Tình Quê

print

Tình Quê

Riêng tặng các đôi vợ chồng trẻ có yếu tố tân tòng.

      Năm Mây

      Tôi là con gái thứ Năm trong một gia đình gốc B54. Bố tôi, vốn là cựu chủng sinh Á Thánh Phụng rồi Têrêxa, rồi Tôma, đặt tên cho tôi là Diễm Lệ. Nhưng càng lớn lên, tôi càng xấu, không xứng với tên Diễm Lệ, nên bố tôi phải sửa tên khai sinh cho tôi. Mẹ tôi là giáo viên, gọi tôi là Mây vì sinh tôi vào tháng Năm (tháng Năm, tiếng Anh là May). Trong nhà, trong dòng họ, trong xóm chợ chồm hổm đầu kênh E, Nam Bắc sống chung, tôi được mọi người gọi là Năm Mây.

      Được cái, tôi học giỏi “đa khoa”, nghĩa là giỏi cả văn toán, nhưng lại thua Gió hẳn một cái đầu, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen vì tôi mang đôi dép cao gần một tấc, đứng cũng chỉ nhỉnh hơn vai hắn vài xăng-ti-mét. Nghĩa bóng vì về các môn khoa học xã hội nhân văn, hắn là một cuốn từ điển sống; về các môn khoa học tự nhiên, hắn là một bộ bách khoa toàn thư. Tôi không sao quên được, một lần bọn con gái chúng tôi than thở gạo suốt đêm mà không nhớ nổi họ hàng nhà CH. Hắn cười ngạo nghễ: Có gì đâu? “Mấy em phải biết phép hóa học ớn nạnh đó”, các chị nhớ nhé! “Mấy là mê, em là ê, phải là pro, biết là bu…, rồi pen, hex, hep, oc, no, de”. Như họ CnH2n+2, thêm đuôi “an” vào là xong: Chẳng hạn, mêtan, êtan, propan, butan… Chúng tôi sợ hắn luôn.

      Tôi bổn đạo gốc, là “gái trời bắt xấu”. Còn hắn theo đạo “Thờ Ông Bà”. Ngoài tướng người nhà quê lù đù, lực điền cổ cày vai bừa, ngón tay chuối hột, vai u thịt bắp mồ hôi dầu, ăn như tàu há mồm, uống như trâu uống nước đìa…, hắn còn được cái “nghèo tổ tông truyền”. Không ai có thể tưởng tượng nổi ở đâu, bao giờ, một học sinh giỏi toán lớp 9, hạng ba cấp toàn quốc, mà trong lễ tổng kết năm học tại trường, nhất định không lên nhận giấy khen của bộ Giáo Dục và lãnh thưởng chỉ vì đôi dép tổ ong của hắn đứt quai và vì hắn bỏ áo trong quần không có dây thắt lưng. Chắc chắn đó là mặc cảm tự ti, không thể là niềm kiêu hãnh của kẻ nghèo không có gì để mất.

***

      Chúng tôi chưa bao giờ thân tình với nhau, nên khi hắn ngỏ lời:

      -Chị lấy em ngheng!

      Tôi giật mình thót một cái. Tôi không biết tại sao hắn hỏi cưới tôi. Phần tôi, 36 tuổi đầu rồi có ai ỏ ê đâu? Tôi hoãn binh lấy lệ:

      -Cậu chờ tuần sau tớ trả lời, nhá!

      Tôi mong từng ngày. Rồi tuần sau cũng tới. Tôi không chần chừ nữa, đồng ý ngay, một phần vì sợ ế, còn thì hoàn toàn do bản năng người nữ thúc đẩy. Thử hỏi từ sâu thẳm tâm hồn, có người đàn bà nào lại không ước muốn được làm vợ, làm mẹ cơ chứ?

***

      Trời ạ! Người ta đã nói tới thời đại 4.0, 5.0 gì đó rồi. Vậy mà chúng tôi có lẽ là đôi vợ chồng hiếm hoi lấy nhau khi chưa yêu. Trên thiệp báo hỷ, hai nhà in chung, nhà trai ngại chữ Chúa nên không ghi câu Phúc Âm: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc.10:9), hoặc “Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu chúng con hôm nay và mãi mãi”, vì sợ dòng họ bên hắn và bạn bè gần xa chế diễu hắn theo đạo vợ. Trên thiệp cưới mà không có câu slogan như thiên hạ cũng… kỳ, nên tôi đòi bằng được phải ghi câu tâm niệm: “Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13, 7).

      Trong tiệc cưới, chúng tôi quên ngay, quên hết mọi lời khuyên dạy của bề trên hai bên. Vậy mà có việc tôi nhớ mãi. Lúc thầy Thân, giáo viên môn Văn, được tiếng là văn hay chữ tốt tự giới thiệu là “em xi”, kính thưa mọi loại kính rồi thao thao bất tuyệt: những trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão, răng long đầu bạc, loan phụng hòa minh… Rồi rất long trọng, thầy tiếp:

      -Hôm qua, cha xứ đã ban bí tích hôn nhân cho đôi trẻ Gió Mây. Giờ đây, trong ngày vui nhất, trọng đại nhất của đời người, ban tổ chức kính mời quý cha, cùng quý chánh phó trương trùm trưởng tân cựu đạo đời, các vị khách quý, các bạn trẻ và nhị tộc cùng hướng về hôn trường, chứng kiến đôi trẻ trao cho nhau nụ hôn đầu đời…

      Tôi luống cuống, quắc mắt nhìn hắn:

      – Cấm, cấm tuyệt nghe không? Không có hôn hít gì sất.

      Tất cả mọi người đều chưng hửng.

      Cha xứ được mời lên. Ngài ngắn gọn mà tròn đầy, tuyệt vời không thể tuyệt vời hơn:

      – Sáng hôm qua, trước mặt Chúa và Hội Thánh, hai con đã trao ban bí tích hôn nhân cho nhau, cha chúc mừng hai con, hai nhà và hai họ. “Của bền tại người”, có vợ có chồng rồi, ráng giữ lấy… Xin cám ơn.

***

      Đám cưới xong, trong phòng chỉ còn 2 đứa, hắn bảo:

      -Anh có một đề nghị…

      -Gì cơ? Cậu bảo tớ gì cơ?

      – Dù em hơn anh hai tuổi, “Gái hơn hai, trai hơn một”. Mặc kệ, tốt, chẳng sao.  Nhưng đã là vợ chồng từ nay em phải gọi anh là anh, xưng em, không được tơlơmơrơmăng: tớ, cậu, hắn, gã… nữa, nhé!

      Tôi ớ người ra:

      – Ừ nhỉ? Tớ, à quên, em đồng ý.

      – Anh bổ sung vào khế ước hôn nhân nhé: Một: Thành thật, không nói dối nhau. Hai: Mỗi ngày mỉm cười, nói với nhau một câu dễ thương. Ba: Tối nào có thể, cũng phải ăn cơm chung…

      Tôi vội vàng:

      – Đọc kinh chung nữa chứ. Và “Tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

      Anh hỏi:

      – Em thêm bớt gì không?

      Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

  – Em đă nói hết trong nghi thức bí tích hôn nhân: “Em Maria Phạm Thị Mây nhận anh Giuse Nguyễn Văn Gió làm chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày suốt đời em”. Anh còn đòi gì nữa?

  Anh hỏi:

  – Hôn nhân Công giáo đặt trên nền tảng tình yêu. Chúng mình lấy nhau không tình yêu, hôn nhân có thành không?

  Đâu ngờ anh thông minh như thế, lại học giáo lý tân tòng và hôn nhân với thầy Cung Thạnh An nửa năm trời, mà lạc hậu, ấu trĩ, thờ ơ, u tối đến vậy? Tôi cười như nắc nẻ:

  – Chồng ơi là chồng! Anh đừng có “ấm ớ hội Tề” (tôi bắt chước kiểu nói của bố). Chúng mình không vướng ngăn trở gì. “Tất cả mọi người không bị luật cấm đều có thể kết hôn” (Giáo Luật 1058), lại “Tự do kết hôn và công khai nói lên sự ưng thuận của mình theo nghi thức Hội Thánh” (GLHTCG 1625), sao lại không thành?

***

Chúng tôi hết sức cố gắng sống hòa thuận, tử tế với nhau. Một hôm, anh nói:

   – Trong cuộc sống lứa đôi, không câu nào dễ thương bằng câu “Anh yêu em” nhỉ? Từ nay mỗi ngày anh nói câu ấy nhé!

   Tôi nghĩ sao nói vậy, không phòng thủ gì cả:

   – Em không thể nói dối anh, cũng không dối lòng được: Em chỉ biết bổn phận, chẳng biết yêu là cái quái gì.

   Từ đó anh tấn công tôi ào ạt. Quanh đi quẩn lại, cứ có dịp là anh dội bom: “Anh yêu Em”, khiến tôi đâm… ghiền. Lần kia, anh hỏi:

      – Em nghe chán tai chưa?

      Tôi thật thà như đếm:

      – Em biết anh nói gượng, nhưng cũng thinh thích, mong mong, ngóng ngóng…

      Anh cười, nụ cười mới đáng yêu làm sao!

      Mãi sau này, anh “xưng tội” với tôi:

      – Lúc đầu, anh phải cố. Đến nay, đã bốn năm trời, tạ ơn Chúa, thằng Cu cái Hĩm có đủ, anh nói thật lòng: “Anh yêu em”.

      Tôi vớ được mấy câu thơ của ai không biết, xổ luôn:  

   – Trái nhân duyên đã chín,

   Nhưng trong đỏ, vỏ xanh,

   Nên câu: “Em yêu anh”

   Nói ra còn ngài ngại.

   Rồi đắm đuối nhìn chồng, tôi chân tình:

      – Em yêu anh, Gió ạ!    

ngu laonhan