Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật Phục Sinh

MÙA PHỤC SINH

SỢI CHỈ ĐỎ CỦA CÁC CHÚA NHẬT 
MÙA PHỤC SINH NĂM
 A

Nếu như các bài đọc Mùa Chay là một khóa giáo lý chuẩn bị người dự tòng lãnh nhận Phép Rửa, thì các bài đọc Mùa Phục sinh là một khóa giáo lý nữa giúp người tân tòng vững mạnh trong cuộc sống mới.

– Chúa nhựt Phục sinh : Biến cố Phục sinh.

– Chúa nhựt II Phục sinh : Kết quả việc Đức Giêsu phục sinh trong cuộc sống của các tín hữu.

– Chúa nhựt III Phục sinh : Cuộc sống mới của kẻ tin vào Đức Giêsu phục sinh.

– Chúa nhựt IV Phục sinh : Đức Giêsu là mục tử, tín hữu hãy bỏ nếp sống cũ và đi theo Ngài sống nếp sống mới.

– Chúa nhựt V Phục sinh : Sống trong thực tế của thế giới.

– Chúa nhựt VI Phục sinh : Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ tín hữu

 

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

CHỦ ĐỀ :

BIẾN CỐ PHỤC SINH

 

 “Chúa đã sống lại thật rồi” (Lc 24,34)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I : Các tông đồ làm chứng việc Đức Giêsu sống lại.

– Bài đọc II : Tín hữu là những người cùng sống lại với Đức Giêsu trong cuộc sống mới.

– Bài Tin Mừng : Ngôi mộ trống là dấu chỉ Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

“Chúa đã sống lại !” Thánh Phêrô, Thánh Gioan, Thánh Phaolô và tất cả các tông đồ khác đều hô vang Tin Mừng ấy. Tiếng hô ấy vẫn còn vang mãi trong Giáo Hội sơ khai và các thế hệ kitô hữu, để biểu lộ niềm tin của Giáo Hội và kêu mời mọi người hy vọng. Hy vọng, bởi vì cho dù mọi vẻ bề ngoài có thể ngược hẳn lại, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc đời vẫn có hồi kết thúc, nhưng đau khổ không phải là số phận, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng.

Nếu Đức Giêsu đã trở thành Đấng hằng sống, và nếu chúng ta đã được Ngài ban cho sự sống đời đời, thì tại sao chúng ta còn hoang mang, sợ sệt, chán nản trước những gian khổ đời này ?

Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta vững tin vào việc Chúa sống lại, và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trong thế giới hôm nay.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Thực ra chúng ta chưa thực sự tin tưởng vào việc sống lại, cho nên chúng ta sống như mục đích của đời mình chỉ là dưới thế này.

– Chúng ta thường chán nản ngã lòng khi gặp khó khăn, thất bại.

– Chúng ta chỉ biết sống cho mình chứ không quan tâm làm chứng về Chúa cho người khác.

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Cv 10,34.37-43

Lời rao giảng này của Phêrô được các nhà Thánh Kinh gọi là Kerygma, tức là bài giảng truyền giáo. Lần đầu tiên ngõ lời với một nhóm thính giả mới, các tông đồ luôn giảng Kerygma.

Mỗi Kerygma, cho dù có khác nhau trong những chi tiết phụ, nhưng luôn gồm những yếu tố chính về Đức Giêsu : a/ Tóm tắt cuộc sống trần thế của Đức Giêsu ; b/ Cái chết của Ngài ; c/ Việc Ngài sống lại ; d/ Kêu gọi tin vào Ngài để được cứu độ.

Tin vào nội dung Kerygma là bước đầu tiên và là điều quan trọng cơ bản để trở thành Kitô hữu.

  1. Đáp ca: Tv 117

Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

  1. Bài đọc II: Cl 3,1-4

Thánh Phaolô dạy cách sống của người thực sự tin vào việc Đức Giêsu sống lại :

– Kitô hữu là người đã chết với Đức Giêsu và sống lại với Ngài.

– Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới.

– Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc về thượng giới.

  1. Bài Tin Mừng: Ga 20,1-9

Những chi tiết quan trọng nhất của bài tường thuật này là ngôi mồ trống và 3 phản ứng trước hiện tượng ấy.

– Maria Mađalêna nghĩ rằng “Người ta đã lấy mất Chúa rồi”. Bà hoang mang chạy đi báo tin “chẳng lành” ấy cho các tông đồ khác. Phải chờ đến khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với bà thì bà mới tin Ngài sống lại.

– Phêrô nhìn thấy những hiện tượng nhưng chưa có phản ứng nào cả.

– “Người môn đệ kia” khi thấy thì nhớ lại những lời Đức Giêsu đã nói trước nên đã tin ngay.

IV. GỢI Ý GIẢNG

  1. Tin là thế nào?

Đức tin của các tín hữu thường chỉ có một chiều kích, đó là chiều kích của trí óc : tin có Thiên Chúa ; tin rằng Ngài đã tạo dựng mọi sự, Ngài biết mọi sự và điều hành mọi sự…

Đức tin của các tín hữu thường hướng tới đời sau : tin rằng mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này.

Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy : phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa : Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phaolô dạy : “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô”.

  1. Làm chứng là thế nào?

Chỉ có các tông đồ là những “chứng nhân” đúng nghĩa : các ngài đã cùng sống với Đức Giêsu, đã thấy Ngài chết và thấy Ngài sống lại. Việc làm chứng của các ngài dựa trên điều các ngài đã thấy.

Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh theo cách thứ hai này : sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng.

  1. Tâm thức kiêu căng của kẻ chiến thắng

Nhiều người trách rằng những người công giáo có tâm thức kiêu căng vì nghĩ rằng mình là kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ giỏi hơn người… Tiếng pháp là “triomphalisme”. Thực ra, chúng ta có tâm thức đó không ? Và xét cho cùng, nên có tâm thức đó không ?

Chúng ta xác tín rằng chúng ta có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là Đức Giêsu phục sinh, và cũng xác tín rằng nếu có Ngài phù trợ thì chúng ta sẽ vượt thắng tất cả. Những câu đáp ca hôm nay trích từ Thánh vịnh 117 tuyên bố niềm xác tín đó : “Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa cao cả vô song. Tôi không phải chết nhưng còn sống mãi, để tường thuật những kỳ công Chúa làm”.

Thế nhưng, chúng ta không nên kiêu căng, cũng không nên khinh chê những người khác không có được niềm xác tín của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta cần làm chứng cho họ và chia sẻ với họ niềm xác tín ấy, một niềm xác tín vẫn giúp con người lạc quan hy vọng cho dù đang ở giữa bao khổ đau, thất bại, bệnh tật và thậm chí sắp chết.

  1. Mộ mở toang

Gioan “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó… Ông đã thấy và đã tin.

Nhưng ông thấy gì ? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông thấy đã dẫn ông tới chỗ tin.

Ta hãy nghiêng mình xuống như Gioan. Ta thấy gì ? Một hố sâu thăm thẳm, đầy màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông dâng đầy mầm sống. Cờ tang khăn tang chuyển biến thành y phục ánh sáng. Một sự vắng mặt vang dội sự có mặt. Một sự im lặng của nấm mồ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Một bức tường mà ta chỉ thấy được phần bị khoét lỗ. Một kết quả của tất cả mang dáng dấp khởi đầu. Một cái chết có bộ mặt một cuộc giáng sinh. Mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí mật.

Vậy ai đã tạo ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ đâu có trống. Vì Gioan đã thấy chân dung thực sự của Đức Giêsu, bạn ngài.

Ngôi mộ không trống, không sâu, không câm nín, không vương mùi chết chóc. Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó còn nói với ta. Ta có bị cụt hứng không ? Vì sự vắng mặt này, lớn như một nấm mồ, chính là một sự hiện diện, vĩ đại như một phép lạ.

Dưới nhãn quan của não trạng hiện đại, đã thấm nhiễm vào ta, chết là hết. Chấm hết. Chết rồi chẳng còn gì ráo. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì ngoài trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết chôn kín đời ta.

Nhưng ở đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Người đã mở ra. Mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm mang tên chỗi dậy. Phục sinh.

Ngôi mộ mở lòng mở trí ta. Ký ức sống và sống lại. Ta mở hồn ra với đức tin. Sau cùng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã vượt qua bức tường sự chết, đã nâng phiến đá che mộ, đã hoàn thành Phục sinh báo trước. (G. Boucher, “Le ciel sur terre”, được trích dịch trong Fiches dominicales, năm A, trang 122-123).

  1. Sao lại tìm người sống nơi chỗ kẻ chết?”

Một vài tuần trước lễ Phục sinh, người chồng đã chết vì một tai nạn đột ngột : đang khi ông đốt các nhánh cây vụn trong khu vườn của gia đình, ông đã sơ ý để lửa bắt vào mình.

Tai nạn đã làm cho bà vợ trở nên như người mất trí, một đàng vì nó đột ngột quá, đàng khác vì nó xảy ra tại chính khu vườn của gia đình. Bà không dám bước chân ra vườn. Thậm chí không dám nhìn về hướng đó nữa.

Rồi tới ngày lễ Phục sinh. Hai người hàng xóm đến thăm bà và rủ bà đi ra vườn. Mới nghe tới đó, bà co rúm người lại. Nhưng các bà hàng xóm tin rằng việc này sẽ có ích cho bà nên cứ khuyến khích. Thế là cả 3 ra vườn, đến chính nơi xảy ra tại nạn. Ngài vợ muốn quay lưng bỏ vào nhà. Nhưng đúng lúc ấy, một lời trong Tin Mừng bỗng loé lên trong đầu bà : “Sao lại tìm người sống nơi chỗ kẻ chết ? Ngài không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại rồi.” Bà nghĩ lời đó nói về chính người chồng của bà.

Thế là nỗi buồn sầu bấy lâu nay chắp cánh bay mất. Bà tìm lại được niềm vui. (Flor McCarthy)

VLỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại và bừng sáng trên thế giới như mặt trời chính ngọ. Ước gì ánh sáng phục sinh của Ngài luôn hướng dẫn đời sống đức tin của người kitô hữu. Trong niềm hân hoan mừng Con Chúa đã sống lại khải hoàn, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1- Từ hai mươi thế kỷ nay / Hội Thánh không ngừng công bố một Tin Mừng duy nhất cho muôn dân / đó là Tin Mừng Con Chúa đã phục sinh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lời rao giảng của Hội Thánh / được nhiều người thành tâm đón nhận.

2- Chỉ một mình Đức Kitô phục sinh có quyền năng đổi mới / và hòa giải mọi tâm hồn / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thương xót nhân loại đang đau khổ vì hận thù chia rẽ / và canh tân lòng trí con người hôm nay.

3- Nhờ Đức Kitô phục sinh / Chúa mở lối cho nhân loại vào cõi sống muôn đời / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / chỉ vẽ cho các kitô hữu biết cách xây dựng quê hương trần thế / làm sao cho những cố gắng đó / cũng giúp họ đạt tới quê trời vĩnh phúc.

4- Chính Đức Kitô phục sinh đã tập họp chúng ta trong thánh lễ này / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / lấy lời chân lý mà cải hóa / và giúp cộng đoàn giáo xứ chúng ta sống một đời thánh thiện / để mọi việc chúng ta làm đều đẹp lòng Chúa.

CT : Lạy Chúa, Đức Giêsu Kitô Con Chúa đã trải qua bao đau thương và chịu khổ hình Thập giá rồi mới bước vào vinh quang thiên quốc. Xin cho tất cả chúng con được chia sẻ đau thương, được chết với Người, để cùng được phục sinh vinh hiển với Người là Đấng hằng sống và hiển trị…

VI.TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu phục sinh đã thiết lập cơ sở vững chắc cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho Nước ấy được mở rộng khắp nơi, trong lòng mọi người.

– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an mà Đức Kitô phục sinh đã mang đến cho các tông đồ…”

VII. GIẢI TÁN

Đức Kitô đã sống lại và đang sống mãi. Ngài sống trong cuộc đời chúng ta và trong thế giới này. Chúng ta hãy làm những chứng nhân nhiệt tình cho Ngài, mang niềm vui và an bình đến cho mọi người. Halleluia, Halleluia.

print