,

khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,

khi Ðức Thánh Cha bị công kích?

Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,

cải tổ và canh tân Hội Thánh

bằng việc canh tân chính bản thân mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 

 

 

ĐẠO ĐỨC GIẢ

Thứ Hai tuần 21 Thường niên

Lời Chúa: Mt 23, 13-22

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các kinh sư và người phariêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người. Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: ‘Ai chỉ Ðền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Ðền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc’. Ðồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Ðền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề thì bị ràng buộc’. Ðồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. Và ai chỉ Ðền Thờ mà thề, là chỉ Ðền Thờ và Ðấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”

Suy niệm

Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc.

Ngài chúc mừng những ai thuộc về Nước Trời bằng các lời Phúc cho.

Còn trong chương 23 của Tin Mừng Mátthêu,

Đức Giêsu lại 7 lần dùng lối nói Khốn cho,

khi nói với giới lãnh đạo Do Thái giáo là các kinh sư và nhóm Pharisêu.

Đức Giêsu không phải là người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này.

Các ngôn sứ thời xưa như Amốt hay Isaia (Am 6, 1; Is 5, 8-24)

cũng đã lắm khi dùng lối nói này để tố cáo những người quyền thế.

Mục đích của các ngôn sứ là vạch trần những sai phạm của họ,

và cảnh báo cho mọi người biết mà tránh xa.

Đức Giêsu đã nói như một vị ngôn sứ.

Khi nói khốn cho, Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai,

cho bằng nói lên sự đau xót, thậm chí giận dữ đến độ trách phạt.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa!”

Đức Giêsu đã nói như thế với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11, 21).

“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24).

Đây không phải là một lời chúc dữ cho Giuđa,

hay kết án anh phải đời đời hư mất.

Đúng hơn đây diễn tả một tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ.

Vào thời thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70,

có một sự xung đột nghiêm trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái

với những nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ.

Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh sự căng thẳng đó.

Các vị kinh sư và những người pharisêu đầy quyền lực

không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh.

Ai tin sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (x. Ga 9, 22).

Như thế họ đã khóa cửa Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13).

Các vị kinh sư và nhóm Pharisêu hăng say trong việc truyền giáo.

Họ muốn làm cho dân ngoại trở thành Dân Chúa.

Tiếc thay, sau khi đã vào đạo rồi, những người tân tòng này

có thể trở nên cứng nhắc vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình.

Họ “trở thành con cái của hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15).

Đức Giêsu cũng tố cáo sự phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề.

Đối với Ngài, thề nhân danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ,

nhân danh bàn thờ hay lễ vật trên bàn thờ (cc. 16-20),

thì cũng chẳng khác gì thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22).

Tất cả lời thề đều phải được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau.

Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo

vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay.

Làm sao để tôn giáo mở đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa,

chứ không khép lại hay gây cản trở?

Làm sao để người tân tòng thực sự trở thành con cái Nước Trời?

Làm sao để chúng ta khỏi sa vào những chi li thái quá của luật lệ?

Những lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

 

 

BÊN TRONG, BÊN NGOÀI

Thứ Ba tuần 21 Thường niên

Lời Chúa: Mt 23, 23-26

Khi ấy, Đức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ. Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

Suy niệm

Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.

Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:

“Khốn cho các ngươi!”

Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,

vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.

Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.

Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.

Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.

“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.

Bệnh được nhắc đến trong lời “Khốn Cho” thứ tư (c. 23)

là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.

Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình

qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.

Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,

vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.

Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).

Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,

để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.

Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).

Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật

như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).

Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).

Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):

“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,

mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”

Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.

Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn

và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.

Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.

Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.

Bệnh được nhắc đến trong lời “Khốn Cho” thứ năm (c. 25)

là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.

Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.

Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.

Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.

Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.

Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,

và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.

Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.

Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.

Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.

Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.

Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,

rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),

để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

 

 

CÓ VẺ CÔNG CHÍNH

Thứ Tư tuần 21 Thường niên

Lời Chúa: Mt 23, 27-32

Khi ấy, Đức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Phrisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác! Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.” Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!”

Suy niệm

Ở xứ Paléttin, các ngôi mộ thường được quét vôi màu trắng,

để người Do thái dễ nhận ra và tránh xa.

Đặc biệt trước lễ Vượt qua, mộ được quét vôi lại,

vì có đông đảo khách hành hương tuốn về quê dự lễ.

Ai bất cẩn đụng vào mộ là bị trở nên ô uế trong bảy ngày (Ds 19, 16).

Đối với người Do thái, ngôi mộ là điều nên tránh,

vì bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô nhơ (c. 27),

tuy bên ngoài có vẻ sạch sẽ tốt đẹp.

Đức Giêsu đã dám ví các kinh sư và người Pharisêu với ngôi mộ,

vì bên ngoài họ có vẻ công chính trước mặt người ta,

nhưng bên trong thì đầy đạo đức giả và gian ác (c. 28).

Có sự tương phản giữa cái có vẻ bên ngoài và cái thực tế bên trong.

Bên ngoài không diễn tả bên trong, nhưng làm hiểu sai cái bên trong.

Tất cả nỗ lực của chúng ta là làm cho bên ngoài và bên trong nên một,

để ai thấy bên ngoài của ta đều biết được điều sâu kín bên trong.

Đức Giêsu còn đề cập đến một sự giả hình khác (cc. 29-32),

đó là việc các người Pharisêu xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ thời xưa.

Họ khẳng định mình không can dự vào tội giết các ngôn sứ của cha ông họ.

Tiếc thay, họ lại can dự vào tội giết các ngôn sứ do Đức Giêsu sai đến,

qua đó họ cho thấy mình đúng là người thuộc dòng dõi của cha ông,

Khi đọc toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Mátthêu

về những lời phê phán của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo,

chúng ta có thể bị sốc, vì chúng quá nặng nề.

Liệu Đức Giêsu hiền lành có nói nguyên văn những lời như thế không?

Điều cần biết là không phải người Pharisêu nào cũng giả hình.

Có nhiều người thực sự thánh thiện đạo đức,

và Đức Giêsu đã có tương quan tốt với một số người trong nhóm.

Cũng nên nhớ là Ngài không giảng cả chương 23 trong một lần,

nhưng trong nhiều dịp khác nhau, và Mátthêu gom lại thành một chương.

Cuối cùng không nên quên là hầu chắc giọng điệu gay gắt của chương này,

là do có sự căng thẳng giữa Hội Thánh Chúa và Hội đường Do thái.

Vào thời Mátthêu viết Tin Mừng này, có những Kitô hữu bị bách hại,

bị đánh đòn, bị giết và đóng đinh bởi người Do thái (Mt 23, 34).

Bởi đó những lời của Đức Giêsu nhắm vào người Pharisêu ngày xưa,

lại trở thành lời nhắc nhở chúng ta hôm nay,

những người sống trong Hội Thánh và những người lãnh đạo.

Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có.

Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Hội Thánh vẫn muốn cho đọc bài Tin Mừng gây sốc này

vì các Kitô hữu vẫn bị cám dỗ giữ đạo bên ngoài mà không sống đạo.

Thật ra chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho con người hôm nay

khi những khoảng cách giữa lời nói và hành động được xóa bỏ,

khi người ta thấy sự thống nhất trong lối sống của chúng ta,

khi mọi mặt nạ được cởi ra, và sự thật được tỏ hiện.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,

để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng

vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt

nhờ để ánh sáng Chúa

tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

 

 

HÃY SẴN SÀNG

Thứ Năm tuần 21 Thường niên

Lời Chúa: Mt 24, 42-51

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các đệ rằng: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

“Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà còn thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Suy niệm

Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng.

Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo

có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không.

Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi Kitô hữu,

từ những Kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế.

Hãy sẵn sàng vì từng Kitô hữu cũng như cả Kitô giáo

vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại.

Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm,

Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá,

Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần,

nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.

Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.

Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức,

không để nó khoét vách nhà mình (c. 43).

Còn người Kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại,

nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ.

Canh thức không phải là không ngủ.

Canh thức là sống đời sống Kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại.

Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,

vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay.

Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến,

nên chúng ta luôn sẵn sàng.

Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa,

vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ.

Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.

Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực.

Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.

Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh,

thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).

Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn,

anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận.

Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác,

nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ,

thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ.

Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình.

Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).

Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.

Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ.

Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó.

Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi.

Cả hai thái độ đều không đúng.

Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc.

Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

 

 

VỪA MANG ĐÈN, VỪA MANG DẦU

Thứ Sáu tuần 21 Thường niên

Lời Chúa: Mt 25, 1-13

Một hôm, Ðức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. Ðang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Suy niệm

Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết.

Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình.

Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương hồi cuối tháng 5/2011 vừa qua

nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.

Cái chết đến khi mọi người đang vui vẻ chúc mừng nhau

trong bữa tiệc mừng sinh nhật của cháu bé 3 tuổi.

16 người chết vì bị kẹt lại trong chiếc tàu du lịch bị mưa to gió lớn đánh chìm.

Vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn đường Ðiện Biên Phủ (tháng 10/1996),

nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết.

Cái chết đến khi mọi người đang say ngủ,

lúc 3 giờ sáng ngày 17-10, sau bữa tiệc sinh nhật.

Chín người chết vì không thể ra khỏi căn nhà bốc cháy.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ,

như chú rể đến lúc nửa đêm.

Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan,

hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.

Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự.

Chắc họ đã lo trang điểm cho mình.

Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn.

Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya.

Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới.

Nhưng muộn quá!

“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”

Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm,

khiến đèn của mình hết dầu.

Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan,

vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya.

Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng,

không mang dầu dự trữ.

Có đèn. Không đủ!

Ðèn cần phẳi sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ.

Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.

Mang danh là Kitô hữu. Không đủ!

Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ!

Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa.

Ðòi hỏi lớn nhất là yêu thương.

Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại,

có những người đèn đã hết dầu từ lâu…

Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.

Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung,

của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.

Cần châm thêm dầu mỗi ngày…

Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Tỉnh thức không phải là không ngủ…

Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.

Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa,

nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.

Chẳng ai biết lúc nào tận thế.

Chẳng ai biết giờ chết của mình.

Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu,

trong biến cố nào, nơi con người nào.

Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.

Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức,

khi nhận ra mình đã mê muội.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

 

 

VÀO MÀ HƯỞNG NIỀM VUI

Thứ Bảy tuần 21 Thường niên

Lời Chúa: Mt 25, 14-30

Khi ấy, Đức Giêu nói với các môn đệ rằng: “Cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Ông chủ đáp: “Hỡi tên đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Ngươi đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý ngươi phải gởi số bạc của ta cho các chủ ngân hàng, để khi ta đến, ta thu hồi của thuộc về ta cùng với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Suy niệm

Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.

Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,

một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.

Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,

tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.

Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.

Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),

ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.

Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).

Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.

Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.

Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.

Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,

chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.

Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.

Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.

Anh được một yến cũng đi,

nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).

Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.

Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.

Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,

ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:

“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!

Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.

Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).

Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,

đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.

Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.

Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng

để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).

Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.

Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).

Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,

được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.

Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)

để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.

Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.

Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.

Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.

Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.

Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.

Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.

Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.