Nguy cơ khi ở trong bong bóng của mình

print

Nguy cơ khi ở trong bong bóng của mình

Quá yên tâm khi mình sống trong bong bóng của mình. Đến mức ngày nay chúng ta xem là “bệnh lý” nếu ở mãi trong bong bóng của mình. Điều đó nghĩa là gì? Nhiều người là tù nhân của chính mình mà họ không biết, hoặc thấy mình bị nhốt trong một vũ trụ giới hạn. Bong bóng vừa bảo vệ vừa bao bọc. Chúng ta ở trong đó, nhưng đồng thời lại muốn ra ngoài. Người thanh niên sống một mình với mẹ, lượn cả ngày trên internet với tình bạn ảo. Một cặp cha mẹ trẻ trên thực tế hoàn toàn đánh mất liên lạc với gia đình hai bên và không còn tin tưởng họ, họ lại ít có quan hệ thân tình với bạn bè. Nhóm bạn đi chơi với nhau thì lại ít quan tâm đến những người chung quanh mình. Tất cả co vào vũ trụ của họ nhưng lại đấu tranh để thoát ra khỏi nó. Họ tự bảo vệ mình khỏi bên ngoài nhưng vẫn sợ bị cắt đứt. Xã hội tưởng như siêu kết nối của chúng ta lại tạo ra hàng ngàn bong bóng này, nơi mọi người đều sống với nhau: đôi khi bong bóng chỉ giới hạn ở một người, đối với những người khác, nó bao gồm một nhóm gia đình, hoặc thậm chí một nhóm lớn hơn.

Để vượt lên cô đơn, chúng ta hãy đặt câu hỏi về những tương phản của mình

Sự giam cầm này không phải là không nguy hiểm, trước hết nó là một dạng bệnh tật. Những gì đến từ bên ngoài là đáng lo ngại. Chúng ta không tin tưởng các tổ chức. Chúng ta sợ những gì trường học sẽ áp đặt lên con cái mình. Chúng ta lo lắng về những chuyện người hàng xóm đang xúi giục, hoặc những gì họ có thể làm với chúng ta. Thế giới chung trở nên khó hiểu và đang bị đe dọa. Trước đây, đó là điều hiển nhiên, đôi khi đau đớn nhưng cần thiết. Bây giờ nó là một không gian đáng sợ, nơi người khác có thể nhanh chóng thành người quấy rối, xâm nhập. Chỉ mình với mình là yên tâm, nhưng thực sự đó là một loại lo lắng người khác, và theo trực giác của tôi, từ đó sinh ra ám ảnh xã hội, cho thấy một khó khăn dữ dội khi tách mình ra khỏi những gì gần gũi để đến với một thế giới luôn bất an. Để tự tin quả thực rất khó, trong nền văn hóa chúng ta, nơi chỗ đứng của mỗi người không bao giờ được cho, và luôn phải đấu tranh để có. Đặc biệt là vì không tên tuổi hoặc vì cô đơn đang chờ chúng ta. Khi đó sự co cụm vào bản thân tương liên với nhu cầu tự mê không bao giờ thỏa mãn: làm thế nào để tồn tại, làm thế nào để được lắng nghe bên ngoài bong bóng?

Triết gia Paul Ricœur nêu lên được điều này, trong tựa sách Xem bản thân mình như người khác (Soi-même comme un autre), tính khác biệt lại “cấu thành cho chính tính cách” có nghĩa là căn tính mỗi người, được xây dựng theo thời gian. Nói cách khác, người kia là đường vòng cần thiết và đủ để làm nổi bật “bản thân tôi”. Do đó, việc tìm thấy chính mình và được công nhận có nghĩa là chấp nhận việc đi đường vòng của người khác. Nhưng điều này không hề dễ dàng khi tập thể bị suy nghĩ dưới dấu hiệu đe dọa. Tất cả những gì bạn phải làm là thường xuyên nếm kinh nghiệm giao thông ở đường phố Paris để nhận ra điều này. Việc trở thành chủ thể của chúng ta luôn phát triển trong trạng thái cân bằng không ổn định giữa việc nghĩ người kia là người khác – thực sự là người khác – và tưởng tượng chính mình là người khác.

Sự day dứt của tính khác biệt chỉ có thể chịu đựng được khi chúng ta xác định và hiểu nhau qua gặp gỡ. Một phần khá lớn trong công việc trị liệu của tôi là tháp tùng công việc dệt hoặc kết lại một mối liên kết. Điều này mong manh, ngày càng dễ vỡ và cần được chú ý đặc biệt. Về phần các chuyên gia lắng nghe cũng như những người, ở các lĩnh vực cao hơn, cố gắng định hướng chính sách của quốc gia. Mối liên kết xã hội, mối liên kết con người đang gặp nguy hiểm. Chúng ta đang làm gì để bảo vệ nó? Chúng ta đang làm gì để lắng nghe và đồng hành với những người cảm thấy họ bị đe dọa, hoặc bị bỏ lại bên lề đường? Chúng ta đang làm gì để giúp họ kết nối với thế giới tập thể?

Marta An Nguyễn dịch