Mỗi Tuần Một Từ Ngữ – Bài 61-70
Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh.
https://giaophanphucuong.org/
BÀI 61: THÀNH QUẢ HAY THÀNH TỰU.
BÀI 63: BIỂN LẬN HAY BIỂN THỦ.
BÀI 64: LỢI NHUẬN HAY LỢI TỨC.
BÀI 65: THAM Ô HAY THAM NHŨNG.
BÀI 68: HOÀ BÌNH HAY THÁI BÌNH.
BÀI 69: NGÂN SÁCH HAY NGÂN KHOẢN.
BÀI 61: THÀNH QUẢ HAY THÀNH TỰU
- Thành quả là kết quả quý giá thu được từ quá trình hoạt động hoặc đấu tranh mất nhiều công sức.
Thí dụ:
- Thành quả lao động
- Bảo vệ thành quả giữ nước và dựng nước
- Thành tựu là thành công tốt đẹp của một quá trình hoạt động, là cái đạt được có ý nghĩa và tác dụng lớn.
Thí dụ:
- Những thành tựu của khoa học
- Công cuộc công nghiệp hoá đã thành tựu
Như vậy, “Thành quả” hay “Thành tựu” đều là kết quả quý giá hay thành công tốt đẹp, nhưng “Thành tựu” có ý nghĩa và tác dụng rộng lớn hơn.
BÀI 62: CÔ ĐỘC HAY CÔ ĐƠN
- Cô độc:
Nghĩa thứ nhất: Cô độc là sống một mình, tách khỏi mọi liên hệ với những người chung quanh.
Thí dụ:
- Bác tiều phu sống cô độc trong túp lều tranh
Nghĩa thứ hai: Cô độc là khuynh hướng sống một mình, vẫn đầy đủ sinh động, tràn đầy niềm vui, an nhiên tự tại. Không cần thêm ai nữa, chỉ một mình là đủ.
Thí dụ:
- Đạo sĩ sống cô độc trên đỉnh núi cao
- Cô đơnlà chỉ có một mình, không có người thân để nương tựa, chung sống; không có bè bạn để trò chuyện, cậy nhờ.
Thí dụ:
- Cảnh cô đơn lúc về già
Như vậy, “Cô độc” và “Cô đơn” là hai từ gần nghĩa nhau. “Cô độc” thiên về phương diện thể chất; còn “Cô đơn” thiên về phương diện tinh thần.
Vì thế, có thể nói:
Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng xảy đến. Cô đơn là như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng xa cách. Nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi thế, hai người có thể cô đơn ngay khi ở bên nhau. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn (Tóc Đen Cậu Bé).
BÀI 63: BIỂN LẬN HAY BIỂN THỦ
- Biển lận là keo kiệt và gian tham.
Thí dụ:
– Anh nhà giàu mà có tính biển lận
– Con người biển lận ấy làm gì có bạn hữu
- Biển thủ là dùng thủ đoạn gian trá để lấy tài sản công mà mình có trách nhiệm coi giữ.
Thí dụ:
– Tội biển thủ công quỹ
– Một thủ quỹ đã biển thủ vật tư
Như vậy, “Biển lận” và “Biển thủ” là hai từ hoàn toàn khác nghĩa nhau. “Biển lận” là một tính xấu của con người, còn “Biển thủ” là một hành vi phạm tội. Vì thế, chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.
BÀI 64: LỢI NHUẬN HAY LỢI TỨC
- Lợi nhuận(từ Hán Việt) là khoản tiền chênh lệch do phần thu lớn hơn phần chi trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thí dụ:
– Kinh doanh có lợi nhuận
– Chia lợi nhuận theo tỉ lệ 5-5
- Lợi tức(từ Hán Việt) là tiền lãi thu được do cho vay hoặc gửi ngân hàng.
Thí dụ:
– Lợi tức hằng năm
– Lợi tức cổ phần
Như vậy, “Lợi nhuận” và “Lợi tức” là hai từ gần nghĩa nhau nhưng cách thức để có được nó thì khác nhau. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.
BÀI 65: THAM Ô HAY THAM NHŨNG
- Tham ô là lợi dụng quyền hạn hoặc chức trách để bòn rút, bớt xén của công.
Thí dụ:
- Tham ô công quỹ
- Tệ nạn tham ô không dễ bài trừ
- Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và buộc dân phải hối lộ cho mình.
Thí dụ:
- Bọn quan lại tham nhũng
- Cuộc chiến chống tham nhũng là thử thách của các quốc gia.
Như vậy, “Tham ô” và “Tham nhũng” là hai từ khác nghĩa nhau. “Tham ô” là ăn cắp của công, còn “Tham nhũng” là làm khó dân để lấy của. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.
BÀI 66: ĐỀ BẠT HAY ĐỀ ĐẠT
- Đề bạt là cử ai đó vào một chức vụ cao hơn.
Thí dụ:
- Anh trưởng phòng được đề bạt làm phó giám đốc.
- Tôi đứng thứ hai trong danh sách đề bạt
- Đề đạt là trình ý kiến hay nguyện vọng lên cấp trên để được giải quyết.
Thí dụ:
- Công nhân nhà máy đề đạt với lãnh đạo một số ý kiến.
- Đề đạt nguyện vọng lên cấp trên.
Như vậy, “Đề bạt” và “Đề đạt” là hai từ hoàn toàn khác nhau. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.
BÀI 67: ĐỀ XUẤT HAY ĐỀ CỬ
- Đề xuất là đưa vấn đề ra để xem xét, giải quyết.
Thí dụ:
– Ý kiến đó do anh đề xuất.
– Đề xuất nhiều giải pháp mới.
- Đề cử là giới thiệu người ra để bỏ phiếu bầu chọn.
Thí dụ:
– Đề cử người có tài vào ban chấp hành.
– Danh sách những người được đề cử và ứng cử.
Như vậy, “Đề xuất” và “Đề cử” là hai từ hoàn toàn khác nhau. Chúng ta nên lưu ý khi sử dụng hai từ này.
BÀI 68: HOÀ BÌNH HAY THÁI BÌNH
- Hoà bình là tình trạng yên ổn, không có chiến tranh.
Thí dụ:
- Bảo vệ hoà bình cho tổ quốc.
- Việt Nam, quê hương tôi, đang sống trong hoà bình.
- Thái bình là đất nước không có chiến tranh, nhân dân ấm no và hạnh phúc.
Thí dụ:
- Sống yên vui trong cảnh thái bình.
- Tôi mong đất nước Việt Nam được thái bình.
Như vậy, “Hoà bình” và “Thái bình” là hai từ khác nghĩa nhau. “Hoà bình” là không có chiến tranh; còn “Thái bình” là chẳng những không có chiến tranh mà nhân dân còn ấm no và hạnh phúc. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.
BÀI 69: NGÂN SÁCH HAY NGÂN KHOẢN
- Ngân sách là tổng số tiền thu và chi trong một thời gian của Nhà nước hay của xí nghiệp.
Thí dụ:
- Ngân sách giáo dục.
- Quyết toán ngân sách.
- Ngân khoản khoản tiền ghi trong ngân sách để chi dùng cho một việc nào đó.
Thí dụ:
- Chính phủ đã cấp một ngân khoản khá lớn.
- Dành một ngân khoản cho việc xoá nạn mù chữ.
Như vậy, “Ngân sách” và “Ngân khoản” là hai từ khác nghĩa nhau. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.
BÀI 70: ĐĂNG KÝ HAY GHI DANH
- Đăng kýlà từ Hán Việt, có nghĩa là ghi chép vào sổ của cơ quan quản lý để được hưởng quyền lợi hay làm nghĩa vụ.
Thí dụ:
- Đăng ký kết hôn
- Đăng ký kinh doanh
- Ghi danh là ghi tên vào danh sách.
Thí dụ:
- Ai cần học, xin đến văn phòng ghi danh.
- Những nhân vật xứng đáng được ghi danh vào sử sách.
Như vậy, “Đăng ký” và “Ghi danh” là hai từ có nghĩa khác nhau. Chúng ta không nên dùng lẫn lộn.