Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 25 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 25 Thường Niên

Chúa Nhật 25 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 25 Thường niên.

Thứ Ba tuần 25 Thường niên.

Thứ Tư tuần 25 Thường niên.

Thứ Năm tuần 25 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 25 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 25 Thường niên.

 

TÔI ĐÂU CÓ BẤT CÔNG

Chúa Nhật 25 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 20, 1-16a

Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

Suy niệm

Trong dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15),

chúng ta đã từng thấy thái độ của người con cả

nổi giận không chịu vào nhà,

vì anh thấy cha tỏ ra quá bao dung

đối với đứa em hư đốn,

chẳng những cha tha thứ mà còn mở đại tiệc ăn mừng,

“Ðã bao năm con hầu hạ cha… thế mà chưa bao giờ…

còn thằng con của cha đó… Vậy mà…”

Anh thấy mình bị cha đối xử bất công!

Trong dụ ngôn trên đây, người làm sớm cũng cằn nhằn

vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng.

Cả hai dụ ngôn đều phản ánh một căng thẳng có thực

do việc Ðức Giêsu thường giao du với tội nhân.

Ngài quý trọng từng con chiên lạc,

đem đến cho họ niềm vui sống và sự tự tin.

Ngài mời họ hoán cải và hứa ban cho họ Nước Trời.

Như thế, rốt cuộc những người Do Thái tội lỗi

cũng được hưởng hạnh phúc như các ông Pharisêu

suốt đời tuân giữ chi li Lề Luật.

Người Pharisêu bị sốc vì thái độ của Ðức Giêsu.

Họ cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Khi nhìn thái độ bực bội của người làm từ sớm,

chúng ta hiểu được thế nào là ghen tỵ.

Người làm sớm cằn nhằn ông chủ vườn nho

không phải vì ông đã đối xử bất công đối với họ

(họ vẫn được trả đủ tiền lương mà),

nhưng vì ông đã trả cho người làm sau

ngang hàng với họ, là những kẻ vất vả suốt ngày.

Nếu ông trả cho người làm sau ít hơn,

chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu.

Người ghen tỵ không vui được với người vui

vì họ không biết yêu thương.

Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không phải là bạn,

nên sự thành công của ai đó trở thành mối đe dọa.

Ðức Giêsu mời chúng ta đổi cái nhìn về Thiên Chúa.

Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ.

Ngài có trái tim để tự do yêu,

có lòng tốt để bất ngờ trao tặng,

Thiên Chúa là Thiên Chúa của người trộm lành,

là chủ của người thợ chỉ làm có một tiếng.

Thiên Chúa công bình lại là người cha đầy yêu thương.

Ðức Giêsu cũng mời ta đổi cái nhìn về tha nhân,

bớt tự hào về mình, thêm trân trọng người khác,

phá bỏ những hàng rào của nhỏ mọn, ghen tương.

Ðến khi nào người con cả mới chịu vào nhà

để niềm vui của cha, của em là của anh?

Ðến khi nào người làm từ sáng sớm

biết chia vui cùng người mới làm buổi chiều?

Ðến khi nào tôi mới thật sự vui với người kế bên

chỉ vì người ấy là bạn tôi?

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

CÁCH THỨC ANH EM NGHE

Thứ Hai tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 8, 16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói cùng dân chúng rằng: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ có ba câu có vẻ rời rạc.

Ba câu này thánh Luca đặt nằm ngay sau dụ ngôn về người gieo giống.

Vậy ta phải hiểu các câu này trong bối cảnh của dụ ngôn trên,

một dụ ngôn nói về việc đón nhận hạt giống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa cách nghiêm túc là thắp lên một ngọn đèn (c. 16).

Vào thời xưa, người ta dùng đèn dầu, làm bằng đất nung.

Hẳn nhiên ý hướng của người thắp đèn là soi sáng.

Ngọn đèn sáng để soi đường cho “những kẻ khác” vào nhà,

những người chưa được biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 10).

Vì thế thật vô lý nếu có ai sau khi thắp đèn, rồi lấy cái hũ mà đậy lại,

hay đặt ngọn đèn dưới gầm giường.

Dù có lúc ánh sáng đó như bị che khuất hay trở nên leo lét,

nhưng đời Kitô hữu vẫn mãi mãi là ngọn đèn sáng đặt trên giá đèn

cho một thế giới mà bóng tối không ngừng vây bủa tấn công.

“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,

để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha trên trời.”

Dù có lúc họ phải sống ẩn núp trong hang toại đạo,

hay phải chịu sống như Giáo hội thầm lặng,

nhưng giữ bí mật hay che giấu lén lút

lại không phải là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu (c. 17).

Rồi đến ngày cái bí mật phải được vén mở,

cái che giấu phải được đem ra ánh sáng công khai.

Chúng ta có những hiểu biết về Thiên Chúa, về thân phận con người,

về ý nghĩa của khổ đau và cái chết.

Chúng ta có đức tin và niềm hy vọng, có niềm vui và bình an.

Chúng ta biết mình từ đâu đến và đang đi về đâu.

Kitô hữu không thể cất giấu kho tàng đức tin của mình được.

Họ có nghĩa vụ phải chia sẻ cho một thế giới đang khát khao.

Lời Chúa như nén bạc không được phép chôn giấu.

“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.” (c. 18).

Có cách nghe kiểu vệ đường, nước đổ lá khoai,

có cách nghe không bám rễ vì sỏi đá,

có cách nghe bị chết ngộp vì cái tâm đầy vọng động.

Nhưng cũng có cách nghe của người giữ chặt lấy Lời

trong trái tim tốt lành và nhẫn nại (c. 15).

Ai nghe Lời Chúa cách hữu ích, người đó sẽ được lợi ích thêm.

Khi ta mở rộng cửa cho Lời Chúa tác động,

Lời sẽ xâm nhập vào đời ta càng lúc càng mạnh mẽ.

Còn ai cứng cỏi từ khước, thì ngay từ đầu, họ đã mất cả chì lẫn chài.

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta vào thái độ tích cực, dấn thân.

Thái độ của Kitô hữu là đứng hẳn về phía ánh sáng.

Nhiệm vụ của chúng ta là thắp sáng, chiếu sáng và đem ra ánh sáng,

để những ngọn đèn nhỏ của ta dẫn nhân loại đến với Ánh Sáng Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu

tạ ơn Chúa đã cho chúng con

ánh sáng mặt trời, mặt trăng,

và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

Tạ ơn Chúa

vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.

Đó là vinh dự

và cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối

của hận thù và bất công,

của buồn phiền và thất vọng.

Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa

mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con,

và biết vâng theo những soi sáng của Chúa

qua từng phút giây của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu,

cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối

vẫn còn tiếp diễn

trên thế giới và trong lòng chúng con.

Ước gì chúng con

đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối,

nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa,

để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

MẸ TÔI VÀ ANH EM TÔI

Thứ Ba tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Ðức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

Suy niệm

Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình ở Nadarét bao lâu,

mà hôm nay Mẹ và anh em Ngài mới đến gặp Ngài.

Có phải vì nhớ, hay vì lo lắng do nghe các lời đồn đại?

Để biết được Ngài đang ở đâu, thì phải hỏi thăm,

bởi hồi đó chưa có những phương tiện truyền thông như bây giờ.

Vì vậy chuyện Mẹ đến được chỗ của Con là một nỗ lực không nhỏ.

Tiếc là khi đã đến nơi Con đang giảng dạy,

thì Mẹ lại không làm sao vào được, vì người đông quá (c. 19).

Chắc Mẹ đã nhờ ai đó vào báo cho Đức Giêsu:

“Có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy” (c. 20).

Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều không cho biết

Đức Giêsu có ra ngoài để đón tiếp Mẹ và các anh em Ngài không.

Điều này khiến ta có cảm tưởng bầu khí đón tiếp hơi lạnh lùng.

Nhưng cả ba Tin Mừng đều kể lại câu nói gây sốc của Ngài:

“Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa

và đem ra thực hành” (c. 21).

“Mẹ tôi và anh em tôi” là ai? Một câu hỏi quá dễ!

Hiển nhiên đó là những người đang đứng ở ngoài kia.

Mẹ của Ngài là bà Maria, người phụ nữ làng Nadarét,

người đã cưu mang, cho bú mớm, và chăm lo dưỡng dục Ngài.

Anh em là những người họ hàng gần gũi, tuy không phải là anh em ruột.

Mẹ và anh em của Đức Giêsu là những người đang đứng ngoài nhà.

Ngài không hề khinh họ, nhưng Ngài tập trung vào người trong nhà.

Những người ở trong nhà là những người đang ngồi nghe lời Đức Giêsu.

Họ được mời gọi không nghe suông, nhưng đem ra thực hành,

để trở thành mẹ và anh em của Ngài.

Như thế Đức Giêsu đã nới rộng gia đình của Ngài.

Ngài không bó hẹp trong gia đình ruột thịt, mà khai mở một gia đình mới.

Gia đình thiêng liêng thì rộng lớn hơn nhiều,

và mỗi Kitô hữu đều có chỗ trong gia đình đó.

Đức Giêsu có nhiều mẹ và nhiều anh chị em.

Ai nghe và thi hành lời Thiên Chúa thì trở nên mẹ của Ngài,

bởi vì, theo thánh Bêđa, qua gương sáng và lời nói của họ,

họ sinh ra Ngài trong trái tim tha nhân.

Đức Giêsu là Con, luôn nghe và thi hành lời Thiên Chúa Cha.

Bất cứ ai sống như Ngài cũng trở nên con Thiên Chúa,

nên lập tức trở nên anh chị em với Ngài.

Chúng ta ít khi nghĩ tới chuyện mình có họ hàng với Đức Giêsu.

Có một thứ liên hệ còn sâu nặng hơn cả liên hệ máu mủ nữa.

Chúng ta mang dòng máu của Đức Giêsu, dòng máu vâng nghe lời Chúa.

Chính Thiên Chúa nối kết Đức Giêsu và cả nhân loại thành một gia đình.

Trong gia đình đó có chỗ quan trọng cho Đức Maria,

vì hơn ai hết Mẹ là người đã lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

ĐỪNG MANG GÌ

Thứ Tư tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

Suy niệm

Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu,

thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng,

giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp

để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm.

Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2).

Nhưng trước khi được chia sẻ công việc,

họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1).

Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).

Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt.

Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang.

Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả.

“Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3).

Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ,

tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin.

Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa,

và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người.

Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an.

Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường,

các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.

Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ.

Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho.

“Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4).

Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn.

Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ,

và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn.

Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5).

Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân.

Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt,

không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).

Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp.

Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật,

vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác.

Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận:

cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất.

Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người,

với những lo âu rất đời thường trong một gia đình,

vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất.

Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần

đang tác oai tác quái trong đời nhiều người.

Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.

Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì?

Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21?

Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

ÔNG NÀY LÀ AI?

Thứ Năm tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 7-9

Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Ðó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy!” Kẻ khác nữa lại nói: “Ðó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi vua tìm cách thấy mặt Ðức Giêsu.

Suy niệm

Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,

qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.

Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).

Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),

vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).

Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.

Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).

Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.

Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.

Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.

Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng

sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).

Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.

Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,

người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).

Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).

“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”

Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.

Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.

Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).

Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).

Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.

Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.

Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,

nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.

Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.

Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.

Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.

Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.

“Ông này là ai?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.

Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.

Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.

Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).

Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.

Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.

Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:

tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.

Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,

qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.

Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,

để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.

Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,

nhưng vẫn không biết Ngài là ai.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,

con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khóa lên

để mở những cánh cửa của Chúa.

(Graham Kings)

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

Thứ Sáu tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Ðám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”

Suy niệm

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,

trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.

“Dân chúng nói Thầy là ai?” (c. 18).

Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.

Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).

Điều đó đúng nhưng không đủ.

Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).

Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”

Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,

nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.

Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).

Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô

hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.

Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.

Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Israel khỏi ách Rôma,

cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.

Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).

Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.

Phêrô đã đi theo Mêsia nào?

Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,

ông có còn muốn theo Ngài nữa không?

“Còn con, con bảo Thầy là ai?”

Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.

Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.

Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,

và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,

bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.

Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.

Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,

để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.

Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.

Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.

Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.

Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.

Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.

Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,

xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.

Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình

để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.

Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,

và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.

Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,

xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

Cầu nguyện

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

KHÔNG HIỂU LỜI ĐÓ

Thứ Bảy tuần 25 Thường niên

Lời Chúa: Lc 9, 43b-45

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.

Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.

Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).

Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,

Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).

Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.

Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.

Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.

Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:

“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,

đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).

Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo

về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?

Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.

Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề

ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).

Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).

Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.

Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,

nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,

con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.

Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.

Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,

họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.

Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),

và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Israel ngay lập tức (Lc 24, 21).

Ngay sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):

“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”

Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,

thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.

Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,

nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.

Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được

làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.

Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,

trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).

Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.

Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.

Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.

Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.

Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.

Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,

lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,

và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.

Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,

và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.

Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.

Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.

Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.

Khi được nếm trước mầu nhiệm Phục Sinh ngay từ đời này,

chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.

Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,

cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.

Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh

Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống

cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã Phục Sinh

nên con vui sướng và can đảm vượt qua,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa Phục Sinh

gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,

tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.