Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 29 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 29 Thường Niên

 

Chúa Nhật 29 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 29 Thường niên.

Thứ Ba tuần 29 Thường niên.

Thứ Tư tuần 29 Thường niên.

Thứ Năm tuần 29 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 29 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 29 Thường niên.

 

 

TRẢ VỀ THIÊN CHÚA

Chúa Nhật 29 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 22, 15-21

Một hôm, những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Ðức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Nhưng Ðức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Ðưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi!” Họ liền đưa cho Người một đồng bạc. Và Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda”. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

Suy niệm

“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”

Câu hỏi sắc như một con dao hai lưỡi.

Nếu Ðức Giêsu bảo phải nộp, ắt Ngài chẳng yêu nước yêu dân.

Thứ thuế thân nộp cho đế quốc Rôma thật là điều ô nhục.

Nhưng nếu Ngài bảo đừng nộp, hẳn Ngài sẽ bị tố cáo.

“Cho tôi xem đồng tiền dùng để đóng thuế.”

Khi đưa cho Ðức Giêsu đồng bạc có hình Xêda,

những kẻ giương bẫy thú nhận họ có dùng thứ tiền này,

và như thế họ đã mặc nhiên nhìn nhận quyền của Xêda.

Khi biết hình và dòng chữ trên đồng bạc là của Xêda,

Ðức Giêsu đã nói một câu không dễ hiểu:

“Vậy hãy trả lại cho Xêda những gì của Xêda”.

Ngài nhìn nhận một sự độc lập nào đó của ông.

Ông có quyền điều hành đế quốc của ông như ông muốn.

Ðối với người Do Thái sử dụng đồng bạc của Xêda,

Ðức Giêsu không hề ngăn cản họ nộp thuế cho ông ấy,

như sau này có kẻ tố cáo (x. Lc 23,2).

Nhưng Ngài cũng không buộc mọi người phải nột thuế cho Xêda,

vì có người coi việc nộp thuế thân cho hoàng đế Rôma

là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Chẳng những Ðức Giêsu không bị mắc bẫy

mà Ngài còn nhân cơ hội đi lên một bình diện cao hơn:

“Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.”

Ðây mới thật là vấn đề Ngài hết sức quan tâm.

Chúng ta tự hỏi: có cái gì ngoài Thiên Chúa

mà lại không phải là thụ tạo của Ngài?

Phải trả lại cho Xêda đồng tiền mang hình và tên ông,

nhưng phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang hình Ngài,

những gì đã được ghi khắc tên Ngài trên đó.

Hình ảnh nổi bật nhất là con người (x. St 1,26).

Toàn bộ con người mang dấu ấn của Thiên Chúa.

Không ai được khinh miệt phụ nữ, thai nhi hay người già.

Không ai được làm hoen ố sự trong sáng của lương tâm.

Xúc phạm con người là phạm đến nơi sâu thẳm của Thiên Chúa.

Mọi quyền bính đạo đời đều nhằm phục vụ con người,

đều nhằm làm sáng lên hình ảnh Thiên Chúa nơi nó.

Trả con người lại cho Thiên Chúa là dâng nó cho Ngài,

là nhìn nhận chủ quyền của Ngài trên đời ta.

Cả vũ trụ cũng tiềm tàng dấu ấn của Thiên Chúa:

đất, rừng, sông biển, không khí, tài nguyên và muôn sinh vật.

Hãy trả lại cho Thiên Chúa vũ trụ trong lành, hiền hậu,

nghĩa là trả lại cho con người món quà Ngài đã tặng.

Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (x.Ga 19,11).

Chúng có giá trị và sự tự lập, nếu phù hợp với ý Ngài,

cũng là phù hợp với quyền lợi chính đáng của con người.

Chúng ta có chiếm đoạt điều gì của Thiên Chúa không?

Hình ảnh của Thiên Chúa nơi tôi rõ hay mờ nhạt?

Có lớp bụi nào che khuất khuôn mặt Chúa nơi tôi?

Ước gì tôi đọc được tên Thiên Chúa, tên Ðức Giêsu

trên những người tôi gặp, những biến cố tôi sống mỗi ngày.

Cầu nguyện

Lạy Cha,

có những bạn trẻ thích xăm hình lên người,

hay muốn ăn mặc, đi đứng

theo kiểu một ngôi sao thể thao hay điện ảnh.

Họ vui khi thấy mình giống hệt

những thần tượng mà mình yêu thích.

Xin Cha giúp chúng con biết hãnh diện

vì mang nơi mình hình ảnh cao quý của Cha

và sống theo phong cách của Cha:

Cha quảng đại mở ra để chia sẻ hạnh phúc thần linh,

Cha khiêm tốn tôn trọng tự do của con người,

Cha yêu thương đến nỗi

dám trao hiến Người Con Một chí ái,

Cha bao dung tha thứ trước những tâm hồn hoán cải,

Cha luôn tận tụy làm việc để nâng đỡ cả thế giới.

Ước gì người ta biết Cha trên trời,

khi gặp chúng con ở dưới đất.

Ước gì người ta đọc thấy Tên Cha

trong tim của chúng con,

và nhận ra chúng con là con Cha. Amen.

 

 

 

NHỮNG KHO LỚN HƠN

Thứ Hai tuần 29 Thường niên

Lời Chúa: : Lc 12, 13-21

Một hôm, có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Suy niệm

Cái kho là quan trọng.

Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.

Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.

Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.

Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.

Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.

Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.

Sau một vụ mùa bội thu,

mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ ngôn

là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,

vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.

Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:

phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,

rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,

khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.

Khi nhà kho đã an toàn

thì tương lai của ông vững vàng ổn định.

Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.

Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn uống.

Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến ai.

Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh phúc.

Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc 12,34).

Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.

Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.

Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.

Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa kho.

Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.

Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,

nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,

hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.

Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.

Cái kho không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ.

Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay.

Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.

Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu lên,

chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.

Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai này.

Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không xấu.

“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15).

Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,

để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,

nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.

Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích.

Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa

là người biết mở kho để trao đi

và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.

Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,

chúng ta thấy kho của mình trống trơn

vì vừa mới cho đi tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.

 

 

CHỦ SẼ PHỤC VỤ

Thứ Ba tuần 29 Thường niên

Lời Chúa: Lc 12, 35-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

Suy niệm

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?

Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.

Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?

Có thứ chờ tính được bằng thời gian.

Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.

Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.

Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,

có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.

Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.

Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.

Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.

Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.

Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.

Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.

Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.

Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,

nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.

Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.

Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).

Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,

vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,

và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.

Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.

Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.

Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.

“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).

Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,

áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,

đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.

Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.

Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.

Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.

“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,

và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).

Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.

Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.

Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.

Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).

Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.

Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.

Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.

Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.

Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

không có giờ đi vào sa mạc

để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.

Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.

Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu

là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa

mà con đã bỏ mất:

Khi chờ một người bạn,

chờ đèn xanh ở ngã tư,

chờ món hàng đang được gói.

Khi lên cầu thang,

khi đến nơi làm việc,

khi kẹt xe,

khi cúp điện bất ngờ.

Thay vì bực bội hay nóng ruột

con lại thấy mình sống an bình

trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,

những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày

giúp con tỉnh thức

để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn

để tìm ra những sa mạc mới

và vui vẻ bước vào. (gợi hứng từ Madeleine Delbrêl).

 

 

TRUNG TÍN, KHÔN NGOAN

Thứ Tư tuần 29 Thường niên

Lời Chúa: Lc 12, 39-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Suy niệm

Kẻ trộm xưa cũng như nay đều đến mà không báo trước,

bất ngờ khoét vách nhà khi gia chủ còn ngủ say.

Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, đã dám so sánh mình với kẻ trộm,

chỉ vì Ngài giống anh ta ở nét bất ngờ (cc. 39-40).

“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ anh em không ngờ, Con Người sẽ đến.”

Ông chủ có thể trở về khi trời gần sáng, lúc canh ba.

Sẵn sàng là mở cửa ngay cho chủ, vì vẫn còn thức, còn chờ, còn đèn sáng.

Thiếu sẵn sàng là ngủ mê, không nghe được tiếng gõ cửa.

Ngủ mê làm chủ nhà không biết kẻ trộm đang khoét vách.

Thiếu tỉnh thức để đón Chúa Giêsu, cũng đem lại hậu quả khôn lường.

Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ cần có của chủ nhà, của người lãnh đạo.

Khi Phêrô hỏi Đức Giêsu xem dụ ngôn trên áp dụng cho ai (c. 41),

cho dân chúng hay cho nhóm Mười Hai là những người lãnh đạo,

Ngài đã kể cho họ một dụ ngôn khác về người quản gia.

Vì ông chủ đi vắng nên anh được ông đặt lên coi sóc gia nhân trong nhà,

tuy anh vẫn là một đầy tớ giữa những đầy tớ khác (c. 43).

Chính sự vắng nhà của ông chủ đã làm lộ ra thực chất của người quản gia.

Người quản gia trung tín sẽ chăm chỉ làm tròn bổn phận được giao.

Việc quan trọng là cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc (c. 42).

Anh này chẳng để ý gì đến chuyện khi nào chủ mình về.

Khôn ngoan đối với anh là làm theo đúng ý của chủ.

Anh chỉ tập trung vào việc phục vụ những người được chủ giao phó,

và phục vụ đúng giờ.

Hẳn anh sẽ được ông chủ khen ngợi và đặt ở một vị trí cao hơn,

nếu bất ngờ ông về mà thấy anh đang phục vụ chăm chỉ.

Nhưng quản gia lại có thể là một người thiếu trách nhiệm.

Thời gian ông chủ vắng nhà cũng là thời gian anh ta có quyền.

Anh đã tận dụng quyền hành có trong tay để áp chế các đầy tớ khác,

và sống một cuộc sống buông thả, vô độ.

“Anh bắt đầu đánh đập các tôi trai tớ gái, và chè chén say sưa” (c. 45).

Lý do hư hỏng của anh này rất đơn giản.

Anh nghĩ “chủ ta còn lâu mới về”, nên ta cứ thoải mái ăn chơi.

Anh chỉ cố làm sao khi chủ về, chủ thấy anh đang làm việc tử tế.

Tiếc thay chủ về sớm hơn anh nghĩ,

“vào ngày anh không ngờ, vào giờ anh không biết” (c. 46).

Sự thật ê chề được phơi bày không thể chối cãi.

Những đầy tớ bị anh hành hạ và bỏ đói, những phung phí tài sản,

là bằng chứng cho sự thất tín của anh.

Kitô hữu là những người đã biết ý Chúa, mà không làm theo,

sẽ bị phạt nặng hơn những người không biết.

Những nhà lãnh đạo được trao quyền hành và trách nhiệm

cũng phải trả lời trước mặt Chúa về cách phục vụ của mình.

Chúng ta đều sợ khi nghe những lời này của Đức Giêsu:

“Ai được cho nhiều, sẽ bị đòi nhiều.

Ai được giao phó nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,

nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.

Chúng con phải đối diện

với bao thách đố của cuộc sống,

của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,

của nghề nghiệp chuyên môn.

Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy

của vật chất và quyền lực,

nhưng cho chúng con

giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,

lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu,

xin dạy chúng con sống thực tế,

nhưng không thực dụng;

biết xoay xở nhưng không mưu mô;

lo cho tương lai cá nhân,

nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.

Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,

giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,

xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng,

để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,

để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,

xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,

làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,

và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

 

 

PHẢI CHI LỬA ẤY ĐÃ BÙNG LÊN

Thứ Năm tuần 29 Thường niên

Lời Chúa: Lc 12, 49-53

Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

Suy niệm

Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên.

Ðó là một điều đáng sợ.

Nhưng điều đáng sợ hơn

lại là sự lạnh lùng giữa người với người.

Con người cần cơm bánh và giải trí,

nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.

Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.

Vậy mà băng giá của lãnh đạm dửng dưng

vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.

Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.

Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài:

Ngài đến để ném lửa trên mặt đất,

và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.

Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên

không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt,

không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê

định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.

Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài,

lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương,

lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.

Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm đến,

cần được Ngài làm bừng sáng lên

những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,

để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.

“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”

Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong

mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp,

đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn

vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.

Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng

là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.

Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.

Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng,

sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.

Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất

và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.

Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự,

khi Ngài bị giam trong mồ tối,

bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.

Nhưng ngọn lửa Phục Sinh đã bừng lên giữa đêm đen.

Ðó là niềm hy vọng của chúng ta,

những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu

để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ,

bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng,

bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,

bóng tối của nghèo nàn lạc hậu…

Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình,

Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.

Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc,

mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.

Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa

thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được

Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

(Thánh Têrêxa Calcutta)

 

 

NHẬN XÉT THỜI ĐẠI NÀY

Thứ Sáu tuần 29 Thường niên

Lời Chúa: Lc 12, 49-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

Suy niệm

Tục ngữ ca dao nước ta không thiếu những câu nói về thời tiết.

Kinh nghiệm dân gian cho phép dự đoán những gì sắp xảy ra.

Có những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay dông bão.

“Sấm đàng đông vừa trông vừa chạy, sấm đàng nam vừa làm vừa chơi.”

Người dân nước Paléttin cũng có những kinh nghiệm tương tự.

“Mây kéo lên ở phía tây” là mây đến từ biển Địa Trung Hải.

Khi thấy mây từ biển tiến vào, người ta đoán mưa đến nơi rồi (c. 54).

Khi thấy gió từ phương nam thổi đến,

luồng gió nóng từ vùng núi Ả-rập,

người ta biết ngay thời tiết sẽ hết sức oi bức (c. 55).

“Và xảy ra đúng như vậy”, Đức Giêsu nhắc lại câu này hai lần.

Ngài cho thấy dự đoán của dân chúng về thời tiết ít khi sai.

Họ khá bén nhạy trước những dấu hiệu thay đổi nhỏ của trời đất.

Tiếc là dân chúng thời Đức Giêsu lại không đủ bén nhạy

để có thể nhận biết được ý nghĩa của những dấu chỉ

đang diễn ra trước mắt họ.

Đức Giêsu ngạc nhiên vì những người cùng thời với Ngài

không thấy được cái độc nhất vô nhị của thời đại họ đang sống.

Họ không cảm thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa đến viếng thăm.

Chính vì thế ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể bị quên lãng.

“Hỡi những kẻ đạo đức giả!” Đức Giêsu đã gọi họ như thế (c. 56).

Tại sao các anh nhạy bén trước điều này, mà lại thờ ơ trước điều kia?

Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay.

Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ.

Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó.

Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất.

Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài.

Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao,

một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước.

Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên.

Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở.

Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân,

và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước.

Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ.

Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn,

để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng.

Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu,

vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài.

Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa.

Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng.

Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó,

cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn.

Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:

Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này

là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước

không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,

bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,

không còn những cô gái đứng đường

hay những người ăn xin.

Con mơ ước

những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,

các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước

tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,

các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,

con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,

xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,

và xanh của bao niềm hy vọng

nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,

thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.

 

 

TÌM TRÁI MÀ KHÔNG THẤY

Thứ Bảy tuần 29 Thường niên

Lời Chúa: Lc 13, 1-9

Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Suy niệm

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo hai lần (cc. 3, 5).

“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”

Đức Giêsu đi từ những chuyện đau thương chết chóc

của một số người ở Galilê và Giêrusalem,

để nhắc nhở người nghe ra khỏi sự tự mãn của mình mà sám hối.

Dụ ngôn cây vả sẽ cho thấy thế nào là sám hối theo cái nhìn của Ngài.

Đơn giản sám hối là sinh trái.

Trái là điều ông chủ có ý nhắm đến khi trồng cây vả giữa vườn nho.

Ông không trồng vả để lấy củi hay bóng mát.

Cây vả có chỗ trong khu vườn và cũng có chỗ trong tâm trí ông.

Ông có một người làm vườn.

Hẳn người này đã hết sức chăm bón cho cây vả để nó sinh trái.

Ba năm trôi qua, cứ đến mùa vả, ông chủ lại đến, tìm trái và không thấy.

Những hành vi này được lặp lại như một điệp khúc mỗi năm (cc. 6-7).

Ông chủ đi từ hy vọng đến thất vọng.

Cái háo hức khi lần đầu đến cây tìm trái chẳng còn.

Ông đã kiên nhẫn, đã chờ, không phải một năm, mà ba năm.

“Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất” (c. 7).

Rõ ràng quyết định này không do sự tàn ác hay nóng nảy.

Chặt đi khi chẳng còn gì để hy vọng, khi chờ đợi đã mỏi mòn.

Cây vả đã lấy màu mỡ của đất trồng nho, mà không sinh trái.

Nó không đáp ứng ước mơ tự nhiên của ông chủ,

người đã cho nó hiện hữu ở trong khu vườn này.

“Xin cứ để cho nó lại năm nay nữa” (c. 8).

Lời xin của người làm vườn, người đã chăm sóc cây vả từ nhiều năm.

Người ấy xin cho cây vả một cơ hội,

cơ hội duy nhất và cuối cùng để tránh cái chết chắc chắn.

“Tôi sẽ vun xới, bón phân. May ra sang năm nó có trái…”

Cây vả cằn cỗi vẫn còn được hy vọng, còn được chăm sóc.

Không thấy ông chủ phản đối, chắc ông đồng ý chờ thêm một năm.

Cả ông chủ cũng nuôi lại niềm hy vọng.

Cuối cùng cây vả cằn cỗi này có ra trái không, có bị chặt không?

Dụ ngôn không cho ta câu trả lời.

Vì câu trả lời nằm ở chính tôi.

Tôi chính là cây vả ấy.

Tôi đã được trồng, được yêu, được hy vọng, được chờ, được chăm bón.

Bao điều lớn nhỏ Chúa làm cho đời tôi từ trước đến nay.

Hoa trái của cây vả đời tôi có tương xứng với những gì Chúa ban không?

Tôi suy nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa và cả sự thất vọng của Ngài nữa.

Chúa vẫn muốn cho tôi tiếp tục sống trên đời.

Mỗi ngày sống là quà tặng của lòng thương xót.

Còn sống là còn cơ hội để sinh trái, để bày tỏ lòng sám hối ăn năn.

Dù sao câu kết của người làm vườn tốt bụng vẫn là một đe dọa.

“Nếu không ông cứ chặt nó đi!” (c. 9).

Cầu nguyện

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,

xin cho con trở nên mù lòa

vì ánh sáng chói chang của Chúa,

để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,

ánh sáng phá tan bóng tối trong con

và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối

chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn

để đón nhận những tia sáng nhỏ

mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý

để Chân lý cho con được tự do.