Đức Tin Giải Quyết Tất Cả

print

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM A-2020

Đức Tin Giải Quyết Tất Cả

Lm. Giuse Nguyễn

Sứ mạng của CG xuống thế làm người là để cứu độ con người. Ngài dùng chính cuộc sống, lời rao giảng, kể cả những dấu lạ, và nhất là cái chết của Ngài để loan báo về kế hoạch tình yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời quy tụ mọi người vào trong Hội Thánh Chúa. Trong 3 năm rao giảng công khai, CG đã sống giữa loài người, như mọi người và cho con người. Ngài quan tâm đến hết mọi người, nhưng đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi và cả người ngoại nữa. Những trang Tin Mừng không ít lần kể đến việc CG tới lui những vùng đất Samaria, Canaan…, những vùng đất của dân ngoại. Những cuộc gặp gỡ của CG không chỉ với những người Do Thái tinh tuyền, mà đó còn là viên đại đội trưởng ngoại giáo có đứa đầy tớ bị bệnh, người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, và hôm nay là với người đàn bà Canaan. Vì vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa không phải chỉ dành cho những người Do Thái tinh tuyền, mà còn cho tất cả mọi dân tộc, không phân biệt lương giáo, thành phần, giai cấp; miễn là họ tin Thiên Chúa có quyền năng cứu độ họ. Phụng vụ lời Chúa hôm nay làm nỗi bật lên những điều tôi vừa nói. Vì vậy tôi muốn chia sẻ với cộng đoàn đề tài: Đức tin giải quyết tất cả.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Trích trong phần thứ 3 gồm các chương 56-66 của sách tiên tri Isaia. Phần này được viết sau khi dân Israel thoát ách lưu đày của người Babylon và bắt đầu hồi hương trở về thánh đô. Phần được trích đọc hôm nay nói về việc Thiên Chúa muốn mở rộng dân của Chúa, để không chỉ là người Do Thái, mà cả những người lương dân cũng được gọi là dân của Chúa. Vì “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Tuy nhiên tiên tri Isaia cũng nói lên điều kiện để được gọi là dân của Chúa, đó là: “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh cũng trở nên tôi tớ của Người”.
  2. Đáp Ca: Tv.66 là một thánh vịnh tạ ơn, nhưng lời tạ ơn này khá đặc biệt vì tác giả mời gọi cả những người ngoại tạ ơn Chúa nữa: “Chư dân hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài”. Đồng thời tác giả cũng xin Chúa tỏ hiện ơn cứu độ cho mọi dân tộc, chứ không phải chỉ cho dân Do Thái: “Xin tỏ ra ánh tôn nhan Ngài, để trên địa cầu thiên hạ nhìn biết, cho chư dân được hưởng ơn cứu độ”.
  3. Bài Đọc II: Thánh Phaolô tự hào mình là tông đồ gốc dân ngoại và rao giảng cho dân ngoại, dù việc rao giảng của ông có làm cho những người Do Thái phân bì, thì ông cũng chấp nhận, miễn là dân ngoại được cứu độ.
  4. Tin Mừng: Để hiểu đoạn Tin Mừng này, cần nhắc lại là người Do Thái nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ ban ơn cứu độ cho dân tộc của họ mà thôi, chứ không ban cho dân tộc nào khác. Người đàn bà đến xin CG chữa cho đứa con gái của mình hôm nay là người đàn bà xứ Canaan, có nghĩa là một người ngoại giáo. Bà ta biết điều đó nên bà rất khiêm tốn. Bà nhìn nhận mình chỉ là một con “chó con”, không xứng đáng ăn bánh của chủ, nhưng chỉ đợi những mảnh vụn rớt xuống để “ăn mót” mà thôi. Điều đó thể hiện bà nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa, dù bà không đáng hưởng quyền năng đó vì nó chỉ dành cho người Do Thái, nhưng bà chỉ xin cho mình được “hưởng ké” chút đỉnh thôi cũng đủ rồi. Thái độ của bà ta đã đụng chạm được tới con tim nhân từ của Chúa, và Chúa đã sẵn sàng vượt qua mọi rào cản để chữa bệnh cho con gái của bà ta.

II. CẢM NGHIỆM LỜI CHÚA

Qua PVLC hôm nay cho chúng ta thấy tình yêu thương của Thiên Chúa không biên giới. Ngài muốn dành ơn cứu độ cho tất cả mọi người, miễn là họ chạy đến với Chúa, tin tưởng vào quyền năng và ơn cứu độ của Ngài. Sau khi đã tìm hiểu Lời Chúa, chúng ta hãy để cho Lời Chúa soi dẫn hầu chúng ta biết sống theo thánh ý Chúa.

  1. Chúng ta là dân ngoại…

Điểm thứ nhất mà tôi cảm nghiệm được từ bài Tin Mừng hôm nay, đó là chúng ta cũng là  dân ngoại vì chúng ta không phải là người Do Thái tinh tuyền. Hơn nữa, nghĩa bóng của từ dân ngoại còn là những người chưa biết Chúa. Điều đó ám chỉ cả những yếu kém trong đức tin, trong sự hiểu biết về Chúa, trong nỗ lực tìm Chúa nhưng không gặp. Với nghĩa bóng, chúng ta cũng thường xuyên là dân ngoại, vì đức tin của chúng ta còn yếu kém lắm; vì chúng ta chưa biết về Chúa bao nhiêu; vì chúng ta vẫn miệt mài tìm Chúa, nhưng lắm lúc chúng ta cảm thấy Chúa như ở đâu xa vời… 

  1. …Nhưng đối xử với người khác như kẻ được tuyển chọn

Điểm thứ hai tôi cảm nghiệm được từ bài Tin Mừng hôm nay là nhiều khi tôi đối xử với người khác như họ là một “người ngoại” còn tôi là người “đạo gốc”, người được Thiên Chúa chọn gọi một cách đặc biệt. Nhiều khi tôi cảm thấy mình đầy đủ mọi thứ, có khi về đời sống thiêng liêng, có khi về đời sống vật chất nên tôi có thái độ trệch thượng với người khác. Cách đối xử như vậy cũng giống với thái độ của những người Do Thái, họ tự hào mình là dân tộc được tuyển chọn, còn người khác là “con chó”.

  1. Đức tin giải quyết tất cả

Điểm thứ ba mà tôi cảm nghiệm được, đó là đức tin sẽ giải quyết tất cả. Trong tất cả những phép lạ Chúa làm, dĩ nhiên trước hết xuất phát từ tình yêu thương của Chúa. Nhưng tình yêu thương đó bị lay động bởi thái độ đức tin của con người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi người đàn bà Canaan van xin: “Lạy Con Vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi”, nhưng CG vẫn ngồi yên đó, không nói lời nào. Chính các môn đệ còn phải nóng lòng đến nói với Chúa: tội nghiệp bà ấy quá Thầy ơi, làm ơn cho bà về đi! CG cũng chưa chịu làm, mà nói một câu có vẻ nặng nề quá: “Không nên lấy bánh của chủ mà quăng cho chó”, đồng nghĩa với việc người ngoại không được hưởng ơn cứu độ. Nếu là chúng ta chắc có lẽ chúng ta bỏ về rồi, nhưng người đàn bà này thì không, bà ta nói: “Chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn rơi xống”.  Nghe điều đó, CG phải thua bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”. Vì vậy, đức tin sẽ giải quyết tất cả.

III. SỐNG LỜI CHÚA

Từ những cảm nghiệm đó, chúng ta sống Lời Chúa cụ thể như thế nào đây?

  1. Nỗ lực tìm Chúa

Khi ý thức không ai trong chúng ta thuộc dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn là dân Do Thái, nhưng đều là dân ngoại được Thiên Chúa chọn gọi nhờ tình yêu thương không bờ bến của Ngài, chúng ta hãy nỗ lực tìm kiếm Chúa trong suốt cuộc đời chúng ta. Không bao giờ cảm thấy đủ trên con đường tìm kiếm Chúa. Khi càng có Chúa, chúng ta càng cảm thấy thiếu, càng cảm thấy khao khát Chúa hơn, đúng như Lời Chúa đã nói: “Ai có sẽ được cho thêm”. Đây là kinh nghiệm của những vị thánh, điển hình là thánh Augustino, khi ngài nói: “Lạy Chúa, linh hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa mà thôi”,  nghĩa là cho đến chết. Đó còn là kinh nghiệm của rất nhiều người sống gắn bó với Chúa, họ nói càng đến với Chúa, họ càng cảm thấy mình cần Chúa. Vì vậy, không lạ gì hình ảnh của những cụ già buổi sáng đến nhà thờ, buổi trưa đến nhà chầu, buổi chiều đi thăm người bệnh, buổi tối ở đài Đức Mẹ…Tôi khâm phục những con người như thế. Những hình ảnh đó phải là gương mẫu cho đời sống kitô hữu của chúng ta.

  1. Nâng đỡ đức tin cho người khác

Từ việc ý thức mình cũng là dân ngoại theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nên hãy biết cám ơn Chúa về đời sống đức tin của chúng ta, vì “ tôi có là gì cũng nhờ ơn Thiên Chúa”, đồng thời phải biết nâng đỡ đức tin cho người khác, hay ít nhất là tránh làm gương mù gương xấu cho những người xung quanh, nhất là với những người còn yếu kém trong đức tin.

Có nhiều cách để nâng đỡ đức tin cho người khác: Chia sẻ  những gì mình cảm nghiệm được trong đời sống đạo; an ủi, khích lệ khi anh chị em mình gặp những khó khăn, thử thách; rủ rê, lôi kéo họ đến với Chúa… Còn nếu chúng ta không thể làm gì để nâng đỡ đức tin cho anh chọ em của mình, thì ít ra cũng đừng làm gương mù gương xấu cho họ. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo dân ở thành Côrintô để nói về vấn đề ăn đồ cúng. Các kitô hữu đầu tiên cho rằng ăn đồ cúng là hiệp thông với ngẫu tượng, với các thần minh. Nhưng Ngài nói, ngẫu tượng chẳng là gì và không có thần nào khác ngoài Thiên Chúa, vì vậy ăn đồ cúng chẳng có tội gì cả. Tuy nhiên có những người mới theo đạo nên đức tin của họ còn yếu kém, vì vậy thánh Phaolô quyết định: “Nếu ăn đồ cúng mà làm cớ cho anh chị em tôi vấp ngã thì tôi sẽ không bao giờ ăn nữa”.

  1. Tin vào Chúa

Cuối cùng, để sống lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy noi gương người đàn bà xứ Canaan để hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào Chúa. ĐGH. Benedicto 16 trong những bài giáo lý gởi các gia đình nhân Đại Hội Gia Đình Thế Giới sẽ diễn ra vào năm 2012 tại Ý, ngài nhấn mạnh đến việc sống đức tin trong các gia đình. Ngài nói tìm kiếm một gia đình luôn đi trong ánh sáng, luôn gặp trời yên bể lặng trong xã hội ngày hôm nay là một điều không thể, chính gia đình Thánh Gia ngày xưa cũng đã phải đi trong đêm tối, cũng phải gặp sóng gió phong ba. Vì vậy các gia đình chỉ có thể sống trong ánh sáng đích thực là chính Chúa, dù họ đang đi trong bóng tối cuộc đời; chỉ có thể đi trong trời quang mây tạnh là bình an của Chúa dù họ đang gặp sóng gió phong ba. Muốn như vậy họ phải  nhìn và giải quyết mọi vấn đề với cái nhìn đức tin. Quả thật, chỉ có đức tin mới có thể giải quyết mọi vấn đề mà thôi.

Xin ơn Chúa giúp để chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, đủ để chúng ta vững tin vào Chúa cả trong những lúc bình an và nhất là những lúc gặp nguy nan, thử thách; và cũng đủ để chúng ta có thể nâng đỡ đức tin của anh chị em mình. “Lạy Con Vua Đavit, xin dủ lòng thương xót chúng con.” Amen.