Tất Cả Của Đời Chỉ Là Hư Vô

print
Tất Cả Của Đời Chỉ Là Hư Vô
Chúa Nhật 18 Thường Niên C 31.07.22
 
vo ha
I.  Bên trời Á Đông cho tới hôm nay, ba nguồn Triết lý khôn ngoan triệt để: Phật Lão Nho, như ba cây đại thụ xuất hiện  trước Chúa Giêsu hơn 5 thế kỷ, đã che chở cho các dân tộc trong vùng hàng ngàn năm về tinh thần, để giúp hình thành đời sống vật chất đúng đáng, xứng hợp, yên vui trên mặt đất. Trong đó, đã có không ít những Lời dạy về lẽ vô thường cho con người biết đời nầy là cõi tạm:
 
Vô thường vi mệnh.
 Bất nại nhân Kỳ.
 Triêu tồn tịch vong,
 Sát Na dị thế.
 
Vô thường, bất định là lệnh của Trời. Không nhẫn nại với thời gian con người sắp xếp. Sáng còn tối mất. Chỉ một tíc tắc, sang thế giới khác.  Tất cả, để giúp con người tu tâm sửa tính ngay khi còn sống, gọi là Đạo Nhân sinh.
 
Trong khi đó, bên trời Trung Đông, về mặt tôn giáo, Thiên Chúa đã chuẩn bị lộ đồ từ 4000 năm trước qua những bậc tiên hiền, cũng hướng dẩn và giáo hóa dân chúng từng bước. 
 
Như bốn câu ngắn gọn  trong Sách Giảng Viên Chúa Nhật 18 thường  niên C nầy, dạy rằng cuộc đời nầy chỉ là phù vân, hư vô,  vì làm cật lực mà không được xài, phi lý hơn nữa là phải để của cải lại cho người khác không làm, mà hưởng. Thêm nữa, đêm lại không an giấc vì bận tâm vật chất. 
 
 Khi Chúa Giêsu xuống thế thời Tân Ước, Người cũng  dựa  vào khung xường của tư tưởng  Giảng Viên trong bài đọc 1, mà khuyên con người tránh tham lam. Như mẩu gương người phú hộ, chỉ biết  cậy dựa vào sự giàu có vật chất của mình,  như  đám mây, mà quên làm giàu  về mặt tinh thần. Vậy ta cùng đọc chính Lời của Chúa cùng xin ơn thêm sáng soi. 
 
II. Lời Chúa
 
BÀI ĐỌC I: Gv 1, 2; 2, 21-23“Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm”.

Bài trích sách Giảng Viên.

Giảng Viên đã dạy rằng: hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. 

Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao. 

Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?

 

 BÀI ĐỌC II: Cl 3, 1-5, 9-11“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, 

Nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. 

Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. 

Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. 

Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi sự và trong mọi sự có Đức Kitô.

 

 PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21 “Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 

“Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” 

Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

 Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. 

Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

 

III. Đôi dòng Ghi Chú Và Tâm Tình
 
Trước hết bài đọc 1 trong sách Giảng Viên chỉ người đứng đầu của cộng đoàn, có chức vụ giảng dạy như thầy cô giáo.
Sách nầy, xuất hiện vào thế kỷ 2 hay 3 TCN,  sưu tập lại những lời hay ý đẹp của Do Thái và rộng ra trong  khắp vùng Trung Đông, có mục đích giáo huấn:  xây dựng cho lối sống đời thường lành mạnh, với mục đích qui chiếu về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi thiện hảo. Sách cũng được  thêm vào tên Côhêlết chỉ vua Salomon ( 972-933 TCN) bảy tám thế kỷ trước, như tác giả, là cách thế phổ thông thời đó,  để tăng phần giá trị.  
Nhập đề của sách với câu: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vanity of vanities. All is vanity. Câu trên là cách nói tuyệt đối, diển tả về hư không, tuyệt đối hư vô, tuyệt đối giả trá của cuộc sống. 
Về văn hóa, người Do Thái thấy gió và khói thay đổi. Còn người Á Đông lại thấy mây từ hình dáng chó xanh bỗng chốc biến thành áo trắng. Nên từ ngữ tiếng Việt cũng dùng “phù vân”: cuộc đời như mây nổi, có thể thêm như gió thổi, như chiêm bao. Tại sao?
Như kẻ làm việc hết sức,  hết linh hồn, hết trí khôn, phải để của cải lại cho kẻ không lo không làm, mà được hưởng tất cả (thí dụ: vợ, chồng, con của gia đình trước lo làm mọi cách, nhưng ra đi sớm, để tất cả tài sản kết xù lại cho những người qua hôn phối sau đó, xài phí lêu lỏng). Thêm nữa,  người cật lực dưới mặt trời nóng bức, còn đêm thì tâm không yên. Đời thật hư vô, phi lý.
 
Lối nhìn ngắn gọn về cuộc sống của Giảng Viên trong ba câu trên, có vẻ tiêu cực. Đã làm cho có người hiểu lầm, mà chán chường, không còn muốn làm gì, đưa tới thị trường kinh tế suy sụp, đoàn thể, đất nước tụt hậu,  như  Thi sĩ Cao Bá Quát (1808-1855) trong mấy câu thơ: 
 
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy. Cảnh phù-du trông thấy những nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời. Tiêu khiển một vài chung lếu-láo.  
 
Nhưng không phải cuộc đời chỉ là hư vô đâu, trong những chương kế tiếp, Giảng Viên đã đề cao cuộc sống ngay chính khi biết lấy Chúa làm tâm điểm cho những quỹ đạo vòng quanh của đời sống chính trực.   
 
Tôi nhận ra rằng đối với con người, không có hạnh phúc nào hơn là hưởng thú vui và sống thoải mái. Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi (3: 12-13).
 
Sống thoải mái với thành quả do công lao khó nhọc vật chất, được Chúa Giêsu nâng lên cấp độ tinh thần là làm giàu trước mặt Thiên Chúa.  
 
Qua Bài Phúc Ngôn, Thánh Luca ghi lại hai sự kiện chính.
 
 Một là, Chúa Giêsu giảng về của cải và lòng tham lam. Bài giảng nầy đúng tử huyệt tham lam trong nội bộ gia đình, nên có người xin Chúa làm trọng tài phân chia tài sản từ người anh, như luật Môsê qui định cho những lãnh đạo và thầy cả xét xử những vụ nầy.  Nhưng Chúa Giêsu từ chối công truyện của trần thế. Sẳn cơ hội Người đưa ra một ngụ ngôn dạy cách giàu có mặt tinh thần. 
 
Hai là trong dụ ngôn người phú hộ. Nhân vật trong dụ ngôn thường độc thoại, bày tỏ nội vụ, tự tình. 
 
Từ ngữ “linh hồn” ta ơi, trong Cựu Ước cũng chỉ toàn thể con người. 
 
Trong bản Anh Ngữ câu 20: But God said to him, ‘Fool! This night your soul is required of you, and the things you have prepared, whose will they be?:  đêm nay linh hồn ngươi “được đòi lại” khỏi ngươi. Hình thức thụ động trong Thánh Kinh được hiểu ngầm tác nhân là Thiên Chúa.  Bản dịch tiếng Việt đã dùng: đêm nay “người ta sẽ đòi” linh hồn ngươi.
 
Trong dụ ngôn, người phú hộ tự tình: sẽ phá các kho lẫm mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải vào đó và  sẽ bảo linh hồn  rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. 
 
 Ý chính của dụ ngôn Chúa muốn truyền đạt là của cải sung túc không chắc bảo đảm cho cuộc sống lâu dài để chi tiêu tới đồng bạc cuối cùng mới chịu chết. Ở đạy, Chúa  đề cập đến mạnh sống con người thuộc về Chúa. Tử kỳ hữu định. Tới giờ Chúa định chúng ta đều phải chết. 
 
Dĩ nhiên cũng phải  hiểu rõ thêm, của cải tài sản là vật ngoại thân, cũng vô thường, biến đổi, nay còn mai mất hoặc sang tay kẻ khác vô tích sự như trong bài đọc 1.   Bài học ở đây là tích trữ của cải cho mình đủ sống về ăn ở mặc tối thiểu cần thiết và làm giàu trước mặt Chúa nữa.
 
Vài việc cụ thể: trên đường truyền giáo Thánh Phaolô có được giúp đỡ vật chất, cũng có lúc Người tự lập,  tay dệt tay đan (1 Ts 2,9; 1 Cr 9,1tt.; Cv 18,1-5).  
 
Làm việc là bổn phận phục vụ trần thế: nuôi sống chính mình, gia đình, người thân, cộng đồng, dân tộc xứ sở.  Nhận định đúng giá trị của tiền bạc và hai là sử dụng đúng những tiền bạc mà Chúa đã ban.
 
 

Trở lại bài đọc 2, 

Thánh Phaolô tiếp tục dạy tín hữu Côlôsê về cuộc sống mới  sau khi  Rửa Tội: đừng tìm những sự dưới đất mà hãy tìm những sự trên trời, những giá trị tinh thần mà Chúa muốn.

Từ bỏ con người cũ theo xác thịt, mặc lấy con người mới theo hình ảnh Chúa  Kitô.

 

IV.  Xin Dâng Lời Cầu.

Chúa Giêsu đã đến cõi trần để dạy thêm cho chúng con, yêu anh chị em mọi người, cũng là yêu Chúa.

 Tình yêu cao quí nầy phải được thực hiện ra bên ngoài qua hành động. 

Xin cho mọi thành phần dân Chúa là  Hội thánh Chúa chung tay xoa dịu được phần nào đau khổ của nhân loại.

Xin cho mọi người biết làm ra tiền của tài sản chính đáng, qua công sức lao động lương thiện của mỗi người.

Xin cho chúng con hiểu rằng phần vật chất cho ra, sẽ  gia tăng giá trị gấp bội trước Chúa.

Xin cho chúng con biết sống khôn ngoan ở đời nầy bằng cách đầu tư kho tàng thiêng liêng qua cuộc sống lương thiện với mình và với người. 

Xin giúp chúng con biết kiếm tiền cách hợp lý và sử dụng vật chất như dầy tớ tốt phục vụ chính mình cũng như mọi người.

Xin cho những người được may mắn trong đời, biết cùng  chia sẻ cơm áo trong khả năng cho anh chị em chung quanh đang rất cần. Amen.