Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 27 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 27 Thường Niên

 Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Chúa Nhật Tuần 27 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 27 Thường niên.

Thứ Ba tuần 27 Thường niên.

Thứ Tư tuần 27 Thường niên.

Thứ Năm tuần 27 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 27 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 27 Thường niên.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

 

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

 

Suy nim:

Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã.

Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an

để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.

Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.

Ðây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin,

lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.

Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.

Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời,

và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.

Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế,

nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.

Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ

vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương

được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.

Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng,

để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa.

Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.

Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời,

Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh,

nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ,

vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em.

Kitô hữu là người có Ðức Kitô ở cùng

và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.

Ðó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42)

vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Ðấng Mêsia.

Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).

Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc

vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).

Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa

và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.

Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ,

để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc:

“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời.

Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.

Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời,

vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa,

và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.

Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu,

nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài:

“Mẹ tôi và anh em tôi là những ai

nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống,

chúng ta sinh Ðức Giêsu cho nhân loại hôm nay.

Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.

Chẳng có gì Ðức Maria được hưởng cách viên mãn,

mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần.

Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.

 

 

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SINH HOA LỢI

Chúa Nhật Tuần 27 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 21, 33-43

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Suy niệm

Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền.

Những tá điền này được chủ nhà cho canh tác vườn nho của mình,

để đến mùa hái nho họ giao lại cho ông hoa lợi.

Đây là một vườn nho được ông chủ quan tâm săn sóc.

Ông đã trồng, đã rào giậu, khoét bồn đạp nho và xây tháp canh.

Tiếc thay, khi ông chủ sai các đầy tớ đến để thu hoa lợi

các tá điền chẳng những không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35).

Nhóm đầy tớ thứ hai cũng chịu chung số phận (c. 36).

Nhưng ông chủ vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền.

Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ.

Đứa con thừa tự cũng chẳng được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn nho và giết đi.

Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu muốn nói mình chính là người con ấy,

người Con của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.

Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình

bởi tay những tá điền sát nhân là các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời.

Cái chết của Đức Giêsu nằm trong chuỗi những cái chết của các ngôn sứ

là các đầy tớ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Israel trong dòng lịch sử.

Tuy nhiên, cái chết ấy đặc biệt cao quý vì là cái chết của chính Người Con.

Hơn thế nữa, cái chết ấy không phải là một dấu chấm hết.

Nó là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử,

không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Israel, mà còn của cả nhân loại.

“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.

Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 42).

Giáo Hội sơ khai thích dùng trích dẫn trên đây của thánh vịnh 118, 22

để nói về việc Đức Giêsu bị loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7).

Bị loại bỏ là việc độc ác của con người,

còn trở nên viên đá góc là việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.

“Thu hoa lợi”, “nộp hoa lợi”, “sinh hoa lợi” (cc. 34, 41, 43).

Hoa lợi là điều mà ông chủ nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn nho.

Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tá điền độc ác,

bởi đó ông đã lấy vườn nho lại, cho người khác làm để lấy hoa lợi.

Vườn nho bây giờ được hiểu là Nước Thiên Chúa.

Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo dân Do Thái nữa,

nhưng được trao cho một dân biết sinh hoa lợi (c. 43).

Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát,

trong đó gồm cả dân ngoại và những người Do Thái tin Đức Giêsu.

Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới.

Chúng ta hãnh diện vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa,

và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi cho xứng ở đời này.

Làm thế nào để Giáo Hội nộp hoa lợi đúng mùa cho Chủ?

Làm thế nào để chúng ta không rơi vào tội của các tá điền đi trước?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

con thường thấy mình không có thì giờ,

nhưng đồng thời cũng thấy mình

lãng phí bao thời gian quý báu.

Nhiều khi con tự hỏi

mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.

Xin cho con biết quý trọng từng giây phút

đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.

Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,

để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.

Xin cho con luôn làm việc như Chúa:

hăng say, tận tụy và vui tươi,

vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.

Vì quá khứ thì đã qua,

và tương lai thì chưa đến,

nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.

Xin cho con thấy Chúa

lúc này đang ở đây bên con,

và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài

bằng những hành động cụ thể.

Con xin hiến dâng Chúa giây phút này

như một hy lễ,

với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.

Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại

để hiện tại đưa con vào vinh cửu của Chúa. Amen.

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY

Thứ Hai tuần 27 Thường niên

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

Khi ấy, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ðức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Suy niệm

Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28)

vị luật sĩ đặt câu hỏi về điều răn nào là điều răn lớn nhất.

Còn theo Tin Mừng Luca, vị này lại hỏi Đức Giêsu

về việc phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25).

Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông.

Ông này đã trích sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời.

Động từ yêu mến diễn tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận:

“Hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con,

với tất cả sức lực con và với tất cả trí khôn con,

và người thân cận như chính mình” (c. 27).

Đức Giêsu khen ông trả lời đúng và khích lệ ông (c. 28).

Như thế giữa Ngài và vị thầy Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó.

Tình yêu không phải là một đòi hỏi mới của Kitô giáo,

nhưng tình yêu đã là điều cốt yếu của Do thái giáo từ xưa.

Vấn đề là phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn.

Từ tất cả được lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.

Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”

Ngài đã trả lời bằng một dụ ngôn nổi tiếng,

qua đó ngài mở rộng quan niệm truyền thống về người thân cận.

Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô.

Anh phải vượt qua đoạn đường dài gần 25 cây số.

Đoạn đường này thời bấy giờ có nhiều trộm cướp.

Anh đã bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết.

Nhìn vào tình cảnh bi đát của anh, có ai muốn thương giúp anh không?

Có ba người đi qua chỗ anh nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi.

Cả hai đều phản ứng như nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi (cc. 31-32).

Chúng ta không rõ tại sao họ làm thế.

Có thể vị tư tế sợ mình bị ô nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết,

vì sách Lêvi (21, 1-3) cấm không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.

Một người Samari là nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân.

Hầu chắc nạn nhân này là một người Do Thái,

vì không có chi tiết nào cho thấy anh ta là dân ngoại cả.

Giữa dân Do Thái và dân Samari vốn có mối hiềm thù từ lâu.

Người Samari này cũng thấy nạn nhân như hai người trước,

nhưng đó không phải là cái nhìn lạnh lùng, vô cảm.

Anh thấy bằng trái tim mình, vì thế anh chạnh lòng thương (c. 33).

điều mà hai người trước không có.

Chính sự thúc đẩy của trái tim đã khiến anh làm một loạt hành động cụ thể:

lấy dầu và rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa,

đưa về quán trọ săn sóc, ở lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy,

trả tiền cho chủ quán và hứa sẽ trở lại trả thêm nếu cần (cc. 34-35).

Lòng thương xót thật sự khiến anh chấp nhận mất công, mất của, mất giờ,

và có thể mất mạng nữa, vì có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.

Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù biết đó là một người Do Thái kẻ thù của mình,

người Samari đã làm một phép lạ lớn.

Đó là biến mình trở thành người thân cận với anh ấy,

và biến anh ấy, kẻ thù của mình, trở thành người thân cận với mình.

Đây là phép lạ của tình thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới

của chủng tộc, tôn giáo và nhất là vượt qua những thù oán lâu đời.

Để trả lời câu hỏi của vị luật sĩ: ai là người thân cận của tôi?

Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược lại cho vị này: “Theo ông,

trong ba người, ai đã trở nên người thân cận với kẻ bị nạn?” (c. 36).

Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm chứa một điều mới mẻ sâu xa.

Trước khi giúp một người,

tôi không nên tự hỏi người này có thân cận với tôi không.

Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận và loại trừ người khác.

Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó đang cần chúng ta.

Giúp đỡ cụ thể là cách tạo ra người thân cận

Càng giúp nhiều, ta càng có nhiều người bạn thân.

Vị luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì (c. 25).

Kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu trả lời: Hãy đi và hãy làm như vậy (c. 37).

Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo,

nghèo sức khỏe, nghèo tri thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm…

Chúng ta cũng bị cám dỗ “tránh sang bên kia đường”,

thấy mà làm như không thấy những Ladarô nằm trước cửa.

Yêu những người nghèo như chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình.

Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau

để làm thành một vòng tròn khép kín.

Sau đó chúng con hiểu rằng

cần phải buông tay nhau

để nhận những người bạn mới,

để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng

và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng

cần phải nối vòng tay lớn

xuyên qua các đại dương và lục địa.

vòng tay người nối với người,

vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa

đứng chung một vòng tròn

với tất cả loài người chúng con,

nắm lấy tay chúng con

và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá

giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau

và nhận nhau là anh em.

CHỌN PHẦN TỐT HƠN

Thứ Ba tuần 27 Thường niên

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Trong khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường, Ngài vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị lấy đi.”

Suy niệm

Nếu ở Việt Nam mỗi năm có khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông,

thì ở Nhật có ba mươi ngàn người tự sát trong năm qua.

Tai nạn giao thông lắm khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ.

Tự sát do áp lực của công việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách.

Xem ra cuộc sống hối hả đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.

Nhiều người chết bất ngờ vì bệnh tim mạch.

Con người hôm nay có nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa,

nhưng lại thiếu sự thanh thản, bình an, trầm lắng.

Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo,

Đức Thánh Cha đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc.

Ngài trích lời thánh Bênêđictô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim,

tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán.

Ngài khẳng định lời nhắc nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người.

Không được đánh mất mình trong công việc:

đó là tâm niệm của người lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giêsu.

Trên con đường nay đây mai đó của một người rao giảng,

Đức Giêsu cũng có lúc dừng chân.

Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon,

tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc

sau những vất vả, nhọc mệt, hiểm nguy và thiếu thốn.

Hầu chắc ngôi làng này ở Bêtania, gần Giêrusalem.

Hai chị em Mácta và Maria đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan.

Mácta là người đón khách và nấu nướng (Ga 11, 20; 12, 2),

còn Maria thì hay phủ phục dưới chân Đức Giêsu (Ga 11, 32; 12, 3).

Những nét này ta lại thấy trong bài Tin Mừng hôm nay theo Luca.

Mácta vẫn là người ra đón Chúa, Maria vẫn là người ngồi duới chân Chúa.

Một người thiên về hoạt động, một người có vẻ trầm hơn.

Nhưng cả hai đều được Đức Giêsu quý mến (Ga 11, 5).

Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria.

Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c.39).

Đức Giêsu là người nói và chị Maria là người nghe.

Ngài có thể đã chia sẻ với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài.

Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc.

Còn chị Maria thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ.

Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe.

Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng.

Lắng nghe Lời Chúa là cần trước khi đem ra thực hành.

Mácta đón Chúa vào nhà,

còn Maria đón Lời Chúa vào tâm hồn mình.

Có thể định nghĩa cầu nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói.

Một số người tưởng cầu nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe.

Thật ra Chúa muốn bày tỏ cho ta những ước mơ của ngài về ta,

nên ta cũng cần dành khoảng lặng cho ngài.

Nghệ thuật đối thoại cũng là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.

Trong khi Maria ngồi nghe Chúa nói,thì Mácta tất bật dưới bếp.

Mácta bối rối về nhiều chuyện phục vụ (peri pollên diakonian, c. 40).

Chị sợ bữa ăn không được chuẩn bị chu đáo và kịp thời.

“Em con để con phục vụ một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc.

“mà Thầy không quan tâm sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”: chị muốn Maria xuống bếp giúp chị.

Mácta thật là người tốt, chị muốn tiếp đãi Đức Giêsu đàng hoàng.

Nhưng có lẽ chị quên rằng Maria cũng đang tiếp đãi Đức Giêsu,

và ngài rất vui với cách tiếp đãi đó.

Nếu đưa Maria xuống bếp phụ cho chị, thì Thầy Giêsu nói chuyện với ai?

Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa.

Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa

mà quên dành giờ cho Chúa.

Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa,

sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.

Đức Giêsu thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mácta

thể hiện trên khuôn mặt và giọng nói của chị.

Ngài nhẹ nhàng gọi tên chị hai lần: “Mácta, Mácta ơi!”

“Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá!” (peri polla, c.41).

Câu này ngài cũng muốn nói với từng người chúng ta.

Chúng ta cũng lo nhiều chuyện, gánh nhiều trách nhiệm.

“Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần.

Lo nhiều chuyện làm ta bị phân tán.

“Maria đã chọn phần tốt nhất”:

ngồi dưới chân Chúa là một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn.

Đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.

Dù sao Mácta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ.

Chúng ta phải làm Mácta, tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình,

như thế ta sẽ bình an hơn khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công.

Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không được lo lắng, bôn chôn.

Chúng ta làm mọi việc trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước,

bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta làm quá sức mình.

Chúng ta phải làm Mácta, đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào,

coi thường những người thiếu khả năng, bệnh tật,

hay đánh giá người khác dựa trên hiệu quả công việc.

Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không cần ai để ý (c.40).

không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác,

vì biết rằng Chúa ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ cho toàn thân.

Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Maria.

Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.

Phải thu xếp để được làm Maria, để có người thay mình làm Mácta.

Nghe lời Chúa sẽ dẫn tới hành động: đó là xây nhà trên đá.

Cuối cùng đời sống chúng ta là kết hợp của Mácta và Maria:

vừa đón Chúa như Mácta, vừa tiếp Chúa như Maria,

vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa,

vừa hoạt động, vừa chiêm niệm,

nhưng lúc nào cũng hướng về Chúa.

Cầu nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa.

XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN

Thứ Tư tuần 27 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 1-4

Một hôm, Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến. Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Suy niệm

Có nhiều định nghĩa về con người.

Con người là con vật biết sử dụng các dụng cụ.

Con người là con vật biết suy nghĩ đắn đo.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Phải định nghĩa con người là con vật biết cầu nguyện,

nghĩa là có khả năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa.

Con người là sinh vật biết chuyện trò với Tạo Hoá.

Cầu nguyện không phải là nói với một sự vật, một ý tưởng,

nhưng là nói với một Ðấng siêu vượt tôi,

mà lại rất gần gũi thân thương và biết tôi.

Ðấng ấy nói với tôi và nghe được lời tôi nói.

Có nhiều tâm tình khi ta Cầu nguyện:

thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy, dâng hiến, nài xin.

Nài xin chẳng phải là điều hạ giá con người.

Con người cảm nghiệm được thân phận mong manh,

nên khiêm hạ đi tìm sự nâng đỡ.

Xin cho chúng con bánh cần dùng mỗi ngày.

Bánh vật chất, bánh tinh thần, Bánh Thánh Thể.

Bánh cho chúng con sự sống.

Xin tha thứ tội chúng con,

để chúng con được sống bình an sau những va vấp.

Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

Cơn cám dỗ lớn nhất là chỉ sống cho mình,

và khép lại trước Thiên Chúa và anh em.

Quỳ xuống cầu xin là thái độ của người biết mình,

biết những gì mình có thể làm được,

và biết những gì nằm ngoài tầm tay của mình.

Khi tương quan giữa Mỹ và Irak căng thẳng cực độ,

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã tới Bagdad

để thuyết phục phía Irak ký vào bản thoả thuận.

Lúc trở về, ông nói: “Tôi đặc biệt đã cầu nguyện nhiều.

Ðừng bao giờ đánh thấp sức mạnh của sự cầu nguyện.”

Chẳng phải chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện khó khăn.

Ðể hít thở bình thường cũng cần đến ơn trên.

Cần có thái độ kiên trì khi cầu nguyện.

Hãy cứ gõ cửa nhà Chúa trong đêm mịt mù.

Cần tập đứng đợi, tập quấy rầy Chúa.

Thế nào Ngài cũng mở cửa và cho mọi sự ta cần.

Hãy để Ngài tự do cho vào lúc và theo cách Ngài muốn,

dù điều đó không hợp với ước mơ của ta.

Lắm khi ta có cảm tưởng Ngài không nhận lời.

Có thể vì lời nài xin của ta đầy tính ích kỷ,

hay vì Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn hơn.

Xin Ðức Giêsu dạy ta biết cách cầu xin,

đưa ta ra khỏi những bận tâm hẹp hòi về chính mình,

để thấy những nhu cầu lớn lao của Hội Thánh.

Ơn cao cả nhất mà chắc chắn Cha muốn ban cho ta

đó là Chúa Thánh Thần.

Có Thánh Thần là có niềm vui, sức mạnh, ánh sáng,có sự sống.

Có khi nào ta nài xin Cha ban Thánh Thần chưa?

Cầu nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì

Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì

Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì

Cha làm cho đời con.

HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

Thứ Năm tuần 27 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 5-13

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện.”

“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”

Suy niệm

Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu

đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.

Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài

nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.

Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,

nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.

Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.

“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”

Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.

Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,

Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.

Nếu Ngài là Cha yêu thương,

Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.

Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:

“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”

Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề

có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.

Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.

Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,

và đón nhận nó trong bình an.

Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ,

nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.

Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,

và thấy được sự vắng mặt của Người.

“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”

Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,

dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:

“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”

Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,

nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.

Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá

nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,

điều đó khó hơn nhiều.

Hôm nay Ðức Giêsu mời gọi chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ

và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.

Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,

Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,

những điều có lợi thực sự cho ta,

những điều làm ta trưởng thành và triển nở,

những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,

thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.

Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,

nhưng Ngài không nuông chiều con cái,

Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.

Bạn hãy cứ cầu xin

nhưng hãy để cho Ngài định liệu,

vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn

trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.

Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,

vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.

Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.

Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.

Cần có đức tin mới nhận ra rằng

Chúa đã nhận lời mình rồi,

nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.

Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy

mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.

Cầu nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ

vì những gì Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

NGÓN TAY THIÊN CHÚA

Thứ Sáu tuần 27 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 15-26

Khi ấy, có mấy người nói rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? Bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều đại Thiên chúa đã đến giữa các ông.”

“Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

“Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.”

Suy niệm

Nếu đời người là một cuộc chiến đấu không ngừng

thì Đức Giêsu khi sống ở đời, cũng không tránh khỏi cuộc chiến ấy.

Cha sai Ngài đến để khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian.

Để làm việc đó, Nước của Xatan cần bị triệt tiêu.

Cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu và Xatan là điều không tránh khỏi.

Ngay trước khi bắt đầu sứ vụ,

Đức Giêsu đã phải đối diện với những mồi chài khôn khéo của Xatan.

Và Ngài đã thắng, đã bắt Xatan phải xéo đi cho khuất mắt (Mt 4, 10).

Khi làm việc Cha giao, khi gần gũi với con người,

Đức Giêsu thấy rất rõ sự hiện diện đầy quyền lực của tên tướng quỷ.

Xatan và Nước của nó chi phối và tác động trên con người.

Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người khỏi nô lệ bởi Xatan.

Một công việc không ai chối cãi được của Ngài là trừ quỷ.

Nhưng có nhiều cách giải thích chuyện trừ quỷ của Ngài.

Có người coi Đức Giêsu đã trừ quỷ dựa vào thế lực của Bêendêbun.

Bêendêbun là một vị thần xứ Canaan, ở đây được coi là Xatan.

Không thể nào tướng quỷ lại giúp Ngài diệt các quỷ nhỏ của hắn.

Nếu thế Nước của Xatan chẳng thể nào tồn tại đến nay (c. 18).

Đức Giêsu khẳng định mình dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ (c. 20).

Chỉ cần chút quyền năng Thiên Chúa cũng đủ để xua đuổi ác thần,

và khai mở Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới.

Chúng ta thường quên Xatan là nhân vật có thật và hùng mạnh,

có vũ trang đầy đủ để canh giữ lâu đài của hắn cho an toàn (c. 21).

Nhưng Đức Giêsu chính là người hùng mạnh hơn và thắng được hắn.

Ngài có khả năng tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm (cc. 21-22).

Cuộc chiến của Đức Giêsu chống lại Ác thần vẫn còn kéo dài đến tận thế.

Có những lúc chúng ta tưởng Xatan là kẻ hùng mạnh hơn,

và dường như thế giới nằm dưới móng vuốt của hắn.

Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Giêsu, khi Ngài quang lâm.

Chúng ta không đứng ngoài cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Xatan.

Chúng ta cùng chiến đấu với Giêsu cho một thế giới không còn tội ác,

một thế giới không còn bạo lực, bất công, thất vọng, muộn phiền,

một thế giới không còn khổ đau, bệnh tật, đói nghèo, mất hướng.

Đứng hẳn về phía Giêsu, đi với Giêsu, thu góp với Giêsu:

đó là chọn lựa của người Kitô hữu (c. 23).

Ngay cả khi đã trục xuất được quỷ dữ khỏi đời mình,

và khi ngôi nhà đời mình đã được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi,

ta cũng phải hết sức cảnh giác, vì có nguy cơ quỷ trở lại.

Sự trở lại này có thể còn kinh khủng hơn trước (c. 26).

Có vẻ quỷ thích ở lại với con người hơn là lang thang nơi hoang mạc,

nên căn nhà tâm hồn của chúng ta cần được bảo vệ bằng lũy hào Lời Chúa.

Xin Đức Giêsu dạy chúng ta biết cách nhận diện kẻ thù,

biết cách đuổi Xatan ra khỏi đời mình và ngăn không cho nó trở lại.

Cầu nguyện

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

PHÚC THAY LÒNG DẠ

Thứ Bảy tuần 27 Thường niên

Lời Chúa: Lc 11, 27-28

Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang và cho Thầy bú mớn! Nhưng Người đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”,

Suy niệm

Thánh Luca hẳn đã dựa vào một nguồn tài liệu riêng

để viết nên đoạn Tin Mừng rất ngắn này.

Khung cảnh có vẻ diễn ra ở ngoài trời, có đám đông dân chúng.

Đức Giêsu đang giảng dạy, còn dân chúng thì nghe.

Bất ngờ có một phụ nữ cất cao giọng mà nói với Ngài rằng:

“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú mớm.”

Đây là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu.

Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng,

nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy,

bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người mẹ của Thầy.

Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ,

những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con.

Lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng.

Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời.

Chín tháng ấp ủ, mẹ và con gần gũi nhau như là một.

“Và vú đã cho Thầy bú mớm.”

Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm.

Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình.

để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết.

Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên.

Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng.

Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông.

Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp.

Phải là một người mẹ tuyệt vời

mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế!

Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng cứu độ.

Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42):

“Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.”

Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.

Đức Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ

đang đứng nghe giảng cùng với đám đông.

Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho hợp với bầu khí hiện tại,

khi những người trong đám đông đang ở tư thế lắng nghe.

“Phúc cho những ai lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa.”

Một mối phúc mới tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước,

kỳ thực đó là điều Mẹ Maria đã sống từ lâu.

Ai lắng nghe tiếng Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Chúa bằng Mẹ?

Trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác,

Mẹ Maria đã đón lấy Lời Chúa vào cuộc đời mình.

Đám đông đang lắng nghe lời Thầy Giêsu.

Họ cần tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng mối phúc thật sự.

Chúng ta không được ban mối phúc sinh dưỡng Đức Giêsu như Mẹ,

nhưng vẫn được chia sẻ mối phúc nghe và giữ lời Chúa của đám đông.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.