Thư ngỏ gởi chị Hồng Băng – Lm Piô Ngô Phúc Hậu

print

Lá thư ngỏ gửi chị Hồng Băng

Chị Hồng Băng mến!

Từ ngày gặp chị cho đến nay, tôi đếm được chẵn ba trăm sáu mươi lăm ngày, lẻ một buổi chiều. Suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, tôi suy nghĩ rất nhiều về chị, tôi ngẫm nghĩ rất nhiều về Thầy Giêsu. Và buổi tối hôm nay, tôi dàn trải tất cả bấy nhiêu suy tư, để gửi về chị. Ước mong được chị đồng cảm.

Tôi tự tiện đặt tên cho chị là Hồng Băng. Chị biết tại sao không? Tôi đố chị đấy. Hồng Băng dẫn tôi vào con đường quanh co. Mỗi khúc quanh là một hình ảnh, một kỷ niệm, một suy tư. Vừa buồn cười, vừa tức tưởi.

  1. 1. Hôm ấy tôi đi dạo chơi cho đỡ buồn. Tình cờ thấy một đám đông đang bao quanh một cái gì đó. Tôi kiễng chân để ngó. Tôi thấy một người đàn bà quỳ mọp dưới chân Thầy Giêsu, vừa van xin, vừa run rẩy. Còn Thầy Giêsu thì như đang thắc mắc, như đang bực bội gì đó. Tôi hỏi đám phụ nữ: “Chuyện gì vậy?”. Bà nào cũng bĩu môi, nháy nhau bằng ngón tay trỏ đặt trên môi. Có một bà, mặt vuông như mặt đàn ông, vêu cái miệng hô ra, hét vào mặt tôi: “Chuyện đàn bà. Đàn ông đừng xía vào đây!”. Bị đàn bà chửi, tức quá, nhục quá.

Nhưng đành phải chuồn thôi. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. “Đào vi thượng sách”. Cãi nhau với đàn bà, thì từ chết đến chết, không có bị thương…

  1. 2. Tôi chuồn, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi né đàn bà, nhưng tôi đi tìm đàn ông, gặp ngay anh chàng Simon, mẫu người ruột để ngoài da. Hai đứa đi tìm gốc cây, ngồi nhâm nhi hết hai bầu rượu. Rượu vào, lời ra. Tình nghĩa chan hòa. Anh Simon hung hăng kể chuyện.

“Người thì đông như kiến cỏ. Người nào cũng chen, cũng lách, để tới gần Thầy. Thế là đạp lên nhau. Đàn bà thì la quéc quéc. Đàn ông thì cười hố hố. Thế mà Thầy cứ hỏi đi hỏi lại “Ai đụng vào Ta?”. Tớ đã giải thích cho Thầy rằng: Người ta chen lấn nhau, đụng vào Thầy, đụng vào nhau. Có vậy thôi: Nói thế mà Thầy vẫn không chịu. Thầy cứ day dí mãi: “Ai động vào Ta?”. Cuối cùng mới vỡ lẽ là có người đụng vào Thầy thật. Người ấy sợ quá, quỳ mọp xuống xin lỗi Thầy. Bà ấy kể rằng bà bị xuất huyết từ mười hai năm. Ruộng vườn bán gần hết mà vẫn “tiền mất, tật mang”.

Tớ thấy Thầy nóng như lửa. Tưởng rằng Thầy sẽ quát cho bà này một trận. Ai ngờ Thầy mỉm cười, đổi giọng nói ngọt lịm như đường phèn: “Đức tin của bà chữa bà đấy. Chúc bà về bình an nhá!”.

  1. 3. Tôi điều tra lý lịch người đàn bà ấy thì hóa ra là chị. Tôi tìm nhà chị. Hỏi nhà chị ở đâu, thì con nít cũng biết, đua nhau dẫn đường.

Nhà chị khá khang trang. Nhưng trống phộc. Bàn ghế, giường tủ bằng gỗ quý đều bán sạch sành sanh. Đành mời khách ngồi phệt xuống nền gạch. Chị kể chuyện hào hứng như một nhà hùng biện. Chuyện “ấy” của đàn bà, mà chị cứ kể oang oang, chẳng biết xấu hổ là gì. Mừng quá, sướng quá quên cả thẹn thùng

Chuyện kể của chị dài như một dòng sông. Thế mà tôi nhớ hết. Nhớ cả những cái không nên nhớ. Tôi ghi đậm những nét sau đây.

Mười giọt cơm mới làm được một giọt máu. Thế mà chị mất máu quanh năm. Dầm dề mười hai năm. Cơm ăn bao nhiêu cũng không tô hồng cho gò má. Người cứ xanh như tàu lá. Má cứ hóp như người chết đói. Gái mới nạ dòng, mà trông như bà lão tám chục.

Ngôi nhà khang trang. Ruộng vườn mênh mông. Con đàn cháu đống. Ai cũng khen là nhà có phước. Thế mà bỗng dưng: ruộng vườn cứ thu hẹp dần; vàng bạc không chân mà cứ đua nhau chạy trốn; con đàn cháu đống cứ rủ nhau đi tha phương cầu thực. Chỉ còn căn nhà trống phộc và đôi vợ chồng ngơ ngác.

Thầy thuốc Do Thái, thầy thuốc La Mã, thầy thuốc Ả Rập đua nhau kê toa. Cứ hy vọng rồi lại thất vọng. Cuối cùng chỉ là “Tiền mất, tật mang”.

May quá, chị nghe người ta đồn Thầy Giêsu là Sứ Ngôn có khả năng trị bệnh mà không cần uống thuốc. Có một sức mạnh thần thiêng từ trong thân thể của Người tràn ra làm cho người què được đi, người mù được thấy, người cùi được sạch… chị quyết tâm đi gặp Người. Kể lể hoàn cảnh khốn khổ và xấu hổ của mình, để xin Người cứu độ. Nhưng nghĩ lại, chị lại thôi, xấu hổ lắm! Chị tự nghĩ: cứ lén lút rờ vào tua áo của Người cũng được khỏi. Cần gì phải gặp. Cần gì phải kể chuyện xuất huyết làm chi.

Nghĩ là làm liền. Chị đi tìm Thầy Giêsu. Thấy ngay. Nhưng mà người ta đông quá. Kệ. Chị lách. Chị chen. Ai chửi cũng kệ. Cứ chen. Cứ lách. Gần tới chỗ Thầy đứng, chị thò tay rờ vào áo của Thầy một cái. Chị thấy trong người khỏe hẳn ra. Chỗ ấy không còn cảm giác dầm dề… Mừng quá!

Chưa kịp khoe với mọi người là mình được khỏi bệnh, thì giật mình, vì Thầy cứ hỏi: “Ai động đến Ta?”. Tính trốn, thì lại nghe Thầy điều tra: “Ai động vào Ta?” Biết mình không qua mặt Thầy được, đành đưa đầu ra nhận lỗi. Bị mắng, bị phạt, bị đánh cũng được, vì đã được khỏi bệnh rồi. Ai ngờ, Thầy không mắng, mà còn an ủi. Lời của Thầy cứ ngọt sớt. Ánh mắt của Thầy hiền như ánh mắt của Mẹ. Nỗi vui mừng như nở ra lớn gấp trăm

Trên đường về, chị ghé thăm thầy Tư Tế để xin làm lễ thanh tẩy. Theo luật Môsê thì máu làm người ta mắc uế. Mỗi lần có kinh là mắc uế. Sạch kinh thì thanh tẩy. Mười hai năm mắc uế mà không thanh tẩy được. Mặc cảm tội lỗi đầy mình. Thân xác sướng một, bây giờ linh hồn sướng gấp mười lần.

  1. 4. Chị nói nhiều quá, khiến ông xã của chị nhăn mặt. Ông nhắc khéo: “Em xuống bếp kiếm bánh trái lên đãi khách chứ”.

Chị vừa đi khỏi, ông xã của chị ghé sát tai tôi, thầm thì kể lể. Vừa kể vừa cười hí hí: “Anh biết không? Bà xã tôi bị mắc uế triền miên mười hai năm, đâu có làm lễ thanh tẩy được. Thế là tôi phải kiêng “ấy” mười hai năm đấy. Khổ thân tôi chưa! Bây giờ bà ấy được Thầy Giêsu chữa khỏi, tôi mừng hết biết. Tôi cám ơn Người quá thể. Chả biết lấy gì mà đền ơn Người được. Có lẽ chỉ còn một cách là đi truyền giáo với Người thôi”.

  1. 5. Ăn bánh, uống nước với hai vợ chồng chị xong, tôi đi tìm Thầy Giêsu để phỏng vấn. Tôi phải ngồi chờ Thầy ở nhà anh Simon mãi cho tới khuya mới gặp Người được. Hỏi Thầy đi đâu, thì anh Simon cười hề hề: “Thầy đi cầu nguyện”. Hỏi Thầy cầu nguyện ở đâu, thì anh Simon lắc đầu: “Biết đâu à”.

Thầy cầm tay tôi, ngồi nói chuyện như hai bạn quen thân từ lâu. Tôi mở đầu:

– Thưa Thầy, tính con hay tò mò, chuyện gì cũng muốn biết đến nơi đến chốn. Xin Thầy thông cảm.

– Cứ nói đi. Thoải mái mà.

– Thưa Thầy, chuyện Thầy cho người đàn bà bị băng huyết mười hai năm được khỏi, thì con biết hết từ đầu đến đuôi. Nhưng có vài cái con không hiểu. Một: bà ấy bị băng huyết. Chuyện ấy là chuyện đàn bà, chuyện tế nhị. Lẽ ra Thầy nên bỏ qua. Thế mà Thầy cứ day dí mãi, khiến bà ấy khai vanh vách, làm cho các bà phụ nữ đỏ mặt hết trơn. Hai: tại sao Thầy hù dọa làm cho bà ấy run như cầy sấy? Tưởng là chuyện lớn. Ai ngờ Thầy lại nói một câu ngọt lịm “Đức tin của bà chữa bà đấy. Chúc bà về bình an nhá”. Thưa Thầy, tại sao vậy?

– Tại sao hả? Đồng ý với anh là khi bà ấy được khỏi bệnh là xong. Chấm hết. Đúng thế. Nhưng khi tôi không cho thế là xong, tôi làm bộ tra vấn để bà ấy sợ run lên… rồi lại ngọt ngào với bà, thì có phải là bàvui hơntin hơn gấp trăm lần không? Ấy là chưa nói đến chuyện bà sẽ yêu mến và truyền giáo mạnh hơn gấp trăm lần.

– Thưa Thầy, con hiểu. Đó là chiêu truyền giáo của Thầy: khéo tay, gốc cây thành pho tượng.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn