NHỮNG BƯỚC CHÂN
Nói đi vào hoặc đi ra là nói đến những bước chân. Nhưng khi vào đời, tôi không vào đời bằng chân vì tôi chỉ là hài nhi không biết đi. Ra khỏi cuộc đời, tôi cũng chẳng ra khỏi bằng chân vì tôi chết. Như thế, vào đời hay ra khỏi cuộc đời là những bước chân thiêng liêng. Đó là những bước chân liên quan đến hạnh phúc và ơn cứu độ.
Trong khoảng thời gian từ lúc tôi mới sinh ra, không biết đi, đến khi tôi không thể đi vì tôi chết, là một hành trình thật dài. Trong hành trình dằng dặc này của cuộc sống, tôi bước những bước chân. Tôi đi. Tôi đi rất nhiều. Vì tôi vào đời đón sự sống bằng bước chân thiêng liêng. Tôi từ giã cuộc đời, ra khỏi sự sống bằng vết chân thiêng liêng, nên những bước chân hàng ngày tôi đi trên mặt đất rất liên quan đến những ý nghĩa thiêng liêng.
Hướng chân đi
Đi, là đi đâu. Đi không định hướng sẽ là cuộc đi thiếu năng lực. Vì không có lí tưởng để tiến tới nên chân mỏi mệt lắm. Rồi, cuộc đời là cuộc đi buồn bã. Có bước chân ban sáng, có bước chân chiều tà. Bước đi trong đời, ai cũng mang một trong hai bước chân đó. Đức Kitô biết rõ những loại chân này, nên Ngài nói với các môn đệ: “Khi còn sáng ngày Ta phải làm việc của Cha Ta. Đến tối không ai còn làm việc nữa” (Yn. 9:4). Thời gian sẽ ngắn lại, bước chân ta chậm theo dòng đời. Bình minh gọi, kẻ không bước đi sẽ muộn phiền hối tiếc khi chiều buông xuống.
Có người đi ban đêm. Có kẻ đi ban ngày. Có người đi trên đường. Có kẻ đi dưới rãnh. Có nhiều thứ đi. Có nhiều thứ bước chân. Khi Đức Kitô bị bắt thì có những bước chân chạy trốn mà cũng có những bước chân đến gần. Khi Đức Kitô gọi, thì có những bước chân theo mà cũng có bước chân chối từ. Có bước chân đi phân vân và cũng có bước chân dứt khoát. Từ khởi điểm của vào đời và ra khỏi đời là trăm ngàn ngõ bước, lối đi, những bước chân khác nhau.
Điệu chân đi
Nói đến đi thì cũng nói tới bước chân đi và lối ngõ để bước chân đi trên đó. Có những lối ngõ khác nhau và phải bước theo cách thế của mỗi lối đi. Không thể bước trên đường sỏi đá giống như bước trên đồi cỏ. Rồi ngay mỗi người cũng có nhiều đoạn đường khác nhau trong một lối đường. Bởi đó, người ta phải học cách bước của mỗi đoạn đường. Đoạn đường Maria đi thăm chị họ mình để báo tin vui là bước chân đon đả, không giống đoạn đường trốn sang Ai Cập. Cách Đức Kitô bước vào dinh tổng trấn Philatô chắc không giống cách Người bước vào nhà người thu thuế. Thích nghi với hoàn cảnh, văn hoá trong công cuộc rao giảng Tin Mừng chẳng những là sáng tạo mà còn là một định luật. Chọn cho mình một lối đúng mà không bước đúng cách cũng chưa là đi đúng.
Người ta nói: Bước vào yêu. Thì nghe cũng như đúng vậy thôi. Tình yêu ở đâu để mà bước vào? Tình yêu tự nó không là thửa đất, không là cánh đồng. Tình yêu không giống như một bản đồ vẽ sẵn. Rồi ai nấy chọn một ngã. Tình không chờ sẵn như căn nhà rồi ta vào ở. Đức Kitô không bước vào yêu mà Ngài là Tình Yêu vào thế gian (Yn. 3:16). Như thế, bước vào yêu theo nghĩa đẹp nhất là tình yêu đưa ta bước tới. Tình yêu nơi trái tim Đức Kitô đưa bước chân Ngài lên Núi Sọ. Ngài không lên Núi Sọ tìm tình yêu mà là tinhd yêu thúc đẩy Đức Kitô gặp thập giá, để thập giá có tình yêu.
Tình yêu và bước chân
Trong cuộc đời sẽ có hai bước chân của hai lối đi khác nhau về tình yêu. Một bước chân vào đời do tình yêu đưa lối. Và một bước chân tìm lối đi của tình yêu trong đời.
– Bước chân do tình yêu đưa lối thì có năng lực và không bao giờ bước sao. “Bỏ lại chín mươi chín con chiên đó mà đi tìm con chiên lạc” (Mt.18:12-13). Những bước chân này đi tới đâu là rộn rã yêu thương tới đó. “Vì Cha quá yêu thế gian nên đã sai Con Một vào thế gian” (Yn. 3:16). Không là chân đi tìm tình yêu mà là tình yêu đẩy chân đi tìm.
– Còn lối bước thứ hai là bước chân đi tìm tình yêu. Bước chân này rất dễ lầm đường lạc lối. Tình yêu không co sẵn khơi khơi. Bởi đó, làm sao tìm thấy tình yêu được. Họ không thấy tình yêu mà chỉ thấy cái họ thích yêu.
Khi tôi gặp người tôi thương mến, điều ấy có nghĩa là tôi bắt gặp điều làm tôi yêu thích. Tôi phải để tình yêu trong tôi lên tiếng thẩm định cho sự gặp gỡ này. Rạo rực của con tim khi gặp người tôi mến thương thúc đẩy tôi phải ôm giữ. Rồi, từ đó tôi ngỡ rằng đó là tình yêu và tôi đã gặp tình yêu. Khi trong tim tôi không có tình yêu thì sự ôm giũ này trở thành cuồng phong, vì tôi lầm lẫn cho đó là tình yêu. Nếu trái tim tôi có tình yêu thì tình yêu sẽ lên tiếng thẩm định và câu trả lời có thể là không cho phép tôi bước tới. Nếu bước tới, bước chân đó sẽ sai vì không nghe tiếng tình yêu nói mà chỉ là tìm cái tôi thích yêu.
Nếu nói gặp người tôi thương mến là gặp tình yêu thì làm sao có trung thành trong hôn nhân luôn luôn gặp những người yêu mới.
Đức Kitô không bao giờ đi sai vì chân Ngài được tình yêu thúc đẩy. Trước giờ chết, trước kẻ có quyền kết tội, Ngài không chối từ, không trốn tránh vì Ngài có tình yêu làm sức mạnh. Trên đường đời có những quãng vắng khắc nghiệt vì sỏi đá. Tình yêu sẽ đẩy chân bước tới. Còn bước chân đi tìm tình yêu sẽ phân vân ngại ngùng tránh né. Bởi đó, trong hôn nhân, và người tu sĩ cũng thế, không có lạc lối trong tình yêu mà chỉ là không có tình yêu nên mới lạc lối.
Những bước chân riêng
Mỗi người có một lối nên không thể lấy bước chân kẻ khác làm bước chân của mình. Sự nghèo khó, lý tưởng, con cái, giáo dục, thân xác, hoàn cảnh của mỗi gia đình không giống nhau. Áng màu nào cũng đẹp nhưng nó phải phù hợp với ơn gọi của nó. Bước lẫn sang lối đi của người khác là lạc lối. VÌ lối đi của người khác đúng với họ mà thôi nên khi lấy cái đúng của họ làm của mình nó dễ trở thành cái sai. Khó mà nhận ra cái lạc lối của mình khi mình đi trong lối đi của kẻ khác, bởi vì cứ nghĩ rằng nó đúng với tha nhân thì cũng đúng với mình.
Những bước chân phải cùng nhau đi mà không đi cùng nhau là đi sai. Những bước chân phải đi đơn lẻ mà cứ quyến luyến nhau cũng là đi không đúng. Huyền nhiệm của những bước chân là thế.
Có những bước chân âm thầm. Có những bước chân trong chiều mưa. Là những bước chân riêng, nhưng bước chân nào thì cũng biết mỏi. Đường ở đâu hay ở đó, hôm nay hay ngày mai, ở đâu và thời gian nào thì đường cũng có thể làm chân ê ẩm, gây thương tích đau đớn. Đường đời dài lắm. Nhất là đường sám hối, đường muốn tập nhân đức. Bởi vậy, chân cần nghỉ ngơi, cần xoa dịu. Là những bước chân riêng, nhưng cùng một ơn cứu độ. Có phải vậy mà đường chiều thập giá là Simon vác thập tự cho Đức Kitô đỡ té ngã. Có phải thế mà hôn nhân cùng nhau đi.
Lạy Chúa, khi biết mình sắp xa các môn đệ, Chúa đã rửa chân cho họ. Nếu chỉ nhìn những bàn chân được rửa như một gương khiêm nhường Chúa đã làm thì con thấy chưa đủ. Bỏ trời cao xuống trần chưa đủ là khiêm nhường sao. Sinh ra trong nghèo khó đủ cho con thấy Chúa thế nào rồi. Thái độ rửa chân cho chúng con là hình ảnh tuyệt vời ý nghĩ của những bước chân. Cần thiết lắm. Một ý nghĩ rất sâu của những bàn chân sẽ bước đi rất chơi vơi trong đời. Sắp chết là Chúa sắp bước những bước chân vô cùng mầu nhiệm. Ai có thể đi theo những bước chân gian nan khổ nạn ấy? Phải là những bàn chân được Chúa rửa thì mới có năng lực bước theo Chúa vào khổ nạn được. Rửa cho rơi đi những ươm hèn, gian dối, nhỏ nhen. Bàn chân con phải được rửa bằng tình yêu của Chúa để bàn chân ấy có tình yêu thì con mới có thể bước đi trong đời mà không bước sai.
Vì hệ trọng, nên khi bước, chân phải biết mình đang đi đâu và bước như thế nào.
Chúa bảo chúng con rửa chân cho nhau. Bởi, chân nào đi mà không mỏi. Đường đời dài thăm thẳm. Lối đi nào mà không nhiều lúc dẵm sang đời nhau. Chúng con cần nâng đỡ cho đôi chân nghĩ ngơi, cần được nhắc nhỡ cho đôi chân tỉnh thức, cần thông cảm cho đôi chân khỏi chán nãn.
Lạy Chúa, con phải suy tư như thế nào về bước chân của mình và của người anh em?
Những người nghèo là người phải đi bộ. Và đi bộ thường phải đi bên lề đường. Nếu họ đi bên lề đường chỉ vì nghèo để tránh rộng lối cho con đi, và nếu chỉ vì nghèo mà bước chân bên lề đường ấy làm họ phải bước bên lề cuộc đời thì con nghĩ sao về bước chân của mình.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.