Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Cần Thơ – 2022 Ngày Thứ Hai (22.11.2022)

print

Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Cần Thơ – 2022

Ngày Thứ Hai (22.11.2022)

THÁNH LỄ:

Cầu xin ơn Chúa Thánh Thần

Suy niệm và chia sẻ bài Tin mừng Lc 21,5-11, trong đó Đức Giêsu nói về sự kiện thành Giêrusalem bị tàn phá “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” – tượng trưng cho cuộc phán xét cuối cùng của Ngày Quang Lâm, cha GB. Châu Ngọc Phương đề cập đến những nguy cơ có thể “tàn phá” đời sống, ơn gọi hay sứ mệnh của một linh mục: nguy cơ gắn bó với những của cải vật chất thế trần, nguy cơ phai lạt đức tin và thiếu kiên quyết bảo vệ đức tin cho giáo dân trước những học thuyết xa lạ và sai lạc hiện nay, nguy cơ sống đời linh mục trong nỗi buồn sầu, lo sợ không chính đáng.

Song song với việc nhắc lại những nguy cơ trên, cha dâng một lời cầu cho mình cũng như cho tất cả anh em linh mục: ơn tỉnh thức – tỉnh thức trước mọi nguy cơ tàn phá ơn gọi và sứ mệnh linh mục.

 

BÀI GỢI Ý CẦU NGUYỆN 1:

Linh mục cùng Dân Thiên Chúa lữ hành về Nhà Cha

Thiên Chúa là một người Cha, một người Mẹ của Dân Ngài và cho Dân Ngài. Ngài chính là “Nhà” – điểm đến cho mọi nỗ lực của con người trong hành trình dương thế: về “Nhà” để được ở với Chúa. Như thế Giáo hội là Dân Thiên Chúa đang lữ hành, mà linh mục, dù cũng trong thân phận là một thành viên trong Dân Chúa, nhưng với ơn thánh chức, ngài phải trở nên người dẫn đầu cho đoàn dân đang tiến về “Nhà” mình.

Với nền tảng dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15,11-32), Đức cha mời gọi cộng đoàn khám phá ra tình trạng “ở trong Nhà” hay “ở ngoài Nhà” qua hình ảnh người con thứ và người con cả. Trong tương quan với Chúa, có thể, tôi đang ở tình trạng ‘bên ngoài Nhà’. Vì thế, quyết định đi về “Nhà” và “đứng dậy, lên đường về Nhà” (x. Lc 15,18-20) là điều cần thiết, cụ thể cho bản thân mỗi linh mục. Bên cạnh, cộng đoàn được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh người cha trong câu chuyện dụ ngôn – dung mạo của Đấng Thiên Chúa Nhân Lành. Đặc biệt, trong tâm tình nhìn lại bản thân trong sứ vụ mục tử, Đức cha mời gọi quý cha phản tỉnh về đức ái mục tử của mỗi người trong sứ mệnh chăn dẫn đoàn chiên Chúa, nghĩa là nhìn lại tương quan của mình đối với đoàn chiên: Tôi có một con tim luôn mở ra để cảm thông với người đau khổ, người tội lỗi? Tôi đang là một người cha luôn ân cần, ít nhất là lắng nghe và cầu nguyện cho con cái trước những nỗi đau, nỗi khó của chúng? Tôi có đang là một họa ảnh của Giêsu – Mục Tử Nhân Lành? của Đấng Thiên Chúa hằng xót thương?

Làm sao con tim “chạnh lòng thương”, “quặn ruột” của Đức Giêsu ngày xưa cũng chính là con tim của mỗi mục tử hôm nay: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,29); “Vị ấy (Thượng tế) có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, vì chính người cũng đầy yếu đuối…” (Dt 5,2)

[

BÀI GỢI Ý CẦU NGUYỆN 2:

Như Đức Maria, linh mục là người của lắng nghe

Khởi đi từ câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Maria (x. Lc 1,26-38), đồng thời so sánh với thái độ hoài nghi của Dacaria khi được sứ thần truyền tin (x. Lc 1,18), Đức cha mời gọi cộng đoàn nhận ra đức tin tuyệt với của Mẹ Maria qua tiếng “Xin vâng”. Mẹ là người nữ của lòng tin, và dĩ nhiên, lòng tin này có được do những tháng ngày Mẹ liên lỉ lắng nghe và luôn trong tư thế vâng phục Thiên Chúa. Linh đạo “Shema” (“nghe đây/hãy nghe” – Đnl 6,4) luôn thấm đượm trong ý thức và tâm tư của Mẹ – một phụ nữ Do Thái đạo đức.

Noi gương Mẹ, mỗi linh mục đều cần thiết phải trở thành một con người của sự lắng nghe, biết lắng nghe: nghe tiếng Chúa và tiếng đoàn dân được trao phó cho mình.

Để nghe tiếng Chúa, linh mục phải dành những khoảng lặng cố định (giờ cầu nguyện) để có thể lắng nghe những lời “truyền tin” của Chúa cho chính bản thân người linh mục. Không “lắng” và “lặng” thì không thể nghe tiếng Chúa, vì Chúa không có thói quen nói trong ồn ào, xao động!

Để nghe tiếng đoàn chiên, linh mục không thể không tôn trọng những dịp được nghe: nghe những điều người khác nói, chứ không chỉ nghe những điều mình muốn nghe.

Như Đức Maria, người linh mục luôn tin tưởng Chúa nên dễ dàng nghe được tiếng Ngài; và càng nghe được tiếng của Chúa, thì càng thêm lòng tin tưởng.

 

BÀI GỢI Ý CẦU NGUYỆN 3:

Theo gương Đức Giêsu, linh mục sống đời vâng phục

Đức Giêsu chính là mẫu gương của đức vâng lời. Ngài vâng phục Thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34); và “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Chính trong sự tin tưởng và cầu nguyện liên lỉ, với tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu luôn nhận ra Thánh ý Cha và mau mắn thi hành.

Bước theo Đức Kitô – Đấng vâng phục Chúa Cha, các linh mục cũng phải là những người con vâng phục. Trước hết, đó là sự vâng phục Chúa và ý muốn của Ngài qua trung gian Bề trên. Đây là một lý tưởng mang chiều kích đức tin, nhưng cũng là một thách đố nếu nhìn theo khía cạnh nhân loại. Nhưng làm sao mỗi linh mục đều ý thức mối tương quan tùy thuộc giữa mình và Giám mục – “người cha” của mình, để các ngài luôn có một sự thuận phục thực sự với Đấng Bản Quyền và những kỷ luật trong Giáo hội địa phương, là Giáo phận. Kế đến, sự vâng phục còn thể hiện ở việc lắng nghe anh em linh mục của mình trong sự hợp tác, hiệp hành, giúp nhau hoàn thành sứ mạng mục tử. Sau cùng, sự vâng phục thánh ý Chúa còn thể hiện ở việc các linh mục luôn sẵn sàng phục vụ thánh ý Chúa qua những nhu cầu hiện sinh của đoàn Dân Chúa.

(Ảnh minh hoạ)

Chắc chắn rằng, mức độ của sự vâng phục tùy thuộc vào sự khiêm tốn của vị linh mục, cùng với trạng thái đức tin, thể hiện ở thái độ luôn mở lòng lắng nghe tiếng Chúa, ý Chúa trong cầu nguyện, biện phân trong Thần Khí để nhận ra con đường của Thiên Chúa.

 

CÙNG NHAU NỐI NGUỒN GIÊSU

Các việc đạo đức đều được cử hành trong bầu khí cộng đoàn: chia sẻ Lời Chúa, kinh Thần vụ, cầu nguyện, chuỗi mân côi, Chầu Thánh Thể… Cùng nhau “nối nguồn Giêsu” như thế, chắc chắn quý cha sẽ kín múc được ơn sức mạnh từ Đấng đã sai mình, đồng thời, cũng nhận được sự trợ lực thiêng liêng từ cộng đoàn huynh đệ linh mục – những người cùng được sai đi.

Lm. AN NAM