Những Dấu Chỉ Của Đại Dịch Covid 19

print

Những Dấu Chỉ Của Đại Dịch Covid 19

Từ ngày dịch Covid 19 xuất hiện tại Vũ Hán Trung Quốc đến nay gần 2 năm.  Giờ đây, nó lan ra trên toàn thế giới và gây thiệt hại rất lớn về tinh thần, vật chất, đặc biệt là hàng trăm triệu mạng sống của con người bị mất đi. Đứng trước đại dịch nguy hiểm này chúng ta có những suy nghĩ gì? Có lẽ mỗi người, mỗi dân tộc và từng tôn giáo có cái nhìn giống và khác nhau. Xin chia sẻ cảm nhận riêng về những dấu chỉ của đại dịch Covid 19 này.

  1. Trước hết là dấu chỉ về giá trị sự thật.

Hầu hết, các nền văn hóa và giáo dục của những nước phát triển trên thế giới rất quan tâm đến sự thật qua cách sống, giao tiếp và các mối quan hệ khác. Riêng các nước theo xã hội chủ nghĩa sự thật không được đề cao nên dẫn đến nhiễu thông tin, loạn chứng từ. Từ đó nó ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực trong cuộc sống. Nếu ngay từ đầu nhà chức trách Trung Quốc minh bạch, nói lên sự thật thì thế giới không phải chịu cảnh đại dịch hôm nay. Riêng ở Việt Nam nếu từ cán bộ đến người dân đều trung thực khai báo y tế thì sẽ không dẫn đến nguy hiểm như hiện tại, cụ thể tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận đang ở giai đoạn quá tải về ca bệnh và chết chóc.

Tại sao sự thật phải đặt lên hàng đầu vì thiếu sự thật sẽ dẫn đến rất nhiều tệ hại cho chính bản thân, gia đình, xã hội và Giáo hội. Gần đây, bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn phát biểu trên báo Lao Động ngày 20.05.2021 tương lai Việt Nam phải “học thật, thi thật và nhân tài thật”. Thật vậy, Sự thật là gốc của đạo đức; Sự thật là nền tảng và giá trị đích thực của cuộc sống; Sự thật là chìa khóa trong giao tiếp; Sự thật sẽ tác động và ảnh hưởng trong mọi lãnh vực của con người. Vì thế sau khi xuống trần gian; Chúa Giê-su dạy cho chúng ta về chân lý sống: “Ta là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Khi chúng ta sống sự thật sẽ đem lại những giá trị tích cực cho thể xác và tinh thần, cho xã hội và Giáo hội. Một khi sống thật tâm hồn chúng ta sẽ an vui và hạnh phúc. Đặc biệt là gặp được sự sống đích thực là chính Đức Giê-su. Khi chúng ta sống chân thành sẽ mang lại những giá trị tích cực không chỉ ở hiện tại mà cho thế hệ tương lai. Khi chúng đặt giá trị sự thật lên trên thì sự gian trá sẽ ít đi. Lúc đó từ lời nói, tương quan, kinh doanh, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác sẽ giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn và nền văn minh cũng tươi sáng hơn như ngạn ngữ có câu: Trong mọi việc phải tuân thủ ba nguyên tắc: Sự thật, trung thực, hữu ích(khuyết danh).

  1. Tiếp đến là dấu chỉ của tình liên đới.

Cuộc sống con người ngày càng bận rộn với biết bao lo lắng về cuộc sống cùng với những tác động của xã hội. Thật vậy, ai cũng muốn chạy theo thời gian để đạt hiệu quả tốt nhất cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế, đôi khi chúng ta đánh mất sự liên đới với nhau. Gia đình không còn nguyên nghĩa là gia đình là trường học đầu tiên; Là Giáo hội thu nhỏ; Gia đình là hiệp thông, yêu thương và phục vụ. Nhưng nó giống như là nhà trọ nghỉ qua đêm. Vì hầu hết thời gian ở công ty, xí nghiệp hay một nơi làm việc nào đó… Qua cơn đại dịch này làm cho con người quan tâm đến nhau nhiều hơn. Họ sợ Virus Corona nhưng lại yêu mến “Virus bác ái”. Họ sợ đến gần người nhiễm bệnh nhưng rất gần sự thông cảm và sẻ chia. Họ sợ dịch bệnh dẫn đến chết chóc nhưng họ mạnh dạn xung phong lên đường… Vì thế, nhiều nước lớn trên thế giới tài trợ tiền Vắc-xin cho các nước nhỏ. Các tỉnh ít bị dịch bệnh cứu trợ cho các tỉnh đang gặp khó khăn và người thân trong gia đình quan tâm và phục vụ cho nhau nhiều hơn.

Nhiều người sẵn sàng đứng đội nắng mưa phát tiền hỗ trợ cho những người lao động nghèo về quê. Có người mua xăng để ở chốt kiểm dịch và những ai trên đường về hết tiền thì tự nhiên lấy. Những người có khả năng về kỷ thuật khoa học chế tạo ra máy ATM gạo và cung cấp oxy. Nhiều bếp ăn từ thiện mọc lên để cung cấp lương thực cho những người vô gia cư. Nhiều tôn giáo tham gia vào tiến đầu giúp đỡ các bệnh nhân nặng vì họ không có người thân chăm sóc. Đặc biệt là hàng Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân thấm nhuần lời Chúa Giê-su dạy: “Vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống; Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm…” (Mt 25,35).

  1. Dấu chỉ của môi trường thiên nhiên.

Những khi trời quang mây tĩnh lặng chúng ta vội vã bước đi. Trong lúc không khí trong lành chúng ta không nhận ra món quà quý giá cho cuộc sống. Đến lúc nền công nghiệp phát triển và dân số tăng nhanh, nhiều nhà máy xí nghiệp mọc lên khắp thế giới, đầy ở thành phố và đến tận thôn quê làm cho môi trường bị ô nhiễm rất nặng. Dù biết vậy, nhưng các nhà hữu trách đặt kinh tế lên hàng đầu họ bất chấp tất cả, dẫn đến biến đổi khí hậu, không tuân theo quy luật tự nhiên và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều trận bão táp cuồng phong, những lần lũ lụt tàn phá rùng rợn. Ngoài ra, môi trường xấu cũng là cơ hội cho các mần bệnh, vi-rút phát sinh làm ảnh hưởng đến người và động thực vật.

Phải chăng, đây cũng là dấu chỉ giúp chúng ta biết quý trọng thiên nhiên môi trường sống. Biết quý trọng những gì Chúa đã tạo dựng nên. Biết bảo vệ môi trường xanh, sạch và đẹp. Những ngày giãn cách toàn xã hội là những ngày thanh tịnh, những ngày ít tiếng còi xe; là những ngày không ồn ào náo nhiệt và thậm chí không có tiếng chửi bới văng tục. Các nhà máy xí nghiệp ngưng sản xuất sẽ bớt thải khí đọc dù thiệt hại về kinh tế nhưng giúp cho lá phổi nhân loại bớt tiêu hao. Nhìn vào bệnh nhân Covid 19 chết vì Vi-rút phá hoại hoàn toàn lá phổi của họ. Phải chăng qua biến cố này, Chúa gởi thông điệp đến cho nhân loại, một khi “lá phổi” thiên nhiên bị phá hủy, thì cái chết không chỉ vài trăm ngàn người mà là hàng tỉ người. Cũng vậy, đây là lúc mà Chúa Giê-su nói với chúng ta như mời gọi các tông đồ xưa: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Hãy tận dụng lúc này nghỉ ngơi thân xác, bồi bổ tâm hồn để sau đại dịch này chúng ta bắt đầu cuộc sống mới, tích cực hơn, tiết kiệm hơn và bảo vệ môi trường sinh thái hơn như Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi nhân loại qua tông huấn Laudato si 24.5.2015.

  1. Dấu chỉ để ăn năn sám hối.

Trong Thánh Kinh kể lại nhiều lần tai ương xuất hiện hầu giúp con người nhân ra và ăn năn sám hối. Ngoài ra, trong cơn đại dịch này, nhiều người nhắc lại 3 mệnh lệnh ở Fatima, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ nhỏ 1917. Khi Đức Mẹ nói sẽ có cơn đại dịch khắp thế giới và mời gọi con người hãy ăn năn sám hối và tôn sùng mẫu tâm. Gần đây Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi con cái của Giáo hội tận dụng thời gian này để sám hối và quay trở về với Chúa. Dù xa nhà thờ nhưng đừng xa Chúa. Dù mệt mỏi thân xác nhưng đừng mệt mỏi đức tin. Dù có yếu đuối về sức khỏe nhưng đừng yếu đuối về lòng yêu mến Ngài. Vì trong đau khổ và nghịch cảnh, một mặt người tín hữu dễ phớt lờ tiếng nói của Thiên Chúa trong biến cố này; Tuy nhiên, Giáo Hội luôn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Hoặc nói như Clive Staples Lewis: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (Youcat số 51).

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng hướng dẫn cách xám hối thời Covid 19 là chúng xưng thú tội lỗi với Chúa, có lòng ước ao được tha tội, ăn năn sám hối, quyết tâm đền tội và đến khi có dịp sẽ đi xưng tội ngay với linh mục. Tại sao Đức Giáo Hoàng hướng dẫn như thế? Là để mọi thành phần dân Chúa luôn sống thánh thiện “anh em hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); Là để mọi người trở về trong vòng tay yêu thương của Chúa qua ơn đại xá trong dịp đặc biệt này. Vì Chúa “không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11).

  1. Dấu chỉ của kiếp người mong manh.

Ngày nay y khoa rất phát triển, các nhà khoa học chế tạo ra nhiều loại thuốc chữa trị bệnh nan y và những thiết bị y tế tối tân để thay thế những bộ phận của con người. Tuy nhiên đứng trước con Vi-rút Corona nhỏ bé thì mạng sống của chúng ta rất mong manh như làn gió thoảng. Chỉ thoáng qua, mạng sống của chúng ta không còn hiện diện trên trần gian. Nhìn cảnh tượng này chúng ta thấm thía câu nói trong sách Giảng viên: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 2,22). Vì thế, chỉ trong chốc lát, nhiều con trẻ mất cha mẹ, nhiều anh chị em mất người thân, nhiều gia đình không nơi nương tựa.

Qua phương tiện truyền thông chúng ta thấy nhiều nơi xử lý xác chết không kịp, phải dùi lấp tạm bợ bên bờ sông Hằng đầy cát ở Ấn Độ. Một cơn mưa lớn đi qua, quan tài và xác chết lộ hiện. Có nơi phải chôn tập thể, phải ủ đông trong những xe tải lớn v.v. Qua những hình ảnh trên, giúp chúng ta nhớ lại thân phận của chúng ta chỉ là cát bụi, nếu không có ân sủng của Chúa chúng ta cũng chỉ là cục đất sét mà thôi (St 1,26).

  1. Dấu chỉ của lòng thương xót Chúa.

Tại sao bệnh tật và chết chóc mà trở thành dấu chỉ của lòng thương xót. Bởi vì Thánh Phaolo nói: “ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, cũng như vậy” (Rm 5,20).

Thật vậy, bệnh dịch chưa được khống chế một cách triệt để nhưng Chúa ban cho con người sự thông minh, để các nhà khoa học tìm ra Vắc-xin phòng ngừa. Ngày xưa, qua cơn đại hồng thủy con người bị chết nhưng Chúa vẫn cứu gia đình ông Noel và xây dựng một thế hệ mới qua dấu chỉ cái móng mọc trên trời (St 7–8). Đến thời Mô-sê trong sách Xuất hành. Dân Do thái nô lệ bên Ai Cập và mọi con trai đầu lòng của họ đều bị giết nhưng Chúa cứu sống Mô-sê và sau này chính ông đã dẫn dắt dân Do thái về đất hứa. Đến thời Tân ước, Chúa Giê-su xuống thế làm người. Ngài phải trải qua nhiều đau khổ thập giá mới đến được vinh quang.

Trước tình hình hiện tại, mỗi người chúng ta cần ý thức trách nhiệm, đề phòng và tránh xa mọi hình thức có thể bị nhiễm và gây nhiễm. Nếu chúng ta ý thức như vậy cùng với sự cố gắng của nhà chức trách và sự tận tình của đội ngũ y tế, đại dịch sẽ sớm bị khống chế. Qua đó, chúng ta hy vọng rằng, thế giới sẽ có cuộc sống mới, và mọi người, mọi nước, mọi dân tộc biết đặt giá trị sự thật lên hàng đầu. Biết sống bao dung và liên đới nhau hơn, cụ thể ngay trong gia đình, Giáo hội và xã hội. Biết bảo vệ và gìn giữ môi trường thiên nhiên xanh sạch đẹp. Biết nhận ra giới hạn của con người đừng vì lý do nào đó mà kiêu căng như dân Do thái xưa đã xây tháp Babel. (St 11,1-9) Biết nhận ra kiếp người mong manh để chúng ta cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa và thân thưa rằng: “Lạy Chúa con tín thác vào Ngài”. Trên hết chúng ta noi gương thánh Phê-rô thưa với Chúa Giê-su: “Bỏ thầy con biết theo ai vì Thầy mới có lời ban sự sống đời” (Ga 6,68).

Lm. Biển Xanh.