Trước thực trạng Tây Ban Nha ghi nhận tỷ lệ tự tử cao, Đức Giám mục Juan Carlos Elizalde Espinal của Giáo phận Victoria đã thúc giục những nỗ lực để giải quyết khủng hoảng này.
CNA đưa tin, trong buổi kinh chiều ngày 4/8 để tôn vinh Đức Mẹ Tuyết, Đức Giám mục Elizalde đã nhấn mạnh: “Có rất nhiều người, thanh niên và những người trưởng thành, quyết định chấm dứt cuộc sống mình. Đừng làm điều đó. Cuộc đời này đáng sống. Chúa Kitô là Ánh sáng đối đầu với bóng tối”.
Ngoài những lý do phổ biến khiến mọi người tự kết liễu cuộc đời mình như trầm cảm và nạn bắt nạt, Tây Ban Nha còn hợp pháp hóa an tử và trợ tử vào tháng 12 năm 2020.
Đức cha kêu gọi tất cả mọi người, các tổ chức cộng đồng, công ty, trường học, gia đình và Giáo hội phối hợp với nhau để giúp đỡ những người có ý định tự tử, đồng thời nạn bắt nạn và những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý khác cần được loại bỏ khỏi môi trường sống.
Theo số liệu thống kê chính thức, trung bình mỗi ngày ở Tây Ban Nha có hơn 10 người tự tử, nhiều gấp đôi số người qua đời vì tai nạn giao thông. Tự tử là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất ở Châu Âu.
Đọc thêm: Dự luật hợp pháp hóa trợ tử ở Scotland thu hút nhiều chỉ trích
Thảm họa cháy rừng hoành hành các châu lục

Ảnh: Agenzia Fides
Hy Lạp là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do trận cháy rừng hoành hành ở Balkan, Ý và đông nam Địa Trung Hải. Cháy rừng đã bùng phát ở một số khu rừng cuối cùng còn lại của Hy Lạp trong ngày 7/8. Hàng ngàn người đã phải di tản bằng đường bộ và đường thủy.
Ở những nơi khác, đám cháy cũng đã lan đến sườn núi Parnitha, vườn quốc gia ở phía bắc Athens. Đây là một trong những khu rừng lớn cuối cùng của Hy Lạp.
Đám cháy bốc khói ngùn ngụt nên các nhà chức trách đã phải lập đường dây nóng hỗ trợ người dân gặp vấn đề hô hấp. Các đội cứu hỏa phải vật lộn để dập lửa.
Vatican News cho biết, không chỉ Hy Lạp, một số khu vực khác của Châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, vùng Siberia phía bắc nước Nga cũng trải qua những đợt cháy rừng dữ dội. Một số quan chức cho rằng, những vụ cháy rừng liên quan đến đợt nắng nóng kỷ lục ở Châu Âu.
Còn ở khu vực Châu Mỹ, theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Nghiên cứu Xã hội (CEJIS), diện tích rừng bị đốt cháy lên tới 5.229.872 ha trong 10 năm từ 2010 – 2020. Fides cung cấp thông tin rằng 15 khu vực ở vùng Amazon với tổng diện tích 2.753.083 ha đã bị ảnh hưởng trong thập kỷ này. Nhiều yếu tố đã gây ra những vụ cháy, trong đó có các chính sách của nhà nước để mở rộng đất nông nghiệp.
Khánh Ly – WTGPHN