Theo chân Đức Giêsu trên đất Israel mới

print

Theo chân Đức Giêsu trên đất Israel mới

Lm Vinh Sơn Nguyễn Đình Thịnh

Hành hương Đất thánh, một chuyện xem ra còn khá mới mẻ trong những năm gần đây. Công du lịch Transviet từ 3,4 năm nay đăng quảng cáo trên nhiều tờ báo ( cả trên CGDT ) Tour Jordan-Israel ( 5 ngày 4 đêm, 1600 USD ) cũng chỉ mới thực hiện được l lần cách đây hơn 2 năm ) … Nhưng chuyện lại có vẻ đơn giản hơn, nếu như có ai đó gởi giấy mời, sau đó vào trang hanoi.mfa.gov.il/, mục visa…điền form  gởi kèm hộ chiếu, 2 tấm hình, 25 USD phí, ra Toà Đại sứ Israel 68 Nguyễn thái Học Hà nội. Sau khoảng 2 tuần, Visa sẽ được gởi vào. Mua vé máy bay, trên dưới 1300 , sau gần 1g30’ đi Suvarnabhumi Bangkok, transit 4 tiếng, thêm 11 giờ bay nữa, và thế là phi trường Ben Gourion, Tel Aviv đã hiện ra . Chào Israel ! và Israel sẽ chào lại : Welcome ! Israel love you ! (chiếc logo được dán trên vali du khách). Quê Mẹ của 3 tôn giáo lớn nhất hành tinh ( Kitô, Hồi, Do thái ) đã ở dưới chân ta.

 

I. ISRAEL : MỘT ĐẤT NƯỚC XINH ĐẸP

  1. Israel ( ISR ) là 1 quốc gia nhỏ ( gần 1/10 Việt nam ) 24.000 km2

(Sổ tay các nước trên thế giới, trang 393 ghi 20.770 km2). Nếu không kể sa mạc Negev và Paran ở phía Nam giáp Ai cập, thì từ Yêrusalem ở Nam lên Nagiareth ở Bắc chỉ 157 km, với khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe, trên những xa lộ được xem là rất tốt đều khắp trên đất nước. Và cũng như nhiều nước tiên tiến, nhà dân không ở bên đường, nhưng thường tập trung trong những chung cư hoặc kibbutz (dạng nông trại) xa đường, lại không có “honda” ( chỉ 1 ít chiếc xe tay ga ), nên xe tha hồ chạy, trên 100km/g là chuyện bình thường.

Theo cách chia truyền thống, ISR. bao gồm 3 miền : Bắc Galilée, Trung Samari, Nam Judée. Nhưng người ta thường chia theo thổ nhưỡng thành 3 miền song song theo chiều dọc Bắc Nam : (1) vùng đồng bằng ven biển Địa trung hải tươi tốt dài chừng 180 km, chen lẫn những núi đồi lớn nhỏ, với những thành phố xinh đẹp như Akko, Haifa[1], Cesarée[2], Tel Aviv[3]. (2) vùng núi đồi xương sống nhô lên từ Bắc chí Nam(3) vùng thung lũng sông Jordan , còn gọi là hố rãnh, nhiều khi nóng tới 40 độ. Vẻ đẹp của ISR chính là ở những thay đổi liên tục về địa lý và cảnh quan như thế.

 

  1. Khí hậu : hai mùa : mùa hạ từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ ít khi quá 28 độ, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4, ít khi dưới 10 độ, chỉ trong mùa đông mới có mưa, họa hiếm mới có tuyết. Giờ ISR. sau giờ VN 4 tiếng, nên thường ở VN sẽ bay lúc nửa đêm để đến ISR vào buổi sáng hôm sau nữa, và ngược lại.

 

  1. Dân số hiện nay khoảng 6 triệu 900, trong đó người Do thái chiếm đa số, khoảng 4 triệu 700 ngàn, chừng l triệu 500 người Hồi, và kho?ng 700 ngàn người Kitô giáo. Ngôn ngữ là Do thái và Arập, nhưng hầu như ai có đi học đều biết tiếng Anh. Trên khắp đường phố, đặc biệt tại Giêrusalem, hình ảnh những người Do thái kể cả nam sinh, với 2 lọn tóc mai xoăn tít dài tới vai, mũ rộng vành, mặc vét hoặc áo choàng đen, tua áo rủng rỉnh… luôn được nhìn thấy khắp nơi, cũng như các bà các cô Ả rập váy dài tới gót chân, đầu trùm voan trắng hoặc đen… thường rất xinh đẹp (cao ráo, trắng trẻo, má hồng, mắt to, mi dài) luôn lôi kéo ống kính chụp hình của du khách, với những lời xuýt xoa khen ngợi .

 

  1. Giá sinh hoạt được xem là mắc mỏ với dân ta  (với Tây chắc cũng là bình thường) : nhà trọ trung bình 20-30 đô/người (như ở Casa nova của dòng Phanxicô[4], Nagiarét), nhà trọ cho giới trẻ thì rẻ hơn, 10 đô, ( ở chung 6, 8 người, giường tầng ). Không biết ở nhà họ ăn uống thế nào, còn ngoài chợ, hầu như tất cả các quán ăn, rặt có l kiểu là bánh mì kẹp thịt cừu, với đủ thứ dưa leo, dưa chua và sốt… gọi là “kebab”… có mùi giống An độ, dân ta có người nhá chẳng nổi, có kẻ chén ngon lành 2 ổ, mà giá cũng chẳng rẻ, bèo nhất là 8 shekel (1NIS : new israel shekel = 4000VNĐ ) khá hơn thì 15, 20 sk. Dân ta chủ yếu cầm cự bằng mì gói, hột vịt, dưa leo, cà rốt, rau cải … là những thứ rẻ hơn cả… và thường được tiếu lâm là : không mua nhanh nó đổ đi ! Quán nhậu thì chẳng kiếm đâu ra, và hiếm lắm mới có tiệm bán bia, và cũng không được uống trong tiệm ăn. Nhưng lại có một cái tệ là trên những con đường lát đá đẹp đẽ, đâu cũng thấy những miểng chai bia heineken bị đập vỡ rải rắc khắp nơi !

 

  1. Nhiều người hỏi dân ISR sống bằng gì ? Nghe nói, ngoài khoáng sản, ISR chuyên xuất khẩu thiết bị tự động điều khiển máy bay và tên lửa cho phương tây, thiết bị y khoa công nghệ cao như nội soi, cắt lớp. Ngoại trừ miền Nam với sa mạc Giuda toàn đồi cát, từ miền trung trở ra, đặc biệt vùng Nagiarét, với đồng bằng Yizre’el[5], đất đai phì nhiêu, ruộng đồng tươi tốt, nông nghiệp phát triển. Không thiếu những cánh đồng lúa mì, đậu nành, hành ớt, rau cải xanh mướt hoặc vàng rực dưới nắng mặt trời. Khắp nơi trải dài một màu xanh của cây ôliu, chà là, chuối, cam, nho, táo… mà các khâu cày xới, phun tưới, thu hoạch hầu như  đều cơ giới hóa tự động cả, trên một vùng đất nâu đỏ basalte chạy dài cho tới Biển Hồ Galilée[6]. Bức tranh hoặc tượng gỗ khắc hình 2 người đàn ông khệ nệ khiêng 1 chùm nho, như được mô tả trong Cựu ước, nói trên sự trù phú của vùng đất này. Các công viên, vườn cây, hoa kiểng… đều có hệ thống ống nước dưới gốc để phun tưới tự động. Đủ loại bông hoa mọc khắp nơi, đặc biệt các loài hoa dại mọc bên đường, cả trên cát nóng, sỏi đá, đặc trưng là loại hoa vàng như hoa cải, và hoa coco  đỏ … tất cả  đều đẹp lạ lùng. Các cha ở đây cho biết : ngay cả trên sa mạc Giuda toàn đồi cát như thế, nhưng chỉ cần một hai cơn mưa, là như có phép lạ, tất cả đều xanh tươi rực rỡ. Thật đúng như lời Kinh thánh “ sa mạc nở hoa” (Is 35,1.2), “ nhìn xem hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai mất… mà TC còn mặc đẹp cho như thế” (Lc. 12,28).

Du lịch cũng là thế mạnh của ISR. Cách đây không lâu, nhất là trong cuộc chiến với Liban năm nào, ISR không một bóng du khách, nhưng năm nay, theo các Cha bên ấy cho biết khách hành hương đổ vào ISR đông chưa từng thấy, làm cho người dân vô cùng phấn khởi vì có cơ hội làm ăn. Đông nhất là người Ý, Đức, Pháp,Tây ban nha, Bồ, Nam Mỹ. Á châu dẫn đầu là Hàn quốc, Nhật, Phillipin, Thái… Việt nam thì hiếm hoi. Có khá đông dân làm thuê là người Phillipin : làm y tá, điều dưỡng, giúp việc nhà hoặc trong các cơ sở xã hội, bán hàng. Tất cả các đường phố trong  thành cổ đều bán hàng lưu niệm như túi xách, nón áo, giày dép, nhất là tranh ảnh, đồ mỹ nghệ, gỗ đá, dầu ôliu, đất cát… đồ đạo thì  tràn ngập ảnh tượng, xâu chuỗi, đèn nến.

Những vị khách Hàn, Nhật luôn được nồng nhiệt chào đón, vì vừa sùng đạo, vừa rủng rỉnh hầu bao ! Các cửa hàng mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ chiều, sau đó đóng cửa và về nhà hết, không ai ngủ tại cửatiệm. An ninh trật tự rất tốt, những người giao hàng sáng sớm trước giờ mở cửa, cứ việc để hàng trước cửa tiệm mà đi, không mất mát gì. Bán hàng không cần canh chừng. Thật đáng ngạc nhiên !

 

II. ISRAEL : MỘT ĐẤT NƯỚC HOÀ BÌNH, NHƯNG LUÔN TIỀM ẨN NHỮNG  BẤT ỔN.

                       

Lời chào đầu tiên ai cũng được nghe khi đến ISR là “ Shalom”, vừa có nghĩa là “Xin chào, đón chào”, vừa có nghĩa là Hoà bình. Các biểu tượng được nhìn thấy ở nhiều nơi, đó là hình ảnh chim bồ câu ngậm cành ôliu, với hàng chữ : “ Israel  đất nước hoà bình”. “Giêrusalem thành phố hoà bình”… trái với những gì người ta thường nghĩ (nhất là sau khi xem những cảnh đặt bom, oanh kích thường chiếu trên TV.)

Thật vậy, đến đây người ta cảm thấy một không khí khá bình an, yên tĩnh, hay ít nhất cũng là hoà hoãn, vì đâu đâu cũng thấy đủ giống người, đủ màu da sắc tộc, đi lại bất cứ đâu, vào bất cứ giờ giấc nào, ngày cũng như đêm, mặc dù có nhiều nơi kiểm soát an ninh cũng khá gắt gao và kỹ lưỡng, đặc biệt tại phi trường khi xuất nhập cảnh.

 

Về chính trị :

 

Được thành lập năm 1948, với phong trào phục quốc “ Exodus”, sau cuộc diệt chủng Do thái ở thế chiến 2[7]. Israel đã đứng dậy và vùng vẫy giữa thế giới Arập : Libăng ở phía Bắc, Syrie và Jordanie phía Đông, Ai cập ở phía Nam,  những nước đã lập tức tràn vào  nhằm tiêu diệt nước Israel non trẻ, nhưng đã thất bại.  Sau đó là một loạt các cuộc chiến Israel-Arập đã xảy ra, mà cao điểm là “cuộc chiến 6 ngày” năm 1967.

Nhưng hiện nay, Israel tương đối bình yên. Lãnh thổ thuộc Palestine nằm rải rác trong nước Israel, nơi này cách nơi kia 20 – 40 km ngang qua đất ISR. lớn nhất là dải Gaza ở Tây Nam bên bờ Địa trung hải, rồi Giêricô, Belem, Hêbrôn, Ramalah  (thủ đô Palestine, cách Giêrusalem chừng 25 km) Jênin, Nablus (Sichem), b? Ty sơng Jordan. Nhiều lãnh thổ thuộc Palestine, nhưng về ngoại giao, an ninh, thu thuế…vẫn do ISR, nắm giữ, khi vui thì đưa tiền, khi buồn thì cấm vận. Về chính thức, dân Palestine không được vào đất Israel nếu không có giấy phép, ( với du khách thì dễ dàng với hộ chiếu ), nhưng thực tế, dân Pal. vẫn vượt biên chui qua làm thuê bên đất ISR, phát giác thì bị đuổi về. Nhiều nơi ISR đặt những bức tường bêtông khổng lồ (cao 8 mét, dày 5-6 tấc) ngăn cách, vì vậy có nơi vốn rất gần mà phải đi vòng rất xa,  như Bêtania chẳng hạn. Lâu lâu nhóm Palestine quá khích bực bội, đặt vài quả bom khủng bố, Israel trả đũa bằng bắn mấy trái rốckét vào đất Palestine, xong lại phải sống cạnh nhau : bằng mặt mà chẳng bằng lòng ! Thành phố của Palestine dù lớn như Giêrichô, thì cũng nhếch nhác, nghèo nàn, bẩn thỉu hơn bên phía Isr. bội phần ( trừ Belem có vẻ đẹp đẽ hơn cả ). Cách chung dân Pal. hiền hoà, chất phác, ( và chỉ dân Pal. mới có đạo Kitô ). Gặp dân ta, nó chào “nỉ hào”, mình lắc đầu : “ Nô, ai em Việt nam”. Nó “ Ô kê ! Việt nam gút !” rồi thêm : “Amêrica nô gút, Israel nô gút” và mời mình uống nước cam!

Nhiều người Palestine cho rằng Israel thực hành chính sách cô lập, kỳ thị, gây khó dễ cho dân Ả rập, hoặc dùng tiền bạc mua tất cả chỗ đất nào đẹp nhất với bất cứ giá nào. Dân Palestine thì  nghèo, khó sống, bán đất, co cụm vào những chỗ nghèo hơn. Ngay đối với các cơ sở công giáo cũng vậy, bị giới hạn hoạt động, các tu sĩ ngoại quốc (số lớn là Libăng)… chỉ được cấp visa một lần không gia hạn, nên khi không có người thay, không hoạt động được, dần dần phải bán đất mà đi. Với một tình hình như thế, Hòa bình thì có đó, nhưng luôn luôn tiềm ẩn  những  bất ổn !

 

2.Về mặt tôn giáo :

Đến Giêrusalem, đập vào mắt mọi người là ánh vàng rực rỡ của tháp vòm thánh đường Hồi giáo Dome of the Rock, được xây đúng trên nền Đền thánh cổ thời ( đền được xây vào những năm cuối TK 7, và năm 1969 được tái thiết như hôm nay), ngự trị trên một khu vực rộng lớn cỡ bằng 2 sân bóng đá, với tường bao quanh mà người Do thái không ai muốn bước vào, trên đó còn có đền  Al Aqsa cũng lớn không kém với mái vòm xanh xám. Niềm kiêu hãnh của Hồi giáo, lại là nỗi xót xa không cùng của Do thái giáo, những người[8] mà cứ vào ngày Sabbat hằng tuần, tụ họp dưới chân bức tường còn sót lại của Đền thờ xưa ( gọi là bức tường than khóc, hay bức tường phía Tây ) để gục đầu vào tường than khóc, nhét những mẩu giấy ghi lời cầu xin vào khe đá, thống thiết xin Chúa khôi phục đất thánh và đền thờ, nơi đang có 1  đền thờ khác ngạo nghễ ở trên đầu họ. Một điều như không tưởng !… nhưng dường như bất ổn cũng  đang treo lơ lửng ở đâu đó trong tương lai !

Rồi trên khắp đất nước, bất cứ đâu có nhà thờ Công giáo hay Chính thống thì cũng có hoặc nhiều hơn, những mosqué Hồi giáo, mỗi ngày 3 lần : sáng 4 giờ, trưa 12g, chiều 5g, với tiếng loa cực đại vang khắp thành thị, xóm làng kêu gọi và cầu kinh … Tiếng loa thánh thiện cho người này, nhưng đau đớn cho kẻ khác.

Tại Giêrusalem, trong nhà thờ Thánh mộ, còn gọi là nhà thờ Phục sinh (Anastasis) nơi “để qui tụ muôn dân về một mối” lại là điểm tranh dành ảnh hưởng giữa các nhóm Công giáo, Chính thống : Armênie, Greck, Copte. Ngay trên sân đền thờ, chung quanh đã có 6 “phòng thờ” :  3 nguyện đường chính thống là : Thánh Gioan – Th. Giacôbê – 40 phó tế ; 3 nguyện đường khác : tu viện Hilạp Abraham – Th. Gioan (của Armênie) – Th.Michel của Copte. Bên trong dưới đất là nhà nguyện Adam. Trung tâm đền thánh là nguyện đường mồ thánh (được coi là hang đá táng xác) thuộc cả Công giáo và Chính thống. Ngay phía sau mồ đó, một “cái chái” ké vào là của các thầy dòng Copte, phía đối diện “cái chái” đó, là l nhà nguyện nhỏ bé gọi là Ngôi mộ của Giuse Arimathie. Phía trong cùng là bàn thờ thánh Madalena và nhà nguyện của các cha Phanxicô, ở dưới hầm là nhà nguyện thánh nữ Hélène (thân mẫu Hoàng đế Constantin) tìm ra thánh giá.  Trên lầu  gọi là Đồi Sọ : Công giáo 2 bàn thờ, chính thống : 1 ( nhưng lại là nơi được xem là quan trọng vì có “Lỗ cắm thánh giá” !)

Vì nhiều nhóm như thế, nên cũng thường xảy ra chỗ thì hát, chỗ rước, chỗ làm lễ, rồi thì chạy ngang chạy dọc, quay phim, chụp ảnh, cười nói chuyện trò… Mọi nỗ lực thống nhất, hiệp thông xem ra không kết quả, trừ  một lần có được sự đồng lòng cùng nhau tái thiết Đền thánh, là dịp Đức giáo hoàng Phaolô VI thăm thánh địa vào năm 1969, nên ngôi đền mới có dáng vẻ như ngày nay.

Tất cả những tình huống trái ngược nhau, chính trị cũng như tôn giáo như thế, làm người ta cảm thấy có một sự bất ổn thường xuyên trong đời sống và có thể bùng nổ thành bạo động bất cứ lúc nào. Hoà bình lâu dài mãi là một ước mơ chăng ?

           

III. ISRAEL : MỘT ĐẤT NƯỚC THÁNH THIÊNG

 

Có  quá nhiều lý do khiến người ta đổ về Israel : vì  khí hậu tuyệt vời của ánh mặt trời Địa trung hải, nơi mà cảnh sắc địa lý thay đổi muôn hình muôn vẻ, nơi qui tụ bao di tích của lịch sử, khảo cổ và  thánh tích, pha trộn giữa cổ xưa và hiện đại. Nhưng có lẽ trước hết và trên hết, đây là một đất nước thánh thiêng, nơi còn in đậm vết chân 4000 năm của Abraham, 3000 năm của vua David, 2000 của Đức Kitô và 1000 năm của Đạo binh thập giá. Nơi đó, những người Kitô, Hồi giáo, Do thái như tìm về với quê mẹ  của mình  : “khi yêu nhau, đất lạ hoá quê hương”! Các Nơi  thánh mà khách hành hương tuôn về tập trung ở 2 vùng chính : – miền Nam tại Giêrusalem và phụ cận – miền Bắc tại Nagiaret và biển hồ Tibêriat.

 

1.Miền Nam :

 

1.1 Những nơi thánh bên trong Giêrusalem

 

Thành phố Giêrusalem rộng chừng 90 km2, trong đó Thành Cổ thời Hérode nằm phía Đông Bắc, nơi có mặt những nơi thánh quan trọng nhất, chỉ rộng hơn 2km2, gần như hình vuông mỗi bề chừng 500 mét với tường lũy bao quanh với 4 cửa chính dẫn vào 4 khu vực:

Phía Đông : cửa Vàng ( golden gate : ngày lễ Lá, ĐG vào thành bằng cửa này) hiện nay đã xây bít lại vì phía trong là Đền Đá (Dome of the Rock của Hồi giáo ), gần đó về phía Đông Bắc là cửa Lion, dẫn vào khu Hồi giáo, cũng gọi là Stephen’s gate vì nơi này có 1 nhà nguyện nơi xưa Th. Stêphanô bị ném đá (truyền thống khác cho là bị ném đá tại ngoài cửa Bắc Damascus, nơi có Ecole Bibique : Trường Thánh Kinh Giêrusalem do Cha Lagrange sáng lập ) .

Phía Tây : cửa Jaffa : nơi có thành David ( tower of David : lâu đài David ) buôn bán sầm uất .

Phía Nam : cửa Zion dẫn vào khu Armênia phía Tây Nam. Cửa Dung (tiếng Anh có nghĩa là phân, rác. Ngày xưa người ta vứt rác ra phía này) : dẫn vào khu Do thái và bức tường than khóc phía Tây Nam.

Phía Bắc : cửa Damascus  buôn bán tấp nập, nhiều bến xe : phía ngoài cửa này có Ecole Biblique của các cha Đaminh, rồi Garden Tomb : Tin lành cho là Đồi sọ, và khu vườn của Giuse Arimathie : vườn xinh đẹp có ngôi mộ cổ, ngọn đồi nhỏ nay vẫn còn. Chếch về phía Tây Bắc là cửa New gate dẫn vào khu Kitôgiáo với toà Thượng phụ Latin (Latin Patriarchat) và Tỉnh dòng Phanxicô rất to lớn.

Vì có 4 khu vực trong thành Cổ như vậy, nên biểu tượng của Giêrusalem có hình vuông, giữa vẽ cây thập tự lớn và 4 cậy thập tự nhỏ  ở 4 góc.

 

Những nơi thánh quan trọng trong khu vực cổ thành gồm có : từ cửa Lion ( phía Đông ) đi vào :  (theo số trong bản đồ đính kèm)

 

a/1. khu vực này có 2 nơi :

phế tích hồ Bethesda: tường thành, hồ cạn, hầm hố trong 1 khu vực khá lớn ( xưa gọi là bể Chiên vì gần cửa Chiên : ngày xưa người ta đưa chiên tế lễ qua cửa này ): nơi ĐG chữa người bất toại 38 năm (Gio 5,18).

– nhà thờ thánh Anna (1856) nhỏ xinh, có tiếng vang đặc biệt, có hầm sâu : nơi được cho là nơi sinh Đức Maria. Khu vực này do các Cha Dòng Trắng quản lý, và cũng là Chủng viện công giáo Hilạp.

 

a/2. pháo đài Antonia.

 

a/3. nhà thờ xử án và đánh đòn : hai nhà nguyện nhỏ trong 1 khu vực rộng lớn, nơi đặt Toà thượng phụ Chính thống Hi lạp tại Giêrusalem. Cũng nơi đây bắt đầu Đàng thánh giá ( via dolorosa).

 

a/4. Vòm Ecce homo : tu viện các sơ Sion.

 

a/5. nhà thờ mồ thánh (còn gọi Anastasis : sống lại)  đại thánh đường rộng lớn, tái thiết năm 1969, có nhiều nhà thờ nhỏ, trong đó có cột trói ĐG, tảng đá ĐG ngồi đội mão gai, phiến đá đồi sọ, tảng đá vỡ ra, lỗ dựng thánh giá, tấm đá liệm xác, mồ và tảng đá táng xác, hầm nơi thánh nữ Hélène tìm ra thánh giá.

bên ngoài cửa Zion ( phía tây nam) là núi Sion, trên đó:

 

b/1. nhà tiệc ly, Coenaculum (16 ) :[9] còn gọi là “thượng phòng Vua David” chỉ là 1 phòng trống, mái vòm, có 1 cây ôliu bằng đồng, là một trong những nơi lâu đời nhất, xây năm 1333.

 

b/2. Tầng dưới của Nhà Tiệc ly là mộ Vua David (38) : có 2 khu vực: các ông và các bà. Các ông khi vào phải đội mũ sọ trắng (bằng giấy), mộ là một cái mồ lớn che  bằng l tấm vải đen với ngôi sao David.

 

b/3.  gần đó về phía bên phải là thánh đường Đức mẹ ngủ (15)(các cha Benedictin quản lý ) : to lớn, đẹp đẽ, từ xa nhìn nổi bật trên nền trời, thánh hiến năm 1910, kính Đức mẹ lên trời, tầng hầm có tượng Đức Mẹ  nằm ngủ.

 

b/4. Phía Đông Nam nhà Tiệc ly là Nhà thờ Phêrô gà gáy (17) (St. Peter in Gallicantu) xây dựng năm 1930, vừa được trùng tu mới tinh to lớn, đẹp đẽ, có cả 1 sận thượng nhìn xuống toàn thành phố Giêrusalem. Truyền thống cho rằng đây chính là Dinh Caipha và Anna, nơi Phêrô chối Chúa 3 lần ( có 1 phù điêu bằng đồng), nhưng 1 truyền thống khác, cho rằng Dinh Caipha phải ở trên đồi Sion, nằm giữa Nhà tiệc ly và cửa Sion ( bây giờ nằm trong khu Armênie) (Sđd 505)

 

Ngọn đồi phía Đông (Mont of olives) : Nằm đối diện với cổng Vàng, qua thung lũng Xêdrông (Kidron : cũng gọi thung lũng cây dầu, hay cánh đồng Josaphát nơi có nghĩa trang rộng lớn) là Núi Cây Dầu. Từ chân núi đi lên là các di tích  sau đây :

c/1. Vườn Cây dầu hay Gethsemane, nơi còn nhiều cây Oliu hàng trăm năm tuổi, có 1 cây do ĐGH Phaolô VI trồng năm 1964, bên cạnh là Thánh đường Chúa hấp hối ( 18), (còn gọi là Nhà thờ các dân tộc, vì do các nước chung tiền để xây nên), trong còn 1 tảng đá màu trắng ngà, cho rằng nơi đây ĐG đã quì cầu nguyện và đổ mồ hôi máu.

 

c/2. Từ Vườn Cây Dầu băng qua đường là nhà thờ mộ Đức Mẹ (19) thuộc GH. Chính thống, nằm sâu dưới đất. Ngay sát bên, cũng sâu dưới đất, theo l lối vào khác là Nhà nguyện hang đá, cho là nơi mấy ông tông đồ đã ngủ mê mệt, khi ĐG hấp hối.

 

c/3. Bên trái Vườn Cây dầu có 1 con đường dẫn lên núi dài khoảng 1 km, đường mới trải nhựa rất tốt nhưng khá dốc, leo bở hơi tai. Lên khoảng phần ba đường, là nhà thờ Th. Madalena xây kiểu chính thống, nằm trong khu vực rộng lớn trồng thông, với các tháp hình củ hành vàng rực tuyệt đẹp, do Dòng nữ chính thống Nga quản lý, chỉ đón tiếp khánh hành hương người Nga, dân ta vào không được. Leo tiếp hơn nửa đường nữa về phía trái là Nhà thờ Chúa khóc thương ( Dominus flevit, do các Cha Phanxicô cai quản), nằm trên sườn đồi. Nhà thờ nho nhỏ, xây kiểu mái vòm trắng xám…như hình giọt nước mắt ! Từ đây  nhìn xuống, Thành phố Giêrusalem mới đẹp làm sao ! nhưng đã tan tành vào năm 70 do tay người Rôma. ĐG đã thấy trước điều ấy và khóc thương.

 

Cuối con dốc trên đỉnh núi ôliu : – phía phải là Nhà thờ Pater noster, nơi ĐG dạy kinh Lạy Cha. Người ta đã viết kinh này bằng nhiều thứ tiếng, có cả tiếng Việt, trên những bức tường chung quanh. – Phía trái là ngôi đền Hồi giáo nhỏ hình lục giác, bên trong ngay chính giữa đền, có l tấm đá in sâu 1 vết chân khá to, nói là dấu chân của ĐG lên trời. Vào tham quan, nhiều người muốn chạm đến hôn kính… và đóng 1 đô la lệ phí. Đây là nhà thờ Chúa lên trời do Hồi giáo trông coi.

 

1.2 Những nơi thánh bên ngoài Giêrusalem

 

a. về phía Bắc Giêrusalem

 

– gần nhất là Bêtania phía Đông Bắc, (tên hiện nay là El – Eizarya) : từ Vườn Cây dầu, nếu đi băng đồi theo đường thẳng, chỉ chừng 4 km, nhưng hiện nay nằm trong phần đất thuộc Palestine với bức tường bêtông ngăn lối cũ, nên phải đi vòng bằng xe ca khoảng 20 km mất chừng 30 phút. Nhà thờ bằng đá không lớn lắm, nhớ việc Chúa cho Lagiarô sống lại. Phía ngoài nhà thờ, ngay bên đường lộ, một hầm sâu với bậc thang đi xuống, là mộ Lagiarô, thuộc Hồi giáo, (nhưng chìa khoá lại do 1 gia đình nắm giữ, khách viếng thăm phải trả 5 shekel). Xuống hang, thấy nhiều hang hốc lớn nhỏ, chẳng hiểu gì !

– xa hơn là Emmaus ( bây giờ là Kubeibeh): nếu từ Giêrusalem đi bộ băng qua đồi chỉ chừng 12km (ngày xưa chắc Chúa đi đường này). Nhưng hiện tại Emmaus nằm trong phần đất Palestine, phải đi qua Ramalah, vòng vào đường núi gồ ghề bệ rạc, xa khoảng 30 km, hơn tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhà thờ to lớn rộng rãi, thuộc các cha Phanxicô. Một Cha giải thích rằng theo truyền thống ở đây, hai môn đệ Emmau là 2 cha con Simoni và Clêophas, và quán trọ chính là nhà của họ.

– Ein Karem : nằm cách Giêrusalem 12 km về phía Tây Bắc, trên 1 vùng núi đầy cây trái, hoa lá tuyệt đẹp, gồm 2 nhà thờ :

+ một là Đền thánh Đức Mẹ thăm viếng, muốn tới phải leo 1 con dốc dài hơn 15 phút. Đền thờ khá lớn và xinh đẹp. Trước sân là tượng Đức Mẹ gặp bà Isave ( tượng đồng, hình 2 phụ nữ có bầu !) Trên 1 bức tường dài đối diện nhà thờ, kinh Magnificat cũng được viết bằng nhiều thứ tiếng, cả tiếng VN. Giữa đường đi xuống là tu viện Công giáo Notre Dame de Sion (Đức Bà núi Sion). Tu viện này được thành lập bởi Cha Ratisbone. Ngài là người Do thái, có một người anh là linh mục công giáo. Trước đây Ngài chống Giáo hội quyết liệt. Sau Ngài được ơn trở lại, trở thành linh mục, lập Dòng Notre Dame de Sion để cầu nguyện cho những người Do thái ăn năn trở lại. Nghĩa trang nhỏ bé trong tu viện còn ngôi mộ của Ngài.

+ Trở ra và băng qua đường là nhà thờ thứ 2 : Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy giả, ( St John Bar Harim), tái thiết vào TK 19. Nhà thờ khá lớn, bên trái cung thánh có một hang nhỏ với bàn thờ, ghi nh? noi sinh c?a Thánh Gioan. Trên bức tường bên ngoài, bài thánh ca Benedictus được viết bằng rất nhiều thứ tiếng. Bản tiếng Việt viết trên nền gạch men do nhóm cha Thiết thực hiện năm 2001. Như vậy Ein Karim được xem là quê hương của Thánh Gioan Bt, nhưng theo một truyền thống khác lại cho rằng chính Sépphoris gần Nagiaret mới là quê hương của Ngài. (Biblical sites for christian visitors, ministry of tourism, p.12 ).

 

b. về phía Nam Giêrusalem

b/1. gần nhất là Bêlem (có nghĩa “nhà bánh mì”, còn 1 tên khác là Epratha “ nhiều hoa trái”), cách Giêrusalem 7 km về phía Nam, trên cao độ 800 mét, thuộc đất Palestine, ngăn cách bởi bức tường bêtông cao ngất, muốn vào phải qua trạm kiểm soát khá nghiêm ngặt như vào phi trường vậy. Belem có 4 nhà thờ:

(1) Đại thánh đường Chúa Giáng sinh : Cửa vào nhỏ bé và thấp đến nỗi phải khom lưng cúi đầu, như dấu hiệu kính trọng và tôn thờ. Theo truyền thống cho rằng cửa thấp bé là để ngăn cản những kỵ binh đi cả ngựa vào. Dưới lòng nhà thờ là hang đá nơi ĐG sinh ra, mà lối xuống là những bậc đá phía phải bàn thờ. Hang đá nhỏ hẹp, với 1 ngôi sao bằng đá cẩm thạch gắn trên mặt đất, dưới gầm l bàn thờ nhỏ, muốn hôn kính phải quì và gần như nằm xuống mới thực hiện được… nhưng luôn là nơi hàng ngàn khách hành hương tìm đến  hôn kính và thấm lấy một tí dầu Oliu trong dĩa giữa ngôi sao .

(2) Bên trái đại thánh đường này là Nhà thờ thánh Catherine do các Cha Phanxicô đảm nhiệm, với tượng thánh Giêrônimô trước sân. Dưới lòng nhà thờ là các hang đá, mà một là nơi ở của thánh Giêrônimô trong nhiều năm để dịch Kinh thánh ra tiếng Latin, ta quen gọi là bản Vulgata, một hang khác để kính các Thánh anh hài, một hang nữa là nơi Thiên thần báo tin cho Thánh Giuse đem Hài nhi đi trốn. (Guide de terre sainte, Les Chemins de la Parole, Louis Hurault, Paris 1998 – Bản dịch : Lm Nguyễn chí Thiết, Lời và Đất Hứa, p. 336)[10]

(3) Theo con đường bên phải Đại thánh đường Giáng Sinh khoảng vài trăm mét là Nhà  thờ giọt sữa, nơi tục truyền ngày xưa, sau khi Đức mẹ sinh Chúa Giêsu, bà Isave bồng Thánh Gioan tẩy giả đến thăm, lúc đó trẻ Giêsu đang bú, thấy trẻ Gioan đến… trẻ Giêsu quay ra mỉm cười chào người anh họ của mình, nên đã làm rơi vài giọt sữa…khiến những phiến đá ở đó biến thành màu trắng … có nơi sờ vào dính tay như bột phấn … Nơi đây cũng có nhiều kẻ hiếm muộn đến khấn xin có con và đã thành công (có ảnh gởi đến làm chứng). ở đây cũng bán một thứ bột trắng d? hồ v?i s?a u?ng d? mong cĩ con, thấy cũng có nhiều người mua.

(4) Nhà thờ các thiên thần: từ phía trái đại thánh đường đi ra khá xa, có đến hơn 3 km, theo truyền thống đây là cánh đồng chăn chiên, nơi thiên thần báo tin cho các mục đồng và hát bài Gloria. Nơi đây có 1 nhà thờ hình lục giác mái vòm, trên nóc gắn 1 ngôi sao xẹt, gần nhà thờ còn có một hang mục đồng với hình nộm chiên cừu … Cách xa nơi này gần l km lại có l ngôi nhà thờ Chính thống rất đẹp cũng cho rằng đây là nơi thiên thần báo tin cho các mục đồng, có cả một số xương sọ của người cổ thời xưa .

b/2. Xa hơn về phía Đông gần bờ Biển Chết là Qumran (bản đồ ghi Qumeran): nơi nhóm Esseni đã sống và mong chờ Đấng Messia, cũng là nơi người ta tìm được hầu như toàn bộ các sách Cựu ước viết bằng tiếng Do thái, gọi là “bản Qumran”, đặc biệt là sách Huấn ca, và toàn bộ sách Isaia. Hiện nay chỉ là những hầm hố giếng cạn, trông như … chỗ khai thác khoáng sản, (có bản vẽ sơ đồ chỉ dẫn từng khu vực ngày xưa), với vé vào cửa 18 sk.

b/3. Giêricô : từ Qumran ngược lên phía Bắc hơn 20 km là vào thành phố Giêricô thuộc lãnh thổ Palestine. Sau khi qua 2 trạm kiểm soát, “thành phố mặt trăng hiện ra” (như chữ ghi trên tượng đài hình mặt trăng ở trung tâm thành phố ), loang lổ những vết đạn trên các toà nhà, phố phường nhếch nhác, nghèo nàn, bẩn thỉu…gần như hoang tàn. Chiến tranh như đang còn đâu đây ! Được coi là thành cổ nhất thế giới ( khoảng 7000 AC), nơi Giôsuê đánh chiếm đầu tiên khi vào Canaan, cũng là nơi ĐG chữa 1 người mù ở cửa thành (Lc 18,35), và gặp ông Giakêu khi ông trèo lên cây sung để nhìn xem Chúa (Lc 19,1)… Cây sung cháu chắt ? ( gần giống cây bồ đề) ngày nay khá lớn, có tấm bảng ghi tích phép lạ … ai cũng muốn chụp 1 kiểu ảnh để đời !

 

b/4. Cách đó không xa là núi cám dỗ, nơi ĐG  ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỉ cám dỗ. Núi không cao lắm, chừng trên 100m, trên đỉnh có tu viện St. Georges lập từ năm 480, tu viện hiện nay có từ thế kỷ 19. Leo bộ khoảng trên 2 giờ, nhưng người ta thường bị ‘cám dỗ’ đi cáp treo mới khánh thành ít lâu cho đỡ mệt. Nhưng theo thánh Luca, cơn cám dỗ mạnh nhất là cơn cám dỗ xảy ra tại Giêrusalem : cám dỗ dùng sự thánh để phục vụ lợi ích bản thân .

b/5. Sau Giêricô, ai đã tới đây nhất định không thể bỏ qua Biển chết, chỉ cách đó khoảng 10 km, (cũng gọi Biển Muối, hoặc Biển Araba, dài 76 km, rộng trung bình 17 km, sâu nhất 392m) nơi có độ mặn gấp l0 lần và thấp hơn biển thường tới 400 mét, do có nhiều mỏ muối ở dưới và vì nước biển không lưu thông, màu xanh đậm. Không vật nào sống nổi, nhưng lại có lượng khoáng  chất tuyệt hảo ( bitume, bromure, magnésium) để làm hóa mỹ phẩm. Du khách đều muốn biết cảm giác “không thể chìm mà chỉ lềnh bềnh” như thế nào, và độ mịn trơn truột của bùn khoáng ra làm sao ! với giá 30 sk vào cửa. Các ngọn núi bên cạnh Biển Chết, có hình dáng và do muối làm thành, nên thường có màu sắc ảm đạm chết chóc và nhắc nhở tự nhiên đến câu chuyện bà Lót biến thành tượng muối tại Sodoma và Gomora là 2 thành phố gần đấy ở phía nam Biển Chết.

 

* Các sách Hướng dẫn du lịch  và Bản đồ đều được tặng miễn phí tại các “Tourist Information office” có hầu hết tại các thành phố lớn : Giêrusalem tại cổng Jaffa, Tel Aviv ở Mendel St., Nagiaret trước city square, gần VCTĐ Truyền tin.

 

  1. Miền Bắc : Galilée

 

Miền Bắc Israel, biểu tượng tính phổ quát của ơn cứu độ, như ngôn sứ Isaia đã loan báo (Is 8).Từ thượng Galilée đồi núi trùng điệp ngòng nghèo, đến hạ Galilée màu mỡ xanh tươi, với Biển Hồ Tibêriat, phần lớn sứ vụ của ĐG đã diễn ra. Ngài rảo bước khắp miền, băng qua Hồ nhiều lần, giảng dạy đám đông, làm nhiều phép lạ…Vì thế, những nơi thánh thường tập trung quanh 2 nơi chính là Nagiarét  và hồ Tibêriat.

Vùng Nagiarét

 

(1)Thành phố Nagiarét

Nagiaret là thành phố ả rập lớn nhất Israel, có khoảng 84.000 dân, với khoảng 30 nhà thờ, tu viện… nhưng tới 60% dân số là người Hồi, (cách đây hơn 20 năm số 60% này là KTG. – ctcnv.)  hiện nay không còn một ngôi nhà nào thời ĐG, những khai quật gần đây chỉ cho thấy một ít ngôi nhà kiểu bán hang động, làm cho người ta hình dung ra nếp sống ngày xưa. Thành phố ngày nay có nhiều thánh đường quan trọng :

– Vương cung thánh đường truyền tin (Basilica of the Annunciation): đây là đại thánh đường lớn nhất Trung đông, do ĐGH  Gioan XXIII cho tái thiết năm 1969, do các Cha Phanxicô đảm trách. Trong lòng cung thánh nhà thờ này, có hang truyền tin với bàn thờ cẩm thạch bên dưới có hành chữ “Verbum caro hic factum est” ( Nơi đây, Ngôi Lời đã trở thành xác thịt ). Chung quanh thánh đường là l dãy nhà hình chữ L, trên đó chân dung Đức Mẹ người các nước được trưng bày, Đức Mẹ Việt nam với tà áo dài xanh dương, đứng cạnh ĐM Thái lan trong chiếc xàrông Thái, làm dân Ta cũng thấy muôn phần hãnh diện !

– Nguyện đường thánh Giuse nhỏ bé nhưng xinh xắn ở bên cạnh và cũng trong khuôn viên Đại thánh đường truyền tin. Dưới lòng nguyện đường này là hệ thống hang động được cho là nơi ở và xưởng mộc của thánh gia.

– Nhà thờ Hội đường (the Synagogue Church) thuộc Giáo Hội Hi lạp Công giáo : nằm khoảng 200 mét về phía Tây Bắc Vương cung thánh đường, là một phòng nhỏ xây bằng đá : xưa kia nơi này là hội đường nơi ĐG rao giảng khi về thăm quê nhà Nagiaret : “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi…” ( Lc 4,14).

– Cách chừng 500 mét phía Bắc Đại thánh đường, là Nhà thờ Thiên thần Gabriel, mà Giáo hội chính thống Hilạp cũng gọi là Nhà thờ truyền tin, nơi đây có giếng Đức Mẹ, rất nhiều  người đến lấy  nước hoặc được tạt nước trên mình để cầu phước.

– Nhà thờ Đức Mẹ hoảng sợ  (Our Lady of the Fright ) xây trên Tremor Hill thơ mộng, cách 500m về phía Nam Vương cung thánh đường, nhớ việc Đức mẹ hoảng hốt khi thấy thân nhân định xô con mình xuống vực.

– Ngoài ra, còn nhiều nhà nguyện, tu viện lớn nhỏ khác nhau, (không kể các đền Hồi giáo ) như các nhà thờ của Dòng Salésien, Thánh Giuse, Ste. Claire, Ste. Anne… Đáng kể hơn là Nhà các Sơ Nagiaret tọa lạc ngay trước Vương cung thánh đường Truyền tin, vừa là tu viện vừa là nhà trọ hành hương … mà dưới lòng nguyện đường có một hệ thống hang động, mà năm 1884 do vô tình được khám phá, khi 1 người thợ bị té khi lau chùi các hầm chứa nước… Sau khi khai quật ( rất tiếc nghe nói là hơi thiếu bài bản) … người ta khám phá được “ngôi mộ Người công chính”  được hiểu là “ngôi mộ của  Thánh Giuse” nên  được nhiều người ngày nay đến kính viếng.

 

2) Phụ cận Nagiarét :

 – Cana : Theo con đường khá dốc và cong queo từ Nagiarét đi về phía Đông để đến Cana, một thị trấn Ả rập với 5000 dân khá sầm uất. Hiện nay có 2 nhà thờ kế cận nhau, 1 của Công giáo, 1 của Chính thống đều ghi nhớ nơi diễn ra dấu lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới. Các cửa hàng chung quanh nhà thờ bán đầy rượu cưới (wedding wine Cana), cũng rẻ thôi : 12,5 sk  một chai 75cl, uống vừa giống rượu trái cây, vừa như rượu lễ, nên đắt như tôm tươi ! chỉ tội đóng bằng chai thủy tinh, vừa nặng vừa sợ bể hư quần áo, nên mua … uống liền là chính, cũng say ra phết !

– Núi Tabor : Từ Nagiarét nhìn thấy Tabor ở ngay bên cạnh, chỉ chừng 4km , nhưng vì chưa có đường thẳng, nên phải vòng qua thị trấn Afula, băng qua đồng bằng Esdrelon khoảng 30 km mới tới chân núi (thị trấn Dabburye). Nằm đơn độc giữa đồng bằng, nên Tabor cao 588 mét, mang dáng vẻ hùng vĩ và linh thiêng. Hơn 3 km đường lên núi trải nhựa phẳng lỳ, nhưng uốn lượn cùi chõ xuyên qua rừng thông và cây cối, cũng phải leo thật lực hơn tiếng đồng hồ. Nhưng bù lại , một quang cảnh rộng lớn nhìn về cánh đồng Yizréel và Givat-Ha-Moré hiện ra xanh mát, và xa xa là Biển Hồ Galilée mầu xanh nhạt. Hai Thánh đường, một của Dòng Phanxicô, một của Chính thống cách đó không xa, đều ghi nhớ biến cố hiển dung. Trong nhà thờ Công giáo còn có 2 bàn thờ phụ, một kính ông Môisê, một cho tiên tri Elia.

Khi xuống núi, từ thị trấn Dabburye trở ra chừng 10 km, thấy tấm biển chỉ đường bên trái :  Naim (Nein) ( nơi phục sinh con trai một bà goá ), nhưng hỏi thăm họ nói chẳng có di tích gì đáng kể.

 

Vùng Biển Hồ

 

Các di tích thánh quan trọng Vùng Biển Hồ được hành hương, đều nằm bên bờ Tây Biển Hồ :

 – Gần cực Bắc là Capharnaum (Capernaum) có nghĩa “làng của Nahum”, “ làng an ủi”, “làng đẹp”, nhưng ngày nay được ghi trên tấm biển ngay cổng vào là “Capharnaum the town of Jesus”, có lẽ vì nơi đây có nhà của Ong Phêrô mà ĐG thường đến trú ngụ. Nhà này hiện còn phế tích là những hang động hầm hố mới được khai quật năm 1968, nằm bên dưới ngôi thánh đường bát giác kiểu nhà sàn, chung quanh ráp toàn kiếng rất lạ và đẹp mắt. Cách đó không xa về phía trái là di tích Hội đường Capharnaum, nơi ĐG giảng về Bánh hằng sống  (Ga 6, 34) . Theo phúc âm Luca, hội đường này được xây dựng nhờ lòng hảo tâm của một vị bách quân đội trưởng (Lc 7,5), đây được xem như một bảo tàng bằng đá về khảo cổ học. Tại Capharnaum, ĐG đã làm nhiều phép lạ : chữa kẻ bại liệt được thòng từ mái nhà xuống (Mc 2,3) ; chữa đầy tớ viên bách quân đội trưởng (Mt 8,5); chữa cảm sốt cho nhạc mẫu Ong Phêrô ( Mt 8,14).

 

– Thánh đường Bát Phúc : Ngay bên cạnh Capharnaum, vòng lên một đồi nhỏ bé chỉ cao trên mặt hồ chừng 100 mét,  là Núi Bát phúc, ngôi nhà thờ hình bát giác trên cao nhìn xuống biển hồ trong một khung cảnh an tĩnh và hiền dịu. Chính nơi đây ĐG đã rao giảng về các mối phúc mà ta quen gọi là Bài giảng trên núi. Chính phủ Ý đã cho xây mái vòm màu đen của thánh đường này vào năm 1937.

 

– Tabgha : Phía dưới Capharnaum vài trăm mét ngay trên bờ Hồ là 2 thánh đường gần nhau  :

 * Phía ngoài là Church of Primacy St Peter (tối thượng quyền Thánh Phêrô) : ngôi thánh đường nhỏ bé làm bằng đá đen, như được xây ngay trên mặt nước bên hồ, trên nền cũ của ngôi thánh đường cổ từ thế kỷ thứ IX, kỷ niệm việc Chúa Giêsu hiện ra trên bờ hồ với các tông đồ. Ngôi thánh đường này được xây năm 1943, tưởng niệm tối thượng quyền của thánh Phêrô.( Ga 21,1-14), với một tảng đá trắng  trên cung thánh được chú thích “mensa Christi”, có lẽ là nơi ĐG  đặt cá và bánh khi hiện ra trên bờ hồ.

*  Kế bên phải nhà thờ trên, hơi lùi về phía sau, là Church of Hetapegon xây trên di tích một thánh đường cổ thời Byzantine, kính nhớ việc Chúa hóa bánh ra nhiều. Trong cung thánh có l tảng đá đen mà tương truyền là nơi Chúa hóa bánh ra nhiều, và trên nền có một mosaique ( tranh khảm đá) hình một giỏ bánh và 2 con cá .

 

– Xuôi xuống phía Nam là Tiberias : thành phố được xây dựng do vua Hérode Antipas (Ga 6,23) (để ghi nhớ hoàng đế Tiberius Caesar), là địa bàn rao giảng và hoạt động quan trọng của ĐG , dân cư đông đúc, cây cối tốt tươi, đất đai màu mỡ. Chính nơi đây xảy ra phép lạ mẻ cá lạ lùng ( Lc 5,1-8), làm cho bão tố im lặng (Lc 5,10). Bây giờ là thành phố ven hồ đẹp đẽ thơ mộng. Quán ăn đông đảo du khách, đặc biệt quán bán cá ông thánh Phêrô, một loại cá như cá rô phi, chiên xù ăn kèm khoai tây chiên với các loại sốt và dưa chua, giá cũng … lưng chừng trời : 25 đô/1phần.

 

– Cực Nam Biển hồ là Yardenit (Kinneret – Beth Yerach ) : nơi biển hồ đổ vào sông Jordan, là địa điểm Th.Gioan tẩy giả làm phép rửa cho ĐG. Cảnh trí đẹp đẽ, sông nước trong xanh uốn khúc, cây cối tốt tươi. Hai bờ sông cũng trồng bạch đàn như bên ta. Vào cửa miễn phí, nhưng muốn xuống tắm và “làm phép rửa” phải mướn áo tắm (như áo aube) với giá 6 đô. Dân ta xuống rửa đầu mặt và tay chân vậy ! gratuit !

 

IV. HÀNH HƯƠNG : ĐI TÌM CHỨNG TÍCH LỊCH SỬ HAY THEO CHÂN ĐỨC GIÊSU ĐỨC TIN ?

 

Khách hành hương lần đầu tới Israel, đặc biệt là Giêrusalem, có lẽ ai cũng phải trố mắt ngạc nhiên và bồi hồi xúc động, khi thấy nơi đây tràn ngập màu da sắc áo của muôn người muôn nước. Thật đúng là nơi “muôn dân qui tụ cả về”, đen trắng nâu vàng, kẻ trọc đầu, người rậm râu, với đủ loại trang phục, tu phục…chẳng biết dòng nào, Giáo hội nào… Tất cả từng nhóm, từng đoàn quì cầu nguyện, khóc lóc, đấm ngực, quất roi trên mình, vác thánh giá, đi chặng đàng theo via dolorosa ngay trên những phố chợ lát đá gồ ghề, lên cao xuống thấp, nhỏ hẹp, chen lấn trước những cửa tiệm san sát nhau… mà chẳng ai quan tâm, vì vẫn diễn ra nhiều lần mỗi ngày từ bao năm qua. Cũng như trong các nơi thánh, người ta chen chúc nhau để được nhìn thấy, sờ đến, hôn kính …  những dấu chân, cây cột, những phiến đá … được cho là những thánh tích. Nhiều người khác lại cố gắng hái được vài lá ôliu, lượm được mấy viên đá, hòn sỏi, cục đất, chút dầu, tí muối… như  là một cái gì thánh thiêng hiếm có để mang về quê nhà … kỉ niệm hoặc “ấn tượng hơn” … như một thứ thuốc chữa bệnh .

Thế nhưng dường như cũng có một số người tìm đến đây như một sự hiếu kỳ, tò mò… và khi thấy những nơi thánh nhiều khi còn rất mới mẻ, hoặc thiếu tính chính xác, đôi lúc lại có vẻ tô vẽ ra để làm tiền… thì tỏ ra thất vọng, và đánh giá  những thái độ sùng kính bên ngoài như trên chỉ là những chuyện vớ vẩn.

 

1.Đi tìm chứng tích lịch sử .

 

Nếu hành hương chỉ với mục đích đi tìm chứng tích lịch sử chính xác về các nơi chốn, hiện vật, thánh tích liên quan đấn các biến cố thánh, thì có lẽ cũng sẽ phải thất vọng, vì nhiều lẽ :

Vì các nơi thánh hiện nay chỉ là các vị trí tương đối . Sau 2000    năm, đặc biệt sau 2 cuộc chiến đẫm máu : vào năm 70 ( Roma tàn phá Giêrusalem) và năm 135 (cuộc nổi dậy của Bar Kochba)… Giêrusalem kể như bị xoá sổ hoàn toàn. Sau đó là các cuộc đánh chiếm của Hồi giáo (650), của Aicập (996-1021), thời thập tự chinh (1099)… hầu như chẳng còn nơi thánh hay di tích nào tồn tại. Các nơi thánh hiện nay phần lớn được tái thiết vào cuối thế kỷ 19, đầu TK 20… dựa trên những  khai quật khảo cổ học : nơi nào có các phế tích của các thánh đường thời Byzance ( cột corinthe, hoa văn di chỉ, chữ viết trên đá, mosaique…) thì chứng tỏ đó là nơi thánh, và người ta xây một thánh đường mới trên đó để ghi nhớ biến cố xảy ra ở nơi ấy…Vì thế, sự chính xác chỉ là tương đối và những hiện vật cũng chỉ là “tương truyền” . Ví dụ kiếm đâu ra tấm đá liệm xác, hay tấm  đá táng xác dài cỡ 2 mét, rộng 7, 8 tấc phẳng lì đẹp đẽ như vậy? hoặc làm sao còn có thể giữ được cái lỗ cặm thánh giá ngày xưa, hay vết chân Chúa lên trời sao lại to tướng như thế… rồi vết tay Chúa tì vào tường khi vác thánh giá… Chúa có đi đường ấy đâu ! mà Giêrusalem đã bị san phẳng rồi cơ mà!… Mặt khác, cứ nơi nào có thánh tích bên Công giáo, thì ngay bên cạnh hoặc cách chừng vài chục đến vài trăm mét lại có l nơi khác của Chính thống hoặc Hồi giáo ghi nhớ đúng nơi ấy, việc ấy.Ví dụ : hang truyền tin, nơi biến hình, mộ Đức mẹ, đồi sọ, máng cỏ giáng sinh, nơi thiên thần báo tin mục đồng … Hơn nữa, có khi chỉ là một sự kiện mà đã có nhiều truyền thống khác nhau. Vd. Chúa biến hình : trong các thế kỷ đầu, Giáo hội Giêrusalem mừng Chúa biến hình trên núi Oliu, chứ không phải trên núi Tabor miền Bắc.(sđd.229). Chúa lên trời có tới 3 truyền thống : trên núi cây dầu, Bêtania , và ở Galilée.

Một số nơi thánh hiện nay, chỉ là nơi được chọn vì dễ tới hành hương, chứ không phải nơi đã xảy ra biến cố. Sau đây là 3 ví dụ :

Cana hiện nay kính nhớ phép lạ nước hóa rượu là Kafr Cana, trên đường từ Nagiarét xuống  Tibêriat. Trong khi các chuyên gia cho rằng chính tại Kirbeth Cana mới là nơi xảy ra dấu lạ. Kirbeth Cana, hiện nay là l ngọn đồi nhỏ cô lập cách Nagiaret 14 cây số về phía Bắc, và 8 km từ Sépphoris (thủ đô cổ của Galilée, trước Tibêriat), hoang vắng rất khó đi, cũng chẳng còn vết tích gì ngoài một cái hồ cạn trên đỉnh đồi giống như do núi lửa tạo ra . (Sđd 164)

Tabgha : nơi hiện nay mừng phép lạ hoá bánh ra nhiều, ở dưới núi Bát phúc bên bờ Tây. Thật ra nơi xảy ra phép lạ là ở gần Kursi bên bờ Đông biển hồ (Ga.6,1-25). Nhưng nơi này là sa mạc hoang vu hẻo lánh khó lui tới không ở được, lại còn nguy hiểm từ phía cao nguyên Golan, nên từ xa xưa, người ta đã tưởng niệm phép lạ này ở Tabgha, gần ngay bên Capharnaum là nơi ĐG mạc khải ý nghĩa của phép lạ này, vừa tiện lợi vừa dễ đi tới .( sđd 220)[11].

Via dolorosa : Theo các chuyên gia, lộ trình mà ĐG đã theo khi vác thánh giá hoàn toàn khác với con đường được cho là “via dolorosa” hiện nay (từ phía Đông). Bỏ pháp đình bên cạnh cửa Jaffa hiện tại (cửa Tây), ĐG xuống đồi phía Tây dọc theo lũy thành Asmonéen, cho tới điểm góc bức tường mới được xây thời Hérode đại đế, Từ đó ĐG lên phía Bắc, (ngày nay là theo lũy thành Hérode) mà lên núi Calvario. (sđd 558)

Một số nơi thánh khác đã hình thành do truyền thống “ dân gian” mà có như : nhà thờ giọt sữa, nhà thờ Đức mẹ hoảng sợ …

 

2. Như vậy,  Hành Hương chính là đi theo Đức Giêsu đức tin

 

Vượt trên những chính xác của dấu tích lịch sử, Hành hương tự nó mang ý nghĩa thiêng liêng :  hành trình tìm lại cội nguồn của niềm tin. Đối tượng của hành hương là chính Chúa, cảm nghiệm một cách sâu sa rằng Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình (Ga 3,16). Đấng Vô cùng đã đi vào thời gian, tự giới hạn mình trong không gian của một tổ quốc còn lắm nhiễu nhương thăng trầm, và nhận mình vào dòng máu Do thái … lắm lúc còn thấy khó ưa, cùng sống và làm việc, chia sẻ với họ hệ lụy của kiếp người trong một nền văn hóa nhất định .

 

Như thế, Hành hương trước tiên là một cuộc gặp gỡ.

 

Đức Kitô của niềm tin như trở thành một con người cụ thể trước mắt ta. Ngài như “hiện thân” trong dáng vẻ, cách đi đứng, ăn nói của đồng bào Ngài hôm nay. Ngài cũng đang chịu cái nóng gay gắt hoặc cái lạnh thấu da mà mình đang cảm nghiệm lúc này, đang bôn ba trên những con đường, những triền dốc, bên ngọn núi mà ta đang leo, hay thênh thang trên những đường làng bạt ngàn lúa chín vàng, băng qua những vườn ôliu đầy bông trắng xóa, đứng đâu đó trên biển hồ mênh mênh gợi hứng cho những bài giảng đầy chất dân dã và hình tượng. Người cũng có thể cũng đã dẫm lên những bụi cây ngọn cỏ, những góc đá mà ta đang đi, cũng đang ngắm nhìn những bông hoa dại tuyệt sắc mà ta gặp bên đường. Đúng là ta như đang gặp một Đức Kitô trong chính bản thân mình . Cuộc gặp gỡ mới cụ thể làm sao !

 

Ngoài ra, Hành hương còn là một hành trình mở ra thế giới.

 

Những ngày tại Israel, đã ghi lại cho khách hành hương biết bao hình ảnh lạ mắt : những hàng rào kẽm gai, những bức tường bêtông cao ngất chạy dài ngăn cách phần đất Palestine, những người lính nam nữ đa phần còn rất trẻ với vũ khí trên tay, balô nặng trĩu trên vai, đang hành quân hoặc có mặt hầu như khắp nơi trên đất nước … làm ta nhớ lại lời Đức cố giáo hoàng GioanPhaolô 2 “thế giới này không cần những hàng rào ngăn cách mà là những nhịp cầu”. Những hình ảnh ấy mời gọi ta phải là những nhịp cầu cảm thông chia sẻ, những nhịp cầu đong đầy tình yêu.

Những ngày tại Israel, nhất là tại Giêrusalem-trái-tim-thế-giới, biết bao hình bóng ngang qua cuộc đời tôi và ghi đậm dấu ấn khó có thể phai nhòa. Đó là những em bé hồn nhiên vô cùng xinh xắn, những “ông biệt phái … ra rước mừng hát” đạo mạo, những người ăn xin có bài bản với micrô và dàn nhạc, các cô thiếu nữ vừa có vẻ ”kín cổng cao tường” vừa nghịch ngợm như “thứ ba học trò” và vô vàn “muôn dân muôn nước” đủ màu da sắc áo … nhất là những ông cha với phu nhân đi kèm … mà mãi vẫn không sao quen mắt ! nhưng tôi biết đó là anh em tôi, họ mời gọi tôi yêu mến họ trong tình hiệp thông liên đới.

Những ngày tại Israel, tôi cảm nhận thế nào là chia rẽ ngay cả trong niềm tin và những nơi thánh thiêng. Điều ấy có thể làm ta ngao ngán một chút, nhưng lại khiến ta hiểu rõ hơn thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người, và mời gọi ta khẩn thiết hơn phải kiến tạo hòa bình, niềm cảm thông, nhất là sự hiệp nhất với Chúa, với người khác và với thế giới.

 

KẾT :

 

Trên đây chỉ là một số những tìm hiểu còn rất sơ sài và hạn chế, một phần vì tài liệu hiếm hoi, phần nhiều hơn vì trình độ giới hạn. Hơn nữa những ngày ít ỏi tại Israel trước quá nhiều thông tin, có thể làm người viết choáng ngợp, khiến nhiều nhận xét vướng vào chủ quan… Nhưng dù sao cũng là những cảm nhận cá nhân và thực tế… nên có tính rất thật . Vì vậy cũng xin được chia sẻ với tấm lòng đơn sơ, nhiều khi cũng là “sơ sài”,  mong được người đọc đón nhận như một sự “tham khảo”, để khi hữu sự đem ra so sánh hầu tìm ra chân lý. Được thế cũng là quí lắm thay !

Trên đường ra sân bay, có người dặn dò : đừng nói “tạm biệt Israel”, mà phải nói như thói quen của mọi người ở đây là : “ Giêrusalem hẹn ngày tái ngộ”, như thế mới mong có ngày trở lại … tương tự như ở bên Rôma, người ta đến Fontana Trevi liệng vài đồng xu xuống hồ thì tin rằng có ngày được trở lại. Nhưng người viết lại tự nhủ lòng : trong cuộc đời mình, được tới “quê hương người yêu” xa diệu vợi của mình một lần như thế này, cũng là mãn nguyện lắm rồi, nên đành im lặng mà chẳng nói câu gì … nhưng lòng thì cứ ngẩn ngơ : “chân đã bước tới, đầu còn ngó lui” ! Hãy đợi đấy !

                                                           

Mỹ phước ngày 31 tháng 5 năm 2007

Lm. Vinhsơn Nguyễn đình Thịnh

                                                           

NB : Kèm theo bài viết là 1 bộ  6 DVD :

Vol. l  : Đất nước Israel : * Đất nước Israel   *Cổ thành Giêrusalem.

Vol. 2 : Đức Giêsu Kitô : * Giáng sinh : Belem  * Phục sinh : Thánh Mộ

Vol. 3 : Miền Nam Giuđê : * Ngoại vi Cổ thành  * Phụ cận Giêrusalem

Vol. 4 : Hành trình phương Bắc : * Hành trình Nam Bắc  * Nagiarét

Vol. 5 : Miền Bắc Galilê : * Biển Hồ Galilê   * Cana – Tabor

Vol. 6 : Duyên hải Israel – * Tạm biệt Thánh địa.

 

Đây là chuyến hành hương của một nhóm nhỏ,

Quí vị muốn xem để tham khảo,

Xin gọi  Lm.Vs Thịnh : 0919 730221

hoặc Email : vsthinh@yahoo.com

—-
 

[1] cảng biển quan trọng hiện đại  và đẹp nhất miền Bắc, có ngọn núi Carmel chĩa ra biển, nơi có tu viện Carmel, nhớ tiên tri Elia “ chiến đấu”với 450 thầy sãi của thần Baal thời vua Achab (1V. 18,20…), gần đó có toà thánh của đạo BaHa’i.

[2] thành phố cảng xinh đẹp , cầu nối tây phương và thánh địa, hiện còn di tích hải cảng và hí trường vĩ đại, đường dẫn nước nổi aquaduc. TP. Césaré được nhắc đến trong CVCTĐ 15 lần, là nơi ở của Th. Phaolô trong nhiều tháng. Ngài đã rửa tội cho quan Cornêliô ( Cv 9; Cv.10,1…), nơi ở của phó tế Philip (Cv 8, 40) , của Origène với trường phái thần học, Pamphile de Beyrouth với thư viện, của Giám mục Eusèbe và cuốn lịch sử Giáo hội.

[3] thủ đô nước Israel mới, hiện đại với nhiều nhà cao tầng, bãi biển tuyệt vời, phần phía nam là Cảng cổ, Old Jaffa, nơi có nhà thờ Thánh Phêrô rất lớn, tọa lạc trên đồi trông ra cảng, nhớ việc Th. Phêrô trọ tại nhà Ong Simon thợ thuộc da gần đó và được thị kiến (Cv 10,3), cũng là  nơi tiên tri Giona xuống tàu, nhung thay vì di Ninive thi lại đi Tarsis ! (Giona 1,3).

[4] Từ rất lâu Dòng Phanxicô đã có mặt tại thánh địa. Từ năm 1230 ĐGH Grégorio IX chúc lành cho việc định cư này. Năm 1342 ĐGH Clêmentê VI bổ nhiệm họ là người bảo vệ thánh địa (custos), do vậy hầu như tất cả nơi thánh đều do Dòng này quảm lý, và thường có bảng hiệu là “custodia di terra santa”, và bên cạnh nhũng nơi thánh quan trọng ấy, thường luôn có “casa nova” (nhà trọ cho khách hành hương).

[5] còn gọi là Esdrelon,vườn nho của Navốt ( 1V 21), cánh đồng máu, rộng 250 km2, nơi xảy ra nhiều cuộc chiến trong lịch sử Israel, như cuộc chiến của Debora, Ghedeon ( Tl. 7,2), vua Saul, vua Giosia, Maccabê, cuộc chiến 6 ngày.

[6] còn gọi là Ghennêsaret ( vì có hình chiếc hạc cầm, huyền cầm), hoặc “biển hồ Chúa Giêsu”, có diện tích 162 km2, chỗ rộng nhất chừng 11 km, dài khoảng 21km, chỗ sâu nhất tới 45m. Bờ Tây có nhiều TP quan trong Tibêriat,  Capharnaum, Magdala. Bờ Đông là sa mạc, có 1 nơi đáng nhớ : Kursi (Ghêrasa), nơi ÐG chữa một người bị quỷ ám  (Mc 5,1-20).

[7] cách Giêrusalem khoảng 12km về phía tây nam, có một khu trưng bày chứng tích diệt chủng của Đức quốc xã, gọi là Yad Vashem  –  the Holocaust Martyrs’ and Heroes’ Memorial, hằng ngày lôi kéo hàng ngàn khách tham quan mà một số rất đông là binh lính, học sinh sinh viên: một mặt trưng bày những chứng tích đau đớn của quá khứ, nhưng mặt khác luôn kêu gọi “đáp trả” bằng xây dựng hòa bình, liên đới và tha thứ : “yêu nước là xây dựng hoà bình”-“ hoà bình chỉ có được khi tha thứ ”.

[8] đầu choàng khăn thalit có đường viền và những dãy chỉ xanh đen, trán đeo hộp kinh bằng da đen, trong có vài câu sách Đệ nhị luật, tay trái và trên trán đeo những phylactères ( những đường dây).  Tuần hai lần có lễ “ nhập môn” cho các em trai đủ 12 tuổi theo luật, nhận khăn và các đường dây, gọi là l? Bar-Mitzva.(sđd 482-483)

[9] trước đây thuộc Hồi giáo, sau người Do thái đã thương lượng và hiện nay đang quản lý, có lẽ vì thế mà có cậy ôliu? Nên lưu ý : nơi thánh nào thuộc Do thái, Hồi giáo (dường như cả Tin lành), thường không có ảnh tượng nào, coi rất trơ trọi và trống vắng.

[10] những chi tiết trong bài này hầu hết đều dùng tài liệu và chú thích theo sách này, đặc biệt những chỗ có ghi số trang cụ thể. (sđd : sách đã dẫn)

[11] có sách khác nói : 2 lần hóa bánh ra nhiều ở 2 nơi.