Văn Hoá Ứng Xử Bài 41-45
BÀI 41
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – ỨNG PHÓ VỚI MIỆNG LƯỠI THẾ GIAN
- LỜI CHÚA : “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè : dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy : nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.”(Gc 3, 3-8).
- CÂU CHUYỆN : THÁI ĐỘ BA PHẢI CỦA ÔNG GIÀ HỌ MÃ.
Nhà họ Mã ngày trước chuyên nghề nuôi dạy ngựa và bán ngựa. Có một dạo gia đình ông suy sụp vì con trai bị bệnh nặng, ông đã vét hết tiền trong nhà tìm thầy chạy chữa mà bệnh vẫn không khỏi. Ông bán hết số ngựa nuôi để thang thuốc cho con và cuối cùng con ông khoẻ lại. Từ đó ông lại dành dụm được một số tiền.
Ngày nọ Mã ông nghe ở Hương Lâm có bán một giống ngựa quý, ông đến nơi đó xem tướng ngựa kỹ, thì biết đó là giống ngựa hay, thuộc loại Hoàng Phiêu, mặc dù có phần hơi gầy. Mã ông thích quá, nên chịu mua giá đắt. Ông về nhà bàn với con :
– Phụ thân đã xem và biết con ngựa đó tuy hơi gầy, nhưng thuộc giống Hoàng Tuyết Phiêu của người Khương rất quý hiếm. Nhà ta nếu gây được giống ngựa này thì chẳng mấy lúc sẽ có thể làm giàu ! Ngặt vì phải đi xa ngót ngày đường, qua đèo truông nhiều băng trộm cướp, nên con hãy đi chung với cha nhé.
Sau khi hai cha con họ Mã đến nơi thử ngựa và ngả giá xong, họ tra yên cương, rồi leo lên mình ngựa ra về, trong lòng vui mừng hoan hỉ.
Khi đi qua một làng kia, Mã ông cho ngựa đi nước kiệu, dân làng đón ông lại nói :
– Mã lão ! Ông là người nuôi ngựa, sao lại không thương ngựa ? Con ngựa gầy thế kia, còn cha con ông cọp ăn bảy ngày không hết, nỡ nào cả hai lại đè trên mình nó ?
Ông Mã nói với con :
– Họ nói phải đấy con ạ ! Vậy cha nhường cho con cưỡi và cầm giây cương cho.
Thế là một mình Mã công tử được ngồi ngựa, còn ông Mã đi bộ theo. Họ đi ngang qua xóm nhà khác. Bây giờ đã đến trưa nắng gắt, những người ngồi mát trên đường thấy cảnh cha con họ Mã như vậy, liền kéo ra đón đầu ngựa, xỉ vả người con :
– Ai dạy công tử về cách hiếu đạo như thế hả ? Con thì ngồi ngựa kênh kiệu, để cha chạy bộ theo đổ mồ hôi ! Qua cánh đồng kia có học hiệu Khổng Môn, chắc họ sẽ đánh cho công tử trào máu ra mất !
Mã công tử lật đật nhảy xuống ngựa, chắp tay thưa với cha :
– Họ nói phải đấy cha ạ ! Nãy giờ con đã khỏe rồi, cha hãy lên cưỡi nó cho đỡ mệt.
Người cha lên ngựa và đi ngang qua “Khổng Môn học hiệu”, một số học trò ở đó biết mặt ông già, chạy lại đón ông mà nói :
– Mã lão bá ! Lão bá lâu nay mạnh giỏi chứ ? Nghe nói lệnh lang lâu nay bị bệnh thập tử nhất sinh, nay vừa bình phục. Lão bá sao đành để lệnh lang đi bộ như thế ?
Mã lão nhảy xuống ngựa nhìn con rồi thì thầm :
– Kể ra họ nói cũng phải. Nhà mình không còn xa, cha con ta cùng dắt ngựa đi vậy.
Rồi cha con xuống ngựa dắt ngựa đi đến xóm khác, có ai đó nhìn ngựa rồi chửi :
– Đúng là hai cha con ngốc nghếch ! Đây là giống Hoàng Tuyết Phiêu, một loại thiên lý mã, mua về để cưỡi hoặc làm giống, nào phải mua về để thờ, sao lại không cưỡi ?
Cha con họ Mã thiếu điều muốn khóc. Lão nói với con :
– Cưỡi ngựa cũng bị chửi, mà không cưỡi cũng bị chửi ! Ta chịu hết nổi ! Thôi thả quách nó đi cho xong !
Hai người dắt đi một đoạn cho khuất mắt mọi người, rồi tháo cương, cởi yên, đánh một roi, ngựa dong tuốt vào rừng mất dạng. Về đến nhà, bà vợ nghe biết liền ra đón ngay từ đầu ngõ. Lão ông liền thuật lại đầu đuôi chuyện mua ngựa và chuyến đi về nhà. Bà vợ nghe xong liền đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa nói :
– Ngu ơi là ngu ! Có bao nhiêu tiền vét sạch hết đi mua ngựa, rồi lại thả cho ngựa đi mất ! Xưa bay ông không biết miệng lưỡi thế gian hay sao ? Việc mình mình làm, sao ông phải làm theo lời họ làm chi ? Rồi từ đây nhà mình lấy gì mà sống, lấy gì mà cưới vợ cho con hả ? Ngu ơi là ngu ! …
- SUY NIỆM :
– Người xưa có câu : « Ở sao cho vừa lòng người ? Ở rộng người cười, ở hẹp người chê ! » Trong câu chuyện họ Mã mua ngựa hay nói trên : Ông Mã hiền lành đến mức thiếu tự tin và không giữ vững lập trường. Đây là hình ảnh tượng trưng cho những con người « ba phải » và hành động thiếu nhất quán.
– Trong cuộc sống, người ta sẽ luôn có nhiều ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề được gọi là : “Chín người mười ý !”. Do đó, mỗi người cần có lập trường riêng của mình và sẽ phải chịu trách nhiệm về sự thành công hay thất bại của công việc, chứ không thể đổ lỗi cho ai khác được. Nếu không khôn ngoan như lão họ Mã hành động bất nhất : Lúc thì hai bố con đều cưỡi trên mình ngựa, lúc chỉ một người cưỡi, rồi lúc cả hai đều xuống ngựa để đi bên cạnh … Rốt cuộc lão đẫ đánh mất cả chì lẫn chài : Mất con ngựa quý khi sợ dư luận tiếp tục phê phán nên đã thả nó về rừng, và do đó còn cũng đánh mất luôn cả tình cảm tốt đẹp của bà vợ ở nhà nữa.
- SINH HOẠT :
Theo bạn, để thành công trong công việc, chúng ta nên có thái độ thế nào đối với những ý kiến phê bình đóng góp của nhiều người thân quen ? Tại sao ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi tín hữu chúng con biết khiêm tốn lắng nghe các ý kiến xây dựng của tha nhân về công việc chúng con đang làm, nhưng cũng biết khôn ngoan chọn phải làm gì hầu tránh rơi vào thái độ “bất nhất” “ba phải” do thiếu tự tin. Xin cho chúng con luôn biết khôn ngoan quyết định làm mọi việc cách công minh chính trực noi theo gương mẫu và lời dạy của Chúa. –AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 42
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – ỨNG XỬ VỚI DƯ LUẬN XẤU
- LỜI CHÚA : Một hôm, khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai? “Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Ê-li-a, có người lại cho là Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” (Mt 16,13-14).
- CÂU CHUYỆN : TÁC HẠI CỦA DƯ LUẬN.
MY-RI-AM là con gái của ông bà Si-ni-a-chie mà cả hai người đều là giáo sư. Vào tháng tư năm trước, khi thấy con có những triệu chứng khác thường, cha mẹ đã đưa con gái cưng đến khám tại một bệnh viện tư gần nhà. Sau khi khám xong, bác sĩ đã ghi vào bệnh án một lời nhận xét tỏ ý nghi ngờ bé My-ri-am có thể đã bị xâm phạm tiết hạnh. Sự việc đã mau chóng được tòa án địa phương đặt vấn đề và mang ra xem xét. Rồi tờ “Ngưòi đưa tin buổi chiều”, đã cho đăng một bài điều tra về sự kiện này. Dưới ngòi bút sắc bén của phóng viên, bé My-ri-am được mô tả như một nạn nhân tí hon rất đáng thương và cha của em mặc nhiên bị coi là một tên bạo dâm đáng nguyền rủa.
Tuy nhiên, vì chưa tìm được bằng chứng cụ thể để kết tội, quan tòa đành ra lệnh cách ly bé My-ri-am với cha mẹ của em và truyền cho một cơ sở y tế quốc gia thực hiện tái khám. Rồi một điều bất ngờ xảy ra : Kết quả lần khám nghiệm này lại khẳng định một điều khác hẳn : Bé My-ri-am thực sự đã không bị hãm hại, mà chỉ là nạn nhân của một loại thuốc cảm cúm do cha mẹ em đã vô tình cho em sử dụng. Sau đó bé My-ri-am đựoc tòa ra lệnh trả em về cho cha mẹ chăm sóc. Nhưng báo chí thì vẫn tiếp tục bôi nhọ danh dự của ông bố tội nghiệp. Do không chịu đựng nổi dư luận ác nghiệt, ông bà Si-ni-a-chie đã tạm thời đưa bé My-ri-am về quê hương tại đảo si-ci-le. Cũng tại nơi đây, các bác sĩ trong một bệnh viện nổi tiếng nhất vùng lại có cơ hội chẩn đoán bệnh tình của bé. Cuối cùng họ đã có kết luận dứt khoát là : bé My-ri-am đã bị ung thư và bệnh đang ở thời kỳ cuối cùng, chứ không bị xâm phạm tiết hạnh như người ta đã lầm tưởng trứơc đó. Kể từ ngày ấy, danh dự của ông bố mới được phục hồi. nhưng đồng thời. cha mẹ của bé My-ri-am cũng phải đối diện với một thực tế phũ phàng là đứa con gái cưng của họ không còn sống được bao lâu nữa. Một buổi tối nọ, bé My-ri-am không chịu ngủ trong phòng riêng, mà cứ nhất quyết đòi được nằm chung với cha mẹ. Đêm ấy bé đã vĩnh viễn ra đi trong vòng tay âu yếm và nỗi đau buồn thương tiếc của cha mẹ. Rồi cái chết của em đã biến thành một cơ hội sám hối tập thể của tòan thể nước Ý, giúp mọi người ý thức hơn về tác hại của dư luận tiêu cực trong xã hội.
- SUY NIỆM :
1) Sự hình thành nên dư luận :
Dư luận là một hiện tượng tâm lý, bắt nguồn từ một nhóm người, biểu hiện qua những lời phán đoán bình luận về một người hay một vấn đề nóng trong xã hội. Dư luận tốt và tích cực sẽ khích lệ người ta làm tốt hơn, đang khi dư luận xấu hoặc tin đồn nhảm lại làm mất danh dự, uy tín và gây hậu quả nghiêm trọng cho người bị hại, như trường hợp cha bé My-ri-am đã phải chịu đựng dư luận xấu gây ra hậu quả tai hại cho ông.
2) Sức mạnh của dư luận :
Dư luận một khi được các phương tiện truyền thông đại chúng tiếp sức sẽ biến thành công luận và thành sức mạnh ảnh hưởng to lớn, tác động sâu rộng đến ý thức và định hướng hành vi con người trong xã hội. Giáo Hội ngày nay ý thức được sức mạnh và ích lợi của các phương tiện truyền thông đại chúng, nên luôn khích lệ các tín hữu sử dụng internet như phương thế hữu hiệu để loan báo Tin Mừng và thành phương thế hữu hiệu đương đầu với các thế lực thù địch đang ra sức tấn công làm mất uy tín một số các mục tử trong Giáo Hội, đồng thời gieo rắc học thuyết sai lạc và những hình ảnh dâm ô trên các trang mạng xấu.
3) Cần phải làm gì ?
Khi bị kẻ xấu đưa tin lên báo, chúng ta nên xử trí cách khôn ngoan theo lời Chúa dạy như sau :
– Trước hết hãy xin Chúa Thánh Thần giúp suy nghĩ xem dư luận kia đúng sai thế nào ? Nếu dư luận có phần đúng, thì đó là tiếng Chúa nói với mình và cần phải cấp thời sửa đổi và nếu cần ta còn phải nói lời xin lỗi; Nếu dư luận dựa trên bằng chứng nguỵ tạo do kẻ ác ý cố tình gây ra hpặc do sự hiểu lầm thì cần khôn ngoan loại trừ nguyên nhân ấy. Hãy bình tĩnh tự nhủ : Chuyện đâu còn đó, không cần gì phải làm cho ầm ĩ. Sau một thời gian dư luận nguỵ tạo kia sẽ tự tan biến giống như bọt sà-phòng. Vì “cây ngay không sợ chết đứng”.
– Tránh thái độ ăn miếng trả miếng kẻ làm hại mình, nhưng hãy cầu xin điều lành cho kẻ thù ghét làm hại mình và lấy ơn báo oán để hóa giải hận thù như lời dạy của thánh Phê-rô : “Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc” (1 Pr 3,8-9)..
- SINH HOẠT :
Trong cuộc sống, bạn nên phản ứng thế nào khi nghe dư luận nói xấu bạn ? Bạn nghĩ thế nào về lối ứng xử nhẫn nhịn chịu đựng và sẽ lấy ơn báo oán theo gương Chúa làm và lời Chúa dạy ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Nhiều lần do bị tác động từ dư luận sai lạc mà chúng con đã vội hùa theo kẻ khác để lên án cách bất công cho người anh em vô tội. Từ nay chúng con quyết tâm sẽ không vội tin những lời nói hành nói xấu và không vội kết án người anh em, khi chưa nghe người bị nói xấu giải thích. Xin cho chúng con luôn biết xét đoán ý tốt cho nguời khác, để sau này chúng con cũng được Chúa thương xét xử khoan dung các lỗi lầm của chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 43
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI
- LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô dạy phải ăn ở khôn ngoan noi gương Đức Giê-su : “Đấng vốn giầu sangphú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em nên giầu có” ( 2 Cr 8,9).
- CÂU CHUYỆN : KẾT CỤC XẤU CỦA KẺ CÓ TÀI THIẾU KHÔN NGOAN :
“Có Tài mà cậy chi Tài. Chữ Tài liền với chữ Tai một vần…”.
– TÀO THÁO có thiết lập một sở hoa viên. Sau khi hoa viên hình thành, ông đến xem rồi không chê mà cũng chẳng khen, chỉ viết một chữ HOẠT rồi bỏ về, không ai hiểu ý ông muốn nói gì qua chữ đó ?
DƯƠNG TU thấy vậy liền nói : “Trong cửa mà viết chữ hoạt sẽ thành chữ khoát có nghĩa là rộng. Thừa tướng chê cửa nầy rộng”. Nói rồi ông lệnh cho thợ làm cửa nhỏ lại một tí. Tào Tháo đến xem, cả mừng hỏi : “Ai mà hiểu biết ý ta hay vậy ?”. Kẻ tả hữu thưa : “Ấy là Dương Tu”.
Tháo nghe nói thì tuy khen, nhưng lòng bắt đầu đố kỵ không thích Dương Tu...
– Lại có một ngày ở ngoài ải Bắc có người dâng một thố cơm rượu, Tháo bèn đề bên ngoài nắp thố mấy chữ : “NHỨT HIỆP TÔ“. Rồi cho để thố cơm rượu trên ghế.
Dương Tu vào thấy ba chữ ấy, liền dở nắp thố cơm ra, lấy muỗng múc mà chia cho mỗi người ăn một muỗng. Ăn rồi, Tháo thấy vậy liền hỏi : “Tai sao làm vậy ?”. Dương Tu thưa : “Trên thố ấy, Thừa tướng đã đề rõ ràng : “Nhứt hiệp tô”, nghĩa là “Nhứt nhơn nhất khẩu tô”, mỗi người một miếng cơm rượu, cho nên tôi vâng lời Thừa tướng cho mọi người ăn”.
Tháo khen, nhưng trong lòng đã bắt đầu thấy ghét Dương Tu…
– Tháo thường hay sợ thích khách, nên dặn kẻ hầu hạ rằng : “Khi ta ngủ, bây đừng lại gần, vì ta chiêm bao hay giết người”. Một ngày kia Tháo đương ngủ ngày, làm rớt chiếc mền xuống đất. Có một tên hầu vội lại gần lấy mền lên đắp lại. Tháo liền ngồi dậy rút gươm ra chém chết người hầu đó, rồi lại nằm xuống ngủ lại. Lát lâu sau mới thức thấy người hầu bị chết nằm đó liền giả đò thất kinh hỏi : “Ai đã giết kẻ hầu cận của ta ?”. Mấy người kia cứ sự thật trả lời. Tháo liền khóc ròng, sai người đi chôn cất tử tế, ai ai cũng đều tin rằng Tào Tháo thực đã giết người trong lúc chiêm bao. Riêng Dương Tu biết rõ lòng dạ Tào Tháo, nên khi chôn tên hầu cận, đã chỉ tay vào cái hòm nói : “Không phải thừa tướng chiêm bao, mà chính mi mới chiêm bao đấy !”. Tháo nghe biết Dương Tu nói vậy thì lại càng thêm giận ghét Tu.
– Tháo đóng binh nơi Tà cốc đã lâu ngày, muốn tấn binh thì bị Mã Siêu ngăn đón. Tiến tới thì không nổi, mà muốn lui binh lại e bị người nước Thục chê cười… Trong lòng do dự. Bấy giờ tới giờ cơm, người nấu ăn bưng lên một tô canh thịt gà. Tháo thấy có cái gân gà liền cầm lên ăn. Đang ngẫm nghĩ thì Hạ hầu Đôn bước vào xin cho mật lệnh để đi tuần đêm nay. Tháo liền ra khẩu hiệu : “Gân gà, gân gà”.
Hạ hầu Đôn vâng lệnh truyền cho các quan khẩu hiệu đêm nay là “gân gà”.
Hành quân chủ bộ là Dương Tu nghe vậy liền lệnh cho quân của mình sắm sửa hành trang chuẩn bị trở về. Có người vào báo cho Hạ hầu Đôn. Đôn cả kinh cho mời Dương Tu đến trại hỏi : “Sao ông lại khiến chuẩn bị đồ hành trang vậy ?”. Tu nói : “Cứ theo khẩu hiệu đêm nay của Ngụy Vương, thì ý Ngụy Vương sẽ cho lui binh nội trong ngày mai. Vậy tôi lệnh cho quân sĩ chuẩn bị trước để ngày mai khỏi chộn rộn”. Đôn khen : “Ông thật thông minh, hiểu thấu tim đen của Ngụy Vương“. Bèn khiến quân của mình cũng chuẩn bị sẵn hành trang.
Đêm ấy, Tào Tháo đi tuần qua các trại. Thấy trại Hạ hầu Đôn sắm sửa lo về. Tháo lấy làm lạ, đòi Hạ hầu Đôn lại hỏi. Hầu Đôn thưa : “Hành quân chủ bộ Dương Tu đã biết trước trong lòng của Đại Vương là muốn rút quân”. Tào Tháo cho đòi Dương Tu đến hỏi : “Sao mi dám bày điều làm loạn lòng quân ?“. Nói rồi bèn kêu đao phủ dẫn Dương Tu ra chém, lấy thủ cấp bêu lên làm hiệu lịnh ngoài cửa ngọ môn.
- SUY NIỆM :
– Câu Tào Tháo trách : “Sao dám bày điều làm loạn lòng quân”, chỉ là lấy cớ để đem Dương Tu ra chém. Sự thật ý chém Dương Tu đã ngấm ngầm trong lòng Tháo từ lâu rồi. Ngay buổi ban đầu, lúc sửa cửa ở hoa viên, cái thông minh của Dương Tu đã làm Tháo khó chịu… Từ ngày ấy Dương Tu đã tự lên bản án chém đầu mình rồi…
– Chẳng phải riêng gì Tháo, cái lòng đố kỵ ấy nó vốn ở trong thâm tâm của mọi người; không ai thích có người thông minh hơn mình, nhứt là họ lại hay khoe sự thông minh ấy cho nhiều người khác biết.
Thông minh như Dương Tu, thế mà lại không biết giữ cho mình được toàn mạng, thật không bằng một kẻ ngu dốt. Ngày nay có người nói : “Nhà buôn giỏi muốn giữ được đồ quý, thì cần làm như người không có gì... Người quân tử có thanh đức, cần khôn ngoan giấu dung mạo để nên giống kẻ tầm thường“.
- SINH HOẠT : Tại sao một người thông minh tài giỏi như Dương Tu rốt cuộc lại bị Nguỵ Vương Tào Tháo giết chết ? Bạn nên làm gì để tránh tai hoạ có thể xảy đến cho mình nếu thực sự bạn có những ưu điểm hơn người ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết khiêm tốn khi giao tiếp với tha nhân. Cho chúng con tránh thói thích “nổ” để khoe khang thành tích và sự tài giỏi của mình và muốn được nổi trội hơn kẻ khác. Vì đó là hành động thiếu khôn ngoan, tự rước tai hoạ về cho mình.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
PHÂN BIỆT KHÔN NGOAN VỚI THÔNG MINH VÀ LANH LỢI
THÔNG MINH là tiếp thu nhanh và thiên về học thức tại nhà trường.
Còn KHÔN NGOAN là hiểu biết và biết khéo xử lý các tình huống giữa đời thường.
“What is the difference between being wise, intelligent, and clever?”.
Để biết được sự khác biệt giữa 3 từ này, câu trả lời hay nhất như sau:
Trước mặt một nhóm người khôn ngoan, thông minh và lanh lợi là 3 cánh cửa, và những người này được yêu cầu lựa chọn cánh cửa nào họ cho là tốt nhất :
Cửa số 1 sẽ mang lại hạnh phúc.
Cửa số 2 sẽ mang lại kiến thức.
Cửa số 3 sẽ mang lại của cải.
– Người khôn ngoan chọn cánh cửa số 1 và không đòi hỏi gì thêm vì đối với họ : có hạnh phúc là sẽ có mọi cái khác.
– Người thông minh chọn cánh cửa số 2 để có kiến thức và họ sẽ làm việc chăm chỉ để kiếm được nhiều tiền để cuối cùng sẽ có hạnh phúc.
– Người khôn lanh chọn mở cửa số 3 để trước hết đổ đầy tiền vào túi mình, sau đó mở cửa số 2 để thu thập kiến thức, rồi tiếp tục mở cửa số 1 để có được hạnh phúc.
Tóm lại qua ví dụ thực tế này chúng ta thấy :
– Người khôn ngoan sẽ chọn giải quyết vấn đề nào quan trọng và cốt yếu nhất.
– Người thông minh sẽ sử dụng não bộ suy nghĩ để giải quyết vấn đề.
– Người khôn lanh sẽ sử dụng tài nguyên như phương thế để giải quyết vấn đề.
Người ta thường nói “Điện thoại thông minh” chứ không nói “điện thoại khôn ngoan hay điện thoại khôn lanh”.
Nếu trí thông minh cho thấy khả năng bẩm sinh của trí khôn có khả năng hiểu biết và tiếp thu kiến thức khoa học, thì sự khôn ngoan và khôn lanh lại sở hữu được qua các trải nghiệm trong cuộc sống.
Như vậy : Nếu bạn muốn tìm người nghiên cứu khoa học thì hãy chọn người thông minh. Nhưng nếu bạn muốn tìm người tư vấn về tâm lý thì đối tượng lựa chọn phải là người khôn ngoan. Còn nếu bạn tìm người làm cố vấn giúp bạn làm kinh tế thì người bạn cần chính là người khôn lanh. Không ai quan trọng hơn ai vì mỗi người đều có khả năng giúp bạn làm đúng theo từng yêu cầu.
Thực tế một số người có chỉ số thông minh cao (IQ – Intelligence quotient) :
Sẽ giúp bạn giải đáp được những bài toán khó nhất, nhưng lại không có khả năng giúp bạn sắp xếp công việc thường ngày như dọn nhà cửa, trồng cây…
Tại sao họ có IQ cao mà lại thiếu các kỹ năng cần dùng trong cuộc sống như vậy? Có thể do họ đã sớm biểu lộ khả năng tiếp thu kiến thức khoa học, nên cha mẹ đã định hướng để họ chuyên chăm con đường học vấn nghiên cứu khoa học. Họ có thể có bằng cấp cao hơn người khác, nhưng lại thiếu kỹ năng sống đời thường.
Trái lại, một số người tuy chỉ có số IQ trung bình và có học vị bình thường, nhưng lại có khả năng tự học và tiếp thu được nhiều kiến thức thực dụng, thu nhiều kinh nghiệm kinh doanh trong thương trường, nên đã trở thành chủ xí nghiêp giàu có. Đang khi người tuy có chỉ số IQ cao và sở hữu nhiều văn bằng đại học danh tiếng, nhưng lại thiếu kinh nghiệm kinh doanh thực tế, nên đành trở thành nhân viên dưới quyền của ông chủ xí nghiệp không bằng cấp.
BÀI 44
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – KHÔN NGOAN THỰC SỰ ĐÒI PHẢI KHIÊM HẠ
- LỜI CHÚA : Tác giả sách Châm Ngôn viết : Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán. Vì được khôn ngoan thì hơn được bạc, được hưởng lợi ích của khôn ngoan thì hơn được vàng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không bảo vật nào của con so sánh nổi. ( Cn 3,13-15).
- CÂU CHUYỆN : SỰ KHÔN NGOAN CỦA LƯU HUYỀN ĐỨC.
LƯU HUYỀN ĐỨC trong thời gian ở chung với Tào Tháo trong triều, luôn đề phòng để khỏi bị Tào Tháo ám hại. Mỗi ngày ông thường ra vườn sau nhà để trồng rau, và tự tay bón phân tưới cây như một người làm vườn… Hai em là Quan và Trương nói : “Sao anh không lo việc thiên hạ đại sự, lại học làm những việc của kẻ tiểu nhân là có ý gì vậy ?”.
Huyền Đức nói : “Điều ấy hai em không cần phải quan tâm”. Từ lúc đó hai người này không dám hỏi thêm điều gì nữa.
Ngày nọ, Huyền Đức đang tưới rau sau vườn thì có một vị tướng mang giấy của Tào Tháo đến mời ông cấp thời vào triều họp mặt. Khi gặp Lưu Huyền Đức, Tào Tháo liền cười bảo : “Ông ở nhà mà cũng làm được việc lớn sao !”. Huyền Đức nghe vậy cảm thấy lòng dạ bất an. Bấy giờ Tháo cầm tay Huyền Đức dắt ra sau vườn nói : “Huyền Đức làm vườn như vậy chắc là để tránh nóng nực phải không ?”. Huyền Đức nghe nói thế mới an lòng, liền đáp : “Do không có chuyện gì cần làm nên tôi ra làm vườn để giải khuây đó thôi !”.
Khi ra đến sau tiểu đình thì thấy đã có bày sẵn mâm bàn đồ ăn và chén đũa. Tháo nói : “Tôi thấy nhành mai đơm bông thì nhớ đến lúc đi đánh Trương Tú. Nay trông thấy cây mai này, tôi mới đặt rượu ngon, mời sứ quân đến chung vui”.
Hai người cùng ngồi ăn uống vui vẻ. Rượu vừa nửa chừng, bỗng đâu mây đen kéo tới và dông gió ào ào nổi lên. Quân sĩ chỉ lên trời nói với nhau : “Rồng lấy nước kia kìa !”. Tào Tháo và Huyền Đức cùng ra xem sự thể. Bấy giờ Tháo lên tiếng hỏi Huyền Đức :
– Sứ quân có biết rồng biến hóa ra sao không ?
Huyền Đức thưa :
– Chưa biết rõ lắm.
Tào Tháo nói :
– Tánh rồng lúc lớn lúc nhỏ, lúc thăng lúc ẩn; khi lớn thì làm mây mưa sa mù, khi nhỏ thì ẩn bóng giấu hình. Thăng thì bay tung nơi vũ trụ, ẩn lộn thì núp dưới ba đào. Nay lúc mùa xuân, rồng nương theo thời mà biến hóa, cũng như người đắc chí tung hoành trong bốn bể vậy. Rồng là một vật sánh được với bậc anh hùng trên đời. Huyền Đức từ lâu đã trải đi khắp bốn phương, có lẽ đã biết được các vị anh hùng trong đời này. Xin hãy chỉ ra thử xem.
Huyền Đức nói :
– Lưu Bị tôi có con mắt thịt, lẽ đâu biết được anh hùng.
Tào Tháo nói :
– Chớ khiêm nhường thái quá làm chi !
Huyền Đức nói :
– Tôi nhờ ngài giúp sức nên mới được làm quan tại trào, còn anh hùng trong thiên hạ, thật chưa hiểu biết được.
Tào Tháo nói :
– Tuy chưa biết mặt nhưng cũng phải biết danh chứ ?
Bấy giờ Huyền Đức mới chỉ ra Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Kiển Thăng, Tôn Bá Phù, Lưu Quí Ngọc… Nhưng nói tới ai thì Tháo đều lắc đầu, chê là bọn lục lục thường tài. Huyền Đức bèn nói :
– Ngoài bọn ấy, thì thật tôi không biết còn ai khác nữa.
Tào Tháo nói :
– Đấng anh hùng là người trong dạ có chí lớn, bụng có mưu hay, gồm giấu máy vũ trụ, có chí nuốt trời mửa đất, đó mới thật là anh hùng.
Huyền Đức nói :
– Ai mà được như vậy ? Tôi thực không biết.
Tào Tháo lấy tay chỉ Huyền Đức, rồi lại chỉ vào mình mà rằng :
– Nay đấng anh hùng trong thiên hạ thì theo thiển ý duy chỉ có sứ quân cùng Tháo này mà thôi.
Huyền Đức nghe nói liền thất kinh, đôi đũa cầm trong tay bị rớt xuống đất. Lúc bấy giờ trời đang mưa to, sấm sét nổ ầm ầm. Huyền Đức thủng thẳng cúi đầu lượm đũa lên mà rằng :
– Chỉ một tiếng sấm to mà tôi đã thấy sợ như vầy !
Tào Tháo cười nói :
– Đại trượng phu mà cũng sợ sấm sao ?
Huyền Đức nói :
– Thánh nhân nghe sấm to gió lớn mặt còn biến sắc. Lẽ nào tôi lại chẳng sợ sao ?
Tào Tháo nghe nói vậy thì mới cảm thấy yên lòng, không còn nghi Huyền Đức đang nuôi chí lớn. Mãn tiệc Huyền Đức từ giã ra về.
- SUY NIỆM :
Khi ba anh em gặp nhau, Huyền Đức đem chuyện làm rớt đũa nói cho hai em nghe. Quan Trương liền hỏi :
– Anh làm thế để làm gì vậy ?
Huyền Đức nói :
– Ta học làm vườn là có ý làm cho Tào Tháo nghĩ ta không có chí lớn. Chẳng dè Tháo lại gọi ta là anh hùng, nên ta thất kinh làm rớt chiếc đũa. Ta làm bộ nói do sợ khi nghe tiếng sấm... để Tháo khỏi nghi ta có tài trí đảm lược của bậc anh hùng. Nghe vậy, Quan Trương đều nói : “Anh thật cao kiến, chúng em không sao bì kịp ! “
Cũng nhờ biết khiêm tốn ẩn giấu tài trí như thế, mà Huyền Đức mới an toàn thoát khỏi tay Tào Tháo ám hại.
- SINH HOẠT : Bạn đánh giá thế nào về sự khôn ngoan của Lưu Bị khi nhiều lần cố tình che giấu chí lớn trước Nguỵ vương Tào Tháo, là kẻ vốn đa nghi và đang nắm quyền sinh sát trong tay ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết học tập sự khôn ngoan của người xưa là khiêm tốn để không phô trương tài trí hơn người hầu tránh hoạ sát thân. Xin cho chúng con luôn biết ứng xử khiêm hạ trong lời nói việc làm khi đối nhân xử thế, hầu tránh bị những kẻ quyền thế thù ghét làm hại.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
BÀI 45
VĂN HOÁ ỨNG XỬ – KHÔN NGOAN ĐỂ PHÒNG TRÁNH TAI HOẠ
- LỜI CHÚA : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng : “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !” Rồi ông ta tự bảo : “Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,16-21).
- CÂU CHUYỆN : ỨNG XỬ KHÔN NGOAN CỦA TÔN THÚC NGAO.
Hồ Khưu Trượng Nhân nói với Tôn Thúc Ngao : “Có ba điều chuốc oán, ông có hiểu không ?”. Tôn Thúc Ngao nói : “Tôi chưa được biết”. Trượng Nhân nói : “Tước vị cao thì người ta ganh. Quyền thế lớn thì người ta ghét. Lợi lộc nhiều thì người ta oán”. Tôn Thúc Ngao nói : “Nhưng không phải lúc nào cũng thế đâu. Tước vị của tôi càng cao, thì tôi càng xử nhún nhường hơn. Quyền thế tôi càng lớn, thì tôi càng ở khiêm tốn hơn. Lợi lộc tôi càng nhiều, thì tôi càng chia sớt cho người chung quanh hơn. Như thế làm sao tôi lại bị thiên hạ thù oán được ? “
Rồi khi Tôn Thúc Ngao bệnh nặng gần chết, đã kêu con trai lại gần trăn trối như sau : “Nhà vua muốn trả ơn ta bằng việc ban cho ta đất đai, nhưng ta đã chối từ. Nhưng sau khi ta chết, thế nào nhà vua cũng sẽ lại ban đất đó cho con. Ta không muốn con nhận những mảnh đất tốt. Nếu phải nhận thì giữa hai nước Sở và Việt có một quả núi đất không tốt, mà tên của nó cũng không đẹp. Con hãy xin vua ban cho được miếng đất ấy, thì sau này sẽ không lo bị dòm ngó“. Sau khi Tôn Thúc Ngao chết, Vua quả nhiên đã ban đất cho con trai ông. Anh con trai vâng lời cha dặn, chỉ xin vua ban cho miếng đất không tốt nói trên, và kết quả là con cháu sau này luôn giữ được mảnh đất ấy.
- SUY NIỆM :
Câu nói của Tôn thúc Ngao : “Tước vị của tôi càng cao, thì tôi càng xử nhún nhường hơn; Quyền thế tôi càng lớn, thì tôi càng ở khiêm tốn hơn; Lợi lộc tôi càng nhiều, thì tôi càng chia sớt cho người chung quanh hơn. Như thế làm sao tôi có thể bị thiên hạ thù oán được ? ” Đó là ba phương cách hữu hiệu để hoá giải những ganh ghét oán hận của những kẻ tiểu nhân, gây được thiện cảm với mọi người và sẽ thành công trong mọi công việc.
- SINH HOẠT : Bạn có đồng ý với cách Tôn thúc Ngao hoá giải nguy cơ bất lợi do tước vị cao, quyền thế lớn và lợi lộc nhiều gây ra hay không ? Tại sao ?
- LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Để hoá giải các nguy cơ bị những kẻ tiểu nhân ganh ghét làm hại, xin cho chúng con biết ứng xử khôn ngoan bằng lời nói việc làm khiêm tốn, khoan dung để nên con thảo luôn đẹp lòng Chúa Cha như Chúa khi xưa.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM
IQ VÀ EQ LÀ GÌ ? SO SÁNH KHÁC BIỆT GIỮA IQ VÀ EQ
- CHỈ SỐ IQ LÀ GÌ?
IQ là chữ viết tắt trong tiếng anh của INTELLIGENCE QUOTIENT, được hiểu là chỉ số thông minh của não bộ con người. Chỉ số IQ cao đồng nghĩa với việc một người có tư duy phản xạ nhanh nhạy.
Đối với người bình thường, chỉ số điểm IQ sẽ từ 85 – 115. Một số trường hợp vượt trội sẽ có IQ cao hơn. Khi có IQ cao người đó sở hữu một trí tuệ vô cùng tuyệt vời, họ có thể giải quyết được những vấn đề hóc búa trong cuộc sống mà không phải ai cũng làm được. Vì vậy những ai có chỉ số IQ cao rất dễ thành công trong học tập và sự nghiệp. Bên cạnh đó, do có thể thành công dễ dàng hơn mọi người nên trong một số trường hợp những người có IQ cao thường tự mãn và xem thường tha nhân nên không ứng xử thân thiện và không gây được thiện cảm của người khác.
- CHỈ SỐ EQLÀ GÌ?
EQ là chữ viết tắt trong tiếng anh của EMOTIONAL QUOTIENT, được hiểu là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh. Vì vậy EQ là chỉ số đo lường trí tuệ về cảm xúc của con người và là yếu tố quyết định hành vi của người đó.
Theo nghiên cứu, những người có EQ cao thường là những người có khả năng chịu được áp lực, bình tĩnh trước mọi tình huống. Họ còn là người giàu tình cảm, biết tiết chế cảm xúc của bản thân và dễ thông cảm với người khác.
Những ai có chỉ số EQ cao có cơ hội thành công trong cuộc sống xã hội hơn là trong tri thức nhà trường, nhờ lối sống lành mạnh và biết suy nghĩ, quyết định đúng đắn.
- SO SÁNH EQ VÀ IQ
EQ và IQ là hai thước đo chỉ số về cảm xúc và trí thông minh của một con người. Vậy sự khác nhau về EQ và IQ là gì ? Hãy cùng xem phân tích để so sánh.
3.1. Người có chỉ số IQ cao :
IQ là chỉ số thông minh của một người. Là thước đo đánh giá trí tuệ của người đó. Những ai sở hữu IQ cao sẽ có đầu óc vô cùng sáng tạo, do họ có lối tư duy rất logic, trí nhớ tuyệt vời, vì vậy mà những người IQ cao có thể tiếp thu và ghi nhớ mọi thứ rất nhanh trong một thời gian ngắn.
Nhờ có trí thông minh vượt trội nên người có IQ cao rất thành công trong việc học tập. Các công việc như: Nhà khoa học, bác học, nghiên cứu toán học, bác sĩ, kỹ sư, lập trình viên,… Là những lĩnh vực rất phù hợp với người có IQ cao, vì những công việc này cần biết tư duy logic mới có thể làm được.
Tuy nhiên, người IQ cao do quá tập trung vào công việc tư duy của mình và là người dễ thành công nên thường có thái độ quá tự tin và coi thường người khác. Vì vậy những người này thường không mấy thân thiện và dễ bị tập thể cô lập.
3.2. Người có chỉ số EQ cao :
EQ là thước đo chỉ số trí tuệ cảm xúc của con người. Khả năng của người sở hữu EQ cao là biết nhận định, kiềm chế cảm xúc của mình.
Nhờ vào khả năng quản lý tốt cảm xúc nên người EQ cao rất lạc quan và có thể chịu được áp lực cực kì tốt.
Công việc thích hợp dành cho họ là: Nhà văn, nhà triết học, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tâm lý, quản lý nhân sự, lãnh đạo,… Vì những công việc này cần sự kiên nhẫn và có khả năng định hướng được cho người khác.
Chỉ số EQ cao đồng nghĩa với việc họ giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, cảm thông giúp đỡ mọi người và được nhiều người yêu mến, tôn trọng. Cho nên người có EQ cao dễ thành công trong thực tế cuộc sống hơn là lý thuyết sách vở.
- GIỮA IQ VÀ EQ CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN?
EQ và IQ là hai yếu tố đều quan trọng và cần thiết đối với một người. Theo các chuyên gia, để trở thành một người thành công, chúng ta cần đến 80 % EQ và 20 % IQ. Chỉ số IQ cao sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình tư duy, tính toán chính xác. Nhưng chỉ số EQ cao sẽ giúp chúng ta bình tĩnh đưa ra những quyết định có tầm nhìn xa hơn, mang lại lợi ích thực sự lâu dài cho việc chung.
Khi đi xin việc nếu sở hữu IQ cao sẽ giúp bạn dễ dàng được thâu nhận. Nhưng để làm việc được bền lâu và ngày một thăng tiến thì lại rất cần đến chỉ số EQ.
Không phải bất cứ ai có IQ cao đều làm việc thành công, nhưng phải kèm theo có EQ cao, nghĩa là có khả năng thuyết phục dẫn dắt người khác theo mình.
Do đó không thể nói IQ hay EQ cái nào quan trọng hơn, mà cần biết cân bằng và sử dụng đúng khi nào cần có IQ và khi nào lại cần EQ. Điều này sẽ giúp bạn nên hoàn thiện và thành công trong cuộc sống.
SƯU TẦM