SÁM HỐI
“Hãy sám hối”(Mt 4,17)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc 1 : Ngôn sứ Gio-en kêu gọi dân do thái sám hối.
– Đáp ca : bày tỏ tâm tình của người tội lỗi sám hối.
– Tin Mừng : Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí
– Bài đọc II : sám hối là “làm hòa lại với Thiên Chúa”
Với ngày Lễ Tro hôm nay, Giáo Hội bắt đầu Mùa Chay. Có lẽ hai tiếng “Mùa Chay” làm chúng ta sợ hãi vì nó khiến ta nghĩ đến một thời gian khắc khổ, buồn rầu. Đành rằng Mùa Chay là thời gian ăn năn sám hối, hy sinh hãm mình. Nhưng tất cả những việc đó đều cần thiết để có được niềm vui tái sinh với Chúa trong Lễ Phục sinh. Cũng như người nông dân phải cực nhọc gieo vãi cấy cày thì mới có được mùa thu hoạch dồi dào.
Vì vậy ngay từ đầu mùa Chay này, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội, Mẹ nhân lành của chúng ta, mà bước vào thời gian này với tất cả tâm hồn quảng đại và chân thành.
– Thân xác chúng ta chỉ là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro, thế mà chúng ta lại quá chìu chuộng nó đến nỗi nhiều lần phạm tội hại đến linh hồn mình.
– Biết bao lần chúng ta giả điếc làm ngơ trước những tiếng cảnh cáo của lương tâm, để buông mình theo tội lỗi.
– Ngay cả những khi làm các việc đạo đức, chúng ta cũng làm theo hình thức bề ngoài chứ không vì lòng mến Chúa yêu người thực sự.
Nhân dịp nạn châu chấu hoành hành gây nên nạn thất mua đói khát (Ge 2,3-9), ngôn sứ Gio-en lên tiếng kêu gọi dân do thái sám hối :
– Sám hối là quay trở về với Chúa.
– Sám hối phải xuất phát tự cõi lòng chân thực chứ không phải chỉ có những việc làm bề ngoài (“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”)
– Vì Thiên Chúa là Đấng rất từ bị, chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho kẻ thực lòng sám hối.
Tv này bày tỏ tâm tình của người tội lỗi sám hối :
– Một mặt, tội nhân ý thức rõ về những tội lỗi của mình.
– Mặt khác, tội nhân cũng quyết tâm trở về với Chúa.
– Và tội nhân tin chắc mình sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí :
– Những việc đạo đức ấy vừa tốt vừa cần thiết.
– Nhưng điều quan trọng nhất là tâm tình khi làm những việc đó : chỉ nên làm vì lòng mến Chúa yêu người.
– Nếu chỉ làm vì mong được tiếng khen của người đời thì tất cả sẽ trở nên vô ích.
Thánh Phaolô hiểu sám hối là “làm hòa lại với Thiên Chúa” : tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hòa giữa con người với Thiên Chúa. Sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối chính là “thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ”.
Các bài đọc hôm nay đều quy vào một chủ đề là quay về. Mỗi bài đọc triển khai một phương diện của sự quay về :
– Bài đọc 1 : từ bề ngoài quay về bề trong : “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”.
– Bài đọc 2 : quay về với Thiên Chúa : “Hãy làm hòa với Thiên Chúa”
– Bài Tin Mừng : từ cách làm những việc đạo đức cốt cho người ta thấy quay về với cách làm chỉ cốt cho Thiên Chúa thấy.
Tại sao trong bài Tin Mừng mở đầu Mùa Chay, Chúa Giêsu nói về cầu nguyện, ăn chay và bố thí ? Thưa vì 3 việc này, nếu được làm một cách đạo đức thật sự – nghĩa là làm không phải để được tiếng khen của người đời mà làm vì lòng mến Chúa yêu người chân thành – sẽ giúp chúng ta quay về chứ không còn lạc lối nữa (nghĩa chính xác của “sám hối” chính là “quay về”).
– Chúng ta thường quá chìu theo ý mình, đến nỗi không biết đến ý Chúa. Cầu nguyện chân thành sẽ giúp chúng ta khám phá và làm theo ý Chúa.
– Chúng ta thường quá lo cho những nhu cầu vật chất, đến nỗi không để ý đến những nhu cầu tinh thần. Ăn chay sẽ giải thoát chúng ta khỏi quá bận tâm đến các nhu cầu vật chất, tự nhiên và sẽ thoả mãn những nhu cầu tinh thần, siêu nhiên.
– Chúng ta thường quá quan tâm đến bản thân mình đến nỗi quên để ý tới người khác. Bố thí là một cách giúp ta hy sinh bản hân để biết chia sẻ với người khác.
Mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sự đổ vỡ, bất hòa… Hai người bạn trở thành lạnh nhạt, hai người tình trở thành xa lạ, hai vợ chồng trở thành người dưng…
Đổ vỡ và bất hòa sinh ra đau khổ, tiếc nuối cho các đương sự, và còn ảnh hưởng tới một số người khác như con cái, anh em, bạn bè…
Thánh Kinh đã không ngại dùng hình ảnh loài người để mô tả Thiên Chúa : Thiên Chúa là một người tình, một người chồng hết mực yêu thương loài người. Nhưng mối tình này mang tính đơn phương nhiều hơn là song phương, và đã bao lần đổ vỡ.
Khi đổ vỡ, phía nào yêu tha thiết hơn sẽ tích cực tìm cách làm hòa hơn. Thiên Chúa chính là phía này. Ngài đã làm rất nhiều cách. Và cách cuối cùng vượt quá sức tưởng tượng của loài người : Ngài đã cho Con Một thân yêu của mình hạ mình đến với loài người, ngỏ lời yêu thương với loài người, sống chung với loài người, tha thứ hết mọi tội lỗi của loài người và chết thay cho loài người.
Thiên Chúa đã đi bước trước và Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm. Chỉ còn chờ chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì để làm hòa lại với Ngài ?
a/ Bố thí
Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự :
– Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.
Nghe thế, con chuột kia nói :
– Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm.
– Ô thế bạn ở đâu vậy ?
– Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo. (Trích “Món quà giáng sinh”)
b/ Cầu nguyện
Một tài xế và một linh mục chết cùng lúc. Bác tài thì được vào thiên đàng ngay, còn vị linh mục phải chờ ở luyện ngục. Ngài than phiền : “Việc ông tài vào thiên đàng tôi chẳng nói làm gì. Nhưng tôi là linh mục, tại sao tôi lại phải chờ đợi như thế này ?” Từ trời cao có tiếng đáp : “Cha ơi, khi cha giảng, mọi người ngủ gục. Còn khi bác tài lái xe, mọi người lo cầu nguyện”.
c/ Ăn chay hãm mình
Hai thợ săn lên núi bắt chim. Họ cẩn thận đặt bẫy trước khi rời đi. Khi trở lại, lưới đầy chim. Họ thích thú vì được nhiều chim, nhưng không hài lòng lắm về những con chim bắt được, một anh nói : “Ai mà mua những con chim gầy nhom thế này”.
Anh bạn gật đầu : “Chỉ cần đầu tư một số lúa và trong ít ngày chúng ta sẽ được những con chim xinh đẹp và bụ bẫm”.
Hàng ngày, hai người cho chim ăn uống và chúng ăn ngấu nghiến. Chúng lớn dần mỗi ngày. Chỉ duy một con không chịu ăn. Khi những con khác béo mập, con chim ngoan cố này trở nên gầy nhom, nhưng vẫn vùng vẫy tìm lối thoát.
Đến ngày bầy chim được mang ra chợ bán, con chim không chịu ăn cố vùng vẫy, xoay sở lọt qua lưới và bay đi. Một mình nó được tự do.
CT : Anh chị em thân mến
Với tâm tình sám hối chân thành, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :
1- Hội Thánh là một người mẹ hiền không bao giờ ghét bỏ những đứa con tội lỗi lầm lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những hoạt động mục vụ của các mục tử trong Mùa Chay này / dẫn đưa được nhiều con chiên lạc về đoàn chiên của Chúa.
2- Thế giới ngày này đang đầy dẫy bạo lực, chiến tranh, vô luân, tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo các nước / biết đề ra những biện pháp hữu hiệu / để giảm bớt những sự xấu trong xã hội.
3- Chúng ta đặc biệt hiệp lời cầu xin / cho những người nguội lạnh bỏ mùa phục sinh / những cặp vợ chồng rối rắm / những kẻ trụy lạc bê tha / biết ăn năn tội lỗi / và quay về với tình thương của Chúa.
4- Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / một mặt canh tân đời sống / mặt khác nhiệt tình làm việc tông đồ / để hoán cải những anh chị em nguội lạnh trong xứ đạo.
CT : Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được tha thứ và được sống. Tất cả chúng con đều là những người tội lỗi. Chúng con thành tâm sám hối muốn quay về với Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và giúp chúng con sống sốt sắng trong Mùa Chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
– Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện không phải để cho người ta thấy, mà chỉ để Thiên Chúa là Cha chúng ta thấy. Vậy chúng ta hãy hướng trọn tâm hồn lên Ngài và dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha sau đây.
Mùa Chay đã bắt đầu. Anh chị em hãy bắt đầu quay về : quay về với lương tâm trong lòng mình, quay về với tình nghĩa anh chị em vả quay về với Thiên Chúa là Cha nhân lành của chúng ta.