Ngày 24 tháng 11:Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao,Giám Mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm,Linh Mục ,Phêrô Vũ Đăng Khoa,Linh mục

print

Ngày 24 tháng 11:Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao,Giám Mục

Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm,Linh Mục ,Phêrô Vũ Đăng Khoa,Linh mục

 

Ngày 24 tháng 11:Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao,Giám Mục (1808-1838)

Ngày 24 tháng 11:Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm,Linh Mục (1761-1838)

Ngày 24 tháng 11:Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa,Linh mục (1790-1838)

 

Ngày 24 tháng 11:Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao,Giám Mục (1808-1838)

Thánh Phêrô Dumoulin Borie Cao chào đời ngày 20 tháng 2 năm 1808 tại làng Beynat miền Correze, nước Pháp. Thân phụ là ông Guillaume Borie, thân mẫu là bà Rose Borie. Gia đình nghèo, cha làm nghề xay lúa, mẹ coi sóc cộng việc nội trợ trong nhà. Cậu Borie có nguời chú làm linh mục coi xứ Beynat, nhờ vậy cậu vào ở với cha chú, được cha chú săn sóc cho ăn học đàng hoàng. Cho tới hết chương trình trung học thì cha chú gửi vào chủng viện Servières theo học môn hùng biện và triết học Khi ấy cậu Phêrô Dumoulin Borie đã 18 tuổi rồi sau đó lên đại chủng viện ở Tulle. Trong thời gian học thần học, thầy quyết định đi truyền giáo để giúp đỡ những người nghèo khổ. Thầy bắt đầu tập chịu khổ cực trong cách ăn mặc cũng như tiêu pha. Thầy sốt sắng cầu nguyện và thích yên lặng một mình nơi thanh vắng. Bước sang năm thứ ba tại đại chủng viện thì thầy chịu tang cha rồi từ giã mẹ để vào chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Lúc đi, thầy phải lén trốn mà đi vì biết rằng bà mẹ sẽ đau khổ nhìn con ra đi.

Trước lòng quả cảm và cương quyết cùng lòng đạo đức sâu xa của Thầy, Bề trên đã xin Tòa Thánh chuẩn cho thầy đưọc thụ phong linh mục sớm vì chưa đủ tuổi nhưng đã học xong thần hoc. Ngày 21 tháng 11 năm 1830 thầy thụ phong linh mục tại Bayeux.

Ngay sau khi thụ phong linh mục, cha được lệnh bề trên đi truyền giáo tại Viễn Đông. Cha vui mừng và ngày 1 tháng 12 cha xuống tầu vượt biển tới ngày 15 tháng 7 năm 1831 tầu mớI cập bến Macao.Rồi từ Macao cha tiếp tục tìm đường đi Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1832 cha tới Bắc Việt nhận tên Việt Nam là Borie Cao, giữa lúc vua Minh Mạng đang tìm cách cấm đạo. Sau bốn tháng học tiếng Việt, cha đã có thể giảng và giải tội được thì bề trên lại sai cha đến coi xứ Nghệ An  Nhờ tính tình vui vẻ lại biết sống hoà đồng với mọi người nên cha được nhiều người quí mến và trọng nể. Cha Masson làm chứng rằng: “Dù không hợp với đồ ăn Việt Nam, cha Borie Cao vẫn ăn cách ngon lành làm như đã sinh ra ở Việt Nam vậy. Cha lại rất bình dị hoà đồng với mọi người, đôi khi còn biết nói đùa với họ nữa”.

Năm 1833 khi có lệnh bắt đạo các linh mục Thừa Sai phải tản mát tìm nơi trú ẩn. Cha Phêrô Borie Cao lúc ấy đang coi xứ Bình Chính, Bố Chánh, tỉnh Quảng Trị nơi có tới 20 ngàn giáo dân. Để làm mục vụ cha cũng phải di chuyển liên tiếp tới 17 lần. Năm 1835, cha có ý định táo bạo là sẽ về kinh đô để biện hộ đạo trước mặt vua. Nhưng các Thừa Sai khác can ngăn vì biết rằng vua Minh Mạng đã quá biết về đạo rồi.Tuy thế, cha vẫn phải làm mục vụ một cách lén lút trong vùng Quảng tri.

Năm 1838 cha Candalh Kim bị tố cáo là mở chủng viện ở Di Loan, vua Minh Mạng ra lệnh truy lùng bắt tất cả các đạo trưởng, kể cả vùng Bố Chánh, thủ phủ của Nghệ An. Trong dịp này cha Phêrô Vũ Đăng Khoa, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm đã bị tố cáo và đã bị bắt cùng với những người giúp việc hai cha. Một trong những người giúp việc này vì bị đánh đau quá phải khai chỗ ở của cha Borie Cao ở xóm Trà, xứ Mỹ Hảo nên quan quân đổ xô về lùng bắt rất dữ tợn.

Trước tình thế nguy ngập cha Borie Cao không thể ở nhà nào được đến vài giờ, cha luôn luôn phải di chuyển. Nhiều tín hữu muốn cho cha trú ẩn trong nhà nhưng lại sợ những người khác bị đánh đập tra khảo thì lại tố cáo. Cuối cùng ngày 31 tháng  anh Tham là một giáo dân tốt đưa cha xuống thuyền nhỏ chèo ra khơi, chờ đợi cuộc lùng bắt lắng dịu thì trở vào. Nhưng rồi trời bỗng trở gió, giông tố kéo lên, dồn thuyền của cha táp vào bờ. Cha nghĩ rằng đây là dấu Chúa muốn cha ở lại, cha bỏ thuyền lên dất liền vào ẩn núp dưới một hố sâu có cây cối che phủ khá kín đáo.

Thế rồi vào lúc trời tối, một em bé gái 16 tuổi bị bắt và bị  tra khảo, dù biết chỗ cha trú ẩn nhưng em nhất định không nói. Em bị bọn lính đánh đau quá. Ông bố thấy con mình bị đánh tàn nhẫn quá thì xúc động thương con, ông đã chỉ chỗ gần nơi cha trú ẩn. Giữa đêm khuya, cha Borie Cao nghe rõ bọn lính đang tiến lại gần chổ mình thì cha ra khỏi hầm, lớn tiếng hỏi:

– Các anh đi tìm ai?

Toán linh bỡ ngỡ thấy một bóng đen to lớn từ dưới đất chui lên, họ tưởng là ma nên không dám tiến lại gần. Một lát sau

họ nhìn thấy rõ hơn, họ yêu cầu cha ngồi xuống. Cha bĩnh tĩnh ngồi xuống đất và họ xông tới đè cha xuống và trói rồi thi nhau đánh cha như để trả thù.Trên đường dẫn cha về thì thầy giảng Phêrô Nguyễn Văn Tự chạy lại tự xưng là đệ tử của cha. Cha do dự định không nhận nhưng thầy Tự năn nỉ:

– Xin cha cho con theo cha đến cùng.

Cha Borie Cao nghe thầy nói thế thì xúc động, ngài tháo chiếc khăn quàng, xé một mảnh trao cho thầy và nói:

– Con cầm lấy. Hãy giữ nó làm bằng chứng cho lời con đã hứa.

Thầy Tự giữ mãi miếng vải ấy trong suốt thời gian trong tù và cuối cùng Thầy cũng đã theo chân thầy mình là cha Borie Cao để được phúc tử đạo ngày 1 tháng 7 năm 1840. Bị giải về giam tại nhà tù Đồng Hới, cha vui mừng gặp được hai cha Việt Nam là cha Vinh Sơn Điểm đã cao tuổi và cha Phêrô Vũ Văn Khoa. Các cha gặp nhau thật vui vì sẽ được an ủi, khích lệ nhau. Hai cha Việt Nam thì cảm thấy an tâm hơn khi có cha Borie Cao trẻ lại lanh lẹ, khi phải ra toà quan có tra vấn điều gì thì đã có cha Borie Cao trả lời thay rồi.

Sau ít ngày, các quan gọi các cha ra công đường để tra vấn. Cuộc tra vấn lần này có cả quan Bố Chánh Nguyễn Đăng Uẩn, quan giám sát Phan Trữ tham dự. Quan tỉnh Đồng Hới hỏi:

– Đạo trưởng Cao và đạo trưởng Điềm, các ông biết là đã có lệnh vua cấm đạo Gia Tô mà các ông còn rao giảng. Tuy vậy, nếu bây giờ các ông bước lên Thánh Giá thi chúng

tôi sẽ tha cho các ông về tự do.

Cha Borie Cao khẳng khái trả lời:

– Không thể được. Một trăm ngàn lần cũng không thể được.

Quan lại nói:

– Đạo trưởng Cao, Ông là người Âu châu đến xứ này truyền đạo. Sao ông không tìm cách hồi hương. Ở đây cứ phải trốn tránh liên miên rồi bị bắt và chịu đánh đập khở sở làm chi.Vậy trước khi bị bắt ông ở đâu? Nói để tôi tìm cách giúp ông.

 Cha trả lời:

– Tôi mới tới truyền đạo ở đây. Vua cấm đạo vua cấm cả tầu bè nước ngoài đi lại. Tôi có muốn về thì cũng không có cách nào về được. Còn những người tôi gặp gỡ quen biết họ đều là con dân của vua, xin miễn cho tôi khỏi phải nhắc đến tên của họ. Phần riêng tôi, nếu các quan bắt thì tôi xin sẵn làng chiụ mọi hình khổ, nhưng tôi xin chỉ một mình tôi chịu mà thôi. Xin đừng làm khở những người liên hệ với tôi.

Nghe cha Borie Cao trả lời, quan Tỉnh trưởng tỏ ra bất mãn. Quan cho lệnh bắt nằm xuống, đánh đủ 50 roi. Đội lính nọc cha ra, đóng cọc trói chân tay lại, để bên dưới cằm và dưới bụng hai viên gạch rồi đội lính thay nhau đánh đủ 50 roi, máu vọt ra. Cha Borie Cao vẫn nín thinh, tới roi 30 thì đau quá ngài thoi thóp rên rỉ. Đánh xong quan còn hỏi xóc họng:

– Đạo trưởng có đau không?

Cha thều thào nói trong đau đớn:

– Tôi cũng là người có xương có thịt, làm sao lại không cảm thấy đau đớn, nhưng vì Chúa tôi vẫn chịu được.

Ngày hôm sau, cả ba linh mục phải ra hầu toà hôm ấy là ngày 4 tháng 8 năm 1838. Trước tiên quan hỏi cha Vũ Đăng Khoa:

-Đạo trưởng Khoa trước đây cò biết hai ông Cao và Điểm

không?

Cha Borie Cao vội trả lời thay:

– Bây giờ thì chúng tôi biết nhau cả. Trước đây vì bị bách

hại nên mỗi người chúng tôi phải ấn lánh một nơi.

Thầy Giảng Phêrô Nguyễn Văn Tự cùng bị bắt với cha Borie Cao cũng bị giam chung với các cha và thầy bị đánh đòn nhiều lắm, nhưng lúc nào thầy cũng tỏ ra can đảm và quyết chí theo các cha cho đến chết. Có lần quan tỉnh Đồng Hới nói với cha Borie Cao:

– Nếu ông không khai những người ông quen biết và những nơi ông đã ở thì tôi sẽ ra lệnh tra tấn tên Nguyễn Văn Tự này cho đến chết.

Thấy thầy Phêrô Nguyễn Văn Tự bị tra tấn dã man đau đớn quá thì cha khai tên mấy người đã chết và một vài nơi ở miền Bắc mà cách đây cả 7, 8 năm khi cha mới đến Việt Nam đã có dịp đi qua.

Quan tỉnh Đồng Hới còn khủng bố tinh thần cha như sau:

– Ông không chịu khai, tôi sẽ cho giải ông về Kinh, ở đấy có lò lửa, có kìm sắt nung đỏ, người ta sẽ xẻo thịt ông ra từng mảnh, khi ấy ông còn có gan chịu nổi hay không?

Cha trả lời:

– Thưa quan lớn, khi nào vua triệu tôi về Kinh lúc ấy sẽ hay. Giờ này tôi chưa dám có ý kiến.

Trong nhà tù, cha Borie Cao thường giữ giờ cầu nguyện chung với hai cha và thầy Tự. Lúc bị bắt, một tên lính đã lấy cỗ tràng hạt của cha nên sau đó cha đã dùng nan quạt để lần hạt. Sau này mấy người tới thăm đã tặng cha một cỗ tràng hạt khác và một em bé thường xuyên đưa Mình Thánh Chúa vào cho các cha nên các cha rất vui và tâm hồn luôn bình thản, sẵn sàng đón nhận ý Chúa.

Giữa lúc hoàn cảnh khó khăn này, Toà Thánh bổ nhiệm cha Phêrô Dumoulin Borie Cao làm Giám mục miền Tây Bắc Việt với hiệu tòa Acanthe ngay trong nhà tù để thay thế Đức Cha Harvard Du. Nhưng vì đang bị giam tù nên không thể tiến hành nghi lễ tấn phong. Vì lòng khiêm tốn cha vẫn giữ bí mật chưa tiết lộ cho ai, kể cả gia đình và mẹ ngài. Cha chỉ một lòng khiêm nhường và cầu mong được phúc tử vì đạo. Từ trong lao tù, cha viết về cho Hội Thừa Sai Paris những dòng tâm sự này:

– Trong tâm hồn tôi vẫn luôn ôm hoài bão được đổ máu ra để đền tội lỗi bản thân…Đeo trên cổ một chiếc gông nặng 12 ký, nhưng tôi cam đaon là sẽ không bao giờ đổi cái gông này để lấy một triều thiên nào, dù quí báu nhất ở trần gian này”.

Trong một thư khác gửi cho mẹ và em, cha viết:

– Thưa mẹ, ngày 1 tháng 10 năm 1829, ngày đó là hy sinh phải xa mẹ và các em. Xa mà không còn hy vọng gặp lại ở trần gian. Chính sự kiện mẹ và các em vâng theo ý Chúa đã là sức mạnh nâng đỡ, là nguồn an ủi cho con. Hôm nay con báo tin về cho mẹ và các em có một hy sinh mới nữa… Nghe tin này, theo bản tính tự nhiên sẽ than khóc. Nhưng phải nhìn lên tượng Chúa mà trấn an mình. Đó là tin con mong ước sắp được đổ máu mình ra để làm chứng đạo Chúa mà con rao giảng. Thanh gươm hay đoạn giây thừng sẽ là khí cụ kết liễu đời con. Nhưng con không sợ hãi, trái lại con sẽ là người hạnh phúc nhất đời, vì được đổ máu ra để đền tội chính mình và làm chứng cho đạo thánh Chúa. Con vĩnh biệt mẹ và các em”.

Ngày 24 tháng 11 năm 1838, Đức Cha Borie Cao, cha Nguyễn Thế Điểm và cha Vũ Đăng Khoa ăn sáng xong thì được báo tin bản án của ba vị đã đượcvua Minh Mạng chuẩn y. Một viên quan vào tận nhà tù đọc bản án. Đức cha Borie Cao bị trảm quyết, cha linh mục Việt Nam bị án xử giảo. Vị quan đọc xong bản án, Đức Cha Borie Cao một mình tự nhiêm đứng dậy và dõng dạc nói:

– Từ nhỏ đến nay chưa khi nào tôi sấp mình lạy ai. Nhưng

hôm nay tôi sấp mình xuống để cám ơn quan lớn vì đặc ân quan lớn đã làm cho tôi.

Nói xong, Đức Cha quì xuống đất lạy ông quan vừa đọc bản án. Ông quan lúng túng, xúc động, không thốt lên lời vội cản ngăn, tới ôm Đức Cha đứng dậy. Sau đó đám người bắt đầu trang nghiêm tiến ra pháp trường Đồng Hới. Đức cha Phêrô Dumoulin Borie Cao cổ vẫn đeo gông, tay cầm trang hạt đọc kinh, hai chân thản nhiên bước đều đều. Trên đường đi, Đức cha gặp một quan chức trước đây nổi tiếng là ghét đạo. Quan tiến lạI gần hỏi Đức Cha:

 Ông có sợ chết không?

– Tôi có phản là tên phản loạn hay trộm cướp gì đâu mà sợ chết. Tôi chỉ sợ một Thiên Chúa. Hôm nay tôi chết, rồi ngày mai sẽ đến lượt người khác, có gì mà sợ.

Viên quan chức nghe nói, tưởng là Đức Cha chửi xéo nên ra lệnh vả miệng Đức Cha. Nhưng không chú lính nào dám đánh Đức Cha. Thấy vậy, Đức Cha quay lại xin lỗi:

 Bẩm quan, nếu lời tôi nói làm mất lòng quan lớn thì tôi xin quan tha thứ cho tôi.

Tiến tới pháp trường Đồng Hới, các cha Nguyễn Thế Điểm và Vũ Văn Khoa bị xử giảo trước. Sau đó tới lượt Đức Cha Borie Cao, họ trói Đức Cha lại. Tên lý hình rất kính trọng Đức Cha, anh phải uống rượu để thi hành lệnh xử Đức Cha. Anh uống hơi quá chén nên say, anh cầm gươm không vững. Anh run rẩy… lúng túng giơ gươm lên cao chém một nhát đầu tiên trúng vào hàm răng và bả vai Đức Cha, máu me tung toé làm Đức Cha rất đau đớn. Anh phải chém tới nhát thứ 5 đầu Đức Cha mới rơi xuống đất. Xác Đức Cha được chôn táng cùng với xác hai cha Việt Nam ngay tại pháp trường Đồng Hới. Một năm sau khi cải táng lên xác Đức Cha vẫn còn nguyên vẹn, rước về mai táng tại nhà thờ Kẻ Gốm, tỉnh Nghệ An. Tới năm 1942 lại đưa về đặt tại nhà nguyện Hội Thừa Sai Paris, Pháp quốc.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 24 tháng 11:Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm,Linh Mục (1761-1838)

Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761 tại làng An Do, gần Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị.Ngay từ nhỏ cậu Vinh ơn Điểm đã có lòng ao ước được dâng mình cho Chúa, do đó cậu chuyên cần học hành để khi có hoàn cảnh thì xin đi tu. Ý nguyện ấy Chúa đã chấp nhận và khi học xong bậc trung học thì cậu đã được nhận về trường Kẻ Vĩnh, Nam Đinh thuộc điạ phận Tây Đàng Ngoài để theo học làm linh mục.

Tại trường Kẻ Vĩnh thầy Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm học xong triết và thần học, bề trên thấy thầy là một chủng sinh đạo đức, tư cách chững chạc lại học hành rất khá nên đã được Đức Giám mục điạ phận Tây Đàng Ngoài truyền chức linh mục cho thầy.

Sau khi lãnh nhận chức linh mục, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm được bổ nhiệm làm chánh xứ Cồn Nam kiêm nhiệm coi sóc các tín hữu thuộc vùng lân cận hạt Bố Chính. Với trọng trách này, cha Vinh Sơn Điểm đã nhiệt tình phục vụ và nêu gương sáng của một vị mục tử đạo đức, nhân từ, nhất là đối với người nghèo khổ, cha tỏ ra yêu thương và giúp đỡ họ tận tình. Lúc nào cha cũng hết lòng và chuyên cần rao giảng Lời Chúa và sốt sắng ban phát các bí tích cho giáo dân và loan báo Tin Mừng cho mọi giới, mọi người trong hoàn cảnh có thể được.

Ngoài bổn phận rao giảng Tin Mừng cho mọi người, cha còn đặc biệt chú tâm tới việc huấn luyện và đào tạo các Thầy Giảng vì cha đã biết rõ vai trò các Thầy Giảng rất hữu hiệu và cần thiết để có thể quảng đại rao giảng Tin Mừng trong quần chúng. Để công việc tông đồ được kết quả tốt, cha thiết tha cầu nguyện với Đức Maria và ăn chay một tuần hai ngày, thứ Tư và thứ Bảy. Ngài nói, lời cầu nguyện phải đi đôi với việc hy sinh hãm mình, có như thế thì công việc tông đồ mới mong có kết quả tốt và mới được Chúa và Đức Mẹ chúc phúc.

Năm 1838, vua Minh Mạng ra sắc chỉ quyết tâm tiêu diệt đạo Công Giáo. Các cuộc bách hại đạo bắt đầu bùng nổ! Qua sắc dụ kinh hoàng ấy của vua Minh Mạng, các quan từ tỉnh  đến huyện khắp nơi ra công ra sức lập công với triều đình nên  kéo nhau đi tầm nã bắt các đạo trưởng và tín hữu. Ngày 2 tháng 7 năm 1838, quan quân kéo nhau về tầm nã vùng Bố Chính để bắt vị Thừa Sai Candalh Kim. Không bắt được cha Candalh Kim vì ngài đã trốn thoát thì họ bắt đuợc cha Vũ Đăng Khoa, trước kia là cha phó của cha Nguyễn Thế Điểm cùng với hai Thầy Giảng là thầy Đức và thầy Khang tại làng Lệ Sơn, rồi giải về nộp cho quan tỉnh Đồng Hới.

Sau đó, quan quân lại tiếp tục  truy nã khắp vùng Bố Chính, quan quân không bắt được vị Thừa Sai nào, nhưng khi bao vây tới gần làng Đơn Sa, họ bắt được cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm và một chú học sinh đi theo Cha. Sở dĩ họ bắt được cha Điểm là khi ấy cha nghe tin cha Vũ Đăng Khoa bị bắt, cha Điểm sai chú học sinh tên Sang đến làng An Bì dò hỏi xem các tín hữu ở đó có ai dám đón nhận Cha tới ẩn trú không. Các tín hữu  thấy mình không đủ bảo đảm an ninh cho Cha nên không dám nhận lời. Lúc ấy cha còn đang lén lút trú ẩn ngoài đồng ruộng thì bị bắt rồi cũng bị giải về Đồng Hới. Về tới Đồng Hới bị tống giam vào nhà tù thì thật là một hồng ân vô cùng lớn lao, Ngài gặp lại được Cha Khoa, cha Borie Cao, thầy Giảng Nguyễn Khắc Tự, ông trùm Nguyễn Hữu Quỳnh. Tất cả các chứng nhân này sau

đã được phúc tử vì Đạo và nay đã được cùng nhan tôn vinh lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Khi bị giải về tới Đồng Hới, cha còn đang mệt nhọc và vì quá sợ hãi nên khi bị tra tấn, bị đánh đòn quá đau đớn, cha Vinh Sơn Điểm đã lỡ miệng khai một vài tên nhà tín hữu cha hay lui tới. Nhưng khi bắt cha bước lên ảnh tượng thì cha lại rất cương quyết và mạnh bạo, nhất quyết không bước qua. Khi họ đã dánh cha ngất xỉu thì họ đưa cha về nhà giam. Khi tỉnh lại, cha vô cùng ân hận vì đã lỡ miệng khai một vài nhà người tín hữu, cha tìm cách để cải chính với các quan. Sau ít ngày, quan lại gọi cha tớicông đường, cha đã nhanh nhẹn thưa ngay với quan:

– Thưa quan lớn, tôi gia nua lẩm cẩm và vì tong lúc qúa sợ hãi nên tôi đã khai lung tung không đúng, có khi gây hiểu lầm và  oan ức cho những người khác. Xin quan lớn bỏ qua những lời khai của tôi lần trước.

Quan thấy cha già 77 tuổi rồi lại ốm yếu thì không tra tấn thêm, đàng khác theo luật pháp lúc ấy cấm tra tấn tù nhân cao niên. Nhưng vẫn cho lệnh bắt cha phải đeo gông và xiềng xích, đêm ngủ thì hai chân bị cùm trong xà lim. Những lần bị  tra khảo sau thì bao giờ cũng được đi theo cha Võ Đăng Khoa và cha Borie Cao nên mỗi khi bị tra vấn thì bao giờ hai cha trẻ cũng trả lời thay cho cha già. Cha già Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm cứ giữ thinh lặng. Ngài chỉ lên tiếng khi phải tuyên xưng đức tin của mình. Có lần quan hỏi cha:

– Này đạo trưởng Điểm Hoàng Thượng đã ra lệnh cấm đạo rất nghiêm khắc. Vậy nếu ông bước qua Thánh Giá thì tôi sẽ cho ông về tự do. Ông già rồi, tôi cũng không muốn hành hạ và giết ông.

Cha nghe quan nói, cha đứng thẳng người và bằng một thái độ rất khẳng khai, cha nói:

– Thưa quan lớn, tôi thà chết một trăm lần, chứ bước qua

Thánh Giá thì trăm ngàn lần cũng cương quyết là không. 

Trong thời giam bị giam tù chung với các linh mục, thầy Giảng và giáo dân, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm chứng tỏ được tư cách của một linh mục niên truởng: Ngài luôn sốt sắng nhắc nhở mọi người đọc kinh, cầu nguyện. Ngài khuyến khích mọi người phải luôn trung thành với Chúa, dầu có phải chết thì cũng phải can đảm chấp nhận. Ngài luôn vui vẻ với mọi người, chia sẻ cơm bánh cho cả những bạn tù không phải là Công giáo. Ngài vui mừng chia sẻ niềm vui với cha Borie Cao khi được tin Toà Thánh  đặt Ngài làm Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài. Trước những tin vui mừng đó, các cha cảm thấy phấn khởi và thêm lòng cậy trông vào ơn thánh Chúa, nhất là được thêm ơn Chúa Thánh Thần. Cha Khoa, cha Điểm sung sướng đến xin phép lành của Đức Tân Giám Mục Borie Cao ngay trong nhà tù. Mọi người vũng vàng và sốt sắng cầu xin được phúc đổ máu mình ra tử vì đạo để làm chứng cho đạo thánh Chúa. Tuy bi giam cầm trong nhà tù, nhưng các môn đệ của Chú Kitô luôn vui vẻ và sống an bình trong tình thương của Chúa.

Sau nhiều ngày các quan đã tìm mọi cách để thuyết phục các ngài bước qua Thánh Giá và bỏ đạo, nhưng các quan đều thất bại nên các quan đã bàn luân và đồng thuận làm bạn án gửI về triều đình in vua Minh Mạng phê chuẩn.

Ngày 24 tháng 11 năm 1838, bán án được vua Minh Mạng phê chuẩn gửi về tới Đồng Hới. Ước mong của cha già Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm đã được. Cha bị án xử giảo, nghiã là bị thắt cổ cho tớI khi chết.

Đức cha Borie Cao và cha Phêrô Võ Đăng Khoa cũng bị xử cùng ngày. Cả ba vị chiến sĩ kiên cường của Chúa cùng bị điệu ra pháp trường. Đi trước mỗi cha là một anh lính đi trước cầm tấm thẻ ghi chữ Hán cho mọI ngườI biết đây là đạo trưởng của tà đạo Gia Tô đã ngoan cố bất chấp lệnh của vua nên phảI chết.

Tất cả đi tớI nơi xử, cha già Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm quì xuống cầu nguyện rồI độI lý hình tớI tháo gông, cởI xiềng xích rồI trói chân tay cha vào cột, đoạn cuốn giây thừng vào cổ cha, mỗI đầu giây có hai anh lính cầm đầu giây sẵn sàng, đợI hiệu lệnh thì các anh lính kéo hai đầu giây thậy mạnh cho tớI khi vị chứng nhận Đức Tin tắt thở. Cha Phêrô Võ Đăng Khoa cũng bị xữ cùng một hình thức như cha Vinh Sơn Điểm, còn Đức Cha Borie Cao là người ngoại quốc thì bị trảm quuyết, chém đầu.

Sau đó, giáo dân tới xin thi hài ba vị tử đạo và theo lệnh chỉ được chôn táng ngày nơi xử, nghĩa là ngay tại pháp trường Đồng Hới. Về sau cha Tự đã cải táng rước về nhà thờ họ Hướng Phương. Tại đây đã xẩy ra một sự kiện lạ lùng là có một chú học sinh lén tới lấy trộm một khúc xương đốt ngón tay trỏ của cha. Anh này liền bị đau bụng hãi hùng, cha Tự thấy thế nghi chú này đã làm điều gì bậy bạ. Cha hỏi thì chú thú nhận là đã lấy khúc xương ngón tay của cha thánh. Chú đem trả lại và đến quì cầu nguyện trước linh hài cha thánh thì được khỏi ngay. Một chuyện khác là năm 1867, một chủ điền nuôi nhiều bò, một hôm ông tha bò tới ăn cỏ và dặm lên mộ của cha. Mấy con bò ăn cỏ xong và dẵm lên mộ của cha, bò liền bị liệt luôn hai chân, không sao đi nổi. Ông điền chủ biết tội liền tới quì bên mộ khấn xin cha thánh tha tội. Sau đó đàn bò liền khỏi và đi lại một cách bình thường. Nhiều người đau ốm đã tới khấn xin với Ngài và được khỏi bệnh như lòng tin cậy.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha già Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 24 tháng 11:Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa,Linh mục (1790-1838)

Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại Thượng Hải làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, con ông Phaolô Vũ Đình Tân và bà Maria Nguyễn thị Hoan. Cậu Khoa là con thứ ba trong số bảy người con của ông bà Phaolô Vũ Đình Tân, là một gia đình Công giáo ngoan đạo. Ngay từ lúc cậu lên 8 tuổi thì ông Vũ Đình Tân đã cho cậu đi học chữ Hán. Cha Hòa và cha Phương thấy cậu Khoa hiền lành, ngoan đạo, có trí thông minh lai có lòng ước muốn dâng mình cho Chúa thì nhận cậu rồi gửi cậu vào học tại chủng viện Vĩnh Trị, dưới sự giáo huấn của cha chính Jeannet Khiêm.

Tại chủng viện Vĩnh Trị thầy Phêrô Vũ Đăng Khoa học La tinh, triết học rồi thần học. Thầy học môn gì cũng xuất sắc, được ban giáo sư khen thưởng. Sau khi mãn trường năm 1820, thầy Phêrô Vũ Đăng Khoa được lãnh chức linh mục.

Là một linh mục trẻ trung 30 tuổi, Đức Giám mục chỉ định cha về làm phụ tá cho cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm coi hai xứ Lu Đăng và Vĩnh Phước thuộc hạt Bố Chính.Trong thời gian 9 năm làm phụ tá cha Vinh Sơn Điểm, cha Khoa đã hết lòng phục vụ giáo hữu và cố gắng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong chức vụ chủ chiên.Nhờ lòng nhiệt thành trong mọi công vụ và lòng đạo đức sâu sa trong lời kinh nguyện, cha Phêrô Vũ Đăng Khoa đã gặt hái được rất nhiều thành quả đáng khen ngợi.

Thấy công việc cha làm quá tốt đẹp, năm 1829 Đức Cha Haverd Du bổ nhiệm cha về coi sóc giáo xứ Cồn Dừa. Trong chức vụ mới, cha Vũ Đăng Khoa đã vận dụng mọi tài năng và hoàn cảnh thuận lợi để lôi kéo được nhiều người trở về với Chúa và mở mang Nước Chúa. Công việc rất nhiều, lúc nào cha cũng bận rộn với đủ mọi thứ việc khác nhau, nhưng cha luôn giữ được sự quân bình trong đời sống thiêng liêng, giờ kinh, giờ cầu nguyện là những ưu tiên hàng đầu của cha. Nét mặt cha luôn vui tươi, nói năng điềm đạm, nhất là rất quảng đại nhân từ với mọi người. Nhờ vậy mà ai ai tiếp xúc và quen biết cha đều quí mến trọng nể cha.

Cuộc đời đang êm đềm và công cuộc mục vụ của cha đang phát triển tốt đẹp thì ngày 6 tháng 1 năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo ban hành toàn quốc: Phải lùng bắt các đạo trưởng Tây phương cũng như bản quốc, kể cả các đạo hữu, đồng thời phải phá hủy các thánh đường, các cơ sở Công giáo Rồi tiếp đến ngày 25 tháng 1 năm 1836 vua Minh Mang lại ban hành chiếu chỉ thứ ba còn mạnh mẽ hơn, nên các linh mục phải trốn tránh. Cha Vũ Đăng Khoa cũng phải thay đổi chỗ ở, nay cư ngụ nhà này, mai trốn chạy tới nhà khác, công việc mục vụ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong những năm 1836-1838. Mặc dầu trước những nguy hiểm và man vàn khó khăn trong một hoàn cảnh tràn đầy thách đố như thế, cha Vũ Đăng Khoa vẫn không chịu lùi bước, cha vẫn kiên trì len lỏi tới bất cứ nơi nào cần đến cha.

Thế rồi một hôm cha tới Lê Sơn hạt Bố Chính làm lễ thì Tú Khiết là một văn nhân trong làng dẫn 15 thanh niên tới đột nhập vào nhà bắt trói cha cùng với hai thầy Giảng là thầy Đức và thầy Khang. Sau đó Tú Khiết bắt cha đeo gông, còn hai thầy thì bị trói rồi áp giải cả ba cha con về Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình nộp cho quan và cả ba đều bị tống giam tại nhà tù Đồng Hới, hôm đó là ngày 10 tháng 7 năm 1838.

Bị giam trong nhà tù Đồng Hới ít ngày thì quan ra lệnh giải cha Vũ Đăng Khoa ra công đường Đồng Hới tra khảo rồi dụ dỗ cha bỏ đạo. Lúc đầu quan tỏ vẻ tình nghĩa khuyên dụ cha:

– Này ông Khoa, tôi biết ông làm việc tốt được dân chúng qúi mến. Tôi không muốn làm khổ ông và cũng không muốn ông phảI chết. Ông biết là lệnh vua ban xuống phải bắt hết các đạo trưởng và phải chém đầu, nếu không bỏ đạo. Vậy ông hãy bước lên Thập Tự này thì tôi sẽ tha ngay cho ông.

Cha Vũ Đăng Khoa cũng tỏ ra rất lịch sự thưa lại:

– Bẩm quan lớn, tôi cám ơn quan lớn về những điều quan lớn vừa nói. Nhưng bỏ đạo thì đối với tôi không thể được, dầu có phải chết, phải chém đầu tôi cũng sẵn lòng chấp nhận. Xin cám ơn quan lớn.

– Sao lại không thể được? Quan lớn hỏi lại

Cha thưa lại:

Quan lớn đã biết, tôi là đạo trưởng, tôi giảng dạy cho nhiều người về đạo Thiên Chúa. Nay tôi lại bước lên ảnh tưởng Chúa là Đấng tôi rao giảng. Tôi xin thưa là không bao giờ tôi làm như thế. Xin quan lớn đừng ép buộc tôi.

Sau cuộc đối thoaị khá dài và những lời dụ dỗ đối với cha trở thành vô ích, quan cho lệnh đưa cha trở về nhà giam.

Tại công đường Đồng Hới, cha Vũ Đăng Khoa còn bị tra vấn nhiều lần nữa. Quan Đồng Hới cố gắng thuyết phục cha bỏ đạo và khai báo chỗ ở của các vị Thừa Sai, nhất là cha Candalh Kim. Tới khi thấy thuyết phục không được thì quan ra lệnh đánh 76 roi thật đau đớn để uy hiếp tinh thần cha. Nhưng cha nhất định không khai báo bất cứ chi tiết gì. Quan nản lòng trước chí khí cương quyết của cha. Quan bền bỉ bày ra nhiều kế hoạch khác và nhiều khổ hình để lung lạc đức tin của cha Phêrô Khoa. Cha vẫn khẳng khái nhắc đi nhắc lại với

quan rằng:

– Thưa quan lớn, tôi là linh mục, là chủ chăn, làm sao tôi có thể chối Chúa, làm sao tôi có thể bỏ Chúa? Tôi sẵn lòng chịu mọi khổ hình, mọi tra tấn, đòn vọt, chấp nhận luôn cả sự chết.

Trước những lời lẽ cương quyết khẳng khái của cha như vậy, các quan họp lại bàn định làm bản án gửi về kinh đô xin vua phê chuẩn cùng với bản án Đức Cha Borie Cao và cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm.

Đức cha Borie Cao, cha Vinh Sơn Điểm và cha Phêrô Khoa được tin là các quan đã làm bản án và gừi về kinh đô xin vua Minh Mạng phê chuẩn bản án thì vui mừng và thêm lòng sốt sắng phó thác cuộc sống cho Chúa và bàn tay nhân từ của Đức Mẹ. Hằng ngày các ngài sốt sắng lần hạt kinh Mân Côi và hát kinh Ave Maria Stella –kính chào Mẹ Maria, là sao mai rực rỡ. Xin chuyển cầu cho chúng con- Các ngài phó thác đờI mình cho Nữ Vương các linh mục như xưa Mẹ đã dâng Con Yêu Qúi là Chúa Giêsu trong đền thờ. Nay các ngài cũng xin Mẹ hiến dâng các ngài trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc châu báu này.

Ngày 22 tháng 11 năm 1838 bản án đã được vua Minh Mạng phê chuẩn gửI về và sáng ngày 24 tháng 11 năm 1838 quan tớI nhà tù đọc bản án, các tù nhân khác đứng chung quanh từ biệt ba vị chiến sĩ anh dũng của Chúa lần cuối cùng trong thương tiếc và nước mắt. Nghe đoc xong bản án, Đức Cha Borie Cao quì xuống lạy cám ơn quan vì ơn trọng đạI được tử vì đạo, cha cha Điểm va cha Khoa cũng làm theo. Sau đó các ngài tiến ra đi theo hang hàng lính đi hai bên, ở giữa là Đức Cha Borie Cao đi trước, rồi đến cha Khoa, tiếp theo sau là cha già Điểm. Các ngài hân hoan bước theo đoàn binh lính đông đảo, có mấy người lính nâng bốn đầu gông của các ngài. Tới pháp trường gọI là Tân Ninh, giáo dân đã trải sẵn sáu tấm chiếu mới. Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm và cha Phêrô Vũ Đăng Khoa nằm sấp mặt xuống đất, chân tay bị trói vào ba cọc như hình Thánh Giá. Hai bên đầu giây xiết cổ hai cha. Khi lên hiệu thì độI lý hình kéo hai đầu giây xiết lạI cho tớI khi các ngài tắt thở, linh hồn các ngài về vớI Chúa. Tấm thẻ gỗ viết án cha Vũ Đăng Khia như sau: “Vũ Đăng Khoa thuộc làng Thuận Ngãi, tỉnh Nghệ An, đạo trưởng Gia Tô phảI xử giảo theo lệnh vua”.

Xác  các Ngài được an táng ngay chỗ xử, ngoài thành Quảng Bình, bên kia sông. Ông Phêrô Trần Văn Thiêng đã kể lạI việc bôc xác ba Đấng tử đạo như sau: “Cha chính Masson Nghiêm coi sóc xứ Nghệ, sai tôi lè kẻ giảng Phêrô Trần Văn Thiêng vào Quảng Bình sảnh, Bình Chính huyện, năm 1839, năm An Nam là Kỷ Hợi, vua An Nam là Minh Mạng thập cửu niên (19)-

Cha chính Masson Nghiêm dặn tôi rằng:

Con vào trong ấy mà lo liệu cất xác các Đấng về cho cha mà có đưa về cả được thì tốt bằng chẳng liệu được cả thì cha cho phép lấy hài cốt các Ngài cho dễ như thói An Nam đã quen.

Tháng 10 ta năm ấy tôi ở tại tỉnh Quảng Bình, có thầy Tự là con thiêng liêng của Đức Cha Borrie Cao và ông Năm phải giam ở đó.Hai ông ấy bảo tôi rằng:

 Ông phải liệu đưa xác các Đấng ấy đi cho chúng tôi xem thấy kẻo sau này quan xử chúng tôi thì chẳng có ai đến đây làm chi nữa, mà bỏ các Ngài ở đây mãi thì không được.

Tôi nhờ thầy Nguyên và chị Mễ giúp tôi. Sau đó chúng tôi vào xin quan phủ cho chung tôi được lãnh xác ba ông đạo trưởng kẻo để nơi đây trâu bò đi lại thì chúng tôi sợ lắm.

Quan nói với chúng tôi:

– Trong lúc này vua còn ghét đạo lắm. Ta không dám cho phép. Nhưng các ngưòi lấy trộm được thì ta cho phép.

Biết được ý của quan huyện như vậy, ban đêm chúng tôi cùng nhau lấy trộm xác các Ngài.  Khi mở nắp xăng của Đức Cha Borie Cao ra thì xác còn y nguyên, không thối, không thâm, trong xăng có nước đứng đến cổ chân. Ngài phải chém đầu cho nên khi ấy tuất một cái thì thịt ra một đàng, xương ra một đàng. Chân thừa ra ngoài xăng độ hơn một gang tay thì thịt có mềm nhưng không tuất ra được. Còn từ vai trở xuống thịt còn cứng không lấy xương ra được, phải khiêng lên đem vào nhà tế dượng mà lấy xương ra, cũng không lấy được vì thịt chắc lắm nên phải đem vội xuống thuyền chở tới chợ Đồng Hới một ngày một đêm. Khi đem vào nhà tế dượng có phỏng chừng mười lăm người được xem thấy, trong số mười lăm người này thì chỉ có 5 người Công giáo, còn những người khác là lương dân cũng đều xem thấy và chứng kiến như vậy.

Đến tối hôm sau, chúng tôi mới lấy được xác cha Vũ Đăng Khoa, thịt ngài có mềm hơn nhưng cũng không lấy xương ra được, phải khiêng xác xuống thuyền đến hôm sau lại đưa cả hai xác lên nhà thầy Nguyên ở làng Mỹ Hương huyện Lệ Thủy. Vế tới làng Mỹ Hương chúng tôi đào lỗ xuống đất và để xác các Ngài xuống, rồi đổ vôi vào hai xác ấy cho nát thịt ra để chỉ lấy xương nhưng thịt cũng không nát. Sau phải xé thịt ra mà lấy xương rồi mới lấy giấm và rượu để rửa, đoạn lấy giấy và vải bọc xác hai đấng ấy và bỏ vào bồ đậy lại. Rồi đưa về Nghệ An, xã Thuộc Dược, huyện Chân Lộc, thôn Kẻ Gốm. Khi ấy cha chính Masson Nghiêm và cha Simonin Nhượng vui mừng đón nhận linh hài hai thánh Tử Đạo. Đây là những lời chúng tôi là người đã lo việc cải táng và làm chứng sự thật, không dám thêm bớt điều gì.

Cha chính Masson Nghiêm đã rất hối tiếc vì thầy giảng Trần văn Thiềng đã làm theo lệnh từng chữ, khiến không mang toàn thân thể nguyên vẹn.của các Ngài về được. Thật là vô cùng đáng tiếc!

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong các Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng cáx Ngài lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.