Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 31 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 31 Thường Niên

Chúa Nhật 31 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 31 Thường niên.

Thứ Ba tuần 31 Thường niên.

Thứ Tư tuần 31 Thường niên.

Thứ Năm tuần 31 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 31 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 31 Thường niên.

LÀ ANH EM VỚI NHAU

Chúa Nhật 31 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Một hôm, Ðức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”. Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

Suy niệm

Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay

có thể làm chúng ta bị sốc.

Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy,

vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài;

cũng đừng gọi ai là cha,

vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời.

Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh

là cha, là Ðức Thánh Cha,

là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ…

Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không?

Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không?

Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen.

Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu,

đã gọi họ là con (1 Cr 4,14-17; Gl 4,19).

Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1 Cr 12,28),

và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8)

Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta?

Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ

những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh,

Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành.

Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên:

mọi quyền bính trong Hội Thánh

đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa.

Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo,

thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.

Nếu họ được gọi là cha,

thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa.

Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh,

tôi cũng không được quên chân lý này:

còn tất cả anh em đều là anh em với nhau,

con một Cha trên trời.

Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu.

Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ,

như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50),

và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28).

Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo.

Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.

Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình

của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật.

Giả hình là không làm điều mình dạy người khác,

là dễ dãi với chính mình,

nhưng khắt khe với tha nhân.

Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình,

làm việc tốt để người ta thấy và thán phục.

Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình,

tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ,

dám “đốc” chứ không dám làm…

Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối,

vì mở cho chúng ta những chân trời xa,

cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm,

nhưng chưa làm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.

ĐÁP LỄ

Thứ Hai tuần 31 Thường niên

Lời Chúa: Lc 14, 12-14

Khi ấy Ðức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Suy niệm

“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”:

đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người.

Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó,

không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).

Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai.

Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc:

bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có.

Ngài đưa ra lý do: “Kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).

Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc:

những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13).

Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này,

vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14).

Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc.

Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang,

để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời.

Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu,

Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý.

Đó là khi làm điều tốt cho ai

ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.

Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.

Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.

Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.

Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không.

Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này.

Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết,

không kết thân với những người giàu có và thế lực,

để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta.

Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị,

những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ.

Có khi những người đó chẳng ở đâu xa.

Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm.

Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý,

chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn.

Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt,

trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.

Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.

Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới:

Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ.

Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày Phục Sinh (c. 14).

Cầu nguyện

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

xin dạy con biết sống quảng đại,

biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

biết cho đi mà không tính toán,

biết chiến đấu không ngại thương tích,

biết làm việc không tìm an nghỉ,

biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

XIN KIẾU

Thứ Ba tuần 31 Thường niên

Lời Chúa: Lc 14, 15-24

Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn với Ðức Giêsu nói với Người: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Ðến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.” Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.” Người khác nói: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.” Ðầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.” Ðầy tớ nói: “Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.” Ông chủ bảo người đầy tớ: “Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh của bữa tiệc

do một ông Pharisêu chức sắc mời Đức Giêsu vào ngày sabát (Lc 14, 1).

Những lời Ngài nói trong bữa tiệc đã đánh động một người cùng bàn.

Ông chia sẻ với Đức Giêsu về niềm hạnh phúc

của người được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (c. 15),

ở đó có mặt các tổ phụ và thiên hạ từ khắp tứ phương (Lc 13, 28-29).

Chính vì thế Đức Giêsu đã muốn kể một dụ ngôn về Nước Trời.

Nước Trời giống như một đại tiệc do một người khoản đãi.

Ông đã mời nhiều quan khách đến dự.

Khi đến giờ đãi tiệc, ông còn sai đầy tớ đi mời họ lần nữa.

“Mời quý vị đến, vì mọi sự đã sẵn sàng rồi” (c. 17).

Tiếc thay lời mời ấy, đại tiệc ấy, lại bị mọi người coi nhẹ.

Ai cũng có lý do để xin kiếu từ.

Kẻ thì kiếu vì cần phải đi xem miếng đất mới mua (c. 18).

Kẻ thì kiếu vì phải đi kiểm tra năm cặp bò mới tậu (c. 19).

Kẻ khác lại xin kiếu vì phải ở nhà với người vợ mới cưới (c. 20).

Có vẻ các lý do đưa ra đều có lý phần nào.

Nhưng thực sự chúng có phải là những lý do chính đáng

để từ chối đại tiệc mà mình đã được mời cách trân trọng hay không?

Vấn đề chỉ là chọn lựa.

Xem đất mới mua, xem bò mới tậu, ở nhà với vợ mới cưới,

những điều ấy hẳn cần thiết và quan trọng.

Nhưng có quan trọng bằng chuyện đi dự tiệc không?

Nếu đi dự tiệc để diễn tả sự hiệp thông của tình bạn

thì có thể hoãn các chuyện khác không, để chọn điều có giá trị hơn?

Chúng ta hiểu được sự nổi giận của ông chủ,

khi thấy bữa tiệc dành để khoản đãi các khách quý lại bị đổ vỡ.

Ông thấy chính mình bị xúc phạm, tình bạn bị coi thường.

Ông quyết định dành bữa tiệc này cho những ai không phải là khách quý,

những người thuộc giới hạ lưu, nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c. 21).

Và khi phòng tiệc vẫn còn chỗ trống, ông đã khẩn khoản lôi kéo vào

cả những người ở ngoài đường hay trong vườn nho (c. 23).

Cuối cùng, người được mời trước thì bị loại, vì họ tự loại chính họ (c. 24).

Còn những người có vẻ không xứng đáng lại được ngồi vào bàn.

Chẳng ai xứng đáng được dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa

nếu Thiên Chúa không mời.

Nhưng chẳng ai bị loại trừ khỏi bàn tiệc cánh chung

nếu họ không cố ý từ chối lời mời đó.

Chẳng ai có thể tự cứu mình mà không cần đến Thiên Chúa,

nhưng con người có thể làm mình bị trầm luân mãi mãi

chỉ vì thái độ khép kín của mình trước ơn Chúa ban.

“Tôi xin kiếu”, đó là câu nói của nhiều người Kitô hữu hôm nay.

Chúng ta xin kiếu một cách quá dễ dàng,

chẳng để ý gì đến nỗi thất vọng và đau đớn của người đãi tiệc.

Lời mời của Thiên Chúa bị từ chối chỉ vì những chuyện không đâu.

Chuyện tất bật làm ăn, chuyện vui chơi giải trí, chuyện mời mọc của bạn bè.

Có nhiều chuyện thấy có vẻ quan trọng hơn, khẩn trương hơn,

đến nỗi có người bỏ tham dự thánh lễ Chúa Nhật.

Hãy chọn Thiên Chúa và biết quý những gì Ngài muốn ban cho ta.

Đại tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn rồi,

không chỉ ở đời sau, mà ngay ở đời này.

Ngài mong ta đến để dự tiệc, hay đúng hơn để chia sẻ một tình bạn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại

chọn những cầu thủ bóng đá,

những tài tử điện ảnh

làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay

Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,

và chúng con thật sự đắn đo

trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng

chọn Chúa là lội ngược dòng,

theo Chúa là bước vào con đường hẹp:

con đường nghèo khó và khiêm nhu,

con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa

không phải vì Chúa giàu có,

tài năng hay nổi tiếng,

nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa

nhiều lần trong ngày,

qua những chọn lựa nhỏ bé,

để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,

và để chúng con

thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

TỪ BỎ HẾT

Thứ Tư tuần 31 Thường niên

Lời Chúa: Lc 14, 25-33

Một hôm, có rất đông người cùng đi đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đử sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

Suy niệm

Sống là chấp nhận từ bỏ.

Có những điều xấu phải từ bỏ

như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc…

Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:

chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống…

Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.

Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.

Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.

Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.

Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.

Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.

Người mẹ “là mẹ hơn” qua những hy sinh vất vả.

Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.

Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.

Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,

chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,

chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.

Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.

Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.

Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.

Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,

trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,

trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.

Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,

nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối

khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.

Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,

đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.

Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.

Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.

Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,

chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.

Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.

Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pisa.

Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.

Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.

Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày

thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.

Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.

Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.

Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.

Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.

Cần từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.

Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,

vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.

Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.

Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.

Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,

dám bán tất cả để thấy mình giàu có.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

XIN CHUNG VUI VỚI TÔI

Thứ Năm tuần 31 Thường niên

Lời Chúa: Lc 15, 1-10

Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.” Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Suy niệm

Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả,

nhưng lại xa lạ và lạnh lùng với con người,

vì con người có là gì đâu trước mặt Thiên Chúa.

Thật ra con người là mối bận tâm lớn của Ba Ngôi,

đến độ ta dám nói rằng con người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.

Trước khi con người hướng về Thiên Chúa

thì Thiên Chúa đã đưa tay ra, hướng về con người.

“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”

Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho nhau,

nhưng cũng sống vì con người và cho con người.

Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.

Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.

Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn:

có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.

Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.

Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữ

có một trăm con chiên hay mười đồng quan.

Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.

Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.

Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).

Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.

Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,

người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.

Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.

Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.

Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.

Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.

“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).

Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.

Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).

Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.

Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa.

Ngài quý từng con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài.

Thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.

Trái tim ấy nghiêng chiều về những con người đã lạc đường.

Đồng quan không thể tự ý trốn đi, nhưng con người có tự do quay lưng.

Thiên Chúa đi tìm con người quay lưng ấy.

Với sự khiêm hạ, Ngài chinh phục trái tim con người.

Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.

Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời,

trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.

Hãy cảm được sự tế nhị của Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.

Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy, ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin đánh thức con.

Xin đưa con ra khỏi cơn mê

mà tự sức con không sao thoát ra được.

Xin đừng ngại đánh thức con

bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,

nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ

đang cắt tỉa con vì yêu con.

Ước gì con được tỉnh táo

để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,

những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.

Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,

xin cho con thức luôn và sáng luôn,

trước nhan Chúa.Amen

HÀNH ĐỘNG KHÔN KHÉO

Thứ Sáu tuần 31 Thường niên

Lời Chúa: Lc 16, 1-8

Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ôliu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta câu chuyện về Mạnh Thường Quân.

Ông là tướng quân của nước Tề vào thời Chiến Quốc.

Khi ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ về cho mình,

Phùng Huyên lại đốt giấy nợ của nhiều người và tha luôn nợ cho họ.

Mạnh Thường Quân không hiểu hết được ý nghĩa việc làm này.

Một năm sau, khi không được vua Tề tin dùng nữa,

Mạnh Thường Quân phải lui về đất Tiết để cư ngụ.

Dân chúng đổ xô ra đón ông như một vị ân nhân đáng kính.

Bấy giờ ông mới hiểu việc làm khôn ngoan trước đây của Phùng Huyên.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bối rối.

Người quản gia bị mang tiếng là phung phí tài sản của chủ.

Anh phải nghỉ việc, dù không rõ tiếng tiếng đồn ấy có đúng không.

Anh không được bào chữa gì cho chính mình.

Bây giờ anh chỉ lo chuyện tương lai, sau khi thất nghiệp.

Anh suy nghĩ như một độc thoại: “Mình sẽ làm gì đây?”

Và anh nhận ra những hạn chế của mình về thân xác và tâm lý.

“Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c. 3).

Dường như một ý nghĩ đã lóe lên trong anh.

“Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia,

sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (c. 4).

Anh quản gia chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp trước khi ra đi.

Anh đã gọi các con nợ của chủ đến,

và trong tư cách là người còn có quyền, anh cho họ tự tay viết lại giấy nợ.

Họ đều là người nợ ông chủ những số nợ lớn.

Số nợ này được giảm đáng kể, dưới sự gợi ý của anh quản gia.

Một trăm thùng dầu ôliu, nay chỉ còn nợ năm mươi thôi.

Một ngàn giạ lúa, bây giờ chỉ còn nợ năm trăm.

Dĩ nhiên đối với anh, tất cả đều phải theo nguyên tắc có qua có lại.

Anh đã cho họ được hưởng lợi vào lúc này,

thì hẳn họ sẽ phải nhớ đến anh lúc anh sa cơ lỡ vận (c. 4).

Ông chủ chắc đã biết trò gian xảo của anh.

Những lời đồn đãi trước đây quả không hoàn toàn vô căn cứ (c.1).

Đúng anh là một tên quản gia bất lương.

Vậy mà ông chủ đã khen anh, điều này làm chúng ta bị sốc.

Nhưng chủ không hề khen sự bất lương của anh.

Ông chỉ khen anh về cách hành động khôn khéo (c. 8).

Anh khôn khéo vì anh biết nghĩ ra cách để tìm được bảo đảm cho mình,

dù đó chỉ là thứ bảo đảm vật chất ở đời này có tính tạm bợ.

Đức Giêsu lấy làm tiếc vì con cái ánh sáng là chúng ta

lại không có được sự khôn ngoan như con cái đời này.

Người ngoài đời có nhiều bí quyết để làm giàu, để thành đạt.

Họ có đủ khôn khéo để công việc kinh doanh được trôi chảy.

Họ dám có sáng kiến và dám liều để đem ra thực hiện.

Ước gì chúng ta có sự khôn ngoan đích thực và ngay thẳng,

nghĩa là biết khéo tận dụng mọi sự mình có,

để được gặp Chúa ở đời này và được hạnh phúc ở đời sau.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

LÀM TÔI TIỀN CỦA

Thứ Bảy tuần 31 Thường niên

Lời Chúa: Lc 16, 9-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Người Pharisêu vốn vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Ðức Giêsu. Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Suy niệm

Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền

người ta thường nói: đồng tiền là tiên là phật…

Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa:

đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi.

Ngay cả các Kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa,

và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài,

cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay.

Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của,

nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này.

Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13).

Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai.

Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của?

Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn Tiền Của phục vụ tôi.

Nhưng sau đó Tiền Của trở thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ.

Mamôn (Tiền Của) trong tiếng Do thái cổ

có thể có nghĩa là điều mà ta cậy dựa.

Khi Tiền Của trở thành chỗ dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi,

nó sẽ chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa.

Nếu chúng ta thực sự yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa,

thế nào chúng ta cũng phải ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13),

nghĩa là dứt khoát đặt nó dưới Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha.

Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi bộ đồ quý phái cho một người ăn xin.

Bước đường theo Chúa của các bậc thánh nhân

thường bắt đầu bằng hành vi từ bỏ mọi vướng víu vật chất.

Người thanh niên giàu có cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo.

Thắng được cám dỗ của vật chất và tiền bạc, là một thách đố lớn

cho mọi cá nhân và tập thể, đạo cũng như đời.

Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.

Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta,

để ta có thể sử dụng nó như đường vào Nước Trời?

Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô.

Ông đã nghỉ điều hành công ty Microsoft từ năm ngoái,

để cùng vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện.

Quỹ hàng chục tỷ đô này đã giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi,

và Bill Gates biết cách làm cho quỹ này lớn thêm mãi.

Dù không phải là một Kitô hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật,

nhưng ông cho ta hình ảnh của một người không quá bám vào của cải.

Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,

nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.

Trung tín trong việc rất nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân,

đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường.

Làm sao để Thiên Chúa, chứ không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,

có bao điều con lãng phí

bên cạnh những Ladarô túng quẫn,

có bao điều con hưởng lợi

dựa trên nỗi đau của người khác,

có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công

chẳng ở đâu xa.

Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.

Con phải chịu trách nhiệm

về cảnh nghèo trong xã hội.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Thế giới còn nhiều người đói nghèo

là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.