Vui Buồn Sau Kỳ Đại Hội
Olympic Paris 2024
Thế giới trong những ngày qua, ngoài chiến sự ở Ukraina và Nga cũng như là Israel và Trung Đông, cả thế giới hướng về kỳ đại hội thể dục thể thao Olympic diễn ta tại Paris nước Pháp. Trong những ngày đại hội này có nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng có nỗi buồn lẫn lộn.
Vui, vì đây là dịp quy tụ những con người giỏi nhất về thể dục thể thao trên toàn thế giới để tranh tài. Vui với những thành công của từng vận động viên, của từng đoàn thể dục thể thao và cũng là niềm hãnh diện của đất nước khi họ thi xuất sắc, đạt danh hiệu và được bước lên bục vinh quang nhận huy chương. Vui với những người hy sinh, tình nguyện, âm thầm phục vụ cho kỳ đại hội diễn ta tốt đẹp và bình an. Vui với những lời nói, cử chỉ, hình ảnh truyền cảm hứng tích cực cho khắp năm châu…
Buồn, vì qua kỳ đại hội Olumpic này, có nhiều điều tiêu cực xảy ra như: vận động viên sử dụng chất cấm, gian dối, phe nhóm, kỳ thị và đặc biệt là trong đêm khai mạc, ban tổ chức đã nhạo báng hình ảnh Bữa Tiệc Ly mà chính Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh thể. Buồn, vì có những động viên, phái đoàn và đất nước kỳ vọng nhưng rồi hoàn toàn thất vọng cụ thể như Việt Nam của chúng ta. Sau kỳ đại hội Olympic 2024, có nhiều bài viết đăng trên báo chính thống nói “đây là kỳ đại hội thất bại toàn diện”, và thậm chí có những bài viết ở các nước Đông Nam Á cũng giật tít về “sự thất bại thảm hại của đoàn thể dục thể thao Việt Nam” chúng ta. Vấn nạn đặt ra, tại sao thất bại như vậy? Có nhiều lý do, riêng tôi, xin chia sẻ ba lý do chính sau đây:
Trước hết, do cơ chế. Muốn phát triển một điều gì đó, chúng ta cần phải có tầm nhìn và chiến lược, phải có cơ chế tích cực, an tâm, an toàn cho vận động viên ở hiện tại và tương lai. Theo báo chí có những nơi tập luyện chưa thật sự tốt như khẩu phần ăn thiếu chất dinh dưỡng, môi trường đào tạo chưa hoàn toàn thuận lợi và cả dụng cụ, mái móc chưa tân tiến như các nước phát triển… Vì thế, chúng ta không thể nào bắt kịp thế giới!
Tiếp đến là do cá nhân. Vì nhận thức chưa cao, tâm lý chưa vững, trình độ còn thấp, thiếu cơ hội cọ xát với môi trường thế giới nên các vận động viên chưa nhận thức rõ sự thật về năng lực bản thân; Từ đó họ dễ ảo tưởng về chính mình… Theo tiến sĩ Thẩm Dương các bạn trẻ ngày nay sống ảo từ 60 đến 65%.
Sau cùng, là do thầy cô huấn luyện viên. Muốn có một vận động viên giỏi thì cần có người hướng dẫn giỏi. Huấn luyện viên cần có trình độ chuyên môn cao và có tâm, nhất là có tầm ảnh hưởng; Để họ không những truyền đạt chuyên môn mà còn truyền cảm hứng cho vận động viên. Cụ thể như bóng đá Việt Nam chúng ta, trải qua biết bao thời huấn luyện viên “Tây, Ta” nhưng mãi đến thời ông Park Hang-seo thì bóng đá nước nhà mới khởi sắc và ngang tầm một số nước Châu Á. Vậy, qua kỳ đại hội thể dục thể thao thế giới năm nay, chúng ta rút ra bài học gì? Chắc chắn với những ai quan tâm, họ sẽ có những bài học cụ thể. Riêng tôi, xin gợi lên vài tâm tình như sau:
Trước hết, là sự nhạo báng hình ảnh Bữa Tiệc Ly trong đêm khai mạc mà làm cả thế giới phản ứng, cụ thể là Tòa Thánh Vatican cũng ra thông cáo chính thức để phản ánh điều đó. Tuy nhiên, chính Tổng thống Pháp đã ca ngợi về “Văn Hóa Thức Tỉnh”. Một chút hiểu biết về đời sống đức tin của của người Ki-tô hữu ở các nước Châu Âu, cách riêng là Nước Pháp như sau: Ngày nay, trẻ em không còn học giáo lý ở các nhà thờ như Việt Nam chúng ta. Khi học ở trường học, các em có thể đăng ký hoặc không đăng ký học các môn về tôn giáo. Một khi được học về tôn giáo thì đa phần các em được học lý thuyết nhưng ít thực hành đức tin. Thậm chí những người dạy về tôn giáo chưa chắc họ đã thực hành và sống đạo. Nói cách khác, họ dạy về kiến thức tôn giáo nhưng không truyền đạt đức tin cho các em… Từ đó dẫn đến các Ki-tô hữu trẻ không đến nhà thờ, chỉ còn những người già, và dần dà nhà thờ đóng cửa, cuối cùng Giáo hội phải bán đi… Những người mua lại những nhà thờ đó để dùng vào các việc kinh doanh, buôn bán và thậm chí có những nhà thờ trở thành quán cà phê hay nhà hàng… Tuy nhiên, đó chỉ xảy ra một số nơi chứ không phải trên toàn thế giới!
Tiếp đến, Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo hội địa phương nói riêng, rất quan tâm đến giáo lý đức tin, đời sống Ki-tô hữu, nhất là việc siêng năng đi tham dự Thánh lễ và Rước lễ. Tuy nhiên, có nhiều đức cố Giám mục trước khi nằm xuống cũng như các đấng bậc đang phục vụ, rất thao thức về đời sống đức tin cho Giáo hội ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta không biết bảo vệ tốt, không có cách gìn giữ đúng mực và cũng không có phương hướng phát triển rõ ràng về giáo lý đức tin thì tương lai, có thể chúng ta cũng sẽ đi vào vết xe đổ của các nước phương tây!
Sau cùng, mỗi người Ki-tô hữu luôn ý thức rằng “đức tin là món quà vô giá mà Chúa ban tặng những không cho chúng ta”. Vì thế, từng Gia đình, Giáo xứ, Giáo hạt và Giáo phận cần có cách thức xứng hợp để làm cho kho tàng quý giá ấy phát triển (Mt 28,19-20) và trổ sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước (Gl 2,22-23). Trên hết là những “vận động viên được tuyển chọn” là các ứng viên giáo sĩ và tu sĩ tương lai; Cũng như các “huấn luyện viên” là những người dạy dỗ, rao giảng, hướng dẫn cần rút ra bài học từ đoàn thể thao nước nhà năm 2024 này; Hy vọng nhờ ơn Chúa trợ giúp chúng ta không cần những phương tiện tối tân nhưng cần sự dấn thân; Không cần những cơ chế sự đời nhưng cần nhìn ra thế giới rộng lớn bao la; Không cần quá “Tây Ta” nhưng cần bao la tình Chúa; không cần am tường về thế gian nhưng cần thấu hiểu đường lối và giáo huấn của Giáo hội qua Đức Giê-su Ki-tô; Để chúng ta siêng năng tập luyện các nhân đức, trau dồi kiến thức và những kỷ năng hữu ích hầu giúp chúng ta “thi đấu” tại các nhiệm sở, nơi phục vụ và đào tạo, để có thể gặt hái được nhiều “huy chương” đẹp lòng Chúa và Mẹ Maria.
Vui buồn đại hội thể thao
Thành công thất bại trước sau rõ ràng
Quan tâm đúng mực sẵn sàng
Kiên trì tập luyện vượt ngàn khó khăn.
Niềm vui phục vụ ân cần
Hướng dẫn dạy dỗ tăng phần yêu thương
Đức tin giáo lý dẫn đường
Thánh lễ đạo đức môi trường dấn thân.
Thực thi sống đạo muôn phần
Giúp ta tiến bước Thánh Thần dẫn đưa
Mỗi người gặp Chúa thân thưa
Con đây hoàn thiện dẫn đưa về trời.
Lm. Biển Xanh.