Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 5 Mùa Chay, Năm B

Các bài đọc hôm nay tập chú vào cái chết đang đến gần của Chúa Giêsu mà thánh Phaolô coi là lễ hiến tế còn Gioan cho là giờ Người “được tôn vinh”. Các bài đọc cũng đưa ra cho chúng ta một thách thức. Giống như Chúa Giêsu được vinh quang nhờ hiến dâng mạng sống mình cho người khác, thì chúng ta cũng vậy, nếu muốn được vinh quang cùng với Chúa Phục sinh, chúng ta cũng phải chết đi cho chính mình và hết lòng yêu mến anh chị em của chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 1: Gr 31,31-34

Giao ước mới

Đối với các Kitô hữu, bài đọc sách ngôn sứ Giêrêmia có thể được gọi là đỉnh cao của Cựu Ước. Đó chắc chắn là đỉnh cao của lịch sử Israel mà chúng ta đã theo dõi trong các bài đọc thứ nhất của các Chúa nhật Mùa Chay. Cuộc lưu đày sang Babylon coi như đã chặn đứng con đường Israel tiến tới. Họ đã mất vua, quê hương, đền thờ và nền phụng tự. Họ đã bất trung với Chúa của họ một lần nữa nhưng lại quá thường xuyên, và cuối cùng giao ước đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, nghịch lý thay, đây lại là thời điểm để hướng tới, thời điểm đưa Israel trở thành một tôn giáo thế giới, qua đó toàn thể nhân loại có thể hưởng nhờ ơn cứu rỗi đã được hứa với Ápraham. Giao ước cần phải được đổi mới, không phải như trước đây, phụ thuộc vào các định chế, Luật pháp và các cuộc tế tự của Israel, nhưng mở ra cho mọi cá nhân, vạch ra một cam kết cá nhân với Chúa, được viết trên trái tim con người. “Không cần mọi người dạy bảo nhau”? Đúng vậy, tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải học hỏi lẫn nhau và đón nhận những hướng dẫn của Giáo hội, nhưng mối dây liên kết giữa Thiên Chúa và cá nhân, không còn bị ràng buộc vào những định chế của con người nữa. Đây là “Giao ước trong máu Thầy đổ ra để tha thứ mọi tội lỗi” mà Chúa Giêsu nói đến trong Bữa Tiệc Ly. Người muốn nó được chuẩn nhận trong máu của mình, như giao ước đầu tiên được đón nhận bằng máu của sự hiến tế các con vật. Sự tha thứ mà giao ước này mang lại là sự tha thứ cuối cùng, dội lại những lần Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho dân Israel qua các thời đại.

 

ĐÁP CA: Tv 51

Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng

Thánh vịnh này được gán cho Đavít, là một ví dụ sống động về lòng thống hối chân thành, và về niềm xác tín của tác giả thánh vịnh rằng Thiên Chúa nhân từ luôn sẵn lòng ban ơn tha thứ. Người ta cũng tự hỏi có phải Đavít nghĩ về tội lỗi của vua Saun dẫn đến việc ông bị Thiên Chúa từ bỏ không? (1 Sm 15) Đó là một kinh nghiệm đau đớn, để lại trong lòng Saun một khoảng trống rỗng và sự đau khổ lớn lao. Lời ngôn sứ Samuen lên án những lễ vật bất xứng của Saun trong 1 Sm 15, 22-23 cũng thấy được so sánh với định nghĩa về hi lễ đích thực trong Thánh vịnh 51,16.

Trong những câu mở đầu, tác giả thánh vịnh cảm nhận được sức nặng tội lỗi của mình. Ông khóc than xin Chúa thương xót và tha thứ (cc. 3-4). Trong câu 5, ông đã tỏ lộ tâm tình thống hối sâu thẳm của lòng  mình bằng cách nhận trách nhiệm về tội mà ông thú nhận là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Chấp nhận trách nhiệm là một hành động cần thiết của sự thống hối đích thực. Trong các câu 12-13, lời van xin lòng Chúa thương xót của tác giả thánh vịnh vượt ra ngoài lời ông thú nhận tội lỗi. Ông cầu xin Chúa đổi mới nội tâm của mình để ông có thể trở lại mối tương giao với Chúa và được luôn duy trì sự hiện diện của thần khí thánh ở với ông. Trong câu 14, tác giả thánh vịnh nói về ơn Chúa cứu độ; đó là món quà của sự sống mà Thiên Chúa nắm giữ và sẵn lòng ban tặng cho những ai lạc bước nhưng biết mau mắn trở lại cùng Ngài. Đó là một ơn ban mà các ngôn sứ đã nói tới và là một quà tặng của Giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ thực hiện với dân Ngài (x. Gr 24, 7; 31, 33; Ed 25-27) trong thời đại của Đấng Messia. Cuối cùng, trong câu 17 tác giả bày tỏ niềm vui của mình khi lớn tiếng ngợi khen Chúa vì Ngài đã phục hồi và ban ơn cứu độ.

 

BÀI ĐỌC 1: Hr 5,7-9

Lời khẩn nguyện của Chúa Giêsu

Bài đọc thứ hai là trọng tâm của Thư gửi tín hữu Hípri nói về chức tư tế của Chúa Kitô. Ở đây, tác giả chuẩn bị cho chúng ta cử hành cuộc Thương Khó sắp tới bằng cách suy ngẫm về khía cạnh kép của cơn sợ hãi và nỗi đau khổ của con người Chúa Giêsu, và sự vâng phục trọn vẹn, đầy yêu thương của Người. Bản văn nói rằng lời cầu nguyện của Người đã được nhậm lời. Lời cầu nguyện nào? Không phải lời cầu nguyện để được thoát chết, vì lời cầu nguyện ấy không được lắng nghe. Đúng hơn đó là lời cầu nguyện sâu xa hơn, lời cầu nguyện từ đáy lòng của Chúa là khát khao cháy bỏng thiết lập vương quyền Thiên Chúa trong lòng con người, đem lại hòa bình giữa trời và đất qua sự vâng phục hoàn hảo của Người. Sau đó, Người đã “học được sự vâng phục qua đau khổ” như thế nào? Mầu nhiệm về Thập giá Chúa Giêsu là tại đây Người đạt đến sự vâng phục hoàn hảo đối với Cha Người, hiến dâng mọi sự theo ý muốn của Cha. Toàn bộ cuộc đời và sứ vụ của Người đã được dành để thi hành ý muốn của Cha, để thiết lập Vương quyền của Cha trên mặt đất. Bây giờ nó đạt đến điểm cao nhất. Sự vâng phục hoàn hảo của Người đã chế ngự và xóa bỏ sự bất tuân của Ađam, tức là sự bất tuân nguyên mẫu của cả loài người. Vì vậy, bằng cách chấp nhận thất bại, đau đớn và sỉ nhục, Người đã giành được cho mình và cho tất cả nhân loại chiến thắng, hạnh phúc và ơn huệ vinh quang.

 

TIN MỪNG: Ga 12,20-33

Hãy trở nên hạt lúa gieo vào lòng đất

Bài đọc bắt đầu với một thông tin về việc có một số người Hy Lạp lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa. Danh tính của những người này không được rõ ràng. Vì họ đến thành thánh để thờ phượng trong buổi lễ, họ có thể là người Do Thái nói tiếng Hy Lạp. Không rõ từ bản văn gốc họ đến để thờ phượng Chúa hay chỉ đi cùng với những người tín hữu. Nếu là trường hợp thứ hai, họ có thể là những người mới nhập đạo hoặc chỉ đơn giản là những doanh nhân đi tìm cơ hội làm ăn, họ biết rằng những đám đông tụ tập trong cuộc lễ sẽ là những khách hàng tiềm năng cho một loại hình kinh doanh nào đó.

Điều quan trọng cần lưu ý là bản văn không gợi ý cho thấy có hoạt động lôi kéo nào cả. Chính Chúa Giêsu và bất kỳ môn đệ nào đều không đi đến những người Hy Lạp này. Họ đã tự mình đến. Đề cập đến Philípphê, Anrê và Bếtsaiđa đều cho thấy ảnh hưởng của tiếng Hy Lạp thời bấy giờ. Mặc dù là người Do Thái, cả hai người môn đệ đều có tên Hy Lạp; mặc dù Bếtsaiđa là một tên tiếng Sêmit, bản thân thành phố này chỉ nằm bên kia biên giới trong lãnh thổ người dân ngoại. Đề cập đến người Hy Lạp ở đây hàm ý bao gồm cả thế giới dân ngoại trong cuộc cứu thế do Chúa Giêsu sắp thực hiện. Chúa Giêsu trả lời thông tin của Philípphê và Anrê về người Hy Lạp bằng một thông báo: Giờ của Người đã đến!

“Giờ” này là giờ Chúa Giêsu được tôn vinh (c. 23), nhưng cũng là giờ mà Người sợ hãi (c. 27). Đó là thời điểm cho cả cuộc khổ nạn và sự vinh thăng Người. Trên thực tế, mối tương quan giữa cuộc khổ nạn và sự tôn vinh được thể hiện qua hình ảnh mà Người sử dụng để mô tả số phận của mình (c. 24). Chỉ thông qua thái độ sẵn sàng từ bỏ một dạng sống này thì mới có thể có hy vọng cho một dạng khác. Điều này đúng đối với hạt lúa mì và đối với chính sự tồn tại của cuộc nhân sinh. Thành ngữ tiếng Sêmit “Con Người” dùng để chỉ một nhân vật tiêu biểu, người sẽ khai mở thời đại cuối cùng (x. Đn 7,13-14). Sự nhắc đến hình tượng này ở đây cho thấy rằng biến cố tôn vinh Chúa Giêsu mở đầu cho thời đại cuối cùng.

Đề cập đến cái chết và kết quả sau đó không chỉ áp dụng cho hoàn cảnh của Chúa Giêsu mà còn áp dụng cho những người bước theo Chúa. Họ cũng phải sẵn sàng chết để được sống. Các từ “yêu quý” và “coi thường” cho thấy cần phải có một sự lựa chọn ở đây. Mặc dù những từ ngữ này có ý nghĩa rất mạnh đối với chúng ta, nó chỉ thể hiện hai thái độ tương phản và do đó ngụ ý sự ưu tiên mà thôi. Các môn đệ, những người phục vụ Chúa Giêsu phải lựa chọn. Nếu họ theo Chúa Giêsu trong cái chết của Người, họ sẽ được thông phần vào sự tôn vinh cùng Người.

Cuộc đấu tranh nội tâm mà Chúa Giêsu trải qua được bày tỏ trong lời cầu nguyện của Người. Người có nên cầu xin được bảo vệ khỏi giờ đau khổ/ tôn vinh này không? Nhưng đó lại chính là giờ phút này Người phải bước vào cõi thế gian. Do đó Người chấp nhận. Người cầu nguyện để Danh Cha được tôn vinh, và chính Chúa Cha được tôn vinh. Có vẻ như sự tôn vinh danh Thiên Chúa sẽ được hoàn tất qua cái chết và sự giương cao chính Chúa Giêsu.

Câu trả lời của Chúa Cha hướng đến Chúa Giêsu (c. 28), nhưng dành cho đám đông (c. 30). Điều ấy là nghịch lý nhưng lại thật hiển nhiên. Mọi người nghe thấy điều gì đó, nhưng họ không chắc nghe thấy rõ. Một số người tin rằng đó là tiếng sấm; những người khác nghĩ rằng một thiên thần đã nói chuyện với Chúa Giêsu. Không ai nhận ra rằng đó là tiếng nói của Chúa Cha, và dường như họ cũng không hiểu được ý nghĩa của những lời được nói ra. Họ tin rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã được đón nhận từ trời cao, mặc dù họ không hiểu chi tiết cụ thể của câu đáp trả đó.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

GLHTCG 606-607 : Cuộc đời của Đức Kitô, hiến lễ dâng lên Chúa Cha

GLHTCG 542, 607 : Đức Kitô khát mong trao ban sự sống để cứu độ chúng ta

GLHTCG 690, 729 : Thánh Thần tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha

GLHTCG 662, 2853 : Đức Kitô được tôn vinh là chiến thắng của chúng ta

GLHTCG 56-64, 220, 715, 762, 1965: Lịch sử các giao ước

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung