Tính Ngôn Sứ Của Các Phương Tiện Truyền Thông

print

TÍNH NGÔN SỨ
CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

https://ktcgkpv.org/

------------------------------

Trong những thập niên vừa qua, mọi lãnh vực từ văn hoá đến khoa học đều có những bước tiến thật dài so với những thế kỷ trước ; riêng trong ngành công nghệ thông tin, những phát minh đã khiến cho người ta phải kinh ngạc. Một sự kiện xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, thì chỉ trong nháy mắt hàng triệu người ở khắp các châu lục đều nhận được những thông tin, đôi khi còn có cả hình ảnh kèm theo. Hơn thế nữa, người ta lại còn có thể tìm tòi, tra cứu những điều mà người ta muốn biết trong mọi lãnh vực tôn giáo, chính trị, khoa học, nghệ thuật v.v… Quả thật, thế giới rộng lớn này như được thu nhỏ trong tầm tay. Tuy nhiên, những thành quả của ngành công nghệ thông tin cũng gây ra không ít những tai hại, do sự lạm dụng thái quá hoặc sử dụng vào những mục đích không minh bạch.

Một trong những phương tiện truyền thông hết sức lợi hại là internet, nhưng không phải là bất cứ ai hay bất cứ ở đâu cũng có thể sử dụng được ; vì có người quan niệm internet gây tác hại nhiều hơn là lợi, nên rất hạn chế sử dụng… Đôi khi lại còn khuyến cáo người khác không nên dùng, vì cho rằng người ta có thể lợi dụng những thông tin của mình để sử dụng cho mục đích xấu của họ. Trong thực tế, việc sử dụng internet còn gặp rất nhiều khó khăn…

Vậy thì những phương tiện truyền thông lợi hay hại như thế nào ? Và mang tính ngôn sứ như thế nào ? Đã có nhiều bài viết về vấn đề này, nên tôi chỉ xin đóng góp thêm quan điểm cá nhân mà thôi với ước mong các đấng có thẩm quyền và trách nhiệm, quan tâm đến những phương tiện truyền thông, để dân Chúa có được những thông tin cần thiết và trung thực, hầu mọi người có thể hiệp thông với mọi biến cố trong Giáo Hội. Mặt khác, các ngài cũng cần biết đón nhận những thông tin, để rồi sàng lọc, cân nhắc và đánh giá đúng mức hầu có những hướng dẫn hợp lý hơn. Để viết bài chia sẻ này, tôi dựa vào giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II và những gì tôi nhận thức được trong thực tế, qua những tiếp xúc cá nhân hoặc những phương tiện thông tin khác nhau.

1Giáo Hội có quan tâm đến những phương tiện truyền thông không ?

Ngay kỳ họp II, khoá III, ngày 4-12-1963 Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã công bố một sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội (Inter Mirifica – tiếng Việt viết tắt TT). Đây là một văn kiện hết sức mới mẻ, vì là lần đầu tiên Giáo Hội trình bày lập trường về vấn đề này. Vào thời điểm này ngành công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, riêng Internet chỉ bắt đầu xuất hiện vào giữa thập niên 70 và phát triển tột bực từ thập niên vừa qua, nhưng sắc lệnh đã đưa ra những nguyên tắc mà ngày nay vẫn còn giá trị khi mà ngành công nghệ thông tin đã tiến triển vượt bực. Điều đó cho thấy Hội Thánh Công Giáo đã có tầm nhìn rất xa để thấy trước vấn đề này quan trọng thế nào, những ích lợi của những phương tiện truyền thông, cũng như những thiệt hại do việc cố ý dùng sai những phương tiện này. Sắc lệnh khẳng định rằng Giáo Hội có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội để rao giảng Tin Mừng, hơn nữa Giáo Hội còn có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ loại nào trong các phương tiện truyền thông xã hội đó, khi thấy cần thiết và ích lợi cho việc giáo dục đức tin (TT số 2).

Như thế, phương tiện truyền thông dưới bất cứ hình thức nào, tự nó có một giá trị tích cực và cần thiết. Con người không thể phát triển trọn vẹn nếu thiếu những thông tin cần thiết, nhưng còn nguy hại hơn nếu đó chỉ là những thông tin một chiều hoặc bị xuyên tạc. Đó là mối bận tâm của Giáo Hội được nhắc đến trong sắc lệnh : “Mẹ Giáo Hội biết rằng những phương tiện đó, nếu được sử dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân loại khi đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, bồi dưỡng tinh thần cũng như mở rộng và củng cố Nước Chúa ; tuy nhiên, Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể dùng những phương tiện đó nghịch với ý định của Đấng Tạo Hoá, và gây hại cho chính mình ; hơn nữa, Giáo Hội như mẹ hiền cũng đau buồn lo âu vì những thiệt hại quá thường xảy ra cho cộng đồng nhân loại do việc cố ý sử dụng cách bất chính những phương tiện này” (TT số 3). Vậy thì phải sử dụng những phương tiện truyền thông như thế nào để nó thực sự đem lại ích lợi cho cộng đồng nhân loại. Đó là nhiệm vụ của các vị lãnh đạo, những vị có thẩm quyền phải thấy được trách nhiệm của mình, để hướng dẫn các tín hữu thế nào cho họ biết sử dụng những phương tiện truyền thông cách xứng hợp, chứ không phải chỉ biết ngăn cản, hạn chế hoặc phê phán những suy nghĩ cần chia sẻ của những cá nhân với cộng đồng anh em, nhất là đừng đổ vấy cho người khác cái trách nhiệm truyền thông, cho rằng chính họ làm mất uy tín của những vị lãnh đạo tinh thần… vì những bài viết hay những lời nói. Đừng quên rằng, nếu các ngài sống theo tinh thần Phúc Âm, lấy Chúa Ki-tô làm đích cho đời mình, thực sự trở nên một Đức Ki-tô khác, đồng thời luôn quan tâm đến đoàn chiên, sống quảng đại và đối xử trong tình cha con, thì chẳng sợ thứ “thần dữ” nào làm hại hay làm mất uy tín ! Ngày nay, nếu để ý chúng ta sẽ thấy có những vị giảng dạy rất hăng nhưng lại không sống điều mình giảng, hoặc giảng một đàng sống một nẻo, thì lấy đâu ra uy tín. Các mục tử không nên sử dụng toà giảng và những phương tiện truyền thông để phê phán, chỉ trích, gây bất bình cho các tín hữu. Đây là điều thường gặp ở một số giáo xứ.

2. Giáo Hội đưa ra những nguyên tắc nào khi sử dụng những phương tiện truyền thông ?

Sắc lệnh Truyền Thông (số 4) nêu ra những nguyên tắc luân lý : cân nhắc nội dung những gì được truyền thông ; đồng thời cũng phải chú ý đến mục đích cũng như những đối tượng và thời gian liên quan đến việc truyền thông này. Hơn nữa, sắc lệnh còn nhắc nhở những người có liên hệ đến vấn đề này, phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng. Điều này hết sức quan trọng, thực tế cho thấy, chính vì thiếu lương tâm mà một số cá nhân đã sử dụng phương tiện truyền thông, gây ra những thiệt hại về tinh thần, làm xáo trộn đời sống đạo lý, gây ra những chia rẽ, hiểu lầm, nghi kỵ lẫn nhau.

Sắc lệnh còn đưa ra một nguyên tắc không thể bỏ qua, đó là việc thông tri đúng lúc các biến cố và các sự kiện, giúp cho từng cá nhân biết đầy đủ và liên tục các việc đó, như thế, chính họ có thể tham gia vào ích chung một cách hữu hiệu… (TT 5). Nếu theo tinh thần của Sắc lệnh, thì thái độ im lặng hoặc tránh né vấn đề của những vị có trách nhiệm có được coi là đúng đắn không ? Đọc Tin Mừng, chúng ta “chứng kiến” nhiều pha gay cấn là những khi Chúa Giê-su phải đối diện với những tình huống hết sức phức tạp do đối phương hạch hỏi hoặc gài bẫy, có những chuyện Người lên tiếng ngay : như khi dùng bữa với người tội lỗi (x. Mt 9,9-12) ; hoặc khi bị chất vấn về chuyện ăn chay, Người đã ví sự hiện diện của Người như chàng rể trong tiệc cưới, khách dự tiệc là các môn đệ chưa cần ăn chay, nếu có thì là chuyện sau này, nhưng ăn chay theo một tinh thần mới, chứ không thể bình cũ rượu mới được (x. Mt 9,14-17). Cũng có khi Chúa Giê-su thinh lặng, không phải là một sự thinh lặng mang tính đồng loã, cũng không phải là sự thinh lặng sợ hãi quyền lực. Sự thinh lặng gây sức chú ý và giảm sự hung hăng của đối phương, để rồi lên tiếng đúng lúc bằng một lời chất vấn mà người ta không thể không trả lời qua thái độ rút lui có trật tự (x. Ga 8,1-11 : câu chuyện người phụ nữ ngoại tình). Nhất là khi công lý và sự thật bị chà đạp thì việc lên tiếng là cần thiết, cho dù đứng trước những bất lợi và nguy hiểm (x. Ga 18,19-24 : Chúa Giê-su đã thẳng thắn hỏi tên thuộc hạ của thượng tế Kha-nan khi hắn tự tiện vả mặt Người).

Mặc dù cuối cùng Chúa Giê-su cũng đã phải lãnh nhận một bản án hết sức bất công, do sự thù hận ghen ghét của giới lãnh đạo. Nhưng Chúa Giê-su không hề có thái độ thụ động, không xuề xoà nhận tội. Trái lại Người đã nhiều lần lên tiếng không chỉ trước toà án đạo do các thượng tế và các kỳ mục đảm trách, mà ngay tại toà án đời với tổng trấn Phi-la-tô, kẻ cầm quyền sinh sát trong tay (x. Ga 19,10). Chúa Giê-su không ngần ngại nói thẳng với Phi-la-tô rằng : “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (c.11).

Như vậy, các phương tiện truyền thông cần phải được sử dụng để mọi người có được những thông tin cần thiết trong mọi lãnh vực của cuộc sống, nâng cao tầm nhìn về các biến cố đang xảy ra, hầu có thể hiệp thông cách này cách khác tuỳ hoàn cảnh và khả năng của mình. Phương tiện truyền thông cũng giúp cho rất nhiều người nâng cao kiến thức trong công việc của mình. Sắc lệnh Truyền Thông còn kêu gọi các tín hữu đừng ngần ngại, mà hãy hăng say sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội vào các công việc tông đồ khác nhau tuỳ theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian (xem TT số 13). Sau hết các phương tiện truyền thông còn là cách thế bày tỏ những quan điểm, nói lên những bất công, oan trái mà những người có chức quyền, có thế lực chỉ muốn che đậy, khoả lấp. Cũng chính vì phương tiện truyền thông bị giới hạn ở nhiều vùng, thiếu những thông tin cần thiết, nên đã xảy ra những chuyện đáng tiếc trong những tương quan giữa các mục tử và dân Chúa. Dân chúng chỉ biết than thở với nhau, chứ không dám công khai góp ý vì sợ sẽ gặp khó khăn khi có những nhu cầu thiêng liêng. Các mục tử thường nghĩ rằng mình mới có quyền sử dụng những phương tiện truyền thông, còn các Ki-tô hữu đừng lợi dụng phương tiện truyền thông để góp ý hay phê phán các ngài. Đó là lối suy nghĩ một chiều và độc đoán. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe những ý kiến trái chiều, miễn là những ý kiến đó phù hợp với Tin Mừng.

3. Truyền thông và dư luận

Theo Từ điển tiếng Việt, hai từ này có nghĩa khác nhau :

 Truyền thông : truyền dữ liệu theo những quy tắc và cách thức nhất định.

 Dư luận : ý kiến nhận xét, khen chê của số đông đối với việc gì.

Như vậy, truyền thông đúng nghĩa mang tính kỹ thuật hơn, và có tính xác thực hơn. Nếu trong thực tế, có những thông tin một chiều, sai sự thật, thì đó chỉ là vì người ta đã sử dụng cách bất chính, mà Sắc lệnh gọi là cố ý dùng sai những phương tiện này, bởi vì chưa được đào tạo để có một lương tâm ngay thẳng. Còn dư luận, như định nghĩa của Từ điển, nó chỉ là những nhận xét phiến diện, do thiếu thông tin, nhất là vì đã có sẵn một định kiến, hoặc ác cảm. Chính vì thế, dư luận có một giới hạn và kém giá trị hơn truyền thông. Một kiểu “chơi chữ” khá hay của đức cha GB Bùi Tuần : dư luận thường là luận dư, cho thấy dư luận không luôn luôn phản ánh sự thật (x. bài BIẾT MÌNH trong tập “Giới Luật Yêu Thương”). Dư luận đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Tóm lại, dư luận thường là những lời bàn qua tán lại, hàm chứa một sự ghen ghét, tức tối. Muốn hạn chế những dư luận cần có những thông tin chân thực.

4. Những kiểu truyền thông thiếu trung thực

Người làm công tác truyền thông cần phải trung thực, nghĩa là phản ánh đúng sự thật, không làm sai lạc, trước sau như một. Càng có chức vụ càng cần sự trung thực. Sắc lệnh đặc biệt nói đến các vị chủ chiên, các linh mục phải chu toàn phận sự truyền thông, vì nó liên hệ chặt chẽ với nhiệm vụ thông thường của các ngài là việc giảng dạy.

Điều chúng ta thấy rõ nhất về sự thiếu trung thực trong truyền thông, đó là nơi những YouTube, chỉ để câu view mà người làm truyền thông đặt những đề tựa thật kêu, đại loại như bài giảng làm ngây ngất người nghe, bài giảng để đời, bài giảng hay nhất hoặc vị thánh này vị thánh kia có thật không ? Thật sự nhiều bài giảng chỉ là những câu chuyện gây cười hoặc nội dung không thực tế, chỉ mang tính lý thuyết và trong nhiều lãnh vực khác, rất nhiều những kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Bởi nhiều quảng cáo nghe thật hay, thật hấp dẫn, nhưng nội dung rất tầm thường. Đó là những lối quảng cáo bốc phét, rẻ tiền, mà những ai có suy nghĩ một chút, sẽ không để mình bị mất thì giờ vô ích.

Gần đây trên internet có những cuộc phỏng vấn mà người trả lời chỉ ngầm tự đề cao bản thân hay công trình của mình. Cũng có những câu trả lời thiếu trung thực, những lý lẽ không mang tính thuyết phục, đôi khi vụng về và chỉ nhằm để biện minh hay tránh né một vấn đề…

5. Tính ngôn sứ của phương tiện truyền thông

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã kêu gọi một số người để sai họ đến với dân, để nhắc nhở dân sống theo đường lối Chúa, cũng có khi đem đến cho dân những giáo huấn của Chúa hoặc loan báo một biến cố hay một sự kiện sẽ đến. Khi cần cũng lên tiếng quở trách răn đe khi dân phạm tội. Những người được sai đi này được gọi là “ngôn sứ” : ngôn = lời nói ; sứ = sứ giả, tức là người được sai đi để rao giảng Lời Chúa. Từ ngôn sứ được dịch từ tiếng Hy-lạp προφήτης (do hai từ ghép lại : giới từ προ = thay cho hay đại diện ; và động từ φημί = nói). Trước đây người ta dùng từ “tiên tri” nhưng từ này rất nghèo nghĩa, chỉ có nghĩa là “biết trước” nên rất giới hạn không diễn tả hết sứ mạng của một “ngôn sứ”. Khi hiểu sứ mạng của một ngôn sứ là loan báo sứ điệp của Thiên Chúa, nói thay cho Chúa, hướng dẫn đại chúng hiểu biết Lời Chúa, thì phải nhận ra phương tiện truyền thông quả là có tính “ngôn sứ”.

Hẳn nhiều người biết cậu bé Carlo Acutis, người Ý, rất giỏi khoa công nghệ thông tin, cậu còn là một game thủ. Nhưng điều lạ lùng là cậu đã dùng hết tài năng để phổ biến lòng tôn sùng Bí Tích Thánh Thể, cậu qua đời năm 15 tuổi do chứng bệnh bạch cầu và đã được phong chân phước vào ngày 10-10-2020, “Carlo là thanh niên luôn hướng về người khác, quảng đại, đặc biệt là với những người nghèo anh gặp trên đường phố Milan, và anh không thiếu cơ hội để truyền giáo. Anh rất mê vi tính, anh làm lập trình để trình bày các phép lạ Thánh Thể, ngày nay lập trình này được giới thiệu trên năm châu lục. Thậm chí có người xem anh là vị thánh bổn mạng tương lai của Internet.” Linh mục Will Conquer, thuộc Tổng giáo phận Monaco, cha đi truyền giáo ở Campuchia đã viết quyển sách “Carlo Acutis, chuyên viên vi tính ở thiên đàng” (Carlo Acutis, un GEEK au paradis). (Từ “GEEK” giống như một tiếng lóng để chỉ một người đam mê một môn nào đó về khoa học hay kỹ thuật).

xem đường link dưới đây : Chân phước Acutis mở đường “cho một thế hệ thánh mới”.

Acutis quả thực là một ngôn sứ trong thời đại 4.0, đã truyền bá lòng tôn sùng Thánh Thể bằng phương tiện truyền thông Internet.

Kết luận

Nếu thực thi theo tinh thần của sắc lệnh về Truyền Thông, thì việc làm công tác truyền thông mang tính ngôn sứ như đã trình bày ở trên. Bởi vì bất cứ người tín hữu nào khi làm công việc truyền thông, cũng phải mang tinh thần Tin Mừng, để trong mọi hoàn cảnh phải mang tính chân thật, và đưa người ta đến chân lý cứu độ. Trong lãnh vực này còn nhiều điều phức tạp và tế nhị, đó là phần của những vị có thẩm quyền và có chuyên môn cao. Nhưng dù sao đi nữa, phương tiện truyền thông vẫn là một phương thế hữu ích để mọi người có thể bày tỏ những suy nghĩ, những khát vọng chính đáng của mình. Và chắc chắn lợi nhiều hơn hại. Nếu những phương tiện truyền thông có những tác hại không mong muốn, thì cũng chẳng khác gì khi ta dùng thuốc trị bệnh, thì hầu như loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt, nổi mề đay… Phương tiện truyền thông không chỉ dùng để nói những điều tích cực, cũng không phải là cơ hội để khoe thành tích của một cộng đoàn hay cá nhân, để truyền tải những điều mà trên bảo sao dưới nghe vậy. Đó chỉ là thứ truyền thông một chiều. Phương tiện truyền thông đôi lúc cũng cần phải được sử dụng để tường thuật hay trình bày những cái thiếu sót, những gương mù gương xấu và những việc làm sai trái gây những thiệt hại cho cá nhân hay cho cộng đoàn (x. sắc lệnh TT 7). Truyền thông là phải truyền tải những thông tin trung thực, không dối trá. Đó chính là giáo huấn của Chúa Giê-su trong Bài Giảng Trên Núi : “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)

An Lạc ngày 25-1-2024

Kính thánh Phao-lô Cải Đạo

Nguyễn Tuấn Hoan